25. Thế giới trong mắt của người tâm thần phân liệt trông như thế nào?

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Phần I
(có lược dịch)
Người dịch: #PhuongHoang
[1077 bình luận] [33,584 quan tâm] [12,897,832 lượt xem]
Link Zhihu: https://www.zhihu.com/question/20043810/answer/778519467
(Lưu ý: Bởi vì đây là chia sẻ của một bệnh nhân nên đôi khi nó khá là lộn xộn và khó hiểu, mọi người thông cảm cho.)
______________________
[Người dùng ẩn danh] [27083+]
Năm nay tôi mười tám tuổi, được xác định bị tâm thần phân liệt hồi lớp mười hai, nhưng bác sĩ nói thời gian mắc bệnh thực tế sớm hơn thế nhiều.
Với tôi mà nói thì có ba loại ảo giác chủ yếu:
1. Cô gái tên R. Đây là ảo giác bền bỉ nhất của tôi, nó bắt đầu xuất hiện năm tôi 14 tuổi, đang học lớp 7, khi đó tôi bị đánh thì thấy nó đứng cạnh nhìn mình. Trông nó cũng chẳng khác gì người bình thường nên ban đầu tôi không nghĩ nó là ảo giác. Có thể nhận biết được nó là thật hay ảo. Nó được đắp nặn chừng nửa năm thì biến mất.
2. Bóng đen. Nó xuất hiện mọi lúc mọi nơi, và luôn giữ một khoảng cách nhất định với tôi. Nó có hình người, nhưng không rõ mặt, nó gầy và cao lắm. Có thể nhận biết được và đến nay vẫn còn.
3. Những hình ảnh quỷ quái lạ kỳ. Loại này nếu có người muốn biết thì tôi sẽ kể thêm. Nó lấy hiện thực làm cơ sở nên loại ảo giác này khó nhận biết nhất. Đến nay vẫn còn xuất hiện.
Ảo thanh thì có âm thanh phát ra từ ảo giác và riêng ảo thanh không.
Chỉ riêng ảo thanh thì chúng sẽ xúi giục tôi làm những điều không tốt. Ví dụ như là đi chết đi, chết đi, chết đi. Nó ảnh hưởng đến tôi nhiều nhất, lúc nó phát tác thì khả năng khống chế lý trí của tôi sẽ giảm đi và gây ra những chuyện mà chỉ bệnh nhân tâm thần mới làm. Mọi người thường nghĩ những bệnh nhân tâm thần phân liệt đều như vậy, nhưng riêng đối với tôi mà nói thì chỉ những triệu chứng nghiêm trọng nhất mới thế thôi.
Nhưng tôi chưa từng gây thương tổn cho người khác. Có một lần phát bệnh nghiêm trọng nhất tôi đang ngồi trong lớp, khi đó là hai tháng trước kỳ thi đại học. Thành tích học tập của tôi rất tốt, trừ một người bạn ra thì trong lớp không ai biết tôi bị tâm thần phân liệt cả. Tôi không thể để mọi người biết chuyện này được, bởi vì như thế còn đáng sợ hơn chính căn bệnh tôi mang.
Vậy nên tôi phải kiềm hãm nó lại. Nhưng ngay cả khi tôi rứt tóc, cấu vào đùi, lấy dao rạch vào người, những cách gây đau đớn này cũng không thể khiến đám âm thanh hoang tưởng kia biến mất, thì lúc đấy tôi cũng bó tay thật. Tôi biết mặt mình khi đó đỏ bừng lên, còn ánh mắt thì chắc chắn rất đáng sợ. Mọi người bắt đầu chú ý đến tôi, chuyện tôi lo sợ nhất có khả năng thực sự sẽ xảy đến. Tiếng hô hào đi chết đi, chết đi ngày một lớn, dù có bịt chặt tai cũng chẳng có tác dụng gì.
Dường như tôi khóc, tôi muốn hét lên, muốn đập phá đồ đạc, nhưng tôi lại không thể. Những chuyện khác tôi không nhớ rõ nữa. Khi phát bệnh thì trí nhớ của tôi thường rất mịt mờ. Bạn cùng lớp kể với tôi rằng khi đó tôi lao thẳng ra khỏi lớp, sau đó đi qua hành lang, trèo qua lan can định nhảy xuống.
Lúc đấy là hai tháng trước kỳ thi tốt nghiệp phổ thông, điểm số của tôi đứng thứ ba, thứ tư trong lớp. Khi đó chắc chắn tôi chẳng biết mình đang ở tầng bốn, bằng không tôi đã trèo lên cao hơn rồi.
Thế giới trong mắt người tâm thần phân liệt trông ra sao ư, tôi cũng chẳng biết người lập chủ đề này muốn có đáp án như thế nào nữa. Thế giới trong mắt tôi đáng sợ cực kỳ, thực sự rất đáng sợ. Nhưng những yêu ma quỷ quái đó không là gì so với ánh mắt khác thường mà người ta nhìn tôi, chúng khiến tôi đau đớn hơn nhiều.
Ảo giác thì mãi mãi chỉ là ảo giác, chúng là giả. Nhưng thành kiến của người đời thì lại là thật, đúng không.
Cảm ơn mọi người đã quan tâm, tôi đã đọc gần hết chỗ bình luận rồi.
Ban đầu tôi định trả lời vài vấn đề nhưng câu hỏi của mọi người toàn là kiểu có phải tôi từng chịu bạo lực gia đình hay gặp phải chuyện không hay nào đó không, nhắc lại chỉ tổ đau lòng thôi. Huống chi tôi cũng chẳng cần mấy lời an ủi, và cũng không muốn trở thành một kẻ giống như chị dâu Tường Lâm(*), thành đề tài bàn tán của mọi người.
Ai cũng có thể mắc phải tâm thần phân liệt, nó như ung thư vậy, có khả năng xuất hiện trên cơ thể của bất cứ người nào, chứ không riêng gì những đứa trẻ bị bạo lực gia đình gì.
Tôi cũng từng nghĩ rằng bốn chữ tâm thần phân liệt chẳng liên quan gì đến mình cả, thậm chí hiểu biết sâu sắc nhất của tôi về nó lại còn căn cứ vào một quyển sách vừa hài hước vừa hoang đường “Thiên tài bên trái, tên điên bên phải“.
Tôi được xác định mắc bệnh cách đây một năm. Trước đó khi tôi tìm kiếm về bốn chữ tâm thần phân liệt ở trên mạng thì tôi cũng giống như những người khác thôi, tò mò muốn biết về cái quần thể khác người này. Tôi săm soi họ nhưng săm soi một giống loài khác biệt, có lẽ bọn họ thông minh hơn, điên rồ hơn, nguy hiểm hơn những người bình thường khác chẳng hạn.
Nhưng đến khi bị rồi thì tôi mới hay rằng bệnh tâm thần không biến con người ta thành một giống loài khác, thứ thực sự gây ra điều đó là thành kiến của mọi người.
Tôi không có thông minh hơn, tôi cũng chẳng quá điên rồ, chỉ là não tôi bị bệnh thôi, tôi vẫn là tôi, nhưng mọi người không còn coi tôi là con người khi trước nữa.
Vì mỗi tuần khi muốn xin nghỉ học để đến bệnh viện đều cần lý do, nên tôi đã nói cho lớp trưởng biết rằng tôi bị bệnh về tâm thần, tôi hỏi nhỏ rằng có thể giữ bí mật chuyện này giúp tôi không. Nhỏ đáp, dĩ nhiên là được rồi, mau khỏi bệnh nhé.
Một tháng sau bạn tôi nói với tôi rằng lớp trưởng đã bảo nó “đừng chơi với con nhỏ đấy nữa, nó bị bệnh tâm thần đấy.“
Nhỏ nói câu đấy như thể ba cái từ kia là thứ dơ bẩn đầy tội nghiệt nào đó vậy. Một kẻ tội nhân đáng bị xa lánh như một lẽ dĩ nhiên. Khi ấy tôi chưa từng làm chuyện gì khác người hết, cũng chưa gây thương tổn đến ai. Tôi nghĩ mình mắc bệnh này rồi thì sẽ khỏi thôi.
Nhưng người khác thì không cảm thấy như vậy, họ chỉ thấy tôi bị tâm thần phân liệt và bốn chữ này đủ để che đi tất cả những thứ khác về tôi.
Ảo giác hay ảo thanh mà tôi gặp chẳng phải những thứ quá nghiêm trọng gì, đó cũng là nguyên nhân tôi bị bệnh ba năm mới được chẩn đoán chính xác. Nhưng sau khi được chẩn đoán nửa năm, tôi gần như đã bị hủy hoại.
Chẳng hiểu sao tôi lại bị xem như kẻ khác loài, bị mọi người sợ hãi như một điều hiển nhiên. Vì lẽ đó tôi giận dữ, hoảng sợ, cực đoan, muốn giết người, muốn tự sát, tôi hận thù tất cả mọi người. Những ảo giác và ảo thanh không còn an ủi tôi nữa, chúng đe dọa xúi giục tôi đủ điều.
Có một thời gian tôi biến thành kẻ điên đúng như những gì người ta mong muốn, tôi được đưa vào phòng bệnh cách ly trong bệnh viện tâm thần, miệng xàu bọt mép, ngón tay run lẩy bẩy, nói năng thì trẹo trọ không rõ lời. Trên cổ tay và trên đùi tôi là những vết sẹo sâu đến độ nhìn thấy được cả thịt.
Cuối cùng tôi xin giải thích vài chỗ khó hiểu.
Tôi là người mắc bệnh tâm thần, nhưng không phải bẩm sinh.
Lúc mười tám tuổi tôi thích đọc sách, cũng từng giành được nhiều giải thưởng, nhưng toán thì không giỏi lắm. Tôi thích mèo con và cún con, thích nghe những bài hát Tiếng Anh.
Tôi thích xã hội học và triết học, trường tôi muốn thi đậu là đại học Vũ Hán.
Tôi là một cô gái mà các bạn có thể tìm thấy ở bất cứ cấp bậc trường lớp nào. Tôi là một người bình thường, tôi không phải quái vật.
Tôi không phải quái vật.
Thực ra thế giới vốn có của tôi chẳng khác nào thế giới của các bạn cả. Là các bạn cảm thấy chúng không giống nhau thôi.
Bổ sung thêm một điều nữa vậy.
Vì tôi không biết dùng chế độ ẩn danh để trả lời mọi người như thế nào nên mới chưa đáp lại, xin lỗi nhé, nhưng bình luận của các bạn tôi đã đọc cả rồi.
Trong đó có không ít người khuyên tôi nên tìm đến Thần Bà, ba ngày trước tôi đã đi rồi.
Tôi không muốn đi nhưng người nhà lại lôi kéo, họ chỉ chăm chăm để ý việc có khả năng chữa khỏi bệnh chứ dường như chẳng hề nghĩ đến cảm nhận của tôi gì.
Khó khăn lắm tôi mới chấp nhận được chuyện những gì mình nghe thấy, nhìn thấy đều là giả, thì các người lại muốn tôi phải tiếp thu rằng chúng là thật ư. Nếu như Thần Bà bảo những gì tôi trông thấy không phải ảo giác mà là ma quỷ, nhưng bà ta lại không thể xua đuổi được chúng đi, thì mọi người bảo nửa đời còn lại của tôi phải xử lý ra sao? Ngày nào cũng nhìn thấy ma quỷ, nghe tiếng chúng kêu gào, tôi phải sống kiểu gì đây?
Chẳng có ai quan tâm việc sau này tôi sống thế nào hết. Là một người được chẩn đoán mắc bệnh tâm thần, hình như chả có ai nghiêm túc nghe bạn nói chuyện đâu. Bởi vậy nên tôi vẫn cứ đi xem thử, không sao hết. Thần Bà nói rằng tôi “sạch“, nhưng tôi cũng chẳng vui vẻ gì mấy.
Nhân tiện nhắc đến việc nói chuyện, lúc tôi phát bệnh thì ăn nói không hề có tí logic nào, mình nói mà tự mình nghe cũng không hiểu, cộng thêm tác dụng phụ của thuốc dẫn đến hiện tượng Parkinson(**) nữa nên thi thoảng nước dãi nước dớt chảy ròng ròng. Có nhiều khi thì cười rồi chợt khóc, y tá vẫn tiếp tục rửa tay, chẳng ai còn kinh ngạc với chuyện đó nữa, lúc ấy là năm tôi học lớp 11, mười bảy tuổi đầu đã phải nằm viện điều trị.
Có một thời gian dài tôi rất thù hằn những chuyện này. Tôi hận thù cái kiểu nói năng thiếu logic, hận những hành vi bộp chộp của người khác, căm ghét mớ cảm xúc lộn xộn lao lên vụt xuống thất thường. Sợ những người mặc đồ trắng, sợ bệnh viện. Tất cả những thứ này khiến tôi nhớ đến cảnh bản thân ngồi trên giường bệnh. Chúng khiến tôi cảm thấy những cố gắng khi đọc thật nhiều sách, tập nói năng cho có logic rồi tự luyện trước gương như thể truyện cười vậy.
Tôi luyện cách diễn đạt, biểu cảm, cách nói năng là vì muốn vượt qua được sự cố chấp, nhưng có lẽ chính chuyện này cũng là một thứ cố chấp. Không có ai nói chuyện như một cái máy hết, cách biểu đạt ngôn ngữ trôi chảy nhẹ nhàng khi xưa tôi chẳng thể học được, nên tôi mới chột dạ cực kỳ.
Có một lần tôi xem chương trình giải trí nọ trên ti vi thì thấy có người diễn giả ngây giả dại, lúc đấy tim tôi đạp nhanh lắm, như chính tôi đã làm ra chuyện gì đó trái với lương tâm vậy. Mẹ tôi bảo, “vẻ mặt của con thật đáng sợ“.
Tôi đã từng cảm thấy nếu như mình nói chuyện từ tốn có đầu có đuôi, không gây ra chuyện gì quá khích, đối xử ôn hòa thì mọi người sẽ không xử sự với tôi như thế, họ sẽ nghiêm túc lắng nghe tôi nói. Nên tôi coi bệnh của mình như một loại sai lầm và cố gắng sửa chữa nó.
Có một thời gian dài tôi trở nên cực kỳ chăm chỉ. Tôi gắng để mỗi câu mình thốt ra đều hoàn hảo, lễ phép, lý trí và thành thạo, không ai soi ra được tí ti lỗi lầm.
Rồi có người bạn nọ nói với tôi, “cậu trông khỏe mạnh bình thường như vậy không dưng vô bệnh viện tâm thần giả điên để làm gì?“
Người bình thường dễ bị lừa như thế đấy. Bạn trông giống một người bị bệnh tâm thần trong hiểu biết của họ thì bạn chính là bệnh nhân tâm thần, thoạt trông bạn giống một người bình thường vậy bạn chính là người bình thường đang giả bệnh. Họ không tin bệnh án, thuốc thang, những cơn sốc điện, họ chỉ tin vào những bài trắc nghiệm vớ vẩn và mấy câu “trông cậu có vẻ như“… Tất cả mọi người chỉ tin những thứ mà họ muốn tin thôi.
Dù sao thì lời nói chẳng cần phải chịu trách nhiệm nên nói một câu thì cũng chả mất gì. Nếu cứ phải nói ra những lời lẽ hay ho đường hoàng thì mọi người sẽ lặng im đi nhiều lắm.
Dần dần tôi học được cách chấp nhận những điều này.
Tôi còn nhớ một chuyện nho nhỏ thế này. Tôi từng tham gia vào một nhóm những người mắc bệnh trầm cảm (hồi lớp 11 đi khám thì được xác nhận mắc bệnh trầm cảm mức độ nặng), còn mời thêm một số bạn khác vào nữa. Có hôm tôi đăng ghi chép của mình vào đó thì một cô nàng nọ bình luận, “vậy mà cũng gọi là trầm cảm à, mắc ói“.
Tôi không hiểu cô ấy nó gì nên mới hỏi lại, thì cô ấy xóa luôn. Tôi vào tường nhà và thấy cô ấy chụp màn hình ghi chép của tôi đăng kèm dòng: “Tôi trầm cảm ru rú trong nhà suốt hơn nửa năm, chỉ biết ngủ chứ chẳng làm được gì, thế mà người ta trầm với chả cảm cộng thêm tâm thần phân liệt mà vẫn viết được sách cơ đấy.“ Vài người chung nhóm khi ấy bình luận dõng dạc lắm, họ bảo tởm nhất là loại người giả bệnh như thế, mắc ói.
Không được phần đa chứa chấp và đến cả trong đám người bị bệnh cũng chẳng có chỗ dung thân. Rốt cuộc mình bị căn bệnh tâm thần quái ác hay là kẻ giả vờ ghê tởm, chính tôi cũng không rõ nữa.
Tôi có đọc một quyển sách tên “Vui muốn chết“, trong đó có nói: “Bệnh tinh thần của tôi không phải bệnh tinh thần của bạn“. Nó có nghĩa rằng mỗi cá thể có bệnh tình khác nhau, tôi thấy những lời lẽ này rất phù hợp để đáp trả lại sự hà khắc trong nội bộ người bị bệnh.
Có người bảo muốn nghe tôi kể chuyện hồi năm lớp mười hai, thì sau khi tôi nhảy từ lầu ba xuống, cả trường kinh hãi, bạn bè và người thân nghe nói rồi ai ai cũng trách mắng. Trách tôi, “có nghĩ cho cha mẹ chưa“ rồi “khả năng chịu đựng của tâm lý kém như vậy sau này bước chân vào xã hội phải làm sao đây“, “chẳng nghĩ cho nhà trường gì cả, lũ tự tử toàn là bọn rác rưởi thất bại“. Tôi cứ lặng câm nằm trên giường, không khóc cũng chẳng cười.
Chả ai nói với tôi rằng, “đến nước này rồi thì cậu mới là người đau khổ nhất“ cả.
Nỗi đau đớn chỉ riêng mình mình nhận. Nếu tôi thành công thì chẳng hề có lấy một lời khen ngợi, bởi vì vượt qua được bệnh tật về tinh thần cũng đâu có gì là vẻ vang. Giả như tôi thất bại, vậy mọi người sẽ nghĩ, “lại là một đứa học sinh lớp mười hai có tâm lý yếu nhợt nhảy lầu thôi mà, chẳng chịu suy nghĩ cho bố mẹ trường lớp gì cả“.
Thực ra tôi có nghĩ chứ, năm lớp mười hai đó khi được xác nhận mắc căn bệnh này tôi tự biết mình khó mà thi đại học nổi, nhưng tôi vẫn quyết định thi. Hai tháng cuối cùng ấy tôi nhảy vọt từ vị trí thứ năm đếm ngược lên top mười của lớp (nguyên do của sự chênh lệch này là bởi vì lớp mười với lớp mười một tôi học nghệ thuật, chỉ đi học có năm lớp mười còn đâu thì cúp tiết hết), điểm thi môn toán của tôi tăng từ 18 lên 89. Sự cố gắng cũng như những áp lực mà tôi gánh vác nếu đặt lên vai một người bình thường thì có lẽ kẻ đó không chịu nổi đâu, đã thế lại còn bị ảo giác và ảo thanh quấy rầy nữa chứ.
Thực ra những người bị bệnh tâm thần không phải một đám yếu ớt, bệnh tật chẳng hề liên quan gì đến tính cách và sức chịu đựng của họ hết. (Nhưng cũng đừng bởi vì thế mà bắt họ phải sống và làm việc như một người bình thường, giống sức sống của một người bị bệnh trầm cảm ấy, đúng là nó suy sút thật. Xin đừng gán ghép những biểu hiện bệnh chân thực ấy cho tính cách con người.)
Tùy bút năm lớp 12 của tôi:
Thậm chí tôi còn chẳng dám nhắc đến nó. Tất thảy chúng đều ngập đầy tuyệt vọng, mỏi mệt. Tôi muốn chối từ số mệnh, tôi chịu hết nổi rồi.
Mười mấy năm thanh xuân này của tôi cô đơn đến phát sợ, chẳng có một ai hết, chẳng ai hiểu được, mà chính tôi cũng thế.
Điên rồ như thế, cô độc như thế, nhưng nực cười thay lại vẫn sống, rõ ràng có ý nghĩa gì đâu.
Tôi sợ hãi chúng, sợ mỗi sớm thức giấc, sợ phải ở trường, sợ phải giao tiếp. Còn sống là còn hi vọng, biết bao tươi đẹp đang đón chờ ư, đời tôi xưa nay chưa từng thấy.
Tôi không sợ đau, gãy xương sống chắc cũng chỉ là chuyện trong giây lát nhỉ. Tôi muốn nghỉ ngơi kệ người ta khóc, dẫu sao thì họ khóc chứ đâu phải tôi, họ đâu nhìn thấy tôi gì. Trông thì có vẻ như tôi là một đứa nhóc rất tươi vui và tràn đầy nhựa sống, hay nhóc quỷ xấu xa cục cằn, nhưng có hề chi, đấy đều chẳng phải tôi mà.
Chuyện ngây thơ nhất mà tôi từng làm là thử để mọi người trông thấy mình. Đôi khi tôi thấy mình như dần trong suốt, không có thực thể, bọn họ không nhìn cũng chẳng nghe thấy tôi. Tôi muốn cầu cứu nhưng lần nào cũng bị dọa nạt cho lui bước. Rồi vẻ mặt mọi người bỗng chốc đổi thay, đột nhiên chẳng còn thân thiện nữa. “Mày mới tí tuổi đầu, đừng có như thế“… Còn nhiều nữa nhưng tôi không thể viết tiếp được.
Tôi không hé miệng nữa, tôi sợ lắm.
Tôi diễn lâu quá rồi đến chính tôi cũng bị lừa gạt nữa. Nhưng dạo này ngày càng khó chịu, tôi không biết phải tiếp xúc với người khác ra sao, tôi không biết nữa.
Phải thế nào trông mới giống người bình thường đây. Trên tay tôi không còn phải băng gạc trắng nữa, bởi giờ đây rạch tay cũng không thể giúp tôi tỉnh táo được. Bộ mặt mà tôi muốn giấu kín bị phơi bày ngày một nhiều hơn. Tôi sợ, rất sợ bỗng dưng khác thường trước mặt mọi người, tôi không biết phải giải thích làm sao, tôi không dám nhìn vào mắt họ.
Sao mày lại trở nên như thế? Tôi không biết nữa, tôi cảm thấy mình thực sự chẳng thể trở thành con người. Nửa người nửa thú.
Cái chuyện nhảy lầu rồi được cứu vớt này, có lẽ nguyên do nằm ở những áp lực và cảm xúc khi đó cộng dồn lại. Hồi ấy chỉ có lúc 5 giờ 20 phút ăn cơm chiều là cảm xúc của tôi được thả lỏng thôi. Tôi vừa ăn cơm vừa khóc, thức ăn cũng bẩn luôn. Sau thì rửa mặt rồi lại cầm từ vựng lên vừa đi vừa đọc trên đường về lớp học tiết tự học buổi tối.
Tôi rất sợ đến trường, thực sự rất sợ. Sợ người ta chỉ trỏ, sợ ánh mắt khác lạ của thầy cô, sợ mỗi khi mình leo lên tầng sáu thì sẽ không kiềm lòng được mà lao đầu xuống dưới. Vài ngày trước sự kiện nhảy lầu, năm giờ sáng tôi tỉnh giấc, dậy mặc quần áo tử tế rồi ôm mẹ khóc, mẹ tôi bảo, nếu con không muốn đi thì thôi. Nhưng tôi khóc xong thì vẫn phải đi. Tôi sợ mọi người, sợ trường học, nhưng tôi nhất định phải đi.
Chỉ còn cách ngày thi đại học có hai tháng thôi, điểm số của tôi chỉ kém có chút xíu nữa thôi, tôi không thể bỏ cuộc được.
Năm lớp mười hai cứ trôi qua như thế đấy. Giáo viên của tôi đang ghi hình lễ tốt nghiệp thì nhìn thấy tôi, lúc đó thầy đau lòng rớt nước mắt. Khi ấy tôi đã nghỉ học hai tháng, người thì gầy rộc đi, tóc rụng từng búi một, người ngợm đau nhức đến độ đêm về chẳng ngủ được. Tôi không thi đại học, dường như nửa mạng sống của tôi cũng mất đi. Nhưng tôi vẫn đến xem lễ tốt nghiệp, cho dù đến cả bằng tốt nghiệp tôi cũng chẳng có. Tôi chỉ đứng từ xa nhìn bọn họ nói cười vui vẻ. Thầy giáo nói, “em là một cô bé rất thông minh, sao lại ra nông nỗi này?“
Thực ra tôi vốn có thông minh đâu, thành tích học tập của tôi đều là do liều cái mạng này để đổi lấy. Uống nhiều thuốc khiến cho trí nhớ của tôi giảm sút, tư duy cũng yếu đi, người khác gọi tôi thì mất một lúc lâu tôi mới phản ứng được, còn bệnh Parkinson làm tay tôi run rẩy chẳng tài nào viết văn cho tốt. Những người học chuyên văn thì chắc đều hiểu những chuyện trên là yếu điểm trí mạng đúng không.
Bọn tôi muốn sống cũng chẳng dễ dàng gì.
Ôi lạc đề nhiều quá, chắc sẽ bị xóa mất.
Xin mọi người đừng an ủi tôi, tôi kể chúng ra không phải để kiếm tìm sự an ủi, bởi vì chúng đều là chuyện quá khứ rồi, tôi chỉ nói để mọi người hiểu về tình cảnh của người mắc bệnh về tinh thần có lẽ còn khó khăn hơn so với tưởng tượng của mọi người mà thôi. Tôi chưa tách mình khỏi xã hội đã như thế rồi, thì chắc chắn sẽ có những người còn khổ sở hơn cả tôi nữa, nên hi vọng mọi người bớt thành kiến đi chút. Tôi không muốn bị thương hại, nên cảm ơn ý tốt của mọi người vậy.
Nếu nói có thứ gì đáng sợ hơn cả sự thương hại, thì đó chính là giả vờ thương hại.
Tôi muốn đọc những bình luận lý trí hơn, kiểu như rốt cuộc chúng ta nên đối xử với những người có vấn đề về tinh thần như thế nào, việc cưỡng chế nghỉ học có nhân đạo với những người có bệnh về tinh thần không, tỉ lệ khả năng mắc bệnh cao và số lượng bệnh nhân thấp là vấn đề như thế nào, có sự cân bằng giữa sự an toàn của người bình thường và quyền con người của người mắc bệnh tâm thần không. Các bạn thảo luận những vấn đề trên còn hữu dụng hơn tập trung cổ vũ động viên cho một người là tôi đây nhiều.
Tôi phải đến bệnh viện trên thành phố lớn để làm sốc điện đây, nghe nói là phương pháp này có hiệu quả rất tốt, có khi lại chữa khỏi được thật. Vậy nên mấy nay tôi không trả lời mọi người được đâu. Chúc mọi người bình an.
Gửi một câu nói đã an ủi tôi đến mọi người nè, “Con à, đây là khổ đau của con, nhưng cũng là hạnh phúc của con.“– Sử Thiết Sinh.
[…]
Dưới bình luận có nhiều bạn nói rằng mình bị kỳ thị, không chịu nổi nữa nên muốn tổn thương người khác.
“Nếu người khác đã trao cho tôi ác ý thì tại sao tôi không thể trả lại chúng cho họ? Tại sao họ lại bảo tôi không được thương tổn người ta, tôi đâu muốn ngày ngày nhận lấy tổn thương từ kẻ khác?“
“Họ đã gọi tôi là đồ tâm thần, đồ biến thái phạm tội giết người, thế thì sao tôi không làm đúng như những gì họ đã nói?“
Không, bạn không thể. Không thể vì những kẻ đó mà quên đi đạo đức hay thậm chí là vi phạm pháp luật. Bạn không thể vì bọn chúng mà làm những chuyện chẳng có ích gì kia.
Tôi biết, tôi hiểu cái cảm giác ấy, cảm giác chẳng hiểu sao lại phải nhận lấy ác ý nhường này. Nếu như dùng bạo lực mà có tác dụng thì có lẽ tôi cũng sẽ là một trong số đó.
Nhưng các bạn có giết bọn họ hay giết chính bản thân các bạn thì cũng vô dụng thôi, bạn sẽ chẳng dễ chịu hơn chút nào, và thế giới này cũng chẳng dung thứ hơn đâu. Những yêu cầu như nhốt bệnh nhân trong bệnh viện tâm thần chờ chết cũng vậy, mà cách ly bệnh nhân tâm thần ra cũng thế, chúng tồn tại âu cũng có lý do riêng.
Bọn họ chỉ là những con rối phủ đầy thành kiến, muốn đánh bại chúng thì phải diệt trừ kẻ điều khiển cơ. Giết con rối đổi cả mạng mình vào thì được nước gì, có giỏi thì quyết chiến với Boss ấy.
Chúng ta đều biết xúc động chẳng thắng nổi thành kiến, xúc động chỉ làm thành kiến hằn sâu hơn thôi. Bạn chết rồi thì báo chí sẽ lại đưa tin về một kẻ sát nhân tâm thần, và mọi người thấy thế lại thêm sợ hãi những bệnh nhân tâm thần khác, bình luận của dân mạng vẫn là “bọn tâm thần đều đáng chết“ thôi.
Chẳng có gì thay đổi hết.
Nhưng chỉ cần bạn còn sống thì mọi chuyện đều có cách giải quyết cả, đừng chôn vùi chính mình trong cái cạm bẫy thoạt trông như bi tráng nhưng thực tế lại vô nghĩa cực kỳ.
Sống cho tốt đi.
Tôi quyết định viết ra những dòng cảm nhận của một người mắc bệnh tâm thần rồi gửi ẩn danh lên internet, là vì hi vọng có thể giảm bớt thành kiến của mọi người đối với người bị bệnh về tinh thần. […]
“Tôi sẽ không bao giờ giữ im lặng, bởi vì lặng im đồng nghĩa với sự suy tàn.“
______________________
(*) chị dâu Tường Lâm (Tường Lâm tẩu) là một nhân vật trong truyện ngắn “Chúc phúc“ của Lỗ Tấn, mẫu phụ nữ nông thôn lao động điển hình.
(**) Bệnh Parkinson (hay còn gọi là PD) là một rối loạn thoái hoá của hệ thần kinh trung ương gây ảnh hưởng đến tình trạng cử động, thăng bằng và kiểm soát cơ của bệnh nhân. (theo Wikipedia)
______________________

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro