1. Dưới bóng đằng la

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Thời kỳ Chiến Quốc tiếp sau giai đoạn Xuân Thu, mở ra những trang sử ký đầy nhiễu loạn với vô số binh biến và thăng trầm, kéo dài khoảng hai thế kỷ cho tới khi thiên hạ thống nhất dưới triều đại nhà Tần.

Những năm đầu của giai đoạn này, thế cân bằng mong manh đã bị phá vỡ khi các thế lực chư hầu phân tranh cát cứ, sáp nhập các nước nhỏ hơn để củng cố địa vị và quyền lực của mình. Đi về phía Tây Bắc, cách xa triều đình nhà Chu hàng nghìn dặm, có một nước chư hầu nhỏ bé gọi là Khương quốc, do Khương Lăng công Phác Thành Kha đứng đầu. Về sau Khương Lăng công noi theo gương các nước lớn, tự xưng là Tuy Huy Vương, đặt kinh đô ở Phổ Triêu.

Nước Khương không phải là một quốc gia mạnh, nhưng đã gia tăng quyền lực đáng kể dưới sự trị vì của Tuy Huy Vương, ra sức chống lại sự tiến quân của ngoại bang. Tuy nhiên, họ đã thất bại trong trận chiến tại cửa Dực Hanh, nhanh chóng bị quân Triệu áp đảo. Đứng trước nguy cơ Khương bị kẻ thù thôn tính, Tuy Huy Vương đã chọn công tử Xán Liệt vốn là con của thứ phi, đưa sang nước Triệu làm chất tử(1).

Thời điểm ấy, công tử chưa tròn mười bảy tuổi.

Trên đường đến Hàm Đan(2), vừa rời khỏi biên giới Khương quốc, các nước chư hầu lân cận đã ngày đêm truy sát Phác Xán Liệt. Tướng quân thiết kỵ Biện Bạch Hiền và đội quân huyền giáp cùng rời khỏi Bắc ải, theo lệnh Tuy Huy Vương đến hộ tống công tử.

Tướng quân Bạch Hiền xuất thân từ Biện thị – một gia tộc thương nhân nước Vệ quê ở Triều Ca, được tiên vương ra tay tương trợ trong lúc lưu lạc. Y vốn lớn lên trên lưng ngựa, tự học cách chiến đấu trên sa mạc, thông thạo binh pháp, tỏ rõ thiên tư hơn người trong lĩnh vực cầm quân. Khi đến tuổi thành niên, Bạch Hiền được Biện thị tiến cử, một bước trở thành tư mã trong hàng võ quan. Chỉ sau ba năm Nam chinh Bắc chiến, y lập công lớn nhờ bảo vệ thành Phổ Triêu trong trận Thiền Thương, được phong lên đến chức thượng tướng quân.

Lại nói, Biện thị trải qua nhiều năm thâu tóm đại cục, quyền khuynh triều chính. Nay đã có thêm một thượng tướng quân thống lĩnh kỵ binh, triều đường gần như đã nằm trọn trong tay Biện thị. Những lời gièm pha này không khỏi đến tai Tuy Huy Vương vốn có tính cách đa nghi.

Lần này Bạch Hiền cùng công tử Xán Liệt đặt chân đến Hàm Đan, một mặt trở thành cánh tay đắc lực của Biện thị trong việc chống lại các thế lực kẻ thù ở Triệu. Đồng thời thể hiện thành ý phò tá công tử, làm tròn đạo nghĩa quân thần đối với vương vị Khương triều.

Chỉ e là, lòng người không cách nào thắng nổi thiên mệnh. Một thoáng phồn hoa khuynh tẫn làm sao sánh được cùng cơ đồ thịnh thế trăm năm. Biện Bạch Hiền không hiểu được, càng không màng đến suy tính của Biện thị, lặng lẽ tuân theo kết cục mà mình đã tự định đoạt.

Thế sự xoay vần, thời không luân chuyển. Kinh qua biết bao năm tháng bi ai khúc chiết như hoa thêu mây dệt, trái tim niên thiếu thuở nào đã hoá thành vô số cánh đằng la rơi xuống, đọng lại thành một lớp trầm tích nơi đáy nước.

Phác Xán Liệt cho rằng từng đoạn ánh sáng buổi sơ kiến đã bị khói lửa loạn thế thiêu rụi vào dĩ vãng. Ấy vậy mà, khi đã trải qua thương hải tang điền, nơi đôi mắt Biện Bạch Hiền vẫn còn lại vẹn nguyên phong cốt chưa tiêu tán. Nhưng dầu cho đi đến thiên sơn vạn thuỷ, cuối cùng cũng chỉ là một thoáng kinh mộng. Ưu thương quyện lại tuế nguyệt lấp lửng, không cách nào tìm lại chính mình thuở ban đầu nữa.

Phác Xán Liệt lặng lẽ pha một bình trà trong, mang cố sự nhớ lại từng chút một. Dưới làn tuyết rơi không chút tiếng động bên ngoài cửa sổ, tâm trí trôi đi theo dư ảnh nằm lại trên trang sách không đề tên. Công tử từng đứng tại nơi cao nhất của thành trì, tận mắt chứng kiến thiếu niên kia không chút nề hà sinh tử, cất cao giọng đọc hịch văn thúc giục sĩ khí của đại quân.

"Bát phương ngả nghiêng, ta chống đỡ. Nhân thế đảo điên, ta mở đường. Chiến địa hỗn mang, ta bình loạn. Luân hồi xoay chuyển, ta đánh tan."

Thanh âm lạnh lùng khẳng khái của Bạch Hiền xuyên qua tầng tầng lớp lớp gió cát nơi biên ải dội vào màng nhĩ. Cho đến tận lúc này, câu nói ấy vẫn len lỏi vào tâm trí công tử hằng đêm, như thể hào quang chói lọi loé lên từ chân trời.

Người đối với y chính là nhất kiến khuynh tâm.

Những ngày ở Hàm Đan đồng cam cộng khổ, trong thời biến loạn mà thưởng trăng thâu đêm, ngồi trên thuyền nan uống rượu ca hát, không biết là có bao nhiêu phần trác tuyệt phong hoa.

Công tử ngồi bên thư án, cố viết lại những câu thơ mà bản thân vô tình trông thấy Bạch Hiền giấu nơi tay áo, viết cho đến khi mười đầu ngón tay đều trở nên tê dại. Xán Liệt sao có thể không nhận ra, đó là một đoạn trong Kinh thi mà chính mình từng đọc, khi dừng chân nơi rừng đằng la gần biên giới Khương quốc.

Không muốn là đôi cánh phù du(3), chỉ nguyện an yên bên cạnh người.

Ngày đó lặn lội xuân thu, bên cạnh công tử đã có Biện tướng quân dẫn đầu đoàn kỵ mã, thư thái ngâm nga một khúc Sở từ (3). Xán Liệt từng cho rằng, nếu Bạch Hiền không phải là thượng tướng quân phong thái uy nghi, có lẽ y sẽ là một nhạc sư vô danh, mang theo mỹ tửu vân du khắp thiên hạ, không đoái hoài đến hồng nhan tri kỷ hay giấc mộng vinh hoa.

Cho tới khi từ bên ngoài truyền đến âm thanh lao xao và tiếng hô sửng sốt của gia nhân, công tử mới bừng tỉnh, cảm tưởng như đã trải qua nửa đời phiêu bạt. Biện tướng quân vừa bước đến ngoài trạch viện đã mang theo bao nhiêu là máu tươi, kéo thẳng thành một vệt dài đỏ đến chói mắt, doạ thư đồng canh cửa hoảng hốt đến mức không thưa được thành câu với công tử.

Vừa hay tin Bạch Hiền đã trở về từ Tấn Dương, Xán Liệt liền vội rời khỏi phòng. Trong tay người nắm chặt một bình thuốc nhỏ, cố giữ bước chân thật điềm tĩnh tiến về phía nội viện. Tuy nhiên, nét mặt của Xán Liệt lại không giấu được vẻ phẫn nộ hiếm thấy, tưởng chừng công tử ôn nhu trác tuyệt thường ngày là hai người hoàn toàn đối nghịch.

Xán Liệt vừa trông thấy Bạch Hiền đã hít vào một ngụm khí lạnh. Y đang nằm phục bên cây cầu phủ đầy tuyết trong tiểu viện, dường như không còn tỉnh táo. Công tử lập tức đỡ lấy Bạch Hiền, đem trường bào phủ lên người y. Trên cơ thể tướng quân lẫn lộn máu thịt, không nhìn ra được đâu là thương thế đâu là lành lặn nữa.

Bạch Hiền giữa lúc mê man chợt hé mắt nhìn, đọng lại trong tầm mắt là sắc áo như huyền ngọc, điểm thêu minh nguyệt thanh vân. Y ngỡ rằng mình đang gặp phải ảo giác, thấy người vẫn như xưa một thiếu niên âm thầm đứng dưới tịch dương, trên tóc mai vương lại một cánh hoa đã tàn lụi, tựa hồ báo hiệu trước số phần gian truân.

Bạch Hiền nhắm chặt mi mắt, dùng hết khí lực thì thào gọi, "Công tử..."

"Ngươi cớ vì sao lại...?" Phác Xán Liệt nói đoạn, từ ngữ không cách nào thoát ra khỏi yết hầu, đôi mày kiếm nhíu lại thật sâu. Công tử xoa nhẹ khuôn mặt tái nhợt của Biện Bạch Hiền, ngón tay run run vén lại món tóc rối phủ trước trán y.

"Thứ cho hạ thần vô năng, không làm tròn bổn phận mà người giao phó. Xin công tử... trách tội."

Xán Liệt gian nan lắc đầu, "Ngươi có thể cảm thấy bảo hộ được cho ta thì mọi việc có ra sao cũng đều ổn thoả. Thế nhưng ngươi có thể nghĩ đến ta, vì ta mà bảo hộ chính mình hay không?"

Bạch Hiền trầm mặc nhìn vẻ đau xót khôn nguôi và đôi mắt phượng đẹp đến khó tả của công tử. Những lời muốn bẩm báo bị nuốt ngược vào trong, chua xót nghẹn ngào. Phải mất rất lâu sau, y mới điềm tĩnh lên tiếng:

"Thần thân là thần tử. Chiến đấu vì người là thiên mệnh không đổi của thần."

Bởi lẽ người là quân ân mà y ngưỡng vọng từ chốn vực sâu. Một lòng vì người phá tan ma chướng, để người không phải khuất phục thiên đạo. Cũng vì người mà buông bỏ kiêu hãnh, chỉ để không phải cắt đứt một đoạn ái tình thiên trường địa cửu.

"Ngày sau kế vị, ta nhất định sẽ chinh phạt Triệu. Ngươi không thể ngăn cản ta, càng không thể phó mặc ta." Phác Xán Liệt áp trán mình lên trán y, âm điệu mang theo run rẩy khó lòng nhận ra.

"Thần sẽ không. Tất cả đều... nghe theo lời công tử." Y khẽ cười, vệt máu bên môi chực trào ra, trong lúc thần trí mơ hồ mà thành thực nói tiếp, "Thần... chỉ có một nguyện vọng. Chỉ mong khi thái bình thịnh thế, được ngắm thuỷ triều buổi hoàng hôn cùng với người."

Bạch Hiền lúc này mới ngả đầu vào lồng ngực Xán Liệt, cố giữ cho mình không mệt nhọc thiếp đi. Công tử vội vàng ôm y đi đến trước thềm viện. Người ngước nhìn cánh cửa vàng son chừng như quen thuộc lại xa lạ trước mắt, vẻ mặt bỗng chốc trở nên thâm trầm. Biệt viện của tướng quân luôn mang cảm giác giống như không có một hơi thở sinh mệnh, thanh tĩnh mà âm u. Công tử lặng người trước lớp cửa phòng bị nhuộm thành sắc đỏ sẫm của máu khô loang lổ đọng lại. Dấu tích nhìn qua không khác gì hoạ đồ trên gấm vóc, lại khiến cảm giác dằn vặt và sầu muộn nơi đáy lòng Xán Liệt cứ thế một lúc một dâng cao.

Nhiệm vụ sứ thần của Bạch Hiền ở Tấn Dương lần này mang tính trọng yếu trong việc Xán Liệt có thể quay lại Khương quốc hay không. Song Triệu vương đã thể hiện rõ chủ ý của mình bằng cách muốn gửi đến một thi thể, thay vì để Bạch Hiền thuận lợi trở về. Triệu vương nhiều lần khiêu khích, chèn ép công tử Xán Liệt, nay lại trực tiếp đối đầu với tướng quân. Chiếu theo luật lệ, chư hầu không được phép giết sứ thần đến từ nước khác. Dẫu vậy, Triệu vương cũng có toan tính riêng của mình. Hắn lợi dụng bất hoà giữa Tuy Huy Vương và Biện thị, lôi kéo Biện tướng quân về Triệu, khiến cho y nổi giận suýt thì rút kiếm kề vào cổ hắn.

Mưu kế không thành, Triệu vương liền chẳng do dự tổn hại đến Bạch Hiền, không báo trước cho y biết quân Tần đang mai phục ở Tấn Dương. Thiết kỵ quân nghênh chiến quyết liệt với Tần, mặc dù Bạch Hiền bảo toàn mạng sống, nhưng quân sĩ đã mất hơn quá nửa. Phác Xán Liệt tự hỏi, phụ vương sẽ dự liệu ra sao, nếu chính người không nhẫn nhịn được nữa mà dùng sức mọn ở Hàm Đan này để tiến quân đánh Triệu.

Đối với triều thần Khương quốc, thượng tướng quân Biện Bạch Hiền một tay nắm giữ binh quyền, một tay xoay chuyển càn khôn, lại từ bỏ vinh hiển cả đời để mạo hiểm bảo hộ một công tử hữu danh vô thực, há chẳng phải là một việc vô ích?

Y là vì ai mà chẳng màng tính mệnh, là vì ai mà thề nguyện sinh tử tương tuỳ?

Xán Liệt đặt tướng quân xuống giường, gắt gao siết lấy lòng bàn tay phiếm lạnh của y. Đôi bàn tay này đã chịu bao năm phong sương nơi sa trường, cũng biết bao lần vung kiếm định đoạt tử sinh của kẻ khác, lại hao gầy đến mức lộ ra cả xương cốt bên trong. Ánh nến chập chờn chiếu sáng đến chân giường, soi lên nửa khuôn mặt yên tĩnh như đang say ngủ của vị tướng quân nổi danh là lãnh khốc vô tình. Xán Liệt trân trối nhìn nửa bên mặt ẩn sau bóng đêm của tướng quân, tự mình làm sạch vết thương cho y. Tại thời khắc trông thấy hồng y của Bạch Hiền nhuộm thêm một tầng huyết lệ, trên môi vẫn là nét cười an yên nói, "Chỉ mong khi thái bình thịnh thế, được ngắm thuỷ triều buổi hoàng hôn cùng với người", trong lòng công tử đã cảm thấy ưu thương đến chết đi sống lại.

Xán Liệt đổ từng chút bột thuốc lên miệng vết thương của y, nét mặt chuyên chú mà xót xa, cẩn trọng đến mức bên tóc mai sớm đã là một tầng mồ hôi lạnh. Bạch Hiền nghiêng người tới gần dùng ống tay áo lau đi mồ hôi trên trán công tử, nỗi đau trong lòng lấn át cả thương thế ngoài da. Công tử cúi đầu nhìn khoé mắt rũ xuống nhưng tràn đầy anh khí của y, trầm dịu hỏi:

"Bạch Hiền, ngươi vì sao lại theo ta đến Hàm Đan?"

Thoáng nghe như trách móc, rồi lại như tiếc hận.

Y ngẩn ngơ ngẩng đầu về phía Xán Liệt, rồi nhìn những vết bỏng đã mờ đi trên ngón tay người, tựa hồ nhìn sâu đến tận tâm can chính mình.

Thời điểm bắt đầu, người vẫn nắm trong tay hoàng quyền vô hạn, vinh sủng vô vàn. Khương quốc có một huyền sam công tử tướng mạo sáng lạn, điềm đạm văn nhã, không một ai là chưa từng nghe danh. Ngày đó nơi quan ải, dưới bầu trời hoa rơi lả tả phiêu diêu, người quay đầu lại nhìn ta, một đôi mắt đan phượng dịu dàng lại quyết tuyệt nhất thế gian.

Xán Liệt không hề e dè phòng bị dù Bạch Hiền là người của Biện thị. Xán Liệt cũng chẳng ghê sợ y một thân lệ khí sát phạt, hết lòng xem như môn khách(5) mà đối đãi thật tâm. Một công tử nhỏ tuổi cư nhiên lại ân cần chăm sóc Bạch Hiền bị thương trong đêm đông giữa đại mạc, sao có thể không khiến y khắc cốt ghi tâm.

"Thần... thích trẻ con." Y tỏ vẻ thẳng thắn đáp.

Phác Xán Liệt cảm thấy mình không nên hỏi thêm nữa, nhưng khóe miệng không nhịn được mỉm cười, sủng nịch nói:

"Ngươi hẳn là mất máu đến mức thần trí bất định rồi. Ta nên bôi thuốc thêm cho ngươi."

"Là vì người có trọng ân đối với thần." Bạch Hiền nhàn nhạt sửa lại lời, vẻ lãnh đạm tựa sương tuyết nghìn năm thoáng chốc tan biến đi.

Công tử giữa đầu mày toàn là ưu tư, nhìn thấy khuôn mặt y có chút sức sống, nội tâm cũng dần thả lỏng, "Ngươi đã báo đáp xong chưa?"

Bạch Hiền hơi lắc đầu, trở mình nằm nghiêng trên giường, đối diện với Xán Liệt. Chỉ e là phải mất rất nhiều năm nữa, nhưng những lời này y đã không nói ra.

Vết thương mới chồng lên vết thương cũ, Phác Xán Liệt miệt mài bôi xong thuốc cho y thì trời đã hửng sáng. Biện Bạch Hiền vừa lúc ngủ thiếp đi rồi tỉnh giấc, trong tay vẫn còn nắm vạt áo Phác Xán Liệt, "Công tử, người không sợ thần cậy sủng sinh kiêu sao? Như vậy còn đâu uy phong của thượng tướng quân thống lĩnh thiết kỵ."

Phác Xán Liệt hơi đứng dậy, Bạch Hiền khẽ buông tay khỏi vạt áo người. Công tử đi đến bên bàn, châm lại ánh nến đã sắp tắt, quay đầu nhìn y:

"Trong mắt ta, ngươi chính là uy phong nhất. Liều mạng hy sinh vì người khác lại càng không ai bì kịp." Ngữ điệu vừa bình thản, vừa có ý khiến cho người nghe khó lòng trả lời.

Khi đã qua hết thảy cố sự, Xán Liệt vẫn ghi nhớ hình ảnh y xuất binh từ đại mạc, đuổi theo đoàn người đang trên đường đến đất Triệu. Bạch Hiền liều mình chống đỡ loạn quân, từng đóa hoa sắc huyết nở rộ phía sau gót giày, bên lưng là vò rượu đã bị đánh đổ. Một sát na kia y hướng về phía Phác Xán Liệt, nở nụ cười đẹp tựa như ánh tà dương, "Phía sau công tử đã có thần bảo vệ, xin người hãy vững tâm."

"Ngày đó, ta từng cho rằng để ngươi cùng đến Hàm Đan rồi, thì sẽ không cần bất chấp sinh mạng mà trấn giữ biên quan nữa." Trong giọng công tử mang theo vài nghiêm nghị thâm trầm, giữa đêm tối dội vào màng nhĩ, khiến cho Bạch Hiền đột nhiên thanh tỉnh.

Xán Liệt ngồi tựa ở đầu giường, nghe thấy y ho khẽ rồi đứt quãng thì thào:

"Về trọng ân mà thần nợ người... Là thần có lỗi với công tử, với thái tử và Khương triều..."

Một trang ký ức bị niêm phong, chầm chậm bị mài mòn theo gió tuyết thời gian. Biến cố tại Phổ Triêu như đã thuộc về rất nhiều năm trước, thái tử Hoài Ngọc bị mưu hại, phát bệnh lạ rồi qua đời. Thế cục lay chuyển, giang sơn đổi dời. Trong cuộc biến loạn tranh trữ này, tất cả đều do công tử Thì Ngân bắt tay cùng Biện thị tính kế thái tử. Ấy vậy mà, lại khiến người khác không tránh khỏi hàm oan.

Thái tử Hoài Ngọc là con trưởng của Tuy Huy Vương, tính cách hào hoa phong nhã, từ khi sinh ra được định sẵn sẽ là người kế thừa vương tộc. Thế nhưng chỉ cần một chén rượu độc, liền khiến vị thái tử thanh cao đức độ kia không bao giờ thấy được ngày tức vị.

Truy ra manh mối đến từ Vĩnh phu nhân và công tử Xán Liệt, dù vậy, không có đủ chứng cứ để kết tội. Phu nhân Vĩnh thị vì bảo vệ gia tộc và nhi tử của mình mà châm lửa tự thiêu. Vĩnh thị một bước suy bại, rơi xuống hàng thứ dân. Công tử Xán Liệt vốn được Tuy Huy Vương yêu thương hết mực bị giam cầm vào chốn sâu nhất của vương cung, chịu đủ mọi lăng nhục khốc hình. Hai năm sau, Phác Xán Liệt thân mang trọng tội, rời Khương làm con tin ở nước Triệu, từ lâu đã không còn là công tử được vạn người kính phục nữa.

Bạch Hiền day day tay áo, nhìn mỹ mạo gần trong gang tấc của Xán Liệt, nghe thấy người thất thần cười nói, "Ta làm sao có thể trách ngươi? Kỳ thực khi ấy, chúng ta không còn đường lui nữa. Ngươi cũng là thân bất do kỷ, dốc hết sức lực bảo toàn Biện thị, nhưng rồi vẫn bị họ ép buộc làm thượng tướng quân, càng không nói đến việc đầu độc vương huynh."

Biện Bạch Hiền khí vũ hiên ngang, Biện Bạch Hiền lãnh đạm xa cách, nhưng tâm như bồ đề, rất dễ mềm lòng. Y không giống với Phác Xán Liệt trầm ổn nhu hoà, nhưng mưu sự đều luôn kiên định quyết liệt, yêu hận phân minh.

Bạch Hiền nhìn tuyết rơi ngày càng nhiều phủ trắng cả nội viện, rút ra một tập nhạc phổ dưới gối, phảng phất như bao bất trắc năm xưa đã trở thành khúc nhạc mà y không còn ngâm nga.

Thuở nhỏ Bạch Hiền chỉ yêu thích rong chơi ca hát. Từ khi y được tổ phụ là Biện tướng quốc nghiêm khắc nuôi dạy, đêm ngày rèn chữ, khổ luyện võ học, bao nhiêu trầm luân không còn muốn nhớ lại nữa. Bạch Hiền vừa tròn mười bảy tuổi đã đảm nhiệm đến chức quan tư mã, mang lại vinh quang và cường thế cho gia tộc. Đổi lại, mỗi một lần tự tay gói thi thể tướng lĩnh của mình vào da ngựa, y vẫn luôn cảm thấy đau đớn khôn tận chẳng khác nào lần đầu tiên. Hoá ra hoạ đồ giang sơn chính là được điểm tô bằng xương máu không tài nào tẩy rửa. Chiến kỳ vắt ngang thiên không, cuốn bay từng mảng tro tàn ảm đạm. Cả đời y liền mạng giãy dụa, vẫn chỉ thấy quanh mình một khoảng tịch liêu.

Thế nhưng ngày Bạch Hiền lần đầu đứng giữa đại mạc, vô tình trông thấy công tử Xán Liệt đứng trên thành cao mỉm cười nhìn y, cô độc trong lòng cứ thế theo gió cát tản đi, hệt như giữa đêm đông ôm ấp một đốm than hồng. Y ngay tại thời khắc ấy đã hiểu ra, mọi sự đều thiên biến vạn hoá, định mệnh vô thường, chỉ mong không đánh mất sơ tâm thuở khởi hồi. Vì vậy Bạch Hiền dâng tấu, xin được trấn thủ biên ải để tìm cách ngăn cản mưu chước của Biện thị, song Tuy Huy Vương không đồng ý.

Chẳng lâu sau, thái tử Hoài Ngọc cho rằng Bạch Hiền là người có khí cốt, tìm đến y mong được kết thành bằng hữu. Thái tử không giỏi uống rượu, nhưng mỗi tháng đều không ít hơn ba ngày đem rượu đến phủ tư mã, bảo muốn nghe y kể chuyện chinh chiến cùng thiết kỵ quân. Một người có địa vị tôn quý như vậy, lại khiến cho người khác cảm thấy an tâm chẳng khác nào một vị huynh trưởng, lại càng giống với cố tri nhiều năm không gặp.

"Giá như thần nhận ra sớm hơn, công tử và thái tử Hoài Ngọc... cũng sẽ không..." Bạch Hiền thoáng nghiến răng, nén lại đau đớn ngày càng lan rộng khắp cơ thể.

Đối với Biện thị khi ấy, thái tử chính là vật cản không diệt trừ thì không được.

Cõi lòng Bạch Hiền là một khoảng câm lặng, chậm rãi nói tiếp với Xán Liệt, "Chỉ vừa đến sớm hôm sau, trong cung truyền đến tin thái tử ngã bệnh. Chén rượu đó là do chính tay thần rót cho thái tử, ngài ấy cư nhiên lại không nói ra nửa lời."

Bao dung độ lượng thì có thể giữ gìn mạng sống trong bao lâu?

Giữa nghi lễ phát tang của thái tử, Biện tướng quốc nhìn về phía công tử Xán Liệt đang quỳ bên đại điện, không chút thương xót quay sang đối diện với Bạch Hiền, "Nếu con không muốn Biện thị bị huyết tẫn trong tay kẻ khác, thì không thể nhân nhượng với bất cứ ai."

Sở dĩ Biện thị trước sau chỉ xem y là một công cụ. Chợt nhiên bên tai y lại văng vẳng âm thanh hiền từ của phụ thân, "Bạch Hiền, vi phụ không mong con hai tay nhuốm máu, rơi vào kết cục bất khả vãn hồi."

Xán Liệt đột nhiên ôm lấy vai Bạch Hiền, để y tựa vào vai mình, "Ngày vương huynh đến dặn dò ta, nước Khương này người mà ta có thể tín nhiệm chỉ có ngươi. Chính huynh ấy cũng rõ lòng ngươi như thế nào."

Bạch Hiền nhất thời ngây người nhìn Xán Liệt, bình tĩnh gật đầu.

Công tử Xán Liệt ngay sau kỳ quốc tang liền bị giam cầm trong cấm cung, Tuy Huy Vương đã thôi quan tâm đến nhi tử này, không còn nhắc đến lần nào nữa. Thì Ngân cho người đến hành hạ Phác Xán Liệt, hung ác dùng dây thừng quật vào lưng, lấy vụn gỗ đóng vào đầu ngón tay, thịt da bị róc ra rồi khâu lại,... Phác Xán Liệt càng chống trả thì càng dụng hình nặng hơn, cơ hồ muốn huỷ hoại người đến mức chẳng thể nhận ra nữa. Không còn nhớ rõ là ngày tháng năm nào, tin phu nhân Vĩnh thị tự thiêu được truyền đi, tiếng khóc xé lòng vang vọng khắp cấm cung.

Đó cũng chính là lúc Biện Bạch Hiền chống đối tổ phụ, từ bỏ chức tư mã. Y nhận ngự lệnh thống lĩnh vệ quân trong vương cung, cũng vì muốn giải cứu Phác Xán Liệt ra khỏi chốn đầy hiểm nguy đó. Song y biết mình đến không kịp nữa. Thiếu niên một thân huyền bào dưới bóng đằng la năm ấy biểu tình vẫn ưu nhã không đổi, nhưng trong mắt tràn đầy tơ máu và sát khí bừng bừng. Công tử Khương quốc tôn quý vô ngần, ngoại trừ đi dáng vẻ ngạo nghễ không khuất phục, đôi vai đã trở nên gầy gò, ngón tay lại không thể cầm bút, ngay cả xương cốt từ lâu cũng không còn nguyên vẹn. Ngẫm lại tình cảnh lúc ấy của công tử nào khác y ngày trước, khiến Biện Bạch Hiền ngồi sụp xuống bên đại môn, muốn gào thét đến mức không thể thở được. Trong lúc thống khổ, y lại như trông thấy phụ thân và Hoài Ngọc đứng ngay trước mắt gọi tên "Bạch Hiền".

Giữa chốn tĩnh mịch chỉ có Xán Liệt và Bạch Hiền bảo bọc lẫn nhau, bi ai mất mát cùng nhau san sẻ. Xuân hạ thu đông nơi cấm cung nhờ vậy mà giảm đi mấy phần quạnh hiu. Y vì Xán Liệt mà chịu phạt bốn mươi lần trượng hình của Tuy Huy Vương. Xán Liệt lại dùng tay trần đỡ lấy thanh sắt nung suýt đâm vào mắt Bạch Hiền của công tử Thì Ngân.

"Là thần liên luỵ đến công tử!" Y sửng sốt không ngừng dập đầu xuống đất, giữa trán một mảnh đầm đìa sắc đỏ.

Phác Xán Liệt dùng những đầu ngón tay bị bỏng đến tứa toác ra, toan chạm vào y, song người lập tức lùi lại, gắng gượng cười, "Nhìn từ đây, tựa như ngươi vừa vẽ chu sa lên trán vậy... Giữa ta và ngươi, không tính đến nghĩa quân thần, duy chỉ có tình thân."

Đã từng trải qua lớp lớp tang thương nơi cửu trần, con đường bước lên bảo toạ còn phải giẫm đạp lên bao nhiêu huyết lệ nữa, mới có thể an nhiên mà bỏ lại tất cả ai thán sau lưng. Nếu có thể lặng lẽ lưu lại cấm cung này, Phác Xán Liệt đàn cổ cầm, Biện Bạch Hiền xướng cổ ca, dặm trường canh thâu chỉ cầu ngắm trăng sáng trong chén rượu nồng, đều không chấp nhất chuyện được mất nữa. Nào ngờ rằng nửa đời sau, vết bỏng trên tay Phác Xán Liệt lại chính là lời thề chung thân không cách nào xoá đi.

Y đỡ lấy đôi tay của công tử, kính cẩn mà kiên định nói, "Đời này của Biện Bạch Hiền, nếu gây ra tội lỗi đối với người, ngày sau sẽ bị giày xéo dưới vó ngựa ngoài chiến trường, chết không toàn thây." Trong thanh âm mang theo sự hổ thẹn không cách nào giải bày, hoàn toàn trái ngược với vẻ sắc lạnh bất khả xâm phạm nơi đáy mắt y.

Cánh cửa vàng son mục nát nơi cấm cung lần nữa mở ra, tiễn công tử Xán Liệt đến Triệu quốc, suy cho cùng chỉ là đổi sang một lồng giam khác.

Cả hai vẫn đứng bên thư án chờ đợi bình minh ló dạng, Phác Xán Liệt cúi người thật gần Biện Bạch Hiền, chậm rãi hôn lên mi mắt y, "Những chuyện này có lẽ không nên nhắc lại nữa."

Tất cả đều là ảo ảnh đã lùi vào khứ niệm.

Biện Bạch Hiền gật gật đầu, đôi tay vẫn nắm chặt tay người không rời.

_

Trong khoảng thời gian lưu lại Hàm Đan dưỡng thương, Biện Bạch Hiền thích nhất là ngồi bên dưới mái đình cong cong giữa hồ trong biệt viện, thư thái mang hết chỗ rượu mà y giấu Phác Xán Liệt uống cho bằng hết. Đã sớm quen với gian khổ bên ngoài chiến địa, nhưng lại không nhịn được mà tham luyến chút giây phút an nhiên tự tại này. Phác Xán Liệt biết rõ y sẽ nhân lúc mình đọc sách mà len lén trốn đi, vẫn xem như không hay biết, sai gia nhân làm vài món ăn của nước Khương đưa đến cho Biện Bạch Hiền. Khi đã mặt trời đã lên cao, một nhân ảnh cao lớn đi xuyên qua nội viện, tìm thấy y đang say ngủ bên bàn dưới ánh nắng mới chớm đầu đông.

Xán Liệt một bên thu dọn lại rất nhiều bình rượu rỗng trên bàn, không rời mắt khỏi đường nét khuôn mặt an nhiên của Bạch Hiền. Khí chất thanh lãnh cũng nhạt đi, lại thêm vài phần ưu nhã chân thật.

Phác Xán Liệt đột nhiên cảm thấy sợ hãi rằng khung cảnh này sẽ không kéo dài thật lâu. Người muốn chạm vào làn da trong suốt tựa như bạch ngọc của y, để xác định đây không phải là một giấc mộng. Cũng bởi vì tướng quân thường có giấc ngủ rất nông, nghe thấy tiếng động khe khẽ xung quanh liền dễ dàng tỉnh lại. Công tử hơi mất tự nhiên, bàn tay đang vươn ra bối rối không biết nên đặt vào đâu. Làn gió giá buốt miên man thổi qua, khiến cho Bạch Hiền lần nữa uể oải nhắm mắt, trong ngữ điệu mang theo chút men say, "Công tử đến gọi thần để bôi thuốc sao?"

"Ta... muốn uống rượu trò chuyện với ngươi." Phác Xán Liệt hơi ngập ngừng.

Ngự lệnh từ Khương quốc đã được đưa đến vào sáng hôm nay. Phụ vương của người muốn Biện Bạch Hiền quay về Phổ Triêu, lập tức xuất binh ngăn cản bước tiến của quân xâm lược Hung Nô từ phương Bắc.

Y hiểu được ưu sầu đang đọng lại nơi đuôi mắt Phác Xán Liệt là do đâu. Thần sắc của Bạch Hiền bỗng trở nên nghiêm cẩn, thẳng thắn nói, "Thần, nhất định phải thống lĩnh thiết kỵ quân dẹp yên Hung Nô."

Cũng chính là mở đường cho ngày công tử trở về Khương giành lại vương vị, quân lâm thiên hạ.

Tướng quân khi nói ra những lời này vô cùng kiên quyết, làm cho công tử thoáng qua ngẩn người. Siết lấy ly rượu lạnh tựa băng thạch trong lòng bàn tay, Xán Liệt mấp máy môi muốn nói thì Bạch Hiền lại trầm muộn lên tiếng, "Thần dám mong công tử sẽ đáp ứng thần ở lại nơi đây, trở về Khương lúc này không có lợi cho người."

Phác Xán Liệt cơ trí như vậy, xuất chúng như vậy, hẳn nhiên từ lâu đã lường trước tình thế này. Song tâm trạng của công tử vẫn không khỏi càng thêm ảo não. Hiện thực là một mảnh tàn khốc điêu linh. Nếu như Bạch Hiền thừa nhận với công tử rằng, vốn dĩ Tuy Huy Vương đã nhiều lần muốn diệt trừ y để thế lực Biện thị suy yếu, thì liệu công tử có đáp ứng y hay không. Tranh đấu cả đời, cuối cùng cũng chỉ là một quân cờ trên ván cờ thời loạn.

"Lần này về Khương, lành ít dữ nhiều. Thượng tướng quân,..." Phác Xán Liệt đeo vào ngón tay y chiếc nhẫn làm từ ngọc lưu ly mà người vẫn luôn mang theo bên mình, một chữ "Xán" đỏ như chu sa được khắc ở mặt trong nhẫn. Biện Bạch Hiền ngẩng lên nhìn Phác Xán Liệt, trong mắt mang theo nhu tình khó nói hết.

"Chiếc nhẫn này, ngày sau sẽ trở thành binh phù (6) mà ta trao cho tướng quân."

Chỉ mong trên nẻo đường xa cách nghìn trùng đó, có thể bình yên ngang qua mặt đá rêu phong mà bước đi, thoát ly khỏi từng đoạn tưởng niệm quá khứ. Lại vì một khắc nào đó, vô ý vương vấn một đôi mắt đan phượng mà chấp niệm không buông. Là người ấy đối với y tốt hơn tất cả mọi người, là người ấy ánh mắt dịu dàng, tưởng chừng như có thể nhấn chìm cả thế gian.

Cùng nhau uống cạn một bình rượu trăng, thắp lên hoa đăng thưởng ngoạn hồng trần. Nơi tay áo đề một khúc thi ca, vương lại hương hoa bên tóc mai thuở nào.

Đằng la sơ ngộ, lưu ly đính ước.

Chia đôi xã tắc, tụ hưởng cùng người.

_

(1) chất tử: con tin

(2) Hàm Đan: Kinh đô của nước Triệu.

(3) Phù du: Ý chỉ con thiêu thân.

(4) Sở từ (nghĩa đen: từ ngữ của nước Sở): Thể văn cổ xuất hiện thời Chiến quốc. Sở từ cùng với Kinh thi kết hợp thành Phong – Tao ("Phong" chỉ Kinh thi, "Tao" chỉ Sở từ), đó là hai thể truyền thống của thơ ca cổ điển Trung Quốc.

(6) Môn khách (hay thực khách): Người có tài năng, phẩm chất được các chư hầu giữ trong nhà.

(6) Binh phù (hổ phù): Là tín vật của các thống soái, thường có hình dạng hình con hổ. Binh phù được chia làm đôi, nửa phải do vua giữ và nửa trái trao cho tướng quân lĩnh mệnh đi tham chiến.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro