2. Niên hoa

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Biện Bạch Hiền phụng mệnh quay về Phổ Triêu, vẫn chẳng khác gì năm xưa một thân chiến bào nhuộm đỏ ráng chiều, rời đi giữa khung cảnh hoa tuyết ngập trời.

Bụi tuyết lất phất ôm lấy mái tóc cùng kim quan lấp lánh của Biện Bạch Hiền. Trong tay áo thấp thoáng vết mực sẫm màu, đã từ lâu y không còn giấu giếm nữa. Tướng quân tay siết chặt dây cương ngựa, thu hồi lại nét âm trầm trên mặt, cúi người hành lễ: "Mong công tử hãy dừng bước. Thần... xin cáo biệt ở nơi này."

Đôi chân mày của Xán Liệt công tử điểm màu huyền thạch, thoáng nhìn qua như đang chau lại. Ưu tư cùng trăn trở hằn sâu trên khuôn mặt tuấn mỹ bất phàm của người. Phác Xán Liệt nắm lấy vai y, tựa như ký thác hết mọi tín nhiệm và trân trọng lên người trước mắt này. Trong giọng nói của công tử lại mang theo sự trấn an cùng kiên định khó lòng hình dung, ánh mắt ôn nhu tựa như tình lang tốt nhất ở trên đời, "Bạch Hiền, ngươi nhất định phải chờ ta trở về Khương."

Phù sinh như cố mộng, nhân gian như gió sương. Có lẽ hết thảy đều đã tiêu tán thành ảo cảnh, chỉ còn sót lại chút hư vọng mơ hồ.

Nhưng chính vị công tử này, đã khiến cho Biện Bạch Hiền lạnh lùng cô độc nguyện rơi xuống bụi trần, vì người mà xả thân tử trận, cũng có thể vì người mà từ bỏ một kiếp an yên.

Cũng chính vị tướng quân này, khiến cho Phác Xán Liệt ôn nhu văn nhã nguyện xưng bá giữa tuế nguyệt sơn hà, không ngừng tiến bước một cách cuồng ngạo, gian truân chẳng qua cũng chỉ là một sát na quay đầu.

Ái niệm hay chấp ngã, đều có thể vì đối phương mà tự huỷ hoại chính mình.

Giấc mộng hoa niên năm ấy đã hoá thành vô số đôi cánh phù du chao liệng giữa hồng trần, chẳng thể trở lại với đốm than hồng ấm áp trong đêm tuyết được ánh trăng soi rọi nữa.

Một áng thơ xanh dưới bóng mây sớm, hay là một gốc thu phong giữa bao năm tháng như gấm hoa. Một khúc hoang ca trong thời khắc phân ly, cũng là vinh quang tột bực không còn lưu luyến nơi quá khứ.

Ta trong mắt người chỉ là một thoáng kinh mộng, mà người trong mắt ta lại là vạn dặm phồn hoa.

Đã từng cao cao tại thượng, cũng đã từng rơi xuống vực thẳm. Tuế nguyệt không ngừng luân chuyển, những thành trì cùng non nước đã từng đi qua đó, cũng chẳng tránh nổi sự tàn khuyết của nhân sinh. Đến cả linh hồn cũng bị ánh sáng của đoạn ký ức năm xưa thiêu đốt, quyện lại thành từng mảnh tàn tro dưới gốc đằng la. Nếu có thể cùng nhau thống lĩnh vạn dặm quan san, bước ra khỏi số mệnh hôn ám tịch liêu, liền không phụ một đời tĩnh lặng giữa nhân gian.

Chiến sự ở phương Bắc xa xôi ngày một nguy nan. Hung Nô đánh bại mười vạn quân của Kim tướng quân, thần tốc tiến về phía kinh đô Khương quốc. Nhiều tháng nay ở đất Triệu, bách tính cũng không ngừng bàn tán việc quân Hung Nô sắp công phá thành Phổ Triêu. Tuy Huy Vương muốn tiêu diệt tận gốc mối hiểm hoạ lâu dài này, ra sức gia tăng quân nhu và tướng sĩ, đồng thời phái thiết kỵ quân của Biện Bạch Hiền đến áp chế chúng ở biên cương. Song, ngay cả một sĩ phu tầm thường trong trà quán cũng có thể hiểu rõ thế cục này, Hung Nô sớm đã quyết phải khuynh đảo nước Khương một phen.

Thấm thoát qua hơn nửa năm, Xán Liệt thân tại phủ con tin ở Hàm Đan tưởng tượng tình cảnh vương đô bị đánh phá, không tài nào yên lòng. Nghĩ đến thiết kỵ quân bị ngoại bang giày xéo ra sao, Biện Bạch Hiền tham chiến lại không rõ an nguy thế nào, công tử liền cảm thấy trong đầu ầm ầm nổi lên từng đợt phẫn hận. Không thể trì hoãn thêm được nữa, Phác Xán Liệt gọi về mật thám mà mình đã gửi đi xâm nhập vào Triệu quốc và Phổ Triêu, bắt đầu thực hiện kế hoạch đã được sắp đặt từ giây phút công tử rời khỏi cấm cung.

Từ đằng sau tấm bình phong nhật nguyệt hoa quý, một hắc y nhân bước ra, quỳ xuống bên chân Phác Xán Liệt, kính cẩn nói:

"Bẩm công tử, Triệu vương quả thực có ý muốn giam giữ người cho đến khi Triệu quốc không còn bị Tần quấy nhiễu, sau đó sẽ điều quân đến Khương quốc của ta."

"Đúng như ta dự liệu." Phác Xán Liệt bình thản lấy từ trong chiếc hộp trên tay ra một bức mật báo và chiếc túi nhỏ đã sờn rách, chậm rãi căn dặn: "Ngươi mang hai thứ này đến phủ thái phó, ngài ấy tự sẽ có chủ ý của mình. Đồng thời tung tin đồn ở Phổ Triêu rằng, ta đã lấy được lòng tin của Triệu vương, lại rất được dân chúng ở Hàm Đan yêu mến, không lâu sau sẽ quay về Khương, được hậu thuẫn lên ngôi thái tử."

"Công tử muốn biết bệ hạ và Thì Ngân sẽ ứng phó ra sao?" Hắc y nhân lên tiếng.

"Phụ vương rất xem trọng thái phó, khi thái phó đưa ra bằng chứng này, vụ án năm xưa sẽ không tránh khỏi bị tra lại."

Xán Liệt nhìn ra màn đêm một màu u ám quỷ mị bên ngoài, vẻ mặt bỗng chốc biến chuyển trở nên điên cuồng, cười thành tiếng: "Vương huynh ắt sẽ không thể ngồi yên nhìn chính mình bị phơi bày. Thêm cả việc ta sắp trở lại sẽ khiến huynh ấy càng thêm sốt sắng muốn củng cố vị thế của mình, rất dễ dẫn đến sơ suất."

Đó sẽ là tử huyệt mà ta đào cho huynh.

Phác Xán Liệt đã ra nhiều kế sách lo liệu khởi sự ở Khương quốc từ trước đó. Người thông qua họ ngoại của mình là Vĩnh thị, bí mật liên hợp cùng những quan lại được Tuy Huy Vương trọng dụng, để an bài đường trở về Phổ Triêu.

Vì tin đồn được lan truyền đi một cách nhanh chóng, công tử Thì Ngân bấy lâu nay lôi kéo quần thần, cơ hội giành lấy ngôi vị thái tử bị bỏ trống suốt tám năm đã ở ngay trước mắt, hắn sao có thể làm ngơ. Trong việc này, có thể đoán được Biện thị cũng nhún tay can dự đến năm phần. Một đám thương nhân giỏi nhất là mưu sâu kế hiểm nào có cam lòng chịu phục tùng dưới chân kẻ khác. Nếu đã không đoạt được vương vị, thì nhất định phải quyết định người sẽ bước lên bảo tọa. Được cả thiên hạ quy phục mới chính là tham vọng lớn nhất của Biện thị. Rốt cuộc, công tử Thì Ngân chỉ là con rối trong tay kẻ khác. Mà Thì Ngân kia lại một mực tin rằng Biện thị không màng đến vinh quang gia tộc, dốc hết tâm sức muốn phò trợ mình.

Bỗng nhiên biến loạn ngay trong thành Phổ Triêu lần nữa diễn ra, Tuy Huy Vương bị thích khách nước Lân ám sát, suýt thì vong mạng. Mọi hiềm nghi đều đổ dồn vào công tử hiện đang được triều thần ủng hộ là Phác Thì Ngân. Ngay khi ấy, thái phó tấu trình lên cho vương thượng một vật – đó là chiếc chén rượu năm xưa đã hại chết thái tử Hoài Ngọc. Thứ khiến cho thái tử chẳng may qua đời không phải là rượu độc, mà là độc dược bôi bên trong chén, đến giờ vẫn còn lưu lại. Tuy Huy Vương nắm chiếc chén màu ngà trong tay, cho người mang đi rồi nhìn thái phó, "Ngươi làm việc này để chứng minh sự trong sạch của Vĩnh phu nhân và Xán Liệt?"

"Tâu đại vương, nếu như công tử quả thực là bị hãm hại giống như thái tử, thì Khương quốc ngày một suy yếu trước thế lực ngoại bang chẳng phải sẽ càng lung lay hơn vì nội phản hay sao? Công tử là người hiền đức thông tuệ, sao có thể dùng cách thức tàn nhẫn này để tranh giành trữ vị. Những lời này hạ thần trước kia đã từng dâng tấu, đến nay vẫn không đổi."

"Được, trẫm sẽ tra xét sự việc này một lần nữa, để trả lại công đạo cho Khương quốc và Hoài Ngọc."

Hiện tại vương đô đã rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan, triều đường vô cùng hỗn loạn. Khương quốc lại không được Triệu giúp đỡ, Triệu vương chỉ e là cũng sắp xuất binh hợp quân cùng với Hung Nô. Nhiều công thần dâng sớ can gián, tấu xin Tuy Huy Vương để công tử Xán Liệt quay về Phổ Triêu, không nên chậm trễ, bằng không kẻ thù và cả lục quốc sẽ nhân lúc nước Khương suy yếu mà nhắm thẳng vào vương tộc. Tuy Huy Vương phê chuẩn cho gọi công tử Xán Liệt trở về Khương, hòng trấn áp Thì Ngân, cũng như tra lại vụ án năm đó. Bất kể đây có là một nước tử kỳ hay không, điều quan trọng trước mắt đối với Phác Xán Liệt lúc này là đẩy lùi Hung Nô và cùng Biện Bạch Hiền từng bước lấy lại những gì đã mất trước kia.

Giữa lúc công tử dọc đường đi đến biên cương Khương quốc, người nhận được thư gửi đến từ do thám ngoài biên ải, "Thượng tướng quân kiên quyết trấn giữ La Thành, bị Hung Nô đột kích từ bốn phía, đại quân sụp đổ, tính mạng ngàn cân treo sợi tóc". Từng lời từng chữ giống như con dấu nung, đóng vào những ngón tay đã vô số lần nhức nhối của Phác Xán Liệt. Sau đó, công tử nhiễm phong hàn nhiều tuần vẫn không khỏi, lại cho đoàn người hộ tống chuyển hướng tiến về phía La Thành. Nhưng Tuy Huy Vương ra lệnh cho công tử phải trở về vương đô sớm nhất có thể, nếu không sẽ phạm phải tội khi quân.

Chưa đầy hai tháng sau, Biện Bạch Hiền tự mình viết một phong thư gửi cho Phác Xán Liệt, báo tin mình vẫn bình an. Trong bao thư còn kèm theo mảnh vải xé ra từ nhung giáp và cánh hoa tử đằng mà y nhặt được từ rừng hoang thuở cũ. Y vẫn trước sau như một, tận lực giấu giếm thương thế của chính mình, càng không bàn đến tình thế cấp bách của đại quân ở Bắc ải. Biện Bạch Hiền kiêu ngạo nhất là khi đứng trên sa trường, nửa đời xem chiến bào như thể da thịt, làm sao có thể thừa nhận mình bại trận dễ dàng nhường vậy.

Sau ba tháng đoàn người đã thuận lợi đến được Phổ Triêu, nhưng cảm giác nhung nhớ cố hương đối với công tử giờ đây đã bị thay thế bằng hận thù và giằng xé cực cùng. Từ khi cưỡi ngựa bước vào toà thành sừng sững này, Phác Xán Liệt chỉ có thể cảm nhận được một luồng đau đớn xuyên thấu cơ thể. Trong đầu đều là cảnh tượng tám năm trước chính mình bị giam cầm vào cấm cung, huynh đệ dụng hình tra khảo, mẫu thân uất ức qua đời, Bạch Hiền vì bảo vệ người mà bị những kẻ đồng tộc đó ép buộc đến độ không thể trở mình. Tòa thành hoa lệ mà hỗn loạn giống như chiến địa này, kỳ thực lại mang theo biết bao bi kịch và nỗi mất mát khó lòng đong đếm.

Người nhớ lại bản thân khi mười bốn tuổi vừa viết xong sách luận Ngũ kinh, đã được triều thần ca ngợi trước mặt phụ vương giống như Y Doãn, Chu Công tái thế, nhớ lại bản thân đã vui sướng ra sao khi được phụ vương tán thưởng ôm trong vòng tay. Có phải vì vậy, năm đó Tuy Huy Vương vô cùng đau lòng vì mất đi trưởng tử, lại càng tiếc nuối vì phải định tội đứa con thiên chất hơn người này?

Phác Xán Liệt tiến vào đại điện, nhìn về phía người mặc hoàng bào ngự ở trên cao, động tác hành lễ nhưng vẻ mặt lại vô cảm như đối diện cùng với một ảo ảnh xa xăm.

"Bái kiến phụ vương."

"Xán nhi... Hãy đứng dậy đi."

Phác Xán Liệt như có như không mỉm cười, "Tám năm không gặp, phụ vương vẫn thọ phúc an khang."

"Trẫm... Con có phải là đang trách trẫm quá yêu thương Hoài Ngọc mà liên lụy đến con? Kỳ thực chiếc chén kia, là do con mang đến cho lão thái phó. Con biết rõ thái phó là người liêm chính, dù có phải dùng mạng mình để can gián, cũng không thể bỏ qua manh mối này." Tuy Huy Vương day day trán mình, tựa hồ mệt nhọc của suốt bao năm qua đã không thể đè nén được nữa.

"Phụ vương nếu đã thừa nhận, nhi thần không cầu lấy lại trong sạch cho mình, chỉ cầu người khôi phục địa vị cho Vĩnh thị, truy khảo đến cùng để di hài của vương huynh có thể được an nghỉ." Phác Xán Liệt nói đến đây thì ngừng lại, trong mắt phút chốc dâng đầy nỗi thống khổ, "Nhi thần cũng có thể thành toàn cho mẫu thân một bài vị trong hoàng lăng."

"Lão thái phó cũng đã đảm nhận chức vụ khâm sai, có lẽ chẳng bao lâu sau, chân tướng sẽ được tra rõ. Con có thể an tâm mà ở lại vương cung."

"Đa tạ phụ vương ân điển. Nếu không còn việc gì khác, nhi thần xin phép cáo lui."

Phác Xán Liệt muốn giải tỏa khỏi cảm giác nghẹn thở khi đứng giữa cung điện xa lạ này, thi lễ xong liền lập tức rời đi. Nghĩ đến khung cảnh thuở niên thiếu vui đùa trong những con ngõ nhỏ bí mật ở nơi đây, bất giác công tử đã lạc bước đến trước đại môn của cấm cung.

Phía trước nội viện là một hồ sen trăm năm, luôn được bao phủ bởi một lớp sương mỏng, thấm đẫm vẻ đẹp uy nghiêm tĩnh lặng. Mặt nước trong veo lấp lánh, thấm ướt từng cánh hoa trắng như mây như khói. Phác Xán Liệt từng ở chốn thanh tịnh mà âm u này, ngồi bên trà kỷ đọc một quyển sách được truyền bá trong nhân gian. Trong tay người là chén trà ủ trong lá sen, có thể cảm nhận được thời gian bốn mùa đọng lại trong từng tấc hương thơm thanh khiết toả ra.

Mái đình của biệt viện cong vút, phủ lên lớp bụi sáng của ánh nắng từng rất rực rỡ trong dĩ vãng. Những tấm phù điêu được chạm trổ tinh xảo đã bị lãng quên mang một cảm giác rất phong nhã, cũng rất cô linh.

Kinh qua vô vàn trường đoạn quá khứ đan xen trước mắt, cấm cung ẩn hiện trong hồi ức mong manh như giấy là một bình rượu nồng được đậy kín, không hương cũng không vị. Có lẽ, chúng chưa từng thuộc về bất cứ một ai khác, hay là bất cứ tình cảnh nào. Dưới làn ngói xanh thăm thẳm, thời gian chợt trở nên hiền hoà, phai mờ đi vô số ưu tư khúc chiết, cũng ghi tạc trăm vàn nhung nhớ mênh mang.

Công tử bước thêm vài bước, ngay dưới tầm mắt là một mặt đá sạch sẽ, hơi nhô lên khỏi làn nước màu lục nhạt của lá tre rơi xuống đáy hồ. Người trong vương cung trước kia gọi đó là đá Như Ý, chỉ cần chạm vào ba lần liền đỗ đạt công trạng, tình duyên thuận lợi, phúc vận dài lâu. Biện Bạch Hiền lại chẳng mảy may tin vào điều đó. Y không chút thương tình giẫm lên hòn đá ấy mà đi, kiên trì mỗi sáng hái lá sen để ủ trà làm dịu cơn đau cho công tử. Biện Bạch Hiền nói, số phần không thể thay đổi chỉ bằng cách chạm vào một phiến đá vô tri. Song trên khoé mắt sắc lạnh ấy, lại không che giấu được hết nỗi bàng hoàng vì những vết tích ghê người để lại trên cơ thể Phác Xán Liệt.

Một lần lại một lần ngắm nhìn hồ nước xanh biếc đang đón chờ mùa xuân kia, Phác Xán Liệt tự hỏi, liệu đây có phải giấc mộng lành mà chính mình đã tìm kiếm xưa kia?

Thế nhưng công tử lại không hay biết rằng, ngay lúc ấy, thiết kỵ binh cùng Biện Bạch Hiền đã hành quân đến Phổ Triêu. Y nhận lệnh đưa quân bảo vệ vương đô, sau khi bẩm tấu lên Tuy Huy Vương, bèn dùng chút thời gian ít ỏi muốn dừng chân ngang cấm cung thuở ấy. Từ xa xa, y đã trông thấy bóng lưng cô độc của Phác Xán Liệt hơi cúi xuống, vạt áo trải dài hòa vào nền đất sẫm. Những ngón tay người do dự chạm vào phiến đá nổi lên trong hồ sen. Biện Bạch Hiền thất kinh dụi mi mắt mình, lòng tự hỏi làm sao người lại xuất hiện ở nơi đây.

Không biết là Xán Liệt đã ngồi tại đó trong bao lâu, cho đến khi nghe thấy từ phía sau vang đến thanh âm thân thuộc đến mức lẫn vào trong giấc ngủ hằng đêm.

"Công tử."

Người quay đầu lại, trong đôi mắt ngậm sóng nước dịu dàng, lại hàm chứa ý vị thâm trầm, khiến cho Bạch Hiền tưởng như mình có thể nhìn thấy được từ đáy mắt người một nỗi bi thương sâu sắc có từ tiền kiếp trước đây.

"Bắc ải... Không phải ngươi đang ở tận Bắc ải hay sao?" Phác Xán Liệt gấp gáp tiến đến, quên đi cả bộ dạng thất thố của mình, vui mừng khôn xiết nói: "Thật tốt quá, ta còn dự định sẽ dẫn quân đến tiếp ứng cho ngươi. Thương thế của ngươi, để ta xem thương thế của ngươi!"

"Đã khiến công tử phải bận tâm. Thương thế của thần đã sớm khỏi từ lâu." Biện Bạch Hiền khẽ cười, bàn tay nắm chặt chuôi kiếm đã thả lỏng dần, "Công tử nói rằng người có thể cầm quân rồi ư? Đại vương thật sự có ý để người ở lại?"

"Thái phó đã giúp ta dâng lên chiếc chén đó. Phụ vương không thể không hoài nghi Thì Ngân. Tướng quân cảm thấy binh phù này của ta như thế nào?"

Biện Bạch Hiền lặng lẽ gật đầu, "Nhờ có người, mọi sự đều bình an."

Công tử chạm vào ngón tay đang đeo nhẫn lưu ly của Biện Bạch Hiền, như thể mang theo tâm trạng day dứt và bâng khuâng, đoạn người nói tiếp: "Ta đã rất sợ hãi... sợ rằng ngươi không còn vì ta mà chịu trượng hình, mà phải nhận lấy đau đớn ngoài biên cương. Ta không thể biến thành thanh kiếm cùng ngươi quét sạch ngoại xâm, cũng không thể biến thành gió cát chiến địa ôm lấy đôi vai ngươi tiến về phía trước. Hết thảy những gì ta có thể làm là quay về cõi tàn hoang này mong chờ tin chiến thắng, cũng vì ngươi mà tranh đấu với Thì Ngân và phụ vương. Nếu có thể khiến thời gian quay ngược trở lại..."

Thế sự vô thường, chỉ là không biết một tấm thân da thịt phàm trần của y có thể gánh được sương gió đại mạc của bao nhiêu năm? Công tử càng hiểu rõ rằng, không cách nào có thể khởi hồi số mệnh giữa chính mình và Biện Bạch Hiền.

Mở ra khung cửa hẹp bị khép chặt, phù hoa và loạn thế đều bị chôn giấu bên ngoài, không thể với đến bóng tối tĩnh mịch bên trong. Vài bình rượu nhạt, nét mực trên trang giấy nhàu nhĩ. Từng mùa trôi qua bên ô cửa sổ gỗ phai sờn không biết đã héo rũ như thế nào, chẳng tìm kiếm được nơi nương náu sau cuối, thời không cũng theo đó mà trở nên mông lung mơ hồ.

Cất giữ linh hồn vào những năm tháng niên thiếu tươi đẹp như hoa như mộng, chỉ nguyện tĩnh lặng, không màng được mất. Hóa ra, có một loại thương tích gọi là thời gian.

Họ lại cùng nhau bước đến một tầng cửa lớn, cảm tưởng như đặt chân vào trong liền vĩnh viễn không thể quay đầu. Hai bên lối đi trồng đầy những hàng dương liễu thướt tha lay động trong gió chiều nhàn tản. Trải hết gió mưa sương tuyết, cây ngô đồng vẫn lặng lẽ sinh trưởng nơi góc cấm cung. Những phiến lá xanh như ngọc lục bảo đón lấy ánh nắng mùa đông sắp tàn. Từ những kẽ lá, vệt sáng thưa thớt chiếu rọi xuống khoảng sân tịch mịch phủ đầy rêu phong.

Nếu như có thể xa cách thế tục, thoát ly phàm trần, vịnh hoa tụng trúc, ẩm tửu hàm ca. Rũ bỏ tấm áo uy nghi giai lệ của hoàng quyền, cách xa triều đường huyên náo này, chỉ cầu một đoạn thời gian bình dị như nước chảy, tìm nơi tao nhân mặc khách mà ẩn mình, cùng nhau lãng quên cố sự. Nhàn nhã ngắm lá ngô đồng rơi báo hiệu thu sang, bỏ lại Phổ Triêu huy hoàng lộng lẫy trong mộng tưởng. Chỉ còn lại bản thiều nhạc(1) ngân mãi trong lòng một nỗi u buồn hoài niệm về quá vãng miên man.

Biện Bạch Hiền nghiêng đầu nhìn Phác Xán Liệt, lại quay sang ngắm chiếc gương đồng treo gần cửa sổ, soi rọi nhân ảnh của hai người. Trên trà kỷ bày một bộ ấm trà họa tiết hoa mẫu đơn nghiêng ngả, dù đã trôi qua biết mấy xuân thu, thảy cả đều trầm lặng như lúc đầu.

"Công tử nhỏ hơn thần ba tuổi, nhưng lại điềm tĩnh thấu triệt hơn thần rất nhiều." Y bất giác lên tiếng. Công tử phía sau y không biết là gật đầu hay cự tuyệt, chỉ cảm nhận được nhịp thở rất bình ổn ngay bên mình.

Bạch Hiền chậm rãi vuốt lên mặt bàn mờ tối trong gian phòng, là chiếc bàn nhỏ mà Phác Xán Liệt đêm đêm tựa đầu đọc sách, chuyên tâm tu tập, miệt mài viết chữ dù ngón tay không cách nào cử động. Hoặc có những lúc, công tử sẽ đọc cổ thi trên thẻ tre trong thư trai(2) mùa hạ, mang theo một vẻ uyên bác và tao nhã khó lòng hình dung. Chén trà trên bàn vẫn nghi ngút khói, che mờ đi khuôn mặt non nớt thấp thoáng ưu phiền. Chỉ cần công tử ngẩng đầu lên sẽ thấy được mưa rơi hoa bay, thấy được bóng dáng trầm mặc dưới khói tỏa bóng chiều của Biện Bạch Hiền. Y vẫn luôn ở bên ngoài luyện kiếm, mỗi một động tác đều tiêu sái phi phàm, dẻo dai uyển chuyển. Cũng sẽ có lúc y chuyên chú nghiên cứu binh thư, dùng tất cả sức lực để bôn ba chiến trận, gánh vác giang san.

Tư niệm không biết đã đổi thay bao lần, dường như chỉ có Biện Bạch Hiền là vẫn còn chấp nhất với lời thề năm xưa. Giữa một đoạn ái tình không tên nào đó, phong vận(3) nơi khóe mắt lãnh khốc kia vẫn chẳng hề đổi khác dù chỉ một lần. Ký ức như thi như hoạ, dung mạo trong tranh sẽ không tan biến, thời gian trong tranh cũng sẽ không lưu chuyển. Song có lẽ Phác Xán Liệt đã không hay biết, những tháng ngày ấm áp ngắn ngủi ấy, cũng chỉ là khởi đầu của vạn kiếp bất phục.

Trong tiếng gió cuốn lá rơi xào xạc, Bạch Hiền nghe thấy công tử nói, "Ta lại có cảm giác như chưa từng có được ngươi."

Ngày đó Biện Bạch Hiền xuất chinh ở lầu Xương Khúc phía đông nam kinh thành, khắp nơi giăng kín dày đặc mưa khói Phổ Triêu. Phác Xán Liệt tiễn y đi qua đoạn hành lang sâu hun hút dẫn đến lầu Xương Khúc, tựa như đi đến điểm tận cùng của sinh mệnh.

Biện Bạch Hiền đọc dòng kim văn(4) khắc trên chuông đồng đang vang lên những vọng âm trong trẻo, rồi đưa tay khẽ chạm vào mái tóc buộc nửa buông hờ trước người của Phác Xán Liệt.

Y là một thiên cổ khúc, còn người là thanh điệu cổ cầm trong giấc mộng. Y là đôi cánh phù du đã bị phiêu tán, còn người là đằng la luân lạc nơi thiên không thẳm sâu.

Nào dám nguyện cùng quân cạn chén say sưa, thề nguyền giai lão bạc đầu.

Họ cùng nhau uống một ly rượu bi hoan ly hợp hoà lẫn máu của đối phương, dùng phương thức đầy trang nghiêm mà thành kính này để chứng tỏ lòng mình. Mà Biện Bạch Hiền, chính là giọt máu rơi trên tuyết trắng, vĩnh viễn nhuộm đỏ cả giang sơn của Phác Xán Liệt.

Đem tất cả ký ức về cấm cung và Hàm Đan ngâm trong thế cục này, cho đến khi bình rơi rượu cạn, chấp nhận bị tuế nguyệt rêu phong vùi lấp, chỉ cần giữ được một tấc vinh quang thuộc về mình, liền có thể cam lòng dời bước chân.

Công tử Xán Liệt trấn định nhìn chiếc nhẫn nằm trên ngón tay Biện Bạch Hiền. Một cái nhíu mày, một ánh mắt lơ đãng cũng có thể khiến vô số đóa hoa đằng la nguyện vì người mà nở rộ. Hoàng hôn càng lúc càng lùi xa dần. Bạch Hiền lại trở về làm vị tướng quân khuôn mặt thanh lãnh, giẫm lên bóng chiều mà đi trên khói lửa trận mạc.

"Không hẹn ở Hàm Đan." Ngữ điệu của Phác Xán Liệt rất khẽ, phảng phất xen lẫn niềm xót xa.

Biện Bạch Hiền ngồi trên lưng ngựa, trông thấy trường bào của Phác Xán Liệt tung bay phiêu lãng như hắc phượng hoàng giáng xuống trần gian, vô thức từng chữ lặp lại: "Không hẹn ở Hàm Đan."

Y rút trường kiếm bên đai lưng ra khỏi vỏ, hô lớn: "Thiết kỵ quân! Tiến về Tuỳ Môn!"

Tướng quân quay người trong phút chốc, giục ngựa phi nhanh, phong tư vạn chủng, cuốn tung gió cát thành vô số bụi vàng. Thiết kỵ quân giương cao chiến kỳ, khí thế hùng hồn, nhất tề xông pha.

Cư nhiên, trong khoảnh khắc giao ngộ giữa sinh tử luân hồi ấy, Bạch Hiền lại cảm thấy được nỗi mất mát dâng lên từ tận đáy lòng. Y sợ rằng mình không thể gặp lại người ấy nữa. Bên tai lại như nghe thấy tiếng công tử gọi tên y vọng lại từ đại ngàn xa xôi cách trở, "Bạch Hiền, ngươi nhất định phải chờ ta."

Chờ người, nghìn năm lại vạn năm.

_

(1) Thiều nhạc: một khúc nhạc của vua Thuấn thời Tam Hoàng Ngũ Đế cổ đại.

(2) Thư trai: nhà đọc sách ("trai" có nghĩa là ngôi nhà, hoặc nơi thường ngồi làm việc, tu dưỡng tâm tính, nghiền ngẫm đạo lý).

(3) Phong vận: dáng dấp phong lưu tao nhã.

(4) Kim văn: loại văn tự được khắc hoặc đúc trên đồ đồng, xuất hiện cuối đời nhà Thương, thịnh hành vào đời Tây Chu. Nội dung thường liên quan mật thiết đến cuộc sống đương thời, đặc biệt là cuộc sống của tầng lớp thống trị, như việc tế lễ, sắc lệnh, chiến tranh, săn bắn.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro