Chương 1

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng




Đồng ruộng cuối mùa vắng vẻ, một đám trẻ con nhà nghèo được chủ ruộng cho phép cố mót thêm những hạt thóc lẫn lộn trên nền đất. Giữa trưa nắng gắt đột nhiên nổi lên mây mù, tia chớp xé toạc nền trời xám xịt. Mọi người kháo nhau mau trở về nhà, phòng khi cơn mưa lớn trút xuống thì chẳng có chỗ trú. Địa phương này thổ nhưỡng không tốt, mỗi năm chỉ gieo trồng được một vụ, thời tiết càng khắc nghiệt, mùa mưa luôn kéo theo lũ lớn, hằng năm đều có người chết vì bị sét đánh giữa đường.


Mưa như trút nước suốt một ngày đêm, gió thốc từng cơn nghe như tiếng người kêu gào, dân làng không dám bước ra khỏi cửa. Dòng nước đục ngầu từ thượng nguồn mạnh mẽ xối xuống, cuốn theo một làn tóc đen tuyền, chảy vào lòng sông giữa thôn làng.







Đau quá. Ta bừng tỉnh vì cơn sôi trào dưới bụng. Ta cố mở mắt, vùng vẫy giữa làn nước sông lạnh lẽo. Thần trì ta vẫn còn mơ hồ, ta không biết đây là đâu, chỉ biết dựa vào bản năng sinh tồn, cố với lấy chùm rễ cây đang nổi trên mặt nước. Ta hớp từng hơi thở ngắn, tích góp sức lực, lần theo rễ cây để bơi vào bờ. Sỏi đá và cành cây cắt qua da thịt khiến ta đau đớn, nước mắt tuôn ra hòa lẫn vào dòng sông đen ngòm. Mắt thấy bờ sông đã phía trước, một đợt sóng nước ập qua đầu ta, ta nghĩ, xong rồi, lần này ta chắc chắn sẽ chết.


Vậy mà ta vẫn còn sống. Lần thứ hai thức tỉnh, ta nhìn thấy một đỉnh màn giường xa lạ, có người đã giúp ta băng bó vết thương và thay y phục khô ráo. Cả cơ thể và thần trí ta đều mệt mỏi rã rời, dù rất sợ hãi và hoang mang, ta cũng không cách nào cử động được.


- Tỉnh, tỉnh rồi?


Có tiếng người hô hoán và tiếng bước chân vội vàng.


- Thầy Đông, thầy Đông, y tỉnh rồi!


Ta thử xoay đầu, nhìn thấy một đứa trẻ chạy ra khỏi phòng, có vẻ nó đã luôn ở bên cạnh trông chừng ta. Ta lại trông thấy một nam tử ngược chiều nắng chạy vào, bất giác lo sợ rụt người về phía sau.


- Đừng sợ, đừng lùi nữa, chân ngươi đã gãy rồi, phải nằm yên, cẩn thận.


Đối phương không để bụng thái độ phòng bị của ta, giọng điệu nhẹ nhàng. Ta cũng không nhúc nhích nữa, chỉ giương mắt dè chừng nhìn hắn.


- Mấy hôm trước mưa to, ngươi bị nước cuốn trôi xuống làng bọn ta.


Nam tử mặc y phục màu lam, từ tốn khoát tay áo ngồi xuống bên cạnh giường ta. Hắn nâng một chén nước, cẩn thận đút cho ta, động tác vô cùng nho nhã.


- Ta là Đông Anh, thầy thuốc ở làng này. Ta đã bó xương chân lại cho ngươi, thời gian tới không được xuống giường đi lại. Thân thể ngươi rất hư nhược, hãy tranh thủ thời gian này nghỉ ngơi nhiều hơn.


Hắn mặc kệ ánh mắt hoang mang của ta, cứ tự mình nói chuyện. Hồi sau cũng không nghe được ta đáp lời, hắn ngờ vực hỏi lại.


- Ngươi không nói chuyện được sao?


Lúc này ta mới nuốt khan vài ngụm trong cổ họng, lẳng lặng lắc đầu.


Đông Anh chỉ à một tiếng. Hắn đứng dậy, nhẹ giọng bảo ta nên ngủ thêm một lúc rồi rời khỏi phòng. Bây giờ, ta mới có được thời gian yên tĩnh để sắp xếp lại những ký ức vừa xuất hiện ngổn ngang trong đầu.


Cuối cùng ta đã nhớ ra tên họ và thân phận của mình. Ta tên là Lý Thái Dung, thân phụ của ta chính là thái phó của Hoằng Dương tiên đế. Khi tiên đế đăng cơ, thân phụ ta được thăng làm Thái sư, tiếp tục dạy học cho các hoàng tử. Từ nhỏ ta đã theo cha vào cung làm thư đồng cho các vị điện hạ, cũng từng nhiều lần được diện kiến thánh nhan. Năm ấy Hoằng Dương bệ hạ đột ngột lâm bệnh, không bao lâu thì băng hà. Triều chính bị mẫu tộc của hoàng hậu thao túng, vốn nàng không có đích tử, bọn họ chỉ có thể nâng đỡ một trong số các hoàng tử lên ngôi.


Hậu cung của Hoằng Dương bệ hạ khá khiêm tốn, con cái có tổng cộng bốn vị hoàng tử, một vị công chúa. Đại hoàng tử do Thịnh phi sinh ra khi Hoằng Dương bệ hạ vẫn còn ở Đông cung, thân thể yếu ớt, từ nhỏ đã được đưa đến Thiên Viện Quốc Tự cầu phúc. Nhị hoàng tử và Tam công chúa là thân huynh muội, mẫu phi của họ là Vĩnh phi Vĩnh Hoa Nhiên, con gái của Lễ bộ thượng thư quan nhị phẩm. Vĩnh phi là vị hậu phi được Hoằng Dương bệ hạ sủng ái nhất đồng thời cũng là nữ nhân có xuất thân cao quý chỉ sau hoàng hậu. Nhị hoàng tử từ nhỏ đã bộc lộ nhiều tài hoa, được kỳ vọng sẽ là người kế vị trong tương lai. Cả cha ta cũng từng nhận xét Nhị hoàng tử có phong thái của Hoằng Dương đế lúc thiếu thời.


Lúc hoàng đế băng hà, Ngũ hoàng tử chỉ mới hơn hai tuổi. Có lẽ dự cảm được chính biến sắp xảy ra, ngay sau khi linh cửu của tiên đế được đưa vào hoàng lăng, Vệ tần đã châm lửa ở biệt viện, ôm tiểu hoàng tử cùng quyên sinh. Sáng sớm ngày hôm sau, khói đen từ hậu cung còn chưa tan hết, hoàng hậu tự mình công bố thánh chỉ của tiên đế, Tứ hoàng tử được kế thừa ngôi vị.


Trong trí nhớ của ta, Tứ hoàng tử Trung Tại Vân là một thiếu niên đơn thuần, tính tình hòa nhã. Mẫu phi của y là đích nữ của một viên quan vệ úy bát phẩm, tạ thế khi y còn chưa đầy tháng. Tứ hoàng tử được giao cho Hứa tần, một nữ tử dịu dàng nuôi dưỡng. Ta từng nghĩ Tứ hoàng tử là người an phận, y chưa từng để lộ ra ý đồ tranh đoạt ngôi vua, ta từng tin rằng y bị hoàng hậu khống chế, thân bất do kỷ. Cho đến khi y tự mình đưa ra chỉ dụ tru di tam tộc nhà ta với tội danh ngụy tạo thánh chỉ, mạo phạm thánh uy.


(*) Vệ úy: chức quan quản lý cổng thành.


Lý thị ta là dòng dõi thư hương, nhiều đời tận trung vì xã tắc. Thân phụ ta được Hoằng Dương đế tin cậy, một lòng bảo vệ di chỉ chân chính của đế vương, trong đó Nhị Hoàng tử Trung Du Thái mới là người được truyền ngôi. Triều đình chia làm hai phe, âm thầm đấu đá trở thành binh đao va chạm, trong một đêm toàn kinh thành nổi lửa, máu chảy thành sông. Thế lực của hoàng hậu quá lớn, Nhị hoàng tử đảo chính thất bại, bỏ mạng trong cung cấm. Những triều thần ủng hộ Nhị hoàng tử đều bị kết tội mưu phản. Toàn gia Lý thị trực hệ ba đời bị xử trảm thị chúng còn ta thì được gia nhân trung thành trong phủ dốc lòng che chở mới tránh được kiếp nạn. Phụ mẫu bắt ta thề phải sống sót, bảo vệ huyết mạch của Lý gia. Ta nuốt ngược nước mắt, giấu mình trong dòng người bị xung quân tới biên cảnh.


Tới đây, ký ức trong đầu ta bắt đầu rối loạn như mê cung. Có một đoạn thời gian dường như ta đã quên mất mình là ai, vật vờ tồn tại như một cái xác không hồn. Ta nhắm chặt hai mắt, cố gắng đào bới trong tâm trí. Mồ hôi tuôn ra ướt đẫm lưng áo, cơ thể ta không ngừng run rẩy dưới tấm chăn mỏng. Mặc kệ cả tâm thân kêu gào vì đau đớn, ta nhất định phải nhớ lại toàn bộ.


Chợt nghe thấy có tiếng người trò chuyện sát vách, ta nén cơn đau, tập trung nghe ngóng.


- Thầy Đông, mấy thứ thầy nhờ ta mua đã có đủ rồi đây.


- Cảm tạ Thục nương. Học phí tháng tới của Thục Hổ, người đưa ta một nửa là được.


- Không đáng gì, không đáng gì. Nhưng mà, thầy Đông xin đừng trách ta lắm chuyện, người trong nhà kia, dẫu gì cũng là kẻ lạ mặt, chưa biết tốt xấu thế nào, thầy đừng hao tổn tiền của lên người hắn quá. Thầy xem từng này thịt cá, còn thuốc men nữa, đã tiêu hết bao nhiêu tiền rồi.


Bọn họ đang nói về ta. Ta hé mắt, vô thức đè thấp cả tiếng hít thở.


- Xem như làm phước vậy mà.


- Biết có phải là phước hay không, thầy cũng thấy dấu vết trên vai hắn rồi. Nghe nói quân binh dẫn tội nhân mới đi qua vùng này, có khi y trốn từ đó ra, thầy cẩn thận kẻo rước họa vào thân.


Vị phụ nhân ngoài cửa không thèm che giấu tị hiềm trong giọng nói. Ta như bừng tỉnh, trở người rút tay trái ra khỏi chăn, lần mò vào trong cổ áo sờ lên đầu vai phải. Cảm giác nham nháp nơi đầu ngón tay khiến ta ngỡ ngàng. Cuộc trò chuyện bên ngoài còn chưa kết thúc.


- Thục nương, cưu mang người gặp nạn là điều nên làm. Ta là thầy thuốc, không có phân biệt người nào nên cứu, người nào không nên. Nếu Thục nương thấy phiền toái, về sau ta sẽ tự đi mua đồ đạc.


Nói rồi Đông Anh cứng rắn mời phụ nhân ra về. Ta nghe thấy hắn thở dài và tiếng bước chân xa dần. Ta đờ đẫn chống người ngồi dậy, lật mở cổ áo, săm soi dấu vết trên vai. Dấu triện chữ "quân", cuộc đời ta về sau chính là nô lệ thuộc về quân sĩ. Nô lệ là tầng lớp thấp kém nhất, còn không được xem là con người. Vị Thục nương đó lo lắng cũng không sai, chứa chấp quân nô đào tẩu là đồng phạm, nếu bị phát hiện, Đông Anh không thể tránh được cảnh phải chịu tử tội cùng ta.


Trong ký ức vừa mới được khai mở của ta, ta đã bị đóng triện ít nhất nửa năm. Thế nhưng dấu vết này vẫn còn rất mới, trên bề mặt có một lớp da non đang tróc mài. Ta ngơ ngác nhìn ra ngoài sân, không thể tin vào ý tưởng vừa lóe lên trong đầu. Lòng ta lạnh lẽo, bàn tay vô thức níu chặt góc chăn. Đêm ta bị ép nhảy xuống vách núi tuyết rơi rất dày, vậy mà hiện tại, nắng chói gay gắt, đến cả gió cũng mang theo hơi nóng hừng hực. Là thời tiết chuyển biến kỳ lạ hay là ta, một người rơi xuống từ núi cao rồi trôi dạt trên sông suốt mấy tháng trời mà vẫn còn sống?


- Sao ngươi lại ngồi dậy rồi?


Thầy thuốc Đông Anh bước vào, cầm theo một chén thuốc còn tỏa hơi nóng.


Ta theo bản năng rụt người vào sát tường, không kiềm được một tiếng hít hơi đau buốt vì vết thương ở chân. Có lẽ Đông Anh không ngờ ta sẽ có phản ứng lớn như thế, hắn cẩn thận ngồi xuống mép giường, cách ta một khoảng.


- Ngươi đã nghe thấy những lời của Thục nương rồi?


Ta lưỡng lự một chút rồi gật đầu.


- Ta không để tâm chuyện ngươi là quân nô. Ta đã cứu mạng ngươi thì cứ yên tâm tịnh dưỡng chữa thương. Khi ngươi bình phục, muốn ở lại hay rời đi đều tùy ý ngươi.


Đông Anh ngừng lại, ngẫm nghĩ gì đó rồi nói tiếp.


- Không cần nghi ngờ mục đích của ta. Ngươi không có gì để ta lợi dụng cả.


Ta giật thót, cảm thấy lời nói của hắn không hề đơn giản. Ta há miệng muốn nói rồi lại thôi. Ta không rõ tình huống hiện tại, tốt nhất là nên ẩn thân và hành động cẩn trọng, người câm là một cái vỏ bọc không tồi. Nhưng có vài việc ta cần xác minh rõ ràng. Môi ta mím lại, nhịn đau chủ động nhích người đến gần Đông Anh. Ta giơ hai tay ra trước mặt hắn, chầm chậm ra dấu.


- Đây... là... đâu... bây... giờ... là... năm... nào...


Đông Anh lẩm nhẩm đọc theo từng nét chữ ta viết lên lòng bàn tay của mình. Dứt câu, hắn trừng mắt nhìn ta, biểu cảm dữ tợn khiến ta hơi rợn người. Câu hỏi kỳ lạ của ta chắc chắn đã khiến hắn nghi ngờ.


- Nơi này là Tuyên Thành, lãnh thổ phía nam của Phong Vũ. Năm nay... là năm Thuận Khải thứ nhất, triều Đại Khương.


Năm Thuận Khải thứ nhất, tân đế vừa lên ngôi.


Thời điểm ta lựa chọn gieo mình khỏi vách núi, là đầu xuân năm Thuận Khải thứ hai.






_____

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro