3.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Năm ấy anh vừa quay trở lại trường học tiếp năm thứ tư đại học sau khi hoàn thành quãng thời gian phục vụ trong lực lượng thủy quân lục chiến.

Một người con gái đã tìm đến với anh - khi đó đã hai mươi sáu tuổi, nhưng vẫn chưa hề có kinh nghiệm yêu đương, dù chỉ là yêu đơn phương.

Chuyện là người bạn cùng câu lạc bộ đã gửi bài thơ của anh tới cuộc thi sáng tác văn học do tờ báo của trường đứng ra tổ chức. Và thế là một cô gái học khoa Hội họa bèn vẽ tranh minh họa cho bài thơ của anh được đăng trên báo.

Người con gái nói rằng vì yêu thích bài thơ của anh nên đã thức trắng liền hai đêm để vẽ tranh minh họa cho nó. Anh cho cô xem cả những bài thơ khác mà anh đã viết, bởi vì cô muốn thế. Kể từ sau đó, người con gái thường xuyên tìm đến anh. Vì trời mưa hay vì gió thổi, vì muốn uống cà phê, rồi cả những lúc chẳng hiểu vì sao cô thấy buồn... Vậy là những cuộc gặp gỡ giữa hai người diễn ra nhiều hơn, và lần đầu tiên anh đã rơi vào cái cảm xúc thật kỳ diệu mang tên tình yêu. Thời gian dần trôi, những cuộc gặp gỡ cứ ngày một nhiều thêm, cuối cùng người con gái đó đã trở thành vợ anh.

Cô đã nhiều lần đấu tranh căng thẳng nhưng vẫn không được gia đình đồng ý cho kết hôn với anh. Lễ cưới của hai người vì lẽ đó mà ảm đạm một cách khủng khiếp. Đến cuối cùng, người bố vợ, vốn là một cựu chủ tịch tỉnh, vẫn cương quyết không tới dự, còn mẹ vợ thì khóc từ đầu đến cuối như thể nhầm lễ cưới thành lễ tang.

Trong chuyến du lịch trăng mật, người vợ đã tuyên bố đoạn tuyệt gia đình thân thích. Nhưng với người vốn chưa từng quen với cuộc sống bình dân của số đông như vợ anh, thì có lẽ đấy mới chỉ là khởi đầu của nghịch cảnh. Khi đó anh còn đang làm việc ở ban biên tập tạp chí Văn nghệ tháng, và người vợ không thể hiểu nổi tại sao anh có thể sống sót qua nổi một tháng với đồng lương còm cõi như vậy. Thời gian dần trôi và cô bắt đầu giận dữ.

“Tôi chưa bao giờ phải lo lắng về tiền bạc và sống một cách nhếch nhác như thế này.”

Anh đã chuyển ngay sang làm phóng viên tạp chí Phụ nữ với tiền lương gấp đôi. Thỉnh thoảng anh còn giấu tên thật viết bài để gửi ra bên ngoài, hoặc làm công việc biên dịch, nhờ vậy mà cuộc sống khấm khá hơn trước. Dù con đường văn chương đã dần trở nên mờ mịt như thể khoảng cách từ trái đất tới mặt trăng, nhưng không vì khoảng cách đó mà anh cảm thấy mất mát. Bởi đã có người vợ là ngọn đồi mới để anh tựa vào. Cô là ý nghĩa cuộc sống và là ngọn cờ cứu rỗi của anh.

Mỗi khi nảy ra ý thơ, và để tìm cảm hứng gọt giũa thành một áng thơ, anh đều phải thức trắng đêm, đến không có cả một chút rảnh rỗi. Và anh đã nghĩ rằng dù có không viết thơ đi chăng nữa thì đời cũng chẳng thiếu thơ. Vì còn có biết bao nhiêu nhà thơ trên đời, chỉ mỗi mình anh không viết thơ nữa thì cũng có sao đâu.

Người vợ thì khác. Cô khổ sở day dứt với khát khao được vẽ tranh. Khi đứa trẻ ra đời, niềm khát khao của cô tưởng đã cạn bớt nhưng không được lâu. Vì mày mà mẹ không thể làm được việc mẹ muốn làm. Người vợ bắt đầu than phiền với đứa trẻ. Và cũng không có ngoại lệ nào cho anh - chồng của cô. Gặp anh rồi đời tôi thành ra thế này đây?

Yêu một người cũng đồng nghĩa với hối hận. Nhưng vì sợ phải hối hận mà không yêu thì cũng đau khổ vậy thôi. Ý nghĩ này biết đâu đã trở thành niềm an ủi lớn lao đối với người vợ.

Shakespeare đã nói. Rằng hôn nhân là đứng từ bên ngoài nhìn vào bên trong cánh cửa nhưng thực chất bên trong cánh cửa chẳng có gì cả.

Anh từng hối hận vì đã kết hôn. Nhưng không phải hối hận vì đã chọn người vợ làm bạn đời. Mà chỉ gần giống với tâm tư của một người hành hương mỏi mệt trong giây lát ngoái nhìn lại phía sau, và cũng là mâu thuẫn mang tính định mệnh của bất cứ người làm chủ gia đình nào, phải chịu trách nhiệm đối với gia đình của mình.

Sau sinh nhật ba tuổi của đứa trẻ thì người vợ tiếp tục học tiếp cao học. Và cô vùi đầu vào vẽ tranh như thể giải tỏa cơn khát suốt mấy năm qua. Phòng đọc của anh trở thành phòng vẽ của cô, và cô cũng thường xuyên thức đêm làm việc trong xưởng vẽ của bạn. Khoảng thời gian đó cô bắt đầu qua lại nhà bố mẹ đẻ.

Những ngày mà cô đưa đứa trẻ đến nhà trẻ trước khi đi làm và đón nó về sau khi tan làm ngày càng trở nên hiếm hoi. Đứa trẻ cũng trở nên lầm lì hơn, và nó đã quen dần với việc chơi một mình. Một ngày nọ đứa trẻ tiến về phía anh, xoa lưng anh rồi quay đi không nói một lời.

“Hình như Daum có điều gì muốn nói với bố đúng không?”

Đứa trẻ cười rồi lắc đầu. Hình như đứa trẻ muốn xác nhận sự thật là nó có bố nó bên cạnh, bằng việc xoa nhẹ lên lưng bố nó một lần như thế. Đó là lần đầu tiên hai vợ chồng anh cãi nhau. Vì anh có cảm giác đứa trẻ đang trải qua quãng thời gian niên thiếu khó khăn mà anh từng phải chịu đựng.

Đó là đêm người vợ trở về từ chuyến đi vẽ phác thảo năm ngày bốn đêm ở núi Seorak.

Anh đưa cốc nước cà chua cho người vợ, khi ấy vừa tắm xong và ngồi bên bàn ăn. Người vợ uống một hơi hết cốc nước, nhìn chằm chằm hồi lâu vào cái cốc thủy tinh còn dính một chút cặn cà chua rồi mở lời.

“Tôi đã nghĩ rồi, có lẽ chúng ta nên chia tay thì hơn.”

Tiếng chiếc tủ lạnh cũ kỹ nghe ong ong như bản Chuyến bay của chú ong vàng của Rimskiy-Korsakov, nồi canh đặt trên bếp ga trượt rồi đổ xuống đất.

“Chúng ta ly hôn đi.”

Cửa phòng đứa trẻ mở ra. Đứa trẻ nhìn chằm chằm vào họ rồi đóng cửa lại. Anh nhìn trân trân vào phòng đứa trẻ rồi hỏi:

“Tại sao em lại có ý nghĩ đó?”

“... Tôi có người khác rồi.”

Anh không hề ngạc nhiên. À không, ít ra thì anh cũng không để lộ thái độ ngạc nhiên. Không biết đó có phải là một kiểu ngạo mạn, rằng việc như thế không đáng để anh phải ngạc nhiên hay không.

“Anh muốn nói gì thì cứ nói đi.”

Người vợ cúi đầu nói. Hàng mi dài của cô rủ xuống đổ bóng quanh viền mắt. Anh nhìn bàn tay của vợ ở phía bên kia chiếc cốc thủy tinh còn dính những vết cặn nước cà chua. Người vợ đang lấy ngón tay cái và ngón tay trỏ bên trái chầm chậm xoay xoay chiếc nhẫn ở ngón tay đeo nhẫn bên phải. Đó là một chiếc nhẫn lạ.

“Là người như thế nào vậy?”

Người vợ vẫn tiếp tục xoay xoay chiếc nhẫn. Như thể Aladdin đánh mất đèn thần nên đang cố gắng triệu tập nàng tiên trong chiếc nhẫn.

Đột nhiên người vợ có vẻ thật đáng thương. Mà biết đâu chính anh mới là kẻ đáng thương. Có lẽ là như vậy. Nhưng dẫu sao, trong mắt anh hình ảnh của người vợ khi ấy quả thực tội nghiệp đến mức khiến anh ái ngại.

Thật sự thì anh không tò mò xem đó là người như thế nào nên anh cũng không có lý do gì để đưa ra câu hỏi như thế. Bởi từ trước đó người vợ cũng đã lạnh nhạt với anh rồi. Anh chỉ muốn hỏi một điều. Rằng đối với người vợ thì anh là gì?

Khi ấy đối với người vợ, sự tồn tại của người chồng đã chỉ còn là vùng đất bỏ hoang, mà biết đâu đã chỉ là một cây dương bị thiêu rụi. Suối nguồn của tình yêu đã cạn kiệt, ngọn lửa của tình yêu cũng đã tàn lụi. Cho dù người chồng vẫn yêu thương người vợ, hay cho dù anh đã cố gắng hết sức trong vai trò người chồng đi chăng nữa... thì dường như khi ấy ánh mắt người vợ đã hướng về một phương trời khác rồi.

Ly hôn, anh đã sớm có dự cảm rằng đây là việc không thể tránh khỏi. Lỗi tại ai? Tại người vợ đã có người khác? Hay tại anh đã không thể mang lại cho cô những gì mà một người đàn ông cần phải làm được? Bản thân anh, là người gây hại, hay là người bị hại? Còn người vợ thì sao...

Ôi chao, điều đó thì nghĩa lý gì cơ chứ.

Tôi đã có người khác. Vì thế chúng ta ly hôn thôi. Người vợ đã nói thật đơn giản. Có lẽ điều đó một phần cũng là nghĩ cho đối phương. Ít nhiều thì có vẻ như nó đã giúp anh thoát khỏi những phán đoán hay suy diễn không cần thiết.

Dù thế nhưng anh đã không chấp nhận ly hôn. Anh không muốn để mất người vợ. Không muốn làm đổ vỡ tổ ấm mang tên gia đình. Anh không muốn phủ nhận hết những tháng ngày trong suốt sáu năm chung sống, cùng với người vợ xây dựng nên một gia đình. Hơn nữa họ còn có đứa trẻ. Việc ly hôn của bố mẹ sẽ trở thành vết thương lòng, đeo bám đứa trẻ suốt cả cuộc đời.

Người vợ lập tức phản đối.

“Tôi đã nói rồi, đây là việc tôi suy nghĩ rất lâu mới đưa ra quyết định.”

“Nếu vậy chẳng phải em cũng cần cho anh thời gian để suy nghĩ và quyết định hay sao.”

Người vợ trở về nhà bố mẹ đẻ, bắt đầu việc ly thân một cách tự nhiên, rồi nhanh chóng sang Pháp. Cùng với vị họa sĩ khá nổi tiếng vốn là thầy dạy cô ở trường đại học. Sau đó anh không nhận được bất kỳ tin tức, hay một tín hiệu gì từ cô. Biết đâu đó cũng chính là vì cô muốn cho anh thời gian như anh đã yêu cầu.

Rõ ràng anh đã đón nhận sự ra đi của người vợ trong im lặng. Cho đến khi đứa trẻ được chẩn đoán mắc bệnh máu trắng.

Anh đã viết một bức thư dài cho người vợ. Anh đã viết cụ thể về tình trạng của đứa trẻ. Cuối thư, anh thổ lộ rằng anh không hiểu điều gì đã khiến họ thành ra như thế này.

Tuy không ép nhưng anh cũng đã tin chắc điều này sẽ khiến người vợ quay trở về. Và anh mong đợi rằng trên đoạn đường gian truân này của cuộc đời, họ sẽ lại đứng bên nhau với danh nghĩa vợ chồng.

Một tháng trôi qua, vị luật sư đại diện cho người vợ đến gặp anh. Anh im lặng đóng dấu vào giấy tờ ly hôn. Thay vào đó, dù không yêu cầu, nhưng anh đã nhận được giấy cam kết từ bỏ quyền nuôi con có chữ ký của người vợ do chính tay cô viết. Ngay trước khi chia tay, vị luật sư hỏi rằng nội dung của bức thư có phải là sự thật hay không. Trong thư có viết đứa trẻ đang phải chiến đấu với bệnh tật. Anh đã trả lời rằng đó là sự thật nhưng đứa trẻ đã được chữa trị khỏi hẳn rồi. Đó là khi đứa trẻ đang nằm viện.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro