Chap 17

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Bà Thiện như thường lệ đem vào phòng cho Thanh ít trái cây tươi và sữa. Thấy cậu Lưu đang ngồi chễm chệ trên bàn học của cháu, bà nạt:

– Mẹ đã nói với anh bao nhiêu lần rồi, không có việc gì làm thì ở yên trong phòng mình, đừng làm phiền cháu nó.

– Con là con trai mẹ mà mẹ đối xử không công bằng gì hết á.

– Cái thằng này...

Cậu Lưu nhanh nhẹn né được cái đánh của bà Thiện. Thanh cười cười nhìn cậu dẩu môi đi ra ngoài. Rồi sực nhớ tới chiếc điện thoại, nhớ lại những lời bác Thu đã nói với cậu Lưu, nó lén nhìn bà Thiện. Cậu Lưu kể, từ ngày ông ngoại qua đời, một mình bà nuôi dưỡng ba người con, cũng tự mình đương đầu với bão tố của cuộc đời. Cái nghèo cứ mãi đeo đẳng, anh Trường học hết cấp hai đã phải nghỉ học để ở nhà kiếm tiền phụ giúp gia đình. Chị Thắm sau đó cũng nối tiếp anh, mặc anh hết lời động viên, chị vẫn quyết định nhường toàn bộ cơ hội đến trường cho cậu em út. Cậu Lưu đã từng là một học sinh giỏi cấp tỉnh, cậu ham học và nuôi ước mơ thi đỗ trường Y, một ngôi trường nổi tiếng ở trên thành phố. Nhưng oái oăm thay, vào đầu năm học lớp mười, ước mơ trở thành bác sĩ của cậu đã phải  khép lại khi bà Thiện không may gặp phải một cơn tai biến và sau đó đã phải mất một khoảng thời gian dài để tập phục hồi chức năng. Cuộc sống thiếu thốn đủ bề, vì không muốn gánh nặng kinh tế ngày một đè nặng lên vai anh chị nên cậu Lưu sau đó cũng thôi học. Thành ra nhà có ba anh chị em nhưng chẳng ai được học đến nơi đến chốn khiến bà Thiện suốt nhiều năm qua luôn phải sống trong mặc cảm vì không thể giúp được gì cho các con. Niềm an ủi lớn nhất của bà vào lúc này có lẽ chính là việc đứa cháu trai đang ngày một học lên. Mấy lần hay tin nó bỏ học, mặc dù không nói ra nhưng ai cũng biết bà đã buồn đến thế nào?  Bây giờ, Thanh rất muốn nói vài lời tình cảm để chuộc lỗi với bà. Ngặt nỗi, trước giờ nó không giỏi văn vở nên cũng chẳng biết phải nói gì cho được. Lưỡng lự mãi nó mới dám lên tiếng:

– Bà ơi!

– Ừ, sao thế cháu?

Nghe thấy giọng bà, Thanh lại khó xử. Bà Thiện đang bận trải lại ga giường cho cháu nên đã không thấy được vẻ mặt của nó lúc này. Chờ lâu mà không nghe nó nói thêm điều gì, bà đành hỏi lại:

– Có chuyện gì thế cháu?

– Dạ, cũng không có gì. Cháu chỉ định nói là...cháu...ngày mai cháu sẽ thi tốt nên bà đừng lo gì cả.

Nói rồi lại xấu hổ, Thanh bèn cắm mặt trở lại với bàn học. Bà Thiện biết tính cu cậu nên dù trong lòng rất mừng rỡ cũng chẳng dám thể hiện cảm xúc ra bên ngoài, nhiều lắm bà cũng chỉ cười bảo:

– Cháu bà giỏi thế bà đâu có lo. Đừng quan tâm đến kết quả, chỉ cần mọi việc cháu làm hết khả năng của mình là được rồi.

– Vâng ạ.

– Sáng mai bà luộc cho mấy quả trứng gà ăn rồi hẵng đi thi ha?

Thanh bỗng dưng cười ngất:

– Trời ơi trời! Bà mà luộc trứng cho cháu ăn là cháu bị “o” điểm luôn á bà?

– Ý cháu là “o tròn như quả trứng gà” phải không?

– Đúng rồi bà!

– Vậy nếu cháu ăn chuối cháu sẽ bị...bị gì ấy nhỉ?

– Dạ. Trượt vỏ chuối ạ!

– Chết thật! Thế cháu bà mai ăn gì được đây?

– Mình ăn cơm nóng đi bà. Cơm nóng với muối vừng của bà là tuyệt cú mèo luôn.

– Ừ. Ăn cơm nóng chứ không ăn trứng, không ăn chuối nữa. Bà không để cháu trượt đâu.

Nghe tiếng cười đùa giòn tan của hai bà cháu ở căn phòng đối diện. Cậu Lưu cảm giác như mình bị bỏ ngoài cuộc vui ấy. Không cam lòng, cậu lại lật đật chạy sang. Nhắc về chuyện thi cử khi nãy, cậu thò đầu vào giễu cợt:

– Mày đi ra vườn đậu tuốt hết lá đậu của bà mà ăn Thanh ạ. Mày ăn hết lá đậu kiểu gì mày cũng đậu chắc luôn.

– Cậu xàm xí!

– Ê mày. Mày nói ai xàm?

Thấy cậu Lưu trừng mắt, thằng Thanh hướng ánh nhìn vô tội nhìn bà Thiện. Bà chẳng cần phân bua gì, lập tức đi ra cửa véo tay cậu khiến cậu đau điếng. Cậu không chịu liền giãy nảy kêu la:

– Mẹ đánh con hoài vậy? Mẹ cứ thế là mẹ chiều hư thằng Thanh đấy.

– Mày lớn rồi mà cứ như trẻ con thế hả? Mau về phòng cho mẹ.

Bà đích thân hộ tống cậu về nên cậu không có cơ hội xử tội thằng cháu hư hỏng. Nó được sự bao bọc của mọi người nên càng ngày càng không coi cậu ra gì khiến cậu tủi thân lắm. Cậu nghĩ nếu cậu còn là một đứa trẻ con thì thế nào cậu cũng oánh nó một trận cho bõ tức. Nhưng cậu lớn rồi mà, cậu đâu làm thế được. Hơn nữa, nó lại là đứa cháu cậu thương yêu nhất, tuy hai cậu cháu thường ngày khắc khẩu, cậu toàn mắng nó là đứa vô tâm vô tính. Vậy nhưng những lúc nó đau ốm bệnh tật, cậu lại là người đầu tiên lo sốt vó đến độ không làm được việc gì. Trưa nay ở xưởng cước, cậu ướm giờ nó thì xong môn đầu tiên mới gọi điện về hỏi thăm. Cậu gọi nó không được thì có vẻ sốt ruột, không biết đề thi với nó có ổn không?  Với lượng kiến thức đã nạp vào đầu, ngày thi đầu tiên của Thanh trôi qua khá là suôn sẻ, ngoại trừ việc nó vẫn bị lôi ra làm phi vụ cá cược muôn thuở của đám bạn không bao giờ có thiện cảm. Và, nó cảm thấy mệt mỏi.

Bà Thiện đã nấu những món mà cháu trai thích ăn nhất đợi nó trở về sau ngày thi quan trọng. Kết quả là sự chu đáo của bà chỉ đổi lấy sự ủ dột trên gương mặt thằng Thanh. Vì cậu Lưu ăn cơm ở xưởng nên bữa trưa chỉ có hai bà cháu. Thanh cắm đầu cắm cổ ăn một hơi xong thì dừng đũa, không ăn thêm gì nữa nhưng cũng không chịu đứng dậy, nó ngồi như muốn ăn vạ bà ngoại. Biết cháu có tâm sự, bà khẽ hỏi:

– Cháu có gì muốn nói với bà đúng không?

Thanh không đáp, lúc sau nó đột nhiên hỏi bà:

– Có phải cháu vô tích sự lắm phải không bà?

– Nếu bà biết ai nói cháu như vậy bà nhất định sẽ cho họ một bài học.

Thanh không màng, nó vẫn tiếp tục nói:

– Cháu vừa không có bố, vừa ép mẹ phải bỏ vào miền Nam, cháu lớn từng này vẫn làm mọi người phải lo lắng. Cháu học không giỏi, hạnh kiểm cũng không tốt, mang tiếng xấu toàn trường, cho dù giờ cháu có cố gắng thế nào cháu cũng sẽ rớt thôi. Cháu vô tích sự lắm phải không bà?

– Cháu chỉ đang thuật lại những lời người ta nói với cháu thôi chứ đâu phải là tự cháu nói về bản thân mình.

Bà Thiện vui vẻ đáp trong sự ngạc nhiên của Thanh. Nó buồn nãy giờ mà bà không để tâm chút nào thật sao? Mà có khi bà còn chẳng hiểu nó đang nói chuyện gì nữa cũng nên. Nó buồn bã đứng dậy nhưng bị bà giữ lại, lần này bà hỏi một cách thẳng thắn hơn:

– Cháu đã bao giờ cho rằng bản thân mình  vô tích sự chưa?

Thanh ấp úng: – Cháu...đã từng ạ!

– Đã từng? Còn hiện tại thì sao?

– Cháu...

– Con người sống trên đời không ai lại muốn mình trở thành người tồi tệ mức ấy đâu cháu ạ. Nhưng mà, cuộc đời cũng có những quy định riêng mà chúng ta bắt buộc phải tuân theo. Ví dụ như người ta nói cháu vô dụng thì cháu chính là người vô dụng. Còn nếu cháu nói bản thân mình không vô dụng không có nghĩa cháu thật sự không phải là người vô dụng mà khi ấy cháu còn cần phải được rất nhiều người công nhận nữa. Thật ra bản thân mỗi chúng ta đều như những câu đố mà bất kỳ ai cũng có quyền đưa ra những đáp án không giống nhau, nhưng đáp án chính xác thì luôn chỉ có một và cũng chỉ có bản thân câu đố ấy mới có quyền quyết định. Vậy nên mặc ai nói gì thì nói, cháu đừng mãi buồn về những điều đó nữa, được không?

Thấy cháu cứ ngồi bần thần, bà Thiện quệt vội giọt nước mắt xúc động rồi cười bảo:

– Bà lại nói linh tinh nữa rồi, cháu không cần phải hiểu đâu. Chỉ cần mỗi ngày cháu đều cố gắng thế này là không ai dám coi thường cháu của bà nữa cả.

Thanh phản ứng:

– Cháu hiểu hết đấy. Cháu cũng biết cái gọi là “ miệng lưỡi thế gian” chả tốt đẹp gì sất.

Bà Thiện bật cười xoa đầu nó:

– Cha bố anh, nói cứ như ông cụ non vậy.

– Ơ, thế chả đúng hả bà?

– Ừ. Lưỡi gì thì lưỡi cũng sắc và đáng sợ hết. Nếu chẳng may bị nó cứa vào cháu cũng phải kiên cường để chịu đựng được tổn thương. Rồi dần dần, cháu sẽ không còn là đứa trẻ nữa, cháu sẽ lớn lên, sẽ trưởng thành, khi ấy cháu sẽ cảm thấy chuyện buồn ngày hôm nay thật ra cũng chẳng đáng là gì cả.

– Sao có thể ạ? Mỗi sáng mở mắt ra, cháu đều cảm thấy việc đến trường thật khủng khiếp.

Thanh khoanh tay đặt lên bàn, ngoan ngoãn thú nhận như thể mới vừa gây ra chuyện gì sai trái. Có thể nó không ý thức được việc bản thân đang dần mở lòng đón nhận sự quan tâm của mọi người. Nó cứ ngồi im lặng như thế, chuyên tâm đến mức chẳng biết bà ngoại đã lặng lẽ rời đi từ lúc nào. Mà ngộ lắm! Sau khi bừng tỉnh lại, nó cảm thấy nhẹ nhõm hơn hẳn, dăm ba câu khích bác của bạn bè chỉ còn đọng lại trong đầu nó được xíu xiu. Nó bật dậy, chạy xuống nhà tắm vỗ nước lên mặt, sau đó thì phóng xe đến trường. Suốt dọc hành lang dẫn đến phòng thi, Thanh chạm mặt không ít bạn cùng lớp, nhưng đa phần đều phớt lờ sự xuất hiện của nhau. Mà nếu có đứa kêu tên nó, nó cũng làm như không nghe thấy. Thằng Hoàng bị bơ không chút kiêng nể thì lửa giận bốc lên ngùn ngụt, nó đành phải chạy lên chặn trước mặt thằng Thanh, vênh váo hỏi:

– Mày bị điếc hay gì mà tao gọi mày không thèm trả lời thế hả?

– Tao với mày thì có chuyện quái gì hay ho để nói với nhau khi nào đâu mà gọi tao làm gì? Với cả, tao cũng không có nghĩa vụ phải trả lời mày, thế thôi!

Hoàng tức lắm nhưng thiết nghĩ đang có chuyện cấp bách nên nó mới chịu lùi một bước. Hạ giọng, nó hỏi:

– Mày ở gần nhà Nhật Hạ có biết nhà nó xảy ra chuyện gì không?

Thanh nhăn mặt:

– Bộ mày hết chuyện để kiếm với tao rồi à? Chuyện nhà nó  mày không hỏi nó chứ hỏi tao làm cái mẹ gì?

– Tại nay tao thấy nó khóc, mắt nó sưng vù lên tao mới hỏi.

Thằng Hoàng đột nhiên gắt lên. Trông bộ dạng ngu ngơ chết vì gái của nó mà Thanh thấy hả dạ vô cùng. Bỗng dưng nó nảy ra một suy nghĩ, nó hắng giọng rồi trang nghiêm bảo:

– À, vậy tao biết vì sao nó khóc rồi? Ghé tai lại đây tao nói nghe.

Hoàng hớn hở gật đầu. Nó không suy nghĩ gì mà răm rắp làm theo lời thằng Thanh. Thanh chỉ chờ có thế, nó cũng ghé miệng lại nói nhỏ:

– Tại nó buồn!

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#latdat