Chương 3

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tan học, bọn họ tạm biệt nhau tại cổng trường. Thịnh vẫy tay chào Vy một cái rồi chở Ngọc đi, My thì đã không thấy mặt từ lúc nào. Vy thở dài, nâng cặp trên vai, tìm xe của mình trong bãi rồi về nhà. Lục lọi trong cặp một lúc, cô không tìm thấy tờ tiền lẻ của mình đâu, có lẽ đã dùng để mua trà sữa, bây giờ chỉ còn một tờ chẵn một trăm nghìn, cô sợ dùng sẽ bị chú gửi xe mắng.

Quả nhiên, nhìn thấy tờ tiền màu xanh trong tay Vy, chú gửi xe đã ngừng lại, chống nạnh quát lên:

- Mấy cô cậu muốn tôi ngồi đếm tiền tới già à? Đưa tờ tiền lớn như thế làm gì! Không có tiền lẻ thì sớm mang xe vào trường mà gửi, làm trễ nãi biết bao nhiêu người đợi lấy xe đằng sau. - Chú gửi xe ở đây nổi tiếng hung dữ, mắng người rất ác. Lý do Vy gửi xe ở đây cũng là vì bãi giữ ở đây rộng rãi.

- Cháu xin lỗi chú, cháu quên lấy tiền lẻ mất... - Vy rối rít nhận lỗi, cũng biết là chú sẽ không nhận tiền chẵn. Cô tính lấy thẻ học sinh cầm trước, ngày mai sẽ mang đến trả tiền bù cho chú sau.

Mở ví được nửa chừng thì bên cạnh vươn ra một cánh tay. Áo đồng phục mùa đông vẫn không che đi dáng vẻ gầy gò của người mặc, hai ngón tay thon dài kẹp một tờ tiền kèm theo vé xe. Tiếp đó, Vy nghe giọng nói trầm trầm vang lên, tựa như thổi nhẹ vào vành tai nhỏ bé của cô.

- Hai xe luôn.

Lúc Vy muốn cảm ơn một tiếng thì người nọ đã đi được một đoạn. Xe đạp địa hình màu đen lướt đi mạnh mẽ, dừng lại trước cổng trường. Vy thấy My cười rạng rỡ ngồi lên ống khung xe đạp phía trước, lọt tỏm giữa hai cánh tay rắn chắc của người nọ, gần như là được anh ôm lấy như một đứa trẻ. Như sợ My ngồi không vững, anh dặn dò mấy lời, rồi My thẹn thùng nắm lấy áo hai bên eo của anh để giữ.

Bọn họ đi nhanh giống như cơn gió thu vừa thổi qua lúc này, hoà tan cùng với giọng nói gần gũi chỉ vỏn vẹn trong vài giây đồng hồ ban nãy, mơ màng tựa hồ chưa từng tồn tại.

- Ngoại ơi, uống thuốc đi ạ. - Vy cẩn thận đặt chén thuốc bắc mẹ vừa sắc lên bàn. Mấy ngày nay trở lạnh, sức khoẻ bà trở nên yếu hơn hẳn, ăn không được bao nhiêu, còn phải uống thêm thuốc.

Bà ngoại thở dài, nhưng vẫn dưới sự giúp đỡ của cháu gái, uống hết chén. Người già thường không có kiên nhẫn dùng thuốc. Nghe mẹ gọi một tiếng, Vy xách cặp chạy ra khỏi phòng, rửa nốt chén thuốc rồi mới đi. Bên ngoài Ngọc và My đều đang đợi cô, bọn họ đều nằm trong đội văn nghệ đón tết của lớp.

Năm nay nhà trường đầu tư hoành tráng hơn, chuẩn bị hẳn một sân khấu nhỏ, cho nên các tiết mục đòi hỏi phải có biên đạo, phòng tập, trang phục cầu kì, tiền đổ vào cũng nhiều hơn. Nghe nói lớp một muốn nhảy hiện đại, lớp Vy muốn làm táo bạo hơn, chọn diễn kịch, thuê một anh biên đạo về diễn vở Tấm Cám phiên bản mới. Tiết mục càng nhiều người tham gia thì thời gian tập chung càng hạn chế, bởi vì khó mà tìm được một khung thời gian hợp với tất cả mọi người khi ai nấy đều phải đi học thêm. Cho nên phát kịch bản, về nhà học phần của mỗi người, một tuần đều đặn hai buổi diễn tập cùng nhau sẽ hiệu quả hơn.

Hôm nay vừa hay là chủ nhật, cả ba người hẹn cùng nhau đến công viên. Gần một nửa lớp là bị ép buộc tham gia tiết mục này. Nói đến đây, không thể không kể đến công của Ngọc, không ai có thể từ chối cậu ấy được, từ dụ dỗ cho đến uy hiếp. Ngọc lúc vui thì vui thật, nhưng lúc nghiêm túc cũng rất đáng sợ. Ban đầu Vy không muốn tham gia, Ngọc muốn để cô đóng vai làm một trong những người đi thử hài, Vy nằng nặc từ chối, sau lại đổi thành người dẫn chuyện. Người dẫn chuyện không cần lộ diện, chỉ cần đứng trong cánh gà.

Nói là cánh gà, thực chất thì là đứng bên mé sân khấu, phải ăn mặc đàng hoàng, bởi vì cô mỗi giây mỗi phút đều phải theo dõi tiết tấu vở kịch để đọc theo. Giọng nói của Vy rất hay, anh biên kịch cũng muốn cô dẫn chuyện, chắc chắn sẽ rất thu hút. Vy cười miễn cưỡng.

Lịch học cuối năm thật sự dày đặc. Bọn họ vừa phải dành thời gian ôn tập thi cuối kì, vừa phải luyện tập không ngừng, vừa sau tết Dương lịch sẽ có ngay buổi duyệt đầu tiên. Mang tiếng là lớp bán chuyên, Ngọc không cho phép bọn họ diễn tệ hơn những lớp khác, huống chi là kịch bản được viết độc đáo lại gây cười, nhất định phải giành giải nhất.

Lúc đến nơi thì mọi người đều đã tập trung đầy đủ. Những nhân vật liên quan đến cùng một phân cảnh sẽ được lựa chọn tập thành nhóm với nhau trước. Các nhân vật phụ đóng vai làm mấy khung cảnh linh tinh như rừng núi, cung điện hoặc là sông suối thì phải ghi nhớ vị trí đứng cùng với thay phiên nhau đổi đạo cụ để nhuần nhuyễn hơn mà không bị bỏ phí nhân lực.

Anh biên đạo ngoắc ngoắc tay với Vy.

- Em đã tập ở nhà xong xuôi hết chưa? Thật ra người dẫn chuyện không gần phải thuộc làu làu như diễn viên nhưng anh cần em phải đọc thật trôi chảy, còn phải diễn cảm nữa. Em làm được không?

- Em đã tập trước rồi ạ. - Vy gật đầu. Trong tập kịch bản còn được cô đánh dấu lại những chỗ đọc còn vấp, cần phải tập nhiều hơn - Em hỏi một chút, cái này là lời thoại trong suy nghĩ của Tấm em cũng phải đọc hộ ạ?

- Đúng vậy. Anh nói em nghe, độc thoại nội tâm là một phần cực kỳ quan trọng trong vở kịch này, bởi vì nó phản ánh suy nghĩ có phần hiện đại của Tấm Cám, em phải đọc với giọng hơi cứng một chút, kiểu gây cười ấy, em hiểu ý anh chứ? - Anh biên kịch nỗ lực diễn tả cho Vy, cô ngờ ngợ gật đầu - Anh biết là khó với em, có mấy câu hơi... ừm, thì nội tâm ai mà chẳng có hơi đen tối. Dù sao cũng chỉ là dăm ba câu tỏ tình mà thôi, ai cũng lớn cả rồi, em biết mà...

- Em hiểu rồi, anh yên tâm đi.

- Ôi, cũng chỉ có em là chăm chỉ học kịch bản, xem bọn nó kìa, chẳng chịu tập luyện gì cả. - Anh biên đạo lau mồ hôi cười, như có con mắt sau gáy, anh chợt quay phắt lại, chỉ tay mắng - My, em đóng nhân vật chính đấy, còn dám ngồi nấu cháo điện thoại hả?!

- A, em xin lỗi, em biết rồi, cúp máy ngay đây... - My cười hì hì che ống nghe.

- Cái con bé này... - Anh biên đạo lầm bầm khó chịu, vỗ tay tập hợp mọi người - Tất cả sang đây diễn lại một lần để anh sửa nào.

Vy khép lại kịch bản, sửa áo tìm một chỗ đứng có tầm nhìn thoáng cho mình, kiên nhẫn chờ đợi mọi người xếp hàng đến lượt diễn. Lúc tập đoạn nhỏ thì cũng được xem là dễ, chỉ là có những móc nối giữa các phân đoạn mà mọi người chưa kịp lấp vào, có người đến phiên mình đọc thoại lại ngơ ngác không nhớ, phân cảnh từ nhà tranh chuyển đến cung điện cũng không thay đổi. Vì vậy, anh biên đạo phải sửa rất nhiều chỗ. Vy cũng bị chỉnh là giọng quá nhỏ, đọc có chỗ hay nuốt chữ, lúc từ lời dẫn bình thường sang độc thoại nội tâm chưa kịp điều chỉnh cảm xúc và giọng nói cho phù hợp. Và vô vàn các lỗi nho nhỏ khác.

Vy duỗi tay xuống đấm bóp cẳng chân vì đứng lâu của mình. Chịu thôi, phải tập cho quen, trên sân khấu không có ghế cho học sinh ngồi. Vả lại, theo như lời anh biên đạo nói thì tư thế Vy đứng dẫn chuyện rất chuyên nghiệp, có thẩm mỹ.

Khi cả đám đang tập đến cảnh cuối cùng là hoàng tử rốt cuộc tìm lại được Tấm sau nhiều lần chuyển kiếp, cái kết cực kì có hậu, lời kịch soạn ra cũng cảm động không kém. Lúc này, Vy chịu trách nhiệm đọc to những lời trong nội tâm của Tấm. Gương mặt của My phù hợp với nhan sắc của nhân vật này nên được chọn, cô bạn cả buổi tâm trạng không yên lại đột nhiên nghiêm túc hẳn, hai mắt thâm tình nhìn vào chàng hoàng tử trong hình hài của một bạn nam cùng lớp.

Vy liếm đôi môi hơi khô vì khát của mình, mắt vô tình nhìn thấy một người con trai cao tráo, mặc áo sơ mi đen tuyền, đang đứng sừng sững như một cây đại thụ, hai tay đút vào túi quần, mắt anh hơi đằm mà dõi theo từng biểu cảm của cô nhân vật chính, bên cạnh anh vẫn là chiếc xe đạp địa hình quen thuộc.

Khi hoàng tử cầm trong tay miếng têm trầu cánh phượng, Tấm nép đằng sau mái lều nhỏ hàng nước của bà lão, trái tim đập rộn ràng đầy xúc động.

"Thiếp ở cạnh chàng lâu như vậy, bất kể là hoá thành muôn hình vạn trạng, vẫn không thể ngưng nhớ nhung về chàng. Chàng hoàng tử dũng cảm của ta, chàng có thể tìm thấy thiếp chăng?"

Vy mấp máy môi.

Chàng hoàng tử của cô, ngay từ giây phút cô nhìn thấy anh mỉm cười với My, đã tan biến vào hư vô mất rồi.

Thời gian một ngày của Vy chia ra làm bốn phần. Học bài, học kịch bản, chăm sóc cho bản thân và giúp mẹ chăm vườn rau trong sân. Vy đeo đôi găng tay cao su lạnh lẽo lấm tấm bùn đất, nhổ từng ngọn cỏ dại mọc lộn xộn. Nhớ lại ngày hôm đó, sau khi tập xong đoạn cuối, anh biên kịch dặn thêm mấy câu nữa rồi giải tán. Bọn con gái sau đó nhộn nhạo muốn sang chào hỏi Nguyên, có điều anh luôn trưng bộ mặt "chớ lại gần", chỉ khi nói chuyện với My thì mới thoáng dịu dàng hơn.

Vy bỏ ngoài tai tất cả những lời bàn tán tốt đẹp về anh, xách cặp đi về nhà, bỏ qua màn ăn tối cùng đội văn nghệ. Tiếng xột xoạt bên cạnh cắt ngang suy nghĩ của Vy, cô vội phủi tay dìu bà ngoại:

- Trời lạnh thế ngoại ra đây làm gì?

- Già rồi, nằm một chỗ không chịu nổi nên ra đây phụ với cháu. Mấy việc nhỏ thôi mà.

- Không được, sương xuống rất lạnh, ngoại ngồi xổm lâu sẽ bị đau khớp, cháu đưa bà về phòng. - Vy kiên quyết rút phăng đôi găng tay quăng sang bên cạnh.

- Cháu đừng có coi thường bà già này, bà còn khoẻ hơn cháu đấy! - Bà ngoại không phục mạnh miệng cãi.

- Hay là cháu với ngoại bật ti vi xem hài nhé? Ngoại thích coi Thách Thức Danh Hài lắm kia mà. Tập mới nhất hay lắm đấy.

- Thật hả? Được thôi.

Người già thật dễ thoả mãn. Vy dễ dàng lừa được bà ngoại về phòng, thế là đành để nợ công việc dở dang ngoài vườn, dành một buổi chiều để cùng bà xem ti vi. Thật ra tế bào hài hước của Vy hơi khô cạn, xem mấy thứ này cũng chẳng thấy buồn cười chút nào, đa phần là vì muốn làm bà ngoại vui mà thôi. Người ta vẫn thường nói người cười càng nhiều thì sống càng lâu mà.

Vy chỉ muốn bà sống lâu thêm chút nữa.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro