Ta chỉ có một lần để trưởng thành

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Máu thật đỏ, thật nhiều trước mắt Thái Hanh, khiến chàng trai trẻ tuổi như nhớ về những kí ức cũ, chỉ biết đứng như trời trồng nơi góc nhà, run rẩy hai bờ vai gầy, nhìn mấy ông anh mình vây quanh Duẫn Kì Hiệu Tích. Năm người chật vật cầm máu mổ sống lấy viên đạn ra khỏi Duẫn Kì với đôi ba dụng cụ y tế thô sơ vừa mới cướp được từ kho lương thực của tụi thực dân mắt xanh mũi lõ* kia. Ban đầu, Duẫn Kì còn sức, đau quá mà gằn tiếng lật mình liên tục, Chính Quốc lẫn Mân kìm mãi không xong còn bị anh đá cho chổng vó, về sau anh lớn thấm mệt, chỉ còn biết nằm ra mặc kệ mấy đứa em nhỏ mần chi mình, để cho Thạc Trân rạch từng đường dao nghiệp dư, cố gắng một tay cầm máu một tay gắp ra viên đạn bạc.

(Mọi người hay nói trại thành "mắt xanh mũi đỏ", nhưng "mắt xanh mũi lõ" mới đúng nha. Thơ Tố Hữu từng viết "Một thằng cướp mắt xanh mũi lõ. Đốc gươm dài tuốt vỏ cầm tay". Từ đó mà từ này được truyền miệng rộng rãi rồi biến tấu.)

Ngày đó, em trai bị thương khóc từng tiếng đứt quãng, cũng chính Thái Hanh là người lấy vải vụn nhét vào miệng em cho em đỡ đau, sợ em đau quá tự mình cắn lưỡi làm bản thân thêm thương tổn, nước mắt ứa ra từng dòng không biết làm sao cho em mình nguôi đi cơn đau thể xác đang hoành hành từng cơn. Gạo còn chẳng có no bụng, biết lấy đâu ra dụng cụ y tế, rồi dao kéo bông băng thuốc đỏ gắp lấy viên đạn? Cha má sốt ruột, Thái Hanh đau lòng, đứa em gái nhỏ cũng chỉ biết khóc vì bất lực trước tai hoạ ập đến, người trong làng thấy thế buột miệng khéo thì phải cưa mất chân để bảo toàn tính mạng. Thái Hanh nghe đến đấy mà lặng người, em trai còn quá nhỏ, vẫn còn cười đùa chạy giỡn với anh vừa lúc nãy khi anh rủ đi lấy gạo từ thiện, tương lai phía trước của nó còn đang quá đỗi ngời sáng, nay trở nên người tàn tật thì có phải quá đáng thương, quá tội nghiệp hay sao? Mà cho dù có cưa chân rồi, gia đình Thái Hanh cũng chẳng dám làm chuyện ấy lẫn không có đủ dụng cụ y tế để cầm lại máu, chẳng khác nào tự mình đưa con em mình đến cửa tử?

Máu chảy thấm ướt cả nền đất, bao nhiêu vải vụn cũng không đủ thấm lấy lau đi, ruồi nhặng xâu xé vây quanh em trai mỗi lúc một nhiều. Sốt ruột lo lắng cho em, Thái Hanh mới đánh liều đi cướp đồ. Từ khoảnh khắc đó cho tới lúc bị bắt, câu cuối cùng có thể nói với em cũng không thể, rồi thì bây giờ đã xa xứ bao lâu, chẳng biết em trai còn sống hay đã chết. Chỉ biết ngày ngày cầu nguyện, gửi những lời thương nhớ từ nơi xa xôi, đợi chờ một ngày đất nước thái bình, có thể tìm lại được cha mẹ, lo lắng cho hai đứa em nhỏ thành tài nên người.

Nhưng mỗi lần nhìn thấy máu, Thái Hanh lại không cầm lòng được mà sợ hãi, sự ám ảnh bủa vây anh, thảm kịch lại một lần nữa lặp lại với người anh thân thương của Thái Hanh, nhìn anh quằn quại rồi từng chút một lịm dần, trong đầu Thái Hanh chỉ có thể nghĩ đến những điều tồi tệ. Anh nghĩ đến em trai hiện giờ không rõ sống chết, nghĩ đến cảnh nếu Duẫn Kì không qua được lần này, hay là để lại di chứng về sau, Thái Hanh cũng không biết sống sao cho đặng với những ám ảnh dai dẳng suốt quãng đời về sau.

Không được, con đường cách mạng của bảy anh em chỉ vừa bắt đầu, súng đạn thương tích chằng chịt là chuyện hiển nhiên phải trải qua, không chỉ Duẫn Kì, mà mai sau những người anh còn lại và cả Thái Hanh cũng sẽ phải nếm trải. Đây chỉ mới là một thử thách nhỏ, để đem lại nền hoà bình độc lập, với đôi bàn tay trắng này còn phải chịu thêm gấp trăm gấp ngàn lần như thế. Thái Hanh không thể yếu mềm chỉ nghĩ đến tương lai mù mịt, nghĩ đến cảnh tang thương và sợ hãi. Phải vượt qua được, phải chống chọi lại được, ngay cả chính nỗi sợ của bản thân còn không thể vượt qua, thì hỏi sao có thể cầm súng lên mà đuổi bay được cái tụi thực dân kia?

Thái Hanh hít một hơi dài, lấy hết dũng cảm của mình bước từng bước thật chắc chắn, quỳ xuống bên cạnh Thạc Trân nói.

_ Anh, để em.

Người khéo léo và đảm đang nhất trong bảy anh em là Thạc Trân, ngay khi xác định rằng sẽ phải rạch thịt Duẫn Kì gắp viên đạn ra, cả bọn đã mặc định anh cả sẽ là người đảm đương nhiệm vụ khó nhằn này. Nhưng anh khéo léo thì khéo léo, anh không phải "đốc tờ", càng không phải người từng học qua thuốc thang mổ xẻ, anh chỉ biết đánh đờn, dao anh cầm quá lắm là xẻ đôi ba miếng thịt mà thôi. Mà thịt người thì làm sao mà so với thịt heo thịt gà kia chứ, huống hồ chi Duẫn Kì đang bị thương, đi một đường là đắn đo bao bận, ngộ nhỡ hoại tử là xong luôn cái chân tàn này của Duẫn Kì. Vì vậy anh đến vã hết cả mồ hôi khó khăn lia dao, nãy giờ mà chỉ mới đi được một đường để nới rộng vết thương ra nhìn thấy phần thịt mô thịt bên trong chứ còn chưa thấy được viên đạn tròn méo thế nào. Đột ngột nghe lấy lời yêu cầu của Thái Hanh, anh cũng lo lắng, thằng nhỏ bị ám ảnh tâm lý, ngộ nhỡ...

_ Em làm được mà, anh tin em.

Anh thấy lửa trong đôi mắt ấy, ngọn lửa của nhiệt huyết, của ý chí, của dám làm dám chịu, như cái lần bảy người cùng nhau ngồi lại thú thật với nhau về những định hướng khi Duẫn Kì Hiệu Tích bị lộ ra bí mật, ánh mắt lần này so với ngày hôm ấy chỉ có bằng hoặc hơn chứ không có kém. Thái Hanh là một đứa trẻ thật dạ, anh tin tưởng đứa em trai của mình sẽ thành công, vì vậy nhường lấy khăn và dao trong tay cho Thái Hanh, còn mình thì cầm lấy đồ kẹp, ngồi bên cạnh quan sát. Nam Tuấn xong xuôi lau lấy mấy vết máu khô trên người Hiệu Tích mệt lả người, cũng cùng Chính Quốc và Mân kiềm lấy Duẫn Kì.

Việc đột ngột tiếp xúc với máu ở cự ly quá gần cùng cái mùi sắt tanh nồng từ máu khiến Thái Hanh có chút choáng nhẹ, tuy nhiên chỉ một giây ngắn ngủi anh lại trở lại trạng thái bình tĩnh và lý chí nhất của mình, dứt khoát đặt dao xuống đi một đường lên bắp chân loang lổ của Duẫn Kì. Máu lại một lúc chảy ra thật nhiều, anh nhanh tay dùng khăn khó khăn chậm lại bớt, Duẫn Kì gầy đến nỗi không có mỡ, trực tiếp rạch sâu thêm một đường thấy đến cả phần xương lấp ló. Viên đạn ở giữa những lớp thịt xám xịt yếu ớt nổi bần bật, như một bức tranh kinh dị trong những đêm mơ khói đạn mà Thái Hanh vẫn thường nhìn thấy qua những đêm mới xa nhà bị nhốt, bị đánh, bị tra tấn. Duẫn Kì cảm nhận cơn đau rõ ràng, hơi giật chân lại muốn trốn tránh, Chính Quốc lại phải dùng thêm lực giữ lấy anh, nhét vào miệng anh thêm một ít vải, trấn an anh rằng một lúc nữa thôi, sắp xong rồi, chỉ cần chịu thêm một lúc nữa.

Thấy được đạn rồi, gắp ra mà không ảnh hưởng đến xương cốt hay là những sợi dây gân xanh xanh tím tím chằng chịt xen lẫn lớp thịt lớp da lại là chuyện khác, nhận lấy kẹp từ Thạc Trân, mắt Thái Hanh lại bắt đầu hoa hết cả lên. Tiếng khóc than của em trai nhỏ, máu nhuộm đỏ cả một vùng trời, lời nói của những người hàng xóm hết "cưa chân" lại "sống sao mà nổi" như sấm rờn bên tai. Kẹp chạm được vào viên đạn, lại không dám kẹp lấy nhấc lên, nỗi sợ lần nữa quẩn quanh Thái Hanh một cách vô hình, bóp nghẹn anh không sao thở nổi.

_ Anh ơi, anh Kì...

_ Thái Hanh, Thái Hanh.

_ Hanh! Hanh, em ổn không?

_ Bình tĩnh lại em!

Mọi người bắt đầu lo lắng khi mà Duẫn Kì thở dốc, không ổn định được cơ thể được nữa rồi, mà Thái Hanh vẫn còn đang đấu tranh tâm lý với việc sợ hãi với máu, sợ hãi với cảnh người thân của mình bị thương và đau đớn trước mặt mình, hơn hết còn trong tâm thế vô cùng nguy kịch, mạng sống của họ đều đang chờ anh giúp sức.

"Anh hai ơi..."

Nghe thấp thoáng đâu đó, Thái Hanh nghe tiếng em trai mình gọi mình, sửng sốt nhìn quanh mà sao không thấy ai đâu hết cả, tất cả chỉ là tưởng tượng vì quá nhớ thương trong lòng, sinh sôi chớm nở mà hình thành ảo giác gợi nhớ cho Thái Hanh. Nhưng chính tiếng gọi đó cũng như một phát súng đem lại sự sống cho đêm vắng lạnh, cảnh tỉnh cho Thái Hanh biết được hiện tại anh đang ở đâu, anh đang trong tình thế như thế nào, và trước mặt anh, chính là Duẫn Kì. Anh cần phải nhanh tay gắp lấy viên đạn, khâu lại vết thương, cầm máu cho Duẫn Kì thật nhanh khi mà Duẫn Kì đang mất máu nhiều đến thế kia.

Động tác Thái Hanh gãy gọn, lần nữa dứt khoát như ban nãy lia dao rạch một đường trên da thịt Duẫn Kì, viên đạn gọn gàng được kẹp lên, đặt trên chiếc khăn Thạc Trân đã cầm sẵn từ trước, không tổn hại đến các dây thần kinh, mọi người đều đồng loạt thở phào. Cây kim sợi chỉ luồn vào, may từng đường kim lấp lấy quá khứ lẫn vết thương từ viên đạn lạc kia, khép lại một khởi đầu gian truân khổ ải của bảy anh em, nhưng vẫn để cho Duẫn Kì một vết sẹo lồi như con rết xấu xí uốn lượn trên bắp chân gầy gọt, như minh chứng nhắc nhở lại đau thương của cả Duẫn Kì, của cả Thái Hanh, của cả năm người còn lại về lần đầu chiến đấu chống trả lại bọn thực dân kia. Càng như một vị thuốc bổ, khơi gợi lại lòng nhiệt huyết sục sôi quyện cùng dòng máu đỏ đang chảy cuồn cuộn trong lòng mỗi người khi nhắc lại.

_ Làm tốt lắm, anh còn sợ em không được, suýt nữa giật lấy làm thay em. - Sau khi khâu lại vết thương, Duẫn Kì Hiệu Tích nằm trên giường ngủ lấy sức, năm người còn lại thì thay nhau dọn dẹp canh gác, ngộ nhỡ nếu như tụi nó có đi tuần lùng sục Duẫn Kì thì còn biết mà bảo nhau đi trốn. Thấy Thái Hanh đã qua được nỗi sợ, bình tĩnh trở lại, Thạc Trân mới đùa vui trò chuyện với đứa em không cùng dòng máu, nhưng anh thương như là cùng tấc da tấc thịt. - Sau này ngộ nhỡ có chuyện, anh coi như nhẹ gánh khi có em san sẻ rồi.

_ Ấy, đừng nói gở như vậy, em không giỏi đâu, là do được mọi người ủng hộ tiếp thêm sức mạnh đó.

Thái Hanh không kể anh nghe về giọng nói đã kéo bản thân về thực tại, giữ lấy câu chuyện trong lòng, bản thân cũng có những suy nghĩ riêng về hiện tượng ấy, nhưng vẫn cố trấn an bản thân hãy hướng về những khát vọng, những hoài bão và ước mơ, viễn cảnh về chỉ ít lâu nữa, khi không còn những tụi tây chó má ấy trên mảnh đất này, gia đình sẽ tụ họp, anh sẽ dạy cho hai đứa em anh viết chữ, mấy cái chữ hay hay mà anh được anh Nam Tuấn dạy cho ấy, hồi ấy nhà nghèo làng nghèo có ai biết chữ đâu, nên cả nhà cũng ù ù cạc cạc luôn. Còn có chỉ tụi nó chơi thả diều nữa, bằng đôi chân trần đi hết khắp những thửa ruộng bạt ngàn, rong ruổi nhìn cánh diều giấy lúc cao lúc thấp, dưới ánh chiều tà đỏ thẫm hoạ thành bức tranh yên bình.

Ngày đó, không còn xa nữa, Thái Hanh tin chắc là như vậy!

~TpHCM 14/6/2020~

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro