Chương 1

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Việt Phủ

Được cho là một trong những nơi bí ẩn nhất trong Tử Cấm Thành.

Chẳng rõ trong đó có ai sống hay không, nhưng mỗi ngày đều thấy vài nô tài đem quần áo, thức ăn vào trong đó.

Việc phi tần hay phạm nhân bị nhốt trong cung cấm, ngày ngày có người mang đồ sinh hoạt vào phủ đã chẳng còn lạ gì, nhưng vấn đề ở đây là, những bộ quần áo đó... là đồ của nam nhi?

Không những vậy, qua vài ngày theo dõi, China còn để ý thấy mấy bộ đồ nay không hề bình thường. Nó cũng mang đường nét, kiểu dáng na ná Hán phục, nhưng nếu nhìn kĩ thì lại có một nét gì đấy rất riêng biệt, như thể đến từ một vùng đất nào đó từng là thuộc địa của cha anh trong nhiều năm vậy.

Dưới triều đường nhà Thanh, China là thái tử, là con trai của Thanh đế. Là người trong tương lai sẽ tiếp quản giang sơn gấm vóc của phụ thân mình. Là kẻ văn võ song toàn ai ai cũng kính nể, được cho là "dưới một người trên vạn người".

Nhưng suy cho cùng, anh cũng chỉ là một cậu thiếu niên mười lăm tuổi. Không hơn cũng chẳng kém.

Ngước nhìn lên bầu trời đêm vời vợi, cái ý nghĩ muốn lẻn vào Việt Phủ kia cứ len lỏi trong tâm trí anh.

Chỉ là suy nghĩ thôi, China nào dám tự tiện như vậy.

Thái tử cũng phải tuân theo phép tắc, không phải muốn đi đâu cũng được.

Đêm đó, trong giấc chiêm bao.

China mơ thấy một nam tử lạ kỳ, ngồi vắt vẻo trên cây bạch đào giữa rừng tre xanh thẳm không rõ lối ra.

Anh chỉ nhìn từ đằng sau thôi, mái tóc ngắn vừa chạm gáy, nhìn không rõ mặt.

Không khí yên lặng lạ kì, tới nỗi nghe rõ cả tiếng gió, tiếng tre xào xạc, tiếng từng cánh hoa nhẹ rơi xuống nước. Cả tiếng thở, tiếng trái tim anh đang đập liên hồi vì hoang mang nữa.

Tử Cấm Thành xưa nay vốn ồn ào, tại sao lại có một nơi thế này nhỉ?

Giọng anh vang lên giữa không gian tĩnh mịch đó, như để thu hút sự chú ý của người phía trước.

Nhưng âm thanh như bị hút vào tiếng gió, tiếng lá, nam nhân phía trước lại như chẳng nghe thấy gì.

Hoảng quá, anh nghĩ chỗ này bị ám mất rồi.

China quay đầu chạy một mạch, cố tìm lối thoát ra khỏi nơi kì lạ đó.

Tóc anh vướng vào rặng tre, sợi dây anh thường dùng để búi tóc bị mắc lại trên cây tre già.

Anh cắm đầu chạy, chạy mãi. Chẳng biết từ bao giờ tóc tai đã rũ rượi hết cả.

Nhưng nơi này cứ như mê cung vậy, xung quanh toàn tre là tre, chạy mãi chẳng thấy lối ra.

Giật bắn mình tỉnh dậy, mồ hôi đã ướt đẫm trán.

Người xưa quan niệm rằng mỗi giấc chiêm bao đều mang một điềm báo, anh cũng tò mò không biết những vì tinh tú kia muốn gửi gắm điều gì qua giấc mơ kì lạ ấy nhỉ?

Người ta sẽ quên đi 90% giấc mơ của mình khi tỉnh lại, anh dù là thái tử nhưng vẫn con người, vẫn phải thuận theo lẽ thường tình.

Quên đi rừng tre xanh, quên luôn cả chuyện mình bị lạc.

Thứ duy nhất đọng lại trong đầu China liên quan đến giấc mơ ngắn ngủi đó đơn thuần chỉ là bóng lưng người thanh niên ngồi trên cây bạch đào nở rộ.

Thiết nghĩ liệu đâu đó trong Việt phủ, giữa những khóm tre già kia liệu có thực sự tồn tại một cây hoa trắng mang dáng vẻ yêu kiều như trong giấc mơ của anh không nhỉ?

Luẩn quẩn bên những dòng suy nghĩ mãi chẳng thấy hồi kết, anh vắt tay lên trán đã thấm đẫm mồ hôi, ngẩng đầu nhìn qua khung cửa gỗ.

Ánh trăng dịu dàng theo đó là cơn gió hè mát rượi, thổi cho những cành mẫu đơn tạo tiếng xào xạc.

Nghĩ đến các hoàng tử khác được ngủ trong vào tay mẫu hậu, duy chỉ có thái tử là China vì mẫu thân mất sớm mà phải tự thân vận động.

Một tay lo chuyện chính sự, chuẩn bị nối ngôi phụ hoàng. Tay kia lo chuyện hậu cung, cố gắng bảo vệ bản thân để tránh rơi vào những mánh khóe của những phi tần khác.

Từ ngày mẫu thân anh bị quý phi và đám tiện tì trong cung bức tử, phụ thân lại chẳng thèm can thiệp, China đã nhận ra rằng chốn từ trên triều đường tới chốn thâm cung, ngoài bản thân anh ra thì chẳng kẻ nào đáng để anh tin tưởng.

Cứ thế, China lại thiếp đi, giữa những kí ức đau buồn trong quá khứ, giữa câu hỏi to đùng về rừng tre xanh và bóng lưng kì lạ nọ.

Thế rồi qua sáng hôm sau, khi ánh bình minh dần ló rạng, ánh nắng cũng vì thế mà hắt lên khung cửa sổ. Sương sớm cùng cái tiết trời man mát hôm qua cũng chẳng còn, người hầu trong phủ cũng chuẩn bị bữa sáng cho anh.

Vẫn là cái vị nhạt nhẽo ấy, đồ ăn mấy người này nấu cũng chẳng khác gì cuộc sống của anh lúc này. Vô vị.

So với canh củ cải trắng mẫu thân anh làm thì mấy món này chẳng bằng một góc. Thở dài rồi buông đũa, China tiến tới bàn sách tính giải quyết đống tấu sơ dài dằng dặc mà đám quan võ dâng lên.

Mẹ kiếp, anh đây mới chỉ là thái tử thôi, đã lên ngôi quái đâu mà Qing lại bắt anh ngồi giải quyết đống giấy tờ chết tiệt này cơ chứ.

Như một thói quen, đôi bàn tay thon dài thuần thục mài mực, chấm cây cọ nhỏ rồi đặt lên giấy trắng.

Giai nhân bên nghiên mực, khung cảnh tưởng chừng như rất đỗi bình thường này lại vì dung nhan của nam nhân cầm bút kia mà khiến người ngoài mê muội, không một áng văn thơ nào có thể tả siết.

Nhưng than ôi, cái nắng mùa hạ ngoài kia như muốn thiêu đốt vạn vật, dù chẳng vận động gì mấy nhưng bên mái tóc dài đã thấm mồ hồi, đành cột tạm lên vậy.

Anh thuận tay đưa vào trong tay áo bên trái trong khi mắt vẫn chẳng rời đống giấy tờ, rõ ràng là thường để dây buộc tóc trong này, giờ lại đi đâu mất?

China vội rời khỏi bàn, hết lật chăn, gối rồi tới đống sách, đống quần áo.

Lạ thật, thái tử xưa nay nổi tiếng gọn gàng ngăn nắp, sao giờ có mỗi cái dây buộc tóc cũng tìm không ra?

"Ừ thì không có cái này mua cái khác, sao phải khổ công tìm kiếm làm gì?" nhiều người hẳn sẽ nghĩ như vậy, nói thật để tìm ra một sợi dây thay thế cũng chẳng phải khó khăn gì. Nhưng với China, sợi dậy đó thực sự rất quan trọng.

Nó được anh lén cắt từ bộ y phục mẫu thân anh hay mặc nhất, trước khi an táng đống y phục đó cùng thi hài của bà.

Nó như một món kỉ vật, là sợi dây liên kết âm dương, thể hiện rằng mẫu thân vẫn âm thầm dõi theo anh.

- "Mẹ kiếp..."

Sau một hồi kiểm tra từng ngóc ngách của Trung phủ nhưng không thu được kết quả gì, China bất lực thở dài.

Rốt cuộc là ở đâu kia chứ?

Tìm mãi chẳng thấy, anh đành tiếp tục công việc với mái tóc rũ ngang lưng. Chịu nóng chút còn hơn phải búi tóc bằng sợi dây khác.

Nếu như biết có ai cố tình dở trò chọc ghẹo hay giấu sợi dây kia đi, chắc chắn China sẽ hành kẻ đó cho ma không ra ma, người không ra người. Một trăm trượng với những tên đó dường như quá ít nhỉ?

Thoáng cái đã tới chiều, rồi chập choạng tối. Tấu chương đã làm xong, thái giám cũng tới đem gửi chúng cho Qing, chỉ có dây cột tóc là chưa tìm thấy.

Dùng điểm tâm mà lòng chẳng yên, đó là thứ duy nhất mẫu thân anh để lại, lỡ mà mất thật chắc China nổi khùng quá.

Người xưa truyền miệng mất đồ không rõ nguyên nhân là bị ma giấu, không lẽ ma giấu thật?

-"Con ma nào ăn gan hùm dám lẻn vào phủ thái tử trộm đồ, để bổn vương gọi quốc sư lập đàn trừ tà chết nhà ngươi"

Cơ mà cũng lạ, sao cứ nghĩ đến ma giấu, China lại liên tưởng đến cậu thanh niên trong giấc mơ hôm qua nhỉ? Nó có liên quan gì đến nhau sao?

Không phụ sự nghi ngờ, tối hôm đó, giấc mơ kia lại tiếp tục lặp lại.

Rồi vài hôm sau nữa, nó cứ thế đeo bám không thôi.

Một, hai lần thì còn bảo không nhớ, chứ hàng chục lần thì quên sao nổi?

China biết rằng trong giấc mơ, khi cố tìm lối ra khỏi rặng tre già, sợi dây búi tóc đã mắc lại trên đó.

Mà trong Tử Cấm Thành này, lại chẳng nơi nào có trồng tre cả.

Nó phù hợp với khi hậu phía Tây Nam, làm sao sống được trên cái đất Bắc khắc nghiệt này?

Chỉ có một nơi duy nhất được "đồn" là có trồng tre... 

Việt Phủ.

Nghĩ đến đây mặt anh biến sắc, tự hỏi rằng có nên làm trái thiên lệnh, lẻn vào cung cấm để tìm đồ cũng như giải quyết nỗi tò mò bao ngày qua hay không. Dù là trong giấc mơ, nhưng biết đâu được. Nhỡ nó là điềm báo thì sao?

Gió Đông Nam sượt qua mái tóc dài, quái lạ.

Trong phòng kín thì làm sao có gió? Cửa sổ đâu có mở? Mà trùng hợp thay, Việt Phủ cũng nằm ở hướng gió vừa thổi.

Không, chắc chắn không phải trùng hợp... Nghĩ kĩ rồi, cho dù có lãnh án tử, anh cũng phải liều một phen.

Chiều hôm ấy trời lặng gió, nắng gắt mùa hạ cũng nhàn nhạt hẳn.

Nhân lúc thị nữ trong Tử Cấm Thành đang giờ nghỉ trưa, không ai chú ý đến China.

Thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Nam nhân ấy nhảy xuống từ bức tường cao 8 thước, thành công trốn ra khỏi Trung phủ mà không đả động đến đám lính canh.

Men theo con đường mòn bí mật mà anh vô tình phát hiện ra trước đó, sau khi xuyên qua đám cây già che khuất, Việt Phủ ngay trước mắt mà như xa tận chân trời, là vì bản thân đang làm việc khuất tất, hay do cái cảm giác hồi hộp khó tả trước những bậc thang phủ rêu xanh?

Mỗi bậc thang đi lên lại là một lần China quay đầu lại đằng sau. Cái cảm giác lén lút làm việc sai trái ấy, tuy có hơi sợ thật, nhưng vui.

Nghe bảo mấy cung nữ chỉ đem y phục và lương thực đến mỗi tháng một lần, đã ba ngày kể từ lần cuối anh thấy họ đến đây. Vậy tại sao cánh cửa kia lại chỉ khép hờ chứ không khóa chặt? Liệu có phải do người bên trong già yếu, tàn phế đến mức không đi lại được?

Không, nếu như vậy càng phải khóa cửa đề phòng thích khách. Nhưng ngược lại, nếu người sống trong đó còn đủ sức tự vệ, tại sao chưa một lần xuất hiện ở bên ngoài?

Một chút lo sợ đã kéo cánh tay định đẩy cửa của China lại, anh do dự một hồi. Nhưng thiết nghĩ đã thuận lợi đi được tới đây, lại chỉ vì chút tâm tư cá nhân mà lại bỏ quên "đại sự", quả thật không ra dáng một quân vương.

Nhắm mắt đánh liều, cánh cửa cung cấm mở toang.

Trước mắt anh là một bức tường gạch lớn, chính giữa là một ô cửa hình vòng cung. Những viên gạch đỏ phủ rêu như thách thức thời gian, tuy đã nhạt màu theo năm tháng nhưng vẫn chẳng hề sứt mẻ.

Qua cánh cửa vòng cung ấy, "Việt Phủ" trong lời đồn của thiên hạ dần hiện ra.

Một căn nhà ba gian với kiến trúc cổ kính, một giếng nước cũ, một bàn trà nhỏ với ấm trà còn uống dở.

- C-có ai ở đây không?

Giọng anh vang lên giữa tiếng cây lá xào xạc, tiếng gió thoảng.

Giống như trong giấc mơ ấy...

Kìm nén nỗi bất an trong lòng, China đi xung quanh quan sát, tìm rặng tre già cùng chiếc dây buộc tóc kia.

Không có mùi nước hoa, lại thêm cây kiếm dựng trước thềm nên anh càng khẳng định:

Người trong phủ là nam nhân.

Lần theo lối nhỏ sau hè, một con đường đất dẫn vào một rừng tre sâu hun hút không rõ đích đến. Chẳng biết ma xui quỷ khiến ra làm sao, anh cứ thế không chần chừ tiến thẳng vào trong.

Đường đất, đá gập gềnh khó đi, lại thêm đôi chân của kẻ từ bé tới giờ chỉ đi đường được rải sẵn ngọc ngà, nhưng có lẽ trí tò mò đã lấn át đi lý trí, anh vẫn cứ thế đâm đầu.

Sau vài cú vấp ngã, trên đôi tay chưa một lần một lần vấy bẩn đã dính bùn đất, đầu gối chưa một lần chịu đau nay cũng đỏ lên vì trầy xước.

Rừng tre này quả đúng như lời đồn, lá tre xanh mơn mởn, cây nào cây nấy thẳng tắp chọc trời. Giữa rừng chỉ có con đường này là lối đi duy nhất, hai bên phủ kín toàn tre là tre.

Loài cây chỉ phù hợp khí hậu phương Nam này, nay vẫn tươi tốt ở cái đất Bắc khắc nghiệt, thật kiên cường biết bao.

Đi mãi cũng tới, cuối con đường là một khoảng đất rộng, nơi một cây anh đào trắng nở rộ bên một ao cá nhỏ.

Bên cạnh ao là một bàn sách, cùng một bóng lưng đang thong thả cầm bút lông viết gì đó.

Tưởng như có thể cảm nhận từng cánh hoa rơi chạm mặt nước, từng chuyển động của đàn cá dưới ao, tiếng gió đưa làm từng cành tre va vào nhau, cả tiếng thở của anh, và cả của người thanh niên kia nữa.

Khung cảnh này...

Chẳng phải lại rất giống trong giấc mơ đó sao?

...


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro