Phần 1. Nắng tựa đứa trẻ tinh nghịch

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Vó cất lên cao, đuổi theo cơn gió đang vi vu trên từng ngọn cây bạch đằng lớn cạnh bên bờ sông. Trời nhá nhem tối, còn mỗi đốm sáng còn sót lại ở tít đằng xa, thầy Nguyên vươn tay lấy cái rào để lấy cá đang mắc trên lưới, mớ cá linh với cá sặc nhiều tới nổi quằn cả cái rào thầy Nguyên cầm, ước chừng hơn nửa ký cá. Thầy Nguyên đổ vào thau nước để sẵn ở gần đó, cuối cùng lại thả vó. Hết thảy những hành động của thầy Nguyên, đều thu hết vào trong mắt thầy Vũ, với cái vẻ hiếu kỳ, nghe đã lâu bây giờ mới tận mắt nhìn rõ cái vó miền Nam họ hay nói tới, rồi một thân trai nhìn mảnh khảnh thế mà kéo vó nặng trĩu không hề nhăn mặt nhíu mày, gương mặt nhỏ xíu, sóng mũi thẳng tắp, làn da trắng mịn, tưởng chừng cậu ấm cô chiêu, ấy vậy lại là một người làm lụng chân tay chính hiệu. Nhìn bộ dạng ngơ ngác của thầy Vũ, thầy Nguyên khẽ cười, giả đò trêu ghẹo.

" Hay vó sau thầy Vũ thử lại kéo xuống xem sao, thử cho biết. Đợi sau này về Nghệ An rồi kể lại cho sấp nhỏ nghe "

Thầy Vũ cười trừ, lẽ nào thầy Nguyên không biết người thầy giáo vừa chuyển công tác về vùng này vóc dáng bên ngoài tuy có to xác nhưng lại vụn về, sức lực có nhưng làm đâu hỏng đó, mới vào miền Nam được hai ba hôm thì thầy Vũ đổ bệnh. Do trái gió, trở trời và vì cái nắng ở miền Nam vừa gắt gỏng vừa hanh khô. Khiến người xa lạ vừa ghé thăm cảm thấy chẳng dễ chịu tí nào nhưng người ở lâu lại thấy nắng miền Nam đẹp lắm.

Cái ánh nắng chói chang như một thứ đặc sản, chẳng hạn như những ngày nắng gắt, đứa em nhỏ chạy sau lưng mẹ bê bồ lúa, đợi khi ngang qua gánh hàng nhỏ trong xóm, mẹ sẽ thưởng cho đứa em một que kem ốc quế ngọt lịm, mát lành. Hay mùa hè nóng bức, lũ em thơ rủ nhau đi bắt cào cào. Rồi độ chiều tà cùng nhau nhảy xuống sông tắm tới đã đời. Khoảng trời xanh có nắng, mênh mông rộng lớn, xa rồi lại nhớ lại thương.

Mà nghĩ cũng lạ, thầy Nguyên thường nói với sấp nhỏ, nắng cũng có trái tim, ở lâu rồi thì nắng sẽ đối xử dịu dàng với ta, thậm chí sẽ cảm thấy chút thiện ý từ cái nắng ở miền Nam.

Xấp nhỏ bật cười khanh khách, chẹp chẹp miệng bảo.

" Nếu chúng con có đi xa, chúng con sẽ mang theo nắng bằng cách…"

Đứa lớn nhất đám tiếp lời: " Cho nắng hằn lên da, mẹ con nói trẻ con đùa nghịch ngoài nắng thường có mùi nắng khét, bám hoài không phai "

" Thầy Nguyên ơi, ý của bạn Minh Nhân là bây giờ bạn Minh Nhân muốn xin thầy cho bạn về, bạn phải đi câu cá với bạn Hà đó thầy "

Niềm vui của lũ trẻ con trong xóm mộc mạc, giản dị thế đấy. Chúng nó vui vì hôm nay sông có nhiều cá, vui vì hôm nay có lũ bạn cùng nhau đùa nghịch khắp xóm làng, niềm vui xuất phát từ những thứ bé nhỏ, không cầu kỳ, không xa hoa. Hạnh phúc khi vừa về tới nhà sau buổi chơi mệt lã người, mẹ chúng nó không đánh, không rầy la.

" Mà thầy Nguyên phải dạy tôi nhé, chứ kéo bừa khoé lại hư vó. Mạ của thầy la tôi thì chết dở "

Thầy Vũ ngồi trên gốc cây vú sữa bị mẹ của thầy Nguyên đốn, còn mỗi gốc cây khô cằn, nãy thầy Nguyên tìm trong nhà mãi không thấy cái ghế mình thường ngồi ở sàn nước rửa chén nên kêu thầy Vũ cứ ngồi tạm ở đó chơi. Thầy Nguyên đặt vài vó, kiếm mớ cá, tí nữa vào làm cá kho tiêu cho thầy Vũ thưởng thức. Thấy thầy Vũ bối rối, cười khổ. Thầy Nguyên mủi lòng, không trêu nữa.

" Tôi giỡn thôi, thầy Vũ cứ ngồi đấy chơi, hóng gió cho mát. Tôi kéo vó này nữa rồi vào làm cơm. Chắc cha và mẹ tôi cũng gần về rồi, mà thầy Vũ có biết uống rượu không? "

" Tôi không biết uống " - Thầy Vũ ngượng ngùng gãi đầu.

" Thầy mà ở đây thêm vài tháng nữa, tôi đảm bảo không ai uống rượu qua thầy " - Thầy Nguyên hóm hỉnh đáp.

Dứt lời, thầy Nguyên vội vàng chạy tới kéo vó. Thầy Vũ mãi hoài nhìn theo bóng dáng thầy Nguyên đang hì hục kéo, không nhịn cười khóe miệng nhô lên cao, thầy Nguyên nhỏ hơn thầy Vũ một tuổi. Là giáo viên chính thức của trường tiểu học Bình Thành ở ngoài thị xã, hồi thầy Vũ chân ướt chân ráo tới để thực tập, thầy Nguyên chẳng nề hà, giúp đỡ thầy Vũ đủ điều.

Hỏi ra mới biết, nhà thầy Nguyên có hai anh em, anh hai của thầy Nguyên đi lính, hồi đầu còn đánh dây thép về báo tin bình an, sau này giải phóng, Bắc - Nam hai miền thông thoáng, vậy mà chẳng thấy bóng dáng anh hai quay về. Mẹ già khắc khoải đợi chờ, dấu vết năm tháng hằn lên gương mặt mẹ. Nhưng chờ hoài, chờ mãi, rồi bỗng một ngày kia, có người trên huyện tới tận nhà thầy Nguyên.

Mang theo tro cốt và kỷ vật anh hai để lại, mẹ không khóc, chỉ âm thầm mang di ảnh của anh ôm vào lòng mỗi đêm thâu. Thầy Nguyên khi đó mới độ mười hai, cha thầy Nguyên sớm theo vợ bé, bỏ đàn con thơ. Nhưng tới năm thầy tròn mười tám, cha về, mang theo nỗi đau bị phụ bạc, nỗi ô nhục không dám đối mặt với người vợ tần tảo sớm hôm vì chồng, vì con.

Cha thầy Nguyên cầu xin mẹ thầy Nguyên tha thứ, mẹ thầy Nguyên đồng ý. Thầy Nguyên chẳng tỏ tường, có lẽ vì thương, làm sao bỏ cho đặng.

Thầy Nguyên đậu đại học ở Sài Thành, khi đó nhà không có cái ăn, thầy Nguyên đành nghỉ học. Khi thầy Nguyên tròn mười chín tuổi, cha đi xa làm ăn phất lên, khá giả hơn trước nhiều. Thầy Nguyên nghỉ làm ở lò gạch, khăn gói đi Sài Thành học, rồi sau này thầy Nguyên học xong, quay về quê dạy cho xấp nhỏ.

Còn vì sao mẹ thầy Nguyên thương thầy Vũ, chắc tại vì tính thầy Vũ giống anh hai thầy Nguyên, kể cả thầy Nguyên, ngay lần đầu gặp gỡ thầy Nguyên cảm thấy thầy Vũ mang tới cho mình cảm giác thân thuộc lạ kỳ. Như thể gặp lại người thân xa cách lâu ngày, sau mấy tháng thực tập. Vì trường tiểu học nằm ở thị xã, xa nhà hơn mười lăm cây số, thường thì thầy giáo và các cô sẽ ở lại trường sau mỗi buổi dạy, tới cuối tuần mới về nhà. Thầy Nguyên và thầy Vũ cũng vậy, tới cuối tuần thầy cô về hết, mỗi Vũ đơn độc nằm trên chiếu vải, màn che, chẳng mấy ai thân thích.

Thầy Nguyên thấy thương nên rủ thầy Vũ cuối tuần về nhà cùng thầy Nguyên. Hồi đầu thầy Vũ ngại lắm, sợ phiền cha và mẹ Nguyên, nhưng sau đó mẹ thầy Nguyên rầy bảo thêm đôi đũa, thêm cái chén, thêm một người quây quần bên mâm cơm thì càng vui chứ sao lại phiền.

" Thầy Vũ ơi, vô nhà lấy thêm cái thau ra dùm tôi với, có con cá chép lớn lắm mới vào vó nè, nhanh lên thầy Vũ, không nó sẩy đi bây giờ "

Giọng thầy Nguyên lanh lảnh, ý tứ vui mừng rõ ràng, thầy Vũ bừng tỉnh, nhanh chóng chạy vào nhà. Căn nhà lợp bằng lá đơn sơ, phía trước là con đê lớn và sông, phía sau là một vùng ruộng bao la rộng lớn, không có gì quý giá ngoài tấm phản ở ngoài nhà trước, trong buồng có thêm cái tủ quần áo mà cha thầy Nguyên sắm để thầy Nguyên đựng sách vở, giáo án, đựng áo sơ mi cho sạch sẽ. Thầy Vũ chạy thẳng sau bếp, lấy cái thau nằm gần sóng chén mang ra cho thầy Nguyên.

Thầy Nguyên vỗ vai thầy Vũ, nói lớn.

" Giờ thầy Vũ giúp tôi làm cá chép, tôi chạy ù ra chợ mua ít tương về, tí tôi làm cá chép kho tương đãi thầy chớ ăn cá sặc kho tiêu hoài cũng ngán "

Thầy Nguyên tính tình hào sảng, nói là làm liền, chưa đợi thầy Vũ trả lời, thầy Nguyên đã lấy chiếc xe đạp dựng cạnh cây bạch đằng lớn đạp cọc cạch trong trời đêm, ánh sáng le lói từ đèn dầu ở trong nhà hàng xóm chiếu rọi, phảng phất cũng chẳng đủ để thầy Vũ nhìn rõ bóng lưng thầy Nguyên. Thầy Vũ xắn tay áo, mang cá ra ngoài cây cầu bắt ra sông, tỉ mỉ ngồi lấy ruột cá, cào vẩy thật sạch, sau đó mang cá vào nhà sau để thầy Nguyên về tẩm ướp, còn mình thì lên nhà trước châm đèn dầu cho sáng nhà. Cùng lúc này tiếng cha và mẹ thầy Nguyên ở đằng xa vọng tới.

Thầy Vũ sớm châm bình trà nóng cho cha thầy Nguyên, mang cho mẹ thầy Nguyên ly nước mưa mát lành đặt tấm phản. Chốc sau, cha và mẹ thầy Nguyên tới nhà, đặt cuốc ở ngoài hiên. Thấy thầy Vũ liền cười tít cả mắt, cha và mẹ thầy Nguyên hỏi han thầy Vũ đủ điều. Cảm giác ấm áp, hạnh phúc len lỏi vào trong trái tim thầy Vũ. Dế kêu râm rang ngoài ruộng, trời bắt đầu nổi sấm chớp, thầy Nguyên vẫn đang ung dưng đạp xe chầm chậm về nhà, miệng không ngừng hát hò, tới khi mẹ thầy Nguyên mới hỏi thầy Nguyên bộ trúng số hay sao mà vui ra mặt thế. Thầy Nguyên cười khúc khích, ra sau nhà ướp cá để kho tương, thầy Vũ xuống phụ thầy Nguyên bắt nồi cơm, thầy Vũ ngồi cầm quạt mo quạt phì phạch, mà lửa chẳng cháy, chỉ có làn khói đen nghịt khiến người ta ho sặc sụa.

" Thầy Vũ coi thử coi cũi bị có ướt không? Có thì đốt tới bao giờ mới cháy hả thầy, thầy ra sân lấy bó lá dừa khô tôi để ngoài hiên đem vô đây, tôi mồi lửa cho thầy canh nhé "

Thầy Vũ ngoan ngoan làm theo lời thầy Nguyên chỉ bảo, chốc sau lửa đã bập bùng, thầy ngồi chồm hổm canh nồi cơm, thầy Nguyên ngồi cạnh bên cái bếp còn lại, loay hoay nêm nếm gia vị.

" Ở Nghệ An thầy có mối có mai chưa? " - Thầy Nguyên tò mò hỏi.

Thầy Vũ mãi chẳng đáp, thầy Nguyên dừng tay quay mặt sang nhìn thầy Vũ thì thấy thầy ánh mắt đượm buồn, ánh mắt đặt nơi đốm lửa đỏ đang cháy lớn, còn tâm trí thì đặt ở nơi nào đó xa lắc xa lơ, dường như trong lòng có gì buồn lắm. Thầy Nguyên thở dài, ai mà không có nỗi buồn chớ, người hay cười lại là người buồn sâu thâm thẩm, thầy Nguyên thấy người ta buồn là chịu không đặng, muốn giúp khuây khoả, mà tò mò quá độ lại khác gì tọc mạch chứ, vả lại không biết thầy Vũ có coi mình là bạn thân thiết hay không, người không nói, mình hỏi thì kỳ quá.

Thầy Nguyên suy nghĩ miên man, tới hồi nồi cá kho bốc mùi cháy khét, mẹ thầy Nguyên từ trong nhà tắm vọng hỡi ơi, thầy Nguyên giật bắn mình, nhắc nồi cá xuống, vì quýnh quáng nên không lấy đồ nhắc nồi, vừa chạm vào liền bị cảm giác nóng từ lửa truyền qua nồi bằng sứ, nóng buốt, đau rát. Thầy Vũ thoáng kinh ngạc, nắm lấy tay bàn tay thầy Nguyên kéo về phía mình, ngó tới ngó lui xem có bị bỏng hay không, thầy Nguyên ngượng chín đỏ mặt, hơi ấm từ bàn tay đang nắm lấy tay mình truyền vào trong cơ thể, từng thớ thịt, từng chân tơ, kẽ tóc, trái tim thầy nhảy cẫng lên. Không dám rụt lại, càng không dám động đậy. Thầy Vũ ngó qua một lượt, thấy thầy Nguyên không bị làm mới thở phào nhẹ nhõm, ngẩng mặt lên nhìn thầy Nguyên.

" Thầy bất cẩn quá " - Giọng thầy Vũ đầy vẻ khiển trách, nhưng đâu đó thầy Nguyên nghe ra được, thầy Vũ đang xót xa thay phần mình.

" Vũ ơi, con bỏ đó cho thằng Nguyên nấu đi. Ra coi dùm chú ba cái đài sao mà rè quá vậy nè, con chỉnh lại giúp chú ba với " - Cha Nguyên từ ngoài nhà trước nói vọng vô.

Thầy Nguyên rút tay mình ra khỏi tay thầy Vũ, nói.

" Thầy ra ngoài chơi với cha tôi đi, để phần còn lại tôi làm cho "

Thầy Vũ gật đầu, trước khi ra khỏi bếp còn quay lại nhỏ giọng dặn dò thầy Nguyên.

" Thầy nhớ cẩn thận đấy, đừng để bị bỏng "

Thầy Nguyên khẽ gật đầu, sau khi thầy Vũ rời đi. Không biết do trong nhà bếp, vì lửa hai bên bếp đều đang cháy sáng, hơi nóng phả vào mặt khiến cho mặt thầy Nguyên nóng bừng hay vì câu dặn dò kia, hơi ấm còn sót lại trên cổ tay khiến cho trái tim thầy Nguyên tràn ngập hương xuân.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro