Phần 2. Đêm thâu muộn sầu

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

" Các anh và chị về nhà nhớ làm bài tập đầy đủ, ngày mai em sẽ kiểm tra, ai mà không làm em phạt ráng chịu nha "

Thầy Nguyên nửa thật nửa đùa nói với học sinh của mình, những người học sinh đặt biệt, những anh chị có tuổi, thậm chí có những cô và chú xấp xỉ tuổi cha Nguyên ngồi dưới bục giảng. Đều đặn mỗi buổi tối thứ sáu và bảy sẽ tới căn nhà nhỏ của cô tám bán tạp hoá, đợi thầy Nguyên tới dạy cho con chữ. Những người họ đều là những người dân lao động chân tay, có những chưa kịp thay đồ đã vội vàng chạy tới học, có những người dẫu có ốm đau vẫn không bỏ buổi nào, họ mưu cầu tri thức, họ muốn cố gắng thay những năm nghèo khổ, sống lam lũ khắp nơi theo cha, theo mẹ tránh giặc, họ muốn bản thân mình ít ra cũng viết được tên bản thân rõ ràng.

Xóa mù chữ, nói thì dễ nhưng làm thì khó nhọc nhường nào, nghề giáo vào những năm này không có nhiều, người chịu lặn lội vào vùng sâu, vùng xa, kiên nhẫn dạy cho người mù chữ hơn chục năm hơn hoàn toàn chẳng có mấy người làm được. Thầy Nguyên và thầy Vũ là trường hợp đặc biệt, cũng kỳ lạ, thầy Nguyên nguyện trích một phần tiền sinh hoạt, tiền dạy của mình mua bàn ghế, nhờ thầy hiệu trưởng đánh tiếng với người trong xóm, thầy Nguyên dạy như thế ngót nghét hơn ba năm liền.

Sau đó có thêm thầy Vũ phụ giúp, thầy Nguyên phụ trách tối thứ sáu, còn thầy Vũ sẽ dạy vào tối thứ bảy. Mỗi khi dạy xong, trăng nhô lên cao, thầy Vũ hay đứng ngoài cửa đợi thầy Nguyên về sau mỗi buổi thầy Nguyên dạy nhưng thầy Vũ không cho thầy Nguyên đón mình. Thầy Vũ kêu đường xá từ tiệm tạp hoá tới trường vắng lặng, thầy Nguyên dẫu có rành rọt cũng không thể nào tránh được nguy hiểm bủa vây. Thầy Vũ lại khác, thầy Vũ có học qua võ phòng thân, ít nhiều vẫn tự bảo vệ được mình. Thầy Nguyên cười trừ, chẳng có lý lẽ nào phản biện được thầy Vũ. Hôm nay cũng như mọi ngày, thầy Vũ cầm theo đèn dầu, đợi khi lớp tan ra hết, còn mỗi thầy Nguyên đang đứng thu xếp sách vở, thầy Vũ mới đi vào, lặng lẽ giúp thầy Nguyên lau bảng.

Xong xuôi cả hai cùng cuốc bộ trên con đường thị xã, đi về trường tiểu học. Hôm nay trời sáng trăng, thầy Nguyên thích thú ngước lên nhìn mặt trăng tròn vành, sáng rực, bên cạnh còn có những vì sao đang dày đặc phủ lên nhau, thầm nghĩ ngày mai hẳn trời đẹp lắm, lúa cũng vừa mới gặt, chỉ còn lại góc rạ, nhất định đám nhỏ của thầy Nguyên sẽ chạy đi thả diều cả ngày ngoài đồng cho xem. Hồi sau, thầy Nguyên lén quay sang nhìn thầy Vũ.

Chẳng biết vì chuyện chi mà hôm nay thầy Vũ buồn so, nét buồn hiện rõ trên gương mặt. Dẫu lúc thầy Nguyên quay sang ngó, thầy Vũ nhìn lại, rồi gượng cười. Nhưng sao nụ cười cứ chua chát, khó coi lắm. Thầy Nguyên suy nghĩ đắn đo một lúc, rồi lên tiếng trước.

" Trời cũng còn sớm, hay tôi và thầy ra ngoài chỗ đầm sen gần nhà thím chín ngồi chút đi thầy Vũ "

Thầy Nguyên không dám thở mạnh, chỉ sợ thầy Vũ từ chối.

" Ừa mình đi thôi thầy " - Thầy Vũ nói dứt lời, lục lọi trong túi lấy ra viên kẹo dừa đưa cho thầy Nguyên.

" Thầy ăn đi nè, cái này của trò Minh Nhân. Trò bảo mạ trò cho cả túi lớn, trò muốn biếu cho mỗi người một ít ăn lấy thảo. Phần này trò nhờ tôi gửi thầy, còn cái này là phần tôi gửi thầy "

Thầy Nguyên tự nãy giờ cúi gầm mặt, nghe tới ba chữ " tôi gửi thầy " liền ngước mặt lên nhìn thầy Vũ, trong lòng bàn tay phải viên kẹo dừa, còn lòng bàn tay trái là một cây bút máy đựng túi làm bằng vải màu đỏ lịm. Thầy Nguyên ngạc nhiên, dừng bước.

" Sao tự nhiên thầy lại tặng tôi? "

" Cảm ơn thầy vì đã giúp đỡ tôi trong thời gian qua với lại sắp tới sinh nhật thầy rồi. Tôi thấy hôm lên chợ huyện thầy ngắm mãi, chắc bụng thầy thích nên tôi mua, xem như chút tấm lòng tôi biếu thầy, thầy nhận cho tôi vui nhé " - Nói rồi thầy Vũ đem cây bút nhét vào tay thầy Nguyên.

Thầy Nguyên bỗng dưng cảm thấy trong lòng mình nhẹ nhõm hơn khi nghe xong lý do thầy Vũ tặng quà mình, cũng chẳng rõ bản thân thầy đang sợ hãi điều chi, chỉ là thầy Nguyên chợt mang lòng ích kỷ, tâm tư riêng, muốn giữ chân thầy Vũ ở lại lâu một tí, không muốn nghe thầy Vũ nói lời từ giã.

" Nhưng mà…"

Nói đi nói lại, thầy Nguyên không dám nhận món quà giá trị như này, vì tự xưa giờ, có vay có trả, cho dù không vay nhưng khi họ tặng ta món quà gì đó thì ắt hẳn trong lòng ta cũng đã tính sẵn việc phải trả lại bằng cách món gì đó tương xứng. Thầy Nguyên cũng như thế, thầy Nguyên sợ mình chẳng có dịp để được trả nợ cho thầy Vũ nữa.

Thấy thầy Nguyên mãi chần chừ không chịu nhận, thầy Vũ muốn nói bồi thêm vài lời nhưng mà nghĩ không nên ép người khác, ngoài khó xử còn khiến người khác khó chịu, không vui vẻ. Thầy Nguyên lấy viên kẹo dừa từ tay thầy Vũ, bốc vỏ bỏ vào miệng nhai nhóp nhép. Phần cây bút máy đắc đỏ kia, thầy Nguyên đưa lại cho thầy Vũ. Thấy vậy thầy Vũ không ép uổng nữa, nhận lại cây bút từ tay thầy Nguyên, bỏ vào túi áo trên ngực phải.

Rồi bỗng dưng bước chân thầy Vũ chững hửng, dần bị thầy Nguyên bỏ lại phía sau lưng. Chốc sau thầy Nguyên quay đầu nhìn, thầy Vũ vẫn đứng yên nơi đó, nhìn thầy Nguyên không chớp mắt. Thầy Nguyên sợ thầy Vũ bị bệnh nên đi về phía thầy Vũ, tới lúc cách nhau vài bước chân, dưới ánh đèn dầu le lói, chút trăng cao chiếu rọi, gió thoảng mang hương thơm của khói bếp đằng xa, chắc dì năm đang làm bánh đúc, hương thơm bay tới tận chốn này.

Thầy Nguyên thấy viền mắt thầy Vũ ửng đỏ. Thầy Nguyên tự hỏi, liệu có phải vì mình từ chối nhận quà thầy Vũ tặng nên thầy Vũ giận mình hay không? Nhưng thầy Vũ trước giờ đâu phải kiểu người hờn dỗi ai chứ, rồi thầy Nguyên đứng chững lại, mãi miết ngó về phía thầy Vũ, ánh mắt chạm vào nhau chẳng chút e dè, ngượng ngùng, dường như thầy Vũ có gì đó muốn nói với thầy Nguyên phải không? Ánh mắt đâu bao giờ biết nói dối.

Ấy rồi thầy Vũ đột nhiên quay đi, lén lau đi dòng nước mắt đang chảy dài xuống đôi gò má, tới hồi đối mặt với thầy Nguyên. Thầy Vũ bày ra vẻ tươi cười, chẳng lấy một lời giải thích. Hai người tiếp tục sánh vai đi tới đầm sen, thầy Nguyên đi tới cây cầu bắt ra ngoài đầm, kê đôi dép phía dưới rồi ngồi xuống, hai chân đong đưa, động vào dòng nước mát lạnh chạm vào da thịt, thầy Nguyên thích thú như trẻ con được cho đồ chơi, thầy Vũ ngồi xuống bên cạnh, dịu giọng nói.

" Thầy đừng nghịch nước, kẻo ốm đấy "

Thầy Nguyên rụt chân lên, ngoan ngoãn ngồi xếp bằng, ngước mặt lên nhìn ông trăng đang treo trên cành cây lớn đằng xa.

" Tết này thầy về thăm nhà không? Cha và mẹ thầy chắc nhớ thầy lắm nhỉ? " - Thầy Nguyên mở lời.

Thầy Vũ chần chừ một lúc, rồi đáp.

" Năm nay chắc tôi không về được rồi…"

Giọng thầy Vũ nghèn nghẹn như sắp khóc tới nơi, thầy Nguyên thầm nghĩ mình thật vô ý vô tứ. Thực ra mấy nay thầy có nghe hiệu trưởng kể lại, thầy Vũ không phải tới trường để công tác hay thực tập gì cả, còn mục đích thế nào, vì sao thầy Vũ lại chọn nơi khỉ ho cò gáy này nương náu thì thầy hiệu trưởng bảo thầy Nguyên nên tự mình hỏi.

Hai người vốn dĩ tình cảm rất tốt, không chừng thầy Nguyên hỏi, thầy Vũ sẽ trả lời thật lòng. Bởi vì ngay cả thầy hiệu trưởng cũng không biết rõ, chỉ nhớ ngày thầy Vũ tới gặp mình, thầy Vũ mang trên người đầy thương tích, dẫu có băng bó kỹ lưỡng nhưng trên miếng băng gạc trắng muốt đã tự đời nào thấm màu máu đỏ.

Thầy Nguyên trằn trọc suốt mấy đêm liền, lỡ mình vô ý chạm vào vết thương lòng thầy Vũ thì chết dở, nhưng mà có nhiều vết thương, không thể giấu kín, càng giấu càng khiến nó trở nên nặng nề, lỡ loét, hành hạ ta vào đêm muộn, khiến ta sống dở chết dở vì đớn đau.

Thầy Nguyên lúng túng đặt tay lên vai thầy Vũ, vỗ về an ủi. Thầy Vũ cúi xuống nhìn bàn tay đặt trên vai mình, rồi quay sang nhìn thầy Nguyên, tự dưng cười, nụ cười vô cùng dịu dàng, sáng lạng, bao nhiêu muộn phiền trên gương mặt thầy ngay khoảnh khắc đó dường như tan biến vào hư không, thầy Vũ nhận ra thầy Nguyên muốn an ủi mình, không khỏi cảm kích.

" Thầy đừng lo cho tôi, tôi không sao cả. Cha và mạ tôi hôm trước có đánh dây thép vào cho tôi, nói rằng năm nay sẽ ra ngoài Hà Giang thăm họ hàng, cả cái Tết chắc ăn ngoài đấy. Sẵn dịp tôi xin cha và mạ ở lại đây ăn Tết. Tôi hơi tò mò, không biết Tết ở đây có khác gì với Nghệ An quê tôi không? Chắc năm nay tôi phải nương nhờ nhà thầy Nguyên dăm ba ngày Tết…"

" Không phiền phức gì hết, thầy muốn ở bao lâu cũng được. Thân quen tới độ nào rồi mà thầy hở ra lại nói phiền này phiền nọ, tôi thừa biết nhé " - Thầy Nguyên chau mày, cắt ngang lời thầy Vũ.

Thầy Vũ bị nói trúng tim đen, không còn đường phản bác, đành im lặng nghe thầy Nguyên khiển trách. Chẳng hay thầy Vũ cũng sợ, sợ thầy Nguyên cho mình quá nhiều thứ, rồi mình chẳng thể trả lại nợ ân, nợ tình cho thầy Nguyên.

" Thầy tốt với quá, tôi không biết nên lấy gì đền đáp lại cho thầy cả "

" Thầy không cần ngại ngùng hay thấy mắc nợ tôi, thứ cho tôi cho thầy đâu có cao sang hay quý giá chi đâu, chỉ đơn giản vài ba bữa ăn đạm bạc, tốn chẳng bao nhiêu hết. Thầy cứ xem nhà tôi như gia đình thầy ấy là được " - Thầy Nguyên buông lỏng bàn tay đang khoác vai thầy Vũ, sau đấy thầy Nguyên cúi người xuống, vươn tay hái đóa hoa sen đang nở rộ dưới vầng trăng.

" À này thầy Vũ, ở Nghệ An thầy có mối mai chi chưa? " - Thầy Nguyên giọng buồn thiu.

Thầy Vũ trầm mặc một lúc rồi đáp.

" Tôi chưa có, còn thầy thì sao? "

Thầy Nguyên quay sang nhìn thầy Vũ, đánh trống lảng.

" Ngày kia tôi phải đi giỗ của cậu hai, thầy Vũ giúp tôi trông lớp một ngày nhé "

Đêm dần buông, sương rơi lạnh buốt, thầy Vũ xoay lưng vào trong vách tường nằm suy tư, về sự đời, về chuyện người. Về ánh mắt tủi thân của thầy Nguyên vào tối hôm nay, rồi thầy Nguyên trầm ngâm mãi suốt đoạn đường trở về trường.

Ép dầu ép mỡ
Chứ ai nỡ ép duyên

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro