Chương 3

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Giờ tôi kiếm sống bằng việc viết lách. Tôi đã xuất bản ba cuốn tiểu thuyết cho đến nay. Cuốn đầu tiên kể về một người chỉnh dây đàn piano lang thang khắp các cửa hàng âm nhạc và phòng hòa nhạc để tìm kiếm người yêu của cô – một nhạc sĩ piano – đã biến mất mà chỉ dựa vào tiếng nhạc của anh văng vẳng bên tai. Cuốn thứ hai viết về một vũ công ballet đã mất chân phải trong một vụ tai nạn, hiện sống trong nhà kính với bạn trai – một nhà thực vật học. Cuốn thứ ba nói về một phụ nữ trẻ nuôi dưỡng em trai mắc một loại bệnh phá hủy các nhiễm sắc thể.

Mỗi cuốn tiểu thuyết đều kể câu chuyện về sự mất mát. Mọi người đều thích nội dung kiểu vậy. Nhưng tại đây, trên hòn đảo này, viết tiểu thuyết là một trong những nghề nhàm chán và không được coi trọng nhất mà một người có thể theo đuổi. Không ai có thể khẳng định rằng hòn đảo này có nhiều sách. Thư viện – một tòa nhà gỗ một tầng tồi tàn ngay cạnh vườn hồng – chỉ có vỏn vẹn một số ít độc giả quen thuộc, bất kể khi ai ghé thăm, và những cuốn sách như thu mình lại trên giá, sợ rằng sẽ tan thành tro bụi chỉ với một cú chạm nhẹ. Cuối cùng tất cả chúng cũng sẽ bị vứt bỏ mà không được bảo quản hay phục hồi – đây chính là lí do tại sao kho sách chẳng bao giờ phát triển. Nhưng chẳng có lấy một lời phàn nàn nào.

Các hiệu sách cũng chẳng khá khẩm hơn là bao. Nó gần như vắng tanh, còn các chủ tiệm thì sấp ngửa giữa những chồng sách ế với bìa ố vàng.

Chỉ vài người ở đây có nhu cầu đọc tiểu thuyết.

Tôi thường bắt đầu viết vào khoảng hai giờ chiều và tiếp tục cho tới tận gần nửa đêm, nhưng hiếm khi tôi viết được quá năm trang. Tôi thích viết chậm rãi, điền vào từng ô trống trên giấy từng chữ từng chữ một. Chẳng việc gì phải vội vàng. Cứ từ từ mà viết.

Tôi làm việc trong căn phòng cũ của bố. Nhưng giờ đây nó gọn gàng và ngăn nắp hơn nhiều, do các tiểu thuyết của tôi không cần phải có các ghi chú hay tài liệu khác. Trên bàn của tôi chỉ là một tập giấy, cái bút chì, cùng một con dao để gọt sắc nó và một cục tẩy. Dù tôi đã cố gắng nhưng không tài nào lấp nổi các khoảng trống mà Cảnh sát Kí ức để lại.

Vào buổi tối, tôi ra ngoài tản bộ khoảng một giờ đồng hồ. Tôi đi men theo con đường ven biển để tới bến tàu rồi đi qua ngọn đồi nơi có đài quan sát khi về nhà.

Chiếc phà đã được cột dây neo vào bến từ rất lâu đến nỗi giờ phủ toàn gỉ sắt. Không còn có hành khách nào đi lên nó và nó cũng chẳng thể đưa họ tới bất cứ đâu. Chiếc phà cũng là một trong những thứ đã biến mất khỏi hòn đảo này.

Tên con phà được vẽ trên mũi, nhưng khí mặn của biển đã làm nó phai mờ đến mức không thể đọc được. Bụi phủ đầy các cửa sổ, còn trai và rong biển thì bám trên thân phà, xích neo và cánh quạt nhiều không kể xiết – cứ như thể con phà này là một sinh vật biển khổng lồ đang dần dần hóa đá.

Chồng của bà vú chăm sóc tôi từng là một thợ máy trên thuyền. Sau khi chiếc phà biến mất, ông ấy chuyển sang trông coi một nhà kho bên bến tàu. Nhưng ông đã nghỉ hưu và hiện đang sống trên một con thuyền bỏ hoang. Trên đường đi dạo, tôi luôn dừng lại trò chuyện với ông.

"Dạo này cháu thế nào?" một tối ông hỏi tôi, đưa ghế cho tôi ngồi. "Việc viết lách vẫn tiến bộ chứ hả?" Có nhiều chỗ để ngồi nên tùy thời tiết hay tâm trạng mà chúng tôi có thể chọn một chiếc ghế dài trên boong hoặc thư giãn trên một chiếc sofa thoải mái trong phòng chờ trong khoang hạng nhất.

"Cũng chậm bác ạ," tôi nói với ông.

"Thôi thì, quan trọng nhất là cháu tự lo được cho bản thân." Ông tự gật đầu và nói thêm, "Chẳng nhiều người có thể ngồi cả ngày bên bàn làm việc và tạo ra những thứ phức tạp như vậy ngay được đâu. Nếu bố mẹ cháu ở đây để nhìn thấy cháu lúc này, chắc hẳn họ sẽ rất tự hào."

"Một cuốn tiểu thuyết cũng chẳng tuyệt diệu đến mức ấy đâu bác à. Với cháu, tháo rời động cơ con thuyền để sửa, sau đó ráp chúng lại với nhau mới thật là thần bí và hay ho."

"Không, không. Con phà đã biến mất rồi và chẳng còn gì để nói về nó nữa." Rồi chúng tôi chìm vào im lặng mất một lúc.

"À," cuối cùng ông bác nói. "Bác vừa kiếm được mấy quả đào ngon lắm. Sao cháu không thử một quả xem?" Ông đi vào gian bếp nhỏ cạnh buồng đốt, nơi ông bày vài lát đào trên chiếc đĩa lót đá và rải lên một nhánh bạc hà, rồi pha một ấm trà đặc. Ông thật có khiếu về máy móc, đồ ăn và cây cối.

Tôi luôn gửi tới ông một trong những bản in đầu tiên của mỗi cuốn sách của tôi.

"Vậy ra đây là tiểu thuyết mới của cháu," mỗi lần nhận cuốn sách bằng cả hai tay ông đều nói vậy, từng từ phát âm ra với đầy sự dịu dàng, cứ như thể ông đang được ban phước vậy. "Cảm ơn, cảm ơn cháu," ông luôn lặp lại, giọng nghẹn ngào và tôi càng lúc càng cảm thấy e thẹn.

Nhưng sự thật là ông chưa từng đọc một trang nào của bất kì cuốn sách nào tôi viết.

Có một lần, khi tôi nói rằng tôi rất muốn biết ông nghĩ gì về chúng, ông đã từ chối.

"Chắc là bác không thể," ông nói. "Nếu đọc hết một cuốn tiểu thuyết, thì mọi chuyện kết thúc. Bác sẽ chẳng muốn làm một việc phung phí như vậy. Bác muốn giữ nó bên mình, yên lành, mãi mãi."

Rồi ông đặt cuốn sách trên cái bàn thờ nhỏ của các vị thần biển trong buồng lái và chắp tay cầu nguyện.

Chúng tôi trò chuyện về mọi thứ - nhưng thường thì về những kỉ niệm – trong khi thưởng thức bữa ăn nhẹ - về bố mẹ tôi, vú em, đài quan sát, những tác phẩm điêu khắc, và một thời xa xăm khi người ta vẫn có thể đi thuyền tới đâu đó. Nhưng những kí ức của chúng tôi phai nhạt ngày qua ngày, vì khi một thứ gì đó biến mất khỏi hòn đảo, kí ức về nó cũng tan biến theo. Chúng tôi chia nhau chỗ đào cuối cùng và lặp lại câu chuyện, để cho miếng đào tan dần – thật chậm rãi – trên đầu lưỡi chúng tôi.

Khi mặt trời bắt đầu ngả bóng về phía biển, tôi xuống thuyền. Dù cầu tàu không dốc nhưng ông bác vẫn ra tiễn tôi. Ông đối với tôi cứ như tôi vẫn còn là một cô bé vậy.

"Về cẩn thận nhé cháu."

"Dạ vâng," tôi nói với ông. "Hẹn gặp lại bác ngày mai."

Ông đứng đó nhìn tôi bước đi, không nhúc nhích cho đến khi tôi khuất khỏi tầm mắt.

Rời bến cảng, điểm dừng chân tiếp theo của tôi là đài qua sát nằm trên đỉnh đồi. Nhưng tôi không bao giờ nán lại lâu. Tôi nhìn ra phía biển, hít thở sâu vài nhịp rồi lại bước xuống.

Cảnh sát Kí ức đã xử lí xong công việc tại đây, giống như họ đã làm với phòng làm việc của bố, để lại nó trông chỉ hơn một đống đổ nát chút xíu. Không có gì còn sót lại để nhắc nhở rằng nơi đây đã từng là một điểm quan sát các loài chim hoang dã. Các nhà nghiên cứu cũng đã tản đi nơi khác cả.

Tôi đứng trước cửa sổ, nơi tôi đã từng cùng bố nhìn ra ngoài qua ống nhóm, và bây giờ ngay cả khi những sinh vật nhỏ có cánh thi thoảng lướt qua thì chúng cũng chẳng hơn gì những lời nhắc nhở rằng chim chóc không còn một chút ý nghĩa nào với tôi nữa.

Mời trời đang lặn dần khi tôi leo xuống đồi và đi qua thị trấn. Hòn đảo trở nên tĩnh lặng hơn vào buổi tối. Mọi người lúi húi đi bộ về nhà từ chỗ làm, cùng với lũ trẻ vội vã theo sau. Ngay cả những tiếng nổ của động cơ xe tải – giờ đây đã rỗng hàng sau phiên chợ - cũng bị bóp nghẹt và trơ trọi giữa xung quanh yên ắng.

Tất cả mọi người đều nín lặng, như thể đang trở nên cứng rắn hơn để chuẩn bị cho sự biến mất tiếp theo, cái điều chắc chắn sẽ xảy ra, có lẽ ngay ngày mai thôi.

Buổi tối trên hòn đảo hôm đó đã diễn ra như vậy.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro