Chương 33

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Cái tin "mua đồ nhà mụ Huế được tặng con cò giấy" lan nhanh. Mấy đứa con nít hở ra là hỏi cha mẹ chúng có muốn mua gì hay không, rồi giựt phăng mấy xu tiền, chạy ù tới quán mẹ Sông Hương để chờ lấy một con cò giấy.
Giữa đám con nít đang có sự so kè về màu sắc của con cò giấy. Mỗi lần gặp nhau, chúng chỉ khie:

- Mày được mấy con cò rồi? Tao được ba con nè.

- Tao chỉ được hai con. Nhưng hai con màu đỏ. Cò của tao là cò lửa.

- Tao có một con màu vàng. Một con màu xanh lá cây. Một con màu tím. Lần sau, tao bắt chị Sông Hương đưa tao con màu đỏ mới được.

- Tao chỉ có một con, nhưng cò của tao là cò bông. Bông của nó còn đẹp hơn bông thiệt nữa.

- Ngày mai tao sẽ biểu má tao đi mua đồ, để lấy con cò bông.

Tiếng lành đồn xa, ngoài số khách hàng quen là "mối ruột" trong làng, mẹ Sông Hương còn "câu" thêm một số khách hàng ở làng bên. Họ chịu khó đi bộ non một cây số để mua chén tương, chén muối, hoặc chén đường, để lấy cho được một con cò giấy đem về cho con họ chơi.

Ở làng bên cũng có một hàng tạp hóa của ông Mười Tân. Hai ngày nay số khách tới mua hàng hóa giảm đi làm ông Mười Tân cảm thấy khó hiểu. Có người đang cầm chén tới quán ông ta, nghe người đi đường nói câu gì đó, bèn đổi hướng te te mau đi đường khác. Ông ta muốn biết chuyện lạ gì đang xảy ra.

Thế là ông Mười Tân lớn tiếng sai thằng con trai:

- Ê, Hiếu, mày tới nhà bà Sáu Hột É hỏi bả còn đường hông, thì đem tô tới đây cân đường.

Hiếu năm nay mười sáu tuổi. Vóc dáng cậu ta nhỏ con nhưng có khuôn mặt sáng sủa và có một bộ nhớ khá nhạy bén. Cậu ta đang ngồi bệt nơi phản, tập viết chữ quốc ngữ nên hơi cau mày:

- Mắc mớ gì tui phải tới chổ bả? Hết đường thì bả tự động xách cái tô tới đây mua.

Ông Mười Tân đập nhẹ cái khăn quấn đầu xuống bàn:

- Thì bả xách tô tới đây rồi, nhưng cách quán mình khoảng chục thước, bả nghe con mẹ Tám Rang nói gì đó, bả te te chạy đi chỗ khác. Tao muốn biết bả xách tô đi đâu. Mày dọ thám giùm tao một bữa coi.

Thấy công chuyện dọ thám hay hay, cộng với chuyện làm ăn buôn bán hơi hị đụng chạm, Hiếu thả cây viết ngòi lá tre xuống tấm phản, đứng dậy một cái rột. Chẳng thèm ngó tới đôi dép cao su dưới gầm phản, Hiếu cứ chân không mà chạy ra đường.

Tới hàng nước bán hột é, hột lười ươi của bà Sáu, Hiếu lễ phép chào to:

- Chào bà Sáu. Tía con hỏi bà Sáu còn xài đường hông. Nếu hết rồi thì con xách tô dìa(*) cân đường giùm cho bà Sáu.

(*) Về

Hàng nước của Bà Sáu chỉ là một cái bàn gỗ ọp ẹp, thấp lè tè. Trên đó, bà già để bốn năm keo thủy tinh. Keo thì đựng hột é ngâm sẵn trong nước, nở to tướng. Keo thì đựng hột lười ươi màu nâu sẫm, cũng ngâm sẵn trong nước. Keo thì đựng chè đậu xanh hột, nấu thiệt đặc. Keo thì đựng chè đậu đen, nước lõng bõng. Chỗ trống còn lại, bà để một rổ to đựng đầu trái me dốt.

Bà Sáu Hột É phẹt bãi nước trầu xuống đất,lấy tay chùi miệng rồi phân bua:

- Nè Hiếu, nói tía mày đừng buồn, tao đã xách tô tới nhà mày định mua đường rồi. Nhưng con mẹ Tám Rang nói tao thử tới cái quán ở làng bên mua, coi ra sao. Hễ ai tới mua cũng được bà chủ quán người Huế cho một con cò giấy rất đẹp.

Hiếu tò mò:

- Bà Sáu có được họ cho một con cò giấy không?

Sáu Hột É trợn mắt:

- Được chớ sao không được mậy?

Hiếu cười cầu tài:

- Bà Sáu cho con mượn coi một chút được không?

Bà Sáu dễ dãi:

- Ừa, đứng đây chờ tao nghe.

Bà già xăng xái đi vô trong nhà, nói gì đó với đứa cháu nội, một hồi lâu bà già mới cầm con cò giấy đi ra, đưa cho Hiếu coi;

- Nó nè mày.

Hiếu nhíu mày quan sát kỹ món đồ chơi sang trọng này. Con cò được làm bằng giấy bóng, màu xanh biển thiệt đẹp. Loại giấy này rất mắc tiền, người bình dân không ai dám mua. Từng đường xếp giấy cũng rất sắc sảo. Cái đầu con cò ngước lên, cái mỏ con cò hả ra, hai cánh cò dang rộng như chớm bay lên cao. Người nào xếp được con cò này phải khéo tay hết sức.

Hiếu hỏi dò bà Sáu Hột É:

- Bà Sáu cho con mượn con cò được hông?

Bà già la lên:

- Hổng được đâu. Hồi nãy tao nói miết, nó mới chịu cho tao cầm ra đây đó. Thôi mày đưa tao, để tao trả nó.

Hiếu chậm rãi trở về nhà, đầu óc suy nghĩ mông lung. Những câu hỏi quay cuồng làm nét mặt cậu ta đăm chiêu. Bà chủ quán làng bên lấy đâu ra loại giấy đẹp dữ vậy? Ai xếp những con cò cho bà ta? Người đó học cách xếp giấy ở đâu? Làm sao kiếm được một con cò mẫu để học lỏm cách xếp giấy?

Hiếu về nhà bàn với tía cậu ta là ông Mười Tân:

- Hay là con đi qua làng bên, ghé vô mua đại một cái gì đó, rồi họ tặng cho một con cò. Con sẽ dùng nó làm mẫu để xem xét. Được không tía?

Ông Mười Tân gạt phắt:

- Mắc mớ gì mà mày phải đi mua đồ cho tốn mấy xu? Mày lẻn vô nhà họ ăn cắp đại một con đi.

Hiếu ngạc nhiên, trợn mắt nhìn tía:

- Ăn cắp? Lỡ họ bắt con giao cho mã tà thì sao?

Ông Mười Tân vỗ vai đứa con trai:

- Mày đừng sợ. Quán mụ Huế đó tao biết mà. Trong nhà chỉ có đàn bà với con gái không hè. Lão chồng của mụ ta ăn no rồi xách đít đi riết.

Hiếu vẫn chưa an tâm:

- Mã tà mà tóm được con là con bị uýnh hai mươi hèo đó tía.

Ông Mười Tân "xì" một tiếng thật to:

- Mày... con trai con đứa gì nà nhát hơn cóc tía. Nếu mày đừng làm ầm ĩ lên, đừng gây ra tiếng động, thì làm sao họ biết mà họ bắt mày?

Hiếu im lặng, không cãi lại được tía.

Thế là tối hôm đó Hiếu lội bộ qua làng bên cạnh, nhắm cái quán của mẹ Sông Hương mà thẳng tiến. Cậu ta đứng ngoài đường đất đỏ nhìn vô, thấy trong nhà còn ánh sáng đèn dầu. Bà mẹ đứng sau bàn, chắc là đang kiểm tra tiền bạc. Đếm xong, bà ngước mặt lên, quay vô trong nói nói gì đó, rồi cầm túi vải đựng tiền đi vô trong luôn. Lát sau, một cô gái khoảng hai mươi đi ra, khép nhẹ cánh cửa. Trước khi cánh cửa đóng hẳn lại, Hiếu đã kịp ghi vào bộ nhớ chỗ nào treo con cò giấy màu gì.
Cậu ta quyết định sẽ lấy con cò màu đỏ.

Hiếu kiên nhẫn đứng chờ một lúc lâu. Đợi cho tiếng chó sủa ông ổng của những nhà chung quanh im ắng dần, cậu ta mới lần mò lại gần. Tới sát cánh cửa trước, cậu ta đẩy nhẹ cho cánh cửa mở hé. Bên trong tối om om. Đứng im vài phút, cậu ta lẻn vào và thò tay khẽ giật lấy con cò đỏ đã nhắm sẵn.

Vì Hiếu giựt không đúng cách nên sợi chỉ vẫn dính nơi sợi dây thép. Mò mẫm một hồi, cậu ta nắm sợi chỉ bứt mạnh và đem con cò giấy đi. Cậu ta không biết rằng phần chỉ còn lại vẫn còn cột gút trên sợi dây thép.

Ông Mười Tân vẫn còn để cửa, thức chờ thằng con trai. Thấy Hiếu về, ông ta hỏi ngay:

- Lấy được hông mậy?

Hiếu chìa con cò giấy màu đỏ ra:

- Được chớ sao hổng được?

Ồn Mười Tân vỗ vai cậu ta:

- Tao đã nói rồi mà. Thằng này giỏi.

Hai cha con Hiếu chụm đầu quan sát con cò giấy dưới ngọn đèn dầu được vặn lớn. Cầm nó lật qua lật lại một hồi, ông Mười Tâm ngáp dài:

- Tao chịu thua. Ba cái quỷ này sao khó hiểu quá. Ai đời miếng giấy nhỏ mà họ xếp thành con cò. Thiệt lạ lùng. Mày muốn coi thì cứ coi. Xong rồi thỏi tắt đèn nghe mậy!

Hiếu nói gỏn lọn:

- Tía đi ngủ trước đi.

Còn lại một mình, Hiếu bắt đầu tìm hiểu các đường gấp của miếng giấy. Cậu ta cẩn thận gỡ từng phần của con cò ra để xem xét. Gỡ ra, xếp lại. Gỡ ra, xếp lại. Cuối cùng cậu ta xé một mảnh giấy nhỏ trong cuốn vơt nháp để xếp thử. A ha! Thành công rồi! Cậu ta cầm con cò lên ngắm nghía, nét mặt hài lòng. Kể từ mai, quán của ông Mười Tân cũng có cò giấy để tặng khách hàng, mặc dù bộ lông con cò không đẹp.

Hiếu dùng mu bàn tay dụi mắt. Phải căng mắt dưới ánh sáng đèn dầu lờ mờ khiến mắt cậu ta cay sè. Tuy vậy, niềm vui quá to tát nên cậu ta không hề thấy buồn ngủ. Cậu ta thổi mạnh một hơi cho ngọn đèn dầu tắt phụt. Sáng mai, thấy mức đèn dầu trong bình hụt xuống nhiều, chắc tóa cậu ta chửi dữ lắm.

Hiếu nằm ngửa trên phản, cậu ta mơ màng tưởng tượng tới hàng trăm con cò giấy bay lả bay la trong hàng quán của tía mình. Khách hàng ruột sẽ quay trở lại, mua mua bán bán tấp nập hơn xưa. Mắt cậu ta díp lại. Miệng cậu ta hơi hé mở. Trong giấc ngủ bồng bềnh, cậu ta thấy cò giấy biến thành cò thiệt và chúng cất cánh bay vút lên, trắng xóa một góc trời...

Sáng hôm sau, Hiếu thức dậy sớm hơn mọi ngày. Cậu ta lục lọi trong thùng giấy cũ dưới gầm phản, tìm mấy cuốn vở tập viết cũ rích cũ rác từ đời ông cố ông sơ nào đó. Bà Mười Tân đang nấu nước sôi dưới bếp, nghe tiếng lục đục liền đi lên nhà trên. Bà ta hỏi:

- Làm gì mày dậy sớm vậy Hiếu? Kiếm cái gì đó?

Hiếu vừa xé giấy xoẹt xoẹt vừa trả lời:

- Tui làm công chuyện cho tía. Má đừng hỏi.

Má Hiếu chợt la trời:

- Chèn ơi, mớ giấy đó mày không xài nữa thì để tao gói hàng. Sao mày xé uổng dzậy? Muốn làm gì thì phải hỏi tao chớ?

Hiếu cau có trả lời:

- Tui xé giấy để làm công chuyện cho tía. Để làm công chuyện còn có lợi hơn là để má gói đồ.

Má Hiếu vẫn chưa chịu thôi. Bà bực mình nhìn đống giấy bị xé vụn:

- Công chuyện cho tía mày là công chuyện gì? Miếng giấy nào cũng nhỏ bằng bàn tay thì có lợi là lợi làm sao?

Hiếu gắt gỏng:

- Má im đi để tui làm. Đừng hỏi lôi thôi nữa mờ.

Nghe tiếng ồn ồn, ông Mười Tân bước ra ngoài nghe ngóng thì thấy Hiếu đã xếp xong hai con cò giấy. Ông ta la lên:

- Trời, cái thằng giỏi quá ta! Bà ơi, phen này quán nhà mình hốt tiền khách hàng đã tay luôn!

Bà vợ chưa hiểu đầu cua tai nheo gì, hỏi tới:

- Tía con ông sao vậy? Từ nãy giờ nó ngồi xé giấy rèn rẹt mà ông kêu nó giỏi, nghĩa là sao? Bán buôn ế ẩm mà ông nói phen này nhà mình hốt tiền của khách hàng, nghĩa là sao?

Ông Mười Tân cầm con cò giấy lên, lấy giọng rao:

- Tới quán Mười Tân mua hàng đi bà con! Mỗi lần mua, được tặng một con cò!

Mua ít, được tặng một con! Mua nhiều được tặng hai con!

Bà vợ hiểu thủng câu chuyện, bèn cười khoái trá:

- Tía con ông giỏi thiệt. Cao tay thiệt.

Hai vợ chồng Mười Tân hí hửng chuẩn bị mở cửa quán đón khách. Hiếu chẳng nói năng gì. Cậu ta lặng lẽ ôm mớ tập cũ đi ra phía sau nhà. Trong lúc làm việc, Hiếu không muốn người khác tới dòm ngó, học lỏm tay nghề của cậu ta.

Khi nắng lên tới ngọn cây ổi bên hông nhà thì Hiếu đã xếp được khá nhiều. Đám cò giấy nằm lăn lóc trên nền đất. Má cậu ta đếm được hai chục con, ngoài một số đã đem tặng cho khách hàng từ sáng đến giờ.

Vì ông Mười Tân tương đối hào phóng trong quà tặng, mua ít tặng một con cò, mua nhều tặng hai con cò nên lũ con nít cầm tiền xu chạy ra chạy vô coi bộ chộn rộn dữ. Tuy nhiên, ông ta chỉ thu hút được khách ruột của ông ta, và người dân trong làng ông ta mà thôi. Còn đối với khách hàng của mẹ Sông Hương, họ thấy cò giấy của bà có vẻ đẹp hơn nên họ có vẻ chê bai cò giấy của ông Mười Tâm xấu xí.

Bà Sáu Hột É xách tô tới mua đường, được ông chủ quán đưa cho hai con cò giấy, bà già sướng quá, khen rối rít:

- Thằng Hiếu nhà ông Mười nó sáng trí lắm. Nó cầm con cò của thằng cháu tui, ngó qua ngó lại, chỉ trong một chớp mắt mà nó biết cách bắt chước liền. Cái thằng khéo tay quá.

Bà Tám Rang xen ngang:

- Hả? Thằng Hiếu nó xếp giấy đó hả? Chèn ơi, nó giỏi hơn mấy thằng Tây rồi. Thấy hôn? Cái đứa có ăn có học thì đầu óc nó khác. Để tui dìa chửi thằng con tui mới được. Nó bằng tuổi thằng Hiếu mà tối ngày chỉ khoái bắt dế với chọi trâu.

Bà Mười Tân được nước, khoe thêm:

- Sáng sớm nay, gà mới gáy hiệp một là nó đã trở dậy liền, ngồi xé giấy xếp ba bốn con cò rồi. Tay chưn nó nhanh nhẹn lắm. Nó làm nhanh gấp đôi con mụ Huế chủ quán làng bên kia.

Bà Sáu Hột É vỗ tay "đét" một cái thiệt to:

- Thằng cháu nội tui mà khéo tay được như dzầy thì cái quán bán nước của tui đắt hàng lắm nghe.

Mấy người lớn khoái chí cười ha hả.

Hiếu nghe rõ mồn một những lời tán dương cậu ta. Cậu ta thầm nghĩ: sao ổng bả không khoe luôn cái chuyện họ bắt buộc cậu ta lẻn qua làng bên đó, lẻn vô nhà người ta ăn cắp con cò giấy đỏ? Tốt khoe, xấu che. Đúng là miệng lưỡi người đời.

Và bàn tay Hiếu cứ xếp giấy thoăn thoắt để cho những con cò vô tri giác được nên hình, nên dạng.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro