Thiên An

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Sang ngày hôm sau mưa vẫn lại rơi tầm tã, lần này tới chỗ bác Ngạn, tôi vừa gửi tiền của ngày hôm qua vừa để mua thêm vài ổ nữa cho mấy đứa em họ đang chờ tôi ở nhà. Vừa tới chỗ bác hôm nay tôi thấy có một cô bé dáng người nhỏ xinh đang ngồi trên thềm ngôi nhà mà bác đứng bán để học bài. Đoán chừng chắc là con gái bác.

-" Aa Ly, con tới rồi hả"- bác đon đả cười với tôi như thể cha con bác đang chờ tôi vậy. Tự dưng lòng tôi thấy vui lắm, chỉ mới gặp hôm qua mà họ xem tôi thân quen đến vậy sao.

"- Dạ con chào bác Ngạn"- tôi lễ phép cúi đầu chào bác rồi mỉm cười với cô bé có gương mặt hiền lành đang ngồi học bài trên thềm nhà người cho bác mượn chỗ để bán bánh, cạnh xe bán bánh mì của bác.

-" Đây là Thiên An con gái bác nè, hôm qua bác có kể với con đó" - nói đoạn bác gọi An đứng dậy chào tôi, họ cho tôi cảm giác mình được tôn trọng cùng cực, cũng vì điều đó mà tôi cảm mến bác và em An rất nhiều.

-" Dạ em chào chị. Em có nghe ba kể về chị rồi, chị tính giúp ba em giới thiệu bánh mì bì với mọi người hả chị. Em cám ơn chị nhiều lắm nhìn ba bán một ngày nhiều lắm là được 40 ổ à chị. Em cũng muốn giúp ba lắm nhưng ba không cho em đi làm thêm ba nói đợi em tốt nghiệp rồi hẳn đi làm,mà chị ơi chị ăn gì chưa em làm cho chị một ổ bánh mì nghen" - giọng nói em nhỏ nhẹ thật khiến người đối diện thấy dễ chịu.

Thiên An, tên em thật đẹp và em cũng vậy. Dù hôm nay tôi phải chạy vội về nhà nhưng tôi hứa với bác, khi có thời gian tôi sẽ ra đây mua bánh mì và thăm bác với em An.

Quay xe chạy đi, tôi nhìn bác và em An. Hai cha con bác lầm lũi quay vào chiếc ô bé xíu đó, em thì cầm tập học bài, bác thì cặm cụi lại những giọt nước mưa trên mặt kính chiếc kệ nhỏ. Lòng tôi chợt thương họ vô cùng, tôi đồng cảm với họ.

Dù cuộc sống gia đình tôi bây giờ không giàu có gì nhưng vẫn đủ ăn đủ mặc. Nhìn bác Ngạn lớn tuổi hơn ba tôi nhưng vẫn buôn bán mưu sinh nuôi em An. Tối hôm trước bác có nói. Bác cố gắng bán lắm, khi nào hết bánh mì mới về. Bác bảo với tôi "Bác ăn đâu bao nhiêu, chủ yếu là đủ tiền cho con An học, nó đang cần cái laptop mà bác chưa đủ để mua, nó xin bác đi làm thêm nhưng bác không cho."

An mỗi ngày đi học bằng xe bus, bác kể với tôi chiếc xe cũ đi bán mỗi ngày là người quen trong xóm bán lại cho bác giá rẻ máy móc trong xe cũng cũ lắm rồi nên cứ hư hoài. Có đôi khi đang chở đồ về nhà, đoạn lên cầu cứ hay bị tắt máy, bác thở dài bảo rằng cũng may là bác luôn chạy chậm nên không sao. Nhưng với tôi đó là nguy hiểm.

Vài lần sau nữa tôi ghé mua bánh mì của bác, hôm đó tôi tới mua bánh thì không có bác mà là An đứng bán. Tay chân em cũng nhanh nhảu như bác, thoăn thoắt làm cho khách. Thấy tôi tới em nhẹ nhàng cười gọi tôi.

-"Hôm nay bác Ngạn không bán mà em bán hả An ?" Tôi vào xe bánh mì của em.

-"Dạ ba em bị bệnh rồi chị Ly ơi, hôm nay em lấy có 40 ổ để bán thôi ạ" - An lễ phép trả lời tôi dù tôi lớn hơn e chỉ 2 tuổi.

-"Bác Ngạn bị bệnh gì vậy em ? Bác có sao không ?" Hôm nay em nghỉ học để ra bán từ trưa hả ?

Thông thường bác Ngạn sẽ bán từ trưa tới chiều tối, hôm nào An không đi học ra phụ bác thì em sẽ bán cả buổi sáng, bác thì bán buổi chiều tối. Vẫn là vì bác lo cho An, "Đêm hôm mà để An nó bán lỡ gặp mấy cậu thanh niên tới chọc ghẹo bác sợ phiền lắm nên cho nó bán buổi sáng đỡ hơn." Lời bác nói với tôi, tất cả mọi thứ dù là việc nhỏ nhất bác vẫn nghĩ đến em An. Bác vừa làm vừa làm mẹ, bác muốn bù đắp cho em khi em thiếu đi tình thương từ mẹ.

-" Dạ em mới bán lúc 3h chiều đó chị. May thật còn vài ổ thôi là em mua thuốc cho ba rồi chị. Ba em đau nhức do di chứng vết thương lúc đi lính để lại đó chị Ly." - Em vừa nói vừa phủi vụn bánh mì vương trên chiếc ghế nhựa xanh cho tôi ngồi.

Thương em thật, tôi không ngồi xuống ghế mà vội hỏi xem em đã ăn gì chưa, thì ra e vừa lo bán vừa lo học bài mà vẫn chưa ăn gì. Tôi lấy xe đi mua bún riêu ốc ở Võ Văn Tần cho e, món này con gái chúng tôi đều thích.

May sao kịch bản tôi đã viết xong hết, nhà tôi cũng ở không xa nơi bác Ngạn bán lắm. Có nhiều thời gian, tôi ngồi nói chuyện với An, chị em tôi tính bán xong sớm thì An sẽ dẫn tôi về nhà em thăm bác Ngạn.

Với một đứa không vướng bận người yêu như tôi thì ngoài công việc, dành thời gian cho gia đinh và gặp bạn bè thì tôi thích làm những chuyện có ích và ý nghĩa hơn yêu đương nam nữ.
Sắp xếp đồ trên xe An chở tất cả về nhà, tôi chở phụ em giỏ bánh mì và chạy xe theo em. Tới nhà thuốc cách chỗ bán bánh mì không xa, em tính vào trong mua thuốc cho bác Ngạn.

Nhìn em chở theo đồ đạc lỉnh kỉnh, tôi nhanh chóng vào trong trước mua thuốc cho bác giúp An. Không quên hỏi em cần mua thuốc loại nào. Thì ra bác Ngạn chịu di chứng do những vết thương lúc đi lính chiến làm đau nhức xương khớp. Chỉ là mua thuốc giảm đau để uống mà thôi.

Tôi đến nhà bác, ngôi nhà nhỏ chỉ tầm 30m vuông nằm xa khu vực nội thành, ngoài cửa rào bác có chồng một chậu hoa mười giờ, phía trên là cái gác gỗ cũng là nơi em An ngủ, tôi thấy gần chân cầu thang lên gác có để sẵn 1-2 cái xô rỗng đoán chứng là mái tôn nhà bác Ngạn bị dột mất rồi.
Nhìn chung quanh dù không có diện tích đủ rộng rãi cho bác và em ở nhưng mọi thứ được sắp xếp rất ngăn nắp và sạch sẽ. Bác Ngạn nằm trên một chiếc ghế bố cũ kê vào sát vách tường. Một góc trong nhà là bàn thờ mẹ em An.

Tôi cúi đầu chào bác Ngạn, bác thấy tôi đến thăm thì mừng lắm, vội lom khom ngồi dậy kéo cây quạt nhích lại gần tôi.
-"không sao đâu, bác Ngạn cứ nằm nghỉ để con làm được rồi ạ" - tôi vỗ nhẹ vào tay bác rồi xin phép thắp nhang cho mẹ bé An.

Nhà tôi theo đạo Phật, tôi cũng thế. Tôi tin vào tâm linh vào vòng tuần hoàn của Nhân quả nhưng không mê tín, đối với tôi việc tu tại tâm mới là việc cần thiết, tôi sống thuận theo đạo Trời chứ không chạy theo cách tín ngưỡng của số đông những người khác. Việc tôn trọng người sống và kính trọng người đã mất cũng là việc nên làm.

Khói từ nén hương toả ra trầm ấm dịu nhẹ, tôi quay sang hỏi thăm sức khoẻ bác Ngạn. Ban nãy trên đường về tôi và An có ghé mua cho bác một tô phở nóng. Bác cứ luôn miệng cám ơn tôi khi thấy tôi chỉ là một người lạ trú tạm chỗ bác chờ cơn mưa dai dẳng đầu mùa hết, mà lại giúp cha con bác nhiều đến vậy. Chính bản thân tôi cũng không nghĩ mình sẽ thân thiết với cha con bác như vậy.

Loay hoay ở góc bế em An bưng tô phở đã được hâm nóng lại cho bác. Nhà em không có lấy chiếc bàn ăn, em nhấc chiếc ghế nhựa lại gần bác rồi kê một cái mâm nhôm lên làm điểm tựa cho tô phở không bị đổ. Gia đình bác khó khăn đến vậy, mọi thứ trong nhà đều cũ mòn theo thời gian nhưng tình cảm cha con của bác thì lại tốt đẹp và đáng quý như thế. Chợt tôi thấy tôi mình ấm áp thật.

Tôi được bác kể cho nghe về cuộc đời và thời lính chiến bác và mẹ em An đã gặp và yêu nhau như thế nào. Bác Ngạn cũng là người gốc Sài Gòn, tuy nhiên bác mồ côi từ lúc mới lọt lòng. Sư thầy thấy bác nằm ở gốc cây so trước cổng chùa nên đã cưu mang bác.
Từ nhỏ bác không có được đầy đủ tình thương từ gia đình, nhưng may mắn là sư thầy trụ trì mang bác về nuôi cũng thương bác lắm, dạy bác học chữ. Năm 18 tuổi bác Ngạn đi tòng quân, bác theo đơn vị đóng quân ở biên giới Tịnh Biên rồi tới năm Mậu Thân, bác lên hẳn Campuchia. Cuộc đời bác toàn khói bom lửa đạn cho đến khi bác về lại Sài Gòn bác vô tình gặp được mẹ An là giáo viên trường trung học cũng hay đến ngôi chùa bác từng sinh sống để lễ Phật. Quãng thời gian yêu nhau của vợ chồng bác chỉ cảm nhận được tình thương, niềm tin qua từng lá thư mà họ gửi cho nhau mỗi tuần. Tất cả yêu thương được góp nhặt lại trong từng dòng chữ suốt những năm tháng bác xa mẹ An.

Tình yêu ngày xưa mãnh liệt thật, họ dành cho nhau lòng tin tuyệt đối, họ lấy tương lai làm động lực. Nỗi nhớ chỉ được thoả lấp vào vài giây ngắn ngủi khi nhận được lá thư viết vội.

Tôi ngưỡng mộ tình yêu của vợ chồng bác Ngạn và cũng hạnh phúc vì chính ba mẹ tôi cũng đã thương nhau như thế để bâu giờ tôi được sinh ra và trưởng thành, nhưng tôi thấy mình may mắn hơn em An rất nhiều. Em thiếu vắng tất cả từ tình thương của mẹ đến cuộc sống no đủ đối với em cũng là xa xỉ. Điều quý giá nhất bây giờ với em chính là bác Ngạn.
Bác nói với tôi những năm sư thầy già yếu chính mẹ em An tới lui thường xuyên để thay bác chăm sóc sư.

Bác kể với tôi rồi kêu em An lấy cuốn album được cất kỹ trong chiếc hộp thiếc mà bác nâng niu như báu vật. Bác cho tôi và An xem ảnh cưới của vợ chồng bác, thời đó để có được tấm ảnh trắng đen như vậy là quý lắm. Tôi thấy bác vuốt ngón tay lên gương mặt phúc hậu của người phụ nữ trong ảnh, ngón tay bác cứ di đi di lại như muốn được chạm thật vào gương mặt ấy bằng tất cả nỗi niềm nhớ thương.

Kể đến đoạn có mẹ của An, tôi đều thấy đôi mắt bác Ngạn rưng rưng. Bác nói với tôi, ngày đất nước giải phóng, bác từ biên giới nước Cam trở về hay tin sư thầy nhận nuôi bác đã viên tịch, bác đau lòng vì không thể ở bên sư lúc cuối đời thời điểm này bác chỉ còn một bác mong muốn được cưới mẹ em An nhưng ông ngoại em thì lại không cho phép điều đó.

Cuối cùng sự chờ đợi không tiếc gì thanh xuân của mẹ An và tình yêu thương mãnh liệt thời trai trẻ của bác Ngạn, cả hai người cũng có thể thuyết phục được ông ngoại An. Vậy nhưng hai bác bị hiếm muộn mãi gần 7 năm sau khi kết hôn, bác gái mới sinh ra em An.

-"Thiên An là món quà ông Trời dành cho vợ chồng bác. Dù cuộc sống khó khăn nhưng nó học rất giỏi. Đó là niềm an ủi và là niềm hãnh diện của cả hai bác. Nhưng mẹ nó bị ung thư mất sớm. Năm đó con An mới học lớp 1. Bác chật vật để nuôi nó mà không dám than câu nào vì bác nghĩ căn bệnh mẹ nó chịu còn đau đớn hơn rất nhiều." - Bác nhìn lên bàn thờ mẹ An, ánh mắt u buồn, bi thương.

-"Căn nhà này được mua lại lần thứ hai đó con, đầu tiên vợ chồng bác đi làm tích cóp thì mua được miếnh đất, ngày xưa vùng này là ruộng rẫy xunh quanh rắn rết cũng nhiều lắm. Vợ chồng bác làm lụng tích cóp mới xây lên được nhà tường, chớ thời chưa có bé An căn nhà được làm bằng vách lá."- bác uống một ngụm nước rồi kể tiếp với chúng tôi:

-" Nhưng lúc mẹ con An bệnh bác phải đem cầm để có tiền chữa bệnh. Lúc đó vợ bác bị ung thư buồng trứng sau khi sinh bé An được tròn 1 năm. Bác phải gửi nhờ An cho hàng xóm rồi làm từ sáng tới tối, ai kêu gì bác cũng làm nhưng vết đạn bắn vào đùi năm xưa nó hành bác dữ lắm"- nói rồi bác đưa tôi và An xem vết sẹo dài từ đùi xuống gần đầu gối. Thời xưa đi lính mổ để lấy được viên đạn ra đã là may mắn lắm rồi, ở ven biên giới để đánh giặc thì làm sao đủ cơ sở thiết bị y tế mà may được những đường khâu thẩm mỹ như bây giờ.

Bác nhìn xung quanh căn nhà rồi nói với thanh âm trầm trầm -" Tưởng là gia đình bác không còn nhà để ở rồi. May sao ông ngoại con An giúp bác chuộc lại nhà rồi sống đến giờ. Hôm trước con nói đúng rồi đó, mẹ con An nấu ăn ngon lắm. Lúc mẹ An mất, thì bác cũng không thể làm tiếp công việc ở thời điểm đó do vết thương đạn bắn thời đi lính cứ đau tái đi tái lại, bác không đủ sức làm việc nặng. Bác chợt nhớ mẹ nó sinh thời chỉ cách làm nước sốt ăn với bì, rồi cứ vậy bác gom số tiền ít ỏi còn lại bán đỡ ngày qua ngày. Con An học được tới ngày hôm nay cũng nhờ nó chịu học và được nhà trường thương miễn giảm học phí nhiều đó con à"

Tôi nhìn qua em,những đường nét xinh xắn trên gương mặt em như được thừa hưởng từ hai vợ chồng bác Ngạn vậy. Sâu trong đôi mắt sáng như ánh sao đấy của em là sự quyết tâm và tình thương em dành cho cha mẹ mình. Tôi thầm cám ơn Trời, vì người ta thường nói cha mẹ sinh con trời sinh tính, thật may mắn vì dù trong hoàn cảnh khó khăn dù thiếu đi tình thương của mẹ, ba em thì tất bật bán buôn lo cho cuộc sống vậy mà em lại rất ngoan.

Em thấu hiểu được sự yêu thương ba mẹ dành cho mình nên em quyết tâm học, học để làm ba mẹ em yên tâm, học để mong tương lai em sẽ tốt hơn sẽ có thể phụng dưỡng được cha mình.

Còn bác Ngạn không lựa chọn cách sẽ đi thêm bước nữa mà bác vẫn ở như vậy. Chịu cảnh gà trống nuôi con, không chỉ vì sợ người phụ nữ khác đối xử không tốt với An mà còn vì bác muốn tập trung lo cho một mình An. Và quan trọng là bác thương hết lòng người phụ nữ đã dùng thanh xuân đẹp đẽ, bỏ qua tất cả sự săn đón của những người đàn ông khác mà chờ đợi ngày bác trở về. Dù khi trở về, bác mang thương tật trên người sức khoẻ không ổn định nhưng mẹ An vẫn yêu thương bác tuyệt đối.
****#Còn

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro