Đổ bệnh

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Cứ thế cứ thế từng sự quan tâm có đôi chút phần phiền nhiễu của cậu Vinh len lỏi và trở thành một phần cuộc sống thường ngày của Khôi. Đã từ bao giờ khi đến chợ làng Vạn, anh luôn vô thức ngóng đợi giọng nói của cậu trai nọ. Và rồi khi thấy Vinh, chiếc giỏ đi chợ của Khôi bỗng chốc lại nằm trên tay người kia, anh cứ đi phía trước chọn hàng còn Khôi phía sau lại đi theo mải miết kể câu chuyện hàng ngày của bản thân, đôi lúc lại chêm vào những câu đùa hài hước. Sự ngây ngô của cậu Vinh đã khiến mối quan hệ của họ thêm gần gũi hơn.

Có lẽ là một người bạn, một người bạn để lắng nghe tâm sự, chia sẻ muộn phiền. Khôi nghĩ vậy. 

Và rồi đến một ngày, rảo chân đến cái chợ làng Vạn, anh bất chợt nhận ra một điều bất thường. Cái đuôi nhỏ phiền nhiễu kia đâu rồi ? Cậu Vinh nay không còn đứng ở phiên chợ đợi anh nữa à. Sự khác thường này khiến Khôi hôm nay chợt hoang mang và có chút trống vắng. Mất đi cái chất giọng nheo nhéo bên tai, mất đi những câu chuyện cười rôm rả của Vinh, ngày đi chợ bữa nay có phần tẻ nhạt và nhanh hơn mọi khi. Tâm trạng của Khôi cũng trùng xuống lạ thường. 

Với sự quan tâm của một người bạn và có đôi phần hiếu kỳ, anh cũng đánh liều đi hỏi người làm nhà ông bà Chính trong phiên chợ sáng nguyên do. Nói qua nói lại một hồi, anh Khôi cũng biết rồi đấy nhé. Thì ra hôm nay cậu Vinh ốm mất rồi. Hôm qua, đi chợ với anh, trời thì rõ nắng mà cậu Vinh thì cứ để cái đầu trần loanh quanh khắp chợ. Khi anh muốn nhường cái nón cho thì cậu ta lại vỗ ngực bảo em thanh niên trai tráng khỏe mạnh thế này, nắng thì có sao. Giờ thì hay rồi, ông trời hành cho sốt cảm mạo nằm lì ở nhà. Đáng đời, ai bảo cái tên ý không nghe lời anh đây ! 

Sau khi nhận được câu trả lời, Khôi lặng lẽ rảo bước về nhà. Dù đã nhủ rằng sẽ không quan tâm đến người kia nữa nhưng dọc đường anh lại bắt đầu nghĩ quẩn, nghĩ quơ về người nọ.

Nhưng nếu cậu Vinh ốm thế, liệu có mệt không, có ai chăm sóc không.

Nghĩ đến đây, Khôi chợt bật cười. Cậu Vinh là con nhà quyền thế, thiếu gì kẻ hầu người hạ mà mình phải lo lắng thay. Có khi giờ này, cậu ta ở nhà đã có người bưng cơm nước hầu đến tận miệng. 

Nhưng cho dù vậy, là một con người có tình, có nghĩa, Khôi tự cho rằng mình cũng nên đến hỏi thăm đôi chút. Dẫu gì con người ta cũng đã giúp đỡ mình nhiều lần, phải kể từ những lần xách hộ giỏ chợ đến cái dịp lên tiếng giúp anh khi bị mọi người đùa cợt. Vả lại u Mệ cũng đã dạy, nếu người ta đã giúp mình một thì mình phải trả ơn mười nếu không sẽ mang duyên nợ đến tận kiếp sau. 

Nhưng anh biết đem gì tặng trả ơn bây giờ. Làm con trai người giàu có nhất làng, sống trong nhung lụa như vậy Vinh có thiếu thứ gì đâu. Khôi loay hoay suy nghĩ mà không biết giải quyết như thế nào. Anh cứ thở dài, ngón tay vô thức vẽ những đường loằng ngoằng dưới nền đất. U Mệ thấy con trai lần đầu phiền muộn cũng hỏi han. Hết cách Khôi đành thú nhận với bà.

U Mệ nghe xong lời giãi bày của đứa con trai bèn mỉm cười, bà bảo:

- Món quà quý nhất không phải là vật chất mà tinh thần con ạ. U thấy thế này cậu Vinh ốm như vậy, cần nhất là tẩm bổ sức khỏe để sớm phục hồi. Hay là, con làm một con gà hầm thuốc sang biếu là được, thế là cũng thể hiện sự quan tâm rồi.

Đúng là u Mệ là người sáng suốt nhất, Nghe u, Khôi như bỏ được thắc mắc trong lòng. Anh lúi cúi dưới bếp bắt đầu làm món gà hầm thuốc biếu cậu Vinh, vừa làm anh vừa ngân nga đôi câu hát. Nói đi thì phải nói lại, gà thì quý lắm, nhà nghèo như nhà anh đây thì món này lại càng quý, có dám thịt bao giờ đâu toàn nuôi lấy trứng thôi. Nhưng giờ ơn giúp đỡ cậu Vinh nhiều thế thì con gà đáng mấy gì.

Con gà trắng nõn sau khi được làm thịt cẩn thận thì được bỏ vào cái nồi đất nung cùng nước và các vị thuốc. Nhóm lửa, Khôi nhìn ngọn lửa giữa cái kiềng ba chân đang bập bùng cháy, đôi bàn tay anh chốc lại quạt cái quạt mo giữ cho lửa cháy đều. Chẳng mấy sau nồi gà hầm thuốc bắc sôi sùng sục, tỏa hương thơm ngào ngạt khắp căn bếp nhỏ. Mở nắp nồi, con gà đã chín nhừ ngấm đẫm hương thuốc bổ , nước dùng nóng hổi, sóng sánh ngọt đậm đà vị xương. Quả thực là món ăn bổ dưỡng cho người mới ốm.

Nếm cho vừa vị, Khôi bắc cái nồi xuống bếp, nhanh tay cho vào cái giỏ bọc rơm giữ ấm bên ngoài. Cắp cái nón đội lên đầu, chào thầy u, anh bưng nồi canh bắt đầu rảo bước về phía nhà ông bà Chính.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro