Chương 19

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tác giả: Bạch Đường

Hạ đến, sen đẹp tuyệt trần.

Vẻ đẹp thanh khiết của những búp sen non khẽ nấp mình sau vạt lá. Sắc trắng pha xanh nhạt mà mát rượi, san sát đua chen từng búp nở bung xoè. Nhác thấy xa xa chỉ một màu xanh ngút ngát, rồi đôi khi điểm mấy vệt đỏ hồng rực, giống như nhặt nhạnh lửa trời.

Hạ nắng, sen lại vươn cao. Khi thuyền chạy dọc dây sen, thân hình mảnh dẻ của sen lật ngang ngửa rồi lại đứng bật dậy, hiên ngang, cũng có khi rũ xoà nằm nghỉ. Ngồi trên thuyền mà ngửi được cái mùi tanh mặn của bùn non, một cơn gió hạ ập đến chỉ biết nhanh chóng căng ngực tham lam hấp lấy. Ngước mắt lên trên một màu xanh biếc, mây thơ lơ từng cuộn bông rối bù, ai để bày ra giữa thiên thanh.

Sen thơm nhạt, mùi tinh khôi, ngón tay lướt qua cánh sen, không nỡ lòng ngắt lấy.

Cách nhau chỉ một khoảng trống mảnh như cuộn chỉ, Trương Tam ngồi đó cạnh tôi, chân vắt ngang ván sạp, âm u tích tụ trên đôi mày hắn dường như mờ hẳn đi theo nhịp chèo. Chúng tôi đều im lặng cả, người chèo đò dẻo dai và lặng lẽ như một cành sen khi hai cánh tay gân guốc chống mạnh sào tre, đưa chúng tôi vút nhanh qua ao gương bát ngát trùng trùng.

Ở vùng nước sâu giữa hồ, những chiếc thuyền lớn truyền đến tiếng nhạc ca, đàn nhị tịch tình tang não lòng vọng đến, hoá ra đương buổi ca trù. Tiếng nước rơi bán âm trên mái chèo của người đưa thuyền chúng tôi hoà cùng âm thanh xa xăm kia thành một bản nhạc mông lung, rồi lại đằm thắm trìu mến, giống một sự vỗ về không tên.

Cho dù chỉ là người nông dân chân đất, tôi cũng phần nào cảm nhận được phần nào cái tình cái cảnh của những kẻ bụng đầy thi thơ. Tự nhiên tôi thấy hơi tiếc tiếc, không khỏi nghĩ vẩn vơ... giá mà có một tú tài ở đây, kẻ đó ắt phải ngâm lên mấy khúc thiên cổ kì bút, đáng để ghi danh vào sách vở, để đám học trò đọc lên vanh vách mỗi khi trả bài. Tuy nhiên bây giờ chỉ có ba kẻ chúng tôi, một đôi vợ chồng chân quê và một người lái đò nhà nằm sát mé hồ - hằng ngày thấy quen ao sen trùng điệp. Ấy thế chỉ còn lại vợ chồng tôi. Giữa cái mênh mông nước rộng mà thốt nhiên thấy hơi chưng hửng, chấp chới, nhưng nỗi sầu lạ đó không kéo dài lâu khi mà bàn tay ấm áp của Trương Tam kéo tôi về với thực tại. Thế là chẳng còn chút buồn bã hay chơ vơ nào nữa, vững tâm hẳn khi mà biết chắc chắn người bên cạnh sẽ mãi cùng đi với mình.

Giấu sau tay áo, Trương Tam nắm lấy tay tôi, siết chặt. Trên môi hắn là nụ cười nhẹ, mọi sầu muộn nhiều ngày gần đây đã cuốn theo gió hạ, đáp xuống lá sen. Khi con thuyền lướt qua, phiến lá lớn nghiêng mình để nỗi buồn chảy xuống, biến mất sau lớp bùn lầy dưới đáy hồ.

Người lái đò nhìn thoáng qua chúng tôi, Trương Tam không buông tay ra, nhưng tôi không nỡ lòng nào rụt lại. Đối diện với một phố thị xa lạ, những người xa lạ, dường như ai cũng trở nên can đảm hơn nhiều.

Người lái đò - một người đàn ông trung niên, da đen và gầy theo kiểu khoẻ mạnh, đầy sức bật chợt mở miệng nói câu đầu tiên kể từ khi chúng tôi bước lên thuyền.

"Khế huynh đệ à? Dân xứ khác? Hiếm thật đấy."

Tôi liếc sang Trương Tam một cái, mắt hắn hơi mở to, có vẻ ngạc nhiên, ngỡ ngàng. Tôi thấy chính mình cũng y hệt. Hai đứa chúng tôi đều chưa nghe qua từ này bao giờ.

Người lái đò có vẻ nhận ra vẻ ngây ngốc trên mặt chúng tôi. Ông nhẹ nhàng khua chèo: "Đến đây ở là đúng rồi đấy, thành Trác Khê có nhiều khế huynh đệ lắm. Các người từ nơi khác đến đúng không?"

Tôi đáp lại: "Đúng, quê tụi tôi ở xa chỗ này... Đi bộ cũng hơn nửa tháng. À, ông nói, khế huynh đệ là gì vậy?"

Người lái đò nhìn hai bàn tay nắm chặt của tôi với Trương Tam, đáp: "Là như hai cậu thôi, hai người đàn ông quý nhau, ở cùng nhau, ở đây chúng tôi gọi là khế huynh đệ. Người xứ khác không biết, chứ ở Trác Khê này, từ đại nạn hơn chục năm trước có rất nhiều cặp khế huynh đệ xuất hiện. Bị nạn lụt, đàn bà con gái chết nhiều quá, đàn ông khoẻ hơn trái lại lại sống, mà sống một mình thì cô đơn, không cưới được vợ, thì anh nào hợp mắt về ở chung cho đỡ buồn tủi cũng được."

Nói đến đây, người lái đò khẽ mỉm cười. Một vẻ hạnh phúc lạ lùng toát ra trên gương mặt có vẻ cần khổ của ông, làm tôi không khỏi bị cuốn vào, nóng lòng muốn nghe ông kể thêm chút nữa.

"Như tôi và anh nhà," người lái đò thả lỏng tay chèo: "Qua cái kiếp nạn kia, cả gia đình đều chết cả, chỉ còn hai thằng con trai. May là cùng quê, chạy nạn thấy mặt nhau thì mừng lắm... rồi cái tự nhiên mà ở thôi... cũng hơn chục năm rồi, không có gì không tốt. Không có con cái, nhưng còn sống được mà đến với nhau cũng đã may mắn hơn người ta, tham lam quá cũng không tốt."

Có lẽ thấy tôi và Trương Tam ngơ ngác quá, người lái đò lại cười thêm vài lần, như một lời động viên vô hình. Đến khi thuyền cập bến rồi, tôi đếm thêm hai đồng trả cho ông, nhưng bị ông gọi với theo, khăng khăng đưa lại.

"Tôi không lấy dư, hai người cầm lại đi."

Trương Tam nắm tay tôi, lùi về sau một bước: "Đây là tiền cảm ơn ông đã kể cho chúng tôi nghe về khế huynh đệ. Ông cứ cầm đi."

"Chuyện đó xứ này ai cũng biết."

Trương Tam mỉm cười: "Nhưng ông là người đầu tiên kể cho chúng tôi. Thật sự rất cám ơn." Hắn cúi đầu sâu, lạ lắm. Cái vẻ trang trọng làm ra không giống hắn, làm tôi ngỡ ngàng, khó hiểu.

Có lẽ lần đầu tiên nghe thấy một lời cảm ơn nặng tới vậy, người lái đò không biết phải làm sao, khua tay thật nhanh, như muốn xua bớt cái không khí có phần chũng xuống, mặt ông hơi đỏ, chẳng biết là kích động hay ngượng ngập.

Tạm biệt người lái đò, chúng tôi quay trở lại quán trọ, bàn tay vẫn đan lấy nhau.

Thốt nhiên trong lòng tôi ngập tràn can đảm tới nỗi không gì ngăn cản được sự thân mật của tôi với người đàn ông bên cạnh. Tôi thấy tim mình trìu mến, mềm nhũn ra vì nỗi rung động cho cuộc tình đẹp của người lái đò - làm tôi nhớ đến duyên phận của tôi với Trương Tam khi còn là hai đứa bé, cũng trong trận thiên tai kinh hoàng đó.

Rồi ông chủ Phạm xuất hiện trước mắt chúng tôi, nhưng tâm tình tôi lúc này chỉ còn lại vẻ thản nhiên và tự hào không chút nao núng. Tôi chợt có hơi muốn ngoe nguẩy mà vung đôi tay đang nắm chặt lên, như một lời khoe khoang vô hình với một người có hơi quen biết về tình yêu của hai đứa tôi.

Trương Tam chưa từng từ chối chuyện thân mật với tôi trước mặt người khác, giống như việc hắn luôn hứng khởi tự hào giới thiệu tôi là nửa kia của hắn. Nụ cười quen thuộc xuất hiện trên môi Trương Tam khi hắn chủ động chào ông chủ Phạm.

"Mới chơi hồ về đây, ông chủ Phạm giới thiệu tốt quá, thật biết ơn ông."

Ông chủ Phạm vuốt ve chòm râu vô hình trên cằm, hơi ra chiều đắc ý: "Tôi biết ngay, hai người sẽ hợp cạ với lái đò Trương mà."

Tôi bật cười, cùng Trương Tam nhìn nhau, tiếc nuối chậc lưỡi: "Cùng họ Trương với anh nhà tôi. Ắt hẳn... biết thế ban nãy đã trò chuyện thêm một lúc."

Ông chủ Phạm xua tay: "Lái đò Trương ngày xưa sống ở thôn Mễ Hạ cơ... cơ mà thôi, không nói nữa. Hai người ăn uống gì chưa, tôi mới sắm bầu rượu mơ xanh, thanh lắm; hay là chúng ta cùng uống chút?"

Trương Tam nhìn tôi một cái, thấy vẻ trông đợi của tôi, hắn dứt khoát gật đầu: "Thế thì chẳng có gì tốt hơn nữa."

Chiều tối, quán trọ đương lúc đông khách, ông chủ Phạm dẫn tôi và Trương Tam vào khoảnh sân sau quán trọ, đấy là chỗ riêng của ông. Một cái sân nhỏ trồng một cây lựu đương trổ bông, nhành thạch lựu đỏ như hồng ngọc. Nắng chiều vàng màu rơm khô chiếu dọc lên bức tường vôi trắng. Cơn gió thổi tới mang theo cái oi nóng cuối ngày, tách biệt khoảnh sân be bé này với cái ồn ào đằng sảnh trước. Ba chúng tôi ngồi xuống bộ bàn ghế gỗ cũ, ông chủ Phạm rót đầy bát nước chè tươi, uống vào khoan mát như nước giếng.

Thằng nhóc chạy việc mang đến vài món nhắm, rau muối chua, bát thịt gà đơm thật đầy, còn đem tới mấy cái chén sành. Thức ăn đơn giản mà tôi đói đến cồn cào cả ruột. Trời ngả chiều tây, nắng lung linh rót mật ngọt lên từng cái bát, đôi đũa, đến bầu rượu mơ chưa mở nắp đã biết thanh chua ngây ngất.

Nhưng vẫn chưa ăn vội, vì ông chủ Phạm muốn chờ bạn đời về cùng ăn.

Tiếng ken két vang lên, cánh cửa gỗ nhỏ bên hông hè chợt mở, một người đàn ông cường tráng bước vào. Ông ta trạc tứ tuần, chòm râu được tỉa cẩn thận và một đôi lông mày rậm rạp. Bên dưới hàng mày là hai con mắt đen trắng rõ ràng, uy nghi, bễ nghễ. Nhưng cái lạ thay là ông ta lại nở nụ cười, điều đó làm tôi thấy ngạc nhiên đến nỗi có hơi bất lịch sự mà nhìn chằm chằm ông. Tôi cứ tưởng người trông nghiêm trang như người đàn ông này sẽ chẳng bao giờ cười, vì ông làm tôi thoáng nhớ tới cha mình. Hai người không giống nhau, nhưng phần nào đó trong tôi lại cho rằng ông giống cha, luôn cái vẻ mày cau cặm cọ, mặt rắn đanh, khoé môi mím lại thể hiện uy khắc. Nhưng ông cười rồi, ánh sáng loé lên trong mắt khi nhìn về phía chúng tôi.

Ông chủ Phạm đứng dậy.

Á à, tôi biết rồi nhé, tôi biết vì sao ông chủ Phạm chơi với lái đò Trương, còn mời chúng tôi uống rượu.

Người đàn ông cao to đó bước vào, tiến đến gần ông chủ Phạm, à, tên ông là Phạm Thoại.

Cứ ông chủ Phạm miết, tôi thấy hơi ngại miệng.

Phạm Thoại đón tiếp người đàn ông bằng một vẻ bình thản, nụ cười trên môi ông lại sâu thêm vài phần, giống như suốt mấy chục năm nay và cả mấy mươi năm về sau nữa, hằng ngày, đương nắng chiều này, ông luôn ngồi đây đón người ấy về nhà.

"Đây là Trần Phú Giang, huynh đệ của tôi, anh ấy làm cai trưởng ở nha môn." Phạm Thoại cười nói.

Nhưng chúng tôi cũng chẳng có dịp đứng lên để mà trang trọng chào một người có 'chức lớn', bởi vì ông chủ Phạm đã tinh ý ra hiệu. Máu dồn cả lên mặt và tay chân tôi hơi nhũn ra, cảm giác giống như đối diện với quan thư kí trong nha môn hôm qua kia thôi, ngay cả nói năng cũng phải thận trọng từng từ. Xưa nay dân vốn sợ quan... Trương Tam cũng có vẻ hơi im hơn mọi khi. Hôm qua chúng tôi mải đắm chìm trong nỗi mất mát và lo lắng đến độ cảm giác bứt rứt này bị đè ép xuống... nhưng hôm nay nó lại trỗi dậy rồi. Tôi nhác nghĩ đến hai vị lính lệ canh chầu hôm qua mà chúng tôi dè dặt tặng họ bánh rán mè, chắc họ là 'lính lác' của vị cai trưởng trước mắt này nhỉ?

Vẻ mặt cai trưởng Trần lại hiền hoà đi vài phần khi nhìn chúng tôi, ông có vẻ thích ý khi được ông chủ Phạm giới thiệu đường hoàng như vậy.

"Ngồi cả đi chứ, cứ tự nhiên như ở nhà!" Cai trưởng Trần nói, tuy mà đã bớt đi, nhưng giọng điệu vẫn đậm chất 'quan' lắm.

Thế là bốn chúng tôi bắt đầu động đũa. Cai trưởng Trần gắp cho ông chủ Phạm một miếng gà rồi cặm cụi ăn phần của mình, trong khi ông chủ Phạm tìm chuyện tủm tỉm tán gẫu cùng hai đứa tôi. Cơm ăn gần cạn, tôi mới phát hiện ra mình đã hết mất tự nhiên từ khi nào, ông chủ Phạm thật sự rất khôn khéo.

Ăn cơm xong lại nhấm chút rượu mơ thanh mát, trăng cũng lên đầu cành. Một đêm trăng tròn vành vạnh. Trương Tam uống nhiều hơn mấy chén rượu, bắt đầu lơ tơ mơ. Lúc tôi tán gẫu với ông chủ Phạm cứ phải để tâm nhìn hắn. Nhìn lén mấy lần, ông chủ Phạm cười nói hôm nay tan đi, chắc ai nấy cũng mệt mỏi cả. Tôi thở phào trong dạ, lại có cảm giác cả nể, dường như cái gì ông chủ Phạm cũng nhìn ra được.

Hai vị 'huynh đệ' trung niên kia về phòng nhanh như chớp, để lại tôi với Trương Tam trong sân ngơ ngác nhìn nhau.

"Bát đũa để đó lát thằng Khoai dọn nhé!" Ông chủ Phạm hô lên, rồi đóng cửa phòng lại.

Tôi chỉ vừa kịp thấy bàn tay để lên thắt lưng của Phạm Thoại thôi.

Chà.

Lúc quay đầu lại, Trương Tam đang dốc ngược bầu rượu.

Nó hết từ đời nào mất rồi, mà anh chàng này vẫn còn muốn uống kia đấy.

"Về phòng thôi, Trương ca." Tôi đẩy hắn một cái: "Mau bỏ xuống."

Trương Tam miễn cưỡng nhìn tôi, có vẻ hơi ấm ức: "Hết trơn rồi."

"Thì hết rồi mà. Bỏ xuống đi."

Trương Tam mím môi: "Anh khát."

Tim tôi mềm nhũn, hắn làm nũng sao đáng yêu quá chừng. Tôi sắp gọn đống bát đũa lại, rồi gọi tên đàn ông to xác bên cạnh đứng lên: "Phụ em mang vào nhà bếp đi, rồi em kiếm cho anh miếng nước."

"Ùa, A Mộc tốt." Trương Tam cười toe toét.

Tôi cũng cười toe toét, ây da, huynh đệ của tôi thật đáng yêu.

Rất xứng đáng được thưởng cho.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro