Tập 5 BÓNG MA RỪNG

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chương 41

Sông Hương giật mình mở mắt ra. Tiếng sấm nổ đùng thiệt to làm cô tỉnh giấc, và cảm thấy chân tay mình duỗi thẳng đơ, lạnh ngắt. Quơ tay không thấy tấm đắp bằng da rái cá đâu, Cô run rẩy ngồi dậy, định đi tới cái rương nhỏ trong góc phòng để lấy tấm đắp. Tiếng mưa rào rào không dứt trên mái nhà. Mưa to quá. Hèn chi mà trời không lạnh răng được?

Khung cửa sổ mở toang cả hai cánh. Trước khi đi ngủ, Sông Hương quên đóng cửa lại rồi. Nước mưa tạt mạnh vào bên trong làm sàn gỗ ướt sũng một khoảng rộng. Cô nép người để tránh luồng gió lùa, thò tay ra ngoài, kéo cánh cửa sổ bên phải vào trước. Lúc cố chồm người ra để kéo tiếp cánh cửa sổ bên trái, cô thoáng thấy một hình bóng đen đen lầm lũi đi dưới đường.

Mấy giờ rồi? Giờ ni thì không thể còn có người đi lang thang ngoài ngôi nhà của họ được. Sông Hương vén ống tay áo coi giờ. Ánh sáng lờ mờ của cây đèn mỡ rái cá cho cô thấy lúc này là hai giờ mười sáu phút. Khuya quá. Mà mưa to gió lớn quá. Vậy bóng đen của ai đang ở dưới đường?

Sông Hương nhanh tay kéo cánh cửa còn lại ở bên trái. Bóng đèn mô rồi? Cô không còn nhìn thấy nó nữa. Con đường lầy lội vắng tanh, không một bóng người. Chắc nó là bóng ma rừng đó. Sông Hương gài chặt hai cánh cửa sổ. Cô nín thở đi về giường, kéo tấm đắp trùm kín đầu. Tim cô đập thình thịch trong lồng ngực. Cô hoảng sợ tới mức không thể mở miệng ra được.

Mấy tháng ni, người trong làng đồn rùm beng lên về một bóng ma rừng. Họ gọi hắn là bóng ma, nhưng hắn không phải là ma. Có kẻ nói hắn là "người rừng", sống trong hang trong hốc, không biết nói, chỉ biết hú như sói. Có kẻ nói hắn là dân "ngậm ngải tìm trầm", lâu ngày ngải lậm vô người nên biến thành thú hoang. Có kẻ nói hai vợ chồng hắn đi lấy củi, vợ bị thân cây lớn đè chết nên chồng buồn quá hóa điên.

Mấy tháng ni, bóng ma rừng là nỗi ám ảnh của mọi người. Trời chập choạng là ai nấy về nhà hết, không dám la cà nhà hàng xóm trò chuyện như hồi trước. Tối ngủ thì lấy tấm đắp phủ kín hết người. Sợ phải thấy mặt hắn. Hay sợ hắn thấy mặt họ?

Người trong làng nói, bóng ma rừng thường rình mò khắp làng vào đêm khuya hoặc lúc sáng. Hắn đi kiếm ăn. Chắc trong vùng không còn đủ thức ăn cho hắn, hoặc hắn quá nhớ đồng loại mà làm liều. Hắn dạn dĩ mò vô cả trong bếp người ta, rinh đi khoanh cơm cháy dưới đít nồi, hoặc xách đi nải chuối được giú (*) kỹ trong góc bếp. Có người kể, nửa đêm nghe hắn hái trái cây chín rót lịch bịch trong vườn, xót của mà nín thinh không dám ra đuổi. Có người kể, gần sáng mót tiểu quá, trở dậy định mở cửa ra ngoài đi tiểu, nghe tiếng chân hắn đi lạo xạo sau nhà, đành nhịn tới sáng.

Bóng ma rừng không hại ai, nhưng người ta vẫn sợ hắn. Vì hình tung hắn bí ẩn, vì dáng vẻ hắn hoang dã và vì họ không biết hắn là ai, từ đầu tới, định làm chi ở đây? Người lớn sợ, con nít còn sợhung. Đứa nào khóc dại một chút, chỉ cần dọa: "Nín hông? Tao gọi bóng ma rừng tới đó." Là nó nín bặt ngay, không dám hít mũi xịt xịt nữa, chớ đừng nói tới khóc ỉ i.

Sông Hương chỉ thoáng nhìn thấy bóng ma rừng ở dưới đường mà thất kinh hồn vía hết trơn. Cô nằm nghiêng, cả người cong như con tôm, tay giữ chặt mép tấm đắp như sợ bóng ma rừng sẽ giựt đi mất. Cô không biết mình nên mở mắt hay nhắm mắt. Mở mắt thì sợ nhìn thấy khuôn mặt hắn. Nhắm mắt thì sợ hắn đứng đó ngó mình mà mình khôngnbiết. Dùng dằng mãi, buồn ngủ quá, mí mắt cô sụp xuống và cô thiếp đi hồi nào không biết.

Dì Ngọc chăm chú coi cuốn tạp chí cho tới trang cuối cùng mới chịu gấp lại. Dì ngáp to mà không thèm che miệng, uể oải nói:

- Trời ơi, buồn chán quá. Hổng có tiền xài thấy rầu thúi ruột luôn. Bây giờ làm sao kiếm tiền dễ dàng hả tụi bây?

Thùy đang lau bàn nơi phòng ăn, trả lời gọn lỏn:

- Cướp ngân hàng. Ở đó tiền nhiều lắm.

Dì Ngọc giãy nảy:

- Thôi đi, mày đừng xúi dại. Số mạng tao xui lắm. Chưa tới ngân hàng đã bị công an bắt vô Chí Hòa rồi.

Châu đang lau hành lang phía trước dãy rest-room, đề nghị:

- Cá độ bóng đá. Dì có thể kiếm được hàng chục triệu mỗi độ. Sau một tháng thi đấu, dì sẽ kiếm được xấp xấp vài tỉ.

Dì Ngọc chắp tay xá mấy cái:

- Vụ cá độ tao sợ tới già. Thằng bồ tao tán gia bại sản cũng bởi mê cá độ. Đối với tao, thằng chả kẹo còn hơn kẹo kéo, ngày tám tháng ba hồng mua nổi một bông hồng tặng cho tao, vậy mà có bao nhiêu tiền đem nướng hết vô mấy vụ cá độ. Rốt cuộc, bây giờ muốn mua một đôi dép nhựa cũng phải ngửa tay xin tao.

Châu ngừng tay lau, hỏi:

- Rồi dì có cho ổng không?

- Tình nghĩa mà mấy. Cho chớ sao hổng cho.

Phan đang chờ bóng lốp gạch bông trên hàng hiên, ngoái đầu vô nói lớn:

- Có một cách kiếm tiền dễ dàng nè dì Ngọc ơi.

Dì Ngọc uể oải mở bung cuốn tạp chí ra nữa:

- Tao chán nghe mấy ý kiến dỏm của tụi bây rồi. Tao không muốn phạm pháp, biết chưa? Cướp ngân hàng là phạm pháp. Cá độ là phạm pháp. Tao chỉ muốn xin hai chữ "bình an" để chiều chiều lượm Spacy quanh thành phố.

Phan đáp liền:

- Nhưng đi hái hổ phách thì không phạm pháp.

Dì Ngọc quay ra ngoài nhìn Phan:

- Hái gì? Hổ phách hả? Nó là cái gì mà hái nó thì có nhiều tiền?

Thùy và Châu rời khỏi chỗ của mình, đi lại gần quầy tiếp tân của dì Ngọc. Phan đứng dậy, chùi hai tay vào mông quần:

- Dì có nghe nói tới màu vàng hổ phách không?

- Có. Màu sang trọng lắm.

Phan giải thích:

- Hổ phách là nhựa của một loại cây quý trong rừng. Khi thân cây bị thương, nhựa chảy ra và đóng thành khối nhỏ. Hổ phách chín có màu vàng đậm trong suốt, người ta leo lên cây và hái xuống. Tùy theo hình dáng của cục hổ phách, mà giá của nó có thể từ một chỉ vàng tới một lượng vàng.

Mắt dì Ngọc sáng rực, dì đứng lên, đi tới chỗ Phan đang chà gạch bông:

- Rùng nào? Ở đâu? Chỉ chỗ cho tao đi! Tao xin nghỉ phép dăm ba ngày đi hái hổ phách, kiếm tiền xài chơi.

Châu thủng thỉnh nói:

- Rừng ở đây làm gì có? Dì phải trở qua thời đại của bạn cháu, Sông Hương đó. Rừng thời đó mới có nhiều hổ phách.

Dì Ngọc thở ra cái khì:

- Qua bên đó lần nữa hả? Thôi kệ, qua thì qua. Để tao nói chuyện với má tụi bây, xin nghỉ phép buổi sáng nay cái coi.

Dì Ngọc te te đi vô bếp. Thùy hỏi nhỏ Phan:

- Anh bày cho bả qua bên đó làm gì? Bả quậy lắm.

Phan giải thích:

- Thà mình bày, dì Ngọc sẽ đi theo đúng hướng của mình, tức là kiếm tiền bằng sự lao động. Nếu không, dì sẽ kiếm tiền theo cách ngẫu hứng, tức là ăn cắp ăn trộm gì đó. Còn phiền phức hơn.

Châu đồng ý với Phan:

- Một khi bả than thở là hổng có tiền xài, bả hay làm ẩu lắm. Qua bên đó, bà đi hái hổ phách hay làm gì khác, tụi mình đâu có kiểm soát được.

Thùy ỉu xìu:

- Ừ, thôi kệ bả đi.

Dì Ngọc trở ra ngoài, mặt mũi hớn hở lắm. Dì đi về phòng riêng, căn phòng bìa của dãy phòng bên hông. Ngang qua chỗ ba bạn trẻ, dì nói trồng:

- Đứa nào rảnh trực điện thoại giùm tao nghen.

Má tụi bây cho tao nghỉ phép tới hai giờ chiều. Kỳ này tao sẽ hốt hết trọi mở hổ phách trong rừng. Tao sẽ làm giàu hiện tại bằng quá khứ. Hê hê.

Ba bạn trẻ im lặng nhìn theo, không có ý kiến. Dì Ngọc mặc bộ bà ba đen "ác chiến" vào người, quảy theo cái túi vải cũng có màu lem lem luốc luốc và bước ra khỏi phòng riêng. Chạm mặt ông Đặng nơi chân cầu thang, dì "hứ lên một tiếng. Ông Đặng nhướng mày với vẻ kinh ngạc đầy kịch tính.

Dì Ngọc làm thinh, tưng tưng đi lên lầu, xăm xăm tới cầu thang gỗ dẫn lên gác xép. Dì đi thẳng tới chỗ chiếc gương thời gian. Đứng trước guong, dì hơi ngần ngừ một chút rồi chúi đầu vào mặt gương.

Và dì biến mất.

Rồi dì Ngọc bị đẩy mạnh qua thời quá khứ của một trăm năm trước. Dì đang đứng trên gác xép cũ kỹ, tức là phòng ngủ của Sông Hương, Cô bạn người Huế của Phan, Châu, Thùy.

Di Ngọc mở mắt ra, chớp chớp nhìn. Không có Sông Hương ở đó. Chắc cô gái xuống dưới phụ bán chạp phô với bà mẹ rồi. Kẹt dữ hè. Dù rất muốn gặp cô, để hỏi thêm kinh nghiệm về chuyện hài hổ phách. Chẳng lẽ đi sầm sầm đi xuống dưới, đòi gặp Sông Hương cho bà mẹ cô gái hãi hùng mà thét lên?

Thôi đành ngồi chờ một chút vậy. Nếu Sông Hương không lên, di sẽ vào rừng một mình. May sao Sông Hương trở lên phòng ngủ định lấy món đồ gì đó. Thấy cái bóng đen đen của dì Ngọc ngồi nơi giường, cô suýt rú lên, nhưng bụm miệng kịp. Cô đứng tựa vào vách, hai chân run rẩy làm như buớc đi không nổi. Cô nói:

- Ôi chao ôi, dì làm cháu sợ quá. Cháu sợ muốn ngất xỉu luôn.

Dì Ngọc tự ái:

- Con khỉ! Gì mà mày sợ tao tới nỗi muốn ngất xỉu vậy? Tao đâu phải ma quỷ, hay chằn tinh.

Sông Hương biết dì Ngọc giận, bèn giải thích:

- Không phải mô. Cháu không sợ dì. Mà cháu chỉ tưởng dì là bóng ma rừng.

Dì Ngọc hỏi:

- Bóng ma rừng là cái quái gì vậy?

Sông Hương ngồi xuống giường, bên cạnh dì:

- Hắn là một bóng đen, chuyên rình mò khắp làng vào ban đêm. Rạng sáng thì hắn biến mô mất.

Dì Ngọc chép miệng:

- Ta nói, người "nguyên thủy" nhát như cáy.

Một chút động tĩnh cũng làm cho họ sợ hãi lên. Ban ngày ban mặt, bóng ma rừng làm gì dám xuất hiện? Thôi nè, nghe tao nói nè. Mấy đứa nó biểu tao qua hỏi mày, làm cách nào hái được nhiều hổ phách?

Sông Hương ngạc nhiên:

- Hổ phách?

Dì Ngọc gật đầu:

- Ừ. Đừng nói là mày không biết nghen. Tụi nó kêu tao qua hỏi mày đó. Tao muốn hái vài cục hổ phách để kiếm tiền thêm. Lúc này tạo "viêm màng túi" quá.

Sông Hương không sao từ chối được, cô bèn nói:

- Chừ dì đi vô rừng, vô sâu sâu một chút, dì tìm loại cây cao, thẳng, thân màu nâu sậm, vỏ ít sần sùi. Nhựa thường rỉ ra từ loại cây nở. Nhưa khô cứng lại thành hổ phách. Dì đừng hái những cục còn non, không được giá mô. Dì chỉ nên hái những cục chín hẳn, có màu vàng đậm đều và trong suốt.

Dì Ngọc hỏi:

- Được giá là cỡ bao nhiêu tiền?

Sông Hương ngần ngừ

- Cháu không biết tính bằng tiền ở thời dì. Ở thời cháu, người ta mua hổ phách bằng vàng.

Dì Ngọc ngắt lời:

- Vậy là mấy đứa nó không gạt tao. Hổ phách có giá trị bằng vàng. Ô kê. Tao lên đường liền. Sông Hương, mày muốn đi theo tao không?

Sông Hương từ chối:

- Cháu phải ở nhà phụ với mẹ cháu.

Dì Ngọc nhún vai rất Tây:

- Không sao. Tao đi một mình được.

Sông Hương nói với theo khi dì Ngọc bước xuống được vài bậc cầu thang:

- Dì Ngọc... Coi chừng bóng ma rừng đó hỉ. Người làng cháu nói, ban ngày hắn trốn trong rừng. Dì phải cẩn thận.

Dì phẩy tay:

- Để coi tao sợ nó hay nó sợ tao.

Rồi dì đi xuống bên dưới khuất dạng.

Thơ thẩn như một cô gái hái mơ, dì Ngọc quảy túi vải trên vai, đi vào rừng.

Khu rừng có dáng vẻ tiêu điều xơ xác sau trận mưa rất to vào tối hôm trước. Lá vàng lá xanh rụng đầy trên mặt đất. Cành lớn cành nhỏ nằm ngổn ngang khắp nơi. Thậm chí có những thân cây non, đường kính khoảng hai tấc, cũng bị gió giật gãy ngã nhào xuống đất.

Dì Ngọc chậm rãi bước, mắt dáo dác nhìn ngang nhìn dọc để tìm loại cây "cao cao, suôn suôn, nâu nâu" như lời Sông Hương miêu tả. Ôi trời ơi, trong rừng thì cây nào mà chẳng cao cao, chẳng suôn suôn. Kiểu này, đi hoài tới khi đầhaiạc chắc cũng cóc tìm ra loại cây có hổ phách.

Có lẽ dì Ngọc chưa vô đi sâu trong rừng lắm. Nghe mấy đứa nó dặn phải vô trong sâu nữa thì mới hái hổ phách được nhiều. Thế là dì vững tin mà bước thẳng tới, cặp mắt hướng lên ngang tầm cao hai mét.

Và dì Ngọc đã nhìn thấy cục hổ phách đầu tiên trong đời. Nó đó. Một khối màu vàng trong suốt, nằm khiêm tốn như muốn hòa lẫn với màu vỏ cây.

Quên mất chuyện phải xem xét nó đã chín hẳn chưa, dì nhón chân, với tay thiệt cao và giựt nó một cái "bựt" như con nít giựt một trái ổi. Nếu có cha Sông Hương ở đây, chắc ông bực tức thái độ cẩu thả đó mà nạt to một tiếng. Ông thường nói, khi hái hổ phách, phải nâng niu nó, phải giọng nhẹ nó, vì hổ phách rất dễ bị trầy xước.

Dì Ngọc săm soi cục hổ phách mới hái. Đẹp quá. Đúng là hàng quý hiếm. Phen này di hái ra tiền thiệt sự chớ không phải chơi. Đồng tiền kiếm được sẽ là đồng tiền lương thiện, do mồ hôi nước mắt mà có.

Mồ hôi quá đi chớ. Dì dùng ống tay áo lau mồ hôi trán, mồ hôi mặt. Nãy giờ dì cứ đi riết, đi rã giò, hai đầu gối mỏi nhừ nhưng dù không muốn nghỉ mệt. Dì muốn chỉ trong một buổi sáng nghỉ phép, phải bỏ vào túi khoảng dăm bảy cây vàng cho đáng cái công của lao động.

Dì Ngọc thả cục hổ phách vào túi vải, phấn khởi đi tiếp. Được một đoạn, nghe tiếng suối chảy róc rách đâu đây, di cảm thấy khát khô cả cổ và quyếtđịnh dừng chân dăm ba phút bên bờ suối. Hình như thời dì Ngọc, người ta gọi nó là suối Bàu Cỏ hay sao đó...

Giòng suối nhỏ với bề ngang không đầy hai thước, nước xâm xấp tới đầu gối, trong leo lẻo thấy rõ từng hột cát óng ánh. Uống nước no cả bụng, dì ngẩng đầu lên nhìn quanh và bất ngờ thấy một thanh niên trẻ đang lom khom bắt cá bằng tay trong giòng suối cách đó mươi thướt.

Anh ta quay lưng về phía dì Ngọc nên hoàn toàn không biết sự xuất hiện của dì. Bộ đồ vải đen bạc màu của anh ta sờn rách, te tua. Ống quần anh ta vo tới đầu gối, khoe hai bắp chuối đen sạm và cuồn cuộn chắc nịch. Bóng ma rừng chớ còn ai nữa. Chỉ có hắn mới không sợ bóng ma rừng mà thôi. Vì suốt từ nãy tới giờ, di chẳng hề thấy bóng dáng dân đi rừng đâu cả.

Dì Ngọc tới gần chỗ hắn đúng. Còn cách chúng hai thước , dì nói to:

- Ê, bóng ma rừng phải không? Đang làm gì vậy?

Người thanh niên giật mình, anh ta quay lại và thình lình phóng vèo lên bờ suối, chộp lấy cổ họng của dì Ngọc:

- Do thám hả?

Dì Ngọc bị bất ngờ, không biết nói gì, chỉ ú ớ:

- Không Không phải do thám... Phụ nữ...

Anh ta vẫn không thả cổ họng dì Ngọc ra:

- Đúng là do thám rồi. Đồ làm việc cho Tây. Đồ phản bội, đi theo ta.

Anh ta lôi dì Ngọc đi. Dì hoảng hồn, trì kéo lại:

-Không! Không làm việc cho Tây! Không phải đồ phản bội!

Nhưng anh ta quá khỏe mạnh, lôi dì Ngọc đi băng băng qua suối mặc cho dì quẫy đạp đôi dép mủ trên mặt nước. Nước văng tung tóe. Quần áo dì ướt nhẹp. Dù la hét muốn khản cổ:

- Thả tui ra! Tui không có tiền chuộc đâu! Bớ người ta! Họ bắt cóc tui! Bóng ma rừng bắt cóc tui! Bớ người ta!

Rừng âm u quá nên chẳng ai nghe tiếng kêu cứu của dì Ngọc. Thế là khi khổng khi không dì bị bóng ma rừng bắt cóc, bị lôi tuốt vào trong vùng đầm lầy xa thẳm.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro