Chương 19 + 20

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chương 29 Truyền thuyết

Một lúc sau thì bụng Thanh Lê rầm rì kêu, y xấu hổ đỏ mặt, Vi Bắc Lâu không tỏ vẻ trêu chọc gì, chỉ ngồi dậy truyền thiện.

Vi Bắc Lâu bình thường không hầu hạ kẻ khác, cũng không thích kẻ khác kề kề bên cạnh hầu hạ mình, số lượng tỳ nữ thiếp thân của hắn không nhiều, chỉ có ba thị nữ, ngoài ra còn một vài nha hoàn ở thư các giúp hắn quản lí sách vở. Nha hoàn chính quản lí sự vụ thiếp thân là Mặc Ngọc. Tỳ nữ hầu hạ ở phòng ngủ là Lam Ngọc, ngoài ra còn có một tỳ nữ ở trù phòng riêng. Vi Bắc Lâu thích đọc sách, nhưng hắn đặt nơi làm việc và phòng sách ở hai nơi khác nhau. Thư phòng là nơi hắn phê duyệt tấu chương, mật bàn với tâm phúc, không để nha hoàn vào, tự hắn dọn dẹp; còn thư các là nơi thuần chứa sách trục, là một tòa lầu hai tầng xây bằng gỗ gụ rất trang nhã, nằm gần thư phòng, do hai thị nữ Hồng Ngọc và Hoàng Ngọc coi sóc.

Vi Thái phó tỉnh dậy đã đem bản thân mình thu thập xong xuôi, lại gọi Lam Ngọc mang nước nóng đến để thiếu niên rửa mặt, sửa soạn lại bản thân gọn gàng.

Vi Bắc Lâu gọi Thanh Lê lên bàn ăn, y vẫn còn đang ốm, đồ ăn dọn lên toàn món thanh đạm, cháo gà, rau cải, canh các loại hạt và ngó sen hầm, nhưng đã rất phong phú, mỗi món đều trang trí tinh xảo ngon miệng, Thanh Lê nhìn mà hơi lo lắng một chút, sợ mình ăn uống không được lễ nghi.

Vi Bắc Lâu nhìn bàn tay vẫn còn băng bó của Thanh Lê. Lam Ngọc múc một chén cháo nóng hổi, nấu đến hạt nếp tơi vàng, thịt gà băm nhỏ cùng hành thơm ngào ngạt, để trước mặt thiếu niên. Nàng cầm muỗng lên, tính giúp đỡ thiếu niên ăn cháo thì nghe thấy lão gia lên tiếng: "Được rồi, ra ngoài đi." Lam Ngọc tự nhiên không có gì thắc mắc, xưng vâng rồi nhanh nhẹn rời đi.

Thanh Lê ngước đôi mắt đen tròn nhìn hắn, không rõ ràng cho lắm.

Vi Thái phó dùng muỗng sứ khuấy khuấy cháo, mùi hương bốc ra, chén cháo nóng vẫn còn khói bay lên, hắn múc một muỗng thổi thổi, rồi đút cho thiếu niên: "Há miệng."

Thanh Lê vô thức nghe lời há miệng, một muỗng cháo đút vào, thật ngon!

Đến khi phản ứng được điều gì đang xảy ra, nội tâm Thanh Lê có hơi sợ sệt, nhưng mà không dám nói, vẫn rất nghe lời, Vi Bắc Lâu bảo cái gì là cái đó.

Một muỗng rồi một muỗng, chẳng mấy chốc ăn hết chén cháo, Vi Bắc Lâu lại đổi trứng chưng, bên trong bỏ rất nhiều phụ liệu, có nấm hương, tổ yến xắt nhuyễn, thịt băm, cà rốt, một chén không quá to không quá nhỏ, lại múc một muỗng, cố ý lựa phần ngon nhất cho y. Thanh Lê 'ùm' một cái ngậm muỗng, ngoan ngoãn ăn hết những gì hắn đút.

Đến khi bụng phình phình, y sờ sờ một chút, chưa kịp nói gì, Vi Bắc Lâu đã phát hiện ra rồi dừng lại.

Không phải tất cả món ăn đều là thanh đạm, vẫn có vài món của năm mới, phân lượng cũng không quá nhiều. Vi Thái phó văn tĩnh từ trong xương, ngay cả dùng bữa cũng vô cùng cảnh đẹp ý vui. Thanh Lê nhìn trộm hắn một lát thì không dám nhìn nữa, trong phòng chỉ còn lại yên tĩnh, tiếng bát đũa chạm nhau nhẹ nhàng.

Ăn uống xong, Vi Bắc Lâu lấy một quyển trục dày đến đọc, Thanh Lê từ nhỏ ăn nhờ ở đậu, có ăn đã là không tệ, không biết được nhiều chữ, giới hạn cũng chỉ đủ biết những dược vị đơn giản; còn những chữ phức tạp hơn thì không biết.

Văn tự Trần quốc hiện dùng là chữ Khoa Đẩu. Bởi vì tầng lớp sĩ phu ít ỏi nên những quyển trục ghi lại loại văn tự này vô cùng quý giá. Lần đầu tiên Thanh Lê được thấy sách trục được giữ gìn kĩ lưỡng như thế, nhất thời không khỏi tò mò.

Vi Bắc Lâu tựa mình trên tràng kỷ đọc sách, Thanh Lê vẫn luôn trộm ngắm hắn, liền nghe thấy người kia hỏi: "Thích đọc sách sao?"

Thanh Lê giật mình, đáp: "Rất thích. Nhưng nô... ta không biết nhiều chữ, có lòng cũng không đọc được."

Vi Bắc Lâu thấy đôi mắt kia ảm đạm cụp xuống, liền gọi: "Lại đây." Thanh Lê ngoan ngoãn tiến lên, bị Thái phó kéo ngồi xuống tràng kỷ, Vi Bắc Lâu nói: "Cầm hộ ta." Rồi nhét cho y quyển sách kia.

Thanh Lê liền cầm vững quyển sách kia, tư thế nâng lên có hơi kì quái. Vi Bắc Lâu trong lòng cười thầm, căng cứng như vậy cũng không sợ mỏi tay; bèn đẩy y một cái, để hai tay hạ xuống, đặt quyển sách lên bàn nhỏ kê cạnh tháp, rồi chậm rãi đọc lên nội dung.

Đây là một quyển trục đã xưa cũ, dây thừng nối mảnh trúc lại đã sờn rách sắp bung chỉ, Thanh Lê cẩn thận trải nó ra, sợ mình làm hư quyển sách quý giá này.

Đây là một quyển sách sử ghi lại các đời đế vương của vương triều Đại Thần, quyển trục này vừa vặn nói về thời Kiến Nguyên tam đế. Từ thuở xa xưa đại lục này vốn tên gọi Hồng Hoang, lúc bấy giờ trời đất vẫn chưa phân đại đạo, các loài mãnh thú quái vật sinh sống trộn lẫn với con người. Người phàm nhỏ yếu không phải là đối thủ của các loài dị thú hung hãn, sống chui nhủi dưới hang sâu như giun dế, ngày qua ngày trong tối tăm u ám. Sau mấy vạn năm sinh sôi nảy nở, lại xuất hiện những tiên nhân được trời cao ưu ái, bẩm sinh có thần lực cùng phép thuật xoay chuyển càn khôn. Tiên – Yêu vì tranh giành tài nguyên mà nổ ra tranh chấp, trời đất xoay vần không biết bao nhiêu lần, đại lục Hồng Hoang chìm vào thiên tai bất tận một khoảng thời gian mấy ngàn năm, lúc ấy Tiên phái chiến thắng, liền nắm trong tay Thiên đạo, giáng xuống trần gian mưa bão thiên thạch làm tất cả dị thú tiêu vong, loài người bé nhỏ nên may mắn sống sót, thành lập nên các bộ lạc, vì không có dị thú đe dọa nên cuộc sống dần hết sức phát triển.

Lúc bấy giờ từ Nam chí Bắc bộ lạc Thái Sơ của Nguyên Diên tộc trưởng là bộ lạc hùng mạnh nhất, đã phát minh ra cách sử dụng đồ đồng, rèn vũ khí, thao luyện binh mã. Các bộ lạc khác nghe mà e sợ, một số tự nguyện thần phục; một số lại sợ hãi mà đem binh đi đánh nơi khác, cướp nhiều của cải tù binh làm vốn liếng chống lại Thái Sơ, trong đó đứng đầu là Thượng Thủy. Tù trưởng Thượng Thủy là Khổng Cực lớn lên to cao dị thường, hung hãn hiếu chiến, dã tâm bừng bừng, thường xuyên bất hòa Nguyên Diên muốn thâu tóm bộ lạc Thái Sơ. Có một lần Khổng Cực bắt được công chúa Thải Thánh - con gái Nguyên Diên, Thượng Thủy liền lấy làm lí do bắt Thái Sơ thần phục. Công chúa Thải Thánh trong đêm liền bi phẫn nhảy vào đống lửa tự vẫn, hóa thành chim Thải bay lên trời. Nguyên Diên mất con gái giận dữ, tập kết binh mã tấn công Thượng Thủy, Khổng Cực dẫn binh đánh trả, hai bên gặp nhau ở vùng Quyển Chương.

Trận Quyển Chương diễn ra trong trăm ngày, thây chết đầy đồng, máu nhuộm hồng sông, mười đại tướng dưới trướng Khổng Cực đều chết dưới tay Nguyên Diên, cuối cùng Khổng lấy thân tuẫn trận, Nguyên Diên đại thắng, từ đấy các bộ lạc thống nhất thành một quốc gia do Nguyên Diên đứng đầu, mở đầu cho triều đại Nguyên tam đế: Nguyên Diên Thánh đế, Tôn Nguyên Chính đế, Hậu Nguyên Thụy đế.

Đến thời Chính đế, mở rộng bờ cõi, phát triển nông nghiệp, hoàn thành bộ máy nhà nước, không ngừng phát triển hoàn thiện lãnh thổ, đưa chính quyền vào hoạt động. Lập ra chế độ thuế, xóa bỏ quyền hành của các tù trưởng cũ và vách ngăn giữa các bộ lạc với nhau.

Thời Thụy đế, Quang Nguyên quốc đã trở nên thống nhất làm một, dân chúng sinh sống hòa thuận với nhau, thế nhưng rào cản giữa các bộ lạc khác nhau vẫn còn rất lớn. Kiến Nguyên tam đế đưa ra 'Cầu hiền chiếu' chiêu mộ nhân tài, sau đó ban hành chữ viết thống nhất cho toàn triều đại do 128 vị học giả từ khắp nơi soạn thảo – chữ Khoa Đẩu, dựa trên văn tự vốn có của Thái Sơ.

Trong thời gian thống trị, Nguyên tam đế đã đặt thành công nền móng nhà nước phong kiến, ban hành khoa cử, thuế má, lập ra Đạo giáo, giáo dục dân chúng về lễ nghĩa của con người, để dân không còn chìm trong u mê tăm tối. Dạy nhân dân chăn nuôi gia súc, nuôi tằm, dệt vải, dạy năm loại ngũ cốc hoa màu, đặt ra lịch Nguyên, dạy dân đúc đồng, rèn nông cụ... Bởi vì có công quá lớn, Nguyên tam đế được thần dân khắp Quang Nguyên quốc cung phụng, xây điện thờ, trở thành Tam Thánh đế có địa vị như thần tiên tín ngưỡng. Thế nhưng đến thời suy vong, bởi vì đền thờ tam đế xa hoa lộng lẫy, nạn dân và loạn quân đến cướp bóc đập phá, trải qua trăm năm, đã sớm không còn.

Qua nhiều năm loạn lạc, rất nhiều thư tịch bị đốt bỏ, đền đài bị phá hủy, dân chúng đã không còn tín ngưỡng Tam thánh đế. Tứ quốc càng tuy không ban bố sắc lệnh nhưng vẫn âm thầm tiêu diệt vết tích cũ của Quang Nguyên quốc nhằm biến mình thành chính thống. Cố sự về Nguyên tam đế đã sớm tuyệt tích trong nhân gian, chỉ có trong tay vài vị đại học sĩ mới còn lưu lại.

Thanh Lê nghe đến say mê, y không đọc sách nhiều, làm sao biết được quyển tàn thư này là một quyển sách sử, y nghĩ mình vừa được nghe một cố sự không biết do ai viết, nhất thời chìm đắm vào chuyện xưa đến mê muội.

Vi Thái Phó đọc nửa canh giờ thì có chút miệng khô lưỡi khô, Thanh Lê liền rót nước cho hắn, cạnh đầu giường Thanh Lê có một bàn gỗ nhỏ, trên có ấm nước đặt trên lò than, lúc nào cũng còn nóng ấm.

Đọc xong, sắc trời cũng không còn sớm, Vi Bắc Lâu cất quyển trục đi, nhìn thần sắc tiếc nuối của Thanh Lê, nói: "Được rồi, không còn sớm, đi nghỉ ngơi thôi."

Một đêm lại qua đi, lúc này đã hết mùng Ba tết.

Lại qua hai ngày, Vi Bắc Lâu nói người nằm lâu quá cũng không tốt, cho phép y đứng lên hoạt động.

Thanh Lê mở cửa phòng, phòng y ở là phòng trong, bên ngoài cửa còn có tiền phòng, lúc nào cũng có thị nữ trực sẵn ở đó. Hôm nay người trực là Lam Ngọc, thấy Thanh Lê đẩy cửa ra thì có điểm vui vẻ: "Công tử đã khỏe rồi sao? Thật tốt quá!"

Thanh Lê có hơi ngại khi nghe nàng gọi mình là công tử, nhưng không phản bác, cười nói: "Cảm ơn Lam Ngọc tỷ quan tâm, ta đã khỏe nhiều rồi. Phải rồi, lão gia muốn truyền thiện."

"Không cần công tử ra ngoài đâu, ở ngoài tuyết vẫn còn rơi, để nô tỳ đi là được. Công tử chờ một chút."

Tất nhiên, Thanh Lê cũng không ra khỏi phòng làm gì, Hoàng đại phu vất vả mới nhặt về cái mạng cho y. Thanh Lê mỗi ngày đi loanh quanh trong nội phòng, mỗi bữa ăn đều được ăn ngon, còn có Vi Bắc Lâu luôn bồi bên cạnh. So sánh với quá khứ, đây đã là giấc mơ không tưởng, mỗi ngày y đều ngỡ mình đang đắm chìm trong mộng đẹp, không muốn tỉnh lại.

Chương 20 Khởi hành

Mấy ngày liên tục Vi Bắc Lâu ở chung phòng với Thanh Lê, cùng ăn cùng uống, tối nằm bên cạnh. Chính viện canh gác sâm nghiêm, đến nay cũng ít người biết Vi Thái Phó nuôi một nam tử bên cạnh, ngàn kiều vạn sủng.

Mấy ngày chăm sóc cũng không uổng công, Thanh Lê đã dần khỏe lại, tuy sức khỏe vẫn không tốt, nhiễm lạnh lại ho khan, nhưng quả thật đã đi lại bình thường. Vi Bắc Lâu sợ Thanh Lê ra ngoài gặp lạnh, không cho y đi đâu, cả ngày quanh quẩn trong chính viện, may mà Thanh Lê tính tình dịu ngoan, Thái phó không nói, y cũng thành thật nửa bước không ra.

Thanh Lê ngoan ngoãn đến mức nhóm nha hoàn cũng không đành lòng. Mấy ngày ở chung họ đã phát hiện, thiếu niên rất ngăn nắp, chăm chỉ; không chỉ tay sai khiến, chuyện gì tự làm được cũng tự mình làm; lại rất hiểu chuyện. Hầu hạ y so với bất kì người nào đều dễ dàng hơn.

Vi Bắc Lâu đã cho người dọn hết vật dụng bên Đông viện bên kia về cho y, Thanh Lê không tự đi mà dặn dò Thúy Nhi. Lúc Thúy Nhi đi một chuyến về cũng chỉ đem theo một bao y phục nhỏ. Thúy Nhi cũng được điều tới chính viện bầu bạn với Thanh Lê, mỗi ngày hai chủ tớ ngẩn người trong phòng. Bao y phục kia nửa chỗ cũng không chiếm, chỉ treo được một góc tủ. Thanh Lê cẩn thận từng ly từng tí, không có dáng vẻ thị sủng mà kiêu, cho dù bao nhiêu năm qua, người duy nhất đặc biệt trong lòng Thái phó chỉ có mình y.

Thanh Lê rất tự biết phận mình, Thái phó cho, y sẽ nhận, những gì không phải của mình, y cũng không nghĩ đi chiếm. Y đã mười tám tuổi, không phải là tiểu nha đầu mơ mộng, cái gì không phải của mình thì không thể cưỡng cầu. Một mạng này khó khăn lắm mới nhặt được về, Thanh Lê thấy mình thông suốt nhiều chuyện. Đặt ở trước đây, với sủng ái này của Thái phó, ắt hẳn y sẽ rối rắm, mờ mịt hơn nhiều, thế nhưng hiện tại thiếu niên không muốn nghĩ này đó. Thanh Lê nguyện ngày qua ngày dễ chịu, thì không nên nghĩ này nghĩ kia.

Sợ Thanh Lê buồn chán nên Vi Thái phó đặt một ít thư tịch trong phòng, sách Vi Bắc Lâu đem cho Thanh Lê giải trí cũng chỉ gói gọn mấy thứ trong thư phòng hắn thôi, tầng lớp sĩ phu cao quý, coi thường việc dùng bản lĩnh văn chương kiếm sống, nên thư tịch bên ngoài không có nhiều, Vi Bắc Lâu chỉ có thể đem ra vài thứ để Thanh Lê đọc, là một ít sách sử trong Tàng thư các.

Thế nhưng có rất nhiều chữ Thanh Lê đọc cũng không hiểu, sau lại sợ mình lỡ tay làm hư sách quý giá, nên không có động vào nhiều, thế nhưng y rất thích, ngày nào cũng phải ngắm một lúc, cho dù không hiểu, nhưng nhìn cũng thấy vui vẻ hơn.

Hôm nay cũng như thế, Vi Bắc Lâu vừa vào cửa đã thấy Thanh Lê nâng cằm ngồi ngắm một cái mai rùa, thỉnh thoảng lại cẩn thận lau lau, rồi cẩn trọng đặt vào hộp. Cái mai rùa này khá to, cũng đến bốn, năm gang tay, trên khắc chữ nói về tập tục cúng tế của Quang Nguyên quốc, có cả hình vẽ, Thanh Lê xem chữ không hiểu nhưng rất hứng thú với hình vẽ, mấy ngày nay đây là đồ vật y yêu thích nhất, ngày nào cũng phải ngắm nghía lau chùi. Làm xong cả rồi, lại như cầm bảo bối nâng lên một quyển tàn thư, nhìn kĩ lại thì đúng là quyển ngày đó Vi Bắc Lâu đọc cho y nghe.

Vi Bắc Lâu đã nhìn y một lúc mà Thanh Lê vẫn chưa phát hiện, Lam Ngọc từ sớm đã đem Thúy Nhi kéo ra ngoài, trong phòng chỉ còn hai người bọn họ.

Phòng Vi Bắc Lâu có vách tường được xây rất đặc biệt, những bức tường được phết bằng hỗn hợp bột tiêu, treo những bức thảm thêu được lót bằng những tấm chăn mỏng. Tấm chắn gió và những màn chắn bằng lông ngỗng cũng được sử dụng để giữ khí lạnh bên ngoài, đến mùa đông thì cả chính phòng ấm áp như xuân. Chính viện của Vi Bắc Lâu rất rộng, ngoại trừ chính phòng dùng cho mùa đông tên Lạc Sương, còn có chính phòng cho mùa hạ Hải Lâu, xây trong rừng trúc, bên cạnh hồ thủy tạ, mùa hè mát mẻ, trúc xanh rì rào.

Bởi vì phòng Lạc Sương ấm áp có lợi cho việc dưỡng bệnh của Thanh Lê, nên Vi Bắc Lâu để y ngụ tại nơi này luôn, đồ đạc cũng bảo y dọn vào. Vi Thái phó cũng cho người may thêm quần áo cho đứa nhỏ này, mấy ngày nay gấp gáp đưa đến.

Nhìn bộ dáng cẩn thận kia, Vi Bắc Lâu cười cười, cũng không lên tiếng, nhẹ nhàng đến sau lưng y, tay vươn tới vuốt ve quyển sách nọ, giúp thiếu niên trải nó ra bàn.

Thanh Lê giật mình, nhưng động tác của Vi Bắc Lâu rất ôn nhu, y bất giác thuận theo. Tư thế này làm thiếu niên như tựa hẳn vào ngực nam nhân, tràn đầy tình ý. Gương mặt thiếu niên được nuôi cẩm y ngọc thực mấy ngày bất giác tròn tròn hồng nhuận, dễ thương muốn tích ra nước, mỉm cười: "Lão gia đã về."

"Làm gì vậy?" Vi Bắc Lâu tự nhiên dời ánh mắt đến gò má hồng hồng kia, khẽ hỏi.

"Ta chỉ muốn đọc sách... Chuyện xưa hôm đó rất hay, Thanh Lê rất thích."

Vi Bắc Lâu đáp: "Ừm, đều đã nhớ kỹ chưa? Có chỗ nào không hiểu không?"

Thanh Lê thành thật đáp: "Ta ngốc, có rất nhiều chỗ chưa hiểu."

Vi Bắc Lâu đáp: "Vậy ta sẽ kể tiếp cho ngươi, rảnh rỗi cũng sẽ dạy ngươi đọc chữ."

Sức khỏe Thanh Lê không tốt, Vi Bắc Lâu không cho y làm gì, cả đồ thủ công cũng tịch thu, cả ngày không thể may vá, cũng không có việc nhà để làm, rảnh rỗi chỉ có thể nhìn nhìn thư tịch của Vi Thái Phó, xác thực rất nhàm chán. Cả ngày nằm một chỗ ăn ăn, qua mấy ngày đã nuôi lại được chút thịt hai má, tròn tròn hồng hồng như trái táo nhỏ. Vi Bắc Lâu đem người đặt bên cạnh, chính mình cũng tìm chỗ ngồi thỏa đáng, mới bắt đầu kể.

Không hiểu vì sao trong Thư các của Vi Bắc Lâu có rất nhiều quyển trục liên quan đến tiền triều. Hôm nay hắn kể về tập tục cúng tế mùa xuân của Quang Nguyên quốc, cầu cho năm mới được mùa. Trên hình vẽ một thầy tế mặt áo đuôi phượng nhảy múa, phía dưới chúng dân quỳ lạy; lại một bức vẽ khác vẽ hình trâu cày có hoa văn như hổ, người đầu đội ngũ trảo kim long quan cầm cày cày năm luống; sau lại có hình mùa màng bội thu, chúng dân tổ chức lễ 'thu báo'...

Vi Bắc Lâu vừa kể, vừa giảng hình, lời lẽ hoa mỹ sinh động, Thanh Lê nghe mà mê mẩn, bất giác dựa vào người hắn. Dưới đèn ôn nhu hương, lòng Vi Bắc Lâu an tĩnh, có chút cảm giác như không có tháng năm, tuế nguyệt tĩnh hảo.

Tập tục của tiền triều cũng không quá khác biệt với Trần quốc, dù sao cũng là cùng một nền văn minh sở sinh, thế nhưng truyền qua mấy trăm năm, đã có nhiều chỗ không giống, Trần quốc đã không còn dùng Quốc sư để làm phép cầu mưa, cũng không tổ chức lễ Tịch điền to lớn cho dân chúng.

Giọng Vi Bắc Lâu không vui không buồn: "Thời Kiến Nguyên đệ tam, mỗi khi đến lễ Tịch điền, vui vẻ như ăn năm mới, lúc Hoàng đế cày năm luống, khắp mười dặm ruộng xung quanh đều có cả trăm tiết tử khỏe mạnh dắt theo trâu mộng, đợi vua quan cày xong, nông dân xuống ruộng cùng cày, qua một thoáng mà mười dặm đất đã tơi xốp, Quốc sư ra hiệu, khôn tử ra gieo hạt, ngụ ý chẳng những ruộng vườn bội thu, mà dân chúng sung túc, sinh sôi nảy nở. Xong lại tổ chức tiệc mừng, đồ lễ gồm có bạch ngọc, rượu trắng, dê, lợn, xôi, hoa quả, hương nến... một phần tưới lên quán đỉnh, một phần cắt dâng Hoàng đế, rồi chia phần còn lại cho bách tính; lễ Tịch điền kéo dài ba ngày ba đêm, là thời điểm còn vui vẻ hơn Tết Nguyên đán, vì là lúc Hoàng tộc gần gũi với dân chúng nhất..."

Đến thời tứ quốc phân tranh, địa vị khôn tử thấp xuống, không có tư cách tham gia lễ Tịch điền, Hoàng tộc e sợ lễ hội náo loạn trị an không tốt, bèn hủy bỏ luôn phần ăn mừng cùng bách tính, lễ Tịch điền bây giờ chỉ còn Hoàng thân quốc thích cùng bách quan, không có dân thường.

Thanh Lê nghe không quá hiểu, thế nhưng y cảm nhận được Vi Bắc Lâu có chút không vui, bèn kéo tay áo hắn, ấp úng mở miệng: "Lão gia... có đói không?"

Vi Bắc Lâu nghe thấy câu đánh lạc hướng vụng về này, có chút dở khóc dở cười: "Không đói."

Thanh Lê cúi đầu, cố gắng không ngừng: "Vậy... nhưng ta đói bụng rồi, chúng ta cùng ăn điểm tâm được không?"

Vi Bắc Lâu vuốt nhẹ lên tóc y một cái, không làm khó nữa mà gọi Lam Ngọc đem thức ăn đến.

Mới qua Ngọ thiện không bao lâu, nhưng điểm tâm thì luôn chuẩn bị sẵn, có bánh sữa bò, hoa quế cao, hạt thông đường. Từ lúc Thanh Lê dọn đến ở, Vi Bắc Lâu đã dặn dò phòng bếp mời thêm một người làm điểm tâm, trù sư mới luôn cố gắng trổ hết tài nghệ, đồ ngọt làm ra không ít.

Bữa trưa Thanh Lê ăn hơi nhiều, bây giờ không quá đói, nhưng chính mình yêu cầu, đành cầm một khối bánh sữa bò lên gặm gặm. Bánh có vị ngọt nhẹ, là sữa tươi đã được nấu cho thêm đường và bột hấp lên, không có mùi tanh của sữa, ngon hơn bánh màn thầu hấp bình thường, mềm mềm tan trong miệng. Thanh Lê ăn thử một miếng thấy vị rất tốt, không kiềm được ăn nhiều.

Thấy y ngon miệng như vậy, Vi Bắc Lâu bất tri bất giác nhìn y, cũng ăn mấy miếng.

Thanh Lê từng ngụm từng ngụm ăn xong, nhìn thấy một bàn tay thon dài cầm bánh đưa trước mặt mình. Dường như Thái phó rất yêu thích đút thức ăn cho y... Mặt Thanh Lê đỏ lên, không biết trong lòng nghĩ gì, há miệng cắn miếng bánh. Hai mắt thiếu niên gắt gao nhìn Vi Bắc Lâu, như một con thú nhỏ lần đầu được người đút ăn, nếu người kia có động tác biểu hiện không thích nó, nó sẽ lập tức bỏ chạy.

Trên gương mặt tuấn mỹ khó tin của Vi Bắc Lâu dần rộ lên nụ cười, một nốt ruồi thật nhạt điểm nơi khóe miệng cong cong, mi phi nhập tấn, tuấn mỹ không sao tả xiết.

Đây là lần đầu tiên Thanh Lê thấy hắn cười, quả thực vô cùng kinh diễm.

Mỹ nhân họa bì nan họa cốt, chiếu theo câu nói này, Vi Thái phó là mỹ nhân cốt tướng, đẹp ở phong thái, tao nhã vô ngần, mi mục như tranh.

Thanh Lê từng ngụm ăn hết bánh, trong lòng đảo phúc phiên vân, không rõ tư vị, chỉ biết là rất yêu thích cảm giác này.

Hai người cùng ăn điểm tâm, đọc dã sử, trôi qua đến là thích ý.

**                                                                                                                

Còn mấy ngày nữa là kết thúc nghỉ Tết, Hoàng đế hôm nay mới truyền tin cho Thái phó, có chút chán nản không muốn lên triều, vòng vo muốn kéo dài thêm mấy hôm nữa. Vi Bắc Lâu đáp ứng, dời đại triều hội đến mùng mười lăm.

Bụng Hoàng hậu đã ổn định, sửa trị hậu cung đến nghiêm mật. Nga phi đã hai tháng không lộ diện gặp người, Tĩnh An Hầu phủ đã bắt đầu nóng nảy, không ngừng dò la bước đi của Vi phủ. Trong cung truyền đến tin Nga phi thai vị không tốt, phải an tâm tĩnh dưỡng, có hai tháng hơn phu nhân Hầu phủ không thấy bóng dáng con gái, hẳn là đã sốt ruột muốn điên lên.

Ngày hôm qua Binh bộ thượng thư Nguyễn Tông truyền tin cho Vi Bắc Lâu, thuế năm nay của ba quận Cao Mật, Lư Lăng, Châu Nhai bị Thái Thú Mục Châu Kinh Di Hàm tham ô hết một số lớn. Mục Châu có tổng cộng 6 phủ, 32 huyện, số lượng thuế hằng năm đóng về triều đình là cả chục vạn lượng bạc, nhưng năm vừa qua hạn hán nghiêm trọng, Mục Châu đất đai khô cằn chịu ảnh hưởng nặng nhất, nạn dân có rất nhiều, năm trước Vi Bắc Lâu đã trực tiếp giảm thuế điền một nửa, thuế thân hai phần cho toàn bộ các châu, riêng Cao Mật, Châu Nhai là miễn năm phần thuế thân. Nhưng trong mật chiết Nguyễn Tông truyền cho hắn, Kinh Di Hàm chỉ giảm cho ba quận kia hai thành thuế điền, không giảm thuế thân. Một mặt thì than khóc tấu khổ với triều đình dân chúng nghèo khổ không gom nổi ngân lượng, quay đầu liền cắn ngược vắt khô tính mạng bách tính.

Vi Bắc Lâu siết chặt mật báo, Kinh Di Hàm có chút liên quan đến Tĩnh An hầu phủ, nghe nói tiểu thiếp được sủng ái nhất của hắn là thứ nữ Tĩnh An hầu phủ. Tĩnh An hầu bản lĩnh không cao, chỉ có những chuyện nữ nhi tình trường này là thành sự. Sự kiện này không có một chân của Tĩnh An hầu, Vi Bắc Lâu một chút cũng không tin.

Xưa nay tham ô tiền thuế chính là tử tội sao trảm xét nhà, trong lúc quyền hành của hắn đang sừng sững thế này mà cả gan múa rìu qua mắt thợ, không phải vì đối phương quá ngu xuẩn, chỉ có thể vì...

Đôi mắt nam nhân bất chợt tối lại, gọi: "Trúc Lĩnh, ngươi cho người đến phủ Binh bộ, Lễ bộ thượng thư thỉnh người đến quý phủ, mấy ngày nay Vi phủ mua được một ít trái cây tươi mới, ngày mai mời các vị đại nhân đến cùng thưởng thức."

Trúc Lĩnh vâng dạ liền đi. Vi Bắc Lâu bước hai bước quanh phòng, mày cau lại, gọi Chung Yến đến, bàn luận một hồi. Chung Yến quỳ phục mệnh, quay về liền lập tức gói ghém hành lí xuất phát đi Mục Châu.

Đến lúc Trúc Lĩnh đưa thiếp mời đi rồi quay về, gặp được Chung Yến xách bao hành lí đang dắt ngựa, một hồi kinh ngạc: "Ngươi phải đi rồi sao?"

Chung Yến vuốt ve chiến mã, đeo hành lí lên lưng nó, quay lại nhìn Trúc Lĩnh, ánh mắt hơi đượm đượm: "Sao vậy, luyến tiếc ta?"

Trúc Lĩnh vốn muốn cãi lại hắn, nhưng nghĩ đến hắn lại sắp ra đi, lần trước một lần đi là đã bảy năm, nay lại tiếp tục biệt ly, không biết bao giờ gặp lại, càng nghĩ càng khó chịu.

"Luyến tiếc cũng không giúp được gì... Yến ca, về sau huynh phải tự mình bảo trọng." Trúc Lĩnh áp chế cảm xúc khó chịu trong lòng, cười nói: "Lần sau gặp lại, chắc hai chúng ta đều đã thành gia thất, tử nữ đều đã biết chạy, có thể gọi ngươi một tiếng đại bá rồi..."

Chung Yến nghe y hắn nói như thế nhíu mày, tay cầm dây cương cũng buông lỏng: "Ngươi nghĩ như vậy thật sao?"

Trúc Lĩnh cố bày ra vẻ mặt bình thản, nhưng tâm tình phập phồng không ngừng: "Bằng không còn có thể thế nào? Yến ca, ngươi năm nay cũng đã hai mươi sáu rồi, chẳng nhẽ chưa từng thành gia..."

Nghe lời nói như thế của y, Chung Yến có chút ngạc nhiên, rồi đáp: "Đúng thật là chưa thành gia, tuổi trẻ liền ra ngoài lang bạt, trọng trách chủ thượng đè nặng trên vai, sao có thể làm chậm trễ cô nương nhà người khác? Huống hồ trong lòng ta đã có ý trung nhân..."

Nghĩ đoạn có chút không cam lòng, bảy năm trước ly biệt Trúc Tử mới mười ba, trổ mã một chút linh quang đã làm hắn nhớ mãi không quên. Tiểu đệ đệ ngày xưa mình còn bế trên tay nay đã trưởng thành, rung động lòng người như vậy... Chung Yến không kiềm được, thăm dò hỏi: "Trúc Tử, ngươi có hiểu ý ta?"

Trúc Lĩnh nghe hắn không nhanh không chậm nói như thế, khóe mắt đỏ lên, một giọt nước mắt trong suốt đọng lại: "Yến ca, huynh đi đi, đừng chậm trễ công sự, Trúc Tử nhất định sẽ đợi ngươi về."

Chung Yến nâng tay như muốn vuốt ve mặt Trúc Lĩnh một lát, chỉ là cuối cùng vẫn không chạm vào; hắn cười nói: "Ngươi đừng lo, lần này ta không đi đến mấy năm, rất nhanh sẽ trở lại cạnh ngươi."

Trúc Lĩnh gật đầu đáp vâng. Hai người tuy bịn rịn nhưng cũng hiểu chính sự không thể lỡ, Chung Yến ngồi trên yên ngựa mà lòng không yên, cứ mãi ngoái đầu cho đến khi không nhìn thấy thân ảnh xanh lục đứng trước Vi trạch phất tay nữa mới thôi.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro