Chương 1: Mạc Tố Thanh

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng




" Có một đóa lưu ly nhỏ giữa đồng thảo nguyên

Đồng thảo nguyên nào an yên tự tại

Có một nàng tên Thanh trong tâm người lưu lạc

Người lưu lạc nào thấu tình nữ nhân."

Thấu hay không thấu có quan trọng gì, sau này Cẩn Tịnh Nhiên mới hiểu, thấu thông suốt chân tình nhưng không đáp lại được mới chính là bi kịch lớn nhất.

————————
Thảo nguyên đại mạc rộng lớn, gió cát quanh năm không ngớt, chỉ hận cỏ hoa đều vùi dập trước phong vũ. Mạc Tố Thanh vậy mà trồng được một chậu lưu ly trước hiên nhà, đổi hơn hai bình sữa dê thì được một nắm hạt giống, qua hơn ba tháng đã trổ hoa. Thím Lưu gần nhà vốn cười nàng ngốc, lưu ly không khác gì hoa dại ven đường, tùy tiện hái cũng được một bó, cần gì dùng sữa dê mà đổi. Người ở thảo nguyên các nàng, dùng đồ đổi lấy lương thực đồng bằng vẫn không phải tốt hơn hay sao. Tố Thanh cười cười, cũng không so đo với Lưu thị, còn hứa phiên chợ sau sẽ giúp bà đổi một cây trâm cài tóc.

Nhìn chậu hoa trước mắt, nàng không khỏi thở dài, nữ tử như nàng lớn lên ở đại mạc lại không thích cưỡi ngựa bắn tên như những cô nương khác. Lại thích thưởng hoa thêu thùa, người trong làng chất vấn nàng mãi cũng chán, liền không bận tâm đến nữa. Tố Thanh vốn không phải đứa nhỏ mồ côi, nàng có mẹ, nhưng từ nhỏ đám trẻ chơi cùng vẫn gọi nàng là đứa côi cút không cha. Cứ mỗi lần uất ức chạy về, nương sẽ ôm nàng vào lòng dỗ dành, còn cho nàng một viên đường ngọt, cứ thế dần dà Tố Thanh cảm thấy không có cha cũng không phải một chuyện to tát lắm, chẳng phải nàng vẫn ăn ngon ngủ kĩ đó sao?

Nương của nàng tự là Thanh Hương, người là một cầm sư, chuyện này cũng chỉ có hai mẹ con nàng biết. Hỏi qua rằng đã từng nghe người luyện đàn hay chưa, nàng cũng không thể trả lời. Từ lúc có được ý thức thì đúng là chưa thưởng qua một khúc nhạc nào, nhưng trong kí ức vụn vặt của thuở nhỏ hình như đã lưu lại một khúc ca trong trẻo, như có như không.

Mạc Tố Thanh tuy sống ở thảo nguyên xa xôi, trước mắt chỉ có ngựa có dê, có cừu có cỏ, cuộc sống thập phần khó khăn, nhưng tay nàng tuyệt không có một vết chai do lao động mà thành. Nương nói, tay của nàng chính là mệnh của nàng, cần trân trọng chăm dưỡng.

" Nương, người nói xem, ta từng đọc sách thấy vùng đồng bằng rộng lớn trù phú. Gạo thóc dồi dào, hoa cỏ trăm loài, chúng ta vì cái gì cứ chôn chân mãi ở đại mạc như vậy?"

Ngoài thềm cửa gió thổi nhẹ nhàng mang theo trong không khí một vị khô nóng của cát, Thanh Hương nhẹ nhàng phủi đi ít bụi dính lại trên y phục, hai tay lại bận bịu treo mấy trái bắp lên sào trước hiên nhà.

" Sinh ra ở thảo nguyên, lớn lên ở thảo nguyên, tiểu tử đã hơn mười sáu tuổi đầu rồi vẫn mơ mộng về nơi khác. Ở đây cũng đã bao giờ bạc đãi ngươi?"

Nữ nhi của nàng, vốn dĩ không thuộc về chốn xa xôi hẻo lánh này đi. Nàng không nói, huyết mạch của Tố Thanh cũng cứ tự khắc lên tiếng.

" Sinh thần mười sáu của ta, người chuẩn ta một chuyến đến kinh thành thăm thú đi."

Thanh Hương vén sợi tóc mai của nàng, nữ tử càng lớn nhan sắc càng xinh đẹp, nhưng không phải vẻ đẹp thanh tú nhu thuận như hoa lan, không cường đại kiên cường, vẻ đẹp của Tố Thanh chính là yêu kiều diễm lệ. Gương mặt nàng tú lệ như đóa hoa chớm nở, chọc người yêu thích. Vẻ câu nhân này, Thanh Hương muốn giúp nàng che đậy cũng phải nhọc sức. Để nàng ở chốn xa như vậy không phải là muốn bạc nàng, mà càng là để bảo vệ chăm nom nàng. Khinh suất một lúc để thế nhân biết thân phận của Mạc Tố Thanh, chẳng phải là tự tìm đến chỗ chết hay sao.

" Ngươi không còn nhỏ tuổi, hà cớ vẫn thích vui chơi như vậy. Nghe nương, mỗi một chuyện ta làm đều vì ngươi. Không vội đến kinh thành, đúng thời điểm, ngươi không muốn đến cũng phải bất khả dĩ đến."

Tố Thanh thấy người trăn trở thì cũng không yêu cầu thêm nữa, lại cười ngọt ngào lấy lòng mà xoa xoa mấy vết nhăn trên trán cho nương. Thanh Hương chỉ vừa ngoài ba mươi, xét về tuổi tác không tính là già cỗi, vậy mà sức khỏe của bà ngày càng yếu, nàng cũng không muốn chọc bà thêm nhọc tâm.

Cách xa nhà nàng hơn nửa canh giờ đi bộ có một ngọn đồi nhỏ không cao lắm. Trên đồi có một mật thất từ xa xưa cố nhân để lại, rất lâu không ai dùng đến. Trong mật thất cũng chỉ đơn giản có một bộ bàn ghế đá và một tấm sàn bằng gỗ. Nhà của nàng vốn ở cuối thôn, đất ở đại mạc lại càng không thiếu thốn, mỗi nhà cách nhau rất xa, khoảng cách dùng để chăn thả gia súc và trồng trọt trà. Vì thế xét về mặt địa lý càng không người nào trong thôn quan tâm đến ngọn đồi trọc hoang vu kia thêm nữa. Mạc Tố Thanh lại rất thích nơi này, từ lúc nhỏ nàng đã thường đến đây chơi, dù đồi trọc thưa thớt cây cũng chẳng có gì là thú vị, nhưng nàng vẫn hằng mong ước sẽ đem được mọi giống hoa trên thiên hạ đến đây trồng, rồi đắm chìm trong không gian của riêng nàng. Nhưng nơi này không phải chỉ Tố Thanh biết, mật thất kia là nương chỉ cho nàng, cũng là nơi mỗi độ đầu, giữa và cuối tháng cả hai mẹ con sẽ đến.

Trong mật thất có một bộ cầm, chạm khắc tinh xảo hoa văn của chim phượng, mẫu đơn diễm sắc. Bốn dây cầm được căng đến độ chính xác hoàn mĩ, cho thanh âm cao mà không chói, trầm mà không nặng, trong trẻo không nhiễu loạn. Gỗ của cầm, nương từng nói là nghệ nhân ở vùng phía Bắc đi tìm dọc các con suối, những khúc gỗ tốt qua sự xói mòn vừa đủ của dòng nước, khiến cho vách rỗng bên trong tạo sự cộng hưởng âm thanh càng tuyệt diệu. Sau người làm cầm còn phải dùng sừng hươu cho nghiền thành bột rồi đem trộn với vôi phủ một lớp mỏng lên lớp vỏ gỗ, khiến đàn qua nhiều năm vẫn không bị mảy may biến dạng, duy trì độ phẳng của mặt đàn. Mỗi một chi tiết hoa văn trên thân đàn đều là tỉ mỉ điêu khắc, chiếc cầm không chỉ là một nhạc cụ mà còn là một bức tranh tinh xảo, đuôi đàn được cách tân như đuôi phụng, mềm mại uyển chuyển. Trong nhu có cương, nhu mà không yếu, đường nét mềm mại nhưng màu sắc lại rắn rỏi cao quý.

Mạc Tố Thanh đã lớn lên cùng với cây cầm Uyển Tịch này, nàng không biết trước đó nó đã được làm ra bao nhiêu năm, nhưng chắc chắn phải lớn hơn mười sáu năm tuổi đời của nàng.

" Uyển Tịch, Uyển Tịch thêm khúc tấu,

Tiếng cầm vọng xa như nức nở,

Tiếng cầm vọng gần tâm giai nhân."

Tố Thanh hơn bốn tuổi đã bắt đầu luyện cầm, kĩ nghệ qua mười hai năm đã trở thành điêu luyện. Ngày đầu là nương bảo nàng đến, hài tử vắt mũi chưa sạch đã phải ngồi một chỗ nghe Thanh Hương giải thích bao nhiêu là chuyện, chỉ chán đến mức muốn lăn ra ngủ gật. Nhưng chạm vào nốt đàn đầu tiên, có cái gì đó thôi thúc nàng, gảy một nốt đàn tùy tiện, thanh âm trong trẻo vang lên giống như tiếng suối. Tố Thanh cứ vậy mà trở nên si mê luyện cầm. Nhưng nương mỗi tháng chỉ cho nàng luyện ba ngày, lại còn dặn nàng không được nói cho ai biết chuyện này, nếu để một người biết, nàng sẽ không bao giờ còn đụng vào Uyển tịch nữa.
Ba ngày, một buổi đầu tháng, một giữa và cuối cùng. Nàng luyện cầm phải đi sâu vào mật thất, không phải giữa sơn nước hữu tình mà ở hang động hẻo lánh. Thanh Hương bao giờ cũng chuẩn bị kĩ càng để không một nốt nhạc nào thoát ly khỏi diện tích mật thất. Luyện cầm cho Tố Thanh là một việc kín kẽ và tuyệt nhiên bí mật. Tưởng là khó nhưng hoá ra là hợp, mật thất trông có vẻ tù túng lại vang vọng tiếng cầm càng thêm du dương, nhưng hoà vào đó vẫn là chút cô tịch của cầm sư lưu lại.

Mạc Tố Thanh, nàng biết rõ Thanh Hương không phải nhũ nương ruột thịt, nương không nói, nàng cũng không hỏi. Chỉ là trong lòng một mực biết rõ, giống như khắc trong tâm khảm là một nỗi thôi thúc kì lạ. Nương nói đúng, thảo nguyên rộng lớn chưa từng bạc đãi nàng, Tố Thanh không thiếu ăn không thiếu mặc, nhưng thiếu tâm tình. Tâm tình của nàng đặt ở kinh thành xa xôi náo nhiệt, chưa từng đặt chân tới nhưng lại thương nhớ. Nàng vẫn cảm tưởng, nếu đời này nàng không ra khỏi đại mạc, sẽ không yên lòng nhắm mắt chết đi.

Nương, rất lâu sau này ta mới hiểu, phàm không phải kẻ bạc đãi mình thì sẽ sinh hận, cũng không phải người đối tốt thì sẽ dùng chân tâm để yêu.

——-

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro