P3: Vạ từ đâu tới thành ra nỗi này

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tám giờ tối, y hẹn với Thuận, Thạch áo quần gọn gàng, đầu tóc bóng mượt, ra khỏi nhà. Bên ngoài, người phu xe đã chờ sẵn. Anh bước lên xe, nói:

- Nhà trò Thanh Cầm, nhanh một tí.

Phu xe "vâng" một tiếng rồi nhanh chóng nhấc càng xe lên, rảo bước chạy về phía trước.

Lúc này, Thạch mới đưa chiếc hộp nhỏ vẫn cầm trong tay lên ngắm nghía. Đó là một chiếc hộp bằng gỗ, mặt trên khảm xà cừ nên hình một chiếc đàn đáy(*), xung quanh có mấy đóa hoa nhài nở rộ, vô cùng tinh xảo.

Nhưng thứ giá trị không phải chiếc hộp, mà là thứ nằm bên trong nó. Thuận mở hộp, dưới ánh đèn của các cửa hàng hai bên đường hắt vào mờ mờ, vẫn có thể nhìn rõ được trên lớp nhung lót hộp là một chiếc vòng tay bằng ngọc bích, chất ngọc bóng đẹp vô cùng. Đây là món đồ Thạch đã mất cả nửa ngày trời lúi húi lựa chọn trong tiệm kim hoàn gần nhà mới chọn ra được, dành làm quà tặng cho Thanh Cầm. Nó gần như cùng màu với chiếc áo dài lụa hoa xanh anh đã may, cô đeo lên ắt hẳn sẽ rất đẹp. 

Anh cầm chiếc vòng, giơ ra trước mắt, xoay qua xoay lại một hồi lâu rồi mới bỏ lại vào hộp với vẻ mặt hài lòng.

Xe chạy tới trước nhà trò, Thạch vội vã bước xuống, suýt nữa đã quên luôn phải trả tiền cho phu xe.

Cũng không trách được, anh thật sự đang rất nóng lòng. Kể từ lần gần đây nhất anh nghe Thanh Cầm hát đến nay đã gần một tháng rồi. Nghe nói cô bị bệnh, khàn giọng nên không thể hát. Hôm ấy Thuận đến chỗ anh lấy áo dài đã nói cho anh biết, cả Thuận cũng bị bệnh giống cô, xem chừng là không nhẹ. Anh còn đóng cửa nhà may ngay lúc ấy, tận tình đưa Thuận tới ông lang Hoàn mà anh quen ở dãy phố bên kia để khám và bốc thuốc cho Thuận với Thanh Cầm. Cô rất cảm động, đã nhờ Thuận chuyển lời rằng khi nào khỏi bệnh, cô sẽ tiếp anh là người khách đầu tiên.

Một tháng trời không nghe cô hát, Thạch nhớ vô cùng, lại còn được cô ưu ái hẹn riêng đến như thế này, bảo anh làm sao không khấp khởi vui mừng cho được?

Ra đón Thạch là thằng nhỏ chạy việc vặt của nhà trò. Nó vừa thấy anh đã niềm nở khoanh tay cúi đầu chào rồi nhanh chóng dẫn đường cho anh mà không cần hỏi gì nhiều. Nó đã quen mặt anh, biết rõ lần nào anh đến đây cũng chỉ tìm cô Thanh Cầm mà thôi.

Thạch rảo bước theo thằng nhỏ, cố kìm nén sự kích động trong lòng mình để bước chân không gấp gáp quá mà vấp ngã.

Thằng nhỏ đưa Thạch lên tầng hai, tới một gian phòng nằm khuất trong góc. Nó mở cửa cho anh, sau đó lễ phép mời anh vào và rời đi.

Thạch đẩy cánh cửa ra, gian phòng vẫn như mọi lần không có gì thay đổi, vẫn là một tấm mành thưa ngăn gian phòng làm đôi, bên này trải chiếu có sẵn gối tựa, bình rượu và chén cho Thạch, bên kia là bóng Thanh Cầm cùng kép đàn và người gõ trống cầm chầu. Cô đã đợi anh từ trước.

Thấy anh tới, Thanh Cầm cất lời chào, giọng nói êm như ru, khá giống với anh trai cô nhưng mềm mại hơn một chút:

- Anh Thạch đã tới đấy ạ.

Thạch nhẹ gật đầu đáp lại, ngồi xuống chiếu, nói:

- Lâu rồi không gặp, cô Thanh Cầm đã khỏe hẳn chưa?

Thanh Cầm khẽ cười, trả lời:

- Cảm ơn anh Thạch có lòng quan tâm đến, tôi khỏi bệnh rồi ạ. Nhưng mà chắc giọng hát vẫn chưa trở lại được như cũ, hôm nay lại hát bài mới, nên nếu có gì không vừa ý xin anh cứ nói.

Thuận phất tay:

- Nào dám nào dám! Cô Thanh Cầm hát xưa nay có chê vào đâu được. Cô bắt đầu đi.

Thanh Cầm "vâng" một tiếng rồi ngồi xuống cùng hai người nhạc công.

Sau ba tiếng trống "tom... tom... tom", nhịp phách lách cách cùng tiếng đàn đáy tích tịch vang lên, đệm cho tiếng hát ngọt ngào mà nỉ non đứt ruột: "Lác đác ư... rừng... ư phong... hạt... móc... sa... Ngàn ư... lau... hiu... hắt ư... khi... thu... ư... mờ... Lạnh lùng... giục kẻ... ư... tay... đao ư... xích... Thành quạnh... dồn... chân ư... bóng ác ư... tà... canh... khuya..."(**)

Vừa nghe, Thạch đã nhận ra đây là lời bài ca trù "Tỳ bà hành", nói về nỗi lòng người khách qua đường một đêm tiễn bạn, bất ngờ gặp tiếng đàn vị ca nương lạ trên bến sông, nghe đàn mà động lòng. Hỏi ra mới hay ca nương ấy xưa vốn nổi danh tài sắc, về sau quá lứa lỡ thì mới gả cho một thương nhân. Thương nhân mải buôn mải bán mê lợi mê danh, nào đoái hoài gì đến nàng, để nàng lẻ loi cô độc làm bạn với con thuyền cùng cây đàn nơi này, khắc khoải mỗi canh khuya.

Giọng hát Thanh Cầm não nề hòa với điệu đàn nhịp phách, như vẽ ra cả một bến sông đêm trăng quạnh hiu, lau buồn xơ xác trong gió heo may cùng sương lạnh lẽo thấu tâm can. Nỗi sầu thảm cứ thế lan ra, buồn tủi, mỏi mòn...

Thạch nghe mà say sưa chìm đắm, quên hết cả không gian xung quanh.

Cho đến khi ngoài cửa bỗng vang lên một tiếng "rầm!"

Cả Thạch, Thanh Cầm cùng hai người nhạc công đều giật nảy mình, ngưng hẳn đàn hát, đều ngó ra theo hướng âm thanh vừa rồi.

Chỉ thấy cửa phòng đã bị đẩy ra, một gã cao lớn như con bò mộng liêu xiêu bước vào, cả người nồng nặc mùi rượu. Gã cất giọng lè nhè hơi men:

- Thanh Cầm! Thanh Cầm đâu? Ông cần gặp Thanh Cầm!!!

Ngay sau đó, thằng nhỏ chạy việc cũng phi vào theo, túm lấy cánh tay gã say lôi ngược ra ngoài. Nó vừa lôi vừa rối rít xin lỗi:

- Con xin lỗi con xin lỗi! Ông này ông í say rồi nên làm bừa! Con sẽ đuổi ngay ạ!

Thằng bé cố dùng hết sức, gần như đu cả người nó lên người gã say rồi, ấy vậy mà chẳng khiến gã xê xích đi được chút nào. Cũng phải, gã thì to như cột đình còn thằng nhỏ vừa bằng con nhái bén, làm sao mà địch lại được?

Có vẻ bực mình vì bị thằng nhỏ làm vướng tay chân, gã say cộc cằn quát lên một tiếng "cút ra!", rồi hất mạnh một cái. Thằng nhỏ bị lão quạt bay ra, đập đầu vào cột nghe một tiếng "cốp" rõ ràng.

Thanh Cầm thấy thế liền đứng bật dậy, nghiêm giọng:

- Nhà trò Thanh Cầm là nơi để các người làm loạn đấy à? Anh Nghị! Anh kéo thằng bé xuống, gọi thêm người tới đây gô cổ tên kia lại, ném ra ngoài đường!

Người kép đàn tên Nghị lập tức gật đầu, nhanh chân chạy thẳng ra cửa.

Sau đó, Thanh Cầm lại nói:

- Ông Dư, ông cũng đi đi, ở đây nguy hiểm, để tôi xử lý. Đưa anh Thạch xuống phòng khách chờ tôi, xong việc tôi xuống.

Ông lão đánh trống cầm chầu cũng gật đầu lui ra, giục cả Thạch đi cùng.

Nhưng làm sao Thạch có thể bỏ mặc Thanh Cầm ở đây một mình với gã say này được, khi mà gã vừa nghe tiếng Thanh Cầm, hai con mắt lờ đờ đã lóe sáng như sói, ngật ngưỡng bước tới:

- Ế hế hế hế Thanh Cầm! Thanh Cầm đây rồi! Lại đây, lại đây nào!

Nghe giọng nói đầy sự đê tiện của gã, lửa giận trong lòng Thạch bốc cao. Anh không nghĩ được gì nhiều, sải bước tới, vòng tay ôm chặt lấy gã say, giữ cho gã không thể đi tiếp về phía chiếc rèm, vừa giữ vừa nói:

- Cô Thanh Cầm với ông Dư đi đi! Cô đi gọi anh trai cô tới giải quyết, ở đây có tôi lo rồi. Nhanh lên!

Anh gồng cứng cả cơ thể, cố kìm kẹp gã say bằng tất cả sức lực của mình.

Tuy nhiên, dù anh có khỏe hơn thằng nhỏ chạy vặt thì cũng chẳng là gì so với gã say này cả. Ngược lại, anh ngăn cản chuyện tốt của gã còn khiến gã nổi máu điên, liên tục vùng vẫy muốn thoát, khiến anh chật vật vô cùng.

Anh cảm giác cả cơ thể như muốn rã ra đến nơi rồi, nhưng lại tuyệt đối không muốn buông tay. Thanh Cầm còn đang ở trong, anh mà không cản gã thì cô phải làm sao? Anh phải bảo vệ cho Thanh Cầm, chờ người tới giúp.

Mà nói ra cũng lạ, bình thường nếu nhà trò có chuyện, Thuận sẽ chạy tới ngay tức khắc, sao lần này em gái gặp chuyện mà mãi chẳng thấy bóng dáng đâu? Người kép đàn đi gọi thêm trợ thủ thì vẫn chưa quay lại. Giờ chỉ còn anh vật lộn với gã say, cùng sự giúp sức chẳng đáng kể là bao từ ông lão đánh trống.

Ba người giằng co chưa được đến một phút, gã say như đã điên tiết cùng cực, gầm lên một tiếng rồi lắc mạnh thân người. Hai tay gã vung ra, Thạch và ông lão đều bị hất văng ra cùng lúc. Anh ngã sõng soài dưới đất, một bên mắt bị gã say đấm trúng, người đè lên cả chai rượu và mấy cái chén con đặt dưới chiếu, đau điếng.

Thanh Cầm thấy vậy liền không đứng yên được nữa. Cô hoảng hốt chạy ra đỡ lấy anh, dồn dập gọi:

- Anh Thạch! Anh Thạch! Anh có sao không? Ôi giời ơi, tôi đã bảo anh đi đi, ở đây tôi lo được mà! Sao anh cứ không nghe?

Thạch bị đau không mở nổi mắt, nhưng vẫn đưa tay lên xua xua:

- Không được! Tôi bỏ cô một mình thì còn ra thể thống gì nữa? Tôi không sao đâu! Tôi sẽ bảo vệ cô.

Thanh Cầm vừa thương vừa bực, không biết làm sao, cuống đến mức sắp bật khóc.

Lúc này, gã say đã không còn bị kìm kẹp, lại chân nam đá chân chiêu mà lảo đảo đi tới phía hai người, cười đầy thô bỉ:

- Hê hê! Thanh Cầm! Đến đây với cậu nào! Đến đây cậu thương nào!

Thạch vốn đang nằm dưới đất, nghe gã nói liền bật dậy, dang rộng hai tay chắn trước mặt Thanh Cầm. Hôm nay dù có liều chết anh cũng phải bảo đảm cho cô được an toàn.

Được Thạch đẩy lùi về phía sau, Thanh Cầm cảm động đến sững sờ. Đáng lẽ cô muốn kéo anh ra ngoài, nhưng cả người lại cứ cứng đơ như cây gỗ mà nhìn anh.

- Anh Thạch...

Cô khẽ bật ra một tiếng gọi. Thạch đáp lại cô với một giọng kiên định:

- Cô yên tâm, có tôi ở đây, không ai đụng tới cô được đâu!

Anh biết sức mình không bằng một nửa con trâu mộng kia, anh cũng biết có thể mình sẽ bị dần một trận nhừ xương, nhưng anh không cho phép bản thân mình run sợ bỏ trốn. Dẫu rằng bên mắt bị đánh đang đau rát đến ứa nước mắt ào ào, người cũng đang ê ẩm sau cú ngã vừa rồi, Thạch vẫn vững vàng đứng đó, che chắn cho Thanh Cầm, sẵn sàng lao vào đánh nhau nếu gã say còn tiến tới.

Rất may, anh không cần phải liều mạng, vì chỉ một giây sau, Nghị đã dẫn mấy người đàn ông cao to lực lưỡng quay lại, dễ dàng khống chế gã say và tống ra ngoài. Ông Dư cũng đã được bọn họ đưa đi.

Đến khi chỉ còn lại Thạch và Thanh Cầm trong phòng, anh mới thả lỏng cơ thể, ngồi bệt xuống chiếu, thở phào một hơi nhẹ nhõm.

Thanh Cầm vội vươn tay đỡ, lo lắng hỏi anh:

- Anh Thạch thế nào rồi? Có đau lắm không? Hả?

Thạch lắc đầu xua tay, tỏ ý mình vẫn ổn. Bấy giờ, anh mới nhìn được đến Thanh Cầm, vừa định hỏi cô có sao không thì hình ảnh đập vào mắt đã khiến anh sửng sốt đến trợn tròn mắt, họng cứng lại, những lời muốn nói đều nghẹn ứ không thốt ra nổi.

Chuyện... chuyện gì thế này???

Thanh... Thanh Cầm... Sao Thanh Cầm... Sao Thanh Cầm lại... Gương mặt này... Không phải là Thuận sao?!!!  

(*) Đàn đáy: Một loại nhạc cụ truyền thống có ba dây, cán dài, mặt sau thùng âm có một lỗ lớn, được dùng cùng với trống đế và phách để đệm nhạc trong hát ca trù.

(**) Trích đoạn bài ca trù "Tỳ bà hành", nguyên tác Bạch Cư Dị, bản dịch Phan Hữu Vịnh.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro