not-a-request #1: lên trên đồi hoa hồng anh

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

♬ Jazz Bar - Dreamcatcher

Lần đầu tiên gặp em, gã đã biết em không bình thường. Đôi mắt em vô hồn và trống rỗng. Chúng giống những viên pha lê hơn là một đôi mắt. Những viên pha lê có thể lấp lánh đấy, có thể ánh hào quang đấy, nhưng chúng rỗng tuếch. Đâu ai có thể thấy phần hồn của một viên pha lê. Có chăng thì cũng là bọn thợ kim hoàn bịa đặt hết.

Em ôm theo một bó hoa; cánh trắng với những nhụy màu nắng nhạt. Chúng rung rinh, chúng e thẹn; những cánh hoa có hồn. Chiếc quần nâu vải thô của em trông cũ rích và nhàu nát, và cái áo màu trắng vải bông của em cũng chẳng khá hơn. Trông em cục mịch, tồi tàn và có gì đó thật, gì kia, mơ mộng ư? Người ta đâu thể mơ mộng khi con mắt người ta không có hồn! Mãi đến sau này gã vẫn thắc mắc điều đó, với đôi tay cố gắng phác thật rõ nét người con trai cũ rích kia. Em là ai, em sống ra sao, sống bằng cách nào, gã chẳng tỏ. Gã chỉ biết em luôn ôm một bó hoa dại qua cái cửa hiệu xác xơ của gã, tuy chẳng cùng khung giờ.

"Xin chào ngài họa sĩ."

Gã giật mình, đánh rơi cái cọ làm nó rơi "tõm" một cái vào lọ sơn màu xanh. Vài giọt màu bắn lên cái tạp dề của gã, và gã bất chợt nghĩ đến nó như là một bầu trời len lẫn trong những đám mây, chỉ chẳng phải theo chiều ngược lại như người ta vẫn nói. Và giữa cái bức tranh vô thực ấy, giọng em vang lên như một cơn mơ. Cơn mơ ban ngày.

"Tôi đã thấy những bức tranh của ngài. Thật buồn khi chúng thiếu đi những bông hoa."

Ký ức ấy đã trở thành một mảnh quan trọng, mà sau này, khi gã xâu chuỗi chúng lại, gã lại càng chắc như đinh đóng cột cái quan điểm rằng em không giống người bình thường chút nào. Người bình thường ngắm nghía một bức tranh, thốt lên vài ba lời vô nghĩa (cũng chẳng phải dụng ý của họa sĩ), kì kèo trả giá, ôm tranh về và hỉ hả treo nó trong phòng khách và mỗi lần lại ba hoa bất tuyệt về một ý nghĩa khác nhau. Người làm nghệ thuật thì ở bậc cao hơn, họ bình phẩm về nó, gật gù rồi có một cuộc hẹn với tay họa sĩ, mua về cho phòng tranh của mình và hái ra tiền từ nó. Những kẻ đần độn chẳng hiểu gì về thì cười cợt và móc mỉa cái bọn ưa bôi bôi vẽ vẽ.

Nhưng em thì khác.

Gã chẳng biết nên xếp em vào loại nào, hay ngay từ đầu, em đã sinh ra ở một đâu đó, trôi nổi giữa những bờ vực mà chẳng có nơi đáp cụ thể. Đôi mắt em - chúng vẫn vô hồn như vậy, hay linh hồn bé nhỏ ấy ẩn nấp đâu đó dưới lớp màn sương mờ đục kia, chờ một ngày nắng thật đẹp để bước ra? Hay có gì đó, một cơn hậu chấn, đánh mạnh vào đầu óc và để lại di chứng cho đôi mắt cong cong của em, phủ lên nó tấm vải như cách người họa sĩ giấu đi một bức tranh trước khi đem nó phơi bày trước công chúng? Gã thắc mắc khôn cùng.

"Đồng cỏ chỗ tôi không có hoa." Gã nói dối. Gã ở lì trong nhà, hiếm khi đi ra ngoài mà không vì chuyện gì quan trọng và tưởng tượng hàng tá thứ để bôi lên giấy. Gã bán những bức tranh chẳng vì đam mê, vì cái mẽ nghệ thuật hào nhoáng thì đúng hơn. Gã chán ghét cái cuộc sống trần tục. Gã cứ vẽ, vẽ và vẽ, nhưng đã bao giờ vì gã thực sự thích? Gã khoác lên mình cái vẻ ngoài hào nhoáng và phong lưu của giới nghệ thuật, vì gã ghét cái tôi rẻ rúng và giản đơn của mình.

Nhưng phúc thay cho gã, đôi mắt của gã rất biết nhìn. Gã nhìn vườn hoa xơ xác giữa lòng thị thành New York mà tưởng tượng ra cả cánh đồng non mướt. Gã nhìn bầu trời chằng chịt dây điện thành cả ngân hà với những ngôi sao đêm. Gã nhìn và gã vẽ, và những thứ ấy được gắn những cái mác "có hồn" lên, dầu nó chẳng bao giờ nằm trong một phần dụng ý của chủ nhân.

Gã giấu hồn mình trong hào nhoáng kiêu căng, em giấu hồn mình trong mộng mơ ngây ngất. "Tôi không tin một cánh đồng lại không có hoa," giọng em vang lên từ đâu đó thật xa xăm. Em lôi ra một bó từ cái túi vải thô trước bụng mình, chạy đến bình hoa (lướt tới, đôi chân nhỏ nhắn của em che khuất đi dưới lớp quần thụng).

Ấy là cái bình cổ, rất rất cổ. Gã chưa bao giờ cắm hoa vào đó, vì có bao giờ gã đi mua hoa? Hái như em lại càng không, khi mà đôi mắt gã có thể nhìn ra nhiều hơn thế. Gã nhìn em vụng về thả những thân cành non vào cái bình.

"Ngài không thể gọi nó là bình hoa nếu mà không có hoa."

"Chà, tôi chưa bao giờ gọi nó là bình hoa," gã cộc lốc.

"Thì giờ ngài nên," em nhìn chăm chăm vào đó, vẫn đôi mắt trống rỗng. Rồi em quay người lại - quá nhanh khiến gã hơi bất ngờ, hai ống tay áo dài quá khổ đung đưa - và hướng đôi mắt vào bức tranh của gã. Em thì thầm gì đó bằng chất giọng của mình, một cái gì lạnh giá, tựa như khi ta ngửi hương của những khóm bạc hà vào ngày đông. Rồi em biến mất - đi ra khỏi cửa hiệu trước cả khi gã nhận ra, khi đang say sưa tắm trong cái mát dịu của thanh âm - mãi đến tận khi tiếng giày của em nhấn trên cái sàn gỗ kêu cót két và ra khỏi.

"Một cậu chàng kỳ lạ," gã lầm bầm.

***

Chẳng ai không dưng lại xông vào cửa hiệu của một họa sĩ chỉ để ngắm hoa, và chẳng ai không dưng lại làm điều đó hai lần. Yeonjun thì khác. Em làm tới ba.

"Hôm qua," em mơ màng, "à không, hôm kia. Ngài đi vắng, nên tôi đã gõ cửa và nhờ chị giúp việc mở hộ. Tôi chỉ vào để cắm hoa thôi."

Ý sợ bị tay họa sĩ hiểu lầm rõ là thế, nhưng giọng em thì vẫn vậy: ngây dại, đều đều, nhẹ bẫng. Khó để thay đổi cái tông điệu ấy trong giọng em. Gã chưa bao giờ nghe em nói bằng một giọng gì khác, không ồn ào, không giận dữ, không vui tươi. Chúng phát ra như thể từ trong một cơn mơ, từ một hộp nhạc cũ mà người ta bỏ quên từ những năm tám mấy. Gã bỏ lửng câu hỏi về việc tại sao em cứ phải tới và cắm những bông hoa non dại, đôi mắt em ngăn gã lại. Sao kia, chẳng phải đã quá rõ ràng.

Và sau rất, rất lâu, có lẽ lâu hơn cả khoảng thời gian người ta dùng để ngắt một bông bồ công anh lên và thổi, gã mới sực tỉnh khỏi cái màn sương mơ hồ trong đôi mắt của em. Chúng nhấn chìm gã trong hư vô cùng tận mỗi khi gã sa ngã vào đó, và mở ra quá nhiều con đường. Gã đâu có biết phải rẽ theo hướng nào để đi tới vùng đất có nắng, nếu đôi mắt em phủ toàn sương mù và chẳng có lấy một ngôi sao dẫn lối? Gã giật mình, gã lúc lắc đầu. Gã gõ vào đầu mình thật mạnh để xua tan cái màn sương lấp ló trong tâm trí vừa mới chớm xuất hiện trong đầu gã.

"Tôi sẽ tới bưu điện," em chỉnh lại cái túi vẫn còn vương lại một ít hoa. "Đi cùng tôi nếu ngài muốn."

Thật điên rồ là tay họa sĩ đã đồng ý.

***

Gã biết mình thích ở lì trong cửa hiệu, vẽ những phong cảnh tự bịa ra và bơi trong làn suy nghĩ rằng thế là đã được tính là nghệ thuật rồi đấy. Gã ghét cái trần tục của đời người, của bụi đường phố New York, của những chiếc taxi bấm còi inh ỏi, của tiếng bước chân vội vã phát bực, của mùi khói thuốc nồng cay. Dân New York hút thuốc tợn, cả đàn ông lẫn đàn bà.

Nhưng em trông chẳng có gì là để tâm đến điều ấy, từng bước chân em rong ruổi trên hè phố lát đá. Ống quần của em quét đất - chúng luôn luôn quét đất - và gã có cảm giác là em đang bay, em bay là là trên mặt đất chứ chẳng phải bước đi.

Em không bắt một chiếc taxi nào và rõ ràng là không có hứng thú với xe đạp, cũng như chẳng phải là loại người biết chạy mô-tô. Chân em cứ bước như thể chính nó nhớ đường: gã khá chắc tâm trí em đang lạc đâu đó trên mây. Có lẽ em đang kiếm tìm linh hồn mình ở đâu đó.

Gã cắm cúi bước theo em, bước theo cái bay bổng của dáng hình em, và chợt nhận ra mình đã đi xa hơn và đi lâu hơn tất cả những lúc gã rời khỏi nhà. Đầu gã cắm xuống đất và bước chân của gã nhanh hơn (tốc độ của cậu chàng phía trước thật đáng nể), gã lướt qua những chiếc taxi chẳng được duyên dáng và thoăn thoắt như cách em đã làm, nên thỉnh thoảng gã phải hét vội câu "xin lỗi" rồi lại cắm đầu bước.

Khung cảnh trôi lập lờ qua đầu gã, những dãy nhà vuông và những cao ốc chọc trời, những cửa hàng bán đồ lưu niệm và những sạp hàng hoa quả, những bông hoa mọc dại và những tờ rơi bay tứ tung trên hè phố. Gã mải nhìn những thứ ấy đến nỗi bất thình lình không làm chủ được tốc độ và suýt nữa đã đâm sầm vào Yeonjun khi em dừng lại.

Em đẩy cửa - nhẹ nhàng, một khoảng be bé như thể sợ nó vỡ - rồi lách vào nhanh tới mức cánh cửa suýt đập vào mặt gã. Họ dừng lại ở một quầy bưu thiếp, những chiếc bưu thiếp cũ kĩ kiểu cổ điển được để một cách khá lộn xộn - có lẽ họ đã không sắp xếp chúng từ lâu lắm rồi.

Em di chuyển thoăn thoắt như một cánh bồ câu - nhanh tới nỗi gã chẳng bắt kịp. Trong lúc đang ngắm nghía những tấm vẽ nhòe mực của nhà hát Broadway, của West Coast lộng gió, của ngôi nhà nằm lọt thỏm giữa cái giá rét nơi Boston, của California rực lửa và nắng cháy, em đã đứng trước quầy tem và dùng những ngón tay xanh xao (chúng thực sự mảnh, cái trắng xanh của màu da làm gã hơi sợ nếu phải nắm lấy bàn tay em) bới lộn xộn hộp tem.

Em dán tem thật nhanh, viết một dòng địa chỉ với những đường thật nguệch ngoạc, nở một nụ cười lơ đãng (méo xệch, như thể em bị ép phải bày tỏ cung cách của một người được dạy dỗ tử tế) với cô thủ thư, kéo lê một đường cái ống tay áo mình rồi bỏ lại sau đó những đồng xu lẻ. Em nhìn chằm chằm người nhân viên kiểm tra xem con tem đã được dán chắc chưa, trông có vẻ khá căng thẳng (một cách mơ hồ). Đây là lần đầu tiên gã thấy em thực sự biểu lộ một cái gì ngoài cái lơ đễnh ngờ nghệch kia.

Mãi sau này, khi theo chân em rất, rất nhiều chuyến đi tới chốn cũ rích và chẳng mấy ai lui tới đó nữa, gã mới phát hiện một trong những thói quen hiếm hoi của em: gửi thư cho một ai đó vào thứ năm hàng tuần; với mã bưu chính hầu hết là loanh quanh nơi New York (một-một-hai-một-một, một-không-hai-không-năm).

Địa chỉ luôn được giấu đi dưới ống tay áo lùng bùng của em, một trong nhiều thứ bí mật. Gã chưa bao giờ có cơ hội để tò mò về điều đó - em không bao giờ trả lời khi em không muốn, với đôi mắt trống rỗng và đôi bàn tay buông thõng như thế. Em đi rất nhanh trên đường từ bưu điện về đến cửa hiệu, không ngoảnh lại một lần nào - có lẽ em đã đi một mình nhiều đến nỗi có sự hiện diện của thêm một người nữa chẳng đủ để kéo theo sự chú ý của em. Em chỉ quay lại khi đã về tới cửa hiệu, nói lời tạm biệt bằng chất giọng của một khóm bạc hà trong mùa đông, với nhịp điệu của một cái máy cát-xét cũ.

Trong khi gã còn đang bận dạo quanh cái mê cung vòng vo được tạo nên bởi nhiều câu hỏi, em đã đi mất - đột ngột và im ắng chẳng khác gì cách em đến. 

còn tiếp...

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro