Yves Congar, dưới cái nhìn của một giáo dân

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Giáo sư Nguyễn Thái Hợp gọi điện thoại cho tôi nói rằng : “Thầy Dương ơi, sắp có cuộc Hội thảo về cha Congar. Ông là giáo dân và từng du học ở Pháp, với tư cách giáo dân xin đến tham dự và chia sẻ vài ấn tượng”. Tôi trả lời : “Tôi có biết Congar là ai đâu ! Thứ đến, tôi có chắc mình là giáo dân không ?”

Giáo sư Hợp không những không chấp nhận lý lẽ của tôi, mà còn dùng mấy tấc lưỡi “Tô Tần” để thuyết phục tôi. Tôi dại dột bị thuyết phục, nhận lời tham dự. Bây giờ, tôi hiện diện ở đây, nhân danh một anh giáo dân ! Biết nói gì và phải tính sao đây ?

Ở Huế, tôi tìm được hai cuốn sách của Yves Congar. Đó là cuốn : “Esquises du mystère de l’Église” và “Sacerdoce et laicat devant leurs tâches d’évangélisation et de civilisation”. Tôi lục nát cái thư viện của Đại chủng viện, mà vẫn chẳng tìm thấy cuốn nào khác nữa. Vào đây, chỉ khoảng một tuần, mà được trao ngay cho cuốn “Jalons pour une théologie du laicat ». Sách dày khoảng 700 trang, phải đọc ngấu nghiến trong năm ngày. Ngày xưa, các giáo sư thường giao sách cho một cậu trưởng tràng nào đó, đọc xong rồi “trình bày” (Exposer) cho đồng môn nghe. Hôm nay, tôi cũng phải làm một công việc tương tự.

Điểm thứ hai, khó khăn và tế nhị hơn : tôi có chắc mình là giáo dân hay không ? Đọc xong cuốn sách, tôi càng hoang mang hơn về bản chất giáo dân của mình. Bây giờ mới đặt câu hỏi về ơn gọi “vocation” của mình là cái gì ? Muộn quá rồi, 80 tuổi rồi, chẳng lẽ bây giờ mới chọn ? Thành thử rất dở dang !!! Nhưng mà đề tài rất ấn tượng. Càng đọc càng bị thu hút và cảm thấy ấn tượng hơn. Tôi xin tóm tắt.

Ấn tượng thứ nhất, tôi bớt ghét dòng Đa Minh ! ... Tôi ghét Đa Minh dù chẳng biết Đa Minh là ai. Hồi tôi học triết học, khi đó chưa là Công giáo, thấy họ chửi thomisme không thể tưởng tượng được. Thế là tôi cũng ghét thomisme. Xin nói rõ, tôi ghét thomisme chứ không ghét Thomas đâu nhé. Nhưng vì ghét thomisme, nên ghét lây Thomas và rồi ghét luôn Đa Minh.

Tôi theo đạo và đi tu, mà quê tôi chỉ có một Dòng tu duy nhất là Phanxicô. Thế là nhào vô, chứ khi đó tôi cũng chẳng biết Phanxicô là gì cả. Nhưng nó là mối tình đầu, mà mối tình đầu thì có những cái lưu luyến của nó. Một bên là Caritas (Đức ái), một bên là Veritas (Chân lý). Tôi ghét cay ghét đắng cái chữ Veritas (trường phái Đa Minh). Nếu các bạn đọc sách của một tác giả nổi tiếng về Đông Phương là Francois Jullien thì sẽ thấy họ nói : triết học Đông phương là bóng đen tối của Vérité, của Chân lý. Hỏng ! Tôi khoái ông Phanxicô, vì ông ấy không học hành gì cả, còn tôi thì làm biếng. Ông ấy vứt sách, đốt sách…. Học viện do các đồ đệ xây dựng nên, ông phá tan tành …..

Nhưng tôi thú nhận rằng, bây giờ tôi mới biết Congar là ai và Đa Minh là ai. Chính Congar đã giúp tôi, ông ấy nói với tôi rằng : mi theo Chúa 50 năm rồi, vậy mà chẳng hề lo tìm xem “ơn gọi” (vocation) của mi là cái chi !

Hai từ giáo dân – chúng ta nên lưu ý nhất là ở Việt Nam chúng ta – có một nghĩa rất tiêu cực, đầy mặc cảm và bệnh hoạn, cùng với một sự ngấm ngầm ghen tương nào đó. Cái đó là do mấy “ông tu xuất” ra làm giáo dân. Tôi cũng là thầy tu xuất, nhưng mà tôi già rồi mới vô, nên khi tôi ra thì thấy nhẹ nhàng lắm …. (cười). Mấy “ông giáo dân tu xuất” này nói rằng, “tao ở trong chăn, tao biết chăn có rận như thế nào”.

Vấn đề đầu tiên liên hệ đến chữ dân. Không biết ai là người đầu tiên dịch chữ giáo dân ? Yves Congar đã làm một phân tích tỉ mỉ chữ “Laos” và chữ “laisme”. Hai chữ này rất quan trọng. Khi ta nói đến người dân, ta nghĩ ngay đến ông quan. Nhưng sự thật, từ khởi đầu, chữ dân có nghĩa là Dân tộc của Chúa. Nó mang ý nghĩa như một quốc tịch. Sinh ra và có đựơc một quốc tịch đâu phải dễ. Chữ dân đây nhấn mạnh đến quốc tịch của con cái Chúa.

 Còn chúng ta hiện nay, khi nói đến chữ dân là nghĩ ngay đến ông quan. Cái mặc cảm này đã ăn vào xương tủy rồi. Bất cứ người Việt Nam nào cũng thích làm quan, và vì muốn mà không được nên quay lại ghét mấy ông quan. Trong truyền thống, chữ dân ở đây là dân của Chúa. Nó phân biệt với dân ngoại, chứ không phải nhằm đối lập giữa dân và quan. Tuy nhiên, vấn đề có chiều kích lịch sử và văn hóa. Vì vậy, ta không thể đem những gì Congar viết về giáo dân để áp dụng y nguyên vào hoàn cảnh Việt Nam. Cần áp dụng một cách sáng tạo, theo cách mà chính tác giả đã thấy vấn đề. Tôi lặp lại : chúng ta ở trong một hoàn cảnh khác biệt vô cùng vô tận với hoàn cảnh của ngài. Cái “thằng dân” của chúng ta vì không làm quan đựơc, nên hận ông quan. Vậy đó! Chúng ta nên suy nghĩ và đào sâu điểm hơn này.

Cha Congar luôn suy nghĩ từ sự kiện lịch sử và văn hóa. Cha nghiên cứu sự biến thiên của lịch sử cách mạng Pháp, những vùng sáng và vùng tối của nó, rồi sau đó mới đưa ra những quan niệm như vậy. Chúng ta đang ở vào một hoàn cảnh mà trong tư tưởng của cha hoàn toàn không có. Cha không phải là người Việt Nam, không ở trong chế độ XHCN như chúng ta. Nhưng mà chúng ta phải học cách ngài nhìn và nghiên cứu rồi đem ra thực tế. Người dân Anamiste như thế nào ? Có đáng làm một người dân hay không ? Có quyền lợi và bổn phận như thế nào ? Có được hưởng quyền tín ngưỡng hay không ? Phải nghiên cứu Dân của ai, nước nào ? Quyền ở đâu, bổn phận ở đâu ?

Cách đây nhiều năm, có một ông cha đi học Pháp về, nói với tôi rằng : “Anh phải chịu chức linh mục, bổn phận của anh là chịu chức linh mục, nếu không là anh trốn tránh trách nhiệm”. Tôi trả lời : “Con là giáo dân”. Vị linh mục đó đáp : “Anh nói giống như là anh ở bên Tây ấy. Đúng, nói như anh ở bên Tây thì rất đúng, nhưng tôi nói cho anh biết, anh ở đất nước Việt Nam này, anh muốn làm gì thì phải có chức linh mục”.

Đúng vậy, bây giờ tôi đi vận động công tác từ thiện, xin học bổng cho trẻ em nghèo. Mặc dù người ta biết rằng tôi không xài, tôi không đem tiền về nuôi vợ nuôi con (có vợ con đâu mà nuôi ?), nhưng mà người ta vẫn không cho. Thành ra vấn đề hiện nay vừa là vấn đề xã hội học, vừa là cái gì đó... Cái thân phận người dân trong đất nước Việt Nam chúng ta là thế đó. Tôi không ám chỉ chế độ nào hết, nhưng khổ lắm ! Tôi ở trong nhà quan, tôi đã là con quan, tôi biết mà !

Ý thứ hai, tôi phải nói vội, bởi vì có 15 phút thôi. Chúng ta không thừa hưởng được tư tưởng của cha Congar, nhưng tôi học đựơc cái “cách thức suy tư” của cha. Để làm thần học cần phải nghiên cứu xã hội, văn hóa. Xem tại sao có não trạng, lối nghĩ và nếp sống như thế ? Bây giờ chữa như thế nào ? Tôi nghĩ đến Lenin. Lenin đọc sách của Karl Marx - Engels và đem suy nghĩ của hai vị đó áp dụng vào xã hội của mình. Kể cả Mao Trạch Đông ở Trung Quốc và Hồ Chí Minh ở Việt Nam cũng thế. Với tư tưởng đó, đem áp dụng vào Nga thì sao, Trung Quốc thì sao, Việt Nam thì sao ? Trật lất hết. Việt Nam toàn nông dân, không có công nghệ….. Que fait ? Phải làm cái gì ? Phải tổ chức, tổ chức như thế nào ?

Tôi là một anh làm một cái nghề, mà tôi tạm gọi là nghề triết. Đọc Congar rồi, tôi học được khái niệm về Vérité (chân lý), mà xưa nay tôi hay dị ứng. Sự dị ứng này không phải do ảnh hưởng của Pascal hay của Phanxicô, nhưng là ảnh hưởng do dị ứng của Đông Phương. Ông Francois Jullien đã giúp cho tôi hiểu được cái đó. Tôi rất dị ứng với Vérité. Tôi không tin cái Vérité, cái Chân lý của con người. Tào lao, thiên địa, ngồi đó cứ dựng lên, dựng lên ... rồi bảo là Chân lý ! Chừng nào đạp phải cái kim mới biết cái kim là thế nào, chứ cứ ngồi suy tư : cái kim nó nhọn, sắc…. mà không bao giờ bị đau cả thì chẳng đi đến đâu.

Nhưng mà tôi đã lầm !!!

Hai linh mục dòng Đa Minh, A.D.Sertillanges và Dominique Dubarle, đã giúp tôi nhận ra điều ấy. Tôi đã bắt đầu có sự biến chuyển về cái dị ứng đối với phạm trù Vérité của tôi. Bây giờ sức tàn lực kiệt rồi, thì tôi mới có sự biến chuyển tư duy của cái anh làm nghề triết. Cái đó bao hàm điều gì ? Cái đó liên hệ như thế nào đến vấn đề giáo dân ?

Cái đó có lẽ do ảnh hưởng Pascal. Mà Pascal là Jansenisme, mà cốt lõi của Jansenisme nằm ở cái nhìn hoàn toàn tiêu cực về tự nhiên, về bản chất con người. Tất cả đã hư hỏng hết. Vì vậy, nếu tôi dị ứng với phạm trù chân lý là tôi nghĩ đó là chân lý của con người, mà cái gì của con người đều hư hỏng hết. Điều đó có phần đúng, nhưng cái chân lý đó chỉ là một phần của trần gian này, của thế giới này, từ hôn phối đến xã hội, chính trị, kinh tế….. mà thôi.

Chữ Laisme (hay Laos) có chiều hướng của hữu thể học, là giá trị của vũ trụ này, trong đó có vật chất. Từ vật chất đi lên. Tôi nghi ngờ tất cả, tôi nghi ngờ hết, tôi chỉ tin vào …. tràng hạt mân côi này mà thôi, vì nó là gỗ thật.

Congar mở cho tôi một chân trời : ngài dùng chữ “không khéo chúng ta thiếu trung thực (loyauté) đối với cái bản tính (Nature) của mình”. Ngài dùng một từ mà tôi giật mình ; ngài nói, đó tuy là tư tưởng của một nhà thần học, một cặp nhà thần học, nhưng nó có ảnh hưởng ghê gớm : la révolution albertino- thomiste (cuộc cách mạng của trường phái Alberto – Thomas). Alberto – Thomas, hai nhà thần học gia nổi loạn, hai nhà thần học làm cách mạng nhấn mạnh đến thái độ tôn trọng thực tại khách quan và chăm chú tìm hiểu những mảnh sự thật trong lịch sử. Chính vì thế tôi mới hiểu ra tại sao, ở giai đoạn đầu, thánh Thomas cũng bị tổng giám mục Paris treo ghế. Đúng, vì đó là một révolution albertino- thomiste.

Trước tiên là ảnh hưởng của Augustino, mà Augustino lúc đầu ảnh hưởng của phái Maniché, cho nên có một sự phũ phàng nào đó với vũ trụ này. Và như thế, có thể nói là phạm tội với Đức Chúa Cha. Người Giáo dân (Laos), từ vai trò, sứ vụ đi đến chỗ nghĩ đến chức vị, làm quan này nọ. Cái đó do lịch sử, đi xa hơn là révolution albertino thomiste, cái đó gần như có gì đó đối lập với Augustinisme, mà Augustinisme là cha đẻ của Jansenisme. Cái vòng luẩn quẩn đó là mối tơ vò đối với tôi.

Ở đây cũng có cái gì giông giống như là câu chuyện “Hồng và Chuyên” ở thời bao cấp. Cứ “Hồng” là được chứ chẳng cần gì đến “Chuyên”. Phũ phàng với “Chuyên”, xoay lưng lại với thực tế. Chỉ cần “Hồng” là làm nên mọi sự. Chính vì vậy, xây cầu, cầu sập ... Ta cũng phải coi chừng để đừng rơi vào vết xe đổ đó : chỉ siêu nhiên là đủ, không cần cái tự nhiên, nhân bản ... Rồi hờ hững với cuộc đời, thiếu trung thực với nguyên nhân đệ nhị. Việc gì cũng vậy, cứ chạy thẳng lên nguyên nhân Đệ Nhất (Cause Première), mà quên khuấy nguyên nhân đệ nhị. Nhưng trường phái Albertino – Thomisme cho ta thấy nguyên nhân đệ nhị cũng có thế giá và vai trò quan trọng của nó.

Giáo dân chính là người vọc tay vào những nguyên nhân đệ nhị. Nói sâu xa, ở đây không hề có chuyện tranh giành gì cả, nhưng là vấn đề căn bản trong hữu thể. Rõ rệt nhất là trong những trách vụ ở đời và trong việc vợ chồng, con cái. Từ việc vợ chồng con cái đến chuyện làm ăn, nghệ thuật, kinh tế, xã hội, chính trị... đó là lãnh vực của người giáo dân. Cần có chuyên môn và anh “chuyên trần gian” đó cần có ơn gọi, chứ đâu phải chỉ là tội lỗi mà thôi.

Yves Congar còn dùng một cặp từ nữa, rất hay, đó là : cứu độ “Salut” và Sauver. Sauver ngài phân ra hai vế sauvetage. Cái mà ta gọi là giáo sĩ cơ chế thì lo cơ chế, lo cái salut (cứu độ) từ trên xuống. Còn anh giáo dân, sinh ra để mà sauvetage, cứu nạn, cứu khổ. Mỗi công tác đều có sứ vụ và ơn gọi riêng. Dù chuyện dạy học, làm chính trị, cho đến chuyện nấu cơm, chuyện chăn gối vợ chồng, buôn bán sinh lợi ... cũng cần có một ơn thiên triệu tự nhiên. Giáo dân là thế ! Nhưng mà vì hư hỏng nên cần một sự tiếp sức, cần có vai trò của Dân Chúa để được ban ơn từ trên xuống. Còn nếu chỉ xét vai trò trần thế, sứ vụ làm trai ở đời mà thôi thì thực ra đâu cần. Cái đó Nho giáo có thể dạy chúng ta một cách cặn kẽ. Người nho sĩ sinh ra là đã có trách nhiệm với trời đất, với gia đình và bản thân. Điều này, anh em Cộng sản cũng có thể giúp ta.

Nhưng nơi hình thức sống đạo của chúng ta hình như thiếu một thứ trung thực nào đó với trần thế, với công sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ. Tôi còn nhớ một lần tôi “mắng” một ông linh mục, mà ông ấy là tiến sĩ tâm lý. Trong một buổi họp đại học, tôi đề nghị thêm một khoản trợ cấp cho những anh em có gia đình. Người ta có vợ có con, thực ra người ta cũng nuôi con cho Giáo Hội và cho Đất nước mà thôi. Ông ấy mới nói : “Hừ, trợ cấp, trợ cấp gì, về ôm vợ sướng thấy mẹ đi !”. Tôi chỉ mặt : “Này, cha học giáo lý với ai, cha học tâm lý với ai ? Cha làm lễ hôn phối mà suy nghĩ như vậy và cha giảng như thế đó hả ? Đồ bất hiếu”. Tôi nói thẳng như vậy.

Ơn gọi, vai trò, sứ vụ, vị thế của người giáo dân ... tất cả những vấn đề đó chúng ta cần đặt lại trong hoàn cảnh của Đất nước và Giáo hội Việt Nam hiện nay. Hình như người giáo dân chưa có vai trò và vị thế nào tương xứng. Đến nỗi, một ông linh mục, hiểu tôi lắm, đã nói rằng ở đất nước Việt Nam này, anh muốn làm gì thì cũng phải có chức linh mục, dù anh không muốn.

Có những lúc và những giai đoạn, ngay cả tổ chức Công giáo yêu nước cũng toàn là linh mục và tu sĩ. Với giáo dân, muốn vào thì cũng không được … Như trường hợp của tôi. Giáo phận đà lạt và đức Cha Lâm thời đó không dính dáng gì tới chuyện này. Có lẽ do một thành phần nào đó thôi. Lúc đầu một ông Docteur, cụ Tiến nào đó, muốn cử tôi làm đại biểu để đi họp ở Hà Nội. Nhưng sau đó, trao đổi thế nào đó, không cho tôi đi nữa, vì không muốn để một giáo dân đi họp, mà lại cho một linh mục già. Cho ông linh mục già đi thì chỉ ngồi lần hạt thôi. Còn lỡ cho tôi đi, tôi ngứa miệng nói bậy thì sao ! Thành thử muốn cho yên thì đừng cho tôi đi. Giáo dân muốn có chỗ cũng không được.

Nói tóm lại, một chế độ toàn trị ở ngoài xã hội, một chế độ toàn trị của một văn hóa chỉ biết vua – quan, thằng dân không có chỗ đứng. Một quan niệm thần học theo mô hình kim tự tháp cũng không có chỗ đứng cho người giáo dân trong Giáo hội. Qua tác phẩm “Jalons pour une théologie du laicat » Yves Congar đề xuất cách thức khôi phục lại, theo một lộ trình truyền thống, chức năng tư tế, chức năng vương giả (quản trị) và ngôn sứ (giảng dạy) của người giáo dân trong Giáo hội. Làm sao áp dụng và thực thi những chức năng đó trong bối cảnh văn hoá, xã hội, chính trị và tôn giáo ở Việt Nam hôm nay ?

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro