Phần 10

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Lúc này thì hiệu trúc đang chuẩn bị ngừng kinh doanh, đương nhiên không thể thiếu người quản lý như Cẩu Hưng Tri được. Nên hắn ta bèn ở lại tiếp tục giúp sức, đồng thời cũng nộp đơn và chứng minh cụ thể lên cục công an. Đầu tháng 8 thì cuối cùng hiệu trúc cũng ngừng kinh doanh, giấy chứng minh của cục công an cũng được đưa xuống nên Cẩu Hưng Tri lập tức quay về Trấn Giang.
Sau khi trở về Trấn Giang, bởi vì lúc trước từng làm cảnh hiến đặc của quân phản động nên hắn ta lập tức chủ động đến cục công an đăng ký, tiện bề nói luôn cả việc mình vượt ngục. Sau khi người quản lý ở cục công an ghi chép lại thì cho hắn ta về, muốn làm gì thì cứ làm cái ấy.
Vì điều tra những việc kể trên, tổ chuyên án chẳng những phải chạy khắp Trấn Giang mà còn phái hai điều tra viên đến Vu Hồ một chút, cuối cùng cho rằng hai người Cẩu, Tiền không liên quan gì tới vụ án đốt thi thể.
Ngày 1 tháng 11, tổ chuyên án lại bắt đầu lượt điều tra mới về án mạng trong ngõ Tiên Hà, trọng điểm điều tra lần này chính là người phụ nữ tóc xoăn đã thuê người viết thư tố giác kia.
Trước đó, Mục Dung Hán một mình điều tra 37 bức thư tố giác kia nên đã từng đến chào hỏi chín ông thầy viết thư hộ ở cửa bưu cục và thầy bói bên đường, kết quả phát hiện có 9 bức thư tố giác là do cùng một người phụ nữ lần lượt mời chín người này viết thay nên đã khiến anh thấy nghi ngờ. Khi đó Mục Dung Hán đã muốn điều tra cho rõ chuyện này, khổ nỗi trong tay không có người, mà việc này lại chưa lập án nên không thể xin cấp trên phái thêm người giúp sức, nên đành phải đi đường tắt khác. nay Mục Dung Hán là tổ trưởng của tổ chuyên án, tuy rằng tổ chuyên án này chỉ có tổng cộng bốn điều tra viên bao gồm cả anh, nhưng muốn điều tra ra người phụ nữ tóc xoăn tuổi hơn 40 kia đã không phải vấn đề gì nữa.
Mục Dung Hán ghi tên tuổi cũng như nơi bày quầy của chín ông thầy viết hộ và thầy bói kia ra. Mấy người phân công làm việc, ba người Từ Tử Sơn, Hồ Chân Lực và Tống Bỉnh Quân mỗi người phụ trách điều tra hai vị, ba người còn lại do Mục Dung Hán lo liệu, yêu cầu thà tốn thêm chút thời gian, nhưng nhất định phải làm cho đàng hoàng và kín kẽ, nhất định không thể qua loa tắc trách.
Chín giờ sáng thì tất cả rời khỏi phân cục đường Đại Tây, lúc kết thúc công việc điều tra để quay về văn phòng tổ chuyên án đã là hơn hai giờ chiều. Mục Dung Hán do phải điều tra nhiều hơn một bên nên về muộn nhất. Vừa mới vào cửa, đôi mắt sắc bén quét qua một lượt là đã đoán được không có thu hoạch gì từ vẻ mặt của những người khác. Hỏi ra thì quả nhiên không lẫn vào đâu được. Chính bản thân anh cũng không tra ra manh mối có giá trị gì.
Bốn người ngồi lại trao đổi thật kỹ với nhau một phen, phát hiện chẳng những công tìm hiểu cả ngày không có thu hoạch gì, mà còn khiến những manh mối đã có trước đó trở nên lộn xộn hơn. Ví như miêu tả về ngoại hình của cô gái tóc xoăn kia vậy, bốn người thì nhận được bốn phiên bản khác nhau. Những đặc điểm như tuổi tác, chiều cao, thể trọng, gương mặt, màu da và quần áo đều khác với những gì mà Mục Dung Hán nghe ngóng được trước đó. Ngẫm kỹ thì không phải do mọi người không hỏi thăm kỹ càng, mà là đối tượng được thăm hỏi không yên lòng nên mới tả bừa vài câu cho có.
Vậy tiếp theo phải làm gì đây? Mọi người bàn bạc một lúc vẫn không tìm ra được trọng điểm. Nhìn đồng hồ đã tới giờ tan sở nên Mục Dung Hán mới nói: "Hôm nay tới đây thôi, mọi người về đi, ngày mai lại tính tiếp."
Mấy hôm nay Mục Dung Hán làm việc trong văn phòng ở phân cục đường Đại Tây, nhưng vẫn ngụ ở ký túc xá tập thể trong cục thành phố.
Ký túc xá tập thể có hai cổng, một bên thông với khu vực làm việc của cục thành phố. Bên còn lại là cổng sau quay mặt ra đường cái. Từ Đại Tây để quay về thì vào bằng cổng sau sẽ gần hơn một chút, nhưng vì Mục Dung Hán phải vào phòng bảo vệ ở cổng chính của cục thành phố để lấy báo và thư nên ngày nào cũng vào bằng cổng chính. Hôm nay cũng vậy, anh nhận bưu kiện ở phòng bảo vệ xong thì chạy xe đạp xuyên qua sân lớn, nào ngờ lại bị trợ lý Tiểu Khương của thư ký Cổ gọi lại, nói là có thư quần chúng gửi tới, lãnh đạo bảo giao cho tổ chuyên án.
Mục Dung Hán nhận lấy bức thư đã mở bao kia ra, vừa cầm lấy bìa thư đã thấy quen quen. Sau khi quay về ký túc xá, rút bức thư bên trong ra xem thì phát hiện lại là một bức thư tố cáo Chuột Chín Đầu. Nội dung không khác gì với 37 bức trước đó. Bao thư là loại bao dày, dáng dọc cột chỉ bán phổ biến ở khắp các bưu cục.
Bao thư do bưu cục bán là do chính họ thiết kế và thuê nhà máy in ấn làm ra, bao năm nay đều dùng cùng một mẫu in, chất lượng giấy cũng không khác gì do các văn phòng phẩm bên ngoài bán. Điểm khác biệt duy nhất chính là góc phải bên trên có thêm một chữ chì đúc màu đỏ: "Gửi".
Sáng sớm hôm sau, Mục Dung Hán đưa bức thư này cho Từ Tử Sơn, Hồ Chân Lực và Tống Bỉnh Quân đọc chuyền tay nhau đọc, sau đó nói: "Đây nhất định là thuê người viết hộ, chúng ta ra ngoài điều tra thôi."
Công tác điều tra nhanh chóng cho ra kết quả, bức thư này do một ông cụ chuyên viết thư thuê họ Bao ở cổng bưu cục đường Bảo Tháp viết, nhưng ông Bao cũng không cho thêm được manh mối nào khác, Mục Dung Hán đành phải dừng lại.
Sau hai ngày, điều tra viên tiếp tục tìm kiếm khắp nơi nhưng vẫn công cốc. Trưa ngày 5 tháng 11, điều tra viên đang ăn cơm ở căn tin phân cục thì có người gọi Mục Dung Hán đi nghe điện thoại. Cú điện thoại này do đồn công an Tây Tân gọi tới, mang đến một tin tốt cho tổ chuyên án.
Hơn nửa giờ trước, thầy Trâu mở sạp xem chữ ở đường Vĩnh Huy đã đoán chữ cho một người đàn ông trông như ông chủ lớn, chỉ nịnh vài câu đã lấy được mười nghìn đồng nên vô cùng mừng rỡ. Trong lúc tiễn đối phương đi thì bỗng nghe Hoa Lão Nhị mở sạp vải ở bên kia đường lớn tiếng cãi vả. Quan hệ giữa thầy Trâu và Hoa Lão Nhị cũng không tệ lắm nên định qua khuyên can. Khi băng qua đường xem thử thì không khỏi giật mình, người đang cãi nhau với Hoa Lão Nhị đúng là người phụ nữ uốn tóc đã đến nhờ mình viết thư tố giác hơn một tháng trước. Thế là thầy Trâu sôi máu, vì việc viết thư tố giác đó mà công an đã đến quán của ông hỏi han hai lần, vừa tốn thời gian, còn khiến người khác nghĩ rằng ông đã làm việc phạm pháp gì đó. Thầy Trâu cũng là người bình tĩnh, sợ nhận lầm người nên không dám đi báo công an ngay mà đứng bên cạnh nhìn cho thật kỹ.
Người phụ nữ kia đến sạp của Hoa Lão Nhị mua vải. Cô ta và một người đàn ông khác cùng chọn trúng một khúc vải in hoa, người đàn ông kia đã trả tiền xong nhưng lại bị cô ta giành lấy. Người nọ không muốn cãi nhau với cô ta nên tức giận bỏ đi. Đối với Hoa Lão Nhị thì ai mua cũng thế cả, chỉ cần trả đủ tiền là được. Nào ngờ sau khi người đàn ông kia bỏ đi thì cô ta đột nhiên đổi ý, nói là không muốn mua khúc vải này nữa, trừ khi bán rẻ hai ngàn đồng. Hoa Lão Nhị đương nhiên không chịu, thế là hai người bọn họ bắt đầu cãi vã.
Thầy Trâu nhìn thật kỹ, xác nhận mình không nhận lầm người nên nhìn quanh, đúng lúc nhìn thấy một vị cảnh sát nhân dân của đồn công an Tây Tân đi ngang qua nên chạy ra đón đường, thuận thiện thấp giọng kể lại tình huống. Cảnh sát nọ vừa nghe xong thì lập tức hưng phấn, bước đến tách đám người đang bu lại vây xem kia. Hoa Lão Nhị còn tưởng rằng cảnh sát tới giải quyết tranh chấp, đang định mở miệng thì cô gái kia đã bị cảnh sát túm lấy. Thầy Trâu thân là nhân chứng cũng theo về đồn công an.
Sau khi đến đồn công an, cô gái nọ ra vẻ như không có gì, thoải mái ngồi xuống rồi nói: "Chẳng phải là chuyện viết thư tố giác thôi à? Chuyện này không hề phạm pháp, có cần phải làm lớn chuyện đến thế không?"
Cảnh sát trong đồn công an nghe thầy Trâu nói bên cục công an thành phố đã đến tìm ông hai lần để điều tra về chuyện thư tố giác, ngầm hiểu ắt có ẩn tình gì đó nên mới xin chỉ thị của lãnh đạo. Lãnh đạo nói nếu là việc do cục thành phố điều tra thì cứ báo lên cho họ.
Mục Dung Hán lập tức phái người tới đồn công an Tây Tân đưa cô gái đó về phân cục.
Cô gái này tên Hà Cúc Hương, không nghề nghiệp, sống ở ngõ Thảo Chỉ đường Đàn Sơn, đã kết hôn và có ba đứa con vị thành niên. Chồng cô ta Phùng Diệu Lãng là kế toán của xưởng đóng tàu Bảo Cố.
Xưởng đóng tàu Bảo Cố là một xưởng tư nhân khai trương trước kháng chiến một năm, nguyên chỉ là một xưởng sửa thuyền với mười mấy công nhân. Khi bắt đầu kháng chiến, do bị giặc Nhật tấn công nên ông chủ Khưu Hạ Phong bị phá sản, đành phải ra phố bán bánh nếp mưu sinh. Cứ như thế qua hai năm, một ngày nọ ông ta nhận lời mời đến làm bánh Trùng Dương mừng thọ cho một gia đình ở cầu Tân Hà. Gia đình kia họ Ấn, cụ ông nay đã 80 tuổi, từng làm quan văn lục phẩm thời Thanh. Cụ Ấn rành về phong thủy và xem tướng, khi ăn thử bánh Trùng Dương do Khưu Hạ Phong làm thì luôn miệng khen ngon, lại nổi hứng nên mới xem tướng cho Khưu Hạ Phong. Ông quả quyết tuy rằng họ Hưu đang gặp vận rủi, nhưng sau khi vượt qua nghịch cảnh thì sẽ khổ tận cam lai.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro