1. Chồng tương lai

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Vào năm thứ năm của thiên niên kỷ, một chính sách mới đã được ban hành, khiến cho cuộc sống của La Tại Dân trở thành một cỗ máy gia tốc. Trường trung học ở thị trấn nhỏ đã đóng cửa được nửa năm, mẹ cậu nhanh chóng thu dọn khối hành lý đồ sộ dùm cậu. La Tại Dân lưu luyến vẫy tay chào thị trấn Bình Xuyên, vẫy tay chào mẹ, rồi lên tàu đi đến nơi Thủ đô phồn hoa.

Trước khi đi, mẹ đã dặn đi dặn lại bảo cậu hãy trân quý cơ hội này, chăm chỉ học hành, tìm cho mình những người bạn tốt, có một cô bạn gái ở Thủ đô dẫn về đây thì sẽ càng tốt hơn nữa. La Tại Dân dựa vào khung cửa, nhìn đôi bàn tay bận rộn của mẹ vội nói: "Con gái ở Thủ đô có gì tốt? Con gái ở Thủ đô rất hay lừa người. Họ không chịu kết hôn, họ sẽ lừa tiền của con và lấy luôn nhà của mẹ."

Ngón tay mẹ đánh ngay trán cậu, giây sau mắt lại đỏ hoe, nhớ chú ý đến thân thể, chăm sóc bản thân thật tốt, không được đánh nhau, phải ngoan ngoãn. Con biết chưa Tại Dân? Vốn là muốn hỏi con có thể không đi học ở Thủ đô được không, dù sao cậu cũng học không tốt lắm. Nhưng sự mong đợi xen lẫn lo lắng ẩn trong mắt mẹ bỗng hóa thành thứ gì đó vô cùng dịu dàng, vì vậy La Tại Dân chỉ có thể vươn tay ôm lấy mẹ, mẹ hãy yên tâm nhé, cậu nói.

La Tại Dân được gửi đến Bắc Cao, những đứa trẻ từ trấn Bình Xuyên được gửi đến Bắc Cao đều ngồi chung xe với cậu. Các nữ sinh tụ tập cùng nhau nói chuyện phiếm, nói bọn họ thật may mắn, vì Bắc Cao là trường trung học tốt nhất ở Thủ đô. Nhưng khi phát hiện ra lý do vì sao Bắc Cao được gọi là Bắc Cao đơn giản bởi nó được xây dựng ở phía bắc của tuyến đường sắt chạy qua Thủ đô, La Tại Dân bắt đầu nghi ngờ về độ chính xác từ thông tin của mấy nữ sinh trên. Sao lại không gọi là Đường Sắt Bắc luôn đi. Cậu khênh vali to tướng về kí túc xá, tóc trên trán do mồ hôi tuôn mà ướt nhẹp hệt cái đuôi mèo không chút sức lực. Cậu gãi gãi mắt trái, quá ngứa rồi, La Tại Dân dứt khoát nhắm chặt mắt bên kia lại.

Cuộc hội ngộ với chồng tương lai diễn ra trong tình huống rất không phù hợp.

Khuôn mặt La Tại Dân phồng đến đỏ bừng, mắt chỉ mở nửa đại khái giống như người một mắt. Trên tay khênh vali màu vàng, áo phông trắng đã ướt nhẹp. Mùa hè sắp hết nhưng Thủ đô vẫn như cái vỉ hấp bốc hơi nóng hầm hập. Cậu đi lên lầu, xẹt ngang qua rất nhiều người mặc đồng phục Bắc Cao. Ngay thời khắc đó, La Tại Dân quả thực chán ghét trí nhớ tốt của mình, rành rành là rất xấu hổ, biết mọi điều kiện hết thảy đều không phù hợp, thế mà cậu vẫn gọi cái tên kia.

Tên lừa gạt, người Thủ đô, mối tình đầu kiêm luôn chồng tương lai.

"Lý Đế Nỗ!"

Tối đến, La Tại Dân cầm đèn pin viết thư cho Lý Đông Hách, chăn bông mềm chính là tổ ấm của cậu. "Đông Hách thân yêu", một khởi đầu cố định, chỉ dành riêng cho Lý Đông Hách. Cậu viết về lý do vì sao trường trung học Bắc Cao được đặt tên như vậy vì nó được xây dựng ở phía bắc của tuyến đường sắt. "Thật ngớ ngẩn, tớ nghĩ đặt là Sắt Bắc hoặc Đường Bắc dễ nghe hơn." Có một bãi cỏ rất lớn trong trường trung học Bắc Cao. Lần đầu tiên thấy nó cậu đã muốn lăn trên mặt cỏ thật nhiều vòng. Phía trên bãi cỏ là một nhà thờ, đỉnh chóp giống cái vương miệng.

Nếu cậu được lăn trên đó, cậu có thể trò chuyện với cây cối, bãi cỏ, nhà thờ xinh đẹp, đáng tiếc là chồng tương lai không thể cùng cậu lăn nhiều vòng trên bãi cỏ, cơ mà nếu có Đông Hách ở đây là cũng tốt rồi. Trông họ sẽ giống như những con chó quấn quýt ôm chặt nhau cùng lăn tròn, cả người sẽ đều dính đầy lá cỏ. Nghĩ đến điều này La Tại Dân có phần buồn bã, nghiêm túc viết trên mặt giấy "Tớ rất nhớ cậu, Đông Hách." Còn một điều quan trọng sau cùng muốn nói với Đông Hách, La Tại Dân dừng một lúc, viết trong thư, "Tớ đã gặp lại chồng tương lai của tớ."

Biệt danh đặt cho Lý Đế Nỗ dường như vẫn luôn đang thay đổi.

Ngày trước hai người từng cùng nhau chơi mấy trò chơi con nít, La Tại Dân đóng vai cô dâu kết hôn với Lý Đế Nỗ. Đầu choàng khăn lông trắng được mẹ giặt sạch sẽ, thế gian trước mắt bỗng trở nên trắng xóa hương hoa, lúc ấy Lý Đế Nỗ nắm chặt tay cậu tựa như đứa trẻ đang ôm lấy quả bóng bay mình yêu quý. Hai đứa trẻ kết hôn ngay trước bàn ăn nhà Lý Đế Nỗ. Các bà mẹ mải lột đậu là những người chứng kiến buổi hôn lễ. Lý Đế Nỗ nhẹ nhàng vén chiếc khăn dày trên đầu La Tại Dân lên, lấy vỏ hạt đậu hà lan cuộn tròn làm động tác đeo nhẫn. Sau đó, hai đứa trẻ như những kẻ điên cùng nhau cười thật to.

Từ đó La Tại Dân bắt đầu gọi Lý Đế Nỗ là chồng, suốt ngày kêu la thảm thiết như một kẻ bị ăn hiếp, tay lúc nào cũng víu chặt người Lý Đế Nỗ, nói kết hôn rồi nên phải trọn đời ở bên nhau, đồng thời dữ dằn cảnh báo Lý Đế Nỗ nhất quyết không được phản bội cậu, lén cùng người nào khác kết hôn. Lý Đế Nỗ rất thật thà mà gật đầu, mặc dù không hiểu chuyện gì, nhưng kết hôn dường như là cách an toàn nhất để họ mãi mãi bên nhau. Vì vậy, Lý Đế Nỗ nói Tại Dân à, đừng lo lắng, chỉ kết hôn với mỗi cậu.

Lên lớp 4, La Tại Dân lần đầu biết đến từ "thích thầm", cảm thấy nó thật đẹp, rốt cuộc hiểu từ "chồng" không thể tùy tiện gọi, liền tận đáy lòng coi Lý Đế Nỗ chính là đối tượng thích thầm. Vào ngày tốt nghiệp tiểu học, La Tại Dân lẻn đến bàn của Lý Đế Nỗ viết "Từ điển đối tượng thích thầm của La Tại Dân" vào trang cuối của cuốn từ điển, sau đó hồi hộp ở nhà chờ đợi lời tỏ tình của Lý Đế Nỗ. Hai ngày sau chính bản thân không thể kiềm chế nổi, vội vàng đến nhà Lý Đế Nỗ để nói lời thích trước, nhưng gõ cửa hoài chẳng thấy bóng dáng ai.

Đối tượng thích thầm bay đi, tình yêu của La Tại Dân cũng bay đi.

Về sau La Tại Dân gặp Lý Đông Hách. Lý Đông Hách nghe xong câu chuyện tình của cậu, trợn mắt hỏi kỹ, "Ý cậu đối tượng thích thầm là kiểu người mãi yêu hả?" À, người mãi yêu, La Tại Dân đồng tình quan điểm của Lý Đông Hách, vì vậy sau đã gọi Lý Đế Nỗ là người mãi yêu. Nhưng qua một thời gian dài chơi cùng với tên nhóc không biết xấu hổ Lý Đông Hách, biệt danh "người mãi yêu" nghe có vẻ chưa đủ đô và không hợp nên biệt danh của Lý Đế Nỗ lại trở về thuở trước.

Lời ngậm trong miệng có phần đặc quánh nhưng mỗi lần vô tình nhớ lại đoạn kỷ niệm ấy, cậu sẽ nhẩm lại biệt danh vừa chua xót vừa ngọt ngào kia vô số lần. Bởi vì chưa đủ 18 tuổi, chỉ có thể đặt biệt danh cho Lý Đế Nỗ là "Chồng tương lai". Lý Đông Hách không nói gì, hỏi cậu phải nên gọi là bạn trai chứ? Trời đất chưa chứng giám không thể gọi là chồng. La Tại Dân nhìn Lý Đông Hách, nhỏ giọng phân bua, làm sao được? Chúng tớ đều đã kết hôn với nhau, chỉ có thể là quan hệ vợ chồng thôi.

Trong những ngày chồng tương lai bay đến Thủ đô, La Tại Dân đã làm một việc ngu ngốc và vô cùng ngoan cố. Cậu lấy một mảnh phấn viết lên phía cửa ngoài của ngôi nhà trống, là nơi đã cử hành hôn lễ, một dòng chữ "Nhà chồng tương lai của La Tại Dân." Như là một con thú nhỏ làm dấu hiệu trên tổ của nó, như là bên ngoài dán lên cái tên La Tại Dân nhưng thực chất thuộc về cái tên Lý Đế Nỗ.

Nhưng khi trời mưa, dòng chữ kia bị phai mất, La Tại Dân sẽ đợi cho mưa tạnh, đến đó lần nữa viết lại. Thị trấn Bình Xuyên bước vào mùa lũ, nước mưa nhiều như mở đập ngăn nước, bình thường buổi sáng viết buổi chiều liền bị phai, buổi tối đi viết lại thì đêm trời mưa tiếp. Có điều may thay La Tại Dân bề ngoài dũng cảm kèm ngu ngốc là một đứa trẻ kiên nhẫn trong tình yêu. Cậu mua hẳn ba hộp phấn lớn, bẻ vài cây phấn ngắn rồi cất trong cặp. Mỗi ngày không quản đường xá đi qua nhà Lý Đế Nỗ, thấy chữ phai đi thì sẽ viết lại. Cực kỳ cố chấp, chẳng biết mệt mỏi, niềm tin sừng sững như thể đang đứng thẳng trên những ngọn đồi ở Bình Xuyên, không lo sợ ngã.

Lý Đông Hách bảo La Tại Dân y một con chó si tình, trung thành tuyệt đối với chủ nhân nên rất coi thường cậu. Trước khi vào trung học, Lý Đông Hách luôn bày ra vẻ ta đây nhìn thấu hồng trần, không thèm yêu ai cả. Đối với thứ tình yêu lâu năm của La Tại Dân không khỏi chế nhạo. La Tại Dân mặc kệ Lý Đông Hách. Lý Đông Hách, cậu thì biết cái gì, La Tại Dân nói xong, giây sau lại lẩm bẩm chữ "chồng".

"Tớ thích cậu ấy nhất."

Thật ra, cậu đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc nếu như cả đời này không bao giờ gặp lại Lý Đế Nỗ. La Tại Dân nghĩ, cậu sẽ kết hôn với một cô gái đến từ Bình Xuyên, làm một công việc tẻ nhạt, chờ năm tháng trôi qua như hầu hết mọi người vẫn làm, thỉnh thoảng đêm khuya lại lặng lẽ nhớ về mối tình đầu của mình. Đau lòng cùng nhớ thương là điều khó tránh khỏi, đều là những cảm giác tựa những con bọ nhỏ, nhấm nháp từng mẩu một, lâu dần La Tại Dân sẽ quen với nỗi đau, lâu dần cũng sẽ hoàn toàn buông bỏ thứ tình yêu này.

Vốn dĩ đó là một thứ tình yêu dũng cảm cùng huy hoàng, tính ra cho dù không có chính sách, cậu cũng sẽ đến Thủ đô một chuyến, ôm mối hy vọng tìm kiếm tình đầu, tìm kiếm chồng tương lai của cậu. Trước khi sự việc kia xảy ra, trước khi sắc đen nuốt chửng những khe hở trên sàn nhà, La Tại Dân ngây thơ nghĩ rằng nhờ tình yêu của cậu, mà thế gian này vẫn còn điểm tươi sáng, dù cho có khó khăn đến mấy cậu cũng sẽ tiến về phía trước mà đấu tranh đến cùng.

Thế nhưng lòng dũng cảm của La Tại Dân đã bị phá vỡ.

Cậu viết ở cuối bức thư, "Nhưng Đông Hách à, trí nhớ kém thực sự là một điều tốt phải không?"

Vào thời điểm khi tên của Lý Đế Nỗ được gọi lên, bộ dạng cậu chật vật, mắt đỏ đồng thời hơi ươn ướt, thế mà Lý Đế Nỗ mặt không cảm xúc liếc nhìn cậu. Hắn mặc bộ đồng phục học sinh màu trắng, mới mẻ và sạch sẽ như vừa được giặt qua. "Cậu là ai?" Hắn hỏi.

Trên thực tế, nó nên dừng lại ngay khúc này. Một La Tại Dân thông minh đụng phải Lý Đế Nỗ thoắc cái liền biến thành một La Tại Dân ngu ngốc, hai tay cậu run rẩy vì phải khênh cái vali to. Nở một nụ cười mà chính cậu cũng thấy nó khó coi, "Tớ là La Tại Dân, thị trấn Bình Xuyên, cậu không nhớ sao? "

"Không nhớ."

Lý Đế Nỗ dứt khoác xoay người rời đi. Mồ hôi La Tại Dân vừa vặn rơi xuống, vừa vặn phá vỡ hàng rào phòng tuyến của lông mi, mắt trái đau rát đến mức hình như sắp trở thành người một mắt. La Tại Dân tiếp tục đi lên, cậu nghĩ, không nhớ, không nhớ cũng tốt, dù gì Lý Đế Nỗ cũng không thể làm chồng tương lai của cậu. Đi thêm hai bước lại cảm thấy như mất hết sức lực. Tay và mắt rất đau. Được rồi, một chút thôi, La Tại Dân nghĩ, chỉ là tủi thân một chút thôi.

Chiếc vali bị ném sang một bên, La Tại Dân ngồi trên cầu thang thở hổn hển, hàm răng cửa đẩy cánh môi dưới sang trái phải, cậu nhớ lại vài kỷ niệm về Lý Đế Nỗ. Lúc còn là một đứa trẻ, đeo gọng kính hình chữ nhật, có khuôn mặt rất đẹp trai, có tính cách thông minh, còn thích gạt người.

Lần đâu tiên gặp thế nào nhỉ? La Tại Dân trong lòng đang thầm mắng mỏ trí nhớ quá tốt của mình. Là Lý Đế Nỗ dáng vẻ đáng thương đứng đằng đó tay cầm chiếc diều bị đứt vẫn còn rất rõ ràng. Đứa trẻ nhỏ này rất ngoan ngoãn, đứng xa xa lặng lẽ quan sát các bạn khác. Là La Tại Dân chạy ra khỏi đám nhóc, nắm lấy tay hắn, chạy tới chỗ Lý Đế Nỗ như con chim sơn ca bỏ lại bầu trời rộng phía sau. "Cậu có muốn tớ giúp cậu sửa lại còn diều này không?" La Tại Dân nói. Trời đã sang xuân, vạn vật hoà vào gió, hai đứa trẻ cũng nắm tay nhau hớn hở chạy hoà vào gió xuân.

La Tại Dân vén mái tóc ướt ra sau tai, dụi dụi đôi mắt đau, rồi lại khênh chiếc vali to lên lầu. Cậu đột nhiên muốn bắt chước con chó sủa một tiếng. Đó là những gì Lý Đông Hách từng nói với cậu, kiểu đồng âm để chủ nhân nhớ nó. Thôi quên nó đi, quên nó đi, quên nó đi.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro