Chương 4: Cuối cùng là Batô, con chó kể chuyện part 2

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Êmê quả có lúc sống ở tầng hai thật, đó là lúc ba chị Ni muốn tách rời nó và con Haili để tụi nó đừng xông vào nhau. Nhưng con Êmê chỉ ở trên đó có một thơi gian ngắn rồi trở xuống tầng trệt sống chung với bọn tôi như cũ.

Để biết tại sao có chuyện này thì tôi lại phải nhắc đến một chuyện khác.

Đó là một đêm cả nhà thức rất khuya vì gia đình chị Ni phải ra sân bay lức 1g30 để đón gì Tám từ Úc về chơi.

Trong khi chờ kim đồng hồ nhúc nhích, anh Nghé ngồi chống cằm nhìn ra cổng, thấy đường phố ban đêm vắng tanh liền nảy ra một ý định theo tôi là không hề tồi chút nào.

- Giờ này không có xe qua lại, để con cho tụi nó ra ngoài chạy tới chạy lui cho đỡ cuồng chân - Anh nói với Mẹ chị Ni.

Anh Nghé và chị Ni dắt bốn đứa bọn tôi qua lề đường đối diện vì vỉa hè bên đó bằng phẳng hơn. Con Êmê thời gian đó vẫn ở trên tầng hai nên không được tháp tùng.

Lần đầu tiên được thả rông, bọn tôi hơi hoảng, kể cả Suku. Tuy thường được anh Nghé dắt đi tập thể dục nhưng những lúc như vậy thằng Suku bao giờ cũng được nối với bạn tay anh bằng một sợi dây. Bữa nay anh Nghé cất sợi dây trong nhà.

Được tự do chạy nhảy tung tăng trên vỉa hè rộng rãi là một thú vui tuyệt vời với mọi con chó. Bọn tôi tất nhiên cũng không ngoại lệ. Sau một hồi rụt rè đánh hơi tứ phía, bốn đứa tôi bắt đầu sải chân phóng theo anh Nghé và chị Ni đang chạy trước.

Đường phố về khuya thật khác lạ so với những gì bọn tôi nhìn thấy ban ngày. Khung cảnh yên bình, tiếng ồn lặn đi đâu không rõ và gió thì mát rượi.

Tới đầu đường, anh Nghé và chị Ni chạy ngược lại và bọn tôi hớn hở rượt theo.

Ngược xuôi vài lượt, chị Ni nổi hứng đề nghị:

- Dẫn tụi nó ra ngoài kia đi, anh! Ra đường lớn chạy mới thích!

Anh Nghé thò đầu qua cột đèn tín hiệu giao thông, nghiêng ngó:

- Để xem!

Anh lưỡng lự:

- Tuần nào mà anh chẳng dắt thằng Suku đi dọc con phố này. Nhưng lúc đó có sợi dây xích cổ...

Chị Ni trấn an:

- Giờ nay khuya rồi, đường sá vắng ngắt, chắc không sao đâu!

Thế là hai con người và bốn con chó ngoặt quanh góc phố, đổ ra đường lớn.

Ôi, vỉa hè rộng quá, rộng gấp mấy trong kia, lại dài típ tắp, tha hồ phóng!

Lần này quen rồi, chả cần phải cảnh giác như lúc trước vừa ra khỏi nhà, bọn tôi thi nhau chạy, vừa chạy vừa lấn nhau vừa rít lên phấn khích, chẳng mấy chốc vượt qua cả anh Nghé và chị Ni.

- Pig! Haili! Chậm lại nào!

- Batô! Suku! Quay lại đi tụi em!

Mặc chị Ni và anh Nghé kêu inh ỏi sau lưng, bọn tôi vẫn hào hứng khua chân.

Chỉ khi nhác thấy hai gốc cây to đùng chắn ngay trước mặt, cả bọn tôi mới hãm đà phi.

Ôi, đó không phải là hai gốc cây. Đó là hai con chó hoang to như hai con gấu, dềnh dàng, lững thững. Đang đào bới thùng rác bị lật nghiêng trước căn biệt thự bên đường, vừa thấy bọn tôi bọn chúng chẳng buồn sủa, chỉ "hực" lên một tiếng và nhảy vô tấn công liền.

Bọn tôi tuy bốn đánh hai, nhưng xét về sức vóc nhìn giống như bốn chiếc xe đạp ủi nhau với hai chiếc oto.

Tôi bị văng ra ngay từ cú húc đầu tiên, đầu choáng váng như va phải đá. Chúng đánh nhanh đến nỗi tôi không kịp thấy đứa nào húc tôi, chỉ biết mình bay lên rồi rơi đánh bịch, lăn lông lốc.

Chưa kịp hoàn hồn, tôi nghe thằng Suku la ăng ẳng và cụp đuôi bỏ chạy.

Bây giờ thì chỉ còn Haili và Pig đánh nhau với đôi phương.

Cuộc quần thảo dữ dội diễn trên nền những tiếng sủa hung hãn xen lẫn những tiếng rên đau đớn.

Đã thấy máu thấm ướt vỉa hè dưới ánh đèn cao áp.

Tôi vào Suku lại xông vào đánh phụ với Haili và Pig nhưng chỉ đề lãnh thêm những cú táp kinh hồn của hai con chó lạ và bổ sung thêm máu đỏ cho vỉa hè.

Tiếng la hét của anh Nghé và chị Ni chẳng có tác dụng gì ngoài việc làm tăng thêm kịch tính cho trận huyết chiến.

Hai người cuống quýt chạy vòng quanh nhưng không dám xông vào đám hỗn loạn toàn răng và nanh kia.

- Kiếm một khúc cây đi em!

Anh Nghé thét giục chị Ni nhưng ngay cả anh cũng không kiếm được khúc cây nào.

Mãi một lúc anh mới nhặt được một cục đá nhưng không giám ném vì sợ trúng phải bọn tôi.

Tôi đã từng chứng kiến những trận đánh kinh hồn giữa Haili và Êmê. Nhưng dẫu sao đó vẫn là những cuộc đối đầu giữa hai đứa có tầm vóc và sức mạnh không chênh lệch nhau nhiều, thế trận giằng co và không bên nào quá lép.

Đối đầu với hai con chó hoang to lớn này là một tình huống rất khác.

Tôi và Suku bị loại khỏi vòng chiến ngay từ cú đột kích thứ hai. Một mảng da trên vai tôi rách toác, rát bỏng như có ai áp vào một thanh sắt nung đỏ. Còn thằng Suku bây giờ chỉ có thể bước đi bằng những bước cà nhắc như vừa đạp phải bẫy kẹp.

- Làm sao đây anh Nghé? - Chị Ni nói như khóc - Không can ra được, mấy con chó nhà mình chết mất.

Tôi và Suku chắc không đến nỗi chết. Nhưng hai đứa đang tiếp tục tham chiến đằng kia là Haili và Pig có thể sẽ không còn thấy ánh mặt trời vào sáng ngày mai.

Mùi máu tanh nồng phả trong không khí chắc chắn bắt nguồn từ các lỗ thủng chi chít trên người Haili và Pig. Vì hai con chó hoang cho đến giờ phút này xem ra vẫn chẳng hề hấn gì. Đã thế càng đánh tụi nó trông càng hăng hái.

Chỉ đến khi con Pig liều lĩnh phi thẳng vào mõm đối phương rồi bất ngờ lạng qua trái để tránh một cú táp, sau đó bổ vào cổ họng đối phương một cú nghiến cực mạnh thì cục diện mới thình lình thay đổi.

Con chó bị Pig tấn công kêu ẳng một tiếng, ngã lăn ra đất, sau đó cố lẩy bẩy gượng gậy và con đuôi chạy trốn, máu kéo thành vệt trên hè phố.

Thấy đồng bọn bị trọng thương, con chó còn lại chẳng còn lòng dạ nào kéo dài cuộc chiến. Trong thoáng mắt, nó cũng mất hút ở cuối đường.

Tiếp theo là những ngày cả bọn được mẹ chị Ni chở tới bệnh viên thú y để băng bó, xức và chích thuốc.

Ở đây bọn tôi gặp cơ man là chó, gần như không thiếu loài nào.

Một con chó Phú Quốc vừa đẻ hai con, suốt ngày nằm rên hừ hừ. Đem tới bệnh viện cho bác sĩ khám, hóa ra nó còn hai đứa con nữa trong bụng, phải mổ để lấy ra. Ngày con chó lên bàn mổ, cả dòng họ nhà nó, à không, nhà chủ nó kéo tới gần như đầy đủ. Tôi đoán thế vì thấy trong đám đông đó có các ông già bà cả lẫn vô số trẻ con. Cả đám hồi hộp đứng ịn mũi lên vác kiếng ngó vô bên trong. Chủ nó, một bà mặc áo cổ tròn, khóc nấc với chiếc khăn nhàu nát trên tay. Một bà già khi thấy bác sĩ cầm con dao mổ lên liền lăn ra xỉu. Thế là bệnh viện thú y kiêm thêm nhiệm vụ cấp cứu cho con người, loại cả lên.

Trong những ngày đó, lần nào tôi cũng thấy một ông đạp xích lô chở tới một con chó gầy nhom, ốm yếu. Để xe trước cổng bệnh viện, ông thận trọng ẵm con chó lên tay, dọ dẫm bước lên bậc tam cấp.

Sau vài lần gặp gỡ, mẹ chị Ni ngạc nhiên:

- Sao con chó này hôm nào cũng đi chữa bệnh một mình vậy, chú? Chủ nó đâu?

- Tôi là chủ của nó.

Con chó của ông xích lô tên là Hên. Ông bảo mẹ nó đẻ ba đứa con. Hai đứa kia rất xinh, được bao nhiêu nhà giàu có vồ vập. Thằng Hên xấu xí, lại bị thọt ngay từ khi lọt lòng, chẳng ai thèm nuôi. Thế là ông xin nó về, đặt tên là Hên để hy vọng nó có cuộc đời may mắn.

Nhưng thằng Hên chẳng hên tẹo nào. Nó ốm lên ốm xuống. Lần này nó bị nặng nhất. Bệnh ca-rê đã quật ngã nó.

Mẹ chị Ni nhìn con chó quắt quẹo trên tay ông xích lô, bùi ngùi:

- Trông bộ dạng thế này chắc nó không qua khỏi, chú à.

Ông xích lô thở dài:

- Tôi cũng biết vậy nhưng bỏ nó thì không đành. Số thằng nay từ bé đã khổ!

Ông bảo từ khi thằng Hên bị ốm, hằng ngày ông dậy đạp xe từ tờ mờ sáng. Đến khi kiếm đủ tiền chích thuốc và truyền nước biển cho thằng Hên, ông lập tức chở nó vào bệnh viện. Xong, chở nó về nhà, lúc đó ông mới bắt đầu chạy xe kiếm sống. Ngày nào cũng như ngày nào.

Tôi không biết thằng Hên về sau có qua khỏi cơn bệnh ngoặt nghèo đó không vì tôi không còn gặp lại ông xích lô đó nữa.

Trong bọn tôi, đứa vẫn tiếp tục lui tới bệnh viện là con Pig. Vì nó là đứa bị thương nặng nhất.

Con Haili bị thương cũng nặng nhưng không nặng bằng con Pig. Vì cách đánh của hai đứa khác nhau.

Trước bọn chó hoang dữ dằn, Haili không cắn được tai đối thủ thì chuyển qua cắn đuôi, cắn cẳng chân.

Riêng Pig, nó chỉ nhằm cổ họng. Miếng đánh nó buộc nó phải đánh cận chiến, phải lăn xả và ngay trước hàm răng lởm chởm và sắc như dao của đối thủ. Giống như ra trận mà mạo hiểm tấn công ngay họng súng đối phương.

Pig trả giá cho đòn thế của mình bằng vô số vết thương chí mạng trên người. Trước khi táp trúng cổ họng đối thủ, đầu cổ nó đã bê bết máu, lông tróc từng mảng và da nứt toác nhiều chỗ.

Hôm đầu tiên, sau khi cẩn thân xem xét cả bốn đứa tôi, bác sĩ chỉ tay vào con Pig đang nằm thiêm thiếp trên tay mẹ chị Ni, tặc lưỡi nói:

- Con này bị thương nặng nhất. Vết thương toàn ở vùng đầu, lại bị mất máu nhiều, không biết nó có sống nổi không.

Mẹ chị Ni mắt rơm rớm:

- Bác sĩ cố gắng điều trị giùm...

Sau khi xức thuốc, chích kháng sinh và cho bọn tôi uống loại thuốc bột gì đó, bác sĩ cho cả bọn ra về, hẹn vài hôm nữa tới tái khám.

Vết thương của tôi và thằng Suku kéo da non sau tuần đầu tiên và hai đứa bắt đầu lăng xăng khắp nhà.

Con Haili hồi phục chậm hơn, nhưng đã có thể ăn uống bình thường.

Riêng Pig vẫn nằm bẹp một chỗ và chỉ uống được sữa.

Sau hai tuần thì sức khỏe Haili không còn đáng lo nữa.

Chỉ con Pig dường như chẳng có chuyển biến gì.

Nó cứ nằm bất động ở góc nhà, đôi khi tôi có cảm giác nó là con chó bằng gỗ.

Pig mệt mỏi đến mức buổi tối chẳng buồn leo lên nệm ngủ theo thói quen.

Có khi tôi rón rén lại gần nó, thử lắng tai xem nó còn thở hay không.

Pig vẫn thở, nhưng hơi thở rất mỏng và khi biết tôi đến gần, nó mở mắt ra buồn bã nhìn tôi. Ánh mắt đó làm tôi bỗng dưng muốn khóc.

Cả nhà chị Ni suốt ngày lo lắng chầu quanh con Pig.

Chị Ni đẩy đĩa sữa vào sát mõm Pig, tay kia vuốt ve lưng nó:

- Uống một chút đi em!

Anh Nghé chép miệng:

- Hôm đó nếu không có con Pig chống cự, mấy con chó nhà mình chắc không đứa nào sống sót.

Mẹ chị Ni cảm khái:

- Pig là con chó Anh Hùng!

Ba chị Ni cố đánh tan không khí u ám bằng câu pha trò:

- Chú thích con làm anh hùng chứ không thích con làm liệt sĩ đâu đấy.

Trong thời giàn đó, người tới thăm nườm nượp.

Trước tiên là cô Thảo bán trai cây và cô Oanh bán bánh mì trước nhà.

Cô Thảo bán trái cây đem trái cây, Cô Thảo bán bánh mì đem bánh mì; cả hai đặt thức ăn trước mõm con Pig.

- Ăn đi con. Bánh mì thịt quay ngon lắm đó con.

- Táo nè con. Lê nữa nè. Ăn lê cho mát.

Pig ngước mắt nhìn hai người hàng xóm bằng ánh mắt biết ơn nhưng rồi nó uể oải gục đầu xuống hai chân và nhìn các món quà bằng ánh mắt hờ hững.

Mẹ chị Ni rầu rĩ:

- Đến sữa mà hai hôm nay nó còn không đụng vào.

Cô Hà xách tới một bịch xương gà, chú Peter đem tới một túi thịt bò vụn, chú William đang theo nhóm nhạc đi lưu diễn ở Vũng Tàu, nghe tin Pig ốm nặng cũng vội vã chạy về, lôi trong ba lô ra túi tôm khô.

Tất nhiên con Pig không đụng vào bất cứ món nào.

Chị Mí tới sau cùng, đem theo thỏi xúc xích:

- Pig, xúc xích ngon lắm nè!

Chị Ni thở ra:

- Mọi người đem tới cả đống thức ăn mà nó có ăn được gì đâu!

Chị Mí tỉnh bơ:

- Vậy mình gom lại đem về!

Nếu con Pig không đuối sức đến mềm oặt cả người, nghe câu nói đó của chị Mí thế nào nó cũng nhảy dựng lên và sủa vang nhà.

Pig có vẻ không qua khỏi thật.

Hôm qua, thỉnh thoảng nó còn cố gắng đứng đậy trên bốn cẳng chân run rẩy và đi được vài bước chân. Bữa nay, nó gượng đứng lên một cách khó nhọc nhưng chỉ đứng lẩy bẩy tại chỗ một lúc rồi lại thả người rơi xuống.

Pig đuối đến mức tối đó mẹ chị Ni phải kêu anh Nghé lấy tay cạch mõm nó ra để bà đổ từng muỗng thuốc.

Chị Ni ôm cổ Pig, khóc:

- Em đừng có nói sáng mai thức dậy là em không còn nhìn thấy chị nữa nghe Pig!

- Chắc Pig không sao đâu con. Ba nghĩ nó là con chó có sức đề kháng tốt.

Ba chị Ni trấn an con gái, nhưng giọng nói của ông mới yêu ớt làm sao. Có vẻ như chính ông cũng không tin vào lời nói của mình.

Bằng chứng là khi chị Ni vừa đi khỏi, ông ngoắt con Êmê nãy giờ vẫn còn thập thò ở bên kia vách ngăn:

- Xuống chia tay với bạn Pig đi con!

Ông bước lại phía cầu thang:

- Để chú bế con xuống.

Trong thời khắc này, ông chẳng nghĩ gì đến mâu thuẫn giữa con Êmê và con Haili. Pig sắp ra đi rồi, lòng ông chắc chẳng chất chứa gì ngoài nỗi phiền muộn.

Tôi và Suku lo lắng nhìn ông ẵm Êmê chậm rãi bước qua hai tấm vách ngăn, đặt nó xuống đất, nơm nớp chờ chiến tranh nổ ra.

Nhưng khác với mọi lần, chúa trùm Haili chỉ lại gần kẻ phán kháng Êmê hít hít mấy cái và khi nghe Êmê phát ra một tiếng gừ khẽ trong cổ họng, nó lập tức quay đi.

Có vẻ Êmê cũng chẳng bận tâm đến Haili lắm. Nó đến gần con Pig, đứng nhìn bạn một hồi rồi không biết nghĩ gì nó lặng lẽ nằm xuống bên cạnh Pig, ánh mắt buồn thiu.

Haili im lặng theo dõi Êmê từ bên kia bàn ăn. Thấy đối thủ nằm xuống nền gạch, nó ngần ngừ một lúc rồi từ từ bước lại và cũng như Êmê, nó nhẹ nhàng đặt mình xuống cạnh Pig.

Hình ảnh Haili và Êmê chia nhau nằm hai bên con Pig một cách hòa bình lẽ ra làm tôi vui lại khiến tôi muốn ứa nước mắt. Trong lòng tôi nảy mầm một cảm giác gì đó rất khó tả. Có lẽ đó là cảm giác mất mát. Là nỗi buồn thương. Chỉ nỗi buồn vô hạn mới có thể khiến tim ta như thắt lại.

Bạn đã bao giờ buồn chưa?

Có phải trên đời có hằng trăm lý do dẫn dắt ta đến nỗi buồn?

Có phải cuộc đời một con người cũng như một con chó có hàng trăm lần bị nỗi buồn ném đá?

Nhưng không nỗi buồn nào có thể so sánh với nỗi buồn khi ta sắp mất đi một người thân. Đó là loại nỗi buồn không thể đem đóng gói rồi giấu vào một góc khuất nào đó trong vỏ não. Nó luôn tan chảy ra và len lỏi vào mọi khe hở trong tâm hồn bạn. Nó khiến bạn không làm gì vẫn thấy kiệt sức từng giờ từng phút từng giây.

Suốt đêm hôm đó, bọn tôi không ngủ.

Chị Ni cũng không ngủ. Chị bắc chiếc nghế xếp ngồi thao thức bên cạnh Pig, thắc thỏm cầu nguyện. Khóe mắt ầng ậng nước, chốc chốc chị lại sờ tay lên đầu Pig, đặt tay trước mũi nó như để xem những hơi thở mong như tơ kia bao giờ sẽ đứt.

Pig nằm như một kẻ bất tỉnh từ chiều. Dường như nó không hay biết Êmê đã rời khỏi tầng hai để xuống nằm cạnh nó.

Pig vẫn yếu ớt và tuy nó không mở mắt tôi vẫn có cảm giác nó đang nhìn bọn tôi, thì thầm "Tao chỉ có thể cầm cự đến rạng sáng mai thôi, sau đó bọn mình chia tay nhau. Chúc tụi bay ở lại mạnh khỏe".

Những người trong nhà chắc cũng có linh cảm như thế, mặt ai nấy như đưa tang. Chị Ni muốn được là người ở cạnh Pig khi nó nấc lên tiếng nấc cuối cùng để giã từ thế giới.

Trong bọn tôi, con Pig thương chị nhất và chị cũng thương con Pig nhất. Anh Nghé hay nói đùa con Pig là đệ tử của chị Ni. Những lần đi xa, chị hay gọi điện về nhà. Sau khi nói chuyện với ba mẹ, chị kêu thật to trong ống nói tên từng đứa trong bọn tôi. Trong khi bốn đứa khác không kịp nhận ra đó là âm thanh gì thì con Pig cuống quýt đi tìm. Nó là đứa duy nhất nhận ra tiếng chị Ni. Nó sục sạo khắp các ngóc ngách trong nhà, không thấy chị Ni đâu, lại chạy lại chỗ điện thoại, buồn chồn nghiển cổ lên ngóng.

Chị Ni về, nghe mẹ kể lại chuyện đó, chị ôm con Pig vào lòng áy náy:

- Tội nghiệp em quá! Mai mốt chị sẽ không gọi nữa để em khỏi phải vất vả đi tìm chị!

Khi tôi nhớ lại câu chuyện này thì chị Ni đã mệt mỏi thiếp đi trên ghế xếp. Dáng ngủ nửa nằm nửa ngồi của chị trông thật âu sầu.

Đến rạng sáng thì chị Ni giật mình choàng tỉnh. Trông chị hốt hoảng như kẻ phát hiện ra mình ngủ quên trong khi chung quanh đang động đất. Chị thảng thốt bật lên khỏi ghế, chuẩn bị cho mình gương mặt của người sắp đón một ngày tồi tệ.

Chịn nhớn nhác nhìn quanh. Lá bên sân hàng xóm bay qua vẫn rơi lả tả trước hiên nhà, ngọn đèn trước bàn thờ ông địa vẫn leo lét cháy, chiếc tủ lạnh kế bàn ăn vẫn phát ra tiếng ro ro vì bị kê lệch. Tất cả vẫn như trước đây thôi, chỉ có con Pig biến mất khỏi chỗ nằm.

" Hay Pig đã chết và mẹ đã đem nó đi?", tôi đoán chị Ni nghĩ thế khi thấy mặt chị se lại, những cơ mặt đột ngột cứng như gỗ.

Nhưng những biểu hiện trên mặt chị nhanh chóng biến đổi. Thoạt đầu là phảng phát sau đó thì rõ rệt hơn những chuyện động diễn ra trên trán và trên hai gò má chị khi ánh mắt chị bắt gặp con Pig đang nằm cách chỗ cũ một quãng, gần tủ chứa thức ăn.

- Pig! Em vẫn còn đó hả Pig?

Chị Ni hét lên và gần như nhảy xổ lại chỗ con Pig.

Con Pig khẽ ngúc ngoặc đầu, chưa ngẩng lên được nhưng cử chỉ đó cho biết nó vẫn còn ở lại với trần gian tươi đẹp này.

- Lạy trời! - Chị Ni bò xuống sàn nhà, ôm con Pig trong vòng tay, thút thít nói - Em tôi giỏi quá!

Bốn đứa tôi vẫn đang chầu quanh con Pig. Điều chị Ni thấy, bọn tôi đã thấy lúc nửa đêm về sáng. Lúc đó bốn đứa tôi đều há hốc mõm khi phát hiện con Pig đang mê man như kẻ bị đánh thuốc mê thột nhiên cựa quậy. Nó cố đứng lên trên các cẳng chân nhưng không đủ sức. Thế là nó nằm xuống bà bắt đầu bò đi - như một hiệp sĩ cố bò khỏi bóng đêm.

Tim đập rộn ràng, bọn tôi trổ mắt dõi theo nó như dõi theo một chiếc máy bay hỏng tuy chưa thể cất cánh nhưng đã lắn được trên đường băng. Chiếc máy bay đó vừa được sửa chữa, ý tôi muốn nói là con Pig cận cề cái chết đó đã hồi sình - có lẽ bằng thứ bản năng sinh tồn đáng kinh ngạc của giống chó săn mồi, thứ bản năng kỳ diệu mà những đứa như bọn tôi mãi mãi không bao giờ biết được.

Cho tới lúc đó, ba chị Ni chưa biết là ông nói đúng. Câu " Ba nghĩ nó là con chó có sức đề kháng tốt" lúc ông thốt ra nghe giống một thông điệp về đức tin hơn là nhằm khẳng định một thực tế.

Bạn đã đeo lên mình một chiếc vỏ ốc bao giờ chưa?

Bọn tôi đã đeo lên trái tim mình một thứ từa tựa như vậy trong những ngày con Pig nằm liệt. Thật là một gánh nặng quá sức.

Nhưng bây giờ thì bọn tôi đã trút bỏ được chiếc vỏ ốc đó rồi.

Có nhiều thứ thay đổi sau trận ốm thập tử nhất sinh của con Pig.

Và thay đổi quan trọng nhất là chúa trùm Haili bây giờ đã không còn bị ám ảnh bởi quyền lực nữa. Hoặc là sau trận tử chiến với bọn chó hoang dữ tợn, nó đã hiểu ra kẻ mạnh nhất trong bầy là con Pig chứ không phải nó, hoặc khi chứng kiến trong buồn rầu cảnh con Pig suýt vĩnh viễn chia tay cả bọn, nó cảm thấy quyền lực chỉ là thứ phù phiếm so với sự bất trắc của cuộc sống, đặc biệt là so với tình bạn giữa năm đứa tôi.

Khi quyết định từ bỏ quyền lực, Haili đã thôi nhào nặn cuộc sống theo ý mình. Đã không còn những trận đánh nhau nảy lửa giữa nó và Êmê.

Cả với bọn tôi nữa: khi con Haili nằm cạnh cục xương hay mẩu tôm khô, tôi không còn nhận thấy dấu hiệu đe dọa toát ra từ dáng nằm của nó trước đây. Thậm chí nó còn bị con Êmê đẩy vào cảnh oan ức.


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro