6.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

“Việc nhận thức chưa đầy đủ về vấn đề hiến tủy là hạn chế của chúng tôi. Quả thật là một việc đáng tiếc.”

Đó là câu nói đầu tiên của trưởng khoa Min lúc gặp anh, sau khi anh đã chờ đợi hơn một giờ đồng hồ ở hàng ghế trước cửa phòng điều trị ngoại trú.

Để tìm ra người có hệ kháng nguyên đồng nhất thì phải trải qua quá trình kiểm tra huyết thanh học và di truyền học. Ở lần kiểm tra thứ nhất đã có bảy người đồng nhất. Ở lần kiểm tra thứ hai rút xuống chỉ còn ba người. Và lần này là lần kiểm tra thứ ba, cũng chính là bước kiểm tra cuối cùng.

“Ca cấy ghép tủy của Seong Deok Bauman được cả thế giới biết đến đã cho thấy những tiến bộ của y học trong việc tìm kiếm hệ kháng nguyên bạch cầu người phù hợp, nhưng con đường vẫn còn gian nan lắm. Chúng tôi rất thiếu mẫu để kiểm tra tính tương thích trong hệ kháng nguyên bạch cầu người. Ở Mỹ thì họ đã mở rộng lên đến ba triệu mẫu nên bất cứ lúc nào cũng có thể nhận hiến tặng được. Tất nhiên là không cần đến ba triệu. Vì nước chúng ta là dân tộc đơn nhất nên chỉ cần khoảng một trăm năm mươi nghìn mẫu thôi thì gần như cũng có thể tìm thấy người hiến tủy rồi. Nhưng mà hiện nay chúng tôi chỉ có không quá ba mươi nghìn mẫu. Đã vậy truyền thông lại lan truyền những tin đồn vô căn cứ rằng người hiến tặng tủy của Seong Deok Bauman đang phải chịu biến chứng, đương nhiên điều này cũng khiến cho việc mở rộng ngân hàng mẫu gặp nhiều khó khăn.”

Tiếp đó, trưởng khoa Min thể hiện thái độ tức giận với việc đưa thông tin bừa bãi thiếu chọn lọc của giới ngôn luận. Anh sốt ruột bẻ từng đốt xương ngón tay. Thật may là lâu nay anh đã không hề hé ra mình từng làm phóng viên một thời gian dài. Nhưng ngay cả cái suy nghĩ đó cũng là một việc rảnh rang không cần thiết.

“Có kết quả rồi ạ?”

“Tại sao anh chỉ sinh một con thôi... Anh có lý do đặc biệt nào không?”

Anh không trả lời câu hỏi bất ngờ của trưởng khoa Min. Dường như trưởng khoa Min cũng không thật sự tò mò về lý do đặc biệt đó.

“Việc cấy ghép lý tưởng nhất là thực hiện giữa những người cùng huyết thống. Không chỉ tỷ lệ phản ứng đào thải thấp, mà còn có thể dễ tìm được kháng nguyên đồng nhất. Vì nếu căn cứ theo quy luật di truyền của Mendel thì trong bốn người là anh chị em sẽ có một người có kháng nguyên tương thích.”

“Tạm thời em chưa muốn sinh con.”

Vợ anh đã nói như vậy trong chuyến du lịch trăng mật. Cô không muốn vì vướng bận trẻ con mà phải thay đổi kế hoạch của bản thân. Nhưng khác với ý định của họ, chỉ ba tháng sau đêm tân hôn, người vợ đã mang thai. Anh không thể hy vọng người vợ như thế sẽ sinh cho anh một đứa trẻ nữa.

Chính anh cũng không đòi hỏi gì hơn. Ngắm nhìn đứa trẻ này và chỉ yêu thương một mình nó thôi, mà anh luôn thấy bao nhiêu vẫn là không đủ.

Trước giờ anh đều nghĩ rằng tình yêu của con người có giới hạn nhất định, và anh không dám chắc có thể chia sẻ tình yêu ấy làm hai hay không.

Anh hỏi lại, vẫn chưa thể chấp nhận được lý do trưởng khoa Min đưa ra.

“Vậy là không tìm được người hiến tặng sao?”

“Theo như kết quả cuối cùng thì không có mẫu nào thích hợp cả. Thật đáng tiếc.”

Hừm, âm thanh như thể bong bóng nước bị vỡ vụt ra từ miệng anh. Và anh cười méo xệch. Rốt cuộc đã đến tình cảnh này rồi, chẳng lẽ còn làm nhặng lên sao.

Nhưng nếu nói việc cấy ghép tủy đã không thể thực hiện được thì liệu rằng còn hy vọng nào, hay khả năng nào nữa không. Chẳng phải chính nhờ niềm tin có thể cứu sống được đứa trẻ mà anh đã miệt mài gắng gượng đến tận giờ này hay sao. Vậy mà giờ người ta lại nói với anh mọi chuyện đã kết thúc...

“Tôi có thể nhờ họ hàng thực hiện xét nghiệm. Tuy không phải anh em, nhưng dù sao cũng cùng một dòng máu nên chẳng phải tỷ lệ đồng nhất sẽ cao hay sao?”

Anh không có họ hàng thân thích nào cả. Nhưng đằng nhà vợ thì có khá nhiều họ hàng. Việc gặp gỡ họ, giải thích tình trạng của đứa trẻ rồi nhờ họ đi xét nghiệm, quả là một việc khốn khổ, nhưng anh không thể vội nản lòng lùi bước như thế được.

Trưởng khoa Min lắc đầu. Ông nói rằng nếu không phải là anh chị em ruột thì khả năng đồng nhất gần như bằng không. Vậy ý ông chẳng phải bảo anh đừng tốn công vô ích hay sao.

“Vậy giờ phải làm thế nào ạ?”

“Phải điều trị tiếp thôi.”

“Bác sĩ nói là vẫn tiếp tục điều trị dù không có hy vọng gì ư? Dù có điều trị thì rồi cũng sẽ chết, nhưng ngay cả thế vẫn cứ phải tiếp tục cuộc điều trị chống ung thư kinh khủng ấy cho đến lúc chết ư? Ghép tủy chẳng phải là phương án sau cùng ư?”

Anh nhìn trưởng khoa Min giận dữ, còn trưởng khoa Min thì tháo kính ra để né tránh ánh nhìn của anh.

“Tốt thôi. Vậy hãy tiếp tục điều trị theo cách trước đây đi. Vậy đứa trẻ sẽ sống được bao lâu nữa? Sáu tháng? Một năm?”

“…”

“Anh không trả lời được chứ gì. À không, hay tôi đã lấy mốc thời gian quá dài rồi? Nếu vậy cứ tiếp tục điều trị không phải thật quá tàn nhẫn hay sao? Anh không thể một lần nghĩ cho đứa trẻ được hay sao?”

“Tôi không thể ép anh. Việc lựa chọn là của người giám hộ.”

Trưởng khoa Min, à không, cái được gọi là y học hiện đại lúc nào cũng mang bộ mặt như vậy. Rốt cuộc là họ khuyên anh nên lựa chọn như thế nào đây. Trong khi đã khoanh một đường tròn vẽ ra con đường phải đi, rồi nắm lấy gót chân của bệnh nhân và người giám hộ. Trưởng khoa Min vốn là người uy tín trong lĩnh vực ung thư máu, rõ ràng cũng chỉ là bác sĩ mà thôi.

Vị bác sĩ nằm trong phạm trù của y học hiện đại. Theo đó, kết quả lựa chọn của bệnh nhân và người giám hộ ra sao chính là hạn chế của y học hiện đại, chứ không phải là vấn đề mà trưởng khoa Min phải chịu trách nhiệm.

“Chúng tôi sẽ xuất viện.”

Trưởng khoa Min vội vàng đeo kính trở lại và nhìn anh trân trối. Dù không cần phải nhắc lại câu nói ấy nữa nhưng rồi anh vẫn nhất định nhắc lại.

“Dù sao thì kết quả cũng đều như nhau, nếu vậy chẳng phải xuất viện là quyết định đúng đắn hơn sao?”

“Xin anh hãy suy nghĩ thận trọng.”

“Thế là đủ rồi, à không, tôi đã thận trọng quá mức rồi.”

Sau khi đứa trẻ bắt đầu chiến đấu với bệnh tật, thì anh chưa một lần nào đưa ra lựa chọn với tư cách là người giám hộ. Bác sĩ nói sao thì anh tin vậy, bảo thuyên giảm thì chắc là thuyên giảm, nói tái phát thì là tái phát. Chứ anh cũng chưa từng một lần phản đối, ngay cả nổi giận cũng không thể. Anh không có cách nào khác ngoài đi theo con đường mà y học hiện đại dẫn dắt.

Đứa trẻ cũng vậy. Đối với đứa trẻ, quá trình điều trị này, tất cả đều chỉ là sự cưỡng ép và cấm đoán mà thôi.

Đã đến nước này rồi, phải thử làm mới biết là lần cuối cùng hay không, nhưng anh muốn xuất viện theo nguyện vọng của đứa trẻ. Và anh muốn cho nó thấy một thế giới khác, không có cưỡng ép và cấm đoán. Anh sẽ để nó ăn thoải mái thứ nó thích, làm bất cứ điều gì nó muốn làm, đến nơi nào nó muốn đến mà không cần phải do dự.

Trưởng khoa Min quả quyết nói:

“Việc xuất viện có thể sẽ làm đẩy nhanh hơn giới hạn của đứa trẻ. À không, chắc chắn sẽ như thế.”

“Tôi biết, biết rất rõ. Nhưng dù thế đi chăng nữa tôi cũng không thể để đứa trẻ phải chịu đau đớn hành hạ, tiếp tục điều trị chống ung thư như thế trong quãng thời gian còn lại được. Hai năm qua cuộc sống của nó chỉ toàn là đau đớn. Chẳng lẽ bây giờ không phải lúc nên để cho nó được sống vui vẻ thật sự, cho dù chỉ là một ngày thôi sao?”

Trước khi đứa trẻ tiến đến giây phút sau cuối, biết đâu điều này có thể giúp đứa trẻ sống những ngày không có nỗi đau. Giống như ngọn nến biết rõ giây phút cuối cùng của mình, bùng cháy thật rực rỡ vậy.

“Tôi hiểu tâm tư của anh nhưng bây giờ xuất viện ngay thì không được. Chỉ số bạch huyết cầu đang tăng cao. Nếu dừng điều trị như thế thì có thể sẽ tăng cao tới mức không kìm lại được.”

Ý của trưởng khoa Min tức là hãy thử tăng cường độ thuốc kháng ung thư lên. Nhưng dù có diệt được hết tế bào ung thư thì bệnh vẫn cứ tái phát.

Trưởng khoa Min biết điều đó, và anh không lý gì lại không biết. Ngay cả việc này cũng không thể kéo dài được thời gian, thời gian mà chỉ số bạch huyết cầu ác tính sẽ tăng lên không có cách nào cứu văn.

Anh thở hắt ra.

“Anh hãy giúp tôi làm những việc cần phải làm.”

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro