Thôn nghèo

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Ở cái nơi thành thị hiện đại và phồn vinh, chỉ cần bạn nháy mắt là đã có năm, sáu chiếc Honda Dream vụt qua. Đưa chân ra khỏi nhà là đã có đường nhựa bằng phẳng hay chỉ cần dạo vài vòng chợ chiều là cái bụng đã đầy ắp dinh dưỡng cần hấp thụ. Đó là chưa kể đến việc mấy thằng học sinh, ai cũng mang danh công tử, mới có tí tuổi đầu mà ba mẹ đã sắm cho chiếc phone Nokia bên nước ngoài. Đi học thì chỉ biết khoe của cho bằng được "Tao có cái này, mày có cái kia", và mỗi lần hẹn đi chơi là đứa nào cũng có phong cách sành điệu riêng theo từng mùa, đầy đủ người hầu kẻ hạ. Thực sự, khó chịu đến đâu thì cũng ráng nể vì tụi nó là con nhà giàu, chỉ cần xích mích, cãi cọ tay đôi với chúng là bản thân phải chịu khổ về sau.

Thành thị là thế, chứ không giống như cái thôn nghèo này, đâu đâu cũng thấy người già và cánh đồng. Bọn trẻ con thì lác đác vài đứa, mặt mũi lúc nào cũng tèm nhem, trông như cái bánh bị rớt dưới đất, phủi hoài cũng chẳng sạch mà có sạch thì ăn cũng chẳng ngon.

*Ting ting* - Tiếng xe đò chói tai từ xa đang bon bon chạy tới điểm đón khách.

"Nghe mẹ nói nè, về thôn nhớ chào và cảm ơn mọi người nha con." - mẹ nhóc Bảo xếp gọn gàng hành lí vào trong cốp xe đò như bao người, rồi cẩn thận dìu thằng nhỏ lên xe.

Bảo tên thật là Nguyễn Thiên Bảo - thằng bé mới bảy tuổi đầu nhưng lại rất thông minh, là một đứa mà bao thằng công tử bột phải dành nhau để kéo về cho bằng được. Nói thì rất oai nhưng cái Bảo chưa bao giờ nghĩ vậy, bởi mọi thứ mà tụi kia đấu đá lẫn nhau cũng chỉ vì muốn mượn tay nó để nâng cao số điểm, nên nó thật sự chưa bao giờ xem mấy thằng đó là bạn cả. Chính vì sự ưu ái đó mà thằng nhỏ không muốn kết bạn với ai, thậm chí nó còn tin rằng sẽ chẳng có người nào đủ tốt để làm bạn.

Từ trên xe, Bảo vươn mắt ra cửa sổ, nhìn về hướng nhà mà nó từng sống với bao kỷ niệm đẹp cùng mẹ. Mà giờ đây, phải gửi gắm cho một chủ nhà khác. Ánh mắt nặng trĩu của nó nhòe đi sau cặp kính cận. Bảo nghĩ rằng, cho đến cuối phần đời còn lại, nó sẽ sống một cuộc sống ảm đạm, không còn lũ bạn nhà giàu suốt ngày tranh giành, không còn hàng xóm thân thiện, không tiếng chim sẻ bên hiên nhà hót líu lo vào mỗi sáng hay khung cảnh náo nhịp của chợ hoa vào những ngày giáp tết. Những dòng suy nghĩ vẩn vơ ấy cứ luẩn quẩn trong đầu của thằng bé bảy tuổi được một lúc rồi thiếp đi vào người mẹ nó lúc nào cũng không hay.

Chuyến đi khởi hành từ lúc mười một giờ, Bảo đang ngủ say sưa mặc cho giọt nắng hằng trên cửa sổ. Tiếng động cơ giòn giã cùng tiếng còi tu tu cũng không thể đánh thức giấc ngủ của thằng bé. Trên chuyến đường xa, nó chưa hề mở mắt nhìn khung cảnh bên ngoài dù chỉ một lần. Nó thừa biết rằng, một khi thức dậy thì sẽ nhớ nhà, nhớ những thứ mà nó đã bỏ lỡ chốn thành thị xô bồ và cả những niềm vui đã gửi gắm ở lại. Cứ thế, nó tựa vào vai mẹ, ôm cái túi xách mà chìm vào giấc ngủ cho đến khi chiếc xe đò đã đỗ ở trạm dừng chân.

"Bảo ! Bảo ơi ! dậy con, tới nơi rồi, con không dậy là người ta chở con chạy luôn đó."

Nhóc Bảo nghe mẹ đánh thức mà cảm thấy khó chịu, rõ là nó chỉ mới chợp mắt vài phút trước đó mà làm gì đã tới nhanh như vậy. Thằng nhỏ dật dờ bật dậy, ưỡn ngực, dụi con mắt rồi chỉnh ngay lại cặp kính, lúc nó nhìn ra bên ngoài thì trời cũng đã chạng vạng. Hai mẹ con nắm tay, luồn lách qua dòng người trên xe, từng nhịp chậm rãi bước xuống.

Không khí ở ngoài thoáng đãng hơn so với bên trong xe đò. Bảo đưa tay ra, nó tóm lấy một ít không khí vào lòng bàn tay rồi nắm lại. Nó từ từ nhắm mắt, cảm nhận được luồng gió trời biến chuyển, trong lành và mát mẻ. Không được bao lâu thì mẹ nó gọi tới:

"Con cầm hộ mẹ túi này với !", người mẹ đưa cho nhóc Bảo một cái túi to tướng, bên trong chứa quần áo của hai mẹ con và một chút lộ phí dành dụm được.

Mặc dù nó đã thức nhưng bằng cách nào đó sự mệt mỏi vẫn thể hiện qua từng cử chỉ của thằng bé. Nó ngáp dài hơi rồi cầm túi xách một cách uể oải. Chắc là vì cái khung giờ ngủ "trời đè" kia đã làm nó lừ đừ từ lúc trên xe. Tay lắc túi xách qua lại rồi thở dài mấy hồi, mẹ nó đang lấy đồ từ trong cốp xe mà cũng không yên lòng. Bà nhẹ nhàng đặt đồ xuống thảm cỏ rồi quay sang hỏi thằng nhỏ một cách dịu dàng: "Con có mệt lắm không?"

Bảo vốn là một đứa hiểu chuyện nên không dám than phiền gì, chỉ lắc đầu và nở một nụ cười trên khuôn mặt: "Dạ không, mẹ cứ lấy đồ tiếp đi."

Bấy nhiêu đó thôi cũng đủ xua tan sự mệt mỏi của cả hai mẹ con.

Không gian lờ mờ của sáu giờ chiều thật đáng sợ, bóng tối đang dần thâu tóm lại chỉ chừa mỗi ánh đèn của xe đò. Chẳng mấy chốc mà xung quanh chỉ còn lại một màu tối đen như mực. Màn đêm quả là kẻ xấu với mọi đứa trẻ. Sự sợ hãi từ bao giờ đã thể hiện lên khuôn mặt của nó. Khỏi cần chần chừ, nó quýnh chân lên chạy lại thật nhanh bên mẹ rồi níu cái áo xuống giục:

"Mẹ ơi nhanh lên, trời tối rồi."

Tia sáng cuối cùng của xe đò cũng vụt đi mất, để lại một làn cát bụi cùng hai mẹ con đứng sững sờ trước con đường đất đỏ vào thôn. Bảo vừa ôm tay mẹ, vừa nhìn lên cái bảng màu xanh cũ kỹ được thắp lên màu vàng của bóng đèn hẩm hiu đang treo lơ lửng, làm lộ ra ba dòng chữ to tướng Thôn Thương Mộc.

Con đường rộng lớn phía trước trải dài một màu đen vô tận, mẹ nhóc Bảo vội vàng lấy trong giỏ ra cây đèn pin, bà loay hoay tìm chỗ bật công tắc thì thằng nhỏ nhanh tay ấn ngay vào nút một cái "Cạch". Phút chốc, ánh sáng từ cây đèn đã lan ra một vùng rộng lớn. Nhóc Bảo cẩn trọng ôm tay mẹ rồi quan sát toàn bộ khu vực. Nó hé mắt nhìn qua hai bên đường, rồi để ý mấy cây bụi xùm xuề, len lỏi giữa những khóm cây ấy là các bông hoa dâm bụt đỏ thẫm, còn dưới chân là con đường đất đỏ gồ ghề, đi không khéo sẽ rất dễ vấp ngã. Nó lại tiếp tục quan sát từ gốc của cái cây cao lớn cho đến đỉnh rồi chợt tròn môi:

"WOA ! Mẹ ơi nhìn kìa, mấy ngôi sao ở đây sáng với nhiều hơn ở thành phố nữa !"

Đôi mắt long lanh hiện rõ trên khuôn mặt của Bảo. Tuy có hơi sợ nhưng đây là lần đầu tiên nó thấy nhiều ngôi sao vừa to, vừa lấp lánh như những chiến binh dũng mãnh trên trời. Nhóc Bảo thầm nghĩ, đó hẳn là món quà mà thượng đế muốn dành tặng riêng cho nó khi đặt chân đến đây. Nó hít một hơi thật sâu, lấy đủ can đảm cùng mẹ bước vào thôn.

Trong cái không gian hiu hắt sương lạnh của trời đêm, mà vẫn có hơi ấm hạnh phúc tỏa ra từ hai con người thành thị. Họ dìu nhau một đoạn thật dài, vừa đi vừa kể chuyện, đố hát. Cảm giác cẩn trọng, sợ hãi của thằng nhỏ từ bao giờ cũng biến mất. Ráng vài bước nữa, nó thấy có ánh đèn vàng, không chỉ một mà có rất nhiều đèn. Ngoài ra, nó còn ngửi được mùi thơm của món Phở truyền thống nó hay ăn ở thành phố. Cơn đói lúc này đã lấn át tâm trí hồn nhiên của một đứa trẻ. Bây giờ nó mới dám lộ ra khuôn mặt nài nỉ một thứ gì đó và khẽ kéo nhẹ ngón áp út của mẹ xuống:

"Mẹ ơi con đói bụng quá, mình ăn cái gì đi."

Người mẹ nhìn thằng nhỏ một cách trìu mến rồi đưa tay vuốt một phần mái che khuất đôi mắt rồi nói:

"Vậy mẹ với con ăn phở nha !"

Bà đứng lên chỉ tay về hàng quán đang nghi ngút khói của than hồng bay tan vào trong đêm:

"Con tới chỗ đó kêu họ cho hai tô Phở trước đi."

Bảo nghe thấy thế, liền nhanh nhảu chạy đến quán trước, nó sẵn tay vớ lấy hai cái ghế tre mà đặt xuống ngồi, liếc láo liên xem hàng quán nơi đây có khác gì thành thị không. Vậy mà chưa được mấy giây nó đã mặc kệ, vì thứ quan trọng bây giờ là lấp đầy cái bụng đang gào lên từng đợt.

Quán Phở ở đây có tên Năm Hiền, người bán chính ở đây là dì Năm, cái hàng quán nhỏ xíu được đặt trước sân của ngôi nhà lụp xụp, chỉ có hai cái bàn được đặt ra mà một cái đã dùng cho việc dựng kệ bán, còn lại là dăm ba chiếc ghế tre lộc cộc được đặt cạnh chiếc bàn thứ hai. Ở thành phố, họ thường xài đũa inox hoặc đũa nhựa nhiều màu, còn nơi đây họ dùng đũa tre chỉ có một màu vàng nên có hơi bị ố đi. Mà việc đó cũng chẳng làm nó để tâm lắm vì bụng nó bắt đầu gõ lên những tiếng hối hả, cơn đói dường như kéo đến nhanh hơn.

Nhóc Bảo gọn gàng lau chùi đũa muỗng cho mẹ rồi hét to như thể một con sói đang thấy miếng mồi ngon trước mắt:

"Bà ơi cho cháu hai tô Phở, một bát hành nhiều, một bát ít hành ạ !"

Bà dì ngạc nhiên nhìn nó một hồi xong mỉm cười. Đôi bàn tay vác tháo nhanh nhẹn, trong một lúc đã làm xong hai tô Phở nóng hổi. Bảo cầm sẵn trên tay đôi đũa, nó đã chuẩn bị tinh thần để thưởng thức món ăn mà nó yêu thích nhất - món truyền thống đã có từ lâu đời ở Việt Nam từ những năm đầu của thế kỷ 20. Vì thế mà khi được ăn Phở thì điều trước tiên mà nó làm là cảm nhận.

Hai tô Phở được đặt trước mặt Bảo, khói tỏa nghi ngút thơm phức của mùi bò hòa quyện trong nước dùng, cùng với đó là một chút màu xanh của hành và ngò làm dậy thêm mùi thơm đặc trưng. Nó cầm muỗng, vớt một ngụm nước óng ánh trên bề mặt của tô, rồi bắt đầu húp thử nước dùng.

"Ồ, là nước béo, ngon quá! Mẹ ơi ngồi xuống ăn Phở đi ạ, ngon hơn ở thành thị nhiều !"

Người mẹ tới quán, chào hỏi dì dăm ba câu, cẩn thận ngồi xuống ghế tre đã được nhóc Bảo bày sẵn. Không chờ nữa, nó nhanh chóng húp từng ngụm nước súp, cái vị ngọt nhè nhẹ, thanh tao, cùng với vị béo cứ thế mà chảy xuống thực quản. Nó nhẹ nhàng cắn một miếng bò tái, rồi đến nạm. Thịt không quá dai, tái vừa tới. Nó chưa từng ăn món Phở nào mà cảm thấy hạnh phúc như bây giờ và thoáng chốc tô Phở đầy ắp kia chỉ còn sót lại vài cọng ngò thơm. Nó trườn bụng, thở đều từng nhịp, bắt đầu quá trình tiêu hóa một cách sinh học.

"Dì thấy thằng nhỏ nó giỏi không, mới đây mà nó ăn hết tô người lớn rồi đó."

"Chu choa! Giỏi hen, nhỏ mà có võ, ăn mau khỏe rồi sau này đi làm kiếm tiền nuôi mẹ nha con."

Nghe được khen mà thằng bé nở mặt, nó nhanh chóng dọn ngay lại tô, đũa, muỗng đưa cho dì Năm và không quên lời mẹ dặn trước khi lên xe:

"Dạ con cảm ơn dì !"

Trong lúc nghỉ ngơi, Bảo nghe được cuộc trò chuyện giữa hai người. Thì ra cha của nhóc Bảo mất sớm do tai nạn nghề nghiệp khi nó được ba tuổi, dù là chỉ sống với mẹ nhưng nó chưa từng làm bà thất vọng từ học tập, công việc nhà cho đến cách sinh hoạt, chỉ có điều, tính cách già dặn của nó mới khiến bà bận tâm. Nghĩ về cha, tâm trạng nó có một chút gượng đi, món ăn mà nó ưa thích cũng chính là món đầu tiên mà cha làm cho nó ăn.

Phở đối với nó không chỉ đơn thuần là truyền thống lâu đời mà còn là món ăn tinh thần đẹp nhất còn sót lại trong kí ức của nó cùng với ông. Nó ngã người về sau, quay đi sang hướng khác, giữ cho những giọt nước mắt không kịp rơi xuống. Bởi vì nó đã hứa với cha sẽ không khóc, sẽ chăm sóc mẹ và cố gắng học thật tốt để không phụ lòng đấng sinh thành.

Bảo chuyển đến thôn này là vì khu nhà nó ở được thuê từ một cô chú tốt bụng. Cha và mẹ nó khó khăn lắm mới cưới nhau được và khi vừa sinh nó ra thì gia đình muốn lập nghiệp xa quê nên đã lên thành thị. Nó nghe mẹ kể rằng, ở thành thị không có người quen nên trong đêm tối, mò mẫm hết chỗ này tới chỗ khác, cuối cùng cũng được cô chú - hay còn gọi là bác với thím Tân, cho mướn một ngôi nhà ở tạm. Mà nhà đó vốn là của con gái họ, nếu sau này con gái bác với thím lấy chồng thì buộc gia đình nhóc Bảo phải trả lại nhà và điều đó cuối cùng cũng không thể tránh khỏi. Hai mẹ con dẫu biết thế vẫn không hề than trách gì, biết ơn họ còn không hết vì đã giúp nhà nhóc Bảo cho tới ngày hôm nay. "Bán anh em xa mua láng giềng gần" - đó là câu nói mà nó được nghe từ mẹ.

Một lát sau, mẹ của nhóc Bảo cũng bắt đầu đứng dậy, bà lấy trong ví ra một số tiền khá nhiều rồi đưa cho dì Năm. Giữa hai người dường như có mối quan hệ thâm tình nào đó mà cứ đùn đẩy nhau xấp tiền trên tay, không ai chịu nhường ai. Cuối cùng dì Năm cũng đành phải nhận lấy. Mẹ nó vui vẻ như mới vừa thắng được trò chơi ở hội chợ rồi nắm tay nó nói:

"Con chào dì Năm rồi mình đi nha Bảo."

"Dạ, thưa dì Năm con đi ! Mốt con ghé lại ăn nữa nha dì."

Thằng bé kháu khỉnh vẫy tay chào tạm biệt cái hàng quán lụp xụp đầu tiên mà nó đến rồi tiếp tục bước đi trên con đường đất đỏ vào thôn. Được một đoạn thì nó để ý mấy cái đèn được treo trên thân cây to lớn, hóa ra mấy cái đèn vàng này không phải là loại mà nó thường thấy. Nó phát hiện bên trong bóng đèn đó có lửa, y hệt như ngọn lửa đèn cầy mà nó dùng ở thành thị mỗi khi cúp điện. Nó níu tay mẹ lại để gắng hỏi cho bằng được:

"Mẹ ơi sao bên trong cái đèn kia có lửa vậy mẹ?"

Mẹ nó nhìn qua mấy cái đèn rồi bật cười khúc khích:

"Cái đó người ta gọi là đèn dầu, bên trong có dầu nên khi đốt sẽ có lửa."

"Ồ, cái đèn dầu này khác đèn thành thị quá mẹ ha?"

Lần đầu tiên trong đời, nó mới được biết đến đèn dầu, vì ở thành thị họ chỉ xài đèn điện và đèn cầy mỗi khi điện cúp. Trẻ em thường rất tò mò và Bảo cũng không ngoại lệ. Nó chạy tới chìa tay ra định sờ vào bên ngoài vỏ đèn thì mẹ nó kéo lại quát lớn:

"Bảo ! Không được nghịch! Con biết lửa gây bỏng không? Con mà hư là mẹ không thương nữa."

Bảo rút tay giật mình, nó chưa kịp định hình lại cảm xúc thì đã mếu máo khoanh tay:

"Con xin lỗi mẹ, mốt con không dám như vậy nữa... hức hức..."

Người mẹ lấy trong túi xách ra chiếc khăn nhỏ màu trắng, bà kéo tay nó ra khỏi mặt rồi từ từ lau nước mắt. Bà xoa đầu, rồi dỗ dành:

"Mốt con không được như vậy nữa nghe chưa, mẹ nói rồi đó."

Nó quàng hai tay qua cổ mẹ, nhẹ nhàng hôn vào hai gò má. Đó chính là lời xin lỗi chân thành của nó khi mắc phải sai lầm.

Trời đã tối hơn tất thảy, không gian yên tĩnh bỗng bị xao nhãng bởi những thứ tiếng côn trùng, cái lạnh của sương đêm dần buông xuống dày hơn. Con đường vào thôn chỉ còn mỗi hai mẹ con với cây đèn pin vẫn chiếu sáng trên tay. Dù tầm nhìn không còn rõ, nhưng Bảo biết rằng mình vừa băng qua một con dốc cao. Khi đặt chân lên tới đỉnh, mẹ nó chuyển hướng ánh sáng sang bên trái, trước mắt nó là một ngôi trường cấp một nằm lẳng lặng trong bóng tối, không đèn, không bảo vệ, không một bóng người. Nó lùi lại về sau, túm lấy cái áo của mẹ rồi che mặt lại. Nó vẫn còn thấy lạ lẫm với nơi đây.

Hai mẹ con đi xuống dốc, băng qua nhiều cánh đồng. Tiếng quạ thỉnh thoảng kêu lên từng đợt ớn lạnh và nhóc Bảo dừng lại một lúc, nó bắt đầu than rằng cảm thấy tê từ phía dưới bàn cho lên bắp chân. Mẹ nó ngồi xuống, lấy cái giỏ từ tay nó rồi choàng ra đằng sau nhấc eo lên, để nó nằm trên lưng mình.

Nhóc Bảo nằm trên lưng mẹ, không một phút nào mà nó thôi hỏi: "Mẹ ơi mình tới nơi chưa?"

Và trong lúc cơn buồn ngủ khép dần đôi mi nó lại thì phía xa xa có vài đốm sáng nhỏ màu xanh xuất hiện ...

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro