Phần 1. Tình chúng ta bắt đầu khi mùa thu trở lại

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tình chúng ta bắt đầu khi mùa thu trở lại, khi những chùm hoa thạch thảo ngát hương trên những lối đi quen

- Sao giờ này em còn ở đây vậy Gia Nguyên?

Trương Gia Nguyễn nhìn chị Vân- chủ tịch hội sinh viên đang nghiêng người nhìn cậu, sau đó cậu gỡ tai nghe xuống, cất gọn chiếc máy mp3 vào cặp táp. Ngại ngùng gãi đầu đáp.

- Em ngồi nghe radio, vậy mà nghe mất cả buổi chiều chưa xong. Bây giờ em về chị ạ !

- Chị nghe nói em chuẩn bị đi ra Hà Nội để thực tập, chắc hẳn nhớ nhà lắm nhỉ? - chị Vân mỉm cười dịu dàng vỗ lên vai Trương Gia Nguyên như để an ủi.

- Nhớ nhà còn nhớ cả Sài Gòn thương mến - Cậu cúi đầu nhìn xấp hồ sơ trên bàn, sau đấy ngồi dậy thu xếp đồ đạc, trước khi về còn ngoái lại chỗ chị Hà đang đứng nói lớn.

- Buồn thì có nhưng vẫn háo hức hơn, Hà Nội vào thu rồi. Khi về em mua quà tặng chị nhá.

Trương Gia Nguyên năm nay vừa tròn hai mươi hai tuổi, từ một sinh viên ở tỉnh lẻ lên chốn Sài Gòn phồn hoa để học tập. Sớm đã quen cảnh xa nhà, tốt nghiệp xong đương nhiên phải đi thực tập. Trường gửi cậu ra Hà Nội, cái chốn đương thời cậu chỉ nghe danh đẹp và bình yên, từng thấy qua trên màn hình vô tuyến, háo hức, mong chờ xen lẫn nhớ nhung. Căn nhà trọ trong dãy trọ dành cho dân lao động chỉ có mỗi Trương Gia Nguyên là người học cao hiểu rộng nhất, còn lại anh chị hay cô chú đều làm lao động chân tay. Bởi vì thế nên Trương Gia Nguyên như út cưng của dãy trọ nghèo, họ không có quá nhiều thứ cao sang nhưng hễ người từ quê lên sẽ mang chút quà bánh dưới quê cho cậu ăn để đỡ nhớ nhà, có người quê tít ở Huế vào đây tha hương lập nghiệp, mỗi lần trở vào đều mang cho mọi người vài gói bánh bột lọc mềm dẻo, đậm đà hương vị xứ Huế. Trương Gia Nguyên ngồi xếp đồ bỏ vào ba lô, vài bộ đồ cũ kỹ phai màu vì gió sương, cậu chậc lưỡi, mở cửa tủ ra, chiếc áo sơ mi màu trắng giữa còn mới tinh nằm gọn trong góc. Đây là chiếc áo kỷ vật của mẹ tặng Trương Gia Nguyên trước khi bà mất ngay cái ngày mà cậu ngồi trên xe đò 7 tiếng lên Sài Gòn, mẹ cậu vĩnh viễn chẳng tỉnh lại vì căn bệnh đột quỵ. Trương Gia Nguyên không dám mặc vì sợ mặc rồi sẽ sớm phai màu, rốt cuộc vẫn phải đem ra để mang theo trong chuyến công tác. Cậu nghĩ thầm nghĩ phong thái chỉnh tề ra mắt các em học sinh vẫn tốt hơn chiếc áo sờn vai. Ngày đi, cả xóm trọ nghèo ra đưa tiễn cậu tới tận ga tàu. Trương Gia Nguyên hồi đầu vẫn còn vui vẻ cười nói, lúc sau cảm giác quyến luyến dấy lên trong lòng. Bỗng nhớ con người chân chất thật thà từ tứ xứ đổ về. Nhớ nơi mà mỗi đêm khuya vắng lặng, cái tiếng xe đạp cọc cạch vang vọng trên mọi nẻo đường của chú bán bánh mỳ. Cái giọng rao đầy nội lực " bánh mì Sài Gòn đây" khiến người ta bùi ngùi thương nhớ. Bấy giờ ngồi trên chuyến tàu Bắc Nam, Trương Gia Nguyên tưởng tượng cảnh mình đặt chân xuống đất Hà Nội. Cậu nghe nói, mùa thu ở nơi đấy tình lắm, cái tình được ví von như tiếng chim sơn ca, như ánh nắng.

Ngồi hơn ba mươi ba tiếng đồng hồ, cuối cùng Trương Gia Nguyên cũng tới Hà Nội. Suốt dọc đường đi, cậu luôn nhắm mắt để ngủ, quên mất luôn phải ngắm cảnh đẹp bên đường. Vừa bước xuống sân ga, cái mùi hương của trời thu Hà Nội len lỏi vào từng tán lá, Trương Gia Nguyên nhắm mắt hít hà. Thật khác. Sài Gòn bấy giờ hẳn đang mưa. Còn Hà Nội thì không giống vậy. Trương Gia Nguyên hỏi thăm đường đến phố Phan Đình Phùng, ở nơi đó có một căn nhà trọ cho thuê giá rẻ được một anh học khoá trên giới thiệu, trong lần anh ấy ra Hà Nội để thực tập. Trên đường đi, xung quanh hai bên những tán cây mặc lên mình bộ đồ màu vàng ươm chói loá, chiều tà nên không khí xuống thấp, phía trước Trương Gia Nguyên có mấy cô chở đầy những bó hoa lớn ngược xuôi trên đường. Tiến sâu vào lòng thành phố, cậu càng cảm thấy rõ rệt cái tiết trời mùa thu ở Hà Nội. Cơn gió heo may se se lạnh, hoàng hôn buông xuống ở phía xa chỉ còn vài vệt sáng. Trương Gia Nguyên nhận phòng, cô chủ là một người lớn tuổi, gốc Hà Nội, cô nói chuyện vô cùng từ tốn. Biết cậu là người miền Nam càng nhiệt tình giúp đỡ, dặn dò cậu phải mua chăn như nào, tối ngủ nên nằm ra sao để đừng cảm lạnh. Căn phòng Trương Gia Nguyên thuê tầm mười mét vuông, vừa đủ đặt một cái giường bằng gỗ ở góc, kê một cái bàn và tủ quần áo. Cậu không đòi hỏi gì nhiều hết, như thế quá đủ cho một người thầy giáo thực tập. Tối dần, cô chủ tới gõ cửa. Mang cho cậu một gói cốm, cô chủ bảo ăn để biết thế nào là mùa thu Hà Nội. Cốm được gói trong lá sen, vị bùi nhưng hơi đắng. Trương Gia Nguyên ăn muỗng đầu tiên, mắt bỗng dưng cay xè, từ tận đáy lòng dâng trào cảm giác ấm áp.

Trương Gia Nguyên không có thời gian tham quan Hà Nội đã phải đến trường nhận lớp của mình. Trường của Trương Gia Nguyên là một trường tiểu học kém phát triển nhất ở Hà Nội, cơ sở vật chất kém, không được khan trang, đẹp đẽ. Tuy vậy các em học sinh đều chăm ngoan, mấy đứa nhỏ toàn con của người lao động nghèo, chúng nó mến thầy cô cũ dạy mình nhưng cũng mến luôn thầy cô tới thực tập. Ngày đầu tiên đi làm, Trương Gia Nguyên mặc chiếc áo sơ mi mà mẹ tặng. Trước khi ra khỏi nhà, cô chủ nhà kêu cậu lại, làm động tác cổ vũ, nhỏ giọng nói.

- Cố lên nhé cháu, hôm nay cháu mặc chiếc áo sơ mi này đẹp lắm !

- Con cảm ơn cô - Trương Gia Nguyên cúi người chín mươi độ tỏ lòng ý cảm ơn.

Đám nhỏ đen nhẻm, mình mẩy gầy gò nhưng mà vô cùng hiếu động lẫn nhiệt tình. Ngồi Trương Gia Nguyên giới thiệu xong liền thi nhau vỗ tay ầm ầm, chiều hôm đó sau khi tan học. Đồng hồ vừa điểm đúng năm giờ, cậu vươn vai thu dọn đồ đạc chuẩn bị về. Học sinh đã ra về trước đó nửa tiếng, còn cậu phải ở lại soạn giáo trình. Ngày đầu tiên bắt đầu khá thuận lợi, Trương Gia Nguyên mừng húm, cảm thán sao mà mình giỏi thế. Thiếu điều chỉ còn nhảy chân sáo quanh trường. Chiều đó trời khá lạnh, Trương Gia Nguyên không đem áo khoác vì bản thân cứ ngỡ mình còn ở Sài Gòn. Đứng ngoài trạm chờ xe buýt mà người rét run, cậu co ro đứng dựa vào một góc cây. Xui xẻo thế nào còn bị lỡ mất chuyến xe buýt lúc bốn giờ năm mươi lăm. Trương Gia Nguyên sụt sịt, mũi hơi ngứa ngứa, chóp mũi phiếm đỏ. Xe buýt cậu đợi cuối cùng cũng tới, Trương Gia Nguyên nhanh chóng phi lên xe, chọn một chỗ khuất bóng có cửa sổ ngồi xuống. Cậu suy nghĩ vu vơ đủ thứ chuyện trên đời, nhìn cảnh vật trữ tình, thơ mộng bên ngoài mà lòng chợt xao xuyến. Bên ngoài có một hàng hoa sữa đang trổ hoa, mùi hoa sữa thơm thoang thoảng sọc thẳng vào mũi, Trương Gia Nguyên mở khung kính cửa sổ hít lấy hít để mặc kệ cái nhìn khó hiểu của người đi cùng. Có lẽ vì họ quen với chốn này nên cảm thấy bình thường, cậu còn hay nghe người Hà Nội sợ nhất hoa sữa. Vậy đó, mà người tới để tham quan như cậu lại mê mẩn. Cậu bỗng nhớ tới trong chiếc mp3 của mình có một đoạn độc thoại của Nguyễn Đình Toàn.

" Ta tìm cái mình không thể có
Ta có cái mình không thể tìm "

Hợp hoàn cảnh này thật, cậu đang say đắm với những chùm suy nghĩ. Xe buýt đã đi tới đầu đường Phan Đình Phùng. Ánh mắt Trương Gia Nguyên chợt va phải vào một bóng hình đứng dưới trạm xe buýt 3A, chắc vì người đó quá nổi bật so với những người đi đường khác. Đấy là một chàng trai, mặc chiếc áo sơ mi màu xanh lam, mặc quần tây đen, mang đôi giày thể thao và trên tay đang cầm một bó hoa thạch thảo màu tím. Ánh mắt người đó nhìn xa xăm, đôi mắt đượm buồn vì chất chứa nhiều tâm sự. Bỗng dưng cậu thấy một giọt nước mắt lăn dài trên đôi má người đó, tuy gương mặt vẫn bình tĩnh lạ thường vậy mà chẳng hiểu sao cậu lại cảm giác, hẳn người ta đang buồn lắm nhỉ? Trương Gia Nguyên đi một đoạn khá xa vẫn ngoái đầu lại nhìn tới khi chẳng còn thấy được nữa. Tối nằm trên giường, hình ảnh người đấy cứ ẩn hiện mãi trong đầu Trương Gia Nguyên. Hình ảnh đứng dưới tán cây vàng ươm, dưới chân vài chiếc lá khô, ôm bó hoa thạch thảo, trông thì đẹp đẽ như tranh nhưng lại man mác một nỗi buồn khó tả. Thạch thảo, hoa của nỗi cô đơn.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro