29 TẾT

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Báo thức điện thoại vừa reo lên, nó đã với ngay lấy và tắt đi, ngồi bật dậy, xếp chăn, mền, gối, rồi bỏ vào bọc nilong to, buộc kín lại, phòng khi về lâu lên bị bám bụi. Vệ sinh cá nhân trong 10 phút, nó với lấy áo khoác mở cửa đi ngay ra quán. Đường hôm nay khá lạnh, gió đông tràn qua từng kẽ lá, mặt trời đã lên nhưng còn lười, khép nép trốn sau mấy tầng mây xám, không nắng chỉ có gió, gió thổi qua người nó, có lạnh nhưng lòng nó ấm lắm, sắp có tiền. 

Xe rẽ vào quán đúng 7h, cửa khóa trong, chắc là có người. Nó gõ gõ cửa ... trong vài phút chẳng thấy trả lời, hay mình gõ nhẹ quá cô không hay, để gõ mạnh chút,

Cộc, cộc cộc

Cũng không thấy tiếng động gì, để gọi cô xem sao, đáp lại là mấy tiếng tít tít, cô đi ra ngoài không nghe máy rồi, nhưng ngoài số cô nó không biết số ai khác, số ông Thuận nó xóa mất rồi, thế là đành ngồi đợi. Nó ngồi ở yên sau chống hai chân xuống đất, chốc mỏi đá chống rồi gác chân lên bàn đạp, một lúc đứng lên đi đi lại lại cho thoải mái người, nó không rõ là mình đã đợi bao lâu, đổi bao điệu bộ, chỉ nhớ khi cánh cửa ấy vừa mở ra, dáng chị Mơ còn mơ ngủ, đưa cho nó xấp tiền, có buộc cọng dây thun kèm mảnh giấy, tiền lương – Phương. Nó không quên cảm ơn chị rồi lên xe chạy nhanh về trọ. 

Đến nơi thấy Nam đang đứng đợi nó, vẻ mặt hơi buồn.

- Tui đi lấy lương, đợi cô mở cửa mới lấy được. Xong chưa, về thôi

- Tui không cần mang gì về đâu, đã đem về lần trước rồi.

- Đợi tui khóa cửa

- Đồ nhiều không? Hay để tui chở ra bến xe rồi tui vòng về bỏ xe vô phòng đi bộ ra.

- Không, chỉ có balo với cái bọc đó

- Thôi để tui chở ra ngoài đó rồi ra sau, nhanh đi, đi xe tui cho mau.

- Ừ.

Nó thấy hơi đói, xem đồng hồ đã 7h45, dù gì lội bộ hỏa tốc ra đó cũng không kịp chuyến 8h đâu, cũng ngồi đợi 8h30 mới đi được. Nó leo lên xe cho bạn đèo đi. Ra đến bến, nhìn người với người, tiếng còi xe inh ỏi. Do bến xe này là bến chính của thành phố, xe bus, xe khách đều tập trung đủ nên nay dòng người đông lắm. Thấy nó vừa bước một chân xuống, ông lơ xe đã kéo tay vô

- Đi đâu em, Cà Mau duyên hải, Cái Tắc Vĩnh Long?

- Ơ ơ em về Vĩnh Long

Ổng chỉ hướng phải,

- Chiếc thứ 3, đang đề máy, lên đi, xe chạy liền, nhiều đồ không, đưa anh bỏ thùng xe

- Không em còn đợi bạn

Nam nhìn nó nhăn mặt

- Đông quá

- Ừ, tết mà, về đi rồi ra, tui đợi

Nam chạy thêm một tí lên vỉa hè, đậu dưới trạm, nói

- Hay thôi đi, chuyến này đã đông vậy, chuyến sau còn đông không kém, hai ba chuyến gài như gài mắm là mệt lắm. Lên đi tui chở về.

- Sao hả, tui nghe không rõ, xe chạy to quá, nó sát gần bạn, hỏi lại lần nữa, Nam nói gì?

- Lên đi tui chở về, đi xe đạp

Nó suy nghĩ, vội lắm, mấy giây thôi, chắc là đi xe đạp ổn hơn, xe đông như này không có chỗ ngồi, đứng hoài đường xốc chắc mệt thiệt, mà tiền mới lãnh, chưa coi bao nhiêu, ít gì cũng cả hai triệu, lỡ đông quá bị chôm mất là coi như xong, khổ công ra đợi cả sáng mới được. Thế là nó leo lên xe bạn. Bạn chở nó ra khỏi đám đông nghịt người, chợt dừng lại bên đường,

- Mua gì ăn sáng đi, chút ra khỏi thành phố ít chỗ bán lắm, với trễ người ta dọn hết rồi

- Ờ, Nam ăn gì

- Bạn ăn gì tui ăn đó, đưa đây, cái balo

Rồi bạn gỡ lấy cái balo trên vai nó, xua tay vô mua lẹ lẹ ra, tranh thủ về nữa. Đi xe lớn tầm 3 tiếng nhưng đi xe đạp, đi đường tắt qua đò cũng mất 4 tiếng. Nó ngồi sau lưng bạn, trời vẫn chưa nắng, gió vẫn thổi,nhưng cảm giác ấm hơn nhiều lắm. Xe chạy qua nhiều ngả, nó không biết đường gì, chỉ thấy đoạn này hai làn, có phân cách nhưng hẹp lắm, mỗi chiếc 7 chỗ đã gần hết lối, còn thêm đèn đỏ liên tục, 800m đếm 1km là đã có một đèn, thấy bạn chống chân đến mỏi mệt, thấy khói bốc lên từ mấy chiếc xe máy kĩ kịt bông, đầy ắp bánh mứt bay vùn vụt qua mặt hai đứa. Đi một lúc nữa thì lên dốc cầu to, thấy bạn hơi mệt, đạp chậm, đường lúc này to hơn và ít xe hẳn, có lẽ đã ra ngoài thành phố. Nó gõ nhẹ lưng bạn, nói

- Mệt không? Tới đâu rồi

- Chưa được một phần ba nửa, nào tới bến đò mới được, cũng sắp rồi, nhìn phụ tui, bên tay phải 

Nó giương mắt ra nhìn xem có cái bảng bến đò nào không, mà bị ngắn não hay sao không hỏi tên, cứ trơ mắt ra nhìn, đến khi bạn rẽ vào thì đã không rõ bến đò gì nữa. Đoàn người xếp hàng mua vé khá đông, dưới thuyền, ông lái bóp kèn một hồi dài báo hiệu sắp chạy, giục mọi người mau lên. Cũng may xe nó vừa lên là thuyền vừa rời bến. Xe đông quá, nó không chạy được vào trong, chỉ đậu phía ngoài, người cũng không lách được qua dãy xe nên đành đứng gần mui tàu. Bạn kéo nó lại mép trống người, có bóng cột ngả xuống không chói nắng, giờ thì nắng đã lên rồi, không gay gắt nhưng hơi nóng xíu so với khi nảy.

- Ăn đi, nó đưa bánh mì cho bạn

Bạn nhìn nó cười,

- Lần nào gặp mấy người cũng bánh mì, chung thủy hén

- Thì nó gọn, nảy không nói tui mua cái khác

- Đợi tui nói mới biết hả

Hai đứa ăn bánh, nó đưa chai nước mang theo, sợ bạn nói khô khan

- Lát đổi ca nghe

- Ừ, nó đáp nhanh, mà chỉ hướng mới chạy được nhe, tui không biết đường

- Không biết đường mà đi với tui, không sợ tui chở đi mất à

- Có gì mà sợ, chở tui chỉ nặng xe, có gì mà cướp

- Thiệt à?

- Thiệt, tui nghèo lắm người ơi.

Bác lái đò lại nhấn còi, báo hiệu sắp tới bờ, vài xe nổ máy, nó bảo bạn chạy lên đi giùm, thấy dốc hơi sợ,lên rồi đổi ca. Bạn cười lắc đầu trêu nó. Bạn chỉ là chạy đường này, thẳng ra tới đụng đường quốc lộ thì rẽ trải, cứ thế chạy thẳng. Tính ra chở bạn cũng không nặng lắm, chắc xe nhẹ đạp hay sao, nó thấy mình chạy nhanh, nhưng cảnh đẹp quá khiến nó hơi nhẹ chân.

- Đẹp quá, ở nông thôn bình yên quá hé

- Đúng rồi. Thấy mấy ruộng hành không, nay người ta nhổ bớt rồi đó. Ruộng cải nữa, bắp to không?

- Mà nay chưa đem ra chợ là trễ tết rồi, hễ được mùa là mất giá, nông dân bao giờ cũng khổ

- Cũng đúng, nhưng làm nông cũng tự điều chỉnh được mà, không nên trồng theo hàng xóm, như vậy dễ bị ép giá lắm

- Đâu phải đất nào muốn trồng cây gì cũng được đâu, có loại chỉ thích hợp một chỗ thôi

- Nói chứ năm nay quýt được giá đó, ngon hơn năm ngoái

- Sao bạn biết, nhà tui có mấy khi chưng đâu mà biết, nó đắt lắm

- Nhà tui mới cân, năm nay có mối ở thành phố về đặt, làm tiểu cảnh đường hoa đó, gom lên cả xe tải luôn, mấy cô chú kế bên cũng ké chuyến

- Vậy hả, tết ấm no rồi, người ta trang trí mà mình được nhờ

- Nhờ vậy tui mới lên được với mấy người

- Là sao?

- Hôm qua sẵn chuyến đi giao hàng tui lên xe đi để phụ khiêng xuống, có đi ngang nhà Bích, đưa bạn giỏ lan mới hay nay mấy người mới về. Ham gì mà ở dữ vậy, không sợ ma à, đừng nói mở đèn sáng đêm

- Dạo này tui hết rồi, gan rồi

- Gan bằng con chuột, qua gọi mà tưởng cố thủ trong phòng rồi chứ, định gọi điện rồi đó

- Đang giặt đồ mà, không nghe rõ, tưởng bị nhầm

- Mà nè, điện thoại tui hả gì kìa, trong túi áo khoác, lấy giùm tui, chắc mẹ tui gọi

- Có cần tui nghe giùm không?

Nó thắng xe lại, nhảy xuống đất, đỡ lấy điện thoại từ tay bạn

- Alo mẹ, con nghe nè

- Tới đâu rồi, để con út ra rước

- Chưa mẹ ơi, nay xe đông, về trễ lắm, khi nào tới con gọi, chừng qua xế lận

- Gì trễ vậy?

- Thôi con tắt nghe, ồn ào lắm.

Nói dối mà có bài luôn, nó hay thật, có xe nào đâu mà ồn, có đông gì đâu mà đợi, có mỗi hai đứa đang đạp về. Bạn đã lên yên trước chờ nó rồi, nó hỏi

- Được nửa chưa? Mau vậy

- Làm gì có, mới qua đò chút xíu cô nương, chừng nào tới ranh tỉnh mình mới được 2/3, lên đi nhanh nhanh

Nó lên ngồi cho bạn chở tiếp, đợi tới ranh đổi ca lại là vừa. Ngồi ở sau nó ít nói, cứ sợ nói làm người trước phân tâm, còn người trước không nghe ai nói gì thì lên tiếng hỏi

- Sao im ru rồi?

- Cho bạn chạy. Mà lúc nảy nói lên giao hàng, rồi sao không về, giao người luôn hả?

- Ừ, giao cho Phương, nhận không?

- Không, nuôi tốn cơm

- Tui ăn bao nhiêu mà tốn. Nói chứ kêu anh Hai nói mẹ là có bạn rủ lại nên mai về, chắc nay về bị dí.

- Biết vậy còn ngoan cố, cho chừa

- Lỡ bị dí ra khỏi nhà có cho tui ở ké không?

Nó im ru, nghĩ tới cái nhà cũ kĩ của mình, không buồn đáp lại. Ai đó lảng qua chuyện khác

- Mà qua tui gọi không biết dám nghe không hả?

- Có gì mà không? Số quen mà

- Gì, chưa lưu tui vô danh bạ nữa hả?

- Ờ thì ...

Người ta im luôn, mải miết lên dốc, coi bộ con dốc này cao, rồi từ từ thả dốc, chạy giữa bao nhiêu là nắng và gió. Thật ra có lúc nó đã định lưu lại, nhưng tới phút đặt tên thì không biết đặt gì cho phải, Nam, cụt ngủn quá, Nam-12C, không thích, Bạn Nam, sao xa lạ quá.

- Nhớ lưu lại số điện thoại của tui, mai này già quên không nhớ số đâu đó.

- Gì mà ghê vậy, mấy chục năm nữa mới già.

- Mau lắm đó, nhắm mắt lại đi, trước mặt ông cụ đang chở bà cụ nè, già chưa?

- Ôi, vậy cũng được nữa hả. Ừ Nam ông cụ chở Nho bà cụ đi chợ tết hé

- Không, Hùng ông cụ chở Nho bà cụ đi chợ tết, Nam ông cụ đang chở Phương bà cụ về quê. Nho có bạn rồi, là Hùng cùng khối mình đó, bạn cùng lớp y với Vũ, người ta đưa đón nhau hàng tháng rồi, có mấy người không biết thôi.

Tin này với nó mới thiệt, nhưng có đáng tin, lớp nó có mấy đôi cũng quen từ cấp 3 đó, rồi giờ lần lượt chia tay chia chân hết rồi, có gì là mãi mãi, ai biết được ngày mai, nó nén tiếng thở dài, nhìn xa xăm, chợt thấy bảng địa phận tỉnh T, liền gõ gõ lưng bạn

- Xuống đi, tới lượt tui

- Để tui chạy thêm chút nữa rồi đổi

Tới quê khác thật, cũng con đường quốc lộ đó mà nó quen thuộc lắm, mấy hàng cây hai bên cũng quen nữa,hóa ra hai tiếng quê hương là thế, quen đến từng nếp nhà. Nó hít thật sâu, mùi quê hương, lẫn cùng mùi khói bay là đà trong gió. Nó thích mùi đó cực, mỗi năm cứ cuối năm, quét sân vườn xong là châm mũi lửa, đốt mớ lá cuối đông, mùi khói không cay, không sặc sụa như khói rơm đồng mùa thu hoạch, nó ngọt lắm, mang theo từng hơi đất, dù có đi đâu cứ nghe mùi đấy lại cồn cào nỗi nhớ quê. Là hình dung ra dáng tất bật của bà, của mẹ trong mâm cơm đón ông bà, là dáng khỏe khoắn của bác 5 kéo cây tre căng cột cờ giùm nhà nó, là vài thứ bánh thím 2 hàng xóm mang sang làm quà lễ.

Người ta cố đạp thêm một đoạn, vì biết đoạn này còn xốc lắm, tầm hơn 5 cây nữa mới tới khúc láng nhựa,nhẹ đạp hơn. Cũng nghe xem đằng sau ai có mở lời thêm câu nào, nhưng chỉ có gió luồn qua khe khẽ. Lòng thoáng chút tiếc nuối, đường nay sao ngắn, còn 10 km nữa tới nhà mất rồi, đã kịp nói gì đâu. Với bao bạn khác, hắn có thể trơn tru câu này câu nọ, nhưng với ai kia sao cứ cân nhắc từng lời, mỗi lần nói bị hỏi lại là thấy hụt hẫng, bao tháng năm rồi vẫn chưa tiến triển thêm chút nào, chúng bạn họ đi chơi chung đi học chung, còn mình với người ta chỉ số 0 tròn trĩnh, trách ai quá bận hay trách mình không tự tạo cơ hội. Người ta bảo có thương thì sẽ có cách gặp mặt, mà mỗi đi học chung cũng không có huống hồ là đi đâu, được mỗi đêm qua trốn ở lại, chắc về nhà bị tóm cổ cho một trận quá, công việc hàng hà sa số ở nhà từ 25 về đã cúi mặt ngoài vườn đến nay còn chưa kịp nhìn nhà có dọn chưa, chắc chị 2 cũng gọn gàng đâu đó rồi.

Nam ngồi sau lưng nó, nhìn dáng người con gái trước mặt, gần thật đó mà sao cứ thấy xa xăm, bao năm qua vẫn chung trường chung lớp, bao năm qua đã khi nào để ý tới hắn chưa. Hắn dạo này bận rộn không còn nhắn tin như xưa, có lẽ nào người ta quên bẵng đi rồi. Lúc chuẩn bị về, hắn định lại hỏi ai kia có về thì đi chung nhưng hôm đó Vũ cũng về nên đành thôi. Về nhà bận quá, vườn năm nay trúng mùa, trúng giá, mà thiếu nhân công, người quê bỏ lên Bình Dương, Đồng Nai vô khu công nghiệp cả rồi, ba hắn đi kêu mải mới được 5 người, hái cũng không kịp. Thấy từ 3-4h sáng hai ông bà đã thức dậy nấu cơm, tranh thủ ra ruộng cấy cho kịp mấy công đất đang vừa lứa mạ, cái gì cũng chỉ có hai ông bà bảo nhau. Anh Hai thì tết càng bận, chạy hết chuyến này đến chuyến khác, tranh thủ lúc xuống hàng mới được ngủ, hai mắt ổng ngày càng thâm quầng. Còn chị Hai thì bận cơm nước nhà cửa, chăm bé Bi, trường nghỉ là bé quấn lấy mẹ, có hở ra được phút nào đâu mà phụ ông cụ bà cụ. Thế nên mới nghe thằng út được nghỉ là anh Hai nó đánh tiếng về phụ ngay. Mấy công việc này trước kia hắn làm quen rồi, giờ nghỉ đi học nên cũng hơi mệt chút, tuy gầy nhưng hắn khỏe lắm, mấy cô chú hái mấy giỏ là hắn chuyển vô nhà hết mấy giỏ. Mấy cây sai trái tận ngọn, hắn leo lên cao hái phụ, nhiều lúc gầy chút cũng đỡ, không sợ gãy nhánh. Mới nghĩ có mấy chuyện mà đã thấy thoáng cổng khu công nghiệp

- Phương thấy cổng đó không? Ở đây có vài công ty đó, nữa về đây làm gần nhà

- Cổng với tường rào cao quá, có thấy gì đâu!

- Đó, mấy mái nhà tiền chế, mấy ống khói. Qua đây là tới ngả quẹo vô nhà tui rồi đó

- Ừ vậy lát chỉ tui quẹo

- Thôi, tui đưa mấy người về, với lại tui chạy xe đạp về chắc bị chửi quá, để nhà Phương đi, khi nào lên tiện thì gửi xe bus lên, không thì để đó cũng được, tui có xe máy rồi.

- Sao để nhà tui, lỡ trộm mất rồi lấy gì tui trả

- Trộm rồi thì thôi, không lẽ xui vậy. Chạy thẳng đi, nào tới chợ thì quẹo trái, tới đó mà không biết nữa là cho đi lạc luôn.

- Trời bỏ con giữa chợ kìa, sao tui biết mà chạy

- Đùa hả, làm như tui không biết, đi rồi mà giả bộ

- Đi hồi nào?

- Tháng trước, ai về, ai đưa lên, đưa vô tận trọ, không đi đường này chứ đi đường nào?

Chuyện của vài tháng trước. Lúc đó nó về quê nhưng bị cô nhờ lên sớm cho cô đi công việc, nên tiện thể có dang bạn Tuấn cùng lớp, nghe đâu học chung trường nhưng khoa nào nó không biết. Mà bạn ấy nhiệt tình lắm, nó bảo để ở cổng tự vô phòng được, bạn lại nói

- Không lẽ tui đưa tới đây được mà đưa chút vô tới phòng không được, sẵn gặp mấy đứa, tui ở trong kí túc xá có mình buồn, nhớ mấy đứa quá.

Rồi bạn chạy ù vô, mấy con chó ra đón quá dữ, sủa vang cả trọ, anh chị chủ ra la chúng, anh nhìn nó cười cười

- Bạn mới hả em?

Không biết ý ảnh là "bạn mới" gì nữa, có người hôm đó cũng nhiệt tình không kém, xe vừa đá chống đã đỡ cái túi nặng của nó xuống mang vào phòng, kiểu tự nhiên như của mình vậy. Xong phán xanh rờn

- Ở đây "người mới" tụi nó sủa vậy đó, vật chứ nó khôn lắm, ở gần quen hơi.

- Ừ, lần tới vô chắc nó hết sủa rồi đó

- Ủa có lần tới nữa hả.

Bữa đó bạn quê quê mà thôi, tính mấy đứa thẳng nó vậy, rồi ai nấy cười nói vui vẻ trở lại, vô phòng mời bánh trái tới chiều mới về một lượt với giờ nó đi làm luôn. Thì ra hắn còn nhớ. Nói chứ đi chung mà ngồi đằng sau có biết đường đâu, hai đứa tám quá nhiều chuyện đến khi xuống đò còn nói, bữa đó đò thưa khách, được vào trong ngồi, gió mát ơi là mát. Cũng không rõ có phải cùng bến đó không, vì ở dọc đường nhiều bến lắm, chỗ nào cũng rẽ vô đường mòn rồi ra bến, đi vòng vòng quẹo quẹo.

- Tui chỉ nhớ man mác thôi, xa mà

- Ủa xa hả, bữa ai nói đi nhanh lắm mà, nói chưa hết chuyện đã tới nơi, tiếc lắm mà

- Ủa có nói sao ta, sao tui không nhớ ta

Có quá dang một lần mà cũng nhắc, còn ai kia chở đi học hàng ngày thì không nghe nói, không lẽ tui moi chuyện cũ ra nói nữa, nghĩ mà tức, tự nhiên thấy hắn nặng dễ sợ, không lẽ quăng xuống đây cho sướng chứ. Đi với ai kia thì đạp phụ, còn tui đạp như con heo đi cày giữa buổi, không nghe nói gì, quả đời nó bất công.

- Nhớ ra chưa

- Không nhớ

- Tới chợ rồi kìa, quẹo đi

- Ờ ờ

Đoạn này quen thiệt, lúc xưa nó có đi vài lần với đoàn trường, giờ cũng không khác mấy, có thêm nhiều nhà, đường rộng hơn chút thì phải. Nó cứ thế mải miết đạp, người đằng sau thấy bạn không nói, không khí chùng xuống và căng thẳng đến lạ, không lẽ mới mấy câu đã giận? Có mấy ngón tay vẽ nguệch ngoạc trên lưng nó, nó nhột hơn là đau. Hơi động đậy, nó bảo người ngồi sau

- Gì thế?

- Tưởng gió mát ngủ rồi

- Trời, lái xe mà ngủ

- Thì mấy ông lái xe tải cũng ngủ gật đó

- Người ta ở máy lạnh nó sướng, nên ngủ, này đạp le lưỡi mà ngủ gì

- Ờ hé, để tui phụ

- Thôi, nói vậy chứ nhẹ

- Ờ, chút tới trường để tui chạy cho

- Đi ngang trường luôn hả? Mà thôi, tui không vô đâu

- Sao vậy? Chắc có mở cửa đó, có chú bảo vệ trực đó

- Tui vô gặp thầy cô tui ngại, đợi nào tui đi làm ổn định rồi về. Mà nhớ trường quá hà!

- Nhớ trường, có nhớ người không?

- Có sao hông, nhớ cả lớp luôn, bàn một đến bàn cuối luôn, giờ nhớ mặt tụi nó quá, gặp nói cho đã,lúc đó bù đầu học chẳng nói được nhiều

- Tiếc à, vậy sao xưa hỏi chút cái mặt căng, nhíu lông mày quay xuống thấy sợ

- Hồi nào? Nhớ tui ngồi cuối mà ta, còn quay xuống chi nữa?

- Ừ vậy chắc quên rồi, có người ngồi cuối gõ gõ phiền quá chau mày, hung dữ, hồi ở kế phòng thực hành tin học chứ đâu

- Ủa, vậy tui với bạn học chung từ hồi 11 lận sao? Chung lâu vậy ta? Sao không nhớ nhỉ?

Có người đánh trống lảng, lấp liếm cho sự giả vờ của mình. Giờ nó cũng nhớ ra rồi, trước kia nó toàn chọn bàn cuối, ngồi mép cạnh bàn càng tốt, dễ ra vào, chứ không phải để lật bùa à nghen, nó nhát hơn gì sao dám lật, mà kiểm tra cô thầy đi lên đi xuống như con thoi, tài nào qua mắt. Thì ra đã lâu vậy, hai đứa cùng nhau đi học, nó nhớ, đó là những tháng ngày học với học theo câu châm ngôn cuối lớp "Học học nữa học mãi". Có ai từng nói với nó "Học không chơi đánh rơi tuổi trẻ/Chơi không học bán rẻ tương lai". Nếu là bạn bạn chọn cái nào? Nó tất nhiên chọn tương lai rồi, thế nên dù đánh rơi tuổi trẻ, dù chẳng biết ngoài kia bao thứ đẹp đẽ, bao thú vui mới lạ, bao trò chơi hấp dẫn thì nó vẫn mải cắm đầu vô sách mà đọc mà ghi ghi chép chép. Người ta vốn tính thông minh, nói một câu đã hiểu hai ba ý, làm việc gì cũng dễ. Còn nó mỗi bài lý mà làm ba lần ra ba đáp án, xong khủng hoảng quá đi cầu cứu nhỏ bạn bàn trên, hết hồn chưa không một đáp án nào đúng, kiểu này làm trắc nghiệm là nó tính ra đủ 3 cái xong chọn cái đáp án D còn lại luôn.

- Có nhớ mấy cây công trình lớp mình trồng không?

- Có, mà bông li ti màu tím nhìn buồn quá hà, tui thích cỏ đậu hơn, lá xanh mướt, bông vàng rực rỡ, nhìn là muốn nhìn hoài luôn

- Vậy hả, vậy nữa xin chú bảo vệ về trồng trước sân nhà

- Mà mùa hè, nắng nóng lắm, nó héo, phải tưới thường xuyên mới được

- Tưới vừa phải thôi, nó chịu nắng mà, với có cây che bóng lại rồi

Tự nhiên nó cười, nhớ mấy cây ở góc sân trường, nhớ tới người ngồi sau

- Gì cười?

- Cái cây móng bò đó hả, có mấy cái lá mà che, tui thấy nó giống mấy người, suông từ đâu đến chân đó, haha

- Sao không ta cao vậy che chở biết bao thân cỏ bé nhỏ, lấy thân thôi đủ rồi, khỏi lá, haha

- Xạo

- Không xạo

Thoáng xa xa màu ngói đỏ, trường dần hiện ra trước mắt nó, chỉ là ngó xiên vô thôi nhưng đủ mường tượng cảnh cũ người xưa, ôi cái thời áo trắng đến trường, những cô học trò trong tà áo dài trắng, những cậu học trò đồng phục lịch sự đến lạ, cái thời của những vô tư hồn nhiên, chỉ mỗi một lần trong đời, còn đó, mãi ở đây. Nó lần lượt nhắc mình từng thứ từng thứ trôi qua nơi này, ký ức đó kéo dài miên man cả hai cây số,cuối cùng cũng tới ngả rẽ về nhà. 

Nó đạp siết siết, cây cầu này không dốc, nhưng dài, có ba nhịp lận, nó xây từ thời chống Pháp, giờ đã cũ và xuống cấp, tỉnh đang có dự án phóng đường mới, chuyển qua chỗ mới cách đó tầm vài trăm mét. Xe nó hơi đảo cổ, rồi thấy nhẹ hẳn, hơi quay lại phía sau

- Chạy đi, lên dốc đi, tui chạy bộ theo, tới đỉnh dốc tui leo lên

- Ờ

Nó cong lưng phi về phía trước. Nó thích cảm giác được leo dốc thế này, có cố sức mới hiểu cảm giác đứng ở đỉnh dốc mà thỏa mãn. Nó dừng, ngắm dòng sông tràn trề nước, chắc là con lũ khá lớn rồi, nước vẫn còn đỏ kia kìa, những dòng phù sa màu mỡ cho một năm bội thu.

- Tới lượt tui chở nhe

- Xí, cướp công lên dốc của tui hả?

- Không, để tui chạy tui nhớ đường, nữa có đi biết mà đi chứ

- Đường nhà tui vòng vo lắm nhe biết có nhớ hết không đó. Nè chạy thẳng, vừa hết dốc quẹo trái, từ từ coi chừng ôm cây.

- Ừ, cẩn thận mà.

Rồi nó chăm chú nhìn hắn rẽ, coi bộ tay lái lụa lắm, quẹo ngon ơ lun.

- Giỏi giỏi cho 10 điểm

- Thiệt hông?

- Nói bạn nghe, thấy cái cây ngay chỗ cua đó không? Cong cong là nhờ tay tui đó, lúc lớp 6 tui phóng vô ngay nó, ôm mẻ luôn thành dị tật tới giờ, hên không bị trầy xước gì, mọi người tưởng tui đậu xe chờ ai, đi qua nhìn nhìn cái con nhỏ lựa chỗ đậu khúc hẹp làm người ta né mệt thiệt, còn tui mấy phút mới hoàn hồn, không có cây đó là xuống sông luôn rồi.

- Hả, ghê vậy hả, kiểu này mà không hay, ngồi sau mấy người chở về được đây là may quá rồi, nam mô a di đà phật

- Thôi đi, quẹo phải, tới rồi kìa, coi chừng xe xuống dốc

Bạn luống cuống quẹo đầu xe, may là không có chiếc xe nào ngược chiều

- Lên dốc hả, sức đâu lên trời

Nó đẩy nhẹ yên sau, lực đẩy cái xe tiến thêm một chút, cầu này ngắn, một chút đã lên tới giữa rồi, bạn đợi nó leo lên rồi đi tiếp. Con đường đan trước mặt còn mới và láng lắm, nhớ hôm nào đi học nó vẫn là đường đất, nay thay bộ áo mới đẹp ghê.

- Khúc này xưa kia là vườn chuối đó, tối lắm, giờ sửa sang lại sáng sủa rồi nè

- Vậy hả, vườn chuối trong truyện Chí Phèo đó hả

- Không, có nhiều nhà ở lắm bạn ơi, lên dốc kìa, cầu cao nhe, qua cầu quẹo trái liền, cua gắt lắm, coi chừng tông hàng rào

Ai đó chuẩn bị tinh thần, lên xuống chầm chậm

- Nè nhà thầy tui, lớp một

- Nè nhà cô tui, lớp 7

- Nè nhà thầy, bạn ba tui, ghé nhà tui chơi hoài, thương chị em tui lắm

- Nè nhà cô 8, cô có chị học trên tui một lớp, tui hay lại coi chị vẽ tranh, chị vẽ đẹp lắm nhe

- Qua cầu quẹo lên đi thẳng, ủa hình như có hai cây cầu bị lắp cống rồi hay sao ta, nhớ nhiều cầu lắm mà.

- Nhà bác hai- Nhà bác 3, em bác 2

- Nhà ông bà 7.....Nó cứ nói và nói, nó giới thiệu cả xóm cho bạn biết, cái xóm nghĩa tình của nó, nhà nối nhà, đơn sơ, mái tôn, cửa gỗ, nhưng bên trong đó là những con người đáng yêu đến lạ, luôn giúp nhau từ ngoài ruộng đến trong vườn, năm nào lũ cũng tràn vỡ đập lúa, người tuôn cả ra đồng cứu lúa, chỉ có bọn trẻ con ở nhà mong ngóng ba mẹ về mà thôi. Người ta vừa đạp vừa nghe nó nói, chỉ thêm vào một câu lúc qua cầu rẽ lên

- Sao đường này thấy quen quen, hình như tui có đi rồi thì phải

Nó cũng không để ý lời bạn, chắc là bạn đùa thế thôi, ghẹo nó ấy mà, cho đến những ngày sau nó mới hiểu trẻ con không bao giờ nói dối.

- Dừng ở trước nha, chỗ có cái cây hơi ngả ra đó, nhà tui, đừng bất ngờ nhen, có mẹ tui với hai đứa em.

- Ừ, bình tĩnh bình tĩnh.

Hắn dừng xe, bước xuống, đi sau lưng nó trên con đường đầy hoa màu gà, đỏ đến rực cả mảnh sân nhỏ, cao đến ngang gối, thoảng rung rinh theo cơn gió cuối mùa. Đó là một ngôi nhà mái tôn như những nhà khác trong xóm này, cửa bằng tre đan nhau thành song dài, phía dưới là thiếc đóng vào những vạt tre chẻ đôi, nền lát gạch tàu, màu gạch đỏ nung, những gân xi măng bị đứt gãy nhưng còn xếp ngay ngắn.

- Hai về, hai về mẹ ơi!

- Về rồi hả, sao không gọi cho hay, mày đi bằng gì lâu thế hả con, sao ...

Câu nói của bà mẹ đang dở nồi thịt kho trong bếp, tay còn cầm cái giá đi ra, chợt thấy có bạn con mình nên bỏ dở câu tiếp, cười gật đầu với thằng bé mới chào.

- Mẹ con mới về, hjhj, nhà lu bu mà rước gì, đi về thấy nội đang phơi gì ở ngoài sân, có hỏi mà chắc nội không nghe, không thấy nhìn ra

- Bạn con hả, hai đứa bây đi xe đạp về hả?

- Thưa bác con mới tới.

Nó chợt nhớ người bạn đồng hành phía sau, còn đang không biết dựng xe ở đâu,

- Bạn con, nay xe đông nên con với bạn về xe đạp, cũng nhanh mẹ, có bốn tiếng rưỡi hà, hjhj

Nó quay ra sau nhìn bạn cười, chưa bao giờ người ta cười với hắn tươi như vậy, cái người này bao năm hắn nói gì vui chỉ cười cho qua, ấy thế mà nay tươi rói, quả là ở nhà mới thấy vui đến vậy, có lẽ hắn sẽ nhớ mãi đôi mắt và nụ cười với cái răng khểnh xinh xinh ấy đến suốt đời.

- Mấy đứa vô sau rửa mặt đi, rồi xíu ăn cơm, chắc đói lắm rồi.

Nó chỉ bạn chỗ dựng xe, cạnh hai chiếc xe đạp của em nó, hơi ngả người về phía bạn, tóc quét qua mặt người kia, thơm thơm, nào bạn về, nó hơi nhỏ giọng, chút tui về, bộ tính đuổi hả, tui đói, bạn cũng thủ thỉ vào tai nó, không phải, Nam nói ở nhà nhiều việc lắm mà, ai biết, giờ này chắc làm xong hết rồi. Hai đứa nói nhỏ quá làm lũ em không biết anh chị đang thì thầm cái gì, đến khi cả hai đi ra sau rửa mặt chúng mới bảo nhau

- Chị, ảnh cao quá

- Thấy quen quen, hình như có gặp ở trường rồi đó, lúc đi học về với hai á

- Vậy hả, dọn nhanh đi chị, còn đi nhổ cải cho mẹ nữa

Ừ, bưng nồi cơm nữa xong rồi, lấy cái rổ đi cửa sau nhe

Nó dội gáo nước mát lên tay, lên mặt, mát thật, rồi đưa bạn cái khăn bảo lau cho khô. Phía sau là cánh đồng đã xanh rờn mạ, chắc là mới giậm xong, hôm trước bác 5 có gọi còn nói lúa lên đều lắm, nhờ đập cao nên năm nay không bị nước tràn, chỉ có ốc ăn một vài lỗ trũng, mà mạ khỏe lắm nên cấy ra đủ cả, nhìn sướng lắm.

- Hai đứa lên ăn cơm.

- Dạ.

Mẹ nó định vào bếp làm cho xong vài công việc nữa nhưng bạn hơi ngại nên cứ dí tay nó bảo mời mẹ lại ăn cùng, với mấy đứa em nữa

- Ừ hai đứa ăn đi, mẹ ăn thêm chút, nhà ăn rồi con, đừng ngại nhe, cơm tết có vài món quen hà, thịt kho, dưa cải, canh khổ qua, ăn đi cho qua khổ, năm sau đỡ khổ hơn con.

- Dạ

Cả bữa chỉ nghe mẹ với nó nói, còn người ta chỉ dạ dạ, con gấp tới bác, con no rồi bác. Bạn cũng gấp cho nó vài thứ, nhưng tự nhiên thấy mẹ nhìn, nó lại ngại, nên gấp ngược chén cho bạn, bảo nhà tui tui tự nhiên lắm, nó cũng quên bẵng bạn không thích hành, mà canh khổ qua thì mẹ để đầy luôn nên thấy ai chỉ gắp một miếng, mẹ cứ nghĩ đắng quá hay sao nên nó không ăn thêm.

Xong bữa, dọn rửa, nghỉ ngơi, mẹ chỉ nó cái võng kêu ra sau nhà mắc cho mát. Chắc nghỉ chút rồi chở bạn ra đầu đường về, bạn nói chỉ cần chở ra đó rồi nhờ anh Hai lên rước, thấy hắn lim dim nên thôi, đi vào trong phụ mẹ. Cái người này, nằm xuống đã ngủ, chắc nay chạy mệt quá, tính ra đổi ca mấy lần mà nó chạy quãng ngắn thôi, phần lớn hắn chạy, tự nhiên nó thấy ray rứt, đi với mình mệt biết là bao không nghe hắn than, đã về rồi lên chi không biết, nó tự đi về được, giờ kẹt ở đây mắc công không, mà chắc đi lần này chừa rồi,không dám nữa, cho bỏ cái tật ham hố, tưởng tui nhẹ hả, lầm rồi bạn, ai kia nhẹ, tui dư mỡ ra này, lần sau hết dám. 

Mẹ bưng phụ mớ cải từ tay bác 5 gái, năm nay bác trồng nhiều, chừa một ít cho mẹ nó, bác cho không lấy tiền, cải này trồng nhờ công bắt sâu nên nhìn xấu, chứ đảm bảo an toàn. Mẹ dặn nó đem đi rửa rồi phơi nắng, tranh thủ còn nắng trưa cho héo, xíu mẹ trụng làm một mẻ nữa, qua mùng là có ăn. Nó mang ra sau hè phơi, cách chỗ hắn vài mét, coi bộ vẫn ngủ ngon, không thấy đổi tướng.

... ... ...

- Ra lấy cải vô đi Phương, chắc được rồi đó, nước sôi rồi con

- Dạ.

Nó đi ra, lấy tay lật lật mớ cải, coi bộ héo đều rồi, thoáng thấy hắn vẫn còn ngủ, ngủ gì mà dữ thế, có khi nào đến cơm chiều luôn không ta? Chắc không lâu vậy đâu, vậy mà nói làm này làm kia, tin được hông, thấy, ở nhà mình mà tự nhiên vậy ở nhà chắc ngủ sáng tới chiều chứ ra ruộng ra vườn gì, haiza, lắc lắc đầu, gió mát thổi qua mặt

Nhột nhột

Hơi nổi da gà, có gì đó động đậy, đâu ta, ở tay thì phải

- A a aaaaaaaaaaaaa

- Gì vậy, hả, hả, sao hả, bị gì, đưa coi

- Có gì đâu?

- Hu hu, con ... con, con ... sâu ... kia kìa, ... tay này

- Con gì, thấy gì đâu?

- Có mà, nó bò, bò tới đâu rồi, liệng nó giùm tui, nhanh nhanh đi

- Có con nào đâu

Ai đó giơ tay nó lên, đưa sát mặt, nhìn nhìn muốn nổ con mắt không thấy gì. Mẹ nó trong nhà chạy ra,

- Chắc bị quơ mất rồi, coi lụm cải lên cho tui kìa, nước sôi ùng ục rồi

- Hả, văng mất rồi hả, ui, ghê quá, đợi con, đi rửa tay, ghê quá, ui

Nó rửa đi rửa lại mấy lần, nhìn coi con sâu còn không, loại này đeo bám dữ lắm, khó mà rơi được, có khi nó nhỏ quá không thấy, hay nó bò lên tới áo luôn rồi, ngoáy đi ngoái lại nhìn, có khi nó bị rơi xuống quần không chừng, cúi cúi nhìn, không thấy, thấy bạn đem mấy cây cải bị dơ ra rửa lại, thế là có người dọn hộ đám tàn binh đó rồi, mừng thế.

- Ơ chân Nam chảy máu kìa

Bạn xoay xoay gót chân, có một ít, chắc lúc nảy bị quýnh quá xước phải mấy nhành tre rồi, giờ thấy hơi rát

- Rửa sạch đi, đi vô với tui, tui dán lại cho

- Ừ

Nó lục cả cái balo với hộp đồ dùng cá nhân mà không tìm được miếng băng keo nào, chỉ có ít bông gòn em nó đưa, đành đưa bạn ấn vào cho đừng rỉ máu nữa.

- Đi đứng, sao lần nào gặp bạn cũng đổ máu hết vậy

- Ai biết, chắc vậy để bạn nhớ, ít gì cũng có kỉ niệm, giọng hắn nhỏ lắm nhưng vẫn nghe thấy

- Điên hả, thôi ra tui chở về

- Đuổi tui hả

- Chứ không có gì băng lại, để vậy không vệ sinh lắm, đi được không?

- Được, mà không, hắn cười cười

- Không được thì để tui lấy cho cây gậy mà chống chịu không?

- Cho tui mượn đỡ cái tay, chắc hơn cây gậy

Nó bất giác nhớ đến ông thầy tu trên chuyến xe bus, máu nóng quá, đứng lên đi một nước ra dẫn xe

- Mẹ ơi con đưa Nam về chút nhe

- Thưa bác con về

- Ừ bác gửi lời chúc anh chị và gia đình năm mới vui vẻ, làm ăn phát tài con nha.

Nó đạp xe chở hắn, đây ra đầu đường chỉ chút hà, nhưng chắc đi tới chợ mới có tiệm thuốc mà mua bông băng, dù gì cũng cẩn thận với vết thương hở, lúc nảy có nghía nhìn, cái móng đã lành rồi, còn vài sóng sóng nhỏ, đợi dài ra là nguyên vẹn như xưa, cái gì rồi cũng qua mà.

- Dừng đây được rồi, anh Hai tui sắp tới rồi, tui nói ngủ quên nên xe bus chạy qua trạm, Phương về đi để ảnh thấy xe tui

- Nhưng chưa mua băng dán lại mà

- Nhà tui có mà, lần trước còn nhiều lắm, mà hết chảy máu rồi, đừng lo

- Sao không lo, nữa có gì bảo tại tui

- Không có đâu, tui không nói ghé nhà bạn bị đau mà, chỉ nói đi bị xước thôi

- Nói thì nói có gì đâu, chỉ là ... nhớ mua dán vô nhen, tui về à

***

Nó chạy xe về nhà, con đường đá sỏi chênh bánh xe đôi lần, buổi chiều cuối năm đang tỏa từng hạt nắng vàng đượm phía trước, những tảng mây to, trắng bồng bềnh trôi lơ đãng trên nền trời xanh ngắt, thì ra ngày cuối cùng năm đẹp đến vậy, nó thấy mình như ngày bé, trên chiếc xe đạp nhỏ đang co chân mà chạy, lúc mua bánh, lúc mua đường, lúc mua xị rượu về cho mẹ để đêm cúng giao thừa,... đôi chân nhỏ thoăn thoắt ấy không biết mệt, cứ chạy đi chạy lại như con thoi, rồi những chuyến sau đó nữa có bé con con ngồi vắt vẻo sau lưng chị, hô hào phi nhanh phi nhanh, tiếng cười khúc khích tan trong nắng, gửi vào trong gió những vấn vương cuối cùng trước khi khoác lên bộ quần áo mới chuẩn bị đón năm mới. Nó đậu xe lại chỗ cũ, đi vào trong bếp.

- Về rồi hả, kím mẹ ít giấy lót bánh in.

- Dạ

Nó lục lại mớ tập cũ, còn một ít giấy chưa viết, cắt ra thành từng hình chữ nhật vừa khuôn in, để gọn vào rổ, sau đó nhận nồi nước đường mẹ đã đun sôi vừa độ, nó cầm một nắm đũa, khuấy đều tay và trong mười mấy phút trôi, từ dạng lỏng chúng trở nên mềm và đặc lại, tạo thành dạng deo dẻo màu trắng đục, thơm ngậy mùi sữa. Hai đứa em, một đứa lau sạch cái nia lớn, chuẩn bị chỗ để bánh, đứa còn lại mang các dụng cụ cần thiết ra miếng đệm mới trải. Cả nhà cùng nhau làm mẻ bánh in mừng năm mới. Nó thích ăn bánh này lắm, nhưng loại không nhân có nhiều mè, mẹ thích nhiều nhân dừa bào sợi, em gái ưa nhân đậu xanh, mỗi người một ý nên mẹ làm đủ loại cho từng người. Khâu ấn bánh tạo hình với nó không mấy ổn, nên nó chỉ phụ trách chuyển bánh mới gõ xong từ thớt vào nia lớn, nói chứ phải kĩ lắm nhe, bánh mới ra mềm dễ nứt, chuyển nhẹ nhàng từng chút cho nó nguyên, có khi đến nơi an toàn mà cái sau vô tình phẩy nhẹ ngón út đã lõm mặt người ta rồi, tiếc ơi là tiếc. Bọn trẻ cắm mặt để làm cho đẹp, tranh nhau ai khéo hơn, bởi thế hay chị nó làm hỏng là la ơi ới. Có bao nhiêu đấy mà cả nhà nhộn nhịp hẳn lên, đến khi hết bột hết nhân thì nhìn lại cả công trình mà mát con mắt, những bông hoa mai, hoa hồng, hoa đào, con cá xếp chen nhau đầy ắp. 

Xong bánh tới mứt, mứt chuối mẹ nó ngào từ trưa rồi, giờ đã cứng, đem ra cắt thành từng miếng vừa ăn và bỏ bọc nhỏ, hơ miệng lại tránh không khí bị mềm. Ngào chuối năm nào mẹ cũng đảm nhận, do phải ngồi trong bếp khá lâu, lửa nóng bốc ra rất khó chịu và tay cần đảo liên tục, nhất là lúc sắp hết nước, nếu mỏi mà chậm trễ sẽ bị khét phần đáy, mà khi đổ ra khuôn không dẻo nữa. Mẹ nó thích nhiều đậu phộng và gừng nên hai mặt đều rắc rất dày, cũng thích cứng dẻo hơn nên đợi khô nhiều mới bắc xuống, thế nên công đoạn cắt miếng cần nhiều sức và dao sắc một chút. Món này làm chủ yếu cho có chứ qua tết mới dùng tới, có người tết không muốn "chuối" cả năm nên né né ra, có người ngán bánh với bánh, đi đâu cũng ngọt nên không thử cái nào, qua tết mới lôi ra ăn, vậy mà ngon không tưởng. 

Năm nay nhà nó được thiếm 2 cho ít tầm ruột nên mẹ ngào đường, nay phơi ráo rồi, bỏ vô keo trông hấp dẫn lắm, không kém ngoài chợ đâu. Còn mứt dừa nữa chứ, năm nay em kế đòi làm, coi bộ bắt mắt à nhen, có màu vàng, xanh lá, xanh dương, đỏ, và trắng, có ít dừa nó cuộn thành bông màu mè hoa lá hẹ lắm, nói chứ nhà có nó hay mần bánh nấu chè lắm, xong ép ăn phụ, thế nên cả nhà ai cũng tròn mũm mĩm giống nhau. Cơ bản công đoạn chuẩn bị tết của bốn mẹ con đã xong, giờ thảnh thơi tắm mát thơm tho, giặt giũ gọn gàng rồi mai chơi cả ngày là được.

***

Bạn về nhà, thấy ba còn đang bắc ghế treo đèn lồng đỏ với dán mấy nhành mai ở cửa kính, bé Bi chạy tung tăng theo ông, nó nhặt mấy giấy ông xé keo để dán ịnh ịnh lên kế bên, hỏi nội

- Nội ơi, Bi không dán được, sao không dán được nội ơi?

- Sao dán được, nó không có keo con

- Vậy nội dán keo cho Bi đi, nội

- Phải dán hoa mai này lên cho đẹp, cái đó không có hoa không đẹp, không dán Bi à

- Vậy nội cho con hoa mai đi

- Xong rồi con, dán cao trên này mới thấy

- Con không chịu, cho con dán, của Bi mà, huhu

Cái con bé mè nheo nằm úp mặt xuống nền gạch bông, khóc om lên, chị Hai ra bế nó vào, dẫn đi tắm mới chịu ngưng khóc, tại bận nghịch nước mất rồi. Thấy chú út về, con bé chạy ton ton ra khoe

- Áo mới, mẹ mới mua cho Bi, có con thỏ dễ thương út ơi

- Ờ, thỏ dễ thương quá

- Bi có đẹp không út

- Có, Bi đẹp lắm, đẹp nhất nhà

- Hihi, út cưng Bi, giỏi giỏi Bi thương

Dù có mệt mỏi thế nào chỉ cần nghe tiếng con bé chí chóe là cả nhà vui vẻ trở lại. Nhớ ngày còn trong tháng, nghe nó khóc mà người làm chú như hắn cả đêm không ngủ được, lấy bài ra học chỉ thấy toàn e, e, oa oa, thiệt là khổ mà. Rồi con bé lớn thêm chút, anh chị ra vườn phụ ba mẹ, chú út nó ở nhà trông, chỉ là trông phụ khi bé ngủ thôi, mà có khi nó tè rồi kêu ị là chú nó méo mặt, đứng ở mép rào sau nhà, gọi chị hai vô gấp. Chị dâu chú cười, nói khi nào chú có gia đình coi kêu ai cho biết, hắn bảo rằng, tới đó tính chị ơi.

***

Chiều, cả nhà nó có mâm cơm cùng nhau, đã hơn sáu giờ, thường ở nhà ăn sớm lắm, nhưng nay làm bánh mứt nên trễ hơn. Vẫn những món quen thuộc khi sáng, giờ trên mâm cơm đông đủ nhưng nó thấy thiếu thiếu một người. Cha nó. Chỉ là không gặp nhau một thời gian hơi dài thôi mà, năm năm trước nó đã nói như vậy, nhưng dù có bao lâu đi nữa thì cũng sẽ không gặp, chỉ là giả vờ với bản thân mình vậy thôi. Từ rất lâu rồi, ngôi nhà này không có bóng dáng một người đàn ông, mọi việc một mình mẹ tháo vác. Mùa nắng ra ruộng bơm nước xạ lúa là mẹ, rải phân cũng là mẹ, mùa mưa đắp đập tay mẹ, chở lúa về nhà cũng mẹ, tụi nó chỉ theo phụ hợ chút việc, rồi đến hạn trả đất cho chủ thì nhà nó may mắn tìm được công việc gia công gần nhà, chỗ hiện tại mẹ làm, từng đồng tiền chắt chiu mẹ dành cho con cái ăn học, tuổi xuân cứ thế trôi qua, những cái xuân mẹ chờ, mẹ đếm cho bọn trẻ của mẹ được lớn khôn là những năm tháng phai màu sương đổ nhiều thêm trên tóc mẹ, vẫn biết ai rồi cũng sẽ già đi, nhưng mẹ chúng nó già đi nhanh lắm, giờ này cả ba đứa nhìn mới chợt nhận ra, liệu cái ngày tươi sáng sắp tới mẹ chúng nó đã hằn bao nếp nhăn trên đuôi mắt.

***

- Nam à lên ăn cơm con. Nay bữa cơm cuối năm nghe mấy con, đông đủ vầy vui nè, vài năm nữa thêm vài đứa, đủ trai đủ gái cho ông bà già này ẵm bồng. Anh Hai đưa mắt nhìn chị Hai, chị Hai đưa mắt qua bé Bi, bé Bi nhìn chú út, chú út nó biết nhìn ai bây giờ?

- Chị Hai nay nấu toàn món em thích không nè, đói quá rồi

- Cả nhà ăn cơm, con mời ba, con mời mẹ

Bé Bi đi nhà trẻ được một năm, bà nội hối anh hai sinh thêm đứa nữa, cho có bạn chơi với chị, với lại sinh một lúc rồi nuôi dễ hơn để bốn năm năm sau lại ngán, anh chị thì bảo đợi nào Bi biết chăm em rồi mới sinh thêm, giờ có bé thì cưng đứa nhỏ rồi bỏ đứa lớn. Còn phần chú út, đợi vài năm cho học hành đâu đó, có việc làm ổn định rồi tính, nói chứ bà chẳng thấy nó dắt về giới thiệu bạn nào nên cũng sốt ruột, cỡ bằng này là thằng anh nó đã đi "mần rể" rồi đó, đủ tuổi làm giấy kết hôn là rụp rụp mâm quả sang nhà đàn gái. Bà cũng trông mau mau, lo bề con cái xong là nhẹ một mối, chỉ chờ chăm bẵm cháu cho tụi nhỏ thôi, lúc đó cho thuê mấy mảnh đất, còn vườn thì cây đã lớn, mỗi mùa cứ kích ra trái rồi chăm tới khi thu hoạch, ông nội còn khỏe, còn làm được với lại thằng hai cũng giỏi giang ngoài giờ đi lái xe là phụ ông tất. Trong buổi cơm, cả nhà cười nói vui vẻ, chuyện từ hồi tết năm ngoái cũng kéo vào mà kể, Bi thì vừa ăn vừa tiếu tít với ông, ông thương bé nhất nhà mà, đi học về là ào vào với ông, hôn mặt hôn má ông như tận lâu rồi mới về vậy.

- Năm nay mình con đi lễ nhà ông bà không mẹ?

- Có chứ, năm nay lên thăm ông Ba đi, công ông chỉ mình trồng quýt, năm nay thắng lớn, tui còn chừa ít làm quà, ông mua thêm hộp bánh với gói trà cho phải nhe.

- Ừ, mồng 2 tui lên trển, Nam đi với ba, lâu rồi con không đi thăm ông đó, lúc bé lên chơi với mấy anh chị còn không chịu về, giờ đứa nào cũng lớn bộn rồi.

- Dạ, mà ông Ba phải chỗ kinh Xáng không ba?

- Ừ, lâu rồi chắc nhiều thay đổi, mà ở đó bà con quen không hà, chắc tới là nhớ rồi.

- Là đường nhà mình đi thẳng ra, chạy tới cầu chống Pháp đó mày, đi vô đỗi nữa chừng một cây hà– anh Hai góp thêm vào.

Mấy năm nay hắn học nên ba toàn đi với anh Hai, mắt ba mờ chạy xe không thạo bằng anh. Hắn cũng mường tượng ra cái rạch nhỏ đó rồi, ở đó có nhiều trẻ con như hắn, thời mười mấy năm trước hắn lên là tít mắt với vườn cây của ông, cứ nhờ anh chị dẫn ra hái, ngồi bờ mương mà ăn cả buổi mới vào nhà, có khi bác 2 đi kiếm rồi la cả đám vì biết bơi mấp mé mà ao sâu hoắm. Hắn cũng nhớ nhà ông là nhà mái tôn, nền gạch tàu đỏ nung, hàng song tre trước đan dài, phía dưới là thiếc đóng đinh trên vạt tre chẻ đôi, lâu rồi chưa về thăm ông, cơ mà nó hiển hiện ra trước mắt như vừa sáng nay hắn có ghé về vậy.

***

- Đêm nay con đón giao thừa với mẹ nhe, có ngủ quên cũng kêu con dậy đó

- Ừ, vậy thôi giờ đi ngủ trước đi, khuya dậy là vừa, nó bảo hai đứa em

- Giờ mới chập tối ngủ sao được hai, mới ăn no quá hai ơi

- Ừ vậy nằm chơi đi hết no rồi ngủ

Mẹ nó thắp hương cho cha, mùi nhang ấm bay khắp nhà, chỉ có tết mẹ mới mua loại nhang này, thơm dai, mùi dịu, bình thường vẫn quen dùng thang trần cô 8 se thôi.

- Phương, con lấy dĩa ra sắp bánh cho mẹ đi, để coi 6 dĩa nhe, lấy ly nhỏ nữa, soạn sẵn để lên bàn, khuya mẹ cúng đầu năm.

- Dạ.

Nó làm theo lời mẹ, tỉ mỉ xếp mỗi thứ một ít, màu sắc hòa nhau bắt mắt, sáng đẹp.

Ting ting

Ăn cơm chưa?

Rồi, ăn chưa?

Đang chơi với Bi

Đang chuẩn bị bánh cho mẹ

Tối có đi đâu không?

Giao thừa ở nhà với mẹ

Năm sau đi xem pháo hoa nhe

- Chú ơi bắt Doremon Bi coi với

- Coi điện thoại hư mắt đó con

- Không có đâu, Bi thấy chú coi từ nãy tới giờ có bị gì đâu? Chú nhìn thấy Bi không?

- Ờ chú lớn, con bé mà, mắt bé dễ đau lắm

- Bi lớn rồi, tết này Bi được 5 tuổi, mẹ nói Bi đã lớn thiệt rồi

Ông chú cạn lời với đứa cháu, đành mở cho con nhỏ, nhưng kèm theo điều kiện, Chỉ được coi 30p thôi nha, con bé vui vẻ đồng ý.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#nang