• Anh trai •

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

- Nhân vật chính: ZJY, LY.

- Có cameo của thành viên đến từ Trại tâm thần đa ngôn ngữ.

- Hint YZL, HDY.

- OOC, OOC, OOC.

- Hiện thực, đời sống, các tình tiết là hư cấu.

- Câu chuyện về một người anh trai và một người em trai không cùng huyết thống...

.

.

.

Gia đình tôi gồm có bốn người, cha mẹ, em trai và tôi.

Hoặc có thể gọi là năm người, nếu tính luôn cả người anh trai không cùng huyết thống kia với tôi, Lưu Vũ.

Lưu Vũ là anh trai của tôi nhưng không phải là anh ruột. Anh ấy được cha mẹ tôi mang về vào một ngày mưa rơi tầm tã. Khi đó tôi cùng thằng Đặc - em trai tôi - đang ngồi bó gối trên ghế đợi cha mẹ về.

Lúc ấy cả người Lưu Vũ ướt sủng, yếu ớt và nhỏ bé như một chú mèo con ướt mưa. Buổi tối, anh ấy lên cơn sốt, nói sảng liên hồi, mẹ tôi phải thức trông cả đêm, tình trạng ngày hôm sau mới thuyên giảm đôi chút.

Sau đó tôi sớm phát hiện ra, anh Lưu Vũ không giống với chúng tôi, không chỉ không mang cùng huyết thống mà đầu óc của anh cũng không bình thường như tôi và em trai. So với những người khác, anh Vũ khờ và chậm hiểu hơn hẳn.

Cha mẹ sợ đó là di chứng để lại sau cơn sốt dài của đêm mưa nọ nhưng khi đưa đến bệnh viện bác sĩ lại bảo từ khi sinh ra đã như thế rồi. Đó là bẩm sinh, không cách nào chữa được.

Liệu đó có phải là lý do mà những người cha mẹ ruột của anh ấy vứt bỏ mình không? Tôi của năm đó đã tự hỏi mình như thế. Nếu là thật thì sẽ đau lòng lắm, là tôi thì tôi sẽ khóc lụt nhà mất thôi. Nhưng anh Lưu Vũ liệu có hiểu điều đó không, khi lúc nào anh ấy cũng mỉm cười ngờ nghệch như một đứa trẻ.

Mùa thu năm đó, sau khi hoàn thành xong xuôi một loạt những thủ tục nhận con nuôi, Lưu Vũ chính thức trở thành một thành viên trong gia đình tôi. Ngày hôm ấy không có nắng, lại nhiều mây, gió thổi từng cơn lành lạnh, phả cả vào mặt tôi. Cha mẹ làm một bữa cơm lớn gọi là chính thức đón anh về nhà, thằng Đặc còn tặng hẳn Ultraman mà nó thích nhất cho anh, trong khi trước đó tôi chẳng được sờ vào miếng nào.

Anh Lưu Vũ ngồi ở giữa cha mẹ tôi, thằng Đặc đứng trước mặt họ khoa tay múa chân gì đó mà cả cha mẹ lẫn anh đều cười khanh khách. Vị trí ở giữa đó, vốn là của tôi nhưng nay đã chẳng thế nữa rồi. Nhìn khung cảnh một nhà bốn người quây quần kia, tự dưng hốc mắt tôi cay xè. Cảm giác sự xuất hiện của anh Lưu Vũ đã phá đi trật tự vốn có của nhà mình, bây giờ tôi cư nhiên lại là kẻ thừa trong gia đình.

Thế là vô hình trung trong lòng tôi hình thành một cảm giác bài xích đối với anh. Năm đó tôi 8 tuổi, anh Vũ 10 tuổi.

.

Những tháng ngày sau này tôi phát hiện ra cha mẹ dường như thương anh Vũ hơn tôi và thằng Đặc rất nhiều. Có gì ngon lành cũng để phần anh, mỗi khi mua gì đó cho cả ba chúng tôi, cha mẹ đều để anh chọn đầu tiên sau đó mới đến lượt tôi và em trai.

Có thể thằng Đặc còn nhỏ nên không để ý gì nhiều nhưng tôi lại khác. Một đứa bé 8 tuổi dư sức hiểu được cũng như cảm nhận được những thay đổi dù là nhỏ nhất trong cách đối xử của những người thân yêu nhất đối với chúng mỗi ngày.

Nhà chúng tôi nhỏ, không đủ phòng để ba đứa ở riêng thế nên cả ba đứa bọn tôi đều được nhét vào chung một phòng. Chỉ khác là từ nay ngoài cái giường tầng của tôi và thằng Đặc ra thì còn có thêm một chiếc giường đơn nữa của anh Vũ.

Giường được kê đối diện với giường tầng của hai anh em tôi, trên đó trải drap giường màu xanh biển nhạt có họa tiết cá con cùng rong biển, bọt nước,... nom nhìn cũng giống một đại dương thu nhỏ lắm.

Anh Vũ hay ngủ sớm, mỗi khi tôi xem ti vi xong thì thấy ảnh đã đi gặp Chu Công mất rồi. Nhưng hình như giấc ngủ nào của Lưu Vũ cũng không được thoải mái lắm, tôi đoán, bởi vì tôi lúc nào cũng thấy hai đầu mày của anh ấy xoắn lại vào nhau, mồ hôi ướt đẫm cả vầng trán trắng nõn.

Bởi vì tình trạng sức khỏe đặc biệt của mình nên anh Vũ không thể đến trường cùng tôi. Thay vào đó, cha mẹ gửi anh đến một trường học giáo dục đặc biệt dành cho những học sinh có nhu cầu đặc biệt như học sinh bị chậm phát triển về tinh thần, thể chất, tình cảm hoặc bị khiếm thính, khiếm thị...

Những đứa trẻ này cần một môi trường giáo dục dành riêng cho mình - điều mà các trường học truyền thống không thể đáp ứng.

Trường học khá xa, cách nhà tôi tận hai tiếng đi xe. Thế là ngày nào cũng như ngày nào, tôi đứng trơ mắt ở cổng nhìn cha chở anh Vũ đi học trên cái xe máy quen thuộc mà tôi đã từng đi cùng cha suốt mấy năm qua.

Tự dưng tôi thấy tủi thân ghê gớm, nước mắt cũng rơi xuống lúc nào không hay. Nhưng tôi không để cha mẹ biết mình khóc, Trương Gia Nguyên là một đứa nhỏ rất mạnh mẽ, không thể nào vì chút chuyện cỏn con này mà rơi nước mắt được.

Lưu Vũ tuy chậm phát triển về tinh thần nhưng lại là một người rất tình cảm và nghe lời, lại rất hay phụ giúp cha mẹ. Lần nào tôi cũng thấy anh ấy quấn quýt bên cạnh mẹ, khi thì phụ lặt rau khi thì phụ xay tiêu, giã tỏi. Tuy chỉ là những công việc nhỏ xíu nhưng có thể nhìn ra anh rất chuyên tâm mà làm.

Tôi quay mặt đi, bĩu môi một cái.

Khi đó tuổi nhỏ chưa suy nghĩ được nhiều, tôi lại cho rằng đây chỉ là cách mà anh ấy "nịnh nọt" ba mẹ tôi thôi. Lớn lên rồi mới hiểu ra, Lưu Vũ vốn không giống người khác, đầu óc anh như vậy, sao có thể biết thế nào là lấy lòng một người.

Bởi vì tinh thần của anh ấy chậm phát triển cho nên Lưu Vũ học hành cũng chậm hơn tôi và thằng Đặc rất nhiều. Trong khi em tôi đã có thể viết tên mình một cách rành rọt (tuy chữ vẫn còn xấu như giun bò) và thuộc làu hầu hết những bộ thủ cơ bản thì anh tôi vẫn còn cặm cụi học cách viết từng nét ngang, nét sổ,...

Nhưng anh vẫn là chăm chỉ lắm. Tối nào anh ấy cũng ngồi cặm cụi viết từng nét từng nét trên quyển vở đặc biệt của mình. Tay Lưu Vũ không khống chế được lực nên nét nào nét nấy xiên xiên vẹo vẹo như gà bới. Tôi ngồi xem không nổi, thế là dứt khoát giật cây viết trong tay người kia ra, rồi viết một lần làm mẫu.

"Như thế này này, anh phải chú ý lực ở đây một chút, không phải cứ quẹt bậy bạ như thế là thành chữ đâu."

Có lẽ là giọng tôi hơi lớn nên anh ấy sợ, Lưu Vũ ngồi thu mình thành một cục nhỏ xíu, im lặng không dám lên tiếng, chỉ chăm chú nhìn tôi viết chữ. Nhưng hình như cũng là có chút tác dụng, mấy chữ sau của anh rõ ràng là trông dễ nhìn hơn hẳn.

Tôi kiêu ngạo, hỉnh mũi lên quay người đi mà không hề hay biết rằng, có một đôi mắt đen tròn vẫn len lén nhìn theo mình.

Ít lâu sau, tôi ngồi một bên trên ghế trong phòng khách, vừa gặm kem que vừa nhìn mẹ tôi cảm động hôn lên trán anh tôi một cái, khi lần đầu tiên anh Vũ viết được tên của chính mình.

Hai chữ "Lưu Vũ" ngả ngả nghiêng nghiêng nổi bần bật trên mặt giấy trắng toát, cha tôi vui đến độ đem lồng kính treo trên tường nhà, cạnh mấy bức ảnh của nhà tôi.

Tôi đảo mắt, không phục tí nào. Rõ ràng tôi viết còn đẹp hơn Lưu Vũ, cớ sao lại không được treo lên như thế chứ. Trong lòng không vui, kem trong miệng cũng vù thế mà chẳng còn vị ngọt tí nào, cứ lạt nhách như nước lã.

Năm đó tôi vẫn là 8 tuổi, anh Vũ 10 tuổi.

.

Lưu Vũ nhạy cảm hơn tôi nghĩ, anh ấy dường như biết tôi không thích anh cho lắm.

Bằng chứng là anh có thể cười nói ríu rít với cha mẹ và thằng Đặc nhưng chỉ cần thấy tôi, Lưu Vũ liền trở nên sợ sệt, lấm lét ngay, một bộ thấp thỏm lo sợ giống như là đã làm chuyện gì xấu vậy đó.

Có lẽ thái độ của tôi đối với anh không được tốt. Không phải là bày trò bắt nạt hay chơi xấu gì, chỉ là tôi không bao giờ bày ra vẻ mặt thân thiện, tươi cười dịu dàng với anh ấy thôi, trái ngược với thằng Đặc, đứa lúc nào cũng líu lo quấn quýt lấy Lưu Vũ như chim non. Người ngoài nhìn vào còn nghĩ nó mới là em trai ruột của anh Vũ chứ không phải tôi.

Cha mẹ cũng đã từng nói chuyện này với tôi nhưng không thay đổi được gì. Từ bé tôi đã là đứa vô cùng có chính kiến, ngay từ lần gặp đầu tiên tôi đã không có thiện cảm gì với anh ấy rồi, qua thời gian, cái cảm xúc đó lại càng lớn dần, làm sao có thể bắt tôi tươi cười hòa ái với người mình không thích chứ.

Anh Vũ hình như cũng cảm nhận được điều này nên ít khi nào chủ động nói chuyện với tôi lắm. Khoảng cách an toàn của chúng tôi luôn là 5m, mỗi lần hai đứa ở gần nhau là tôi thấy anh ấy lại xoắn xuýt cả lên, cứ như chỉ cần chớp mắt cái thôi là tôi có thể bay vào tẩn cho anh một trận ngay vậy đó.

Những lần chỉ có hai anh em ở cùng nhau, Lưu Vũ tuyệt đối giữ im lặng đến cùng cực, chỉ khi có người thứ ba xuất hiện, anh ấy mới vui vẻ mà mở lời. Tôi cũng chẳng quan tâm lắm, thế cho đỡ phiền phức.

Mặc dù tôi lúc nào cũng tỏ thái độ lạnh lùng xa cách với anh nhưng Lưu Vũ lại khác, tuy luôn sợ sệt và thường hay né tránh nhưng tôi biết cái gì anh cũng nhường tôi. Và cả em trai tôi nữa.

Ví như khi anh ấy được chọn phần bánh ngọt trước tiên, anh sẽ nhường quả dâu trên bánh mà anh thích nhất cho tôi.

Hoặc mỗi khi ăn mỳ hay hủ tiếu, anh cũng sẽ gắp hầu hết thịt sang tô của tôi và thằng Đặc. Cả sườn xào chua ngọt cũng vậy, lúc nào trong bát cơm của anh em bọn tôi cũng là những miếng thịt thơm ngon nhất,...

Đối với chuyện này tôi cũng không cảm thấy cảm kích gì cho cam. Chẳng phải nếu không có anh thì đây là những đặc quyền mà tôi và thằng Đặc được hưởng hay sao?

Anh làm thế là hợp lý rồi còn gì, là chuyện quá đương nhiên rồi.

Chúng tôi cứ giữ thái độ như thế mà sống qua ngày.

Mãi cho đến lần sinh nhật 10 tuổi của tôi. Hôm ấy cha mẹ tổ chức một buổi tiệc nhỏ tại nhà, tôi được phép mời mấy người bạn thân thiết của mình đến chơi. Anh trai tôi và thằng Đặc cũng có mặt. Bởi vì để bọn trẻ được thoải mái tự do nên cha mẹ đã ra nhà sau cả rồi, để cho bọn trẻ con chúng tôi ăn uống chơi đùa ở nhà trước.

Đến tiết mục mở quà, hầu hết những món quà của mấy đứa bạn tặng đều là mấy món đồ mới toanh được mua từ cửa tiệm.

Có tập vở, có hộp màu chì thơm mùi gỗ, còn có cả xe mô hình mới cóng. Ngay cả thằng Đặc cũng tặng tôi một bộ lego mini, được mua bằng tiền tiêu vặt ít ỏi của nó, không biết là đã để dành được bao lâu rồi. Tôi bật cười, vươn tay xoa đầu thằng em, đổi lại là mấy cái móng mèo đang giơ về phía tôi đòi cào.

Cho tới khi tôi mở đến một hộp quà nhỏ được gói bằng giấy báo một cách vụng về thì thứ bên trong làm tôi hết sức ngạc nhiên.

Là một cái bùa bình an (tôi đoán thế, vì hình dáng trông giống những túi bùa tôi thấy ở chùa lắm) được may bằng vải cotton màu xanh đậm, bên trên có thêu chữ cùng mấy cái hình thù kỳ quái nào đó mà tôi không tài nào nhìn ra được đó là gì. Đường may xiêu xiêu vẹo vẹo, chẳng ngay hàng thẳng lối tí nào, nhăn nhúm lại co rút thành một tụm.

Công bằng mà nói, nó xấu đến phát khóc.

Đem đặt cái bùa này bên cạnh mấy món quà kia, quả là khác nhau một trời một vực, không nỡ nhìn thẳng. Nhìn cũng biết ai là chủ nhân của món quà này, tôi lén nhìn về phía anh Vũ, cũng thấy anh đang lo lắng nhìn về thứ đang nằm trong lòng bàn tay tôi.

Biết ngay mà.

Trong lúc tôi còn ngẩn người thì đột nhiên có người giật lấy cái bùa trong tay tôi rồi cầm lên săm soi, sau đó còn cười to, thái độ vô cùng cợt nhả. Là một đứa bạn cùng lớp. Nó chê, bảo là cái thứ xấu xí gì đây, sao có thể đem đi tặng người khác được, sao còn chưa vứt vào thùng rác. Một vài tiếng cười khe khẽ hùa theo vang lên.

Anh Vũ nghe được, sau đó tôi liền thấy vẻ tủi thân hiện lên trên gương mặt nhỏ xíu của anh. Lưu Vũ mím môi, đuôi mắt đã đỏ hoe nhưng chỉ có thế.

Tự dưng máu nóng trong lòng tôi sôi lên sùng sục, chưa để thằng Đặc lên tiếng, tôi đã đứng lên giật lại tấm bùa trong tay thằng bạn, nâng niu mà ôm vào lòng, trước con mắt ngỡ ngàng của tất cả mọi người đang có mặt ở đó.

Tôi cũng chẳng biết vì sao khi đó mình lại cư xử như vậy, chỉ là cảm thấy rất khó chịu khi anh Vũ bị người khác cười cợt như thế.

Từ sau buổi sinh nhật đó, tôi cũng không còn chơi cùng những đứa bạn đó nữa. Cha mẹ tôi biết nhưng không hỏi lý do. Bởi vì cả hai đều biết không bao giờ tôi làm một việc gì đó mà không có lý do.

Về sau, tôi nghe thằng Đặc rỉ tai, cái bùa may mắn đó là tác phẩm của anh tôi trong lớp thủ công ở trường. Thành phẩm sẽ được đem về để tặng cho người thân yêu nhất. Tôi hơi ngạc nhiên, cứ nghĩ anh Vũ sẽ tặng cho cha hoặc mẹ chứ hay chí ít sẽ là thằng Đặc chứ không phải tôi.

Tôi trằn trọc không ngủ được, hết xoay tới lại xoay lui, trong khi thằng em tầng trên đã ôm gối ngáy o o từ khi nào. Cuối cùng tôi rời giường, dém chăn cẩn thận cho Lưu Vũ ở giường đối diện rồi rón rén ra khỏi phòng.

Trời lạnh rồi, anh Vũ khi ngủ lại hay đạp chăn lắm, không cẩn thận lại cảm mạo, lúc ấy cha mẹ lại lo lắng, chứ không phải tôi lo gì cho anh đâu.

Năm đó, tôi 10 tuổi, anh Vũ 12 tuổi.

.

Càng lớn lên chúng tôi càng có những bí mật của riêng mình, những điều riêng tư mà không thể nào chia sẻ cho cha mẹ. Tôi cũng thế mà thằng Đặc cũng thế, anh em bọn tôi cũng không còn bá vai bá cổ nhau mà táng phét như trước. Mỗi đứa đều có thế giới riêng, đều bận rộn đắm chìm trong thế giới của mình.

Trừ Lưu Vũ, con người không - bao - giờ - có - bí - mật - gì - cả.

Chuyện gì ảnh cũng đem kể cho cả nhà nghe, hôm nay học gì, ăn gì, nói chuyện với bạn nào,... bất cứ điều gì xảy ra trong ngày, anh ấy cũng đều nói ra hết.

So với tôi và thằng Đặc thì có lẽ trong mắt cha mẹ, anh Vũ vẫn mãi là một đứa bé nhỏ xíu như năm nào.

Tuổi dậy thì đến kéo theo biết bao nhiêu là rắc rối.

Hormone thay đổi, tâm tình cũng lộn tùng phèo theo, chuyện học hành, những tình cảm non nớt đầu đời, mụn bắt đầu tấn công, vỡ giọng,... tất cả đều lũ lượt mà kéo đến. Trong số đó, chuyện làm tôi đau đầu nhất chính là hai cái chân đêm nào cũng đau nhức của mình.

Bởi vì trong quá trình phát triển nhanh chóng ở tuổi dậy thì, trọng lượng cơ thể tạo ra nhiều áp lực lên chân. Khi đầu chi dưới xung huyết sẽ dẫn đến đau chân. Y học hiện đại gọi hiện tượng này là đau chân tăng trưởng.

Tôi phát triển sớm hơn chúng bạn một chút, chiều cao ăn đứt hẳn mấy đứa cùng lớp thế nên nhìn bên ngoài thì có vẻ tự hào hãnh diện lắm, ai biết được đêm nào hai cây đũa này cũng biểu tình nhiệt liệt. Tối nào cũng gần nửa đêm tôi mới ngủ được.

Một hôm nọ, trong khi tôi vẫn bị hai cái chân dài ngoằng của mình hành hạ như mọi khi vì tình trạng "nhổ giò" thì bỗng nhiên cảm giác được có ai đó đang đứng cạnh giường mình. Ngẩng đầu lên thì thấy cái bóng nhỏ thó của Lưu Vũ.

Mặc dù anh Vũ cũng đang trong tuổi dậy thì, thậm chí còn sớm hơn tôi tận 2 năm nhưng anh ấy vẫn không cao lên được chút nào. Tôi nhắm chừng mấy năm qua anh chỉ cao thêm được tầm 5 - 10 cm là cùng. Trong khi tôi, chắc khoảng đâu 30 cm hoặc hơn. Ngay cả thằng Đặc nhỏ hơn Lưu Vũ tận 4 tuổi mà đã cao xấp xỉ anh ấy rồi.

Có thể vì gen người Đông Bắc vốn cao to, cũng có thể là do bẩm sinh cơ thể của Lưu Vũ quá nhỏ, không lớn hơn mức cho phép được.

Lưu Vũ đứng đó, trong tay cầm một vật gì đó mà khi người nọ xòe bàn tay ra, tôi mới thấy được, đó là một chai dầu xanh nhỏ. Anh lúng búng nhét nó vào tay tôi, giọng ngập ngừng.

"Cái này... cho Nguyên Nhi. Anh biết em hay bị đau chân, anh nghe bác sĩ trên ti vi bảo... nếu xoa bóp... thì sẽ đỡ đau hơn đó."

Rồi ảnh chạy biến, chưa kịp để tôi nói câu gì đã nhanh như thỏ con chui tọt vào cái mền ở giường đối diện, tự quấn mình thành một cái kén dày. Chắc anh sợ tôi mở miệng từ chối.

Lưng Lưu Vũ xoay hướng về phía tôi, tầm năm phút sau, cái kén trở mình. Dưới lớp chăn dày được quấn cao lên gần hết mặt, đôi mắt đen tròn của anh ấy lén nhìn về phía tôi. Phát hiện ra tôi vẫn nhìn anh từ nãy đến giờ, Lưu Vũ giật thót người, như đứa trẻ làm việc xấu mà bị phát hiện, anh vội vã xoay người trở về tư thế cũ, lâu thật lâu sau cũng không quay lại. Hình như anh ấy ngủ mất rồi.

Tôi nhìn chai dầu trong tay rồi lại nhìn tới cục chăn đang nằm phía bên kia, trong lòng ngổn ngang bao cảm xúc không tên khó tả.

Cũng không biết là do cơn đau nhức của tuổi dậy thì vô tình kết thúc hay do chai dầu mà Lưu Vũ cho tôi thần kỳ mà từ hôm đó trở đi, tôi không còn bị đau chân đau cơ nữa.

Năm đó tôi 14 tuổi, anh Vũ vừa tròn 16 tuổi.

.

Năm đầu vừa bước chân lên cao trung, còn chưa hết học kỳ I tôi đã đi đánh nhau với người ta.

Không phải tôi giang hồ, hổ báo cáo chồn gì đi gây sự với người ta đâu. Chỉ là tôi cảm thấy trên đời này có một số người nếu không cho nó ăn đấm thì nó cứ mãi nghĩ bản thân nó là chúa tể muôn loài.

Gần trường học của tôi có một đám côn đồ thường xuyên đến gây sự.

Bắt nạt, trấn lột tiền bạc hay bất cứ thứ gì có giá trị của mấy đứa học sinh. Có khi chúng còn lấy cả sổ liên lạc nhằm vòi tiền mấy cô cậu học trò hiền lành.

Lũ học sinh chúng tôi tuy không phải hiền lành như bột nhưng khi đối diện với mấy tay cao to đó cũng là dè chừng không thôi. Nhiều lần phụ huynh học sinh cũng đã lên tiếng phản ánh với trường, chính quyền công an địa phương cũng làm việc nhưng cái bọn này đâu dễ dàng buông tha mấy miếng mồi béo bở đó. Chúng không tụ tập ở trường nữa mà chuyển sang kế hoạch khác, chặn các con mồi ở giữa đường, nơi cách xa trường học một đoạn khá xa.

Hôm đó là một buổi chiều muộn, bởi vì trực nhật nên tôi về trễ hơn ngày thường gần nửa tiếng. Lúc tôi tan trường, mặt trời đã khuất bóng. Con đường về nhà đã thưa thớt người qua lại. Khi vừa đi ngang qua một con hẻm vắng, tôi đột nhiên nghe thấy tiếng nài xin nho nhỏ vang lên.

Bản thân vốn là người rất ghét mấy trò bắt nạt trấn lột này thế nên tôi không nghĩ ngợi gì liền xông vào. Lúc đó quả nhiên tuổi trẻ nên liều lĩnh, giờ lớn rồi ngẫm lại mới thấy mình khi đó quả là ăn gan hùm.

Đối phương có 3, 4 tên, tay lại còn lăm lăm nào gậy bóng chày, gậy gỗ trong khi tôi chẳng có gì ngoài cái cặp da cùng cái thây dài hơn m8 này. Đúng là tay không tất sắt mà xông vào lòng địch, chẳng khác gì châu chấu đá xe.

Mãi cho đến khi tôi bị ăn một cú đau điếng vào sau đầu, trước mặt bỗng đâu xuất hiện hơn trăm ngàn ngôi sao đang xoay mòng thì tiếng còi réo rắt của mấy chú dân phòng vang lên, sau đó mọi thứ rơi vào một màn đêm tối thui.

Đến khi tôi tỉnh lại đã thấy anh Vũ ngồi cạnh mình. Thấy tôi mở mắt anh mừng quýnh lên, nhanh nhảu rót cho tôi một cốc nước. Đầu tôi bị quấn thành một cái bánh chưng to đùng, cả người ê ấm, mặt mũi sưng vù. Lưu Vũ bảo là mấy chú dân phòng đưa tôi vào bệnh viện, còn mấy tên côn đồ đã sớm bị đưa lên đồn, khi nào tôi tỉnh cảnh sát sẽ đến lấy lời khai.

Bởi vì cha mẹ đã đi thăm họ hàng xa nên người lớn duy nhất trong nhà cũng chỉ có anh Vũ. Tuy anh hơi khờ so với người khác nhưng vẫn là hiểu chuyện, nói năng cũng rất có sức thuyết phục, vậy nên tôi mới được tha bổng để anh ấy bảo lãnh về nhà. Với cả chuyện này tôi cũng đâu có sai.

Mấy ngày sau đó, là anh Vũ thay cha mẹ chăm sóc cho tôi. Thay thuốc, thay băng, bôi thuốc, nấu cháo,... đều là một tay anh làm hết. Thậm chí Lưu Vũ còn hứa sẽ giúp tôi giữ kín chuyện này với cha mẹ.

Thằng Đặc lúc thấy cái đầu sưng lên như đầu heo của tôi không những không hỏi thăm mà nó còn cười thẳng vào mặt tôi, dọa sẽ mách cha mẹ chuyện tôi đánh nhau. Tôi bực mình liền cầm gối chọi vào mặt nó. Em với chả út, láo toét.

Có lần lúc Lưu Vũ đang bôi thuốc cho tôi, không biết nghĩ gì mà tôi lại nói bâng quơ một câu.

"Không biết bị đánh vào đầu rồi sau này có trở nên ngốc như anh không nữa."

Kết quả chụp CT, X - quang đã có rồi, ơn trời là đầu tôi vẫn bình thường, không bị sao cả. Tôi chỉ là muốn ghẹo ảnh một chút thôi. Không nghĩ đến anh Vũ đột nhiên khựng lại, hơi ngẩn người ra. Tôi biết mình lỡ lời, cuống quýt muốn an ủi anh, lại thấy người nọ nhìn thẳng vào mắt tôi, nói bằng một giọng vô cùng nghiêm túc.

"Không có đâu... Nguyên Nhi... rất thông minh. Sẽ không bị ngốc như anh đâu."

Tôi lặng người đi không biết nên nói gì. Ráng chiều vàng rực đổ lên người Lưu Vũ khiến anh ấy trông càng thêm tĩnh lặng, dịu dàng.

Không biết từ bao giờ mà anh tôi đã trở nên xinh đẹp như thế. Gương mặt nhỏ, trắng nõn như trứng gà luộc, mắt một mí nhưng đen tròn lay láy, lấp lánh những tia sáng nhỏ như sao sa. Mái tóc đen mềm từng sợi mỏng rũ trước trán. Cả người nhỏ bé tinh tế, không thô kệch to cao như tôi.

Bàn tay không tự chủ được của tôi vươn lên xoa đầu anh, giống như đang xoa đầu một chú mèo con. Lưu Vũ không vui, hơi né người sang bên, trừng mắt nhìn tôi.

"Anh không phải... trẻ con... em nên xoa đầu A Tinh ấy, em ấy còn nhỏ."

Ai thèm xoa đầu cái thằng nít ranh đó chứ, tôi nghĩ thầm trong lòng. Tôi và nó không bay lại đấm nhau một trận là đã may phước lắm rồi, chứ ở đó mà xoa với chả đầu.

Tôi không buông tay, vẫn tiếp tục nghịch mấy sợi tóc của anh ấy, nhìn Lưu Vũ tỉ mẩn chấm từng miếng thuốc lên vết bầm sưng tấy của tôi. Mỗi khi tôi vờ than đau rồi rụt tay lại, anh Vũ sẽ cuống lên, sau đó sẽ càng chấm thuốc nhẹ nhàng hơn.

Lần đầu tiên trong đời tôi chợt nhận ra, có lẽ tôi không ghét anh như mình nghĩ.

Năm đó tôi 15 tuổi, anh Vũ 17 tuổi.

.

Thằng Đặc đi chơi với bạn, hớ hênh kiểu gì lại để mất luôn cái xe đạp cha mới mua cho nó tháng trước. Thằng nhóc hoảng sợ đến phát khóc, không dám về nhà, bối rối gọi điện thoại cầu cứu tôi, tình cờ anh Vũ cũng nghe được. Thế là hai chúng tôi phải đến rước nó về.

Mà cũng có được yên, trên đường về nhà còn bị côn đồ chặn đánh, là cái bọn đã cướp xe của em tôi. Lưu Vũ vì đỡ cho thằng Đặc một gậy mà ngất xỉu giữa đường, được đưa vào bệnh viện. Lúc cha mẹ tôi chạy đến đã trông thấy bộ dạng vô cùng thê thảm, nhếch nhác của hai anh em tôi. Cha vừa giận vừa xót nhưng vẫn là không nỡ xuống tay cho thằng em một trận. Từ lúc anh Vũ bất tỉnh tới giờ nó cứ khóc miết, đỏ hoe cả hai mắt.

Suốt cả tuần sau đó, thằng Đặc nghiễm nhiên trở thành osin cho Lưu Vũ, cứ quấn quýt mãi bên anh, chăm sóc anh rất cẩn thận. Tôi thấy thế liền buông lời dọa nó.

"Anh Vũ mà có mệnh hệ gì là mày chuẩn bị tinh thần đi con."

Em tôi trợn mắt, chọi một cái gối về phía tôi.

Sau đó, anh Vũ rốt cuộc cũng xuất viện nhưng để lại di chứng. Chân của anh bị tổn thương nặng, từ nay không thể đi đứng như bình thường được nữa.

Mẹ tôi ôm lấy anh òa khóc, thằng Đặc khóc còn kinh khủng hơn cả mẹ. Cha tôi không khóc nhưng ông quay mặt đi, khóe mắt đỏ hoe.

Lồng ngực tôi trở nên khó chịu, dường như có một thứ gì đó đang bóp lấy tim mình, nghèn nghẹn đến khó thở.

Ngoài trời mưa lất phất rơi từng hạt.

Sinh nhật Lưu Vũ, cha mẹ làm một bữa cơm nhỏ, không có người ngoài, chỉ có mấy người trong nhà chúng tôi.

Anh Vũ từ khi tốt nghiệp cao trung thì không học đại học mà dứt khoát là đi làm luôn. Cha mẹ không đủ khả năng để cả ba đứa bọn tôi cùng vào đại học, nên anh ấy không đi học nữa mà quyết định sẽ đi làm phụ giúp cha mẹ.

Chỗ làm của anh là một công ty sữa nhỏ gần nhà chúng tôi, cách nhau chỉ tầm 15 phút đạp xe. Chủ quản lý là người quen của cha, thế nên Lưu Vũ rất dễ dàng được nhận vào đó. Mặc dù tình trạng có hơi đặc biệt nhưng anh ấy học việc rất nhanh lại ngoan ngoãn, hiền lành, thế nên ai cũng thương.

Năm nay tôi đã là sinh viên năm nhất, bởi vì bận rộn làm hồ sơ chuẩn bị nhập học mà sinh nhật ảnh lại rơi vào khoảng giữa thu, cũng là khoảng thời gian mà tôi đang bận đến rối tung rối mù ấy, vậy nên không kịp chuẩn bị quà gì cho anh.

Cuống quá, tôi chạy vèo ra cửa hàng tạp hóa, mua cho anh một gói kẹo đủ màu thật to. Cha mẹ tôi trông thấy, mấp máy môi muốn nói gì đó lại thôi. Còn thằng Đặc lúc thấy thì chẳng nể nang gì mà ngang nhiên xỉ vả vào mặt anh nó, kêu là tôi gì mà keo cú thế, mua có mỗi gói kẹo. Tôi ngó sang gói quà đã mở ở gần đó, Trương Tinh Đặc thế mà tặng cho anh tôi một đôi giày thể thao mới toanh, là mẫu mới nhất vừa ra cách đây không lâu.

Tự dưng tôi thấy xấu hổ, toan giật lại bịch kẹo trong tay Lưu Vũ thì anh ôm khư khư không rời, cười cong tít cả mắt, bảo là anh rất thích món quà này. Em trai tôi bên cạnh bĩu môi, sau đó nó dụi đầu vào người Lưu Vũ làm nũng. Cái thằng này nghĩ mình còn nhỏ bé lắm hay sao mà còn làm trò con bò.

Vài tháng sau, trong một lần dọn dẹp phòng, tôi liền trông thấy bịch kẹo mà tôi tặng Lưu Vũ rơi ra từ trong một chiếc hộp màu xanh lam. Kẹo đã hết hạn từ lâu rồi, giấy gói đủ màu cũng không còn tươi tắn hay rực rỡ như dạo trước nữa.

Nương theo ánh sáng, tôi thấy trong hộp còn cơ man biết bao những thứ đồ lặt vặt khác. Ultraman mà thằng em tôi tặng anh Vũ hồi anh mới về nhà, một con gấu bông màu nâu đã rớt mất một bên mắt - là món quà tôi đã tặng Lưu Vũ hồi anh 11 tuổi, một cặp tất chân chiếc này chiếc kia - cũng là kiệt tác của tôi, túi thơm mẹ may, tượng ngựa gỗ nhỏ đung đưa cha làm,... tất cả những món quà mà gia đình tôi tặng cho Lưu Vũ, anh đều cẩn thận mà cất trong này.

Nhất thời tôi không biết mình nên bày ra vẻ mặt gì.

Dù chuyện đã qua lâu rồi đến độ tôi không còn nhớ nữa nhưng khi nhìn lại mấy món quà nhỏ mà tôi đã tặng cho Lưu Vũ ngày trước, tự dưng tôi thấy mình xấu tính quá. Mấy món đồ đó đều là những thứ tôi không chơi hoặc không cần dùng đến nữa, mới đem tặng cho anh, vậy mà anh ấy còn cất giữ cẩn thận thế này, còn xem như trân bảo mà giữ gìn.

Trái ngược hẳn với Lưu Vũ, sinh nhật năm nào của tôi, anh ấy cũng đều rất dụng tâm mà chọn quà. Bùa may mắn tự may (tuy là xấu không thể tả), mũ len, khăn choàng cổ, miếng gảy đàn guitar, màu vẽ,... đều là những thứ mà tôi cần.

Lúc tôi vẫn còn đang chết cứng, Lưu Vũ mở cửa bước vào, trông thấy thứ tôi đang cầm trong tay thì anh hoảng hốt muốn giật lại. Nhưng với chiều cao có hạn đó của anh làm sao mà với tới được. Một bên tôi giơ bịch kẹo lên cao, một bên hỏi chuyện Lưu Vũ, bằng một chất giọng đều đều không nhìn ra cảm xúc.

"Tại sao anh lại không ăn?"

Lưu Vũ đứng đối diện tôi, cúi đầu vân vê vạt áo, lí nhí trả lời.

"Anh không nỡ ăn. Là... Nguyên Nhi tặng anh mà... lỡ ăn hết thì sao?"

"Ăn hết thì tôi mua gói mới cho anh. Anh sợ cái gì, tiếc cái gì, anh làm thế này ai xem? Anh đang cố tỏ ra mình đáng thương còn tôi chỉ là một đứa xấu tính chuyên đi bắt nạt anh chứ gì? Anh làm thế là muốn cha mẹ thương anh rồi ghét bỏ tôi, anh muốn dành hết tình cảm của hai người luôn đúng không? Từ bé đã thế mà bây giờ vẫn vậy."

Tôi không khống chế được tâm trạng của mình, đột nhiên to tiếng hẳn, không hiểu sao lại nổi nóng với anh, cũng chẳng thể ngăn nổi những lời nói có gai làm đau lòng anh trai mình. Sau này khi bình tĩnh lại, có hối hận cũng không còn kịp nữa rồi.

Đôi mắt Lưu Vũ mở to, môi anh mấp máy, giọng run rẩy. Có lẽ vì bị tôi thét nên hoảng sợ, mắt anh ngầng ngậc nước nhưng tuyệt nhiên không rơi một giọt nào.

"Không phải, anh không có ý đó... những món quà mà Nguyên Nhi hay mọi người tặng anh, anh đều rất luyến tiếc... đều không muốn chúng sứt mẻ hay hư hỏng... nên mới cất vào hộp. Anh cũng không muốn... dành cha mẹ với em... anh là..."

Không đợi anh Vũ nói dứt câu tôi đã lao ra khỏi phòng, bỏ lại người anh không cùng huyết thống kia đứng bơ vơ trơ trọi như thế. Không phải tôi hèn nhát không dám nghe anh phân trần, chỉ là nếu còn đứng đấy thêm giây phút nào nữa, tôi sợ mình không khống chế được cảm xúc sẽ làm anh tổn thương thêm nữa.

Năm đó tôi 18 tuổi, anh Vũ 20 tuổi.

.

Đều nói tuổi 18 là lứa tuổi trưởng thành chín chắn, biết suy nghĩ nhưng với tôi thì vẫn còn bồng bột và xốc nổi nhiều lắm.

Từ sau hôm xảy ra chuyện đó, tôi ít khi trò chuyện cùng anh. Bởi vì vẫn còn lấn cấn nhiều điều trong lòng, hơn nữa tôi cũng đã là sinh viên sống xa nhà, thế nên cơ hội để bọn tôi gặp gỡ không nhiều. Mỗi cuộc trò chuyện với cha mẹ tôi đều hạn chế nhắc đến Lưu Vũ nhiều nhất có thể.

Những lần nghỉ hè hay về nhà ăn tết, tôi cũng đều né mặt anh. Nhìn gương mặt tủi thân của Lưu Vũ, nhiều lúc tôi cũng thấy mủi lòng nhưng tâm tính trẻ con cứng đầu trong mình vẫn lớn hơn, thế là tôi bỏ qua mọi sự, vờ đi như chưa thấy gì.

Cha mẹ tôi cũng biết điều đó, nhưng muốn nói lại thôi. Cha mẹ quá hiểu ý con trai mình, chỉ cần là điều tôi không muốn thì có ép tôi cũng không bao giờ làm.

Cuộc sống mới ở đại học thú vị hơn tôi tưởng. Những kiến thức mới, những người bạn mới, các mối quan hệ mới,... khiến tôi không còn phải bận lòng nhiều về chuyện khi trước, cứ như đó chỉ là một cơn gió nhẹ thoáng qua mà thôi.

Tôi tham gia câu lạc bộ âm nhạc ở trường, là một tay guitarist trong ban nhạc, gọi là Quầng thâm mắt. Bởi vì chúng tôi có tài hoặc cũng có thể là do may mắn nên bọn tôi hay được mời biểu diễn ở những quán trà hay các lễ hội lớn,... đó cũng là cơ duyên để tôi gặp gỡ được Châu Kha Vũ.

Qua trò chuyện tôi biết Châu Kha Vũ lớn hơn mình 5 tuổi, cũng là sinh viên cũ của trường, hiện đang đi làm ở công ty gia đình. Ban đầu chúng tôi chỉ là những người bạn thông thường, lại không nghĩ tới cả hai nói chuyện lại hợp cạ nhau đến thế, ngày nào cũng trò chuyện đến tối muộn, lâu dần thân càng thêm thân. Sau đó, vào một ngày đầy mây, người kia đột nhiên bày tỏ tâm ý, bắt đầu theo đuổi tôi.

Sống đến từng này tuổi rồi tôi không nghĩ sẽ có ngày mình lại đi yêu đương với một người con trai. Không phải là tôi không có tình cảm với anh ấy, cũng không phải tôi ngoan cố, làm cao hay bài xích gì. Chỉ là mọi chuyện đến quá nhanh, tôi cần có thời gian để thích nghi và suy nghĩ.

Đến lúc hai chúng tôi xác định quan hệ yêu đương, khi ấy tôi đã là sinh viên năm 3. Chỉ có bạn bè thân thiết với chúng tôi mới biết, tôi vẫn còn chưa cho cha mẹ biết chuyện. Hè năm nay, tôi muốn come out với gia đình.

Ngày đầu tiên vừa trở về, chiều đó Lưu Vũ đã dẫn tôi đi ăn ở một nhà hàng cách nhà chúng tôi tầm nửa tiếng đi xe bus, anh ấy nói là để chúc mừng chuyện tôi vừa đạt học bổng của trường.

Nhưng khi đó bọn tôi không đi bus, mà xách chiếc xe đạp anh Vũ hay đi làm ra để chạy. Kết quả khi tới nơi, đã là chuyện của một tiếng sau.

Nhà hàng mà anh trai dẫn tôi đến thật chất chỉ là một quán cơm cao cấp hơn một tí so với mấy hàng quán thông thường, để mà so với mấy cái trên thành phố thì vẫn là thua xa.

Tôi mỉm cười ngồi đối diện anh, nhìn Lưu Vũ thành thục gọi món rồi trả menu, trông chuyên nghiệp như thể người lúc nào cũng đi ăn hàng quán. Chắc anh xem ti vi nhiều nên học cách người ta hay làm trong phim.

Bọn tôi vừa ăn vừa trò chuyện, không khí chẳng phải gọi là quá thân mật nhưng cũng không đến nỗi gượng gạo. Cũng khá là hòa hợp, cứ như giữa chúng tôi chưa từng xảy ra chuyện gì hết cả.

Chuyện khi đó có lẽ anh Vũ cũng không còn để trong lòng, anh ấy luôn là người vị tha bao dung thế mà.

Lúc về nhà vào đến phòng riêng, anh đột nhiên mở nắp một cái hộp gỗ để trên bàn rồi dúi vào tay tôi một tờ 200 tệ.

Lưu Vũ bảo bây giờ anh ấy đi làm lương một tháng cũng tầm đâu 1000 tệ hơn một xíu rồi, muốn cho tôi 200 tệ tiêu vặt, cho Trương Tinh Đặc 200 tệ, giữ lại mình 100 tệ còn bao nhiêu thì gửi cha mẹ. Lúc nói những điều ấy, gương mặt anh sáng bừng lên, trông vui vẻ lắm.

Tôi muốn nói em cũng có đi làm thêm trên thành phố, hơn nữa còn mới nhận học bổng, là em nên "lì xì" cho anh mới phải. Nhưng khi thấy Lưu Vũ hào hứng như thế tôi lại thôi. Đành nhận để anh vui vậy, có gì thì mua đồ ăn hay quần áo cho anh sau cũng được.

"Hình như em và A Tinh... lại cãi nhau nữa đúng không? Hôm qua thằng bé mới nói với anh... hai đứa... là anh em mà... đừng như thế.... Chúng ta là gia đình mà, phải không?"

Ah phải rồi, chúng ta là gia đình mà...

Cho nên dù có phạm phải lỗi lầm gì, cũng đều được tha thứ, có đúng không?

Quả nhiên như dự đoán, khi tôi vừa nói chuyện của mình và Châu Kha Vũ, cha tôi ngay lập tức đã nổi xung thiên. Mẹ một bên vừa khóc vừa ôm cha tôi, ngăn không cho ông ấy lao vào đánh tôi, thằng Đặc cũng thế, giữ bên còn lại của cha. Anh Vũ đứng cạnh tôi, vừa che chắn vừa nói đỡ.

Khung cảnh hỗn loạn đến khó mà tưởng tượng nổi.

Dù đã lường trước biết bao nhiêu là tình cảnh có thể xảy ra, nhưng tôi không ngờ được chuyện anh Vũ lại vì tôi mà bị thương.

Cha tôi trong lúc nóng giận đã vùng tay thoát khỏi mẹ và em trai, vớ lấy cái gạt tàn thuốc bằng đá đang để trên bàn gần đó mà ném tới. Nhưng không nghĩ đến anh Vũ lại đẩy tôi ra, sau đầu anh hứng trọn vật bằng đá cứng đó.

Tôi biết cha không cố ý, ông ấy cũng chẳng phải muốn ném thẳng mặt tôi. Dù sao hổ dữ không ăn thịt con mà. Chỉ là có những chuyện lại xảy ra lệch hẳn so với dự tính của mình.

Lực ném mạnh, cả người anh trai khụy xuống, tôi không nghĩ được nhiều, lao tới ôm lấy anh. Bàn tay của tôi đỡ sau đầu Lưu Vũ, nhơm nhớp mùi máu tanh nồng.

"Tại sao lại đỡ? Anh ngốc à? Anh bị thương rồi có thấy không? Ai kêu anh làm vậy, hả?"

Nhưng trái với vẻ mặt cau có xen lẫn lo lắng của tôi, Lưu Vũ mỉm cười nhưng hai mắt anh lại nhòe nhoẹt nước mắt.

"Không sao, Nguyên Nhi... đầu em sẽ không chịu được... anh không sao, em... là báu vật quý giá nhất, không thể... lại bị thương...."

Tôi là báu vật thế anh ấy thì thế nào?

Chẳng phải đã nói chúng ta là gia đình à? Chẳng phải đã nói mỗi người đều là mảnh ghép quý giá của gia đình hay sao?

Những cảm xúc dồn nén lâu ngày trong tôi rốt cuộc cũng không thể chịu đựng được nổi mà tuôn hết ra ngoài, thành những dòng nước mắt chảy ròng trên mặt, nhiều như mưa rơi, dữ dội như thác đổ.

Đây có lẽ là lần đầu tiên trong đời tôi khóc nhiều như thế, mà lại là vì một người anh trai không hề có chung huyết thống với mình.

Gia đình, là như thế nào?

Là những người thân yêu mà chúng ta gặp gỡ trong cuộc đời.

Là những người luôn lấp đầy danh bạ liên lạc của tôi.

Là những người đôi khi sẽ xảy ra cãi vã rồi giận dỗi bỏ đi nhưng sau đó sẽ lại quay về.

Là những người luôn đưa tay giúp đỡ khi tôi gặp khó khăn. (*)

Là những người có thể bao dung, thứ tha mọi lỗi lầm của nhau.

Là nơi có thể an tâm trở về sau mỗi bộn bề lo toan.

Và cũng là nơi có những con người dù không chung dòng máu nhưng vẫn sẵn lòng hy sinh vô điều kiện vì nhau.

Năm đó khi hiểu được ý nghĩa thật sự của gia đình, tôi đã 20 tuổi, anh Vũ thì 22.

.

Tôi và mẹ đã nói chuyện cùng nhau cả đêm.

Về tôi, về Lưu Vũ, về gia đình,... về tất cả mọi thứ.

Hóa ra tôi đã từng có một người anh trai, nhưng chẳng may anh ấy đã mất rồi.

Mẹ kể năm đó là cha mẹ đã để lạc anh hai. Công việc bề bộn, cha mẹ không thể để anh ở nhà một mình, thế nên mới dắt cả anh theo. Thế nhưng trong lúc bận rộn mà không chú ý đến, nên không cẩn thận để anh hai bị người ta bắt đi mất.

Cảnh sát tìm được ra được đầu mối, nói đó là do bọn buôn người bắt cóc. Cha mẹ tôi khi ấy vừa nghe tin đã rụng rời cả tay chân, khóc hết nước mắt nhờ cảnh sát tìm con trai về giúp mình. Sau bao tháng ngày mỏi mòn chờ đợi, kết quả con trai nhỏ cũng về được với gia đình, chỉ là cậu bé ấy đã không còn có thể nói cười với cha mẹ mình được nữa.

Anh trai tôi trong một lần bỏ trốn đã bị bọn ác nhân đó bắt lại rồi đánh đập dã man, chẳng may anh bị đánh trúng tử huyệt nên qua đời. Bọn chúng chôn xác anh trai ở bìa rừng gần đó, đến lúc cảnh sát tìm được, cơ thể đã phân hủy hơn nửa.

Cha mẹ lúc đó đã phải chịu đựng một cú sốc vô cùng to lớn. Mãi cho đến rất lâu sau này mới có thể vực dậy được tinh thần nhưng nỗi đau vẫn âm ỉ mãi trong lòng, như một vết thương không bao giờ khép miệng được.

Mẹ bảo khi tôi và thằng Đặc đủ lớn sẽ kể chuyện này cho chúng tôi biết, không nghĩ tới lại phải nói ra sớm hơn dự liệu thế này.

Chính vì chuyện năm đó, thế nên khi thấy Lưu Vũ một mình đứng ngơ ngác khóc ngất dưới mưa, trong lòng hai người lại dấy lên câu chuyện đau lòng năm nào, không muốn bi kịch lại lần nữa xảy ra thế nên quyết định mang anh trai tôi về nhà chăm sóc.

Tôi đã hỏi vì sao không đem anh lên cảnh sát để họ tìm cha mẹ Lưu Vũ thì mẹ nói, là do cha mẹ ích kỷ. Bởi vì thông qua Lưu Vũ cha mẹ thấy được hình ảnh của anh trai năm nào.

Ban đầu thì là như thế nhưng lâu dần lại đâm ra mến tay mến chân Lưu Vũ, tuy anh khờ lại chậm hiểu hơn người khác nhưng lại rất ngoan ngoãn đáng yêu. Không biết từ bao giờ mà cha mẹ tôi đã xem anh như một cá thể độc lập với người anh trai quá cố của tôi mà yêu thương, săn sóc Lưu Vũ.

Mẹ cũng xin lỗi cả tôi lẫn thằng Đặc vì những chuyện trong quá khứ.

Xin lỗi vì đã đối xử thiên vị với anh Vũ, xin lỗi vì đã không để ý đến cảm nhận của tôi,... xin lỗi rất nhiều. Nếu là tôi của khi trước nhất định sẽ không ngần ngại gì mà lên tiếng "chất vấn" nhưng tôi của bây giờ thì khác, không còn cảm thấy đau lòng hay tủi thân vì những điều đó nữa. Bởi vì tôi biết Lưu Vũ còn đáng thương hơn cả mình.

Tôi không nói gì chỉ vỗ nhẹ vào lưng mẹ an ủi. Lưu Vũ bên cạnh chúng tôi vẫn ngủ rất ngoan. Dưới ánh trăng bàng bạc, cả người anh tôi như phát ra một vầng hào quang nhàn nhạt, giống như một thiên sứ vậy.

Mẹ tôi khi ấy vẫn còn nói rất nhiều, rất lâu. Những câu chuyện miên man bất tận trải dài rộng khắp cả miền ký ức.

Sau chuyện ngày hôm ấy, không khí gia đình tôi liền rơi vào thế tiếng thoái lưỡng nan.

Chỉ sau một đêm thôi nhưng tôi cảm giác cha mình như già hơn cả chục tuổi, mái đầu của ông dường như đã bạc trắng gần hết. Cha không lên tiếng đồng ý cũng chẳng phản đối mối quan hệ giữa tôi và Châu Kha Vũ, cứ im lặng như vậy, từ chối cho ý kiến.

Mẹ tôi thì khác, tuy vẫn còn chưa chấp nhận được sự thật lắm nhưng ít nhất mẹ không bài xích mối quan hệ này. Thỉnh thoảng trong mỗi bữa cơm hay trong các cuộc trò chuyện, mẹ vẫn thường hỏi thăm đến Kha Vũ.

Em trai tôi thì khỏi nói, tư tưởng nó vốn cởi mở thoải mái, thế nên cũng chẳng phản đối gì, ngược lại còn rất ngoan miệng gọi bạn trai tôi hai tiếng "Anh rể".

"Anh rể cái đầu mày, gọi anh dâu!"

Tôi cú một phát vào đầu nó, tỏ vẻ không hài lòng.

"Anh rể là anh rể, anh đừng có cự nự làm gì."

Rồi nó làm mặt quỷ trêu tôi sau đó bỏ chạy đi mất hút.

Thế nhưng vi diệu nhất có lẽ là mối quan hệ giữa tôi và Lưu Vũ đã bước sang một trang hoàn toàn mới.

Chắc vì bao mối tơ vò trong lòng tôi cuối cùng cũng được tháo gỡ, thế nên tôi cảm thấy vô cùng nhẹ nhõm và thoải mái, đầu óc cũng thoáng đãng hơn vô cùng. Lúc bấy giờ tôi mới hiểu được thế nào là dùng chân tình để đối xử với người khác.

Tôi cảm giác như mình là đứa con trai hoang đàng được trở về vòng tay yêu thương tha thứ của Cha. Lưu Vũ của tôi vẫn như vậy, vẫn là người anh trai hiền lành bao dung năm nào, người lúc nào cũng mở rộng vòng tay để ôm tôi vào lòng.

Năm đó tôi vẫn 20 tuổi, còn anh Vũ vẫn 22 tuổi. Chỉ là từ nay mối quan hệ giữa chúng tôi đã thay đổi rồi.

.

Mọi chuyện cứ thế dần trôi qua.

Mãi cho đến ngày tết năm thứ 4 đại học, tôi quyết định đưa Châu Kha Vũ về ăn tết cùng gia đình. Đúng là một quyết định táo bạo.

Tính ra mọi chuyện cũng không đến nỗi tệ như tôi đã tưởng tượng. Cha tôi tuy không bày tỏ thái độ gì khó chịu nhưng ông vẫn cứ là lạnh lùng ít nói, thế là đã tốt lắm rồi, tôi còn mong gì hơn được.

Mẹ tôi vẫn dịu dàng săn sóc như ngày nào, thật sự xem bạn trai tôi như người nhà mà đối đãi. Trương Tinh Đặc thì líu lo tíu tít luôn miệng, một tiếng cũng "Anh rể" mà hai tiếng cũng "Anh rể". Mặc cho cha tôi có liếc nó hay tằng hắng nhắc nhở, thằng bé cũng để ngoài tai.

Lưu Vũ tuy đã lớn nhưng cái tính sợ người lạ của anh thì vẫn còn. Dù trước đó tôi đã giới thiệu Kha Vũ trước để anh làm quen nhưng khi gặp người thật, anh vẫn là một bộ dạng khép nép rụt rè. Lưu Vũ đứng núp sau lưng tôi, lí nhí trong miệng câu cảm ơn khi bạn trai tôi đưa anh ấy một gói quà to.

Tôi hướng đến người yêu làm vẻ mặt bất đắc dĩ, anh không nói gì chỉ cười cười, khẩu hình bảo tôi: "Không sao đâu, anh hiểu mà."

Trước mặt thì là vậy nhưng khi chỉ còn tôi và Lưu Vũ, anh lại nhỏ nhẹ mà nói với tôi.

"Hai người... hợp nhau lắm... xứng đôi."

Nói xong còn giơ ngón cái lên tỏ vẻ đồng tình. Tôi bật cười khanh khách. Anh trai tôi dạo này lại xem phim ảnh tình cảm hay gì rồi.

Tôi cứ nghĩ rằng mấy ngày tết của mình sẽ trôi qua trong bầu không khí kỳ quặc đến khó hiểu thế này nhưng rất nhanh sau đó, sự thật đã chứng minh, là tôi nghĩ nhiều rồi.

Sáng mùng 4 tết, khi tôi vừa ngáp ngắn ngáp dài bước xuống phòng khách đã thấy anh trai cùng người yêu tôi đang ngồi chơi cờ vây cùng nhau. Chẳng hiểu Kha Vũ nói chuyện kiểu gì mà anh hai tôi lại chịu ngồi đánh cờ cùng anh ấy. Mà kinh dị hơn là cha tôi còn rất nghiêm túc mà ngồi cạnh xem, chắc là ông ấy sợ bạn trai tôi bắt nạt con trai cưng của ông rồi.

Tôi tò mò ghé lại xem, người yêu vươn tay ôm eo kéo tôi ngồi xuống cạnh anh. Cha tôi nhác thấy nhưng không nói gì. Thế trận bây giờ đang vô cùng bất lợi đối với anh trai tôi, Lưu Vũ cắn môi, không biết tiếp theo nên đi bước nào. Tôi thấy thế liền huých nhẹ vào tay Kha Vũ.

"Anh tha cho anh hai đi, sao lại chấp nhất với anh ấy chứ."

"Không sao, anh trai em có thiên phú hơn em tưởng đấy."

Nhưng thiên phú cỡ nào cũng là thua thảm hại vô cùng.

Cha tôi không chịu được cảnh con cái của Trương gia thất bại như thế, liền dứt khoát đuổi Lưu Vũ sang bên mà ngồi thay vào chỗ anh ấy, khí thế hừng hực muốn phục thù.

Mãi cho đến khi mẹ cùng em trai tôi gọi cả nhà vào cùng ăn bánh tết, mà ván cờ vẫn chưa dừng lại ở đó. Cha tôi hiển nhiên rất bất ngờ vì điều này, ông ấy không nghĩ Kha Vũ lại chơi cờ hay đến thế. Tuy không nói ra nhưng khi nhìn ánh mắt đó của ông tôi biết, ông là đang tán thưởng anh ấy.

Ngày tết quả nhiên là để yêu thương và tề tựu.

Ít lâu sau, trong khi đợi kết quả xét tốt nghiệp đại học thì đài truyền hình ở địa phương tôi đột nhiên tổ chức một chương trình ca nhạc.

Thật chất cũng chẳng phải là ca múa hát hò gì mà nó giống như một chương trình để người ta gửi đến nhau những lời tâm sự khó tỏ, kiểu như radio "Thay lời muốn nói" mà chúng tôi vẫn thường nghe trên đài ấy, chỉ khác là chương trình này để lộ mặt người gửi thư mà thôi.

Sau khi suy nghĩ hồi lâu, trong khi đợi kết quả cũng rảnh rỗi, lại đang là hè nên tôi quyết định tham gia chương trình này. Nhưng không đi một mình mà xách theo cả anh trai lẫn em trai tôi.

Thằng Đặc từ bé đã sớm bộc lộ năng khiếu hát hò của mình. Bất kỳ tông giọng nào thằng bé cũng đều xử hết được, nên tôi rất yên tâm. Cái đáng nói là Lưu Vũ kìa.

Tuy giọng anh tôi rất hay, rất nhẹ nhàng nhưng tôi chưa bao giờ nghe anh hát cả. Thế là sau khi đăng ký tham gia, tôi và Trương Tinh Đặc liền lên hẳn một kế hoạch để luyện thanh cho anh mình.

Tình trạng cơ thể của anh tôi vốn đặc biệt hơn người khác thế nên việc tập hát cho anh cũng khó khăn hơn rất rất nhiều. Sau cùng, tôi và thằng Đặc quyết định sẽ không hát theo tông mà hai đứa đã chọn mà sẽ hát theo tông giọng của anh trai.

Anh hát cao thì chúng tôi bay theo, anh hát thấp thì chúng tôi đi đào đất cùng. Với ngón guitar lão luyện của mình cùng khả năng xử lý giọng hát tuyệt đỉnh của em trai, tôi không tin bọn tôi không làm gì nên hồn được. Bây giờ chỉ cần Lưu Vũ thuộc lời là được rồi.

Chúng tôi tham gia chương trình nhưng lại không nói cho cha mẹ biết.

Ngày hôm đó tôi cùng thằng Đặc nói dối, bảo là ăn mặc đẹp thế để dẫn anh trai đi chơi hội chợ. Cha mẹ tôi tất nhiên không nghi ngờ, chỉ dặn dò mấy đứa nhớ về sớm.

Bọn tôi vâng vâng dạ dạ rồi leo lên xe phóng đi cái một. Để cha mẹ không sinh nghi, con guitar yêu dấu của tôi đã sớm được gửi đến đài truyền hình. Lúc đến nơi đã có kha khá người đứng chờ ở đó.

Đúng là mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Gia đình nào hay bất kỳ con người nào cũng có một câu chuyện, nỗi niềm của riêng mình. Tôi ở phòng hậu trường ngồi nghe đến tê tái cả người.

Thế giới quả là một bức tranh khổng lồ được tạo nên bởi những nét cọ đầy sơn mà mỗi một câu chuyện của từng người chính là một gam màu riêng để điểm tô lên bức tranh muôn màu muôn vẻ đó.

Đạo diễn thông báo còn ba phút nữa là đến tiết mục của anh em bọn tôi.

Tôi đứng lên, hít một hơi thật sâu, nắm chặt cái bùa màu xanh đậm trong tay rồi nhét vào ngực áo, đoạn tôi quay sang nhìn anh trai và em trai của mình.

"Đi nào, chúng ta đi thôi."

Vừa bước lên sân khấu, tôi đã bị ánh đèn làm cho lóa mắt. Đây không phải là lần đầu tiên tôi đứng ở đây thế nhưng không hiểu sao lần này lại cảm giác có chút hồi hộp đến khó tả. Chắc có lẽ là vì mục đích lên sân khấu khác nhau chăng?

Khỏi phải nói Lưu Vũ hoảng hốt cỡ nào. Đèn đuốc sáng trưng, chiếu thẳng vào người, đã thế trước mặt còn có biết bao cặp mắt đang đổ dồn vào mình, chứng sợ người lạ của anh tôi lại tái phát. Đoán là anh sẽ bỏ chạy nên tôi đã thủ sẵn thế rồi, ấy vậy mà chuyện đó lại không xảy ra, anh Vũ chỉ ngập ngừng sượng ngắt một chút rồi từng bước khó khăn nhích đến gần tôi hơn.

Tôi một tay ôm guitar, một tay siết nhẹ tay anh an ủi, tôi thì thầm khi camera quay nhanh một thoáng về phía thằng Đặc.

"Không sao đâu anh, bọn em ở đây."

Đạo diễn trong cánh gà làm động tác bắt đầu được rồi, tôi gật đầu ra vẻ đã hiểu rồi bắt đầu lên những nốt đầu tiên của bản nhạc. Giọng ca thánh thót trong veo của em trai tôi cũng từ đó mà nương theo, phút chốc vang lên giữa không trung như cánh diều theo làn gió mà bay cao bay xa trên tận bầu trời rộng lớn.

"Chúng ta cùng khóc, chúng ta cùng cười, chúng ta ngẩng đầu nhìn ngắm bầu trời vô tận

Ngàn vì sao kia cùng nhau tỏa sáng

Chúng ta cùng hát, bài ca về thời gian

Mới hiểu được cái ôm ấy cuối cùng là vì điều gì

Bởi vì đúng lúc gặp gỡ người, lưu lại dấu chân mỹ lệ

Gió thổi, hoa rơi, lệ tuôn như mưa

Bởi vì không muốn phải ly biệt nhau

Bởi vì đúng lúc gặp gỡ người, lưu lại 10 năm ước hẹn

Nếu có gặp lại nhau, tôi có lẽ vẫn luôn nhớ đến người..."

Nhạc đệm vẫn vang lên không ngừng, đáng ra anh Vũ đã bắt đầu từ lâu rồi nhưng có lẽ do hồi hộp mà vẫn chưa thể nào cất tiếng. Tôi và thằng Đặc nháy mắt, cùng nhau hát vang. Sau đó, cuối cùng cũng có thể nghe được giọng hát ngập ngừng của Lưu Vũ vang lên theo từng lời ca.

Người bình thường nghe thôi cũng biết anh tôi chẳng có chuyên môn hát hò gì nhưng chẳng ai lên tiếng cười cợt. Bởi vì đây là nơi để tỏ lòng, mỗi một người đều đang hát lên bài ca tâm tình của chính mình.

Có lẽ do có tôi và thằng Đặc ở hai bên vừa trấn an anh vừa hát, Lưu Vũ dường như thả lỏng bản thân mình hơn, anh không còn cứng đờ người như lúc đầu nữa. Chúng tôi hoàn thành tiết mục một cách trọn vẹn trong tiếng vỗ tay giòn giã của khán giả tại trường quay. Sau đó, như những người tham gia trước, bọn tôi bắt đầu chia sẻ về câu chuyện của mình. Với bản thân tôi, đó chỉ đơn thuần là những ký ức cùng cảm giác xưa cũ.

Tôi không nhớ khi đó rốt cuộc mình đã nói được những gì, thái độ của mình như thế nào, chỉ biết rằng thứ duy nhất còn hằn lại sâu trong trí nhớ tôi đến tận bây giờ, là đôi mắt đỏ hoe của anh Vũ và thằng Đặc, cả hai không nói lời nào lao vào ôm lấy tôi. Tôi cũng dang rộng vòng tay đón cả hai vào lòng.

Là anh trai và em trai yêu dấu nhất của tôi.

Mắt tôi ươn ướt, một bên lau lấy lau để nước mắt trên mặt hai người thấp hơn, một bên cũng quẹt nhanh mấy giọt nước mắt vừa tràn khỏi mi mắt. Sau đó chúng tôi nắm tay nhau, cùng cầm micro và nhìn vào camera đang quay thẳng mặt mình, đồng loạt hét lớn.

"Cha mẹ, chúc mừng kỷ niệm ngày cưới. Chúng con yêu hai người."

Ánh đèn sân khấu hoa lệ rực rỡ, những tiếng vỗ tay vang lên không ngớt, những nụ cười xen lẫn nước mắt của anh em bọn tôi, tất cả đều đã trở thành những hồi ức mà tôi không thể nào quên.

Đây là lần đầu tiên bọn tôi lên sân khấu cùng nhau. Năm đó tôi mới có 21 tuổi, còn anh Vũ cũng chỉ có 23 tuổi.

.

Tôi gặp mặt AK Lưu Chương tại một quán cà phê yên tĩnh giữa lòng thủ đô nhộn nhịp, ồn ào.

Nói về cơ hội để tôi quen biết con người thâm sâu khó đoán này, phải nói đến người yêu tôi, Daniel Châu Kha Vũ.

Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi xin vào làm ở một công ty kinh doanh, trụ sở chính thì đặt bên Mỹ, công ty con thì rộng khắp cả nước. Công ty mà tôi làm việc chỉ là một trong số đó. Thế mà không nghĩ tới sếp lớn ở chi nhánh này lại là người quen của Kha Vũ.

Nhưng lý do vì sao mà anh ta muốn gặp riêng nói chuyện với tôi, rất đơn giản, chuyện này có liên quan đến anh trai tôi, Lưu Vũ.

Lưu Chương vốn là một người rất trực tiếp, anh ta không dài dòng đón đưa mà vào thẳng vấn đề. Anh ta nói, anh Vũ là em trai đã thất lạc của mình. Anh ta hẹn tôi ra đây là để thương lượng với tôi cùng gia đình, anh ta muốn đón em trai mình trở về.

Năm đó là do Lưu Chương sơ suất, mới để lạc mất Lưu Vũ. Sau đó cả nhà họ cũng đã đi tìm nhưng lại tìm không ra đứa con trai nhỏ ấy. Cứ ngỡ thằng bé đã lưu lạc tận phương trời nào, lại không nghĩ đến con trai cùng em trai mình vốn vẫn ở Trung Quốc, vẫn luôn ở cạnh họ.

Lưu Chương nói anh ta tình cờ biết đến Lưu Vũ qua những lời kể chuyện vụn vặt chấp nối với Châu Kha Vũ trong những buổi rảnh rỗi hiếm hoi. Sau đó lại vô tình xem được chương trình truyền hình trực tiếp mà ba anh em bọn tôi đã từng tham gia.

Tuy Lưu Vũ đã lớn nhưng vẫn còn giữ được những nét quen thuộc thuở bé. Thế là Lưu Chương nghi ngờ, cho người điều tra. Kết quả đúng như anh ta đã dự liệu, Lưu Vũ quả nhiên là người em trai đã thất lạc năm đó của anh ta.

Cha mẹ Lưu Chương khi biết tin đã lập tức bay từ Mỹ về Trung Quốc, thậm chí hôm nay họ còn muốn đi cùng anh ta đến gặp tôi. Trông thấy người sếp ngồi đối diện nhìn mình bằng đôi mắt tha thiết khẩn cầu, tôi không biết nên bày ra vẻ mặt như thế nào đối với chuyện này.

Có lẽ là thấy mặt tôi còn chưa tin tưởng lắm, anh ta bồi thêm một câu.

"Tiểu Vũ em ấy... em ấy có một vết bớt màu hồng nhạt, hình dạng như cánh hoa nằm ở sau eo bên trái... có đúng không?"

Tôi lặng người đi.

Tỷ lệ mà một người khác cũng tên Lưu Vũ, cũng thất lạc gia đình, cũng có lệ chí, đầu óc chậm phát triển, có vết bớt màu hồng nhạt hình cánh hoa nằm ở sau eo bên trái nhưng không phải là anh tôi, xuất hiện trên đời là bao nhiêu.

Dù biết chắc chắn câu trả lời nhưng tôi vẫn không tài nào chấp nhận được nó.

Châu Kha Vũ ngồi bên cạnh nắm chặt tay tôi không rời.

Mặt trời đã nhích dần về phía tây tự bao giờ, nắng cũng đã ngả sang một màu trầm ấm hơn hẳn. Từng âm thanh lao xao vụn vặt nho nhỏ của không gian khiến nhịp thở của tôi càng thêm gấp gáp. Sau cùng không để Lưu Chương phải sốt ruột thêm nữa, tôi đành mở lời hứa hẹn với anh ta.

"Chuyện này... tôi không thể tự mình quyết định được. Tôi cần phải nói chuyện với gia đình."

Người thông minh như Lưu Chương chắc chắn thừa biết đây là kế hoãn binh, nhưng anh ta không vạch trần, chỉ gật đầu liên tục như bổ củi. Sâu thẳm trong đôi mắt ấy tôi nhìn ra được một tia sáng hy vọng lấp lánh. Tôi biết dù chỉ là một tia hy vọng mỏng manh, anh ta cũng không bao giờ từ bỏ.

Vì chuyện này nên tôi về nhà một chuyến.

Lúc tôi kể xong cha mẹ đều đồng loạt giữ yên lặng. Ngay cả người luôn ồn ào như Trương Tinh Đặc cũng phút chốc rơi vào trầm tư, có lẽ thằng bé vẫn còn quá sốc vì lượng thông tin khủng bố này.

Mấy ngày sau đó, lúc nào không khí của gia đình tôi cũng ảm đạm như một chiều mưa buồn. Có lẽ anh Vũ cũng nhận thấy điều bất thường này nhưng khi anh hỏi thì chẳng ai trả lời. Bây giờ mỗi khi nhìn thấy anh, tôi biết trong lòng cha mẹ lẫn em tôi đều đau đớn như bị dao cứa vào.

Bởi vì tôi cũng có cảm giác giống như họ.

Ngày hôm nay cũng thế, không khí cũng chẳng khá hơn là bao. Đã thế trời còn mới mưa xong, cái mùi ẩm mốc của đất sau mưa càng khiến tâm trạng con người ta đen lại thêm đen.

Tôi ngồi trên ghế đơn, tay ôm cốc trà gừng đã nguội ngắt đi từ lâu. Cha tôi bước ra sân, châm một điếu thuốc, ông hút một hơi thật dài rồi phả ra làn khói dày trắng xóa. Phía xa xa, anh Vũ đang ngồi cặm cụi tô tô vẽ vẽ cái gì đó.

Nhất thời cả không gian yên ắng phủ khắp mọi ngóc ngách trong nhà tôi. Dễ có đến một lúc lâu mới nghe thấy giọng nói ồm ồm của cha vang lên.

"Phượng hoàng dù có gãy cánh thì vĩnh viễn cũng là phượng hoàng thôi, sao có thể ở mãi nơi tổ của se sẻ cho được."

Mẹ tôi mím môi, hốc mắt cũng ửng đỏ cả lên, bà cúi đầu không nói lời nào. Thằng Đặc không phục, nó nhảy dựng lên, mếu máo nói.

"Con không chịu đâu! Anh Vũ là anh trai con mà, sao lại để người ta bắt anh ấy đi được!"

"Mày thì biết cái gì." Giọng của cha run run "Người ta đã tìm anh trai mày nói đến thế rồi, mày còn níu kéo được sao? Huống hồ chi..."

Huống hồ chi cái gì, cả nhà tôi ai cũng hiểu.

À không, ai cũng hiểu, chỉ trừ anh Vũ. Nhưng trên đời này, có những chuyện tốt nhất anh ấy đừng nên hiểu thì hơn.

Năm đó, tôi 24 tuổi, anh Vũ đã 26 tuổi rồi. Cũng là lúc tôi mơ hồ cảm nhận được dường như mình sắp đánh mất thứ gì đó rất quan trọng trong cuộc đời.

.

Nhìn một nhà ba người đang ngồi trước mặt mình, tôi nhất thời liền cứng họng.

Cha mẹ tôi đã đồng ý để anh Vũ trở về với gia đình nhưng vẫn chưa nói cho anh ấy biết. Lúc tôi đem tin này báo cho Lưu Chương, anh ta mừng quýnh lên, nói năng lộn xộn, còn đâu là phong thái đĩnh đạc của sếp lớn mà tôi thấy mỗi ngày trên công ty.

Khi nghe tôi nói gia đình mình sẽ đưa anh Vũ lên Bắc Kinh để gặp mặt thì anh ta gạt phăng ngay, nói rằng nhà tôi không cần phải nhọc lòng đến thế, đích thân anh ta sẽ đưa cha mẹ đến đây.

Vậy nên mới có chuyện khó xử như bây giờ.

Anh Vũ từ khi gặp mặt những người thân ruột thịt của anh ấy thì không nói lời nào, cứ núp sau lưng tôi cùng Kha Vũ, gọi cách nào cũng không chịu ra. Lưu tổng cùng Lưu phu nhân trông thấy thì đau lòng lắm nhưng vẫn không thể ép anh ấy được. Thế là họ quyết định sẽ thuê khách sạn ở lại đây, để có thể từ từ trò chuyện, làm thân cùng anh ấy. Chậc, quả là những con người có tiền.

Nhưng tôi, Kha Vũ cùng Lưu Chương thì không thể ở đây mãi được, chúng tôi còn phải đi làm. Thế là thành ra cứ mỗi độ cuối tuần chúng tôi sẽ bay từ thủ đô về quê nhà tôi, sau đó sẽ ngược trở về công ty khi đầu tuần.

Lưu Vũ nói chung là người ăn mềm không ăn cứng, lại thêm điều kỳ diệu của huyết thống thế nên chỉ sau một tháng, anh ấy đã ngoan ngoãn chịu để cha mẹ ruột của mình dẫn đi chơi hội chợ.

Tôi đứng trong nhà nhìn ra ngoài, thấy ánh mắt luyến tiếc cùng khắc khoải của cha mẹ mình khi nhìn theo chiếc xe hơi lăn bánh ngày một xa, trong lòng cũng chẳng khá hơn là bao. Tôi biết ngày mà anh Vũ thật sự rời đi, cha mẹ sẽ còn đau lòng gấp mấy lần bây giờ.

Một thời gian sau đó, khi Lưu Vũ đã dần chấp nhận gia đình của anh xuất hiện trong cuộc sống của mình, mọi người mới bắt đầu dợm hỏi bóng gió chuyện đưa anh trở về gia đình mình.

Đúng như dự đoán, Lưu Vũ phản đối ngay tức thì, còn học trên ti vi cách người ta tuyệt thực không chịu ăn cơm. Cả nhà phải dỗ mãi anh mới chịu ăn một chén nhỏ.

Nói một cách khách quan cũng không phải là không có cách để anh ấy đồng ý. Nhưng không ai muốn ép uổng anh cả, vậy cho nên phải đến hơn nửa tháng sau, anh ấy mới chấp nhận trở về với gia đình.

Hôm ấy trời có nắng nhạt, tôi thấy cha mẹ ngẩn ngơ nhìn theo bóng chiếc máy bay mang theo anh tôi bay xuyên qua tầng tầng lớp lớp mây trời, tôi hiểu cha mẹ rất đau lòng. Nhìn mái đầu đã bạc trắng hơn nửa của hai người, tự dưng mắt tôi cay xè.

Tôi không cùng Lưu gia trở về Bắc Kinh ngay hôm đó, tôi muốn ở lại với gia đình thêm vài ngày. Bởi vì tôi biết lúc này họ đang rất cần mình. Châu Kha Vũ cũng ở lại cùng tôi, anh sẽ xử lý và chỉ đạo công việc từ xa.

Cha cũng đã thôi không còn phản đối chuyện của tôi nữa rồi. Dù sao con cháu cũng có phúc của con cháu, có những chuyện cũng nên nhìn thoáng hơn một chút. Như thế nào cũng không sao cả, miễn là sau này tất cả đều hạnh phúc bình an là được.

Năm đó, vẫn là tôi của năm 24 tuổi và anh Vũ của năm 26 tuổi. Chỉ khác là anh trai đã không còn sống cùng gia đình tôi nữa rồi.

.

Một thời gian sau đó, tôi nhận được tin của Lưu Chương, anh ta nói cả nhà muốn đưa anh Vũ sang Mỹ chữa bệnh. Một người bạn thân của anh ta hiện đang là bác sĩ khoa thần kinh, trực thuộc tại một bệnh viện rất nổi tiếng ở Mỹ. Sau khi xem xét tình trạng của Lưu Vũ, vị bác sĩ kia bảo tỷ lệ chữa trị thành công có thể lên đến hơn 50%.

Dù sao y học cũng đã phát triển, với cả cuộc sống thì không bao giờ thiếu phép màu mà, nhỉ?

Tôi đem chuyện này nói với cha mẹ, ngay lập tức họ muốn đến Bắc Kinh để gặp Lưu Vũ, cả em trai tôi cũng đi cùng.

Lúc Daniel đưa chúng tôi đến biệt thự của Lưu gia, đã thấy anh Vũ sớm đứng ở ngoài đợi. Vừa trông thấy cha mẹ tôi, anh đã chạy tới ôm chầm lấy hai người, sau đó quay sang vò vò mái đầu đen nhánh đã được chải một cách cẩn thận của thằng Đặc. Hai anh em hí hửng cười vang.

Tầm mắt anh di chuyển sang tôi, đôi mắt Lưu Vũ mở lớn, chớp chớp kinh ngạc. Tôi hơi xấu hổ, ho nhẹ một tiếng, mặt thì nhìn về hướng khác nhưng tay lại đã sớm dang rộng ra, chờ người nhào vào lòng. Lưu Vũ mỉm cười, lao vào vòng tay đang mở sẵn của tôi. Tôi cười cười, tay vỗ nhẹ vào lưng anh.

"Đã lâu không gặp, anh trai."

"Nguyên Nhi... anh rất nhớ em... tốt quá, em và mọi người vẫn khỏe..."

Qua cuộc nói chuyện ngắn gọn cùng Lưu Chương, tôi biết được Lưu Vũ thời gian qua sống rất tốt, anh ấy cũng đã bắt đầu mở rộng lòng mình hơn đối với gia đình mình, điều đó khiến họ cảm thấy rất vui. Lưu Chương vừa đi vừa kể, giọng nói cũng không giấu nổi sự phấn khích cùng hạnh phúc. Trông anh ta như thế, tôi cũng vui lây.

Cũng nhân dịp này mà tôi có cơ hội được gặp mặt vị bác sĩ kia, cũng là người trực tiếp sẽ tiếp nhận ca bệnh của anh trai tôi.

Vị bác sĩ mang quốc tịch Nhật Bản nhưng nói tiếng Trung cũng sõi không kém người bản địa. Người này bằng tuổi Lưu Chương, vóc người cao to, nước da màu lúa mạch, gương mặt điển trai, tóc đen cắt ngắn.

Không biết chuyên môn cỡ nào nhưng ngoại hình nói chung nhìn cũng không tồi. Duy chỉ có một điều khiến tôi không thích ở người kia, chính là ánh mắt của gã. Hoặc chính xác hơn là ánh mắt của gã khi nhìn anh trai tôi. Nó chứa đầy vẻ nguy hiểm cùng khao khát chiếm giữ.

Tôi nghiêng đầu trao đổi ánh mắt với Daniel, ngay lập tức nhận được ánh mắt đồng tình từ người yêu.

Thảo nào gã sang tận đây để đón anh trai tôi, bác sĩ gì nhiệt tình quá ha! Tôi nghiến răng trèo trẹo.

Chuyến bay của anh tôi sẽ khởi hành sau một tuần.

Lần này khác với lần trước, cha mẹ Lưu Vũ không tốn quá nhiều thời gian để thuyết phục anh sang Mỹ chữa bệnh. Có thể anh tôi đã lớn rồi, anh ấy hiểu được những chuyện đang xảy ra với mình cũng như tình trạng cơ thể của bản thân. Hơn nữa tôi nghĩ rằng anh Vũ thừa biết cha mẹ cùng anh trai sẽ không làm điều gì hại đến mình.

Tất cả mọi chuyện họ làm, đều muốn tốt cho anh ấy.

Suốt cả tuần lễ ngắn ngủi đó, gia đình tôi tận dụng mọi thời gian để ở cạnh Lưu Vũ. Đọc sách cùng anh, làm vườn cùng anh, nghe anh kể chuyện,... nói chung tất cả đều cố gắng tạo ra càng nhiều kỷ niệm với anh càng tốt.

"Tôi cũng không ngờ Tiểu Vũ lại thân với Santa như thế. Không hề sợ hãi như lần đầu em ấy gặp chúng tôi đâu."

Lưu Chương đưa đến cho tôi một cốc trà gừng, vừa lên tiếng cảm thán.

Santa là tên thân mật của tay bác sĩ kia. Tôi nhấp một ngụm trà ấm, mắt liếc về phía vườn, nơi mà Santa đang dạy cho anh tôi tên cùng ý nghĩa của từng loại hoa. Lưu Vũ mỗi khi được khen thì nhìn gã kia mà cười tít cả mắt, trông xinh đẹp vô cùng. Tự dưng đáy lòng tôi cảm thấy khó chịu vô cớ, không nhìn nổi một màn sống động trước mắt mình nữa.

Thời gian như thoi đưa, một tuần trôi qua nhanh như một cái chớp mắt.

Ngày hôm ấy trời có mây, không có nắng gắt, cha mẹ tôi rốt cuộc cũng không nhịn được mà khóc đỏ cả hai mắt, bên cạnh họ mặt mũi thằng Đặc sớm đã lấm lem từ lâu. Thằng nhóc cứ ôm ghì anh trai tôi không buông, sụt sùi mãi. Lưu Vũ thấy nó khóc ghê quá thế là cũng khóc theo, hai anh em ôm nhau khóc tu tu giữa phi trường rộng lớn trông vừa thương lại vừa xót.

Tôi đứng cạnh mẹ, đỡ lấy bà, nhìn mẹ vươn tay xoa đầu Lưu Vũ rồi dặn dò anh đủ thứ, hệt như những ngày còn thơ bé, khi chúng tôi vẫn còn là mấy đứa nhóc con ngây ngô chưa hiểu chuyện. Mẹ đeo vào tay anh Vũ một cái vòng Phật châu mà bà đã thỉnh từ chùa về, mong rằng mọi sự tốt lành sẽ đến với anh.

Cha không nói nhiều, chỉ ôm lấy Lưu Vũ, lâu thật lâu cũng không buông tay. Tôi biết đó là cách mà ông bày tỏ tình yêu đối với những đứa con của mình.

Đến lượt tôi, vẫn là cái ôm nồng đượm như thuở nào, mắt Lưu Vũ ươn ướt nhìn tôi, hệt như cún con.

"Anh... không nỡ... xa em... không nỡ xa mọi người."

Tôi mỉm cười, chỉnh lại khăn quàng cổ trên người anh, sau đó vươn tay xoa nhẹ mái tóc đen nhánh của Lưu Vũ.

"Nhưng tất cả đều là vì anh mà, đúng không? Lưu Vũ lớn rồi, anh cũng hiểu mà nhỉ. Sẽ ổn thôi anh, em và mọi người sẽ ở đây, đợi anh trở về."

Đoạn tôi dúi vào tay anh một cái bùa may mắn màu xanh biển nhạt. Thấy Lưu Vũ ngạc nhiên nhìn mình, tôi không nói tiếng nào chỉ khẽ đung đưa một cái nữa cũng y hệt cái Lưu Vũ đang cầm, nhưng màu sắc đậm hơn, cũng cũ hơn cái của anh rất nhiều.

Năm đó anh mang bình an tặng cho em, lần này em cũng mang bình an để tặng cho anh. Chúc cho mọi sự may mắn cùng an lành sẽ đến với anh.

Chuyến đi kỳ này Lưu Chương không đi cùng, chuyện ở công ty không thể giao cho người khác được. Thế nên dù muốn dù không, tôi vẫn cắn răng mà quét wechat của gã bác sĩ kia, để có thể liên lạc và nắm tình hình mỗi ngày của anh trai.

"Cha, mẹ, anh Vũ sẽ không sao đâu." Tôi nghiêng người thì thầm cùng hai người "Anh ấy nhất định sẽ bình an mà."

Santa coi thế mà giữ đúng lời hứa, ngày nào cũng cập nhật tình hình của anh trai tôi. Gã gửi rất nhiều hình, từ những tấm ảnh anh tôi mấy ngày đầu sang Mỹ cho đến khi anh vào bệnh viện để chuẩn bị cho cuộc phẫu thuật. Thi thoảng anh trai tôi cũng gọi video về nhà, tất nhiên bên cạnh không ai khác là Santa, tôi không vui, vờ như không thấy anh ta.

Tình hình sức khỏe của Lưu Vũ vẫn đang tiến triển rất tốt, kể cả sau cuộc phẫu thuật dài lê thê. Ngày anh được đưa vào phòng mổ, cũng là ngày mẹ tôi ở chùa cầu nguyện từ sáng đến tối xẩm. Thằng Đặc đi cùng với mẹ, còn cha thì ở nhà, nhưng ông ấy lại luôn quỳ rất lâu trước bàn thờ tổ tiên.

Tâm trạng cả ngày hôm đó của tôi căng thẳng như đi trên dây đàn, thấp thỏm không chút nào yên. Tay tôi luôn nắm chặt bùa bình an mà Lưu Vũ tặng mình, chưa từng rời đi một phút. Mấy lời an ủi của Daniel căn bản tôi đều nghe không rõ.

May mà mọi chuyện vẫn tốt đẹp. Ông trời quả nhiên không phụ người có lòng.

Sau đó tôi cảm giác, hình như Lưu Vũ cũng đã thích nghi được với cuộc sống ở đây rồi. Mấy tấm ảnh mà Santa gửi gần đây, trông anh ấy rất hạnh phúc.

Có tấm anh ấy đội cài đầu hình thỏ Stella khi được dẫn đi chơi ở Disneyland.

Cũng có tấm Lưu Vũ tạo dáng ngộ nghĩnh khi Santa cùng anh đến quảng trường thời đại.

Tấm khác lại là cảnh Lưu Vũ quấn khăn choàng dày, mặc áo ấm, ngồi ở công viên cho bồ câu ăn.

Đều là những tấm ảnh rời rạc nhưng với tôi cùng gia đình, chúng chẳng khác nào một chiếc cầu nối để chúng tôi có thể thấy được anh ấy, cảm giác được giống như anh vẫn đang ở đây cùng mình.

Tôi tắt điện thoại, nằm suy nghĩ vẩn vơ, cho đến khi chìm vào giấc ngủ.

Trong mơ tôi thấy mình trở về những ngày thơ ấu, khi đó cả ba anh em bọn tôi đều là mấy cậu nhóc bé con vô tư vô lo.

Những thứ trong giấc mơ đều luôn rất đẹp. Tôi thấy mình đi đào khoai cùng anh Vũ và thằng Đặc, thấy ba anh em bọn tôi cùng hò hét rượt đuổi nhau dưới mưa, cũng thấy cả mấy con diều của chúng tôi bay càng cao càng xa trên bầu trời xanh thăm thẳm...

Tôi vươn tay muốn với lấy cánh diều nhưng lại không cách nào chạm tới được.

Năm đó, không nhớ rõ tôi và anh Vũ đã bao tuổi rồi.

.

Cuối tháng mười một trời trở rét, tuyết đầu mùa đã bắt đầu rơi. Trên khắp các nẻo đường đâu đâu cũng thấy những tầng tuyêt dày cui được tích đầy trên các mái hiên, ngóc đường, trên các nhành cây cao... lạnh đến độ con mèo mướp nhà hàng xóm ngày thường hay leo trèo phá phách bây giờ cũng chẳng buồn động đậy, chỉ nằm làm tổ bên cạnh lò sưởi ấm áp.

Thời tiết vừa lạnh vừa ẩm khiến người ta lười biếng là thế nhưng vẫn không hề làm giảm đi cái không khí ồn ào náo nhiệt tại nơi phi trường thủ đô.

Lúc nào cũng thế, ngày ngày đều có hơn cả trăm ngàn người bay đi bay về giữa các nơi, đủ thứ loại người, kiểu gì cũng có, đa dạng sắc người, chủng tộc. Thế nhưng người ta vẫn không thể không chú ý đến hai người đàn ông vóc người cao ráo đang đứng ở giữa phi trường.

Cả hai đều rất cao, ăn mặc cũng rất nhã nhặn đơn giản, màu sắc chủ đạo là đen nhưng vẫn không tài nào giấu biệt đi được nhan sắc trời sinh đó. Hai người cũng không nói chuyện rôm rả hay làm gì đó ồn ào để gây chú ý giữa đám đông, họ chỉ đơn giản là yên lặng đứng cạnh nhau mà thôi, thế nhưng lại có thể thu hút bất kỳ ánh nhìn nào của những vị khách xung quanh. Nhìn chung, chẳng khác nào hạc giữa bầy gà.

Có người còn không nhịn được mà lấy điện thoại ra chụp một cái.

Mười lăm phút sau, người thấp hơn trong số họ đột nhiên giật nảy người, sau đó rối rít nắm lấy vạt áo của người bên cạnh, tay run rẩy chỉ về phía trước, nơi có một nhóm người khác đang đẩy hành lý về phía họ.

Trương Gia Nguyên vẫn là sốt ruột từ nãy đến giờ, đã quá thời gian lâu lắm rồi, sao còn chưa thấy người đâu. Châu Kha Vũ ở cạnh trấn an cậu.

Mãi cho đến khi thấy mấy bóng dáng quen thuộc xuất hiện, cậu mới yên tâm mà thở phào ra, kích động níu áo Châu Kha Vũ. Trương Gia Nguyên muốn chạy lại để đón người kia lắm nhưng hai chân cứ nặng trịch như đeo chì, không tài nào nhấc lên được.

Nhiều năm xa cách khiến lòng cậu ngổn ngang bao thứ cảm xúc không tên kỳ lạ, mà lúc này chúng đang lẫn lộn đan xen vào nhau, làm Trương Gia Nguyên nhất thời không biết nên cư xử như thế nào mới thích hợp, cứ đứng đó xoắn xuýt mãi không thôi.

Từ xa Lưu Vũ đã thấy em trai mình, gương mặt trắng nõn giấu sau cái khăn choàng dày của em như phát sáng lên, vì hạnh phúc. Đôi mắt đen hấp háy ý cười, tràn ra khỏi cả khóe mắt xinh. Em chạy nhanh tới, buông cả xe đẩy hành lý, sau đó bật cười khanh khách lao nhanh vào vòng tay đang cứng đờ vì hồi hộp của em trai.

Trương Gia Nguyên ngay lập tức bắt được một cục bông ấm mềm.

"Anh về rồi, Nguyên Nhi."

Tiếng Lưu Vũ vang lên khe khẽ sau lớp khăn choàng dày.

"Anh, chào mừng trở về."

Giọng cậu nghèn nghẹn vì xúc động, lại không tự chủ mà siết chặt vòng tay đang ôm lấy người trong lòng. Sau đó nhấc bổng cả người anh trai lên mà xoay vòng. Trông hệt như một con lắc vậy.

Mấy người đang có mặt ở đó nhất thời bị dọa sợ cho hú hồn.

Santa đỡ lấy Lưu Vũ khi em loạng choạng mà đáp chân xuống mặt đất. Sau đó gã rất tự nhiên mà vươn tay ôm lấy eo người ta kéo vào lòng mình, Lưu Chương ở cạnh tằng hắng một cái.

Gương mặt Lưu Vũ bất chợt ửng đỏ, Châu Kha Vũ mỉm cười đầy ý nhị còn Trương Gia Nguyên thì đần cả mặt ra nhìn một màn trước mặt. Sau đó cậu dường như hiểu ra điều gì đó, vội vàng kéo anh trai về phía mình.

"Anh... hai người..."

Vừa nói vừa chỉ vào người Lưu Vũ lẫn Santa. Anh trai cậu cúi đầu, cố gắng chôn gương mặt đã sớm đỏ như táo đầu mùa vào sâu trong khăn choàng, lí nhí trả lời.

"Về... về nhà rồi nói..."

Santa đứng đối diện cậu hơi nhướn mày, sau đó gã giơ cả bàn tay lên để Trương Gia Nguyên xem chiếc nhẫn lấp lánh nơi ngón áp út của gã. Trương Gia Nguyên ngay lập tức chụp lấy tay của anh trai lên, mặc cho người kia có vùng vẫy cỡ nào, cũng không làm lại mãnh nam Đông Bắc hàng thật giá thật này.

Trên tay của Lưu Vũ cũng có một chiếc nhẫn hệt như thế.

Nhìn là biết anh trai mình đã bị gã bác sĩ kia dụ dỗ đi mất rồi. Đúng là vẫn không thể nào tin tưởng được vào con người này mà.

Trương Gia Nguyên mím môi, không nói một lời nắm tay anh trai mình kéo đi mất, trước khi bỏ đi còn không quên để lại cho mấy người kia một câu xanh rờn.

"Không gả, không gả gì nữa hết, đi về!"

"Đàn ông con trai các người đúng là không đáng tin mà!"

"Nhưng Nguyên Nhi ơi, em với anh cũng là con trai mà."

"Anh còn cãi? Em nói anh nghe, anh là bị tên bác sĩ kia dụ dỗ rồi. Em sẽ không để hắn ta đạt được mục đích đâu."

"Nguyên, nhưng anh đâu có làm gì sai."

"Im đi Châu Kha Vũ, anh cũng không đáng tin luôn. Tạm biệt, chúng tôi về!"

Đều là mấy người đàn ông đã trưởng thành rồi thế mà lại ồn ào rộn ràng đến thế.

Ngoài trời, nắng ấm đang dần lên, mặt trời vừa ló dạng sau rặng mây trắng hồng.

Ngày trùng phùng lúc nào cũng là đẹp như thế.

--------

(*) lời dịch từ bài hát "Familia", ending song của anime "KHR".

Dạo này t xem phim gia đình nhiều với tự dưng lại có hứng nghe "Chị tôi" của bác Trần Tiến nên thành ra cái oneshot này ra đời đó huhu.

Văn phong dở hơi, câu từ lủng củng mọi người đừng chê nhóoo 🙉🙉🙉

--------

Sài Gòn
5/12/2021

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro