2

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tôi cười lạnh, trong không khí lạnh lẽo của bệnh viện tiếng cười càng thêm phần giá băng, tôi thấy mình như một hồn ma vất vưởng. Các y tá đi vòng qua tôi, không nhịn được mà liếc nhìn tôi mấy cái, lớn tiếng quát mắng. Họ ù ù bay đến tựa đàn ong thợ, vo ve bên tai tôi rồi bay đi. Tôi hiểu ý của họ, họ muốn tôi rời đi, đừng đứng đây cản đường lũ kiến.

Tôi đi. Cầm giấy báo tử của bố mẹ xuống tầng một của bệnh viện, đứng trước thùng rác và bắt đầu nôn mửa. Tôi nôn đến trời đất quay cuồng, máu cùng dịch bẩn trào ra từ cổ họng, như thể có thứ gì đó đang nghiền cơ thể tràn đầy nhựa sống này thành đống bùn nhão nhoét. Bảo vệ tới gần, tôi muốn bảo anh ta cút đi, nhưng cổ họng bị nghẹn lại bởi dịch dạ dày. Anh ta gọi một bác sĩ trẻ đến.

Tôi được chẩn đoán bị viêm dạ dày mãn tính, buộc phải lấy một hộp thuốc màu vàng. Tôi vẫn còn nhớ lời bác sĩ nói: "Anh còn trẻ như vậy mà, anh không muốn nửa đời sau phải sống trong đau đớn đâu."

Bác sĩ, tôi biết chứ. Mỗi đêm khi cơn đau nhức liên tục truyền đến từ dạ dày, tôi biết mình đã bị bệnh. Viêm dạ dày, loét dạ dày, thủng dạ dày, thậm chí là ung thư. Anh ta dặn dò tôi một cách chân thành như vậy, nhưng tiếc là tôi đã sớm không còn thiết sống nữa. Lúc tôi đau đớn nôn ói, cũng là lúc tôi cảm thấy mình gần với cái chết nhất, tôi thích tận hưởng khoảnh khắc sự sống nằm trên tay tử thần này.

Bởi vì ngoài nỗi đau, không còn có ai bầu bạn với tôi.

Trình Vạn Bằng khuyên tôi, Trương Chiêu, hãy buông xuống đi, hãy sống cho tốt vào. Tôi đồng ý một cách vô cảm. Ngày hôm sau liền xé nát giấy hòa giải mà cảnh sát đưa cho, bắt tàu đi đến một thành phố xa lạ theo địa chỉ sẵn có. Tôi muốn giải quyết mọi thứ trước khi chết, nếu không tôi sẽ không ra đi thanh thản được, tôi sợ rằng ngay cả uống canh Mạnh Bà mình cũng sẽ nôn ra.

Giật mình tỉnh giấc. Ánh trăng xanh thẫm đổ lên tấm ga giường, thật giống một con cá voi lưng gù, lồng ngực như có vật nặng hàng tấn đè lên. Tôi khó nhọc lê bước ra khỏi căn phòng nhỏ chỉ đủ kê một chiếc giường, ngồi xuống giữa đống đĩa chưa được dọn dẹp. Chiếc cặp của Trịnh Vĩnh Khang vẫn nằm nguyên ở cửa, tôi đã lật qua vài cuốn sách trong đó rồi bỏ vào lại, nhưng lúc này tôi lại có chút tò mò.

Không phải cố ý, thẻ học sinh của em ấy kẹp trong sách, rơi xuống khi tôi mở ra. Trên thẻ có ghi địa chỉ nhà: khu chung cư X, tòa ba, đơn nguyên* một, căn hộ 403.

*Đơn nguyên là tập hợp các căn hộ cùng sử dụng một tổ chức giao thông thẳng đứng (cầu thang bộ, cầu thang máy, vv).

Địa chỉ này quá quen thuộc.

Một luồng điện chạy thẳng vào não tôi, tôi lảo đảo đứng dậy lao vào phòng, lấy từ ngăn kéo ra đơn triệu tập đã nhàu nát, ố vàng, ở trên rõ ràng có ghi dòng chữ y hệt: tòa ba, đơn nguyên một, căn hộ 403.

Sáng chủ nhật.

Tôi cứ ngóng đợi Trịnh Vĩnh Khang đến. Chiếc cặp của em vẫn được đặt ở vị trí trong góc nhà, không khác gì lúc em ấy rời đi. Ánh nắng len mình vào trong, mãi đến chiều muộn, em mới lững thững đến.

Em đã thay một bộ thường phục, tóc tai bù xù, mắt sáng lên khi nhìn thấy chiếc cặp ở góc nhà. Em mở cặp ra kiểm tra, tôi đứng bên cạnh nói vào: "Không mất gì đâu, cặp của em đã ở đây cả một ngày rồi."

Em đứng dậy, thành khẩn cảm ơn tôi, đôi mắt tròn xoe chứa đầy sự phấn khích và vui mừng khi tìm lại được đồ bị thất lạc. Giọng em có phần mềm dịu, nghe rất ngoan ngoãn, nhưng lại khiến tôi nghĩ đến một con trăn bị lột da.

"Nhà em ở ngay tòa nhà đó, đơn nguyên một, tầng bốn," Em chỉ tay qua ô kính xanh của cửa tiệm, về phía tầng bốn của tòa nhà màu xám: "Anh xem, chính là chỗ đó. Nếu anh có thời gian nhất định phải đến nhà em chơi, dì em sẽ rất vui."

Tôi nghẹn lời. Tôi có thể thản nhiên đồng ý, giả vờ như không có chuyện gì, chỉ đơn thuần đến thăm nhà, hoặc có thể che giấu suy nghĩ thật của mình, chơi trò "rước giặc vào nhà" với em ta. Ai mà để tâm chứ. Tôi cười nhạo chính bản thân.

Dù sao tôi cũng sẽ rời đi, cùng với trận tuyết lớn của mùa đông năm nay, thả mình xuống đất rồi tan biến.

Tôi cười: "Chúng ta còn chưa quen biết nhau, em yên tâm mời một người lạ đến nhà sao?"

"Hôm nay chúng ta coi như đã quen biết rồi."

Em cười toe toét với tôi, nửa khuôn mặt đắm mình trong ánh tà dương, hàng mi chớp chớp, nói với tôi rằng em ấy tên là Trịnh Vĩnh Khang.

"Anh tên Trương Chiêu, đúng không?"

Tôi im lặng, nhìn vào em đăm đăm, không chớp mắt. Em ấy không nên biết tên tôi.

"... Em nghe ông chủ tiệm trái cây nói vậy." Em chớp mắt nói thêm.

Tôi nhớ ra mấy hôm trước mình đúng thật là có ghé qua cửa hàng trái cây ở góc phố vài lần.

"Ừ. Em cứ gọi tên anh là được."

Tôi ngồi xổm xuống lau sạch bể cá, em ấy cũng ngồi xuống bên cạnh tôi, nhìn tôi, rồi lại nhìn những con cá đang bơi lội trong bể. Cá bảy màu do tôi nuôi rất đẹp, đuôi dệt thành một dải lụa đen bóng. Tôi đổ một ít thức ăn ra tay, nghiền nhỏ rồi rắc lên mặt nước, con cá bảy màu trong bể nhanh chóng đớp lấy những mảnh thức ăn đó.

"Sao anh chỉ nuôi một con thế?" Trịnh Vĩnh Khang lẩm bẩm.

Tôi rũ mắt, đặt đồ trên tay xuống, nói bóng gió: "Chỉ còn lại một con này thôi."

Sau vụ tai nạn, tôi ngồi trong đồn cảnh sát ba ngày hai đêm, không thấy bóng dáng của kẻ gây án đâu. Khi trở về nhà, nước trong bể cá đã bốc hơi gần hết, chỉ còn con cá bảy màu đen này thở thoi thóp. Tôi cẩn thận cho nó vào một chiếc lọ thủy tinh đầy nước, vài tiếng sau, nó như có kì tích mà chuyển động lại.

Trịnh Vĩnh Khang dường như không nghe thấy, mắt em vẫn dõi theo con cá bảy màu đen đang bơi vài vòng trong nước rồi em lại ngẩng đầu lên nhìn tôi. Tôi cảm thấy kỳ lạ thậm chí còn hơi mất tự nhiên khi bị em ấy nhìn chằm chằm, tôi ngẩn người, đứng dậy đuổi khách: "Còn chuyện gì nữa không?"

Em lắc đầu, ôm cặp sách quay người, chào tạm biệt tôi. Khoảnh khắc em khuất khỏi tầm mắt, trái tim đang thắt chặt của tôi cuối cùng cũng đập lại bình thường, tôi hít vào một hơi thật sâu.

Có gì đó không ổn, nhưng tôi không thể nói rõ là gì. Tôi luôn cảm thấy đôi mắt của em vừa như mắt rắn, lại vừa như một chú cún con cô đơn, đáng thương. Tôi nằm dài trên ghế sofa, uống hết ngụm bia cuối cùng, chờ cho bóng tối dần dần nuốt chửng lấy mình.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro