P5: Phũ phàng chi bấy đang tay đoạn trường

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Đến trước cửa tiệm may Chân Phương, Bình xuống xe trước, vòng sang bên kia mở cửa cho Thuận. Tuy nhiên, Thuận vẫn ngồi đó, nhìn vào trong tiệm mà ngần ngừ một lúc lâu mới bước xuống. Anh lễ độ cúi người cảm ơn cậu Bình, rồi định bước vào. Nhưng, anh bỗng đứng sững lại, mắt đăm đăm nhìn vào một chiếc áo dài được treo ngay sát cửa ra vào, ở vị trí nổi bật nhất, treo kèm là một tấm bảng nhỏ cỡ hai bàn tay đề chữ: "Giảm nửa giá". Đó là chiếc áo dài may bằng vải lụa hoa xanh... chiếc áo mà Thạch đã nói là may tặng Thanh Cầm...

Thuận bỗng thấy lòng mình nhói đau, như có cái gì bén nhọn vừa đâm vào nơi mềm yếu nhất trong trái tim anh vậy. Anh hơi lảo đảo, chân không tự chủ được mà bước lui về sau một bước.

Bình đứng ngay cạnh đó, thấy thế liền hoảng hốt chạy tới đỡ anh, lo lắng hỏi:

- Kìa Thuận! Thuận làm sao thế?

Cả người Thuận khẽ run, nhịp thở có phần gấp gáp, đến mấy phút sau mới bình ổn lại được. Anh đưa tay đẩy nhẹ Bình ra, lắc đầu:

- Tôi không sao.

- Không sao thế nào được? – Bình vẫn rất sốt ruột – Tôi vừa thấy Thuận...

- Tôi không sao mà! – Thuận ngắt lời Bình, một việc rất hiếm khi xảy ra – Cậu Bình, cậu về trước đi. Chuyện cậu giúp tôi hôm nay, tôi xin trả lễ cậu sau.

- Nhưng mà... - Thấy bộ dạng Thuận thế này, Bình thật sự không yên tâm.

- Thạch sắp ra đây rồi. – Thuận nói – Cậu về đi.

Nghe tới Thạch, cậu Bình mới thôi không nói gì nữa, mắt hơi cụp xuống, tay lúng túng quẹt qua mũi một cái. Cuối cùng, anh cũng quyết định sẽ rời đi. Trước khi đi, anh định đưa tay lên vuốt tóc Thuận, nhưng đắn đo suy nghĩ thế nào, bàn tay lại thành đặt nhẹ bên vai, vỗ vỗ hai cái. Đoạn, anh đi ra xe, mở cửa vươn người vào trong lấy chiếc ô mình mang theo ra đưa cho Thuận, xong xuôi mới ngồi vào xe mà khởi động máy. Chiếc xe hơi chầm chậm lăn bánh, giống như còn vấn vương lưu luyến điều gì, mãi mới khuất dần sau con đường rẽ.

Thuận nhìn theo bóng xe anh, âm thầm thở dài một hơi, chiếc ô cầm trên tay cũng chẳng bung ra, cứ để nó chống xuống đất như chống gậy.

Bỗng, từ trong tiệm may có một người đi ra. Thuận nghe tiếng bước chân liền quay đầu lại nhìn. Tuy nhiên, không như Thuận nghĩ, người đi ra không phải là Thạch mà là một cô thiếu nữ chừng mười bốn, mười lăm tuổi, gương mặt nhìn rất quen. Cô bé lễ phép khoanh tay chào Thuận rồi nói:

- Thưa ông, tôi là cháu gái của ông chủ tiệm may Chân Phương. Cậu tôi có gửi lời nói nếu ông muốn tìm cậu tôi nói chuyện thì xin ông về cho, cậu tôi không muốn gặp ông nữa.

À, thì ra là cháu gái gọi Thạch bằng cậu, vậy là con của chị Hương rồi, thảo nào nhìn thấy quen như vậy. Cô bé rất giống mẹ mình ngày xưa.

Thuận nghe cô bé nói, nét mặt có phần hơi sượng lại, anh hỏi:

- Sao... sao cô đây biết tôi là người cậu cô dặn mà ra gửi lời?

Cô bé đáp:

- Khi nãy lúc ông đứng ngoài này với người đi xe hơi đó, cậu tôi ở trong nhà nhìn ra có thấy nên mới bảo tôi đấy ạ.

Giọng cô bé rất nhẹ nhàng, nhưng Thuận lại thấy như cả một chậu nước lạnh tạt thẳng vào người mình, khiến anh run lên, dù rằng tiết trời chỉ mới vào cuối hạ.

Anh lúng túng đứng đó, không biết phải làm sao, vào thì không được, mà về cũng không nỡ. Cô bé vẫn kiên nhẫn đứng chờ anh, không hề thúc giục, nhưng cũng tuyệt không có ý định để anh vào trong tiệm.

Thuận cắn cắn môi, mắt đảo quanh hết nhìn chỗ nọ lại nhìn chỗ kia đầy bối rối. Cuối cùng, ánh mắt anh dừng lại ở bộ áo dài vải lụa hoa xanh...

Anh siết chặt nắm tay, hít sâu một hơi như đã hạ quyết tâm rồi mới lên tiếng:

- Làm phiền cô, tôi có thể mua bộ áo dài đó không?

Anh đưa tay lên chỉ chỉ. Cô bé quay đầu nhìn theo hướng tay anh, sau đó lập tức đáp:

- Thưa, không được ạ?

Thuận sững người:

- Cô bảo sao? Không được à? Tại sao thế?

Cô bé từ tốn nói:

- Cậu tôi cũng đã dặn, ai hỏi mua bộ áo dài này thì cứ bán, nhưng nếu là ông... thì không ạ.

Mấy chữ cuối cô bé nói có vẻ ngập ngừng, dường như cô cũng khá ngại với Thuận.

Tuy cô bé và mẹ sống xa nhà ngoại, thỉnh thoảng mới có một dịp về đây, nhưng không phải cô không biết gì về người cậu của mình. Tính tình cậu cô cứng nhắc y như cái tên của cậu vậy, không biết bao nhiêu lần đuổi khách ra khỏi tiệm may rồi. Có điều cô bé không hiểu, là những vị khách bị đuổi trước đây nếu không phải ăn mặc lố lăng thì là thái độ khó chịu, mà người này rõ ràng nho nhã lịch sự như vậy, tại sao cậu lại từ chối? Đã thế, cậu còn sai cô ra nói chuyện chứ cũng không thèm nể mặt mà gặp trực tiếp nữa. Cô không thể làm trái lời cậu dặn, song cũng rất áy náy với khách.

- Thưa ông... - Cô nhỏ giọng nói – Trời đang nắng, hay là ông về trước đi ạ.

Thuận như không nghe thấy lời cô, ánh mắt vẫn nhìn xoáy vào trong cửa tiệm, hi vọng hình bóng người kia sẽ xuất hiện, hi vọng anh nói với Thuận một câu: "Tôi đùa đấy, Thuận vào đi." Nhưng không, chẳng có bóng người nào cả, chỉ có chiếc áo dài xanh ở đó, tà khẽ bay lên theo cơn gió nhẹ thoảng qua. Tà áo mỏng mềm mại tựa cánh bướm, ấy vậy mà lại sắc bén như dao, cứa vào trái tim Thuận rỉ máu. Mắt anh đỏ hoe, môi run run, nước mắt như chực trào.

Cô bé thấy anh như vậy thì bối rối vô cùng:

- Thưa ông... Ông...

Cô thử gọi mà chẳng thấy Thuận đáp lại. Bất đắc dĩ, cô đành tự ý làm chủ vẫy gọi một phu xe chạy ngang qua, ý thúc giục Thuận mau rời khỏi.

Người phu xe kéo xe lạch cạch chạy tới, khom người đưa tay làm tư thế mời:

- Thưa ông, ông lên xe ạ.

Thuận không nhìn đến người phu xe, vẫn cứ đứng đó thêm một lúc nữa. Rồi anh cúi đầu, một giọt nước trong suốt lăn từ khóe mắt, chảy dài theo gò má rồi rơi xuống mặt đất, vỡ tan.

Anh run run nói với cô thiếu nữ:

- Phiền cô... nhắn lại với anh Thạch... Hôm khác tôi lại đến.

Cô gái khẽ gật đầu:

- Vâng, tôi sẽ chuyển lời. Ông lại nhà ạ.

Thuận bước lên xe, nói địa chỉ nhà mình cho người phu xe. Anh ta dạ dạ mấy tiếng, lập tức hối hả kéo xe chạy. Thuận còn ngoái đầu nhìn lại mấy lần, xem Thạch có đi ra hay không. Nhưng kết quả... đương nhiên là vẫn vậy... Có lẽ, anh muốn từ mặt Thuận thật rồi.

Liên tiếp một tháng sau đó, Thuận hết sai người đến tiệm may Chân Phương lại tự mình tới cửa. Dù là Thạch ra chào hay cô bé cháu anh ra chào, chỉ cần nghe là người của nhà trò Thanh Cầm thì đều từ chối không tiếp. Thuận viết thư nhờ người gửi tới cho Thạch, thư cũng bị trả về còn nguyên dấu dán, rất rõ ràng là anh chưa hề đọc.

Thuận nhận lấy lá thư thứ bao nhiêu không nhớ bị trả về ngay sau khi anh đưa thằng nhỏ chạy việc đi gửi không lâu, trong lòng lạnh giá như băng, nước mắt như cũng ngưng tụ cả thành sương, không rơi nổi nữa. Lần này không chỉ có thư của anh, mà còn có một mẩu giấy nhỏ với nét chữ nguệch ngoạc: "Hạng đạo đức suy đồi thì đừng có bén mảng đến Chân Phương!" Chữ bị cố tình viết xấu, nhưng Thuận nhận ra được là chữ của Thạch...

Anh siết chặt lá thư cùng mảnh giấy trong tay, thở dài... Có lẽ anh đã sai rồi... Mà sai từ đâu nhỉ? Từ ngày quen biết làm thân với Thạch? Từ ngây ngô tin lời hứa anh sẽ cưới Thuận làm vợ thuở bé thơ là thật lòng? Từ dựng nên hình ảnh cô đào Thanh Cầm? Hay từ hi vọng về tình cảm lạ thường một người con trai vốn không nên dành cho một người con trai mà anh đã cố chấp giữ trong lòng từ ngày niên thiếu? Thuận không biết nữa, cũng có thể là tất cả đều sai chăng? Anh đâu phải không biết Thạch là người như thế nào, làm sao Thạch chấp nhận được một thứ tình cảm đối với người đời là quái gở này chứ? Vậy mà Thuận cứ tin, cứ mong, cứ chờ. Thật ngu ngốc... ngu ngốc đến nực cười... Có ai chấp nhận được? Có ai nào? Ngay cả thầy mẹ Thuận, là người đã sinh ra và nuôi lớn Thuận mà còn chẳng chấp nhận, thì ai chấp nhận được?

Thuận vẫn còn nhớ năm mình mười tám, thầy mẹ giục anh lấy vợ, lấy một cô gái cùng làng xinh xắn ngoan hiền, và Thuận đã từ chối. Năm lần bảy lượt nói con không được, thầy Thuận cáu lên và hai cha con đã cãi cọ một trận long trời. Trong cơn bức xúc, Thuận buột miệng nói rằng đời này chỉ muốn cưới Thạch... Rồi chuyện gì đến cũng phải đến thôi... Thầy mẹ nổi trận lôi đình, đánh Thuận đến thừa sống thiếu chết.

Suốt khoảng thời gian sau đó, gần như ngày nào thầy Thuận cũng lôi Thuận ra hỏi lại vấn đề này, nếu anh cứ nhất quyết đòi cưới Thạch mà không chịu lấy vợ thì ông lại đánh anh. Roi tre mảnh dẻ, còn điểm những cái gai nhọn hoắt, quất lên da thịt đau nhói tận tim, máu ứa ra ướt đẫm cả áo quần... Vậy mà Thuận vẫn nhất quyết không nghe lời.

Hai ông bà tức mình, liền tự làm chủ, quyết định hỏi cưới cô gái mà ông bà đã chọn, ép Thuận thành hôn.

Ngày người lớn hai bên bàn chuyện, Thuận vốn bị bắt ở yên trong buồng lại nhào ra làm loạn cả lên. Bị chèn ép bao nhiêu ngày qua, Thuận không còn nghĩ được gì nữa, lớn tiếng gào toáng lên trước mặt tất cả mọi người rằng dù anh không cưới Thạch thì cũng không thể cưới cô gái nào khác, vì anh không thích đàn bà...

Thế là từ hôm ấy trở đi, chuyện của Thuận trở thành đề tài bàn tán của cả làng. Đầu đường cuối ngõ, ven ruộng bờ ao, đâu đâu cũng thấy người ta xì xào nhỏ to rằng nhà đấy vô phúc, có thằng con trai bệnh hoạn. Người ta đồn đại đủ kiểu về Thuận, nào là bị ma làm, bị bỏ bùa, bị điên... Bất kể là ai, chỉ nhác thấy bóng Thuận là đã tự động né xa, vẻ mặt hay ánh mắt đều viết đầy những chữ "ghê tởm", "sợ hãi"...

Thầy mẹ Thuận chịu không nổi xóm giềng gièm pha, mà bản thân Thuận cũng không thể tiếp tục sống trong cảnh khổ sở này nữa. Cuối cùng, một nhà ba người lại xung đột một trận lớn, thành giọt nước tràn ly. Thầy mẹ Thuận từ mặt con, quăng hết quần áo anh ra đường, đuổi đi khỏi nhà.

Từ đó, Thuận lang bạt lên tới thành phố, làm thằng ở cho nhà một ông thầy dạy đàn dạy hát, rồi được ông dạy mà trở thành kép đàn cho nhà trò của vợ ông. Đến nay đã năm, sáu năm trời rồi Thuận chưa về lại nhà cha mẹ. Anh cũng từng khăn gói về quê, nhưng thầy anh cứ thấy bóng anh thấp thoáng là đã xua chó trong nhà ra đuổi. Con chó cắn anh đến rách cả áo, chân tay rướm máu. Thậm chí ngày thầy mất, anh muốn về chịu tang, mẹ anh cũng cầm cây đánh anh rồi xua ra tận đầu làng, quát anh nếu chưa lấy được vợ thì đừng vác mặt về làm ô uế gia đình nữa.

Đúng ra từ những lần ấy, Thuận nên biết mình phải từ bỏ rồi. Cốt nhục thân sinh còn chẳng dung nổi, người ngoài há lại cảm thông cho? Anh mơ mộng hão huyền quá.

Thuận nhìn lá thư đã bị anh vò nát trong tay từ lúc nào không hay, thở ra một hơi mà lồng ngực đau buốt. Cuối cùng, anh dứt khoát đưa lại cho thằng nhỏ, nói:

- Đem đi đốt cho cậu, đốt sạch, cả mấy bức lần trước nữa. Tối mở cửa nhà trò đón khách, nói là Thanh Cầm hôm nay có tiếp.

- Vâng, con làm ngay ạ.

Thằng nhỏ nhanh nhẹn cầm lá thư chạy đi mất. Thuận đứng đó, tay nắm chặt tà áo, ngước nhìn lên bầu trời đã dần tối, thở hắt ra một hơi.

Người không thương ta vương chi thêm tội, giữ người trong lòng như mảnh trăng non, một mảnh trăng chẳng bao giờ với tới, một mảnh trăng của quá khứ héo mòn...

Đêm hôm ấy, sau nhiều ngày vắng bóng, cô đào Thanh Cầm đã trở lại. Người khách đầu tiên Thanh Cầm tiếp, là cậu hai Bình... 

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro