𝙞 𝙩𝙤𝙡𝙙 𝙩𝙝𝙚 𝙨𝙩𝙖𝙧𝙨 𝙖𝙗𝙤𝙪𝙩 𝙮𝙤𝙪

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Warning: angst
__

Chúng tôi đã ngồi trên máy bay được hơn mười giờ.

Rõ ràng là đã bay đi bay lại rất nhiều lần từ trước đến nay, nhưng chẳng có chuyến bay nào lại khiến tôi cảm thấy bồn chồn như lần này.

Ông tôi từ hôm qua đã giữ khư khư trên tay một tấm ảnh, cứ một lúc lại lấy ra xem, ngón tay chạm vào gương mặt của người trong ảnh nhẹ nhàng và trân trọng ngỡ như tất cả dịu dàng của ông đều dành hết cho bức ảnh này vậy.

"Hay ông ngủ một chút đi ạ, tới nơi cháu sẽ gọi ông mà ông đừng lo."

Ông nhìn tôi cười, đưa tay lên xoa đầu tôi khiến những lọn tóc vốn đã không vào nếp còn trở nên xù xì hơn.

"Cháu mà cũng biết lo cho ông rồi đấy à?" - Ông mỉa mai tôi như thế.

"Chỉ là cháu thấy ông từ hôm qua đã không chợp mắt rồi."

"Ừ cũng tại ông nôn nao quá, lâu lắm rồi mới được về nhà mà."

Nói rồi ông lại nhìn vào tấm hình đã phai màu đó, bàn tay run run đưa lên chỉ vào ảnh và dịu dàng nói với tôi.

"Thấy không? Bức ảnh này chụp ở nhà ông, lúc đó bọn ông vừa thi tốt nghiệp cấp ba xong liền rủ nhau đi chơi cho thỏa sức." - Ông hạ giọng. "Mới đó mà đã mấy chục năm rồi."

Tôi gật đầu nhìn vào bức ảnh, trong ảnh có hai thiếu niên đang nở nụ cười rất tươi. Đằng sau họ là một căn nhà, theo lời ông nói thì đó là nhà ông, xa hơn nữa là chân trời rực màu đỏ vàng của hoàng hôn chiều. Tôi chỉ tay vào người cao hơn một chút, ngẩng đầu hỏi.

"Đây là ông ạ?"

Ông gật gù.

"Đúng rồi, ông cháu đấy."

Rồi tôi chỉ tay vào người thiếu niên bên cạnh.

"Còn đây là bạn ông ạ?"

Đến đây ông chần chừ một lát, mấy giây sau mới đắn đo gật đầu.

"Ừ." - Ông lại cười. "Đây là tri kỷ của ông."

Máy bay hạ cánh vào khoảng hơn hai giờ chiều, chúng tôi gọi một chiếc xe chạy đến một làng chài nhỏ. Nói là làng chài vậy thôi nhưng có núi có biển, giống như chạy trên một con đèo mà bên tay trái là nước biển xanh biếc, bên phải là dốc núi cheo leo.

Xe dừng ngay một đoạn ngã tư, bố bảo rằng nhà ông nằm trên một đoạn dốc nên từ đây chúng tôi phải đi bộ. Dốc cũng không cao lắm, bố kéo va li còn tôi thì dìu ông, đi vài bước là tới một cái nhà gỗ kiểu cũ nhưng rất khang trang và thoáng đãng. Khu này vừa có cây cối, vừa có gió biển, cộng thêm việc nhà được làm từ gỗ và các ô cửa sổ lẫn cửa chính đều rất lớn nên gió thổi lên là mát rượi. Không khí ở đây cũng trong lành, chỉ là điều kiện sống chắc là không được như ở nước ngoài nơi chúng tôi đang định cư.

Chiều hôm đó trời đổ mưa rào, mưa không lớn nhưng chẳng chịu tạnh, từ lúc chúng tôi lên nhà trời đã bắt đầu mưa không ngớt. Có mấy học sinh vội lấy balo chắn trên đầu hì hục chạy, có mấy cô chú đi ngang đưa cho họ cây dù bảo cầm lấy, đi chậm chậm thôi kẻo ngã. Cũng có mấy tiệm tạp hóa vội kéo mái chắn vươn ra xa để nước mưa không dính vào hàng bán, hay có mấy bác ngồi chậm rãi uống tách trà trước hiên nhà to giọng bảo thế mà cái cô dự báo thời tiết trên tivi bảo là không mưa cơ đấy, rõ là nói điêu.

Ông đứng cạnh tôi thở dài và lấy cây dù gác bên góc nhà bước từng bước ra sân, tôi đi theo níu áo ông lại bên tai liền nghe thấy tiếng bố đằng sau vọng lớn.

"Bố đi đâu thế? Nguy hiểm lắm đó, mưa rồi."

Ông lắc đầu.

"Bố đã hứa khi nào về nước sẽ đến thăm cậu ấy đầu tiên."

Nói rồi ông quay đi, tôi thấy bố đứng ngẩn ra ở đó, không biết vì sao bố không ngăn ông lại.

Tôi vẫn chạy theo ông ra đầu ngõ, nước mưa thấm ướt từng giọt nhỏ sau lưng. Khi nhận ra tôi chạy theo ông liền đứng lại, cúi xuống hỏi.

"Tiểu Thành Thành muốn đi theo ông à?"

Tôi nhanh nhảu đáp vâng ạ rõ to, tay thì vội đập đập chiếc dép xuống đất vì lúc nãy chạy đi giẫm phải đất bùn.

Rồi ông dắt tôi đến một tiệm hoa, cẩn thận chọn mua một cành hướng dương tươi nhất. Chúng tôi đi bộ hết một ngọn đồi, đi qua một cánh cổng, tiến vào trong một chút thì ông dừng lại và nhỏ giọng bảo với tôi rằng chúng tôi đến nơi rồi.

Ông đặt cành hướng dương vừa mua xuống cạnh di ảnh trước mặt. Tôi nhìn ông, lộ ra vẻ thắc mắc, ông mỉm cười rất tươi, tươi đến nỗi không nhìn được tâm tư nơi đáy mắt. Nụ cười đó, chính là dành cho người kia.

Dùng tất cả dịu dàng của mình, ông run run giọng cố nói ra một câu hoàn chỉnh.

"Nhân Tuấn, anh đến rồi đây."

Sau đó ông chậm rãi giới thiệu.

"Đây là con của Thành Thành, Thành Thành lớn rồi, có vợ rồi, thời gian trôi nhanh quá đúng không?"

Rồi ông không nói lời nào nữa mà chỉ yên lặng ngồi bên cạnh người mà ông vừa gọi là Nhân Tuấn. Bàn tay ông cố gắng lau sạch mặt đá, lau đi nước mưa và bụi đã đọng lại đó bao nhiêu năm nay, còn cẩn thận che ô sợ người đang nằm ở đó bị ướt. Tôi ngồi bên cạnh ông đến khi mưa tạnh, trời tối muộn mới tản bộ trở về.

Bố chờ chúng tôi ở dưới chân đồi, cũng không biết bố đến đây từ khi nào nhưng áo bố cũng lấm thấm nước mưa. Bố bảo bố lo đường trơn sợ ông đi không vững mà ngã nên mới vội khóa cửa nhà theo sau. Bố đưa cho tôi một cái áo khoác và khoác một cái to hơn lên người ông.

Cả đoạn đường thấy ông cứ thỉnh thoảng lại mỉm cười, ngẩng đầu nhìn trời, nhìn cây, nhìn phong cảnh. Có vẻ ông rất vui. Có đoạn ông bảo: "Giống quá, cái hôm thi tốt nghiệp trời cũng mưa cả buổi, đến tầm chiều thì tạnh. Chắc là Nhân Tuấn cũng thấy thân thuộc lắm."

Ông chỉ tay vào ngôi sao sáng nhất trên bầu trời, ông bảo đó là Nhân Tuấn. Ngôi sao nhỏ lẻ loi một mình ở một góc trời. Ông nói có lẽ Nhân Tuấn đang ngồi ở cạnh cửa sổ như lúc trước, Nhân Tuấn đang ở đó nhìn chúng ta.

Đi đến đâu ông cũng cẩn thận nhìn ngắm xung quanh rất lâu, cố lưu giữ từng chút một vào tâm trí. Ông bảo trước đây chỗ này là một tiệm truyện tranh nhỏ, bọn ông rất hay ra đây xem truyện, lần nào bộ truyện yêu thích ra bản mới cũng phải cố giành giật cho bằng được mới thôi. Ông bảo trước đây chỗ này là bãi đất trống, tan học là ông rủ bạn bè đến chơi bóng chuyền, còn nói trong đám bạn ông có một người giọng rất to, rất hay cãi bướng, đánh bóng lỗi hay bắt bóng không được là đỗ cho đội còn lại ngay. Ông nói lúc đó mọi người ở bên nhau rất vui, cãi cọ gì lớn cũng chẳng bao giờ được lâu, cỡ nào cũng sẽ có đứa mặt dày xem như không có gì giả vờ hỏi mượn đứa kia cây bút hay cuốn vở, vậy là lại nói chuyện với nhau như chưa từng có trận cãi vã nào.

Ông kể ngay chỗ cái nhà hàng này trước đây là tiệm điện tử, cái loại chơi game bằng xu kiểu cũ ấy, có lần cả đám trốn học ra đây chơi bị giám thị bắt tại trận, vì hối hả chạy trốn mà để quên cả thẻ học sinh, thế là đầu tuần sau phải vừa viết kiểm điểm vừa bị bắt đứng phạt, nhưng đứa nào cũng che miệng khúc khích cười vì ông ngốc tới độ thẻ học sinh cũng để quên ở đó.

Tôi chưa từng thấy ông vui vẻ đến vậy, đây là lần ông trò chuyện với chúng tôi nhiều nhất kể từ trước đến nay.

Ông nói rằng hôm nay ông rất vui, hôm nay có sao, sao rất sáng, hôm nay ông hạnh phúc lắm.

Tối hôm đó ông vào phòng ngủ trước. Tôi ngủ không được nên ra ngoài xem tivi với bố. Tivi hôm nay chiếu chương trình ca nhạc chào đón năm mới. Lò sưởi trong nhà không biết vụt tắt từ lúc nào được bố đốt lên. Nhìn ánh lửa đỏ phảng phất dưới lớp than đen, tôi không kiềm được liền tò mò hỏi bố.

"Lúc chiều con nghe ông gọi một người là Nhân Tuấn. Nhân Tuấn là ai thế ạ?"

Bố có chút giật mình khi nghe tôi hỏi như thế, yên lặng không trả lời tôi ngay. Tôi đoán quan hệ của họ cũng không phải bình thường nên mới khiến bố phải suy nghĩ lâu như vậy.

"Ông ấy.. cũng là ông của con."

Bố rót một lon bia rồi bóp nó lại. Trước đây cứ đúng vào dịp cuối năm, đặc biệt là những ngày cận tết thế này tôi thường thấy bố uống rất nhiều. Và hôm nay chắc cũng không phải là ngoại lệ.

"Con cũng lớn rồi, những chuyện thế này con muốn biết cũng tốt thôi."

Vỏ lon được bố ném vừa hay nằm gọn trong giỏ rác. Trời lại đổ mưa, bố thở dài, chắc là sẽ mưa cả đêm rồi.

"Ông và người đó là bạn học. À, làm gì là bạn học, họ là lớn lên cùng nhau. Trước đây cả hai sống cùng một khu, Hoàng Nhân Tuấn thường xuyên làm tình nguyện ở cô nhi viện gần đây, có một lần tìm thấy bố bị bỏ ở ngoài chợ, thế là mang về đó nhờ các cô chăm sóc. Sau này cô nhi viện ở đó phải giải tán vì không đủ kinh phí, chưa kịp tìm người nhận nuôi nên ông ấy nuôi bố. Tức là Hoàng Nhân Tuấn ban đầu chính là bố của bố, là ông của con.

Ông lớn và ông nhỏ của con sống chung với nhau, ai ai cũng biết. Thời điểm đó khó khăn lắm, cả hai đã rất chật vật để bươn chải rồi còn phải nuôi thêm một đứa trẻ, khó khăn biết bao. Cuộc sống của họ cũng chẳng dễ dàng gì, vừa phải vất vả vì có thêm miệng ăn lại vừa phải chịu sự phản đối quyết liệt từ gia đình.

Gia đình của ông nhỏ không hề tán thành việc ông nhỏ và ông của con ở bên nhau. Lúc đó bố còn nhớ, bố ở nhà, ông lớn đang đi dạy thì ông nhỏ bị gia đình bắt đi, bản thân bố khi đó chỉ biết trơ mắt đứng nhìn mà không thể làm gì khác. Càng huống hồ lúc đó bố chỉ là một đứa trẻ, bố không nghĩ được nhiều như vậy. Nhìn ông nhỏ bị người ta bắt đi rồi mới òa lên khóc. Buổi tối ông con đi làm về nghe thấy liền lập tức chạy đi tìm. Nhưng có thế nào cũng không tìm được.

Ông nhỏ bị nhốt ở trong nhà cả tháng liền, bố là do một tay ông chăm sóc. Lúc đó chiều nào ông cũng dắt bố tới đứng trước nhà của ông nhỏ, tìm một chỗ có thể nhìn thấy cửa sổ phòng của ông nhỏ mà ngồi xuống. Ông nói biết đâu thi thoảng mở cửa sổ ra được thì ông nhỏ sẽ nhìn thấy ông ngồi ở đó, ít ra như vậy sẽ không khiến ông nhỏ cô đơn.

"Bố con mình ở đây, để bố nhỏ có nhớ thì cũng có cách để nhìn thấy chúng ta, con nói có đúng không?"

Thế là chiều nào ông và bố cũng ngồi ở đó, dưới một gốc cây đối diện cửa sổ phòng. Ông ở đó viết thư, ngày nào cũng tìm cách gửi lên.

Có một hôm ông thử ném vào sân nhà, được người làm vườn ở đó nhìn thấy, họ thương ông, thương tình cảm của hai người nên không những không trách mà còn rất nhiệt tình giúp đỡ, bảo là tuần sau ông bà chủ đi dự tiệc cưới của họ hàng ở xa, chiều ông và bố có thể tới đây. Nhưng họ chỉ có thể cho cả hai gặp nhau qua cửa sổ. Vì họ không có chìa khóa phòng, nhưng có thể nhân lúc đưa cơm qua cửa mà truyền tin.

Thế là hôm đó ông và bố đến đó từ rất sớm, bảo là sợ để Nhân Tuấn phải chờ lâu. Trước khi đi còn lựa chọn đồ rất kỹ, mất cả đêm mới chọn được một bộ phù hợp.

"Bố nên mặc gì nhỉ? Mặc sơ mi thì trông giống đi dạy học quá, mà mặc áo phông bình thường thì sẽ không đẹp. Lâu lắm rồi mới được gặp bố nhỏ, phải để bố nhỏ thấy bố con mình đang sống rất tốt mới được."

"À, bố nhỏ của con từng tặng bố một cái áo, để bố lấy ra xem nào."

"Không được rồi, rộng quá. Liệu bố nhỏ có mắng bố không? Bố nhỏ của con có nhận ra bố gầy đi không?"

Lúc đó bố bảo không, bảo ông đẹp trai lắm.

Thế là ông của con gãi đầu cười ngại, cuối cùng vẫn quyết định mặc cái áo đó.

Chiều hôm đó ông nhỏ mở cửa sổ ra, vừa nhìn thấy ông và bố liền không kiềm lòng được mà hai mắt ngấn lệ. Ông cầm tay bố vẫy chào ông nhỏ ở xa, lúc đó tay ông run lắm, run bần bật nhưng lại chẳng dám khóc.

Tối muộn ông ngồi ở dưới muốn gửi lên cho ông nhỏ một bức thư, nhưng vì tay quá run nên mới bảo bố viết.

"Thành Thành, con viết đi, viết cho bố nhỏ rằng con và bố sống rất tốt, bảo bố nhỏ yên tâm. À còn nữa, viết.. viết.." - Lúc này giọng ông đã khản đặc cả rồi, ông lấy hai ống tay áo liên tục lau nước mắt không dám ngẩng đầu lên chỉ sợ ông nhỏ nhìn thấy mà đau lòng. "Viết là bố nhất định sẽ tìm cách đón bố nhỏ về nhà."

Lúc bức thư được gửi lên cũng là lúc bố và ông phải trở về. Ông nhờ người ta chuyển thư lên, còn bảo bố nhân lúc còn kịp thì chào tạm biệt với bố nhỏ.

Vậy là bố và ông đều đi về, nửa đêm bố đang ngủ thì giật mình, thấy ông không ở cạnh nên đi tìm khắp nhà, tìm không thấy liền khóc to chạy ra ngõ. Chạy một lúc thì thấy ông của con, hóa ra là chịu không được lại ngồi dưới nhà của ông nhỏ rồi.

Từ sau đó thi thoảng bố và ông cũng được gặp ông nhỏ thêm vài lần. Có một hôm trung tâm thương mại ngoài thị trấn khai trương nên giảm giá lớn, chẳng hiểu thế nào ông của con bình thường tiền mua quần áo cho mình còn tiếc, lại không tiếc tiền mua một cái máy ảnh. Mà máy ảnh đối với hoàn cảnh gia đình bố lúc đó thật sự không phải là ít ỏi gì. Ông bảo mua đề còn chụp ảnh hai bố con gửi cho bố nhỏ, sợ bố nhỏ ở trên đó nhớ chúng ta. Lúc nào buồn có thể mở ảnh bố con mình ra xem.

Đây là bức ảnh đầu tiên ông hí hoáy mãi mới chụp được. Trước giờ ông nào đã dùng máy ảnh đâu, mất cả ngày trời mới tìm ra cách chụp ảnh. Ông đặt thời gian rồi bế bố trên tay chạy đến ghế ngồi, vì vội quá mà hơi mất nét một chút, nhưng lúc đó ông của con đã cười rất tươi, con nhìn xem."

Nói rồi bố mở ví lấy ra đưa cho tôi một tấm ảnh cũ.

Ông lúc này còn trẻ, chắc là tầm hai mươi tám ba mươi. Bố thì chắc chỉ mới biết đọc chữ mà thôi, vì trông còn nhỏ hơn cả tôi lúc này nữa.

Tôi lật ra mặt sau, nhìn thấy một dòng chữ được viết vội.

Anh và con, rất nhớ em.

Ký tên: Lý Đế Nỗ.

"Lúc đó ông ra tiệm in cái này, sau đó kể với bố rằng trước đây ông và ông nhỏ từng có ảnh chụp chung. Hôm đó thi tốt nghiệp, sau khi thi xong họ liền chạy xe đi, cả hai đã đi rất xa, dành trọn vẹn một ngày ở bên nhau.

"Bố nhỏ của con hôm đó còn ném hết cặp sách xuống hồ, hét rằng chào tạm biệt sách vở nhé, hẹn từ nay vĩnh viễn không gặp lại nhau nữa.''

Sau đó cả hai trong lúc về được bạn cùng lớp chụp cho một bức ảnh, còn ngay trước nhà ông. Thế nên ông nâng niu nó lắm, ông gọi đó là bức ảnh gia đình đầu tiên và duy nhất, của hai người.

Từ đó ông nhỏ thì hoạt động tình nguyện ở quỹ hỗ trợ trẻ em và trại trẻ mồ côi, còn ông lớn thì học tiếp để cùng ông nhỏ làm ở đó. Người dạy chữ, người gây quỹ, cả hai đã có khoảng thời gian rất khó khăn, chật vật, nhưng cũng rất bình yên.

"Bố nhỏ của con thích ngắm sao, lần sau mình chụp một bức ảnh sao trời gửi đến cho bố nhỏ, con nói có được không?"

"Hay là chụp vào một ngày nắng nhỉ, nắng đẹp, nắng thì bố nhỏ sẽ thấy rõ chúng ta hơn."

"Hay thôi vậy, chụp sao trời đi, hôm trước bố nhỏ nói chờ bố mang ảnh sao trời đến."

Bố còn nhớ rất rõ, lúc gửi tấm hình đầu tiên ông của con đã ở dưới nhìn lên rất lâu, không dám rời đi, chỉ sợ nó không tới được tay người ta mà ở đó lo sốt vó. Một lúc sau có một cái máy bay giấy từ trên cửa sổ phòng rơi xuống. Ông thấy thì vui lắm, vội mở ra xem. Chữ trong giấy hơi nhòe, còn bị thấm vài giọt nước. Có lẽ ông nhỏ của con đã khóc.

Nội dung ghi trong giấy là:

Lần sau cả hai chụp ảnh sao trời mang đến cho em nhé. Nhớ vào lúc tổ chức sinh nhật cho Thành Thành chúng ta đã hứa cùng nhau đi ngắm sao, chi bằng hai người ngắm sao trước rồi chụp cho em, em chờ hai bố con, chờ anh mang trời sao quay lại.

Lúc đó ông với bố đã bàn rất kỹ với nhau, lần sau có cơ hội sẽ tìm cách gửi một ảnh trời sao cho ông nhỏ.

Nhưng chưa kịp gửi thì đã nghe tin ông nhỏ của con sắp kết hôn, là hôn nhân do gia đình sắp đặt, ông không cách nào từ chối được. Kể từ đó ông của con cứ như người mất hồn, không làm được việc gì cũng không nhớ được việc gì. Việc duy nhất ông nhớ chính là mỗi ngày đều ngồi dưới gốc cây đó nhìn lên cửa sổ phòng ông nhỏ, không sót ngày nào.

Mỗi chiều mỗi chiều ông đều đến, cho đến khi..."

"Cho đến khi nào hả bố?"- Tôi nhỏ giọng hỏi bố.

"Cho đến khi không thể đến được nữa.

Ông nhỏ của con tự sát, lúc ông dắt bố đến thì xe cứu thương cũng vừa rời đi. Do ông nhỏ khóa trái cửa, cộng thêm việc bị nhốt trong phòng mỗi ngày nên cũng không ai kịp phát hiện ra, thế là cũng chẳng thể cứu được.

Lúc đó bố và ông đã thật sự chụp một bức ảnh sao trời, lúc dắt tay bố trên đường ông nói chắc là bố nhỏ của con sẽ thích lắm đấy, còn liên tục ngắm nhìn không thôi.

Nhưng tới nơi thì ông nhỏ đã không còn ở đó nữa rồi.

Ông nhỏ không đợi được ngày ông lớn của con đón ông ấy về nhà, càng không đợi được ông lớn mang trời sao quay lại.

Trời tối đám đông tản đi, dưới gốc cây chỗ ông và bố hay ngồi mỗi chiều có treo một túi quà, bên trong có rất nhiều thư của ông từ những bức đầu tiên tìm cách ném vào nhà cho đến những bức thư nhờ người làm ở nhà đó gửi hộ, là bức ảnh đầu tiên ông chụp, kèm theo đó là một bức tranh. Bức tranh vẽ ông và bổ ở dưới gốc cây đó, bố ngồi trên đùi ông, cùng nhìn lên cửa sổ. Có lẽ dù không thể trực tiếp gặp lại nhau, nhưng ông nhỏ của con mỗi ngày đều ngồi ở phòng nhìn ra và vẽ nó.

Ông nhỏ, thật sự yêu ông và bố rất nhiều."

Sáng hôm nay lúc tôi tỉnh dậy thì mưa cũng ngừng rơi, mặt đất còn hơi phảng phất cái mùi sau cơn mưa. Tôi mở cửa sổ đón lấy nắng sớm, trời hôm nay xanh như nước biển, trong vắt và nắng cũng dịu dàng chào đón chúng tôi.

Tôi nhìn bố ở trong bếp yên tĩnh nấu bữa sáng, không kiềm được mà xuýt xoa rằng thời tiết hôm nay thật đẹp.

Bố bế tôi vào trong, muốn tôi và bố cùng nhau gọi ông dậy rồi cả nhà dùng bữa.

Chúng tôi mở cửa phòng của ông. Nắng sáng trong, tối qua ông đã không kéo rèm. Tôi đoán là ông muốn ngắm sao thêm một chút nhưng chẳng biết từ lúc nào đã ngủ thiếp đi.

Tôi gọi ông, còn nói hôm nay có món canh rong biển ông thích, đầu xuân rồi thời tiết đẹp lắm, ăn xong chúng ta có thể cùng đi dạo.

Nhưng ông không trả lời tôi, cũng không cách nào tỉnh dậy được nữa.

Chiếc rèm cửa được kéo để mở, nắng chiếu lên gương mặt ông khiến từng ngũ quan hiện ra vô cùng rõ nét. Kỳ lạ quá, hôm nay trông nét mặt ông rất hạnh phúc, khóe miệng còn có ý cười. Dường như ông đã có một giấc mơ đẹp nhất trên đời, giấc mơ một nhà ba người cùng đứng dưới một bầu trời sao.

Tôi ngẩng đầu lên nhìn bố. Đôi mắt bố đỏ hoe. Bố ôm lấy tôi rồi nhẹ nhàng nắm lấy tay ông.

"Tiểu Thành Thành, con đừng gọi nữa. Ông đi tìm ông nhỏ của con rồi."

Cả ngày hôm đó tôi và bố ở bên ông, ông yên tĩnh ngủ ở đó, nhẹ nhàng rời đi chẳng để chúng tôi kịp nói lời tạm biệt.

Hôm qua lên mộ cùng ông, ông nói ông đến rồi đây, còn nói hôm nay có sao, hoá ra là ông mang trời sao đến giữ lời hứa cùng người ông yêu. Ông ngồi đó ngắm sao cả buổi tối, cùng ông nhỏ trải qua những giây phút cuối cùng của cuộc đời.

Ông dùng dịu dàng cả một đời trao tặng cho người ông thương nhất. Ngày còn ở bên nhau cả hai đã cùng nhau nuôi lớn một đứa trẻ, vì nhau mà sống, vì nhau mà bất chấp tất cả. Chỉ tiếc là cuộc đời này không được dịu dàng như vậy, chỉ vì hoàn cảnh khó khăn, chỉ vì thời thế không thuận mà một tình yêu đẹp đến mấy cũng chẳng thể đợi được một ngày đường đường chính chính ở bên nhau.

Bố tôi kể rằng, ngày ông nhỏ rời đi, cả bạn bè ông và cả bố tôi đều sợ ông sẽ nghĩ quẩn mà chạy theo. Nhưng rồi ông bảo: "Tôi không đi sớm thế này được đâu, thế giới này còn biết bao nhiêu điều đẹp đẽ Nhân Tuấn chưa được chứng kiến. Tôi phải nhìn cho đủ, ngắm cho kỹ, sau này gặp lại còn có thể gói lại làm quà cho cậu ấy."

Ông thay ông nhỏ sống một cuộc đời thật đẹp để rồi rời đi thanh thản trong một ngày đầu xuân trong trẻo. Ông mang theo mình một trời sao rực rỡ nhất, mang theo những câu tâm tình còn bỏ ngỏ, mang theo dịu dàng còn sót lại ở nhân gian, tất cả đều mang đến tặng cho người ông yêu.

Trời sao hôm nay thật sáng. Tôi ngẩng đầu nhìn, ngôi sao Nhân Tuấn xuất hiện rồi, nhưng giờ đây nó không còn đơn độc một mình nữa. Góc trời ấy, ngay cạnh ngôi sao ấy, hôm nay không biết từ lúc nào đã xuất hiện thêm một ngôi sao nhỏ khác lặng lẽ ở bên.

Có lẽ ông.. đã gặp được Nhân Tuấn của ông rồi.

___

Dạo trước đứa em mình có gửi cho mình xem một tấm ảnh, là ông của em gửi cho bà em, mặt sau của bức ảnh có viết một dòng khiến mình rất xúc động. Câu chuyện này được lấy cảm hứng từ bức ảnh đó, và một chuyện tình lãng mạn thời xưa được bạn mình kể lại. Có thể tóm tắt là trước đây có hai người yêu nhau, vì bị gia đình ngăn cản mà một người bị nhốt không cho ra khỏi nhà, người còn lại ngày ngày ngồi bên ngoài chờ đợi, vẽ lại bức tranh cửa sổ phòng của người kia. Đây đối với mình đều là những tình yêu thật đẹp và mình cũng muốn có thể viết ra những chuyện tình đẹp như thế.

Cảm ơn mọi người đã đọc đến đây. Chúc mọi người có một ngày tốt lành ♡︎

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro