not-a-request #3: ngày xưa anh bân lên hà thành

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tên Hán Việt của nhóm nhạc Ngày mai Bên nhau sẽ được sử dụng trong câu chuyện này:

Choi Yeonjun - Thôi Nhiên Thuân

Choi Soobin - Thôi Tú Bân

Choi Beomgyu - Thôi Phạm Khuê

Kang Taehyun - Khương Thế Hiền

Huening Kai - Hứa Ninh Khải

I.

"Ê Khuê, lâu không gặp, người mày sao vẫn còn có khúc."

"Gì đâu, vẫn thế à. Lâu không gặp, anh với cái sào khều quần áo nhà em sắp bị lẫn thành nhau rồi nớ?" Khuê quên hết cái ngữ âm Hà Nội mà thường ngày mình vẫn hay dùng, ríu ra ríu rít mấy câu nghe đặc quyện giọng bản xứ. Ông anh ngứa đòn tay bắt mặt mừng chưa được bao lâu đã dí đầu trêu cậu lùn, người gì thấy ghét quá!

Chuyện là nay anh Bân, hồi dưới quê vẫn gọi là Hai Bân, lên thủ đô học đại học. Chẳng là dưới quê có trường đâu, mà cho đi thì ba má cũng lo, lỡ con trai cưng bị bắt nạt, rồi đủ trăm thứ chuyện lùm xùm. Nhưng anh Bân ảnh ngang dữ lắm, ảnh nhất mực phải lên thủ đô cho bằng được, kêu là ảnh lên học thầy giáo, mốt về dạy cho con nít trong làng. Ngờ đâu bên xóm riềng lại có thằng cu Khuê mới lên Hà Thành năm ngoái, nên nhị vị phụ huynh dứt khoát xếp cho hai đứa ở cùng nhau luôn. Hôm nay Khuê "vi hành" ra bến xe đón anh Bân về "tệ xá".

"Anh nè, em trọ cũng gần đây, mà đi xích lô thì mắc thí mồ luôn á, hay anh chịu khó đi bộ xíu nha," Khuê bẽn lẽn thủ thỉ.

"Ủa chứ nhớ đợt mầy lên đây, ba má mua cho mầy con cub cánh cơ mà? Đâu rồi?" Bân nhíu mày, tại nay xách vali nặng quá, trời còn nắng, Bân không ngại đi, chỉ sợ đi giữa đường anh té xỉu, để Khuê nó gọi cáng bế về thì phải tội.

"Thì anh biết đó," cậu trai lớn tướng gãi gãi đầu, "bữa em đi choán vô gốc cây, công an thu xe một tuần rồi..."

Trời đất quỷ thần ơi. Trời nắng quá, anh Bân say nắng hay sao mà thấy mắt hơi hoa hoa.

"Đi đi anh, giờ mình về tới nhà là đúng giờ cơm à," Khuê đẩy lưng Bân, tay cầm lấy một chiếc vali, thoăn thoắt bước. "À quên anh, em có dắt cái mũ ở cạp quần nè, anh đội vô cho khỏi nắng," Khuê ngó ngoáy phần hông, trơ trơ giữa bến xe lắm người qua lại. Thôi thì giật lè lẹ đội lè lẹ cho đỡ ngượng, chứ để người ta cứ ngó chằm chằm vô cái mông đít nó thêm giờ phút nào nữa, chắc Bân độn thổ chui về quê luôn.

II.

Phố lắm xe, đường sá tấp nập, tại giờ mấy hàng mậu dịch mới mở, lắm người tậu được lắm tiền, cứ cub cánh nhắm mà phóng thẳng hoài. Lâu lâu lại thấy một con xế của ông to bà lớn lắm tiền nào đó chạy vút qua, Khuê với Bân đứng nép vô hàng râm bụt, trố mắt ra nhìn. Hà Nội hoành tráng dữ ta.

"Nè anh, đi sát vô em nha, nhà có bông băng thuốc đỏ, nhưng khổ nỗi em lại vụng như trấu." Bân bám chặt lấy vạt áo Khuê, ở dưới quê có nhiều cũng chỉ là mấy cái xe đạp con, rồi xe bò xe trâu gì gì, thỉnh thoảng báu lắm mới có con xe máy chạy ngang qua, chớ đâu có thấy cái chi hỗn loạn vầy. Nếu ngày nào ra đường cũng bám thằng Khuê như cô hồn thế này, chắc Bân sẽ bỏ về quê quá.

Khuê mải bước, còn để nghĩ coi trưa nay ăn gì, cái nồi trứng trên bếp đã cạn nước chưa, hay nồi cơm đã bật chưa, hay có khi lửa bén đống giấy cháy cụ nhà rồi... Càng nghĩ Khuê càng muốn toát mồ hôi, bước chân cũng nhanh hơn, dồn dập hơn, kéo theo anh Bân phía sau bước chân càng nhanh như ma dí. Bỗng dưng...

"Ủa cha, sao đứng cứng ngắc vậy?" Khuê đang thuận qua đường, bỗng thấy có gì như ghì mình lại đằng sau, bèn quay qua thì thấy ông anh Tú Bân quý hóa đang nhìn đi đâu đó bên đường, mặt ngơ ngẩn hết cả đi. Chết cha, hay ông Bân ổng say nắng thiệt?

"Nè anh, nè nè, anh sao đó? Say nắng hả? Có muốn vô quán kia nghỉ không?" Khuê huơ huơ tay làm Tú Bân giật mình chớp chớp mắt. "Ngắm ai đó? Chưa vô đến nhà đã nhắm được ghệ rồi hả?"

Bân chỉ tay sang một điểm vô định bên kia đường, làm Phạm Khuê nheo mắt nhìn theo. Một bóng người mặc áo sơ mi đứng cổ, tay ôm một đống sổ sách đang đứng lóng ngóng bên kia đường.

Mười tám năm trên đời lần đầu anh hai Tú Bân thấy con nhà ai đẹp như vậy! Sống mũi vừa cao vừa thẳng, đôi kính mỏng tanh đậu trên làm con ngươi người đó như long lanh trong nắng. Đôi môi xinh xắn hơi bặm lại, lộ ra hai cái răng cửa như răng thỏ. Tóc người ta mềm và óng ánh, tự dưng lại gợi cảm giác rất muốn được chạm vào. Đường xương hàm cao...

"Trời, tưởng chi," Khuê thở ra một hơi, "tưởng anh lại thích em gà móng đỏ nào rồi chớ. Bồ cũ em đó. Đi đi, mốt giới thiệu cho."

"Bồ cũ bây?" Tú Bân há hốc mồm, "rồi mắc gì mầy bỏ nó? Quỷ thần, người đâu mà xinh xắn tợn."

"Ai cha, mới lên thủ đô mà mồm đã dẻo hơn kẹo dừa Bến Tre rồi," Khuê cười khúc khích, "thì bồ cũ nói là bồ cũ chứ ba, trước còn đòi gả cơ á." Tú Bân trợn trừng mắt, đôi mắt vốn to giờ đây như muốn lọt ra ngoài lăn lóc trên đất, tự liên tưởng xong tự Khuê thấy hơi nhồn nhột. "Trước em mới lên, anh đó có sang phụ xíu việc, má thấy xinh quá nên đòi gả em sang ở rể." Mãi mới kéo được Tú Bân đi, cả hai lại bước nhanh đến khu tập thể. "Mà người dễ thương tợn ha, làm bên tuồng chèo ở khu sân khấu kịch trung ương đó. Bao giờ kiếm được vé, em dắt anh đi coi."

Bân bỗng dưng thấy tim đập mạnh, có chút khó thở nữa. Nhưng ngày anh được gặp lại bóng hình xinh đẹp kia còn lâu lắm. Hai Bân, nén, nén nào.

III.

"Đây là buồng em," Khuê chỉ lum la, "còn anh thì ở buồng bên kia. Bếp đằng sau, nấu nướng cẩn thận tại nếu toàn bếp củi à, cháy nhà như chơi. Đống sách vở kia anh cứ dẹp hết xuống dưới bàn đi, mình chia bàn ngồi học chung nha, tại đồ dưới xuôi đắt lắm. À, còn nữa," Khuê sờ trong túi quần làm Bân nhớ đến cái mũ nãy giờ ngự trên đầu mình, bèn giật xuống, mắt giần giật, "nè, đây là chìa khóa phòng," Khuê dúi vào tay Bân một chùm hai chiếc con con, "Khóa cửa chính, với cả chìa khóa xe. Em đi xe không thạo, bao giờ xe về có gì anh em mình đi chung hé." Khuê cười đến là ngớ ngẩn. "Chắc là anh cũng biết đi xe. Phòng tắm dùng chung, nhưng tắm xong nhớ tha khăn với bàn chải về phòng, không là mất như chơi đó."

"Rồi, hiểu hiểu," Bân ậm ờ gật đầu, nãy giờ thằng Khuê nó nói gì như bắn liên thanh, ù ù cạc cạc hiểu gì đâu mà. Thây kệ, giờ mệt, cứ giả vờ hiểu để đi nghỉ đã.

"À mà, cái người mà trưa nay đánh xét chíu chíu vô anh á," Khuê nói. "Trọ ở phòng bên kia. Có gì qua chào người ta cái nha."

Trời ơi, Tú Bân đứng hình. Ngắm người ta đã thấy khó thở, giờ còn qua chào nữa, cái tính hướng nội mười tám năm của Thôi Tú Bân chịu không nổi.

Khuê vừa bưng nồi cơm ra, bên kia nghe thấy tiếng mở cửa cành cạch. A ha, chắc người ta về rồi đó.

"Đi, chào bồ cũ em cái coi," Khuê khoác tay Bân lôi xềnh xệch ra cửa, mặc cho anh xài hết mười ngón bám rít lấy cái bản lề. Không, không, say nắng trông tã muốn chết, lỡ ẻm tưởng mình là biến thái, ẻm xách cái thân chạy khắp bốn hướng ai còn tìm được nổi.

"Ý, Phạm Khuê hả, hôm nay nghỉ hay sao mà về sớm thế?" Một giọng Hà Nội rất thanh mà cũng rất sắc vang lên. Thôi toi rồi, gặp người ta ngoài đường đã thấy người ta xinh xắn khó quên, giờ nhìn cận mặt người ta, Bân tưởng đâu tiên giáng trần xuống cứu thế luôn. Chắc mắt mình đang nổ đom đóm không biết chừng.

"Ừa, nay em ra bến xe đón ông anh dưới quê lên," Khuê cũng đổi sang giọng Hà Nội rất tự nhiên. "Anh hai Bân, đây là anh Nhiên Thuân, hàng xóm nhà mình. Anh Thuân nè, đây là anh Tú Bân," Khuê dừng lại bấm bấm đốt ngón tay, "nhỏ hơn anh chừng một tuổi, hàng xóm cũ của em dưới quê, có gì mong anh cưu mang cả hai đứa."

"Ở đây mày đừng gọi anh là hai Bân. Cứ-cứ gọi em là Bân được rồi." Tú Bân vội chỉnh. Bộ dạng lóng ngóng làm Nhiên Thuân chợt bật cười. Phạm Khuê cũng cười, ai mà ngờ được ông anh nói câu nào đốp lại câu đó, trả treo muốn chết dưới quê lại có khi miệng lưỡi cứng như dính chấu. Em nói rồi, thế gian chỉ có tình mới trị được anh thôi hai Bân ơi!

"Nhìn cũng ra gì đó," Nhiên Thuân cười xuề xòa, đôi mắt cong lên thành vầng trăng khuyết xinh xắn. Thằng Khuê lên thành phố kiếm được mối ngon vầy thảo nào không thèm vác mặt về quê, tội tày trời, tối nay anh Bân đây phải vật nó ra hỏi tội!! Quay cuồng trong đống suy nghĩ xấu xa, anh chẳng hay thấy Nhiên Thuân đã chìa tay ra với mình.

"Ch-chào anh," Bân đưa tay ra, cố để không run lẩy bẩy, không ảnh lại nghĩ mình nghiện ngập xì ke này nọ thì hỏng. Bân nghe đâu các cô dưới quê nói, muốn tán gái nhà lành thì trước hết phải sắm cho mình một con tim tử tế, Tú Bân nghe mà phát ngốt. Giờ thì, anh chợt nhận ra mình chẳng được gì ngoài cái mác tử tế của một thằng trai dưới quê cả. Anh chợt nhận ra chiếc áo sơ mi của Nhiên Thuân là loại vải âu nhìn hết sức thời thượng, đến quần cũng được là lượt cho thẳng thớm. Cổ áo của anh phanh rộng, để lộ mặt dây chuyền hình trăng khuyết nằm im lặng trên lồng ngực trắng. Còn Tú Bân đây áo cài cúc kín cổ, quần vải nâu lượt thượt lôi thôi. Quan trọng trên nhất là, Nhiên Thuân rất thơm. Anh ấy có mùi của một người thành thị, đứng đắn và lịch thiệp. Còn Tú Bân cùng lắm chỉ có mùi lúa chín đang gặt thôi.

Đương nghĩ về sự chênh lệch giữa đồng quê và thành thị trong cái cách ăn mặc của mình và Nhiên Thuân thì Tú Bân lại nghe giọng Nhiên Thuân cất lên. Ôi, sao mà muốn được nghe giọng nói êm tai này đến mãi mãi, dù là thốt ra lời yêu hay lời tạm biệt.

"Thôi, biết thế là đủ. Sau này mình giúp đỡ nhau nhé." Nhiên Thuân dợm đi, còn ngoái đầu lại. "Thằng cháu Phạm Khuê đừng quên còn nợ anh 50 đồng nọ đi trà thất nha."

Khuê gào lên. "Anh nói anh cho em quỵt mà!"

Thuân trỏ tay lên môi làm dấu im lặng, gò má anh nhô cao lên khi anh lém lỉnh cười.

IV.

Khép cánh cửa lại, Khuê kéo Tú Bân vào góc nhà, hỏi, "Sao nào, cũng được chứ hả."

Tú Bân nhàu nhĩ đáp lại. "Mày ơi, tao không xứng."

"Luyên thuyên nào. Từ từ rồi sẽ xứng." Khuê cười khà khà. "Giờ em tạo mối cho anh rồi đó, có mối thì sẽ có cớ sau này gặp người ta." Rồi trước vẻ mặt khờ ra của Tú Bân, Khuê láu cá xòe ra năm ngón tay.

"Thì mối nợ 50 đồng đó."

Đó chỉ là mở đầu cho chuỗi ngày tháng cho câu chuyện tình yêu nhảm nhí nhưng dai hơn lốp cao su (đoạn này là Thôi Phạm Khuê viết) của chàng thơ Thôi Nhiên Thuân và anh chàng Thôi Tú Bân cục mịch. Còn hiện tại thì chỉ có Thôi Tú Bân ngồi bó gối trong góc nhà với hàng trăm nghìn suy nghĩ ngổn ngang của trai quê lần đầu biết yêu, còn không thèm thắc mắc về mối nợ 50 đồng từ trên trời rơi xuống được khuyến mãi thêm để làm bàn đạp tình trường.

Thôi Phạm Khuê từng nói, đã một lần nợ, sau sẽ còn nợ dài dài. Rồi nó húp hết nồi thịt kho trứng trưa đó nấu đãi nhưng anh trai say tình không thèm ăn, ngoảnh đít vào buồng nằm ngủ thẳng.

V.

Chiều chiều, hàng xóm hay thấy Thuân vác cái ghế mà người ta chỉ trưng khi đi biển, cái ghế nan gỗ kèn kẹt mất phải tới mười lăm phút để dỡ ra, rồi vác ra dưới tán cây sồi và nằm vắt vẻo ở đó. Vậy nên khung giờ đó hay gọi là giờ Thuân phơi nắng. Thấy Thuân phơi nắng là người ta tự giác cất quần áo vào nhà, vì lúc đó trời cũng tắt nắng.

Trời tắt nắng nhưng hàng xóm trong khu tập thể lúc nào cũng thấy anh Thuân đeo quả kính râm quá khổ, dẩu môi ra và đọc một quyển sách dày. Đọc chán chê, hay thấy mình hành động hơi kỳ cục kẹo quá, anh để quyển sách sang cái bàn gỗ nho nhỏ bên cạnh, nhấp một ngụm trà đá và lim dim mắt. Hàng xóm ban đầu thấy cũng hỏi, anh lôi cái ghế ra nằm chi cho cực vậy, nhưng thấy anh Thuân im im như ngủ mất thì riết cũng thôi.

Cái vòng lặp ấy diễn ra mỗi cuối tuần, từ lúc anh Thuân rình thấy ông trời trốn mất (chắc vì thấy anh trong nhà gườm dữ quá) đến lúc anh giật mình vì tiếng xe đạp của thằng cu Khuê lách cách vào nhà.

Hôm ấy là một hôm bình thường. Anh Thuân trong nhà ngó ra, thấy bóng lá không còn quá sẫm và thấy nắng trời không còn chang chói như đổ lửa lên đầu anh, anh lại hăm hở ôm ghế ra sân nhà. Và khi anh vừa lim dim nghiền ngẫm những dòng tư tưởng trong đầu, thì một giọng lạ hoắc vang lên ngay bên tai.

"Ê, chú."

Anh Thuân choàng dậy, quyển sách dày cộp từ trên mặt rơi cái bộp xuống đất. Chàng ta ngó quanh quất, ngó từ trên ngọn cây ngó xuống (chắc vì anh nghĩ có ai đó nói từ trên cây, và cũng bởi cái cây ấy đập ngay vào mắt anh), nheo nheo mắt sau cặp kính râm dầu rằng trời chẳng nắng tí nào. Khi đã chắc rằng không có vị khách không mời nào rơi từ trên ngọn cây xuống, Thuân ta nhặt quyển sách lên, đọc thêm ba dòng rồi lại ngủ tiếp.

"Chú!"

Đính chính: hôm ấy không phải là một hôm bình thường.

"Ai đó?"

"Con nè chú. Nhặt giùm con mấy tờ giấy!"

Thuân nặng nề đứng dậy khỏi ghế, gãi gãi mớ tóc lòa xòa sau gáy và cố suy nghĩ xem tiếng nói ấy có phát ra từ chỗ nào khác không phải trí tưởng tượng của mình không.

Giữa khu tập thể nhà Thuân và nhà hàng xóm (nghe đồn là của một anh thầy giáo mới chuyển tới, kính tròn, tóc đen, mắt hẹp và tay chân lơ ngơ) có một khoảng hàng rào. Hàng rào ấy bằng gỗ, dựng lên bằng những nan sít gần nhau, cao chỉ đến gần ngực anh Thuân và có đôi chỗ bị mục. Hàng xóm cũ nhìn qua khoảng trống bên trên mà biết được khung giờ Thuân phơi nắng. Hàng xóm mới thì chưa rõ là người thế nào, nhưng chắc dần dà sẽ quen. Còn mãi mà Thuân vẫn chưa nhận ra cái tiếng phát ra từ hàng rào đích xác là ở đâu.

Nhưng rồi, từ một khe rất hẹp, bị mục đi giữa hai hàng rào, một con mắt ti hí nhìn xuyên qua và ấy cũng là cái chỗ mà giọng nói ầm ĩ kia vang đến. Và tất cả những gì anh Thuân nghĩ được khi chống nạnh nhìn vào cái lỗ đó là: làm thầy giáo mà chơi gì kỳ cục kẹo.

"Cậu Khải đó hả? Sao không..."

"Không phải Khải." Giọng nói ấy lại vang lên, cao hơn, thanh hơn và sắc hơn cái giọng lớ ngớ bữa trước chào anh Thuân. "Con là Thế Hiền. Con mới chuyển qua ở chung với thằng Khải."

Thuân cố nhớ lại buổi ngày hôm qua, khi cái xe tải đỗ xịch trước cửa nhà bà tạp hóa với cái miệng loa phường và từ đó một anh chàng ôm cây kiểng lom khom bước ra. Cậu ta ngã chúi dụi trước cổng, đổ lênh láng đất lên đường, rồi lại lụi cụi đứng quét giữa trưa nắng. Thuân muốn giúp nhưng cậu ta sao mà nhanh quá, thoắt cái đã biến mất rồi.

"Sao cậu không đứng thẳng lên?"

"Tại con sợ giấy bay đó chú."

Thuân nhặt nhạnh mớ giấy tờ dưới đất, chúng bay lả tả trong khoảng sân đầy nắng và rõ ràng là rất nhiều, cậu trai này chuẩn bị viết luận tốt nghiệp hay sao?

"Nè."

"Dạ!" Cậu nhóc đứng phắt dậy, chỏm đầu cao cao làm Thuân giật mình. Dữ quá. Cao tới đây rồi mà gọi mình bằng chú, làm mình tưởng cậu ta bị ngơ ngơ.

Cậu trai cười khoe đôi má lúm duyên tệ:

"Con cảm ơn chú nha."

"Con bao nhiêu?"

"Dạ chú hỏi bằng cấp hay gì chú?"

"Tuổi."

"Dạ con mười chín."

Thuân lấy xấp giấy vỗ lên đầu cậu ta. "Kém có 3 tuổi bày đặt gọi bằng chú. Bỏ nha mày."

Thằng nhóc cười phớ lớ:

"Dạ chú!"

Rồi nghiêng đầu để né một cú đập nữa, nó nhe răng:

"Chú sống đây hở chú?"

"Không sống đây thì nằm đây làm gì?"

"Hay quá, bao giờ con gọi thằng Khải qua xin ăn ké cơm!"

Và đó là cách nhà Thôi Nhiên Thuân trở thành tụ điểm hội họp của gánh tuồng 5 người, bắt đầu với Hiền và Khải, và sau sau nữa, cho đến khi ông mặt trời ló cái mặt bự ình của ông lên trời đủ hai chín lần, Phạm Khuê và anh Hai Bân cứ gặp Thuân là cười cười như nghiện.

(kh biết còn tiếp kh)...

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro