Thư gởi Mẹ

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

          Thưa Mẹ muôn vàn kính yêu,

            Con xin được chia sẻ trước niềm vui của mẹ nhé : qua lá thư này con muốn chúc mừng mẹ nhân kỷ niệm lần thứ 80 ngày sinh của mẹ. Con nhớ rất rõ đó là ngày 24 tháng 9, và con hy vọng rằng vào đúng ngày hôm đó mẹ sẽ nhận được một món quà kỷ niệm và một kỷ niệm khác nữa từ nơi đây có thể sẽ đến với mẹ trước đó ít bữa, nhưng điều đấy chẳng quan trọng nhiều đâu mẹ ạ. Dù có thế nào đi nữa, thì ngày 24 này con sẽ luôn nghĩ tưởng về mẹ và sẽ dâng Thánh lễ tạ ơn theo ý mẹ muốn. Mẹ đã tám mươi tuổi rồi đấy, nhưng không, thực sự mẹ chẳng có vẻ gì là đã tám mươi tuổi cả. Mẹ quả là người có nghị lực phi thường, nhưng mẹ lại ít dành nghị lực đó cho riêng bản thân mẹ, như những người cao tuổi vẫn thường sống như vậy, mẹ sống cởi mở và hào hiệp với hết mọi người, đặc biệt là với những người trẻ, họ cảm thấy điều đó thật tuyệt vời biết bao ! Ngay cả trên bình diện thể lý cũng vậy, dù sau khi đã phải chịu đựng biết bao nhiêu điều mà mẹ đã phải gánh vác, và đã làm việc như mẹ đã từng làm việc trong suốt nhiều năm trường, sau khi trải qua những lần đau bệnh và dù chỉ được chữa trị đôi chút, nhưng thật ngạc nhiên như thể là mẹ vẫn còn mạnh mẽ phi thường, và nói chung bất chấp vô vàn nỗi nhọc nhằn và tai hoạ, mẹ vẫn chẳng có vẻ gì là “đuối sức cả”.

Nếu con phải chúc mừng mẹ trước như thế này, thì đó là bởi vì con sẽ vắng mặt từ ngày 12 đến ngày 20 hoặc 22. Con đã được các tu sĩ Dòng Biển Đức (gần Bath, thuộc miền Tây, không xa Bristol[2]) tha thiết mời nói chuyện. Cuối cùng thì con chọn giải pháp bằng cách đi đến đó, dù chẳng vui vẻ lắm đâu, nhưng cũng phải biết điều một chút mẹ a... Nếu con phải gởi thư trước cho mẹ thế này cũng là để con có thể đến đó nói chuyện dông dài sớm hơn một chút. Con không phải là người có khuynh hướng thổ lộ hết những suy nghĩ riêng tư của mình ; có thể điều đó là không đủ. Kinh nghiệm của sáu tháng lưu đày, rồi một tháng tại Pháp, trong đó có mười ngày tại Sedan, rồi sau đó là một cuộc lưu đày mới, đã đưa đẩy con đến chỗ nói ít đi.

Trước khi con rời Saulchoir, chị Mimi[3] cũng đã gởi cho con một lá thư khá mơ hồ, con chẳng thể hiểu được ý nghĩa cũng như những ám chỉ của lá thư đó. Ngay khi thông qua một Đức ông hay một người nào đó mà em họ của người ấy là cháu gái vị thư ký của Đức ông, chị Mimi đã cố gắng đưa ra những chỉ bảo và những lời khích lệ, vậy mà con chẳng biết gì hết. Nhưng tất cả những điều đó không đáng tin cậy lắm đâu.

Người ta chẳng bao giờ nói cho con biết những nguyên nhân, nhưng con tin rồi con sẽ hiểu được thôi. Những điều người ta đã có thể trách cứ con thật chẳng đáng là gì cả. Phần lớn thời gian, người ta vẫn thừa nhận những điều ấy, đường hướng sau chỉ là đem đến những giải pháp thoả đáng nhất cho những vấn nạn mà đường hướng trước đã có thể nêu lên. Cơ sự thế này không phải là do những gì con đã có thể phát biểu sai trái (dưới mắt họ), khiến họ hiểu không đúng và có cái nhìn không thiện cảm đối với con, nhưng là vì con đã nói lên những điều mà họ không thích người khác phát biểu. Điều đó đã làm đụng chạm đến nhiều vấn đề trong khi con lại không chịu khuôn mình vào một đường hướng duy nhất mà họ muốn áp đặt cho cung cách hành xử của toàn thể Ki-tô hữu và đó là : không được suy tư, và cũng không được phát biểu gì hết, đã có một Đức giáo hoàng suy nghĩ tất cả, nói tất cả rồi, và toàn thể đặc tính Công giáo cốt ở chỗ tuân phục Đức giáo hoàng. Họ muốn trở thành những người tuyệt đối duy nhất, ngoại trừ một phạm vi tự do chật hẹp nào đó trong những vấn đề không hệ trọng bao nhiêu, và họ cũng muốn rằng người khác chỉ tuyệt đối lặp đi lặp lại và hợp xướng cho thật hay những effata[4] của họ, bằng cách hô vang lên : Những điều này quả là thiên tài, tuyệt vời quá! Người ta đã gán cho con nào là có nhiều người lắng nghe, nào là có một tầm ảnh hưởng mà con biết rất rõ là con chẳng bao giờ có cả. Chỉ vì họ không muốn những điều đó thôi.

Đức giáo hoàng hiện thời, đặc biệt kể từ năm 1950, đã khai triển mạnh mẽ một chế độ theo kiểu chủ nghĩa gia trưởng được xây dựng căn bản trên điều này là : Đức giáo hoàng, và chỉ duy một mình ngài, là người nói với toàn thể thế giới và riêng từng người những gì họ được quyền suy nghĩ và họ phải thực hiện như thế nào. Ngài muốn hạn chế các thần học gia chỉ đóng vai trò chú giải những điều Ngài đã phát biểu và đặc biệt là không được có ý định suy tư về một vấn đề nào đó, hay tiến hành thực hiện bất cứ một điều gì ngoài việc chú giải này: ngoại trừ việc con cứ phải lặp đi lặp lại những vấn đề chẳng quan trọng gì, trong một giới hạn chật hẹp đã được xác định và được giám sát cẩn trọng.

Các tu sĩ Đa-minh đã bị sách nhiễu và bị buộc phải rút vào yên lặng – đó cũng là một Giáo hội yên lặng, theo cách thế của mình (sic[5]) – bởi vì các tu sĩ Đa-minh đã là những người duy nhất có một thái độ tự do nào đó trong lãnh vực tư tưởng, nghiên cứu và phát biểu. Hẳn nhiên, vấn đề ở đây chỉ là sự tự do trong những gì chính thống, mà chính thống thì những nguồn của nó cũng lại là Kinh Thánh, Giáo phụ,...Trách móc đầu tiên họ nhằm vào con có lẽ là vào khoảng năm 1938 hoặc 1939 ; khi ấy cha P. Gillet đã nói với con : Người ta trách cứ cha vì cha đã cổ võ việc trở về (hay cầu viện đến) các nguồn[6]. Và chắc hẳn, cũng có nhiều người khác ngoài chúng con đang sống và làm việc trong chiều hướng này. Vâng chắc hẳn là như vậy rồi ! Có rất nhiều người, và có thể càng ngày càng nhiều hơn nữa. Nhưng người ta biết rõ rằng để có được điều đó phần lớn là nhờ chúng con (vai trò của Nhà Xuất Bản Le Cerf[7], ...). Và đặc biệt, chúng con là những người duy nhất như thể một thân mình để trở thành những con người tự do dấn thân và vì việc phục vụ chân lý ; những con người duy nhất, như thể một thân mình, dám đặt chân lý vượt lên trên tất cả.

Vào năm 1954, nếu người ta đã muốn thay đổi điều gì đó trong Hiến pháp của chúng con, một nền hiến pháp với chế độ bầu cử tự do ở tất cả mọi cấp độ, thì chính là để thực hiện điều đó. Nếu người ta đem đến cho chúng con hiến pháp của Dòng Tên hay Dòng Chúa Cứu Thế, thì chắc hẳn chúng con sẽ bị buộc phải tuân phục theo kiểu Dòng Tên hay Dòng Chúa Cứu Thế. Nhưng đó không phải là ơn gọi Đa-minh, một ơn gọi mà tất cả đều được xây dựng trên ánh sáng của chân lý!

Giờ đây con đã nhận thức được lịch sử. Sau nhiều năm trời con nghiên cứu lịch sử ; lịch sử đã mở mắt soi sáng cho con thấu hiểu được rất nhiều sự kiện hiện thời đang diễn ra, đồng thời những kinh nghiệm sống, đặc biệt là tại Rôma, đã mang đến nguồn ánh sáng giúp con thấu triệt được lịch sử này. Con thấy hiển nhiên là Rôma chẳng bao giờ tìm kiếm điều gì cả và họ chỉ tìm kiếm một điều duy nhất : khẳng định quyền bính của mình. Những gì còn lại chỉ khiến họ quan tâm vì được xét là lý do để thực thi quyền bính đó. Ngoại trừ một số trường hợp nào đó gắn liền với những con người thánh thiện và đầy sáng kiến, thì toàn bộ lịch sử Rôma đều là yêu sách và thiết quân luật vững chắc của quyền bính này. Nếu Rôma, sau chín mươi năm chậm trễ đối với những sáng kiến của phong trào phụng vụ, có quan tâm đến phong trào này chẳng hạn, thì chính là để cho phong trào này không thể tồn tại nếu không có Rôma và không thể thoát ra khỏi sự kiểm soát của Rôma[8]. Và cứ như thế.

            Rõ ràng là trong những điều kiện như thế này, thì phong trào đại kết chẳng thể nào gây được thiện cảm trước con mắt của Rôma. Rôma chỉ quan niệm phong trào đại kết này theo kiểu : phục tùng vô điều kiện. Với những điều kiện nào thì Rôma mới cho phép các người Hy-lạp giữ nền phụng vụ riêng của họ (cổ kính hơn nền phụng vụ Rôma), hay thậm chí cho phép một mục sư Tin lành được phép giữ lại người vợ của mình. Và cần phải nói đi nói lại nhiều lần : Ồ ! tuyệt vời quá, quảng đại quá !!!

            Con xin được quay lại với chính bản thân con.

            Trên bình diện thực hành, người ta đã tàn phá con. Người ta đã huỷ diệt con bao nhiêu có thể. Tất cả những gì con đã tin tưởng và đã được ban tặng cho con thì đều bị lấy mất khỏi con :

-          đại kết (hầu như con đã chẳng thực hiện được điều gì kể từ năm 1939[9]!)

-          giảng dạy

-          các buổi thuyết trình

-          hoạt động bên cạnh các linh mục

-          cộng tác với tạp chí Témoignage chrétien,...việc tham dự các đại hội (các nhà trí thức Công giáo...)

            Người ta đã không đụng chạm đến thân xác con, thì trên nguyên tắc, người ta cũng không thể đụng chạm đến tâm hồn con ; người ta đã chẳng thể đòi hỏi con điều gì được. Nhưng ngôi vị của một con người không bị giới hạn vào da thịt hay linh hồn của con người ấy. Nhất là khi con người này lại là một vị sứ đồ giáo thuyết, có những hoạt động, có nhiều tình bằng hữu cũng như vô vàn mối tương giao, và có sự toả rạng bình thường của mình. Người ta đã tước đoạt khỏi con tất cả những điều đó; người ta đã chà đạp lên tất cả những điều ấy, và như vậy người ta đã làm tổn thương sâu xa đến chính bản thân con. Người ta đã biến con thành hư vô đến độ chẳng còn là gì cả, và tất nhiên người ta đã huỷ diệt con. Vào nhiều khoảnh khắc nào đó, khi con gặp lại được những điều mà con đã từng khao khát để trở thành như thế và để thực hiện, những điều mà con đã bắt đầu thực hiện, con lại cảm thấy một nỗi đau vô hạn trong lòng mình.

Và con biết đây là điều vô phương cứu chữa. Con nhận thức rất rõ những điều này. Con hiểu rằng khi mà người ta truy đuổi một ai đó, thì người ta cứ truy đuổi cho đến chết mới thôi. Người ta đã cho phép cha Sertillanges được trở lại nước Pháp khi cha đã tám mươi tuổi rồi[10]. Sau đó, đôi khi chính người ta nói hay để cho người khác nói tốt. Những người Do-thái cũng đã xây lăng tẩm cho các ngôn sứ, sau khi đã giết các ngài[11]. Con biết rằng cho dù con còn có thể sống hai mươi lăm năm hay ba mươi năm nữa, nhưng con sẽ chẳng bao giờ tìm lại được sự tự do hoạt động, cũng như những điều kiện sinh hoạt bình thường. Toàn thể những gì con đã thực hiện, tất cả những công việc chuẩn bị cho các mục ghi chú của con, toàn bộ những gì con đã có thể rút ra được cho đến giờ này, tất cả những điều đó đều không có lối thoát và cũng chẳng có tương lai.

Giết chết một người còn đang sống thì quả thật là tàn bạo.

Điều đó sẽ được thực hiện trong ba năm sáu tháng lưu đày ; vào những khoảng thời gian hoà bình êm thấm và những lúc nghỉ ngơi, con đã cố gắng lấy lại thế quân bình và đồng thời tái hoà nhập vào dòng đời. Ấy vậy mà mỗi khi con làm như thế, thì con lại bị kéo bật ra khỏi những điều đó một lần nữa ; mỗi lần như vậy, cần phải phá đổ tất cả, bỏ lại tất cả. Tại sao vậy?

Trong ba lần con bị lưu đày, thì cuộc lưu đày lần này là nghiệt ngã hơn cả. Không phải là đời sống ở Anh quốc không có những khía cạnh tốt đẹp : con xin ghi nhận điều đó. Các bạn đồng nghiệp của con tuy hiếm hoi nhưng rất tử tế, nhất là vào những khoảnh khắc con đơn độc một mình khi mà những người khác không có ở bên cạnh để gặp gỡ trao đổi. Nhưng mà, ngoài trở ngại ghê gớm về ngôn ngữ thì đã đành, dường như các bạn đồng nghiệp lại không quan tâm một chút nào đến những điều đang làm cho con phải bận tâm. Con tri ân họ vì rất nhiều điều tốt đẹp, nhưng con thiết nghĩ họ sẽ không bao giờ là những bạn hữu của con. Thực tế, ở nơi đây, con không có bạn hữu đúng nghĩa. Con đơn độc quá, đơn độc một cách khủng khiếp. Trong thời gian bị cầm tù, con bị giam tại trại giam lớn mười tám tháng trời[12], và hai năm tại trại quản thúc[13]! Có lẽ người ta sẽ tính hết những năm tháng đó ! Trong nhà tù, ít nhất con còn có các đồng chí. Nếu không có họ, chắc hẳn con đã không thể chịu đựng được. Ở đây (Anh quốc), không có song cửa sắt, cũng chẳng có dây thép gai, con có thể ra ngoài bất cứ khi nào con muốn. Nhưng con lại phải sống trong sự trống rỗng, chẳng có ai để gặp gỡ, chẳng bao giờ có ai đó để mà trò chuyện, để mà yêu thương và để được yêu thương, và cũng chẳng có ai để mà hiệp thông và trao đổi một điều gì đó ; hay có một ai đấy để có thể trao ban cho họ điều gì. Cùng với những cuộc lưu đày, và cũng có thể là với tuổi tác, và nhất là tại Cambridge, con đã thấy trào dâng lên trong bản thân con một khát vọng mang tính hữu thể học sâu xa (ontologique)- như thể cơn khát sau một cuộc lữ hành dài đằng đẵng hay sau một công việc làm cho kiệt sức – đó là yêu thương và được yêu thương. Chính tại nơi đây, đôi khi con gặp lại được những nơi chốn làm cho con nhớ lại là mình đã từng có chút khoảnh khắc hạnh phúc ít ỏi : đó là những nơi chốn mà ở đó con không phải sống trong nỗi cô độc, và con có thể trao đổi điều gì đấy với một ai nào đó... Con đã trở lại Pháp (cùng với cha Féret, chúng con gọi nước Pháp là “Galilê”, theo những cách phân chia của Tin Mừng), lòng tràn ngập nỗi vui mừng và vẫn còn giữ nguyên vẹn ký ức về một tháng hạnh phúc. Con có một khoảng thời gian được gặp lại và được tiếp xúc với những người con thương yêu và những điều con tâm đắc. Con luôn quy hướng về những thời khắc hiện diện, trao đổi và hiệp thông này như là nguồn mạch mà chính ký ức về nguồn mạch này đã làm cho con được tươi mát.

Giữa những khoảnh khắc này, có những khoảnh khắc con đã trải qua cùng với các bạn hữu, với các anh em của con. Con có những bạn hữu rất lịch thiệp và khoáng đạt, con có rất nhiều bạn hữu như vậy lắm. Họ đã cư xử rất tuyệt vời với bản thân con; họ đã nâng đỡ con rất nhiều và đã làm cho con nhiều điều tốt đẹp. Con luôn nhớ về toàn thể gia đình mình, nhớ đến các cháu của con, nhớ đến bữa ăn gia đình, và nhớ đến mẹ nữa mẹ ạ.

Con biết rất rõ rằng có Thiên Chúa và những điều siêu việt. Nhưng Thiên Chúa lại không tạo dựng chúng ta duy chỉ vì điều đó ; Thiên Chúa sáng tạo chúng ta để chúng ta hiệp thông, tặng ban, và trở nên bạn hữu của nhau, cũng như để hoạt động, trao đổi và truyền thông cho nhau. Ơn gọi sống đời ẩn tu có thể là một ơn gọi rất đẹp. Phi nhân hoặc siêu nhân (triết gia Aristote đã từng nói rằng kẻ sống cô độc hoặc sẽ là con vật, hoặc sẽ là thần linh), đó không phải là ơn gọi của con.

Từ những người con yêu mến, con đã học hỏi được nhiều điều tuyệt vời. Các bạn hữu và anh em của con - tất cả, nhưng đặc biệt là cha Féret : Thiên Chúa đã thấu hiểu ngài! - đã làm cho con rất nhiều điều tuyệt vời. Họ đã sống, đã đồng hành cũng như đã chia sẻ những tâm tư và tình cảm của con, cho dù không phải lúc nào cũng thấu hiểu được những tâm tư tình cảm ấy của con. Chắc chắn, khi từ Ga-li-lê trở về con sẽ có một nhãn quan sáng suốt nhất về cung cách hành xử, và can đảm hơn để tiếp tục đi theo nhãn quan ấy. Con sẽ nhận thức thấu triệt hơn đâu là những điều con phải làm chứng. Con sẽ hiểu biết nhiều hơn về bậc thang các giá trị và con cũng sẽ sẵn lòng trả giá vì lý tưởng tận hiến cho giá trị tối hậu là Lời Chúa.

Chắc hẳn, điều đó chẳng thể nào giải quyết được hết mọi vấn đề và con hiểu rằng những nơi họ đẩy con đến là gì đi chăng nữa, thì sau khi con quay trở về lại, việc tái thích nghi sẽ đặt ra vô vàn những vấn nạn hóc búa.      

Nhưng con muốn nói với mẹ, cũng như chuyện vãn với mẹ về quãng đời tám mươi năm của mẹ, về những điều con đã học hỏi được nhiều nhất từ nơi mẹ. Mẹ đã có những hồng ân cao cả : xét về mặt con người, đáng lẽ ra mẹ đã có thể có một cuộc đời rộng lớn hơn và sinh hoa kết trái hơn thế này nhiều, ấy vậy mà mẹ đã phải sống một cuộc sống cực kỳ khó khăn và nghiệt ngã. Người ta không thể đoán xét về cha mẹ mình; hẳn là sẽ vô cùng khó khăn và đau đớn nếu người ta phải suy nghĩ và bày tỏ những vấn đề nào đó. Nhưng cuối cùng, mẹ đã bị trói buộc vào những điều kiện sinh hoạt – luân lý và vật chất – cực kỳ khó khăn. Có kể ra cặn kẽ mọi chuyện thì cũng chỉ là vô ích phải không mẹ. Con suy nghĩ đến rất nhiều điều mà mẹ con mình đã biết và chẳng thể nào lãng quên cho được. Khi mà đáng lẽ ra mẹ đã có thể có một cuộc sống dễ thở và hạnh phúc hơn nhiều của một đời làm người... Vậy mà hôm nay đây, khi đã ở vào tuổi tám mươi, thay vì được hưởng nếm sự ngọt ngào êm ái và nghỉ ngơi, thì mẹ lại bị bắt buộc phải đảm nhận một trách nhiệm nặng nề hơn, không được phép khuây khỏa hay nghỉ ngơi.

Mẹ đảm nhận những điều ấy như mẹ đã từng nói với con. Mẹ mau chóng nhận ra chúng như thể là trách vụ trong khoảnh khắc hiện tại của mẹ và mẹ tìm thấy trong đó niềm vui sướng hoan hỷ. Đó là thánh ý Thiên Chúa, Đấng là thánh và thánh hoá con người và đó là những gì mẹ muốn, và mẹ đã tìm thấy niềm vui, bởi vì đó là thánh ý Chúa.

Điều đó cũng đã trở thành linh đạo của con từ nhiều năm nay. Nhất là kể từ lần di chuyển cuối cùng của con đến Sedan, con đã thêm vào đó một ý hướng mới. Khóc thương cho chính bản thân mình, giống như các thiếu nữ thành Giê-ru-sa-lem, con thường tự nhủ có biết bao nhiêu người vẫn còn bất hạnh hơn con. Thực ra, nếu con quá buồn như thế này, thì đó là bởi vì con tin rằng con đã có những tham vọng chính đáng và thuần khiết, con cũng khát khao một sự thành đạt và vinh quang nào đó về mặt con người. Vậy mà có biết bao người còn bất hạnh hơn con nhiều. Con nghĩ đến 3/5 nhân loại đang phải chịu cảnh thiếu thốn lương thực thực phẩm và phải sống kiếp khốn khổ ; con nghĩ đến những chàng trai đáng thương đang bị giam trong các trại tập trung của tất cả mọi chế độ cảnh sát trị ; thậm chí con cũng nghĩ đến đất nước Algérie, đến Jean[14]. Con hằng nghĩ đến mẹ cũng như đến cuộc sống lao tâm khổ tứ thường nhật của mẹ trong việc phục vụ những người khác và cha già đang đau yếu[15]. Dường như con thấy mình ích kỷ quá đáng khi con than thở, rên rỉ và khóc lóc nhiều quá. Thậm chí đôi khi con đã khóc, khi con phải sống trong nỗi cô độc không lối thoát. Con tự nhủ rằng con phải khiêm nhường và vui mừng nhiều hơn nữa để hiệp thông với thánh ý Chúa, không chỉ là để đảm nhận cách đúng đắn nhất những tai hoạ khổ đau của con, nhưng con còn phải đóng góp phần mình vào thập giá của những người khác cũng như đối với nỗi thống khổ của thế giới này. Cũng vậy, mỗi sáng, nhất là trong khi cử hành Thánh lễ, con vác thập giá của con hằng ngày, thập giá của một ngày mới trong sự hư vô hoá và lưu đày, không chỉ như một “trách vụ hiện tại”, mà còn như một sự tham dự và hiệp thông của con vào thập giá của những người con yêu thương và vào nỗi đớn đau của thế giới. Trong tâm tư sâu thẳm của mình, con luôn đứng bên cạnh mẹ, cùng đồng hành với mẹ, theo tinh thần này. Trong tâm tư tình cảm này, con xin được hiệp thông với cuộc đời của mẹ cũng như với lòng can đảm tuyệt vời của mẹ. Và con hy vọng rằng chính tinh thần ấy sẽ biến nỗi khổ đau của mẹ được trở nên phong nhiêu.

            Bởi lẽ điều hiển nhiên là – điều này cũng hiển nhiên với tất cả chúng ta, với cả các con cháu của mẹ – nỗi khổ đau này đã trở nên phong nhiêu thực sự. Nỗi khổ đau này đã trở nên viên thành như thế trong chính chúng ta và cho chúng ta. Niềm hạnh phúc của chúng ta đã được xây dựng trên nỗi khổ đau và chúng ta thủ đắc được niềm hạnh phúc này cũng là nhờ vô vàn nỗi đớn đau. Cũng trong viễn tượng này, con biết rằng mẹ đã đảm nhận nỗi đớn đau đó không một chút sai sót, cùng với một thái độ vui mừng. Con muốn thân thưa với mẹ về chính chứng tá này trong suốt tám mươi năm của cuộc đời mẹ. Điều mà con mong muốn mẹ hãy giữ lại từ lá thư này đó là : khoảnh khắc của những lời thổ lộ tâm tình và đối thoại. Con đã từng là kẻ quá keo kiệt trong những chuyện như thế này ! Đây là khoảnh khắc trọng đại để có thể thổ lộ tâm tư của con ...

Vả lại con phải nói rằng cho dù con rất keo kiệt trong những chuyện thổ lộ tâm tình, thậm chí với cả mẹ nữa, nhưng chính mẹ là người đã hiểu rõ hơn ai hết cuộc lưu đày hiện tại của con có thể cho thấy điều gì. Con chẳng mở miệng nói ra bất cứ điều gì hết, hay gần như vậy, nhưng mẹ đã đoán ra được rất nhiều thứ. Nhiều hơn gấp bội so với các đồng nghiệp và bạn hữu của con, vì họ ít trải nghiệm sâu xa thế nào là nỗi khổ đau và tình yêu. Đã rất nhiều lần, những lá thư của mẹ đã trả lời chính xác đến ngạc nhiên cho những nỗi niềm kín ẩn cũng như cho những sắc thái vô cùng tế nhị và phức tạp của nỗi khốn khổ trong con. Điều này cũng nâng đỡ con rất nhiều : vì đã được đoán ra, được hiểu biết và được yêu thương như vậy. Biết bao người khác nữa đã đồng hành phần nào cùng với con, khởi đầu là các vị bề trên của con, vị Giám tỉnh, vị Tổng quyền, từ nơi các ngài con đã nhận được những dấu hiệu tốt lành từ bên ngoài, nhưng ngoài điều đó ra thì chẳng có gì hơn nữa ; và dù thế nào đi nữa, vẫn không công bằng.

Như thế, từ tám mươi năm nay, những điều mẹ đã có thể giãi sáng và trao ban đó chính là tình yêu ! Đây chính là điều con cần phải học hỏi nhiều hơn nữa, vả lại con cảm thấy khát khao nhu cầu ấy biết chừng nào. Cuối cùng, điều đáng kể nhất : đó là những gì người ta ban tặng trong tình yêu. Đây cũng chính là lý do tại sao cuộc lưu đày này lại làm cho con khổ tâm đến như thế. Con chẳng có ai để mà yêu thương, chẳng có ai để mà trao tặng một điều gì đó. Chao ôi ! bản năng được là cha mạnh đến dường nào ! Đối với bản thân con, chẳng có mục đích và cũng chẳng có khả năng để tìm ra một lối thoát cho mình.

Để mừng tám mươi năm tuổi đời mẹ, con đã muốn trao tặng mẹ một điều gì đó khác hơn là tiếng kêu than về nỗi khốn khổ và tuyệt vọng của con, con đã muốn tặng mẹ nỗi niềm hài lòng chính đáng về một cuộc đời viên thành. Con biết rằng mẹ có một trái tim vô cùng cao cả và quá đỗi tinh tuyền đến độ mẹ đã có thể đứng vững không để cho mình rơi vào nỗi thất vọng của con người, nếu như điều đó xảy ra cho mẹ. Dù thế nào đi chăng nữa, ngay cả trong hình thức hư vô hoá mà họ đang cầm giữ con như bây giờ đây, con cũng xin được tặng mẹ sự bày tỏ chân tình của một trái tim yêu thương vô biên và một tấm lòng tri ân cảm mến. Con không biết phải nói gì đây, thậm chí chính bản thân con cũng không biết phải bày tỏ như thế nào về tình cảm quý mến và lòng tri ân vô bờ này của con. Đứng về phương diện con người mà nói, tất cả mọi người đều mắc nợ người mẹ của mình. Nếu thêm vào đó là sự thiện hảo của một đời sống tâm linh, như thế nghĩa là gì ? Vâng, chúng con mắc nợ mẹ tất cả ; và qua chúng con, sau chúng con, những con cháu, cháu chắt, và tất cả những người mà chúng con có thể tiếp xúc và liên hệ, những người này và những người kia, thông qua sự giãi sáng hay qua những hành động của chúng con. Tất cả những điều đó và những gì mà mẹ đã lãnh nhận được, sẽ là nội dung cho hành vi con tạ ơn Chúa. Trong niềm tri ân vô bờ và chứa chan tình yêu mến đối với tất cả những điều đó, con xin được ôm hôn mẹ tám mươi lần trong một : tuy xa xôi cách trở, nhưng lại rất gần mẹ ạ[16].

                                                                        F.YMJo. C

Cha Tổng quyền, trên nguyên tắc, phải tới đây vào ngày 26. Nhưng con chẳng hy vọng gì vào cuộc viếng thăm của ngài đối với con, thậm chí cũng chẳng kỳ vọng vào một lời giải thích nào đấy : chỉ toàn là những lời lẽ tốt đẹp, và có vẻ rất chân thành, nhưng nếu những lời lẽ này được nói ra từ trái tim của một người cha, thì đồng thời chúng cũng được phán ra từ một nhà trí thức phổ quát vừa rất đặc trưng Rôma, vừa rất đặc thù [...][17]

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro