Chương 28: Cho tôi thêm mười năm nữa

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Maylyn là Russell de Maylyn chứ không phải bất kì Maylyn nào khác.

Maylyn hiện tại vẫn là Maylyn những đã không còn là Maylyn vốn có nữa.

Và kết thúc cuộc đời của bà, ai cũng biết đó là Hoàng hậu Mariana Ludovica. Một Hoàng hậu đoan trang từ nhỏ, hiền thục từ thời thiếu nữ, có tài trị quốc, có công phò tá quân vương. Người dân khóc  cho Hoàng hậu còn nhiều hơn cho Quốc vương bệ hạ. Đáng tiếc thay, sự xót thương lại làm mù con mắt.

Đám tang của bà chỉ lác đác vài kẻ xa lạ. Người ta xúm lại đám tang của Hoàng hậu vì cần thức ăn, y hệt như chó hoang thường đi bới rác. Mà con chó thực ra không thích vậy, chỉ là không có nhiều lựa chọn thôi. Nghĩa trang của trại tế bần được đặt theo tên vị Hoàng hậu cuối cùng, Mariana Ludovica yên nghỉ ở nơi có tấm bia mộ ghi 'hưởng thọ hai mươi tư tuổi'.

"Cả đời không có con, nên khi chết đi âu cũng muốn điều tốt lành đến với những đứa trẻ. Nếu trại tế bần có thể đóng cửa càng sớm càng tốt, tôi sẽ rời khỏi đây, tìm cho bà ấy một khu đất ấm áp hơn của phương Nam."

Quản lý trại tế bần nói.

Rồi lại lững thững bỏ đi với cái chân bị thọt.

Sussane vô tình nghe được cuộc nói chuyện giữa cô Rotta và Linda về chuyện sắp tới có thêm dăm ba cái miệng háu ăn nữa. Lãnh chúa không chịu chu cấp lấy một đồng, trong khi mùa màng thất bát.

"Quá lắm rồi! Tôi nghỉ việc!"

"Rotta! Chờ chút!"

Ai cũng ghét lãnh chúa mới. Nhiều đứa trẻ nói xấu lãnh chúa với bạn bè, vì cha mẹ chúng nói xấu lãnh chúa với con cái. Nhưng tuyệt nhiên chưa có ai dám chống lại. Việc bị lưu đày sẽ là chuyện không xa. Sussane vào trại tế bần đã lâu, gần bảy tuổi, hôm nọ sau khi ăn cháo xong liền chạy đến nghĩa trang, ngồi bên mộ của Ludovica mà hát. Bỗng, gió nổi lên, lá kêu xào xạc, cành đung đưa, có tiếng đáp lại du dương như chim hót. Có xe ngựa đi qua thấy cảnh này, tặng em cây đàn nhỏ.

Sussane vừa gảy đàn vừa hát:

Tôi ở trại tế bần Ludovica

Có cái cây xanh xanh

Có cơn gió mát lành

Ôi hỡi

Cảm tạ thần linh vì đã tạo ra con

Cảm tạ thần linh vì đã tạo ra thế giới

Vạn vật tươi đẹp biết bao

Cả Hoàng hậu Mariana yêu dấu

Nhưng người đã chết rồi...

Thương thay cho người mẹ của dân Estonia

Thương thay cho Quốc vương bệ hạ

Ngày xưa, có con chim nhỏ...

Hát bài ca về Hoàng hậu Mariana

Rằng: thuở xưa có nàng thiếu nữ

Con gái quý tộc, am hiểu hơn người

Trải qua chiến tranh, gian truân đẫm máu

Kết thúc có hậu, cưới được Quốc vương...

Thương thay, gia đình mất sớm

Gió đảo chiều, người cũng bay theo

Hát cùng ta, hỡi muôn hoa thắm nở

Cùng cầu nguyện, Hoàng hậu Ludovica.

Kết thúc bài hát, người trên xe ngựa nhoẻn miệng cười, quăng đồng xu bằng vàng cho em. Kẻ hầu đi theo toan buông rèm cửa thì bị ngăn lại. Bước xuống xe là quý bà tóc vàng, váy vóc lụa là kín người, đầu đội màn che, đôi môi đỏ chót. Sussane cầm đồng xu, ném lại vào chân quý bà, bảo:

"Không ăn được. Cứng quá."

"..."

Tiếng quý bà phá lên cười.

"Nhóc con, tiền có thể ăn được, còn ăn rất ngon nữa. Nhóc còn có thể làm rất nhiều điều ngoài ăn và ca hát, miễn nhóc đủ tiền để làm."

Nói rồi bỏ đi.

"Làm gì cũng được hở?"

Sussane tự lắc đầu mình, coi coi có chỗ nào bị va đập không. Đoạn, em nhặt lại đồng vàng chói lên, phủi phủi bụi, rảo bước về phòng. Cháo trắng, nấu với thật nhiều nước, cùng cốc trà lúa mạch có hơi mùi hăng hắc của vết gỉ kim loại là thực đơn ba bữa của trẻ con trại tế bần. Hiếm lắm, ví dụ như dịp lễ Tạ ơn, mỗi cô cậu bé sẽ được phát mẩu bánh mì bằng cái móng ngựa. Mà Sussane không phải đứa có đủ sự kiên nhẫn chờ đến lễ Tạ ơn.

"Cô Linda thích mấy thứ này lắm. Có khi mình lại được thưởng bánh mì bơ thay cho cháo loãng cũng nên..."

Cuộc sống của Sussane cứ xoay vần như thế, đợi đến khi mầm non chạm đến mốc trưởng thành, em sẽ hiểu về một thế giới không dành cho em. Đó là thế giới của Mariana Ludovica em từng ngưỡng mộ.

Chẳng cô gái nào tham vọng hơn đàn ông tham vọng nhất cô ấy từng gặp. Con mắt của nhà nghiên cứu khách quan chỉ ra rằng, cô phải làm theo lí tưởng mà anh ta nghĩ. Nếu cô là ngoại lệ, cô sẽ bị đào thải khỏi những kẻ tầm thường và vươn lên thành giới hạn suy nghĩ mới của người khác. Giới tính không phải khoảng cách, nó là định kiến.

Nhìn cái cách cô Linda ngăn Sussane đi học, cái cách bạn bè ủng hộ việc cô ấy từ bỏ ý định, bảo hành động của cô là điên rồ. Người ta chọn thà tin vào điều sai lầm tuyệt đối để phần lợi ích nghiêng về mình, còn hơn nghiêng về sự đúng đắn một chút để lợi ích bị tước đoạt. Phương Đông có người nêu lên quan điểm thực dụng của mình, đó là con người sinh ra đã xấu xa, ngược lại quan điểm cho rằng con người sinh ra đã thiện lành.

Nhìn vào cách ông chủ trại tế bần làm đủ mọi cách để Sussane vốn yêu quý nơi đây, ở lại làm việc vì ông ấy cần người chăm lo lũ trẻ ngày càng nhiều.

Tham vọng của Sussane...

Như cây nến dưới mái hiên dột nát.

Để tồn tại Nữ hoàng là điều bất khả thi. Một đại lục có đến hai vị nữ quân chủ còn khó tin hơn nữa. Tôi hiểu rằng, khi chấp nhận vị trí Hoàng hậu đầy quyền uy, có suy nghĩ trở thành Nữ hoàng đầu tiên trong lịch sử vô cùng điên rồ. Nó đồng nghĩa với việc người phụ nữ ngang hàng với chồng mình, có thể hơn một chút, hoặc bày binh bố trận, chuẩn bị tiếm ngôi.

Athelstan giữ vững ngai vàng chỉ bằng cách... thở. Dân chúng tin yêu Quốc vương của họ, và đổi lại diễm phúc được trị vì bởi đấng minh quân như thế, họ duy trì thời gian tại vị của Athelstan lâu hơn.

Hoàng đế Astor dùng đến các quan thần, thế lực nhà vợ để cai quản Đế quốc, nói chung tạm bình ổn gần mười năm.

Đại lục gồm bảy vùng đất có chủ quyền, đó là:

Đế quốc Monicabeaulied, trị vì bởi Hoàng đế Dalmon Diotatitus.

Đế quốc Lamas, trị vì bởi Hoàng đế Astor von Gloucester.

Vương quốc Bianamas, do Quốc vương Garry Felton cai quản.

Vương quốc Olusik, do Quốc vương Magnus Henrich cai quản.

Vương quốc Estonia, do Quốc vương Athelstan Osborne Estonia cai quản.

Vua Kaiser ngự trị xứ Isis.

Cổ quốc Allahsilva, bí ẩn. So với sáu quốc gia còn lại người muốn bành trướng thế lực, người ra uy duy trì sự ổn định, người đâm lén sau lưng, kẻ chen chân hưởng lợi, Allahsilva dường như chẳng có lấy một lời đồn đoán.

Nó là bí mật của thần linh, đe doạ những cái đầu thông minh nhất, khôn ngoan nhất và bảo họ rằng:

"Tốt hơn hết ngươi nên ngậm miệng lại."

Đế quốc Monicabeaulied có truyền thống lập điện thờ, cầu nguyện. Điện thờ của Monicabeaulied được biết đến rộng rãi với tên gọi "nơi nghỉ ngơi của thần Mặt trời", là tín ngưỡng vô cùng linh thiêng. Dân Monica đi đến đâu, đem vị thần của mình theo đến đấy, cộng thêm thói mê tiệc tùng, cũng nhờ đó văn hoá Đế quốc này được truyền bá rộng rãi.

Người ta đồn:"Biên giới của Monicabeaulied chỉ trải dài trên lưu vực các con sông lớn nhất, những nông trại đông đúc nhất, đồn điền sung túc nhất, trường học tốt nhất và điện thờ xa hoa hơn cả Hoàng cung vàng ngọc quý báu."

Trưởng công chúa của Olusik, chị gái Quốc vương Magnus Henrich, khi đó mười ba tuổi, nghe vậy chỉ vào con ngựa già trong chuồng và bảo:

"Ngựa của ta có thể chạy mười vòng quanh biên giới Monicabeaulied và bao vây nó cùng đàn ngựa Hoàng gia."

Quả đúng vậy, nàng ta sinh ra có được danh phận cao quý của vương quốc chiến binh chuyên bộ binh, kỵ binh và pháo binh - Olusik. Thưở xưa, Olusik bắt nguồn từ bộ lạc Olusikiev tám vạn người.

Do thường xuyên bị các bộ lạc khác quấy nhiễu, cướp bóc, trưởng bộ lạc nảy ra ý hay: kẻ thù ác, ta chỉ cần ác hơn là được. Ông cho bố trí bẫy ở bìa rừng, địch lao đến vướng vào sợi dây giấu dưới lớp tuyết mỏng, sợi dây từ gót bật lên, cuốn vào cổ chân.

Hồi đó chưa ai thuần hoá ngựa hoang, nó là động vật hoang dã vô cùng nguy hiểm. Người Olusik rải rau củ dưới đất để dụ ngựa hoang, đợi nó cúi xuống chăm chú ăn thì thòng dây vào cổ, nhảy lên mà cưỡi. Họ lại buộc dây bẫy vào yên ngựa, đánh trống rầm trời mặc cho đám ngựa hốt hoảng chạy toán loạn, dẫm đạp lên những con người khốn khổ không biết xoay sở sao để tránh khỏi vó ngựa nghiền hắn tan xương nát thịt.

Garry Felton của vương quốc Bianamas cũng từng nếm mùi thất bại trước người anh em Olusik. Điều đó khiến ông tức đến bây giờ, và nếu ai đó có hỏi thì ông khẳng định là thua đua ngựa chiến chứ nhất quyết không nhận Magnus thắng mình mảng văn chương.

Bianamas là kinh đô văn học, thi ca và hội hoạ. Nơi đây là khởi nguồn cho chữ viết đầu tiên đại lục, quê hương của biết bao đại thi hào và sinh ra vô số áng văn bất hủ. Với đời sống tinh thần cực kì sáng tạo, phong phú, biến đổi khó lường, Bianamas thu hút một lượng lớn người ngoại quốc đến thăm thú.

So với Bianamas, xứ Isis ảm đạm hơn nhiều. Ruộng đồng của nông dân héo rũ, lác đác vài xác động vật cho chim thú ăn. Có tổ chim sẻ trên cây ngô đồng, tiếng léo nhéo của chim non kéo đến vài kẻ thèm nhỏ dãi một bữa ăn. Cuốc thuổng chỉ dùng để phang nhau, tiếng tạt nước ràn rạt bên mé sông sậm màu cát. Đây cũng là mảnh đất sản sinh ra vị anh hùng chiến tranh Latouche Tréville vĩ đại sau này.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro