P6: Có hay còn kẻ thầm thương?

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Buổi tối, trong gian phòng nhỏ chỉ thắp duy nhất một ngọn đèn dầu, bên cạnh là lư hương nhỏ với làn khói mỏng vấn vít, tỏa ra hương thơm thanh thanh dịu nhẹ, xua đi cái mùi hăng hăng của khói dầu.

Vang vọng khắp phòng là giọng hát trong trẻo mà nức nở, tựa như khóc như than, hòa với tiếng đàn đáy và tiếng phách gõ nhịp lúc khoan lúc nhặt: "Non... xanh xanh ư... nước... xanh xanh ư... Sớm... tình... sớm... tình... tình... sớm ư... ư trưa... tình... tình ư... trưa... Năm chờ... ấy ai... tháng đợi ư... năm chờ... Mà người... ngày ấy ư... bây giờ... là... đây..."(*)

Cô đào hát mà ánh mắt đượm buồn, nhưng lại ráo hoảnh không một giọt nước. Ngọn đèn dầu lay lắt ánh lên, trở thành điểm sáng duy nhất trong đôi mắt đen đến thăm thẳm mịt mờ.

Khách nghe hát cầm chầu mải nhìn cô, quên cả đánh trống. Tiếng đàn, tiếng hát cũng ngưng theo nhịp trống mãi chẳng vang lên. Cô đào cất giọng hỏi, ngữ điệu bình lặng như mặt nước hồ thu, không chút gợn sóng:

- Sao cậu Bình không gõ trống vậy? Hay là Thanh Cầm hát không vừa ý cậu?

Bình nghe hỏi, không đáp ngay mà chỉ khe khẽ lắc đầu. Anh buông dùi trống xuống, phất tay ra hiệu cho người kép đàn đi ra ngoài.

Đến khi gian phòng chỉ còn lại anh và đào hát, anh mới nói:

- Không phải, Thanh Cầm hát lúc nào chẳng hay. Chỉ là... nghe buồn quá, tôi sợ Thanh Cầm còn hát tiếp thì tôi khóc mất, nên mới ngừng.

Thuận nở nụ cười như có như không:

- Tôi cũng đã hát bài này cho cậu Bình nghe mấy lần rồi, có thấy cậu nói thế bao giờ đâu.

Bình đáp:

- Mọi lần là hát, còn lần này là tự tình.

Nghe anh nói, Thuận có hơi sửng sốt, nhưng rồi rất nhanh đã bình thường trở lại:

- Cậu Bình thật biết cảm.

Bình mỉm cười, xua tay:

- Tôi cũng chỉ biết cảm khi nghe Thanh Cầm hát mà thôi.

Thuận đưa mắt nhìn anh rồi cúi đầu không nói gì nữa. Hai người rơi vào một khoảng im lặng kéo dài, im lặng tới nỗi tưởng chừng có thể nghe được cả tiếng gió lướt qua bên ngoài gian phòng.

Một hồi lâu sau, Thuận mới lên tiếng:

- Cậu Bình, tôi mang ơn cậu, tôi cũng hiểu lòng cậu. Chỉ là, xin cậu thứ cho tôi không thể đáp lại. Cậu là cậu ấm nhà giàu có quyền thế, không thiếu gì tiểu thư danh gia vọng tộc môn đăng hộ đối với cậu mà, hà cớ gì cậu phải...

Thuận bỏ lửng câu nói, nhưng dĩ nhiên Bình hiểu ý Thuận là gì. Song, anh không trả lời mà lại nói một câu có vẻ chẳng liên quan:

- Khoác lên những áo quần này, lớp phấn son này, tóc vấn đuôi gà này, Thuận có thấy thoải mái không?

Hả? Thuận nhíu mày đầy khó hiểu:

- Sao cậu Bình lại hỏi như thế?

Bình không lập tức giải thích mà cúi xuống tự rót cho mình một chén trà, đưa lên bên môi nhấp một ngụm rồi đặt xuống. Sau đó, anh thấp giọng nói:

- Tôi quen Thuận từ ngày Thuận còn làm kép đệm đàn cho cô đào Ngọc Liễu bên nhà trò cũ, nên tôi nhìn thấy được từ Thuận, khi Thuận đánh đàn luôn rất vui vẻ say mê, đến khi hát, cái say mê vẫn còn đó, nhưng cái vui vẻ thì vợi đi nhiều rồi. Hẳn là, Thuận không thích ăn bận trang điểm giống các cô đào, có đúng không?

Thuận bị câu hỏi của Bình làm cho kinh ngạc đến sững sờ, không ngờ anh để ý Thuận lâu như vậy, kỹ như vậy, và càng không ngờ anh lại hỏi ra miệng như vậy. Tuy nhiên, sau vài giây, vẻ ngạc nhiên cũng dần tan đi, trả lại cho đôi mắt đen nỗi buồn rười rượi chất chứa từ bao lâu.

Nếu Thuận nhìn thẳng vào Bình lúc này, có thể thấy những gợn sóng dạt dào trong đáy mắt anh. Chỉ là, Thuận cố tình tránh né, hướng mắt ra màn đêm bên ngoài khung cửa, nói với giọng nhẹ bẫng:

- Tôi thích hay không thích nào có nghĩa lý gì đâu? Tôi thích hát, thích người ta nghe tôi hát, mà người ta thì chỉ chịu nghe khi tôi ăn mặc trang điểm như thế thôi. Ấy đấy, giờ lại có người, dù tôi tình nguyện mang bộ dạng này, người ta cũng chẳng thèm nghe nữa đây...

Khóe môi Thuận khẽ cong, vẽ ra một nụ cười chua chát.

Bình im lặng, hai tay đặt trên đùi đan vào nhau, ngón cái bàn tay này miết nhẹ lên bàn tay kia như đang suy nghĩ điều gì đó.

Qua một lúc, anh mới dịch người ngồi xích lại gần Thuận hơn một chút. Rồi anh rút trong túi áo ngực ra một chiếc khăn mùi soa, đưa lên, lau đi lớp son đỏ trên môi Thuận.

Hành động bất ngờ của anh khiến Thuận giật mình, theo bản năng mà lùi lại, né tránh cánh tay anh. Thuận tròn mắt nhìn anh, hỏi:

- Cậu Bình, cậu làm gì thế?

Bình hơi bị hẫng, nhưng vẫn không hạ tay xuống. Anh nhẹ nghiêng đầu, đáp:

- Thuận không thích, thì không cần làm.

Sau đó, anh lại vươn người tới gần hơn, tiếp tục lau son cho Thuận. Vừa lau, anh vừa nói như thủ thỉ bằng một chất giọng trầm ấm dịu dàng tựa gió xuân:

- Cậu(**) tôi dạy, đối với người lòng mình đã nhận định thì phải dốc hết tâm can ra mà yêu thương, chăm sóc. Chỉ cần người ấy vui, mình làm gì cũng được, chung thủy như thế đến hết đời. Cậu tôi đối với mợ tôi như thế, dù mợ tôi đã mất đến vài năm rồi, anh tôi đối với chị dâu như thế, và tôi, cũng sẽ đối với em như thế. Tôi thương em, tôi muốn em được làm những gì em thích, muốn quan tâm em, bảo vệ cho em. Tôi biết trong lòng em có người khác, tôi biết em luôn né tránh những lời bày tỏ của tôi. Nhưng thế thì đã sao? Tôi đối tốt với em hoàn toàn là ý muốn chủ quan của tôi. Đến sau này, nếu em về với người ta rồi, có người khác bảo vệ cho em rồi, thì tôi buông bỏ cũng đâu muộn, có đúng không?

Lớp son đã sạch hết, Bình lật mặt chiếc khăn, gấp lại rồi lau tới phấn mắt, phấn má, cử chỉ vô cùng nhẹ nhàng.

Thuận không biết phản ứng thế nào, cứ đờ người ra mặc anh lau, mặc anh nói. Sống hai mươi mấy năm trên đời, đây là lần đầu tiên có người nói với Thuận những lời này, với thái độ chân thành và ấm áp đến thế. Dù Thuận đã từng mơ về ngày Thạch đón nhận và đáp lại tình cảm của mình, nhưng chưa bao giờ Thuận nghĩ Thạch sẽ nói được như vậy. Bởi vì đơn giản cả bản thân Thuận cũng chưa từng dám mơ đến một thứ tình cảm bao dung nhường ấy.

Thuận muốn ngăn anh lại, không muốn nghe anh nói nữa. Bởi vì Thuận cảm thấy, bản thân mình không xứng đáng được nghe... Song cổ họng Thuận cứ nghẹn ứ, môi mấp máy chẳng thành câu:

- Cậu... Cậu Bình...

Lúc này, Bình đã lau xong lớp trang điểm cho Thuận. Anh gấp gọn chiếc khăn mùi soa, nhét trở lại vào túi. Sau đó, anh đứng dậy, đi vòng ra sau lưng Thuận, bắt đầu gỡ mái tóc được quấn trong chiếc khăn nhung vấn quanh đầu Thuận. Giọng anh vẫn vang lên đều đều:

- Tôi cũng biết mình thế này là khác người, khi không dành tình cảm cho một cô gái nào như lẽ thường nó phải thế, mà lại phải lòng vì em. Nhưng Bình tôi xưa nay đâu cần giống ai? Tôi chỉ hỏi cậu tôi, tôi làm vậy có sai hay không. Cậu tôi bảo, miễn là người con thương hạnh phúc, con làm gì cũng đều đúng cả.

Nghe tới đây, Thuận bỗng chột dạ một cách khó hiểu, lắp bắp hỏi:

- Cậu... Cậu đã nói... nói với ông cụ bên nhà... là cậu... cậu...

Bình gật đầu, rồi chợt nhớ ra mình đang đứng sau lưng, Thuận không thể nhìn thấy được nên anh lại khẽ "ừm" một tiếng:

- Từ bé cậu mợ đã dạy tôi không được giấu cậu mợ bất cứ chuyện gì, nhất là chuyện lớn như thế này. Đợt ấy cậu tôi giục tôi lấy vợ, rằng tôi cũng đã gần ba mươi, nên tìm lấy một người bầu bạn rồi, và ông cụ hỏi tôi có ưng cô con gái một ông quan dưới huyện hay không. Tôi đã nói thẳng với ông cụ là tôi có người trong lòng rồi, người đó là em. Ban đầu, cậu tôi cũng có hơi sửng sốt, xong ông cũng không phản ứng gì, chỉ bảo "ừ, tùy con". Ông cụ thân sinh ra tôi còn nói thế rồi, tôi phải lo gì đến ai nữa chứ? Tôi chỉ chờ em gật đầu, dù tôi biết chắc tôi cũng khó có cơ hội.

Nói xong câu cuối, Bình buông một tiếng thở dài khó phát hiện, trong khi tay anh thì vẫn đang dịu dàng gỡ mái tóc của Thuận ra. Vì không có lược, anh chỉ có thể luồn những ngón tay của mình vào, gượng nhẹ chải để Thuận không bị đau. Sau cùng, anh búi gọn mái tóc đen dài ấy lên, động tác thuần thục như đã làm đi làm lại cả trăm ngàn lần thành quen rồi vậy.

Tuy nhiên, lúc này, Thuận gần như chẳng cảm nhận được gì nữa, chỉ biết ngồi đó chết lặng. Trong đầu Thuận cứ văng vẳng những câu nói của cha mẹ năm xưa...

Mày nói gì? Ai dạy mày nói nhăng nói cuội? Ai dạy mày đòi cưới một thằng đực rựa? Hả? Ông đánh tuốt xác mày ra bây giờ... Đồ mất dạy! Đồ hư đốn! Bại hoại gia phong! Ai bỏ bùa mê thuốc lú gì mày rồi hả? Mày tỉnh lại cho tao! Còn không thì cút ra khỏi nhà tao!... Thằng bất hiếu! Cút! Cút đi!... Mày còn dám vác cái mặt mo về đây nữa à? Mày làm ông í tức chết rồi chưa thỏa, mày định cho bà già này chết nốt mới vừa lòng hả dạ mày có phải không hả? Xéo! Xéo ngay đi!... Một là mày dắt vợ dắt con về, hai là mày chết bờ chết bụi đâu thì chết chứ đừng có bén mảng đến nhà tao, làm xấu mặt tao với hàng xóm láng giềng! Tao không có thứ con mất dạy như mày...

Thuận cứ nghĩ cha mẹ nào cũng giống như cha mẹ mình, không ngờ lại có người cha chịu chấp nhận việc con trai mình muốn cưới một thằng đàn ông, mà còn chấp nhận một cách nhẹ nhàng như thế. Và Thuận càng không ngờ, Bình dám nói thẳng với cha anh về một chuyện tày trời đến cỡ này. Gia đình anh có chức có quyền, ấy vậy mà lại chẳng quan tâm đến những "thể diện", "gia phong", "danh tiếng",... thứ mà đối với họ hẳn là phải quan trọng hơn đối với những gia đình nông dân chân lấm tay bùn, cả đời chẳng ra khỏi lũy tre làng như cha mẹ Thuận.

Thuận thực sự không biết cảm xúc trong lòng mình lúc này là gì, chỉ thấy lồng ngực nhói đau, viền mắt nóng lên, một giọt nước mắt trào ra từ khi nào chẳng hề hay biết...

Bình đã búi xong tóc cho Thuận, quay về lại chỗ ngồi của mình. Thấy Thuận khóc, anh có vẻ hơi hoảng hốt, luống cuống. Ngón tay khẽ chạm lên lau đi giọt nước mắt trên má Thuận, anh dịu giọng:

- Đừng khóc... Tôi xin lỗi. Nếu tôi làm em buồn lòng, thì em cứ coi như vừa rồi tôi say nên nói nhảm cũng được... Em đừng khóc!

Thuận vội vã lắc đầu, nghẹn ngào nói:

- Không, cậu không có lỗi, không có lỗi gì hết. Tôi cảm ơn, cảm ơn cậu rất nhiều...


(*) Trích đoạn bài ca trù Đào Hồng, Đào Tuyết, nguyên tác Dương Khuê.

(**) Ở Việt Nam giai đoạn này, trong các gia đình tri thức hoặc giàu có quyền thế, con cái thường gọi cha mẹ là cậu mợ. 

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro