Chương 3: Kẻ mạo danh

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Giọng nói ồm ồm vang lên, kéo theo những mảng kí ức rời rạc ùa về trong tâm trí tôi. Tỉ mỉ quan sát đầu mày, khoé mắt kia, cũng không khó để nhận ra quan hệ của bọn họ. Nhưng thế lại khiến tôi ngạc nhiên gấp bội. Người bố đang ngồi trước mặt tôi lúc này không hề giống với người bố gầy còm quê mùa, quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời trong miệng hắn.

Môi tôi mấp máy còn chưa biết đáp gì, người đàn ông lại thẳng thắn nói:

- Về phần những chuyện khác, cháu đều không cần biết, vì từ giờ trở đi, chú muốn cháu tránh xa con trai chú ra, càng xa càng tốt.

Tôi nhíu mày, lời này không dễ nghe, lại chứa quá nhiều thông tin khiến trong một lúc tôi chưa hiểu được. Tôi vô thức nhìn chằm chằm vào gương mặt thoạt quen thoạt lạ của người đàn ông. Khi ấy, so với bố mình, hắn có thêm vài phần ngang tàng, lại thiếu đi vài nét tinh anh. Nhưng về sau hắn thực sự chẳng mất nhiều thời gian để đuổi kịp ông ta.

Người đàn ông không hối thúc, chỉ vừa ngắm nghía mặt đồng hồ trên tay, vừa kiên nhẫn chờ đợi một câu trả lời.

Tôi thở dài, cảm nhận vết thương băng gạc trắng âm ỉ đau, nhìn gian phòng bệnh giản dị nhưng đầy đủ, còn được ở một mình này, lại nhớ về thái độ của mẹ trước đó, bỗng nhiên hiểu ra rất nhiều chuyện.

- Cháu xin lỗi vì đã khiến chú hiểu lầm, nhưng giữa hai chúng cháu không hề có quan hệ gì đi quá giới hạn. Cho nên chuyện kia, chú đừng lo ạ. – Tôi nhẹ giọng, mỉm cười chân thành nhưng trong lòng chính tôi cũng không biết lời mình nói ra có bao nhiêu phần thật.

Người đàn ông cười theo, biểu cảm khó đoán, thoải mái đáp:

- Cảm ơn cháu, chú tin cháu.

Lại hỏi han khách sáo đôi câu, người đàn ông nói có việc cần rời đi. Tôi nhìn cái đồng hồ vàng được để lại ở tủ đầu giường, vừa định lên tiếng thì bị đối phương chặn lại:

- Chú đến tay không là thất lễ, cháu cứ nhận đừng từ chối. – Ông nói, rồi đột nhiên bổ sung thêm một câu không đầu không cuối. – Vật nhỏ chẳng đáng tiền, nhưng dùng để ước lượng thời gian thì vừa đủ, mong nó hữu dụng với cháu.

Trước khi người đàn ông rời khỏi, tôi buột miệng hỏi ra điều mình vẫn nghĩ:

- Chú thực sự là bố của anh Nam ạ?

Vừa dứt câu tôi đã hối hận, nhưng ông ấy lại chậm rãi lắc đầu, câu trả lời khiến tôi sững sờ.

- Chú không phải bố của Phạm Văn Nam, chú là bố của Trần Bắc Hoàng. – Ông nói, rồi bước nhanh ra khỏi phòng.

Trần Bắc Hoàng. Tôi lẩm nhẩm ba chữ ấy, thấy đôi môi khô khốc liền với ly nước muốn uống, nhưng bàn tay run rẩy của tôi lại làm cái ly thủy tinh rơi xuống đất vỡ tan.

Bố mẹ tôi ở bên ngoài nghe tiếng động vội chạy vào. Mẹ cầm tay tôi lên xem có sao không, xót xa sờ trán, xoa má tôi. Người bố kinh doanh vỡ nợ, ngày thường khó thấy bóng dáng của tôi, hôm nay vậy mà cũng có mặt, đang cầm cái đồng hồ vàng săm soi, đoạn xuýt xoa kêu:

- Vàng thật mẹ nó ạ! Ui giời ơi, đúng là gặp quý nhân phù trợ! – Bố đẩy mẹ ra, kích động ôm lấy tôi. – Nhà mình hết nợ, tất cả là công của con gái đấy!

Cái ôm tôi từng nhớ nhung hoá ra không ấm áp như tôi nghĩ. Tôi nhìn mẹ trộm lau nước mắt, sống mũi cũng thấy cay cay. Thôi được, đành thế.

Sau khi hồi phục, tôi gấp rút quay trở lại trường, chuyên tâm chuẩn bị thi Đại học. Trước kia tôi đi làm là vì lo học phí, đỡ gánh nặng cho bố mẹ, giờ nợ đã thanh khoản, tôi không nhất thiết phải đến đó nữa. Tôi gọi điện cho anh chủ xin nghỉ, nhờ anh nhắn với cái Trinh và anh Phúc là đợi tôi thi xong sẽ đến gặp mọi người từ biệt. Nghe nói, hắn cũng không quay trở lại quán cơm nữa. Họ có hỏi tôi, chuyện tôi với hắn là sao, nhưng tôi xin phép không kể.

Hoàn thành những điều đó, cuộc sống của tôi trở lại sự bình yên nguyên thủy nhất – hệt như trước khi bố tôi vướng vào nợ nần, nhà chúng tôi vẫn còn khá giả, không phải ăn bữa nay lo bữa mai. Mỗi buổi chiều thứ bảy, bố sẽ lái xe chở cả nhà lên bờ hồ ăn cơm hàng. Dùng bữa xong, ba anh em chúng được chọn kem tráng miệng, còn bố mẹ mỗi người sẽ nhâm nhi một tách cà phê. Bảy năm trước, tôi vẫn còn là nàng tiểu thư được nuông chiều quen thói, ăn hết kem của mình sẽ chạy sang dùng đôi mắt long lanh và cái miệng nhỏ phụng phịu xin kem của anh trai, anh thương tôi nhất nên cả hai que kem nghiễm nhiên đều rơi vào bụng tôi. Bảy năm sau, anh tôi đã sớm từ bỏ giấc mơ Đại học, đi làm xa giúp bố trả nợ và nuôi hai em ăn học, còn tôi, bàn tay chũn chĩn hồng hào cũng dần thở nên thô ráp vì hoá chất nhà hàng.

Nghe tin trả hết nợ, anh tôi vừa ngạc nhiên vừa mừng rỡ, lập tức xin nghỉ ba hôm liền bắt xe về. Nhưng sau khi nghe rõ đầu đuôi, trong mắt anh toàn là xót xa, kéo tôi ngồi xuống bên cạnh, cầm tay tôi thật chặt, thở than:

- Mấy đồng tiền đổi bằng cả tính mạng của con cái mình thì có ra gì đâu! Có ra cái gì đâu! Ôi, em ơi, em gái của anh!

Tôi nhìn người anh cả mới ngoài hai mươi mà trên gương mặt xưa kia tuấn tú xán lạn giờ lại chằng chịt dấu vết lão hoá vì quanh năm làm việc ngoài nắng, đau lòng gấp bội, nắm lại đôi tay gầy guộc của anh, thủ thỉ:

- Em không sao, mọi chuyện qua hết rồi, anh về đi, về học lại đi.

Anh chỉ lắc đầu, cười như khóc, nói muộn rồi, nói tôi hãy giúp anh hoàn thành nghiệp học.

Lần này, tôi trở lại trường với một tâm thế hoàn toàn khác, không cần lo học xong chạy đi làm nữa, nên vô cùng thoải mái. Buổi sáng học trên trường, chiều về hoặc là tụ tập ở sân vận động học nhóm, hoặc là lên thư viện đọc sách, thỉnh thoảng lại ra phố hóng gió, ăn quà vặt. Giờ tôi mới biết sống đúng với lứa tuổi của mình lại hạnh phúc đến vậy.

Đương nhiên, tất cả những điều đó đều chẳng thể khiến tôi lập tức quên đi con người ấy. Tôi phân vân rất nhiều, cuối cùng chọn cách bỏ qua, không cố tìm hiểu về hắn nữa. Phần vì... giận, giận hắn chẳng những nhân thân, mà ngay cả cái tên cũng là bịa đặt. Vậy xung quanh kẻ mạo danh đó, còn bao nhiêu điều giả dối khác? Phần vì không có lý do để làm thế - cái đồng hồ vàng trên tay bố là lời nhắc nhở rõ ràng nhất về sự an phận mà tôi đã hứa hẹn. Nhưng đồng thời, tôi cũng phải thừa nhận, sau ngày hắn biến mất, trong lòng tôi bỗng xuất hiện một khoảng trống rỗng mênh mang. Tôi xếp gọn những mảnh giấy gói quà với nếp xé đều tăm tắp vào sâu trong hộc tủ, coi như nỗ lực lấp đầy khoảng trống ấy, để an tâm tiếp tục sống một cuộc đời bình thường.

Đấy là nếu ông trời đồng ý để hắn cứ như vậy rời khỏi số mệnh của tôi.

Vào một ngày, tôi nhận ra dường như có ai đó đang theo dõi mình. Ai đó, với bóng lưng cao lớn quen thuộc, cố lẩn trốn vào đám đông mỗi lần tôi đưa mắt nhìn qua. Thành thực mà nói, tôi không sợ mà thấy thật buồn và bất đắc dĩ, cho nên tôi quyết định ngả bài sớm, tránh cho hắn mất thời gian vô ích.

Trên con đường thoang thoảng mùi hoa sữa, chúng tôi đứng cách nhau độ ba mét, tôi mang đồng phục, xách cặp da, hắn mặc quần bò cũ, áo phông nhăn nhúm, đội mũ lưỡi trai lụp xụp. Trông hắn bây giờ không khác lần đầu chúng tôi gặp nhau là mấy. Chẳng qua lúc này, tôi nhìn chằm chằm cần cổ vẫn còn hằn dấu dây và gò má hốc hác của hắn, còn hắn thì hân hoan nhìn tôi.

- Anh đi theo tôi làm gì? – Tôi không đợi hắn lên tiếng, thẳng thắn hỏi.

Hắn có chút ngỡ ngàng vì thái độ xa cách của tôi, nhưng vẫn đầy thân tình, tiến lên một bước, hấp tấp đáp:

- Tôi muốn xem Yến thế nào, Yến không sao tôi mới yên tâm.

Tôi thở dài:

- Ờ, xem xong rồi thì đi đi.

Hắn để ý thấy tôi kín đáo lùi lại một bước, khoé miệng gượng cười không duy trì được nữa.

- Yến sợ tôi sao?

- Không sợ... Mà là ghét. – Tôi nhấn nhá, chỉ để thấy ánh sáng trong mắt hắn dần dần tàn lụi. – Chẳng ai muốn ở cạnh một kẻ nói dối lùng quanh cả, thưa anh Trần Bắc Hoàng.

Hắn cúi gằm, hai tay nắm chặt, một lát mới ngẩng đầu, tha thiết:

- Giờ tôi muốn nói thật với Yến, có còn kịp không?

Tôi bật cười:

- Muộn rồi. – Đoạn lấy trong cặp ra một vật, giơ lên cho hắn xem. - Anh nhìn đi, tôi nai lưng làm việc ở cái quán cơm rách nát đó mười năm cũng không mua được thứ này đâu, anh đúng là đồ có phúc không biết hưởng. May mà bác trai hào phóng lại chu đáo, chứ không nhát dao này tôi lại đỡ uổng rồi.

Nhìn sắc mặt hắn lạnh xuống, tôi đoán hắn đã nhận ra cái đồng hồ. Tôi duy trì nụ cười xấu xí, chờ đợi một cơn thịnh nộ và những lời miệt thị cay nghiệt. Nhưng tôi lại vô tình quên mất hắn là người như thế nào.

Hắn chẳng buồn liếc thứ kia lần nữa, đôi mắt đen không đáy dõi vào tôi, chậm rãi mở miệng:

- Yến muốn những thứ này?

Tôi hất cằm:

- Đúng, đắt hơn thì càng tốt. Đồ rẻ tiền và người rẻ tiền tôi đều không cần.

Hắn đi rồi, tôi thấy sức lực toàn thân cũng rút đi theo. Khó khăn lắm mới về đến nhà, tôi không ăn trưa mà lết vào phòng đóng chặt cửa, đổ xuống giường như một vũng bùn. Tôi thầm nhủ, đã trở mặt đến nước này, làm sao hắn còn có thể tử tế với mình nữa, tốt biết mấy. Vô thức đưa tay chạm lên mặt, chẳng biết từ lúc nào, hai má tôi đã ướt đẫm, ga giường cũng ướt đẫm.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro