thuận sơn | đầu làng có gốc cây đa (1/2)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Disclaimer: Đây là một tác phẩm hư cấu với những địa danh không có thật, hoàn toàn không có giá trị lịch sử.

*********

Ừ thì mình ngại mưa mau
Cũng đưa anh đến bên cầu nước xuôi
Sông này chảy một dòng thôi
Mây đầu sông thẫm tóc người cuối sông.

.

Cơn giông mùa hạ dấy lên ở phía Nam, mây đen từng khối ùn ùn đùn lên như nấm từ chân trời. Mảng nắng chiều hẹp dần. Từ trong biển mây đen dày đặc, thỉnh thoảng quắc lên một tia chớp xanh lè, ngoằn ngoèo rạch sáng vào nền trời xám xịt như bị đổ chì. Những bóng mây trôi qua các cánh đồng chiêm mới cấy, loang lổ, mảng sáng, mảng tối, ô xanh, ô vàng, nhìn về xa xa như một tấm da báo trải rộng hút tầm mắt.

Phạm Duy Thuận nhanh tay nhanh chân thu gom mớ dược liệu đang phơi ngoài sân vào nhà cho kịp cơn giông, đặng khỏi hỏng mất công sức mấy ngày vất vả. Anh đem cất hết trong chái nhà kho bên hông trái rồi cẩn thận đi kiểm tra lại gian hàng rào dựng ngoài hiên xem đã đủ vững vàng trước mưa gió chưa, chỉ sợ lại đổ mất như hồi tháng trước. Xong xuôi đâu vào đấy, anh mới yên tâm đứng chống hông nhìn ra ngoài trời, lẩm bẩm.

"Không biết hôm nay em ấy có đến không nhỉ?"

Đáp lại anh là một tiếng sấm đì đùng rền vang ngay sau roi chớp. Mới đầu chỉ là lác đác vài hạt mưa lộp độp, chẳng mấy chốc, cả vùng non nước đã bị nhấn chìm trong màn mưa giăng mịt mù trắng xóa tầm nhìn. Thở dài ngóng mắt nhìn ra đường làng thêm một lúc nữa, Thuận đành ngậm ngùi lui vào nhà, chấp nhận rằng có lẽ hôm nay người ấy sẽ không thể tới được. Mưa to thế này, anh cũng chẳng muốn người ấy tới làm gì, kẻo người ta về lại lăn ra ốm thì chết dở. Biết thế, cơ mà thiếu vị khách quen, lòng anh cứ trống vắng sao sao.

Thấy cũng đã nhập nhoạng, Thuận bèn tìm tim bấc thắp đèn, đoạn lấy mấy gói thuốc phối dở hôm trước ra sắp xếp lại. Căn nhà anh nhìn thoáng qua trông khá đơn sơ, nếu không muốn nói là có đôi phần trống trải. Gian tủ thuốc được đặt gọn gàng bên tay phải, cách mấy bước chân có một cái giường kê phản cũ kỹ. Cả gian nhà thoang thoảng mùi dược liệu, những thứ mùi khác biệt của từng loại trộn lẫn vào nhau hợp thành dải mùi hăng hắc khó ngửi. Người nào không quen có thể sẽ thấy khó chịu, nhưng Duy Thuận đã sống cùng mùi thuốc thang từ thuở mới lọt lòng, anh sớm chẳng còn lạ lẫm gì với nó nữa rồi.

Mười mấy năm về trước, cha anh vốn là một thầy lang nổi tiếng mát tay trong vùng. Khắp cái làng Gai, à không, khắp cả cái xã Bắc Xá này không ai là không biết đến thầy Văn Thu thông thạo y lý thần sầu, đã vậy còn mang tấm lòng bác ái vô biên, sẵn sàng thăm khám cho bất cứ ai chẳng từ giàu nghèo hay sang hèn. Ai cũng hết lời tán dương ông là bồ tát sống, lương y như từ mẫu cùng đủ thứ từ ngữ mỹ miều khác. Đặc biệt là sau khi ông chữa cho tiểu thư lá ngọc cành vàng nhà quan Tri huyện khỏi căn bệnh bại liệt quái ác, tiếng tăm ông càng nổi như cồn. Các nhà khá giả cũng yên tâm nhờ cậy, rồi giới thiệu ông cho nhiều người bệnh khác từ phương xa ghé lại mong tìm một phép màu. Thời đó nhà Thuận cũng được coi là dạng có của ăn của để, dư dả thì chưa đến mức nhưng cuộc sống hai cha con cũng chẳng tới nỗi nào.

Điều đau đáu duy nhất trong cuộc đời của ông Văn Thu là về người vợ quá cố. Người vợ mà ông đã đường hoàng sắm sanh cau trầu đến nhà phụ mẫu thân sinh hỏi nàng về, người vợ đã đồng cam cộng khổ với ông từ những năm tháng cơ hàn, người vợ đã hết lòng vun vén cho ông học hành mà chẳng khi nào than vãn lấy một câu. Người vợ sau khi mang nặng đẻ đau đứa con trai đầu lòng, đã nhắm mắt xuôi tay vì sức khoẻ sau sinh quá yếu ớt. Ông đã cứu được bao nhiêu mạng người, nhưng lại chẳng thể cứu được người mà mình yêu thương nhất dẫu có cố gắng đến nhường nào. Người vợ ấy đi, để lại Duy Thuận khi ấy vẫn còn là một cục thịt đỏ hỏn, khóc ngằn ngặt vì đói sữa và một người chồng chìm trong đau khổ khôn nguôi.

Làng trên xóm dưới hồi đó vẫn đồn thổi rằng, chẳng chóng thì chầy, ông Văn Thu sẽ đi thêm bước nữa. Ông vẫn còn đương cái tuổi trẻ chưa qua già chưa tới, tư chất lại giỏi giang thì ắt hẳn phải tính đến bà kế bà thiếp rồi, đời nào lại chấp nhận chịu cái cảnh cô đơn phòng không gối chiếc!

Ấy thế mà ông chịu thật. Một mình ông vừa vò võ gà trống nuôi con, vừa quán xuyến tiệm thuốc nhỏ. Duy Thuận còn quá bé, ông đành đi khắp làng xin những bà đẻ chưa cai sữa cho con bú nhờ, lớn thêm chút thì tự ông nhá cơm cho con ăn. Trộm vía hẳn là do trời thương, Thuận càng lớn càng khỏe mạnh lanh lợi, lại ít khi ốm vặt làm ông cũng đỡ đi phần nào lo toan. Căn nhà nhỏ cũng dần rộn tiếng nói cười, bớt đi phần nào vẻ u ám tiêu điều. Ông Văn Thu cũng tính toán trước, đợi khi con cứng cáp hơn, nhớ được mặt chữ thì cho đi học; ít nhiều gì cũng phải biết đọc sách, biết cầm cây bút mà viết. Ngày ông bưng cơi trầu chai rượu đi xin thầy cho con nhập học, ông cũng thầm hy vọng thằng con ông sẽ chăm chỉ dùi mài kinh sử, mai sau công thành danh toại cho đáng thân trai, cho ông được dịp nở mày nở mặt với bà con xóm giềng.

Nào ngờ Duy Thuận chỉ hào hứng được mấy buổi đầu, sau đó nằng nặc đòi về theo cha học hốt thuốc...

Buổi trưa hôm ấy, ông rượt nó chạy khắp làng. Mà nó cứng đầu ngang bướng quá, cái thân già của ông nào có đuổi lại đâu. Hết cách, ông đành chấp nhận cho nó chỉ đi học buổi sáng, còn lại về làm việc ở tiệm thuốc. Ông giao hẹn với nó, đã muốn theo ông học y dược thì phải làm đến nơi đến chốn, nếu không thì đừng hòng ông cho nó rớ vào tủ thuốc trong nhà chứ đừng nói là hành nghề. Thấy cha nghiêm túc, Thuận cũng ngoan ngoãn vâng dạ, hứa sẽ theo đến cùng.

Thời gian cứ thế thấm thoắt thoi đưa, chẳng mấy chốc Duy Thuận đã bước vào cái tuổi mười bảy bẻ gãy sừng trâu, cũng đã dần thành thạo trong công việc hơn. Lưng cha anh đã còng, mái tóc thêm nhiều sợi bạc, đôi mắt cũng chẳng còn tinh tường như xưa, lại mắc thêm vài căn bệnh mãn tính. Mấy năm ròng, ông dần giao khoán việc bắt mạch kê đơn cho con trai nhằm tránh lao lực quá nhiều, nhưng đúng là số mệnh không lường trước được điều gì. Một mùa sen nở lại đến, nhưng nó mang theo điềm dữ: ông Phạm Văn Thu tạ thế. Hôm ấy, Duy Thuận ở bên cha mình suốt phút lâm chung, lắng nghe ông dặn dò những lời trăng trối sau cuối.

"Cái mệnh của con người ta là sinh, lão, bệnh, tử. Cha ốm đau kỳ này, nếu không qua khỏi thì có nghĩa là số cha đã tận. Nhược bằng... Chữa được bệnh không ai chữa được mệnh. Con hãy cứ thư tâm mà trau dồi thêm kiến thức, đừng bao giờ quên đi cái sơ tâm của người thầy thuốc, ấy là cha yên tâm rồi..."

Anh nắm chặt tay cha, môi mím lại ngăn tiếng nấc. Qua giờ Tuất, cha anh cũng trút hơi thở cuối cùng, thác xuống âm ty. Chôn cất cha xong xuôi, Duy Thuận tiếp quản tiệm thuốc của cha, thỉnh thoảng anh nhận làm vài việc lặt vặt kiếm thêm chút tiền tiêu. Từ ấy đến giờ cũng đã hơn bảy năm rồi...

Thở dài, anh bứt mình khỏi dòng thác hồi tưởng đang tràn về rồi đứng dậy. Dù chưa muốn ăn lắm, Duy Thuận vẫn quyết định vào bếp làm trước vài món đơn giản. Chắc chắn là vì tới giờ cơm mà anh vẫn đang làm dở việc chứ không phải vì anh vẫn muốn đợi đâu. Anh lúi húi thổi lửa nấu cơm, rồi làm thịt mấy con cá cho món kho bữa tối. Cá này anh mới bắt được sáng nay lúc rỗi việc, trông thân mình cũng chắc thịt, núc ních lắm. Chẳng mấy chốc mà mùi thức ăn thơm nức mũi đã bay khắp nhà, mang lại chút cảm giác ấm áp gia đình. Quẹt ngang mồ hôi trên trán, Thuận đứng dậy dọn dẹp khu bếp, sắp chén đũa vào mâm cơm chuẩn bị mang lên nhà.

Ngoài trời, tiếng mưa rơi lộp bộp tầm tã bớt dần. Những âm thanh khe khẽ bị át đi ban nãy giờ đã trở lại, mang tới cảm giác quen thuộc vốn có của một buổi tối thanh bình chốn làng quê. Mới ngồi ghé xuống phản, Duy Thuận đã nghe thấy tiếng bước chân nhỏ vụn khoan thai tiến đến gần cửa. Chẳng có gì qua được cái tai thính trời sinh của anh. Biết có người tới, dù chưa rõ là ai, anh cũng đứng dậy chỉnh trang áo xống cho tươm tất đặng đón khách.

Bước chân ngày càng gần hơn, rồi Duy Thuận cũng nom thấy được hình hài người khách trong tầm mắt. Bóng dáng cao ráo khoác chiếc áo tơi đi mưa, vạt ngũ thân màu lục sẫm thấp thoáng di chuyển theo từng nhịp bước thanh thoát. Bóng dáng mà anh rất quen, bóng dáng anh đã ngóng trông từ chiều. Anh thấy hơi thở mình hụt mất một nhịp, trái tim nơi ngực trái vô thức đập nhanh hơn trong niềm vui bất ngờ chợt đến.

"Anh Thuận, anh nghỉ rồi phỏng?"

Duy Thuận đẩy vội liếp cửa, tươi tắn cười mà đáp.

"Cậu út Sơn đấy phải không? Chưa, tôi đâu đã nghỉ! Mời cậu vô nhà chơi."

Người con trai được gọi là cậu út Sơn tháo dây áo tơi, giũ nhẹ rồi mới bước vào trong. Ánh đèn vàng soi tỏ một khuôn mặt thanh tú, cánh mũi thẳng tắp và đôi mắt to sáng ngời như chứa cả hồ thu. Nét đẹp tuy không quá mềm mại nữ tính như con gái, nhưng cũng chẳng quá gai góc rắn rỏi như những thanh niên trai làng. Dù đã được ngắm nhìn không biết bao nhiêu lần, anh vẫn phải xuýt xoa không thôi nhan sắc tuyệt vời này. Huỳnh Sơn mỉm cười, cất lời thăm hỏi:

"Anh khoẻ chứ? Nay trời mưa quá nên tôi không qua sớm được, làm phiền anh rồi."

"Nào có sao đâu, ông trời dạo này đỏng đảnh dấm dớ quá chừng, cậu cứ chạy qua có khi lại dính mưa ốm mất." Thuận lắc đầu phản bác, đoạn lảng sang chuyện khác. Thật ra cũng chẳng khác lắm, vốn dĩ đây là chuyện chính sự phải làm mà. "Ngài Tổng đốc đã đỡ hơn chưa? Tôi đoán thuốc chắc cũng vừa hết, nếu không còn vấn đề gì thì không cần kê thêm thuốc đâu."

"Bệnh cũ thì cha tôi đỡ nhiều rồi, nhưng dạo này trái gió trở trời thành ra cha lại bị ho suyễn, mong anh giúp tôi."

"Rồi, cậu đợi tôi chút nhá." Nói đoạn anh đứng dậy, đi vào nhà lấy thuốc. Cậu Sơn cũng theo anh vào trong, đứng một bên chờ Duy Thuận làm việc. Đôi tay anh thoăn thoắt bốc một lạng đĩnh lịch, một lạng tri mẫu, thêm một lạng rưỡi sa đường rồi nghiền nát ít táo nhục, lấy năm đồng. Gói thuốc xong, anh đưa cho Huỳnh Sơn, nhận tiền rồi chu đáo hỏi.

"Cần tôi chỉ cậu lại không?"

"Tôi nhớ mà, quyện các vị thuốc lại với nhau, tán vụn ra rồi đổ vào tấm vải mỏng mà sao, dùng nó làm thuốc ngậm. Mỗi lần chỉ được ba viên thôi, đúng chưa nào?" Cậu nói rành rọt, mắt sáng long lanh xem chừng tự hào lắm.

"Đúng rồi, cậu nhớ giỏi ghê ha." Duy Thuận gật gù khen ngợi, dịu dàng nhìn Huỳnh Sơn cười khúc khích khoái chí. Trẻ con thật, anh nhủ thầm.

"Mà anh chưa ăn tối hả?" Đột nhiên cậu nghếch đầu hất về mâm cơm phía sau. "Đừng bảo là anh ngồi chờ tôi nha. Có lỗi lắm đó."

"Không... tôi mải xếp thuốc quá nên ăn trễ xíu." Thuận lắc đầu nói dối không chớp mắt. "Cậu út ở lại ăn cơm nhé? Nay tôi kho niêu cá, mà chẳng có ai ăn cùng."

Huỳnh Sơn có hơi chần chừ đôi chút, nhưng nhìn xuống gói thuốc rồi nhìn ra ngoài, cậu vẫn đành từ chối, hẹn hôm khác ghé qua. Duy Thuận cũng không nài, anh tiễn cậu ra tận cửa; mình thì lưu luyến đứng trông theo bóng cậu mãi đến khi dáng hình ấy khuất xa khỏi tầm mắt. Trưa đã ngớt hẳn cơn mưa, chẳng còn giọt nào vấn vương trần thế nữa, nhường lại cho không gian bấy giờ bầu không khí quang đãng. Anh hít một hơi thật sâu đầy khoan khoái, đoạn vui vẻ lui bước vào trong.

Cơm hôm nay hình như ngon hơn mọi ngày thì phải.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro