4.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

chiều nay lộng gió và mát hơn hẳn mọi hôm. thằng tuấn nhanh nhảu nhét hộp diêm thống nhất vào túi quần, tiện tay vớ lấy cái mũ tai bèo trên giá để đồ rồi quay sang lay lay tôi dậy:

"anh thế anh! anh thế anh! dậy đi xem đá dế với em đi!"

"có mà tao đá mày ra ngoài đường ấy." tôi úp mặt vào gối, lười biếng đáp. "mấy con dế có gì hay lắm mà mày ham vậy tuấn?"

thằng tuấn thở dài, dùng hết sức kéo tôi ngồi dậy:

"không thích dế thì đi thả diều! nay trời đẹp, anh mà không đi thì uổng cả mùa hè đấy."

"đi thì đi." tôi uể oải bước xuống giường. "nể lắm mới theo mày đấy."

lúc tôi vừa đứng dậy, thằng tuấn đã luống cuống chạy ra góc nhà lấy con diều giấy của nó. nó bảo với tôi là diều này nó mới làm đúng vài ngày trước khi tôi về quê. mấy hôm ấy, nó cố để dành mấy trang vở thừa của niên học năm ngoái lẫn mấy tờ giấy báo lại, tự tay vót tre làm sao cho hai đầu thật nhọn, rồi lại tất bật chuẩn bị, nào là dây, nào là dính dán... nó định chờ xem khi nào trời ăm ắp gió thì hẵng đi thả, may thay hôm nay thời tiết lại đúng ý, thế nên trông mặt nó hồ hởi lắm.

"xe mày đâu?" tôi trố mắt nhìn về phía thằng tuấn - lúc này mới vừa mở cửa cổng chưa được bao lâu, một tay nhét vào túi quần lấy ra hộp diêm thống nhất. "tưởng ngày nào mày cũng đi đến chỗ kia bằng xe đạp?"

thằng tuấn gãi đầu gãi tai một hồi, cười cười đáp:

"thì em hay đi bằng xe đạp. nhưng mới trưa nay chở thằng thiện về được giữa đường thì xe tuột xích rồi... mà anh với em lết bộ biết đâu lại khỏe hơn lái xe sao?"

"đi xe có mỗi mày khỏe chứ tao đâu có khỏe?" tôi vỗ trán, thở dài thườn thượt. "chở mày tao mệt muốn chết!"

nói là vậy chứ thằng tuấn rủ đi chơi thì tôi cứ đồng ý đi ngay tắp lự. tôi vội vàng chạy ra khỏi cổng với con diều giấy trên tay, theo ngay sau nó chỉ vài bước. đường làng mấy hôm đầu tuần vừa có mấy trận mưa to, dưới đường đầy những lá rụng và sỏi đá, tôi mang giày đi vẫn thấy tiếng loạt xoạt phía dưới. vậy mà lúc tôi ngó sang thằng tuấn đang nhảy chân sáo phía trước lại bước êm ru như đang đi trên mây. không kìm nổi tò mò, tôi hỏi:

"sao mày đi nhẹ nhàng dữ vậy tuấn?"

"thì có gì đâu." thằng tuấn bĩu môi, nhún vai nhìn qua tôi. "anh cứ cởi giày ra đi."

tôi tần ngần liếc xuống, hóa ra thằng tuấn để chân trần từ nãy đến giờ thật. tôi bắt chước nó tháo đôi giày ra, cố gắng đi vài bước nhưng sỏi đá chọc vào chân làm tôi đau nhói không chịu nổi. tôi ôm chân xuýt xoa ôm chân một lúc rồi loay hoay đi lại giày, mặt dàu dàu như khỉ ăn ớt:

"đau thế mà mày vẫn chịu được à?"

"đấy là anh chưa quen mà hay ra vẻ thôi." thằng tuấn nhướn mày châm chọc tôi, trông có vẻ đắc ý lắm. nói rồi nó chìa tay lấy lại con diều giấy trên tay tôi, chỉ chỉ về phía trước, miệng toe toét. "mình đến rồi anh, í, thằng vũ ngồi kia kìa!"

chỗ thằng tuấn vừa chỉ là một bãi đất trống giữa làng, hay đúng hơn là "thánh địa của trẻ con" theo cái cách mà những ông cụ già ở làng tôi hay gọi. dù trong mắt tôi, bãi đất này chẳng còn to lớn như những hình còn lưu lại trong đầu tôi hồi bé, nhưng đối với mấy trò thả diều, đá dế, chơi bi thì vẫn cứ là thừa sức. tôi cùng thằng tuấn lặng lẽ đi gần đến chỗ cùa đám thằng vũ xem "đấu trường dế" chuẩn bị bắt đầu thì đã thấy thằng vũ lấy tay vỗ ngực đầy tự hào:

"lần này con dế của tao thắng chắc!"

"mày đừng có vội nói thế." một thằng nhóc khác - mà tôi đoán đó là thằng thiện còm đang nhìn thằng vũ lắc đầu nguầy nguậy. lúc nó vừa nói xong câu đó, tôi chỉ thấy con dế của nó đang vươn mình rít lên mấy tiếng "re re" như võ sĩ thật. dù không to bằng con của thằng vũ, nhưng tôi đoán chắc rằng con dế của thằng còm này có vẻ cũng không kém cạnh là bao.

tôi huých huých vai thằng tuấn, hỏi nhỏ:

"mày nghĩ đứa nào thắng?"

"em chịu... nhưng em đang hơi nghiêng về thằng thiện còm. từ trước đến giờ có con dế nào qua nổi con dế lửa của nó đâu!"

tôi quả quyết nói với thằng tuấn, giọng chắc nịch:

"thế thì cứ để chúng nó đấu với nhau đã! một tí thôi là kết quả ngã ngũ ngay."

nhưng trận đấu gay cấn hơn tôi tưởng nhiều. hai con dế ngang tài ngang sức, bấu vào nhau liên hồi trong những tiếng hét, tiếng hô hào cổ vũ của các khán giả xung quanh. đặc biệt là mấy đứa như thằng vũ với thằng thiện thì càng hăng tiết hơn nữa. đứa thì trợn mắt hò hét, cầm cành cây ủn ủn con dế ra phía trước, đứa còn lại quát tháo đối thủ văng nước bọt, tay đấm đấm liên tục vào đầu gối. tôi xem một trận mà cứ ngỡ như hai nhân vật đang đấu đá thật sự là chúng nó chứ không phải là mấy con dế kia nữa.

"ê tuấn, cầm hộ anh con diều."

tôi nhét con diều vào tay thằng tuấn, rảo bước lân la quanh bãi đất trống, hai chân vô thức đá tung những ngọn cỏ, hòn đá sỏi trên đường. vì nếu tôi chỉ đến đây để xem đá dế thôi thì cũng chẳng giống đi chơi là mấy. nhưng tôi mới đi thong dong được nửa vòng bãi đất thì bỗng nghe thấy tiếng người gần đó:

"mày đừng tưởng mày là con của cái ông thầy lẩm cẩm đó mà tao ngán mày nha."

tôi bước đến gần đó, tò mò quan sát. sau gốc cây trứng cá xa xa, thằng bảo lúc này đang xù người lên như chuẩn bị đi đánh nhau. dù tôi nghe nói thằng bảo không phải dạng dễ bắt nạt, nhưng khi liếc qua cái thân hình to như bò mộng của thằng nhóc đối diện, tôi vẫn không khỏi sởn gai ốc. tôi đấu với thằng nhóc kia còn chưa chắc có toàn thây hay không, chứ cỡ thằng bảo thì tôi cá là nó nát như tương.

"tao không đùa với mày." thằng bảo nhổ phì bãi nước bọt trong miệng, mặt mày nhăn lại đến méo mó. "hồi trước tao nhịn mày nhiều rồi nha ân. mày nói ai thì nói đừng có động tới nhà tao!"

thằng ân xua tay về phía thằng bảo, cười ngả ngớn:

"tao nói đúng quá nên mày giận tao hả? cả làng này ai cũng biết mẹ ruột mày với bố mày qua đường với nhau, bỏ xừ mày đi từ lâu rồi. cái người mà mày gọi mẹ suốt ngày cũng chỉ là vợ hai của bố mày thôi."

"mày..." thằng bảo gầm gừ giơ nắm đấm ra trước mặt thằng ân, nhưng lúc này mắt nó đã hoe hoe. nó nắm chặt tay lại, lăm le nhìn thằng ân đang nhởn nhơ trước mặt rồi không do dự gì mà lấy chân đạp thằng ân một cái.

"mày ngon!"

thằng ân sau khi bị ăn đấm đã sôi máu lắm. nó thẳng tay giáng vào má phải thằng bảo một cú thật lực, làm thằng bảo yếu thế ngã sõng soài. có lẽ nó còn định làm thêm mấy đấm nữa nếu lúc đó nó không trông thấy tôi đi ra. lúc ấy, nó chỉ nhớn nhác chạy trốn, miệng gằn giọng lẩm bẩm cái gì đó mà tôi cũng không rõ nữa.

đến bây giờ tôi mới có cơ hội tiến lại gần hơn chỗ thằng bảo. nó thẫn thờ dựa lưng vào cây trứng cá ngay đằng sau như người mất hồn, mặt ướt đẫm những nước mắt nước mũi. không nghĩ gì thêm, tôi đánh liều gọi nó:

"bảo?"

"anh thế anh..." thằng bảo e dè đáp lại tôi. có lẽ do những tiếng gầm gừ và gào khóc lúc nãy nên giờ cổ họng nó khô không khốc. "anh thấy hết rồi à?"

tôi ngồi bệt xuống bên cạnh thằng bảo, dòm nó một hồi chép miệng:

"tao có bị đui bị mù gì đâu mà không thấy... mà cái thằng vừa nãy đó là ai vậy?"

"à, thằng ân đó anh. nó là con nhà ông an mà có cái nhà ba tầng ở đầu làng."

"thế à?" tôi nghẹo đầu sang một bên, nghĩ ngợi một hồi chau mày. "thằng ân đó nói xằng nói bậy, mày đừng có tin nó làm gì cho cực!"

dù chẳng biết sự thật gì về gia đình của thằng bảo, nhưng lúc này tôi vẫn muốn phủ nhận lời thằng ân để xoa dịu lòng nó một chút. vì nếu cứ để nó cứ sụt sịt mãi như vậy thì đến cả tôi cũng nóng ruột ghê gớm. tôi nhẹ nhàng đặt tay lên mái đầu đang chúi xuống của nó, nhẹ giọng lại:

"bảo, mày cứ yên tâm. tao chắc chắn mẹ mày với mày là cùng máu mủ với nhau. ai nói thì nói chứ tao nhìn trông mày với cổ giống nhau vậy mà."

thằng bảo trố mắt nhìn lại về phía tôi:

"anh nói thật hả?"

"ừ."

dường như những lời an ủi của tôi đã khiến thằng bảo tươi tỉnh hơn một chút. nó lấy tay chùi sạch nước mắt trên mặt rồi cười với tôi bằng cái giọng khản đặc do đợt khóc vừa nãy, dù còn hơi gượng nhưng ít ra tôi biết trong lòng nó cũng nguôi ngoai được phần nào. nó chỉ tay về phía mặt trời đang chuẩn bị nấp sau những hàng cây đằng xa kia, ngoáy ngoáy mấy đường vô hình như đang vẽ:

"em mong là thằng ân nói xạo. chứ má em thương em lắm, không thể nào là người dưng nước lã được."

rồi thằng bảo thở dài, không nói gì nữa. nó ngả đầu vào vai tôi, đôi mắt còn hơi ướt nước của nó từ từ díu lại như đang chìm vào giấc ngủ.

"này..."

tôi giật mình kêu lên. nhưng khi nghe thấy những tiếng ư ử từ đang phát ra từ phía thằng bảo, tôi lại đành làm thinh. tôi ngồi dịch vào một chút rồi cười thầm, thôi kệ, hôm nay nó buồn, tôi cho nó dựa vào cũng chẳng thiệt gì. thế là tôi cứ để nó như thế một lúc cho đến khi thằng bảo ngập ngừng mở lời:

"mà... mai anh tới nhà em nhé? má em mới làm mẻ kẹo lạc, bảo em mời anh với anh tuấn sang đó!"

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro