Chương 4: Ở nhờ

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

-Mày có muốn lên nhà chú làm không Văn?

Tiếng chú Bắc kéo Văn về thực tại.

-Mày lên nhà chú xát gạo, chú bao ăn bao ở cho mày, đến lúc mày lớn thì chú xin cho mày vào nhà máy, mày thấy thế nào?

-Chú cứ đùa cháu nó.

Giọng mẹ Bính yếu ớt. Nếu như là mấy năm trước, cái nhà này có thiếu thốn thế nào thì bà cũng cóp nhặt được ít tiền từ xưởng dệt để lo cho mấy đứa ăn học, nhưng đến năm nay kinh tế suy thoái, xưởng cắt bớt công nhân, bà lại không may nằm trong số nhân lực bị cắt giảm, cái nhà vốn túng thiếu giờ lại càng khốn khó.

Mẹ Bính biết Văn trượt. Nhưng có nhẽ, nếu Văn đỗ thì nhà cũng không đủ tiền cho Văn đi học. Bà bỗng thấy tủi cho cái phận đàn bà, thấy thương cho hai đứa nhỏ sinh ra trong cái gia đình khiếm khuyết:

-Cháu nó còn bé, bảo nó xa mẹ xa em đi khuân vác như thế, chị cũng biết nhục mà chú.

-Nhưng chị có nuôi nổi nó không? Tôi cũng là nghĩ cho tương lai của nó, nó ở nhà tôi không thiếu thứ gì, chị thử nghĩ xem?

Cả gian phòng chợt im bặt. Dường như câu nói của chú đã đụng phải nỗi lo trước giờ của mẹ Bính.

-Thế nhé, thằng Văn sắp đồ rồi tuần sau sang nhà tao.

Văn gật gật cái đầu. Từ đầu đến cuối nó đều không nói, không phải nó tỏ thái độ, mà là nó hiểu cho tình cảnh của gia đình nó. Nếu nó sang ở nhờ nhà chú, mẹ Bính sẽ bớt được một miệng ăn, con Thị cũng sẽ được đi học.

Từ sau hôm đấy, mẹ Bính không hề nhìn vào mắt nó. Bà đem con lợn gầy duy nhất trong chuồng đi bán để lấy tiền mua cho nó chiếc xe đạp Phượng Hoàng. Chà, ước mơ của nó đấy, vậy mà khi thấy chiếc xe đó, nó không vui nổi. Nhìn mẹ nó với chiếc xe đạp, mặt Văn méo xẹo, cái xe như là món đồ cuối cùng mà mẹ Bính có thể lo được cho nó trước khi nó rời khỏi mẹ.

Ngày nó đi, mẹ Bính nói không nhiều, mẹ chỉ bảo nó giữ gìn sức khỏe, lúc nào mệt quá phải biết nghỉ ngơi. Khác với mẹ, con Thị khóc váng hết cả cái sân, bố nó thấy ồn cũng xổ ra mấy tràng chửi ngắn.

-Mắt đã to rồi mà mày còn khóc. Mày khóc thế không sợ trời đổ mưa ướt người anh mày à.

Văn chọc em rồi quay lại nhìn căn nhà lụp xụp của nó. Mấy thằng Minh, thằng Việt cũng sang tiễn nó, mắt mũi sụt sùi:

-Gớm quá bọn này. Anh mày đi ở chỗ khác thì vẫn về chơi với chúng mày chứ có đi luôn đâu. Thôi tao đi đây, ở lại lúc nữa chắc trời sập mất.

Nó vòng tay ôm mẹ nó với con Thị sau đó cuộn tay đấm nhẹ vào ngực mấy thằng bạn rồi nhảy lên xe. Xe mới có khác, đi rõ nhanh mà lại êm ru. Gió từ từ luồn qua từng đường chân tóc, tạt đi những giọt nước mắt tưởng như đã có thể kìm nén của thằng bé mười lăm tuổi lần đầu rời xa nơi chốn của nó. Văn hứa rồi, đây là lần cuối nó rơi nước mắt, nhưng cũng vì là lần cuối nên nó khóc rất to, cái nắng gay gắt cuối hạ cũng không thể khiến khóe mắt thằng bé ngừng rỉ nước.

Văn lấy tay quệt đi mấy giọt nước mắt, nó đã sắp đến nhà chú Bắc.

Hồi nhỏ nó cũng từng đến nhà chú, lúc đó nó chỉ thấy nhà chú sao mà đẹp quá, đẹp như lâu đài vậy, còn bây giờ, khi nhìn vào tòa lâu đài đó, nó tự hỏi, vì sao cùng là anh em mà bố nó và chú lại khác nhau đến thế. Nó không trách bố nó bởi ông không còn tỉnh táo, nó chỉ trách sao ông trời lại trêu ngươi con người ta như vậy.

Văn dắt xe vào cổng. Ồ, chú nó kia rồi! Chú đang quan sát mấy con cá có cái đuôi lòe xòe như cái váy của mấy chị ca sĩ nó hay thấy trên vô tuyến nhà hàng xóm. Có lẽ chú nó cũng đã thấy nó nên chú ngoắc ngoắc tay kêu nó lại gần:

-Mày cất xe rồi mang đồ của mày vào phòng cuối phía tay trái tầng trệt. Từ giờ mày sẽ ngủ ở đấy. Mà đồ của mày cũng ít thế hử?

Văn vâng dạ rồi cười xòa. Nó nhanh chân cất xe rồi đi tìm phòng của nó. Nó thấy rồi! Căn phòng ở cuối cùng phía tay trái. À, thì ra nó sẽ được ngủ chung với mấy người làm việc cho chú nó. Không hiểu sao Văn thấy căn phòng này thực ra lại rất ổn, có khi còn tốt hơn gian phòng mốc meo của mẹ con nó hồi trước. Mấy bác thấy một thằng nhóc còng queo đen nhẻm mang đồ đạc vào thì ngạc nhiên lắm, cứ xúm lại hỏi nó. Nó cũng trả lời qua loa rồi cầm cái áo đi tìm chỗ tắm. Một ngày như vậy đã kết thúc.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro