#4

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Chúng tôi được phân vào dạy vẽ cho các em lúc hai tiếng sau giờ học. Dự án này có tên là "Mang màu sắc đến nơi vùng cao" , nghe có vẻ hay ho đấy nhưng lúc thực hiện, nhìn trước mặt mình chỉ có mỗi một bé gái, tôi cười méo mặt.

_ Bé, em tên gì thế?

_ Em tên Lan ạ.

_ Lan này, các bạn khác đâu hết rồi em?

_ Các bạn về nhà rồi cô. Em...em ở lại để nói với cô...lớp chúng em không học vẽ đâu cô.

Tôi chưng hửng:

_ Em ở lại nói? Vậy em cũng không học hả?

_ Dạ. Vì nhà em gần trường nhất nên các bạn cử em lại nói á cô. Thưa cô em về luôn ạ!

Phạm Kiều An cứng họng. Thật ra tôi cũng từng nghĩ đến rồi, so với thành phố Buôn Ma Thuột đã có phần phát triển, buôn Tà Nùng này ở sát chân núi, nhà cửa thưa thớt, đa số hộ dân đều làm nông và chăn nuôi là chính, các em nhỏ đến trường đi học đã là tốt lắm rồi, còn nói gì tới chuyện vẽ vời. Hơn nữa theo những gì tôi biết, các em tan học liền phải về nhà phụ cha mẹ làm nông, đường tới trường cũng khá xa, nếu tham dự lớp học vẽ có khi tối mịt mới về tới nhà.

Tôi nhìn theo Lan đang hí húi dọn tập sách vào cặp, thấy mình ở lại đây cũng vô ích, không bằng đi lượn lờ thăm thú một chút.

_ Lan, cô đưa em về nhà nhé. Sẵn tiện cô đến chơi nhà em chút xíu được không? Không bạn nào học nên giờ cô rảnh quá.

_ A, được mà cô. Đi thôi.

Lan dáng người hơi gầy, mặt con bé đen nhẻm, nhưng đường nét gương mặt rất đáng yêu, lớn lên chắc chắn trông rất thanh tú. Tôi nắm tay con bé:

_ Thật ra, em có thể gọi chị là chị An. Chị cũng không phải là cô giáo đâu.

_ Ơ, thế tại sao chị lại dạy vẽ?

_ Đâu phải là dạy, chị chỉ đến chơi cùng các em thôi. Sẵn tiện chúng ta vẽ vời một chút. Chị rất thích vẽ, nhưng chị không phải cô giáo dạy vẽ.

_ Thế ạ? Vậy chắc chị vẽ đẹp lắm!

_ Ừ, chị giỏi vẽ nhất đấy. Lan muốn chị vẽ cái gì không? Tối nay chị vẽ cho em nhé.

Đôi mắt nhỏ của bé Lan sáng rỡ, cô bé nắm tay tôi lắc lắc:

_ Chị vẽ truyện tranh được không chị? Bọn em rất thích truyện tranh! Đọc truyện rất vui!

_ Được.

Tôi vỗ ngực tự tin như vậy, nhưng chắc đêm nay tôi phải khóc ròng, vì tôi chưa vẽ truyện tranh bao giờ cả. Nắm tay Lan đi một đoạn là rời khỏi trường học, đi xuống một triền dốc, chúng tôi đi nép vào trong vách núi. Lan vừa đi vừa líu lo rất nhiều chuyện. Nhà em ở rất gần trường, cho nên ba em là bảo vệ trong trường, mẹ em cũng làm nấu bếp cho ký túc xá của trường. Em còn có một chị gái đã đi lấy chồng và đang đi làm ở Buôn Mê Thuột, còn có một em trai mới ba tuổi thôi.

_ Em trai em đang bị bệnh chị ạ. Ngày nào nó cũng khóc. Tội nó lắm.

_ Bị bệnh gì thế? Đã khám bệnh chưa em?

_ Dạ rồi. Bác sĩ ở trong ký túc trường đã đến đó chị. Bác sĩ cho rất nhiều thuốc, ngày nào em cũng giã nhỏ để pha với nước cho nó uống. Lần nào uống thuốc nó cũng khóc ré lên ấy. À, hôm nay em nghe nói bác sĩ sẽ ghé lại để xem bệnh đó chị.

Cô bé vừa kể xong thì chúng tôi đã về đến trước nhà. Nhà của Lan cũng khá giống các ngôi nhà tôi thấy trong buôn, tường gạch trát xi măng xám, mái lợp tôn, trong vườn trồng rất nhiều hoa và các loại rau, sân sau có chuồng gia súc lớn nên mùi gia súc khá nặng. Lan vừa nắm tay tôi vào nhà thì hai con chó lớn chạy ra quẩy đuôi tưng tưng chào đón, nhưng nhìn thấy tôi, chúng nó lại hướng tôi sủa ầm ĩ.

_ Xùy xùy, cút, cút...

Lan đuổi hai con chó đi. Tụi nó mặc dù nghe lời con bé không sủa nữa nhưng vẫn hướng tôi gầm gừ. Tôi theo Lan vào nhà, nghe cô bé gọi:

_ Ba má ơi, con dắt cô giáo dạy vẽ về chơi ạ!

Bên trong căn nhà ngập tràn ánh nắng. Sàn nhà cũng trát xi măng đi vào cảm giác hơi nhám, nhưng được lau dọn rất sạch sẽ, phòng khách có một bộ ghế gỗ cùng ti vi, đầu máy, trên tường treo rất nhiều giấy khen của chị em Lan.

_ A, cô giáo, cô giáo vô chơi! – Người phụ nữ mặc đồ bộ hoa mắt cười cong cong chào đón niềm nở chắc là mẹ Lan.

_ Cháu chào dì ạ.

_ Vào chơi đi cô. Cô giáo xinh quá đi mất. Cô ngồi chơi tự nhiên nha.

Tôi định nói mình không phải là cô giáo, nhưng mới hả miệng chưa kịp nói gì, đã thấy bác sĩ Trường từ một căn buồng bước ra, trên tay còn đang bế một đứa bé.

_ Bác sĩ Trường

Bác sĩ gật đầu tỏ ý chào tôi.

_ Ơ, cô giáo với bác sĩ quen nhau à? Khéo quá khéo quá. Hai người ở lại ăn cơm cùng má con tui nha. Ông già ổng đi nhậu nữa rồi. Nhà có mấy má con, cơm canh đạm bạc, cô giáo với bác sĩ ở lại ăn chung cho vui nha.

_ A, dạ không cần đâu ạ! Cháu ghé đột ngột thế này còn phiền dì nấu thêm cơm cho cháu! Cháu chỉ đến chơi với Lan tí thôi ạ.

_ Trời ơi, sẩm tối rồi cô không ăn nhà tui còn đi đâu ăn nữa? Bác sĩ thì nhất định phải ở lại nha. Bác sĩ hứa với tui rồi nha. Bác sĩ kêu cô giáo ở lại ăn luôn đi. Tui đi làm đồ ăn đây. – Má Lan nói vậy xong cười hằng hặc bỏ đi xuống nhà sau.

_ Ơ, dì ơi...dì ơi...

_ Chị An, chị An ở lại ăn với em đi chị... - Lan nắm tay tôi nài nỉ.

Chẳng hiểu sao tôi lại nhìn về phía bác sĩ Trường, vừa vặn anh cũng đang nhìn tôi.

_ Ở lại ăn cơm đi.

_ Ơ...dạ...

_ Bác sĩ, bác sĩ, em của cháu có sao không ạ?- Lan lập tức quấn dưới chân bác sĩ Trường.

_ Không sao, em hết sốt rồi, cháu cho em uống thuốc nốt hôm nay nữa thôi. Ngày mai không cần uống thuốc nữa. Chỉ cần bôi thuốc ngoài da mà chú đã dặn cháu đấy.

_ Dạ cháu nhớ rồi ạ. Bác sĩ để cháu bế em cho, bác sĩ ngồi chơi với cô giáo đi ạ.

_ Cháu xuống phụ mẹ đi, để chú bế em được rồi.

_ Dạ, vậy cháu đi đây ạ. Chị An ơi, chị ngồi ghế chơi với bác sĩ nha.

Thế là tôi có dịp ngắm nghía bác sĩ Trường một cách kỹ lưỡng giữa nơi sáng sủa hơn rất nhiều. Tóc của anh lúc nào cũng cắt ngắn gọn gàng, vầng trán rộng, hàng lông mày dày dường như lúc nào cũng hơi nhíu lại nên nhìn khó đăm đăm, đôi mắt nâu sẫm tuyệt đẹp khỏi phải nói tới, cái mũi cao lần nào tôi cũng thầm ngưỡng mộ, môi thì không có gì đặc sắc, hơi mỏng, đàn ông môi mỏng bạc tình...

_ Này, cô dẹp cái ánh mắt như trẻ em mẫu giáo đang đi sở thú đó lại được không?

_ Ha ha...

Tôi cười trừ, nhưng lại tiếp tục ngắm nghía. Hôm nay bác sĩ mặc áo thun màu trắng. Áo thun làm lộ rõ bờ vai rộng của anh, hơn nữa càng làm anh nhìn gần gũi ấm áp. Lúc này anh đang bế đứa bé trai ba tuổi đang ngủ khò khò, trông không khác nào một ông bố dịu dàng.

_ Hình tượng này của bác sĩ, đúng là mới lạ! Mà sao bé ngủ rồi anh không đặt nó xuống đi còn bế đi lòng vòng chi vậy?

_ Bên trong phòng vừa phun thuốc diệt côn trùng.

_ À...

Bầu không khí im lặng lại kéo tới. Bác sĩ Trường quá mức trầm lặng. Lúc này anh ta vừa đổi tư thế bế đứa bé, làm lộ ra hai cánh tay nổi gân trông cực kỳ quyến rũ. Tôi luôn luôn thích kiểu đàn ông như thế này, mạnh mẽ vững vàng, nếu được ôm trong hai cánh tay đó, nhất định sẽ đầy cảm giác an toàn. Sau đó tôi lại nghĩ về một vòng tay khác. Anh Huân không có một cánh tay rắn rỏi như vậy. Anh ấy đẹp theo kiểu thư sinh cao gầy nho nhã, tay của trông không khác tay tôi là mấy, có điều bàn tay anh rất đẹp vì từ nhỏ đã học piano, những ngón tay thon dài dịu dàng,...

Tôi lại ngẩn người nữa rồi.

Đến lúc bừng tỉnh, tôi liền thấy đôi mắt nâu đẹp đẽ đến bức người kia đang nhìn chằm chằm mình.

_ Bác sĩ Trường, có một điều tôi luôn canh cánh trong lòng kể từ lần đầu gặp anh...

Bác sĩ Trường nhướn mày, ra hiệu tôi tiếp tục nói.

_ Lens của anh mua của hãng nào vậy ạ? Hơn nữa đây là màu số mấy? Đẹp quá đi mất. Tôi cũng muốn mua màu giống như vậy có được không ạ?

Chúng tôi lại trầm mặc nửa phút.

Ây da, sắc mặt của bác sĩ Trường thế nào ấy nhỉ? Tôi nói gì sai à? Đây là một câu hỏi nhạy cảm hay sao ta?

_ Cô hỏi linh tinh gì vậy? Lens gì?

_ Lens...là kính sát tròng đấy, kìa, bác sĩ đang dùng đó, trong mắt bác sĩ đó.

Tôi vừa nói vừa chỉ chỉ vào mắt của anh.

_ Tôi không đeo lens.

_ Hả?

_ Tôi không đeo kính sát tròng.

_ Ý anh là...màu nâu trong mắt anh...là mắt thật á? Có thể sao?

_ Sao lại không?

_ Mắt anh đẹp quá. – Tôi nói bằng giọng chân thành và đầy ngưỡng mộ.

Bác sĩ Trường dường như bị bất ngờ trước lời khen thẳng thắn của tôi. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy ngoài bộ dạng nghiêm túc lạnh nhạt ra bác sĩ Trường còn có một trạng thái tình cảm lạ mắt như vậy. Với ngoại hình xuất sắc của bác sĩ Trường, lẽ ra anh phải quen với những lời khen như thế này rồi chứ nhỉ?

Đột nhiên anh quay mặt sang chỗ khác, tránh ánh mắt tôi. Tôi không nhịn được bật cười:

_ Bác sĩ Trường, anh ngại à?

Anh không nói gì, nhưng tôi lại cảm giác rõ anh ngại ngùng. Ôi, một người đàn ông trưởng thành vốn dĩ lạnh lùng khi ngại ngùng đáng yêu biết bao.

_ Lạ nhỉ, chưa ai khen anh bao giờ à? Tôi tưởng anh nghe khen nhờn cả tai ấy chứ!

_ Chưa có cô gái nào thẳng thừng như vậy.

Bác sĩ Trường quay đầu lại nhìn tôi, giọng anh vẫn nghiêm túc như vậy, nhưng nét mặt anh đã giảm đi rất nhiều sự cứng ngắc thường thấy, thay vào đó ánh mắt anh thoải mái hẳn ra, còn hỏi tôi:

_ Cô đến đây dạy vẽ à?

_ Thực chất là vậy. Nhưng sắp tới chắc phải thay đổi rồi. Chẳng đứa nào muốn học vẽ hết!

_ Những đứa bé ở đây quá bận rộn, chúng không đủ thời gian cho những môn học nghệ thuật khác. Thậm chí là cả những môn học chính.

_ Bác sĩ Trường ở đây gần 1 tháng hơn rồi, anh chắc chắn hiểu tình hình hơn tôi đó. Cho tôi chút ít lời khuyên được không?

_ Cô tự tìm hiểu đi.

_ Chẳng phải tôi đang làm sao? Tiếp cận người có kinh nghiệm hơn để tìm hiểu tình hình!

Bác sĩ Trường không nói gì, tôi lơ đãng nhìn xuống vòng tay anh, đứa bé trai ngủ rất ngon, nhưng người bé gầy rộc, da đen nhẻm, không được trắng trẻo mập mạp như những đứa bé thường thấy ở thành phố. Tôi cảm nhận sâu sắc việc chênh lệch quá lớn về điều kiện vật chất ảnh hưởng rất nặng tới sự phát triển của những đứa trẻ, cho nên việc chúng không tài nào hứng thú với hội họa là điều đương nhiên. Đến cả trẻ em thành phố bây giờ cũng không phải đứa bé nào cũng thích vẽ vời ca hát.

Tối hôm đó, bữa cơm đạm bạc trong lời mẹ của Lan lại không hề đạm bạc như lời cô nói. Tôi bất ngờ trước một mâm cơm ngũ sắc, gà luộc, rau muống xào tỏi, lòng gà xào nghệ, su hào luộc chấm kho quẹt, canh khoai sọ nấu thịt băm, mùi vị so với ở Sài Gòn thanh đạm hơn một chút, nhưng dư sức khiến cho cái đứa tối qua sáng nay trưa nay đều ngốn mì gói vì lười đi ăn với đồng nghiệp như tôi ăn ngấu ăn nghiến.

Mẹ của Lan thấy tôi ăn liền hai chén thì cười tít cả mắt, cứ gắp thêm gắp thêm đồ ăn cho tôi.

Sau này khi có dịp ăn một bữa cơm khác, tôi mới biết rằng bữa cơm tối hôm đó mẹ Lan thết đãi thực sự là một bữa ăn xa xỉ của những người ở đây. Mặc dù họ nuôi gia súc nhiều nhưng ít khi nào làm thịt chúng cho bữa ăn của mình mà chỉ để dành đi bán ở những phiên chợ lớn, và chỉ có những dịp cực kỳ quan trọng người ta mới ăn nhiều món như thế trong một bữa ăn.

Tất nhiên bây giờ tôi không biết, tôi ăn ngon lành mà không hề ái ngại gì cả, chỉ thầm nghĩ nhất khi có dịp nhất định sẽ đến chợ mua một ít đồ tới biếu nhà Lan xem như là có qua có lại.

Bác sĩ Trường ngồi kế bên tôi, anh ấy cũng ăn liền hai chén nhưng tốc độ thư thả hơn, không vồ vập giống tôi. Hơn nữa phần lớn đồ ăn trong bát anh đều là do mẹ Lan và bé Lan gắp vào chứ anh không hề chủ động gắp món ăn. Hình như nhà Lan đều rất quý anh, cứ hai ba câu là họ lại khen anh tới tấp.

_ Cô giáo mới đến nên không biết, bác sĩ Trường là ân nhân của cả thôn đó. Vừa giỏi vừa tốt tính, lại cao ráo đẹp trai, mấy cô trong thôn ai cũng mê bác sĩ Trường hết! – Mẹ Lan vừa cười vừa gắp một cái đùi gà vào chén bác sĩ Trường. – Bác sĩ ăn nhiều vô. Nhà tui không có tiền trả tiền thuốc cho thằng cu, trong lòng khó chịu lắm, tụi tui mang ơn bác sĩ, không biết trả sao cho hết. Bác sĩ đừng ngại với nhà tui.

_ Dạ, cháu có ngại gì đâu! Dì nấu cơm ngon thế này, có khi lần sau đến thăm bé cháu lại đòi ăn cơm nữa đó.

_ Trời ơi, ngày nào bác sĩ cũng tới đi tui nấu cơm hết cho. Hôm nay không có ông nhà tui chứ không là có người uống với bác sĩ vài lon lấy thảo.

_ Lần sau nếu có dịp, cháu nhất định uống với chú vài lon.

Tôi đến mù cả mắt với bộ dạng ân cần săn sóc của bác sĩ Trường. Có lẽ thời gian tôi tiếp xúc với anh quá ít, hơn nữa đã hơn nửa năm rồi mới gặp lại, trong đầu tôi chỉ toàn hình ảnh bác sĩ Trường nhíu mày nghiêm túc xem bệnh án, dặn dò cấp dưới, hỏi thăm bệnh nhân, còn những hình ảnh mang tính chất đời thường này lại chưa thấy bao giờ. Nhất là khi bác sĩ Trường có ngoại hình rất tuyệt vời, cho nên từng cử chỉ của anh lại càng đẹp hơn, trông kiểu gì cũng giống hàng cực phẩm chỉ có thể nhìn không thể chạm.

Có lẽ do ánh mắt của tôi quá mức chăm chú, cho nên bác sĩ Trường đang húp canh cũng phải quay sang nhìn, kiểu như muốn hỏi cô nhìn cái quái gì thế?

Tôi liền cười trừ dời mắt đi chỗ khác.

Lúc ra về chỉ mới 7 giờ tối mà trời đã tối mịt mù cứ như nửa đêm. Bác sĩ Trường có kinh nghiệm, đi đâu cũng cầm theo đèn pin, còn tôi là ma mới nên vừa nãy chỉ vác thân xác mình đi theo bé Lan, bây giờ nhìn con đường đen hun hút như hố sâu vũ trụ, tôi đành quay sang cười với bác sĩ Trường.

_ Dẫn cô về cũng được, nhưng tôi còn phải ghé nhà một người nữa.

_ Tôi đi chung được mà!

Thế là chúng tôi tạm biệt ba mẹ con Lan. Nhà mà bác sĩ Trường muốn ghé không ở trên hướng đi về trường học mà phải đi ngược lại. Tôi đi sát vào anh. Đèn pin là loại xịn, chiếu sáng rất xa, nhưng chỗ chúng tôi đi tất nhiên là bóng tối nuốt chửng, sau lưng là một mảng đen kịt. Chúng tôi không nói với nhau câu nào nên đoạn đường đi chỉ có mỗi tiếng côn trùng dẫn bước, làm tôi thêm phần bất an vì không quen với bóng tối kiểu này.

_ Bác sĩ Trường, anh thông thuộc đường quá.

Anh không trả lời, chỉ quay sang tôi nhướn mày, chắc là muốn nói :"Tất nhiên rồi!"

Tôi thở dài thườn thượt:

_ Ban nãy ở nhà bé Lan bác sĩ nói nhiều lắm mà, bây giờ anh nói với tôi thêm vài câu cũng có sao đâu.

Tiếng côn trùng re ré trả lời lại tôi.

Tôi mắng thầm anh là đồ đáng ghét đến lần thứ 10 thì đến nhà của người anh cần thăm. Nhà này còn kinh hơn nhà bé Lan, chúng tôi còn chưa kịp kêu cửa đã có 6 con chó chạy ra sủa ầm ĩ inh ỏi, trong đó có hai con đặc biệt lớn, tôi nhìn mà quéo hết cả chân, theo bản năng tìm nơi an toàn vốn có của phụ nữ, nấp sau lưng bác sĩ Trường.

Một người đàn ông lập tức ra đuổi những con chó đi, rồi niềm nở đón bác sĩ Trường vào.

_ Bác sĩ Trường muộn thế này còn ghé hả? Sao bác sĩ không để mai? Cực cho anh quá.

_ Đến trễ là lỗi của tôi, vì ban nãy có chút chuyện nên ở lại nhà của dì Mùng ăn cơm tối.

Dì Mùng hình như là tên của mẹ Lan.

Người đàn ông nhìn thấy tôi:

_ Ơ cô y tá này nhìn lạ mắt nhờ? Bữa giờ hình như chưa gặp qua...

_ Đây là cô giáo dạy vẽ ở trường bé Lan. Cô ấy vẫn chưa nhớ đường về trường học nên tôi dẫn cô ấy theo luôn.

_ A, chào cô giáo, cô giáo trẻ nhở? Mới chuyển về trường à?

_ Vâng ạ, em đi làm tình nguyện thôi, không phải cô giáo đâu ạ.

Tôi và người đàn ông ngồi ngoài phòng khách vừa uống trà vừa trò chuyện. Còn bác sĩ Trường vào buồng thăm một ông lão già. Ông lão là ba của người đàn ông này, đã ngoài 70 tuổi, theo lời người đàn ông kể thì ông bị đau cột sống kinh niên nhưng chưa từng đi khám mà chỉ bốc thuốc nam uống qua ngày. Từ ngày có đoàn bác sĩ đến, hai cha con họ dìu nhau đi khám rồi được bác sĩ Trường chiếu cố rất nhiều. Mặc dù bệnh này không chữa khỏi được nhưng bác sĩ Trường đã hướng dẫn cho họ rất nhiều bài tập vật lý để cải thiện hơn và đỡ đau trong những lúc mưa dầm, cách mát-xa và nắn xương cơ bản để người đàn ông có thể tự làm cho ba mình. Hai hôm nay ông lão bị sốt cao nên người đàn ông đã gọi cho y tá Phương nhờ giúp đỡ. Cho mấy ngày nay tối nào bác sĩ Trường cũng ghé xem tình hình sức khỏe ông lão thế nào.

Xong xuôi mọi việc cũng khoảng 8 giờ hơn. Chúng tôi rời nhà ông lão, trên tay tôi xách thêm một bịch chôm chôm do người đàn ông cứ dúi vào cho, sự niềm nở đó tôi không tài nào từ chối được nên đành phải nhận.

Đường đi hiu quạnh tối tăm, tôi vừa mỏi chân vừa sợ sệt đủ thứ, cho nên lại muốn bắt chuyện với người đồng hành ít nói của mình:

_ Bác sĩ Trường, có vẻ anh được mọi người yêu mến lắm đấy! Đi hai nhà thôi mà nhà nào cũng khen anh nức nở.

_ Ừ.

_ Bác sĩ các anh thật tốt quá, những chuyến đi thế này thật ý nghĩa. Bình thường tôi cũng hay thấy trên mạng nhưng đây là lần đầu được chứng kiến đó.

...

_ Bác sĩ Trường, anh nói gì được không?

_ Hả?

_ Chúng ta trò chuyện được không?

_ Chứ cô nghĩ nãy giờ chúng ta đang làm gì?

_ Độc thoại! Chỉ có mình tôi độc thoại thôi. Bác sĩ Trường, anh cũng phải trả lời gì đi chứ!

_ Ừm...

...

_ Bác sĩ Trường, chắc chắn anh chưa có bạn gái! Nhưng nếu có rồi, tôi thực sự bái phục cô gái nào có thể chịu nổi sự im lặng đến rùng rợn của anh.

Tôi đang cắm đầu huyên thuyên, thì người phía trước đột nhiên dừng lại, khiến tôi đâm sầm vào lưng của anh, mũi đau nhức.

_ Aish, sao vậy? – Tôi ngước mặt lên ai oán.

_ Đối với bạn gái, tôi tất nhiên có cách hành xử khác.

A, tôi ngại ngùng gãi gãi mũi, đúng rồi, người ta dù lạnh nhạt thì cũng là lạnh nhạt với những kẻ người dưng nước lã không liên quan, chứ đối với người con gái của mình, có khi anh lại săn sóc quan tâm y hệt như cách anh săn sóc những bệnh nhân của mình vậy.

Tôi mất hứng, chẳng muốn nói gì nữa, cứ thế im lặng đi theo anh. Điện thoại trong túi chợt rung lên, là một số lạ, tôi luôn bắt máy số lạ vì có khi đó là số của khách hàng gọi tư vấn:

_ Alo, đây là Kiều An.

_ Kiều An, thì ra em chỉ tránh mỗi số điện thoại của anh!

Tôi khựng lại ngay tắp lự. Bác sĩ Trường đi đằng trước thấy tôi khựng lại cũng dừng lại, quay đầu nhìn tôi, nhưng lúc này tôi đã bị giọng nói thể hiện rõ trạng thái đã say bét nhè này làm cho rối loạn, không còn quan tâm tới bất cứ điều gì khác.

Tôi vẫn luôn hận cái tính tình tồi tệ của mình, luôn xem anh là tất cả.

_ Huân, anh uống say à?

_ Phạm Kiều An, lần nào anh gọi em cũng không nghe máy. Em tránh mặt anh. Hẹn em mấy lần cũng không được. Em muốn sao đây? Giận lâu như vậy, định từ mặt thằng anh này luôn phải không?

_ Anh nói tào lao cái gì vậy hả? Anh đang ở đâu? Sao ồn quá vậy? Diệu My đâu?

_ Tại sao em tránh anh? Nửa năm qua gặp em được mấy lần? Cho dù em giận dỗi cái gì chẳng phải nên cho anh biết lý do rồi hả?

Hoàng Huân, anh muốn nghe lý do nào đây? Bởi vì em yêu anh, bởi vì em sợ mình sẽ nổi lòng tham muốn phá hỏng gia đình anh, bởi vì em sợ mình sẽ làm việc có lỗi với anh. Tại sao anh không bao giờ nghĩ đến trường hợp đó, bao nhiêu năm qua những gì em thể hiện không rõ ràng ư, anh đợi một lời khẳng định phải không? Không thể tin được đến bây giờ người đàn ông duy nhất mà Kiều An này yêu vẫn không biết được tôi yêu anh ấy đến nhường nào.

_ Anh say rồi, để em gọi Diệu My tới đón anh.

_ Đừng, đừng cúp máy! An, anh... đừng giận anh nữa, nói cho anh biết đi... Không gặp được em, anh thấy khó chịu lắm, anh rất lo...

Tôi cúp điện thoại ngay và luôn.

Bởi vì tôi đã khóc.

Nước mắt của tôi rất buồn cười, mỗi lần xuất chinh là y như rằng ào ào như thác lũ, như đập thủy điện bị vỡ đê, chảy tràn không có điểm dừng.

Tôi ngồi thụp xuống con đường đất đỏ khô ran, òa khóc như điên. Nhưng dù vậy, trong màn nước mắt, tôi vẫn cầm điện thoại nhắn tin cho Diệu My:

"Có đang ở cùng chồng mày không? Quang Anh bảo tao anh gọi điện cho nó la lối ầm ĩ, say bét rồi kìa"

Thế rồi tôi nhắn thêm một tin cho Quang Anh để nó biết đường mà làm tròn bổn phận.

Tôi vừa bấm bấm điện thoại vừa khóc hu hu.

Đến lúc một ánh đèn vàng vọt pha vào người mình, tôi mới giật mình ngẩng đầu dậy, trong bóng tối lù lù một bóng người cầm đèn pin chiếu vào người tôi.

_ Bác sĩ Trường...- Tôi chùi nước mắt, không nhận ra rằng giọng mình nghe đáng thương cực kỳ. – Xin lỗi anh, tôi vô ý quá.

_ Về phòng cô khóc tiếp đi. Ở đây nhiều muỗi lắm, tôi không muốn bị sốt xuất huyết.

Anh lạnh nhạt buông một câu rồi chiếu đèn về phía trước, tiếp tục đi. Tôi bị bỏ lại trong bóng tối nên hoảng sợ, vội chùi nước mắt, đứng dậy chạy theo anh.

Tôi đi sát sau lưng bác sĩ Trường, nhưng nước mắt vẫn cứ chảy ào ào, mũi thì nghẹn ứ hỉ ra không được mà hít vào cũng không xong, sụt sùi đau hết cả mũi.

Bác sĩ Trường một lần nữa thể hiện bản lĩnh của một vị bác sĩ được người đời ca tụng, xứng tầm câu nói "Lương y như từ mẫu", lấy từ trong chiếc cặp sách đựng thuốc của mình ra một bao khăn giấy, ném cho tôi.

_ Cảm ơn.

Tôi đón lấy, mừng như bắt được vàng. Tôi vừa đi vừa hỉ mũi, thế là đoạn đường về không còn yên ắng nữa. Trong tiếng côn trùng rả rích êm đềm, còn có tiếng hỉ mũi như tiếng oan hồn đòi mạng của tôi vang vọng núi rừng.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro