Hiến thân phục vụ chân lý & tín trung với Giáo hội

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Hôm nay, chúng ta họp nhau nơi đây, tạ ơn Thiên Chúa và cầu nguyện cho fr.[2] Yves-Marie Congar. Chúng ta tạ ơn Thiên Chúa khi cử hành bí tích tạ ơn là Thánh Lễ này. Trong một năm ở Saint-Jacques, hầu như ngày nào tôi cũng được đặc ân cử hành bí tích này với người anh em Yves-Marie. Bí tích này, đối với chúng ta, vẫn là bí tích hiệp thông, liên kết chúng ta với người đang sống và người đã khuất.

Không những chúng ta tạ ơn thay cho Anh Yves-Marie, mà chúng ta còn cùng với Anh tạ ơn Thiên Chúa. Hôm nay chúng ta chia sẻ lòng tri ân của Anh về tất cả những gì Anh đã nhận và tất cả những gì làm nên con người của Anh. Trước đây, Anh từng nói “có ba hồng ân trong cuộc đời của Anh” : những tình bằng hữu trong các nhà tù Colditz và Lubek trong Thế chiến thứ hai, được thuộc về Dòng Đa Minh và được tham gia Công đồng Vaticanô II. Tôi nghĩ rằng mỗi thời điểm hồng ân đó là một thời điểm thương đau, nhưng là thứ thương đau đã biến thành hiệp thông. Vì mong ước sâu xa sự hiệp thông là mối bận tâm chính của Anh. Sự hiệp thông đó được tóm lược trong lời cầu nguyện của Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe : “Xin cho họ được nên một”.

Cùng với Anh, chúng ta hãy tạ ơn Thiên Chúa khi ôn lại từng thời điểm hồng ân ấy.

Trong thời chiến, khi bị tù lần thứ nhất gần Berlin, Anh đã có những bài diễn thuyết và bài giảng về tự do và chống chủ nghĩa Quốc xã. Như thế, hiển nhiên là bất tuân lệnh những người cai ngục. Điều này cho chúng ta biết nhiều về con người của Anh. Dù gặp hoàn cảnh nào đi nữa, Anh vẫn trước tiên là một nhà giáo, và còn là một nhà giáo dũng cảm, dạy những điều có thể khiến cho tính mạng mình lâm nguy. Mà vì không chịu ngưng giảng dạy, người ta phạt Anh, nhốt Anh vào những nhà tù kinh khủng như Colditz rồi Lubek. Anh nói rằng điều quan trọng nhất Anh học được lúc bấy giờ là làm bếp, biết nấu món nui. Trong tù, phải học cách để tồn tại và giúp đỡ nhau. Ở nơi thiếu thốn ấy, Anh đã học biết tình bằng hữu phong phú biết bao và đã kết nghĩa đệ huynh với nhiều người mà Anh vẫn giữ được mối dây liên hệ mãi cho tới ngày Anh từ trần.

Hồng ân thứ hai của đời Anh là được thuộc về Dòng Đa Minh. Anh đã nhận áo dòng năm 1925 tại Amiens và đã bắt đầu học trong tu viện Le Saulchoir gần Tournai. Le Saulchoir, từ này gợi cho ta nhớ không những một địa danh, mà trên hết còn là một cộng đoàn trí thức, cộng đoàn của các Anh Yves Congar, Chenu và Feret. Các anh đã lập nên một trường phái thần học. Công trình thần học của Anh Yves-Marie Congar có đặc điểm này : đó không phải là công trình của một người nghiên cứu đơn độc, mà là phần đóng góp của cả một cộng đoàn trí thức, trong đó người ta học cho đi và lãnh nhận. Anh đã chịu nhiều khổ đau, khi cộng đoàn ấy thành đối tượng khả nghi từ phía Giáo triều Rôma. Khi đang bị cầm tù ở Đức, Anh đã biết tin về cuốn sách của Anh Chenu, “Le Saulchoir, một trường phái thần học”. Đó là khởi đầu cho những nỗi khổ đau của Anh mà tôi sẽ trình bày sau.

Nhưng với Anh Yves-Marie, việc vào Dòng đã là hồng ân không những vì Anh gặp thấy ở đó một cộng đoàn trí thức, nhưng còn vì tìm được ở nơi ấy một tình bằng hữu, tình anh em huynh đệ. Điều ấy đã ngày càng rõ nét, gia tăng theo mức độ đau của chứng bại liệt khiến Anh phải bất động. Anh đã cảm thấy triệu chứng của cơn bệnh này ngay từ năm 1936. Như thế, hai phần ba cuộc đời của Anh được đánh dấu bằng việc này càng tiến sâu và đau khổ thể xác, như một sự đóng đinh thiêng liêng. Anh coi nỗi đau đớn này là nguồn sức mạnh lớn giúp cho công trình của nhà thần học. Anh đã tiếp tục cạn chén mà chính Đức Giêsu đã uống. Vào cuối đời, Anh thổ lộ : “Khi kết hiệp với chén này, tôi có thể mang lại một điều gì đó”.

Điều Anh học được nhiều nhất trong khổ đau này là sự hiệp thông và tình bằng hữu với các anh em trong thánh Đa Minh. Anh đã nói : “Từ khi bị bệnh, và nhất là khi luôn cần đến sự giúp đỡ của anh em, tôi hiểu rõ hơn rằng : những gì chúng ta có thể kể lại và nói ra, cho dù tuyệt đối đến mấy đi nữa, cũng chẳng có giá trị bao nhiêu nếu không đi đôi với việc làm, một việc làm thực sự cụ thể để phục vụ, để yêu thương. Tôi nghĩ rằng trong đời, tôi hơi thiếu sót về điểm này, tôi hơi quá trí thức”. Như thế, một lần nữa, ta thấy sự đau khổ được biến thành hiệp thông, thành lòng yêu mến như thế nào.

Là nhà thần học và là tu sĩ, trong công trình trí thức và trong đau khổ, Anh đã bao lần khám phá ra là chúng ta cần các anh em của chúng ta biết là ngần nào. Như Thiên Chúa đã nói với thánh nữ Catarina Sienna : “Cha thừa sức sáng tạo những con người mà mỗi người có đầy đủ tất cả, nhưng Cha lại thích ban những ân huệ khác nhau cho mỗi người khác nhau. Để người này cần đến người kia”.

Việc phục vụ đặc thù, diakônia[3] của Anh là công trình trí thức đầy gian nan. Anh đã làm việc nhiều, viết lách không ngơi nghỉ. Còn nhớ khi là sinh viên ở tu viện Saint-Jacques, chúng tôi thường thấy bên bàn giấy của anh quay ra vườn, anh làm việc từ bảy giờ sáng tới mười giờ khuya. Công việc gay go : phục vụ Chân Lý. Anh từng viết : “Chân lý, tôi đã dâng hiến cuộc đời tôi cho Chân Lý … Chân Lý là “bà chủ” của đời tôi. Tôi cũng thường viết điều ấy trên đầu các bài của tôi : Veritas domina mea”. Nhưng Chân Lý mà Anh đã từng phụng sự không phải là chân lý trừu tượng nhưng là Chân Lý của Tin Mừng, đúng như đã được bộc lộ trong lịch sử, Chân Lý sống động, trở nên thực hữu trong cuộc đời mọi người nam nữ. Anh còn trưng dẫn những lời trứ danh của thi sĩ Charles Péguy : “Không phải cái đúng, nhưng là cái thực”, nghĩa là “cái đúng với lịch sử tính, với tình trạng cụ thể vẫn đang hình thành, trong thời gian”[4]. Chính xuyên qua lịch sử sinh động này mà ta đang bước vào cõi vĩnh cửu của Thiên Chúa.

Một trong những kỷ niệm đẹp nhất của tôi về Anh Yves-Marie là lần chúng tôi đi viếng nhà thờ Chartres. Tôi thì đẩy xe lăn của Anh, trong khi Anh giải thích cho tôi nghe ý nghĩa thần học trong các bức tranh kính mầu, cái đúng đã trở thành cái thực qua mầu sắc và ánh sáng, nhập thân vào vẻ đẹp của nghệ thuật.

Hồng ân thứ ba và có thể là hồng ân lớn nhất. Anh Yves-Marie hằng cảm tạ Thiên Chúa, đó là Công đồng. Và ở đây hơn bất cứ nơi nào, ta có thể thấy mầu nhiệm đau khổ được biến thành hiệp thông. Ngay từ buổi đầu làm việc trí thức, Anh Yves-Marie đã vật lộn với những vấn đề về sau này sẽ trở nên trọng tâm của Công đồng : vai trò của giáo dân, sự hiệp nhất Kitô hữu, canh tân Hội Thánh. Năm 1937, tác phẩm “Kitô hữu bất hiệp nhất” ra đời. Năm 1950, tác phẩm “Canh tân Hội Thánh, thật và giả”, và năm 1953, tác phẩm “Những nét phác thảo cho một nền thần học giáo dân”. Tất cả công trình của Anh được ghi đậm tình yêu mến Hội Thánh thiết tha, một lòng yêu mến không giữ lại cho mình chút gì. Sau khi lãnh tước Hồng y, Anh đã viết cho tôi : “Hội Thánh và mầu nhiệm Hội Thánh đã là và vẫn là tất cả cuộc đời làm người Kitô hữu và làm nhà thần học của tôi”. Nhưng chính lòng yêu mến Hội Thánh đã đưa Anh tới chỗ đấu tranh cho một Hội Thánh được giải toả khỏi căn tính quá chật hẹp và duy luật pháp, một Hội Thánh là Dân lữ hành đang trên đường tiến đến chỗ hiệp thông trọn vẹn trong Vương Quốc của Thiên Chúa.

Tất cả công trình yêu thương này trước tiên chỉ gây nên những nghi ngờ và kết án từ Rôma. Anh Yves-Marie đã bị buộc phải thinh lặng, bị cấm dạy học và bị lưu đày năm 1954. Bốn tháng tại Giêrusalem, rồi tại Rôma, rồi một năm tại Cambridge nơi anh em ở đây còn nhớ Anh “trồng chuối” luyện Yoga trong vườn. Tiếp đó, Anh đi Strasbourg. Anh đã chịu đựng kinh nghiệm này với một ý chí can trường và với lòng hy vọng. Vì khá am tường lịch sử, nên Anh hiểu rằng thường Hội Thánh chỉ có được những cái nhìn mới mẻ sau khi có nhiều phản đối. Và vì đã khá thấm nhuần tinh thần Kitô giáo, nên Anh tin rằng dẫu có thế nào đi nữa, Chúa Thánh Thần cũng sẽ hướng dẫn Hội Thánh tới Chân Lý vẹn toàn. Vì là con người trung thành và thẳng thắn, Anh chỉ nói “Sự phản kháng của tôi chỉ hệ tại điểm này, đó là không bao giờ chán phục vụ Chân Lý”.

Anh đã khám phá – và đây là điểm đặc biệt của Anh – rằng đau khổ trổ sinh hoa trái. Lưu đầy tại Giêrusalem, Anh bị choáng ngợp trước vẻ đẹp của di tích Đền Thờ và cảm nghiệm về một Đấng Thiên Chúa đã cư ngụ ở giữa nhân loại, suốt dòng lịch sử dài đầy khổ đau và lưu đầy, đồng hành với Dân Thiên Chúa trong cuộc lữ hành về Vương Quốc. Chủ đề này đã được in trong thiệp mời dự lễ mở tay của Anh, đó là hình ảnh thánh Đa Minh dưới chân thánh giá, với câu trích của một thi sĩ người Anh là Tennyson : “Không một ai trong lớp người được chuộc đã biết được dòng nước mình băng qua sâu đến mức nào”[5]. Chắc hẳn trong lễ truyền chức, người anh em này của chúng ta chưa thể mường tượng hết được cuộc vượt qua gian khổ đang chờ đợi mình phía trước là như thế nào.

Và kết quả của trọn nỗi khổ đau ấy là Hội Thánh biến chuyển sâu xa nơi “Công đồng Vaticanô II”. Nỗi khổ đau lưu đầy dẫn tới canh tân cả cộng đoàn Hội Thánh mà anh đã dâng hiến trọn cuộc đời. “Hội Thánh tôi thương mến, Hội Thánh của Thiên Chúa, Hội Thánh Mẹ của tôi”, chính Anh đã viết như thế. Công đồng là một kinh nghiệm sống động về hiệp thông, về chính điều mà Hội Thánh được mời gọi trở thành. Nơi Công đồng, ta có thể thấy một Hội Thánh đối thoại, được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, một Hội Thánh không chỉ quay về bản thân mình, nhưng mở rộng nhìn ra thế giới và chiêm nghiệm những đau khổ trong thế giới. “Giáo xứ của tôi là thế giới mênh mông”[6].

Anh Yves-Marie thật có lý để hãnh diện về sự đóng góp của mình trong các văn kiện Công đồng, đặc biệt trong Hiến chế Lumen gentium. Nhưng đó là niềm hãnh diện lành mạnh, khiêm tốn, là niềm hãnh diện của người thợ vui mừng trình bày công trình của mình với bạn bè. Anh chỉ tiếc một điều là đôi khi Hội Thánh hình như quay trở lại cuộc sống chật hẹp và cứng ngắc.

Đó là ba thời điểm hồng ân mà Anh Yves-Congar đã cảm tạ trong suốt cả cuộc đời. Nhưng còn một hồng ân thứ bốn Anh khát khao mãnh liệt, vì đó mà Anh đã cố gắng và còn chưa tới, đó là sự hiệp nhất các Kitô hữu. Tháng bảy năm 1930, hôm trước ngày lãnh tác vụ linh mục, Anh đã suy gẫm đoạn văn Tin Mừng chúng ta mới vừa nghe, đó lời cầu nguyện của Chúa Giêsu xin cho tất cả chúng ta nên một, Ut unum sint. Từ thời điểm ấy, Anh cảm thấy mình có sứ mạng phải cố gắng để hàn gắn những mối chia rẽ giữa các Kitô hữu. Mà thực có thể nói rằng tất cả thần học của Anh Congar nổi bật tính cách đại kết. Vấn đề Anh hằng quan tâm, như chính Anh nói, là : “Những dị biệt nào có thể có được trong sự hiệp thông ?”.

Sự chia rẽ giữa các Kitô hữu rõ ràng là một vết thương trầm trọng cho Thân Thể của Chúa Kitô và cho chứng tá của Người. Hình như Anh Yves-Marie liên kết sự đau khổ của riêng mình, bệnh tật của mình, vào đại cuộc Hiệp nhất. Lần đầu tiên Anh biết về căn bệnh của mình là khi Anh đang diễn thuyết về Hiệp nhất các Kitô hữu vào dịp Tuần lễ Hiệp nhất năm 1936, những bài đã đưa tới tác phẩm “Kitô hữu bất hiệp nhất”. Có lẽ Anh hy vọng rằng việc Anh chia sẻ chén đau khổ góp phần vào việc chữa trị những chia rẽ giữa các Kitô hữu.

Anh đã hiểu rằng để chữa trị các chia rẽ đó, không những đòi phải hiểu rõ các quan điểm của người khác, mà còn đòi phải hiệp thông sâu xa hơn, hiệp thông yêu thương, thiện cảm thiêng liêng. Anh trưng trong phòng mình một bức ảnh Giáo hội Chính thống, bức ảnh ấy được mang về từ Saint-Petersburg. Như Anh Jean-Pierre Joussa viết : “Anh hiểu rằng những người canh tân tiên phong, những bậc thánh nhân và thần học gia chính thống giáo là những tín hữu ta phải yêu mến trước tiên, để có thể hiểu họ, dù không đồng ý với họ”.

Hồng ân thứ bốn này trong đời Anh Yves-Marie có lẽ sẽ được thấy sự hiệp nhất trọn vẹn giữa các Kitô hữu. Đây là sự hiệp thông mà bây giờ Anh được hưởng trong Chúa Kitô.

“Con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho Con, để họ được nên một như chúng ta là một : Con ở trong họ và Cha ở trong Con, để họ được hoàn toàn nên một. Như vậy, thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai Con và đã yêu thương họ như đã yêu thương Con” (Ga 17,22-23).

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro