Chương Mười Hai

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

                Chương mười hai

                Nghĩ lại thì cũng lạ. Trước giờ tôi chả thèm để ý đến con gái. Tự nhiên đâu ra cô bạn làm tôi giao động vầy nè? Hồi năm lớp tám, lúc ba mẹ tôi còn sống với nhau, tôi rất năng động và yêu đời. Tôi chơi đá banh trong đội của trường và được nhiều fans hâm mộ yêu mến. Tôi cũng có vài mối tình dắt lưng năm ấy nhưng đến cuối năm, tổ ấm của tôi chẳng còn phải là nơi ấm áp nữa. Ba tôi có bồ nhí, làm người đàn bà khác có bầu nên đã ly hôn mẹ tôi và bỏ nhà đi.

                Tôi trở nên trầm cảm hẳn. Tôi nghỉ chơi bóng đá, ít giao lưu bạn bè, và đóng hẳn trái tim mình. Tôi thấy cuộc sống thật vô nghĩa và tôi là một đứa vô dụng, đến ngay cả mẹ tôi tôi còn không biết bảo vệ, làm bà phải chịu một tổn thương rất nặng. Tôi không biết mục đích sống là gì, tôi hững hờ với mọi thứ xung quanh. Nhìn đâu tôi cũng thấy toàn là sự dữ. Con người chỉ lừa dối lẫn nhau và chẳng có một thứ gì là thật cả. Họ diễn kịch trong sân khấu cuộc đời, đảm nhiệm nhiều vai vế trong tuồng cuộc sống và chỉ hạ tuồng làm chính mình khi họ cảm thấy vai diễn đó đã quá nhàm chán. Ba tôi đã diễn vai mang tên “ba” như thế trước mặt tôi mười mấy năm ròng.

                Tôi cứng đầu, tự dối lòng là những đêm ba mẹ cãi vã như thế sẽ làm họ hiểu nhau hơn, thông cảm với nhau hơn. Tôi ích kỷ tự che một mắt của mình lại mà sống, nghĩ rằng nếu không màng tới thì chuyện đâu cũng sẽ vào đó. Tôi hối hận vì đã không giúp mẹ tránh xa một người như ba sớm hơn. Tôi giận mình vì đã không ngăn cản những lúc ba la mắng mẹ, làm cho mẹ phải khóc quá nhiều. Tôi ghét hết mọi sự! Thấy tôi trở nên tự kỷ như thế, mẹ tôi đã chạy chữa bao nhiêu bác sĩ và cho tôi uống thuốc thường xuyên là thế. Vậy mà tôi vẫn không khá gì hơn.

                Tôi bắt đầu nghĩ tới cái chết. Tôi đã thử qua rất nhiều cách để kết liễu cuộc đời. Nhưng Thần Chết cũng chẳng dám chứa chấp tôi. Bằng chứng là lần nào tôi tự tử cũng đều thất bại. Chẳng ít thì nhiều lần tôi cũng đã bị trầy da tróc vẩy nhưng không tới nỗi phải về lòng đất. Nhất là các lần gặp Cát Uyên, tôi càng thấy là mình sinh ra không dễ dàng chết như vậy.

                Lần nào gặp Uyên, tôi cũng được “cứu”. Và lần nào Uyên gặp tôi, cô ấy cũng rơi vào một hoàn cảnh nào đó bất trắc cần tôi giúp đỡ hoặc băng bó vết thương. Tôi đã đánh liều đặt ra câu hỏi, “Có phải mục đích sống của tôi là đem lại sự bình an cho cô bạn kia và ngược lại hay không?” Ngớ ngẩn trước câu hỏi đó, tôi bất chợt tìm được trong đống hỗn độn đang tràn ngập nơi con tim tôi một thứ ánh sáng rực rỡ nhỏ bé nào đó...Và từ lúc biết được Cát Uyên là con của chú Đạt, chủ nhà hàng Cầu Vồng, tôi càng bị cuốn hút bởi tính cách của cô bé ấy. Làm việc cho chú Đạt trong ba năm nay nên tôi cũng biết ít nhiều về gia cảnh nhà chú. Giống như tôi và còn tệ hơn tôi, Uyên xa mẹ từ bé nhưng cô ấy vẫn sống thảnh thơi và vui vẻ như chưa từng có gì xảy ra. Một người trong hoàn cảnh như thế mà có thể sống an bình, hạnh phúc thì sao tôi lại phải sống khổ sở và ủ rũ mãi như vầy? Tôi nhất quyết phải tìm lại chính mình và Cát Uyên là chìa khóa mà Thượng Đế đã trao cho tôi.

                Đang còn nghĩ ngợi lung tung, về tới trước nhà thấy chiếc xe đạp điện dựng ở cổng tôi cũng chả thắc mắc gì nhiều. Chỉ khi mẹ bước ra cửa vồn vã lên tiếng thì tôi mới để ý chiếc xe, hình như đã quá trễ để nhận ra chiếc xe kia:

                -Con đi học sao không về nhà liền? Uyên ngồi đợi con từ nãy tới giờ.

                Mẹ ra đón tôi đã là một điều lạ bởi vì giờ này mẹ mới đi làm về thì sẽ vào bếp để làm cơm tối chứ đâu rảnh rỗi mà ra cửa đón tôi đi học về. Nghe thêm từ “Uyên” nữa càng làm tôi sửng sốt. Tôi bỏ dép và bước vào nhà. Thật là Cát Uyên đang ngồi trên ghế sofa đợi tôi. Tôi đực mặt ra như phỗng, quên béng đây là nhà mình và cứ đứng lớ ngớ ở ngưỡng cửa. Mẹ vỗ vai tôi cái “bốp” rồi như biết được sự ngượng ngùng của con trai bà, bà nói:

                -Hai đứa ngồi chơi tự nhiên nghen, bác ra bếp làm chút chuyện.

                Đợi mẹ tôi vào hẳn trong bếp, tôi mới tiến lại tháo cặp ra, đặt lên bàn và ngồi chỗ đối diện Uyên.

                Như đọc được sự bất ngờ to tổ chảng trên khuôn mặt của tôi, Uyên mở lời:

                -Có tí chuyện nên tui tới.

Uyên nói rồi mở cặp táp của cô ấy, rút ra một bao giấy và đưa cho tôi:

                -Trả Minh con dao.

                Tôi nhận bao giấy gói ghém con dao bên trong mà bỡ ngỡ hết sức.

                -Tới đây để làm zậy thôi đó, tui về nghen, -Uyên nói rồi đứng dậy.

                Tôi ơi, sao không nói gì đi chứ?

                -Uyên, cháu về hả? Sao không ngồi chơi một tí nữa? –Mẹ tôi bước từ trong bếp ra, -Cháu ở lại ăn cơm luôn nha? Bác vừa mới nấu xong tức thời.

                Tôi nhìn sang Uyên, hy vọng là sẽ nhìn thấy một cái gật đầu.

                -Dạ cháu cảm ơn bác nhưng cháu không ở lại được đâu.

                -Ồ, vậy lúc khác cháu ghé chơi nha.

                Uyên “dạ” rồi chào mẹ tôi và ra về. Từ đầu tới cuối tôi chẳng nói được câu nào. Hồi đầu gặp Uyên, tôi lạnh lùng và có thể nói những gì mình nghĩ. Sao bây giờ trước mặt mẹ tôi, tôi lại im như thóc vậy?

                Mẹ đưa Uyên ra cửa rồi trở vào nhà, nhìn tôi bà chọc:

                -Con bị ếm bùa hả? Sao mà đứng như bị thôi miên thế kia?

                -Dạ...dạ đâu có.

                -Con bé Uyên nó về rồi, -Mẹ tôi “tường thuật” lại cứ như là tôi vừa mới lấy lại được hồn vía đang thất lạc ở chín tầng mây và nãy giờ không biết chuyện gì đang xảy ra trước mắt.

                -Dạ.

                -Haha, thôi vào ăn cơm mau lên.

                -Dạ.

+++

                Tối đó tôi cứ cầm con dao mà ngắm nghía. Ngắm tới ngắm lui tôi thành ra ghen tị với con dao. Nó được ở bên Cát Uyên trong những tuần vừa qua, thật là sung sướng! Tôi nghĩ rồi lại xoay xoay con dao trong tay. Ba tôi đã tặng tôi con dao này sau lần ông đi công tác xa ở Mỹ về. Ba nói, “Con trai lớn phải có cái gì đó phòng thân cho mình. Con dao bỏ túi này cũng tiện lắm. Ba cho con.” Cán dao bằng gỗ có khắc cả ký hiệu tên tôi nữa, TM. Cạnh sát lưỡi dao được gấp vào, là một ống sáo nhỏ. Những lúc ngẫm nghĩ như thế này tôi lại kéo ống sáo ra thổi nhẹ lên vài nốt du dương. Ba bảo là dao chỉ để phòng vệ...lắm khi tôi nghĩ đến chuyện dùng chính con dao này để chấm dứt cuộc đời, bảo vệ cho chính tôi khỏi những sự xấu xa trên đời này. Lý do tôi đưa con dao này cho Uyên giữ là vì tôi không cần đến nó nữa. Chắc không cần đến nó vào thời điểm này.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro