Chương 4

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Mây vừa đi đến nơi đã chào to:

-Con chào các bà các cụ ạ! Các bà các cụ ra sớm quá!

Ai cũng gật đàu hoặc cười coi như chào hỏi lại rồi quay lại bận việc của mình.

Chỉ riêng bà Xiêm là đáp lời với Mây bằng cái thứ giọng như nước chua :

-Ôi Mây à! Tao mong mày mãi đây.

Bà Xiêm – một người buôn hàng bánh có tiếng ở chợ huyện này. Ngày nào mụ cũng bán. Nhưng cái tiếng của mụ vang xa tới thế, để cả chợ biết tới mụ không phải vì bánh của mụ ngon. Ngon đâu ở thứ bánh dợm, bánh tẻ, bánh đúc nhạt mà bèo nhèo ấy. Nhưng mụ cũng bán chỉ vì thích mà thôi. Với gia cảnh nhà mụ, chẳng cần phải đội gió đội sương ra đây bán. Mụ bày cái sạp bánh ra đây là để khoe, để chiếm chỗ, để nói cho người ta biết mụ giàu, mụ có của ăn của để.

Mây nhìn mụ từ đầu tới chân, để mong tìm được thứ gì mà mụ hôm nay khác với mọi ngày để khen. Sáng nay chân trước chân sau ra ngoài, chưa ăn được bát cháo, uống được giọt nước nào mà phải đon đả tiếp lời Thị Lài. Giờ đã cô đã thấm đói.

-Dạ cháu chào bà.

Bà Xiêm lấy cái quạt mo, vẫy vẫy Mây như giục mây ngồi xuống:

-Nào nào! Ngồi đây ngồi đây! Tao nhớ mày lắm đấy.

-Thế ạ? Thế thì còn gì bằng nữa. Cháu cũng nhớ bà lắm.

Mụ hừ hừ, phổng mũi lên, rướn thân mình gầy còm thấy cả gân xanh trên cái cổ của mụ. Trông mụ chẳng khác nào cái giá treo, nào vòng kiềng bạc, nào ngọc trai, cả mặt dây chuyền lục bảo to bằng ngón tay cái. Mụ cứ tròng hết vào cổ. Bàn tay cũng không rảnh rỗi, treo lên nào nhẫn bạc, nào vòng tay...

Lạ thói đời ở chỗ, nhà giàu ăn sung mặc sướng, đến chó còn có cả phần cơm trắng, sang hơn hẳn nhà nghèo. Mà mụ cũng ăn cơm như người ta. Người ta cứ béo nhẫy lên còn mụ gầy nhăn, gầy còn hơn cả đứa nhà nghèo phải ăn ngô ăn sắn.

-Ôi bà Xiêm, bà kiếm đâu được đôi bông tai đẹp thế ạ?

Bà Xiêm vừa ý Mây lắm. Vì lúc nào, Mây cũng là người sẽ khen mụ, biết mụ có cái mới, cái hay, cái khác mọi hôm. Ai mà muốn người khác nhận ra được sợ thay đổi của bản thân, nhất lại là người sùng cái đẹp như mụ.

Mụ đã nghe thấy điều mà mụ ngóng từ hôm khoe ra cái bông tai này. Nhưng từ bữa ấy, dù mụ có cố để người ta biết mà chẳng ai ngó ngàng gì đến. Nghe Mây khen xong, cười bỏm bẻm, nhì nhạch miếng trầu cho nó thêm nát nhừ ra trong miệng, phỉ thứ nước đỏ sậm ra đằng sau, nhìn mà cứ tưởng mụ bị thổ huyết.

Mụ quẹo đâu sang một bên, rướn người càng thêm gần mong cho Mây có thể chiêm ngưỡng được rõ đôi bông tai của mụ. Đôi bông tai làm từ ngọc. Vốn dĩ đeo lên thì thể hiện được cái sang, cái quý bao nhiêu mà trông mụ đeo lên, nó trông hèn và bần quá.

Mây đá lưỡi một cái trong miệng rồi mới dò hỏi:

-Ngọc sáng quá. Thôi đành con ngắm từ xa chứ nhìn gần nhỡ hỏng mắt mất...

-Con này mày bậy! Qúy thế này sao mà hỏng mắt được. Nhưng sáng loáng là phải. Chỉ có thứ quý mới được tao đeo chứ.

Nói xong mụ lại lôi cái bọc lá chuối từ trong giỏ ra, dúi vào tay Mây:

-Đây. Thưởng cho mày. Cha bố mày. Xôi nhà vừa nấu sáng nay đấy.

Mây nhận lấy, hăm hở mở ra. Nhìn thấy chỗ xôi trắng tinh, thơm dậy mùi nếp, lại có cả miếng thịt luộc cỡ bằng ngón tay trỏ, Mây cảm thán:

-Bà vẫn thoáng bụng như thế, bà nhỉ? Xôi rồi bà lại còn cho con thêm cả thịt thế này.

Bà Xiêm không biết đã phởn đến tận tầng mây thứ mấy mà lại thêm dúi thêm cả cho Mây một cái bánh đúc. Làm ra cái giọng như có vẻ ghét Mây nịnh lắm:

-Giỏi chi không giỏi. Chỉ biết khéo cái mồm.

Bống nhiên bà Choắt hàng chả giò ở đối diện, không biết vì ngứa mắt nhau đã lâu hay do ghét cái thói ba hoa hay cũng do hôm nay bà khó ở. Chẳng hay lại được dịp xỉa xói bà Xiêm. Mây lại thấy lời xỉa xói ấy nghe sao giống hát hò hát xoan đến thế.

"Vào mà xem... Ngó ra đây mà xem... Chống mắt lên mà nhìn ở trước mắt tôi đây... Cái ngữ rõ dung tục mà cứ nhận là sang...

Bà Xiêm vằn mắt lên, ngoéo cái miệng, chỉ cái quạt mo về phía bà Choắt, giọng thé lên:

-Này con mụ kia! Mụ bảo ai thế hả?

-Làng nước ơi...Cái mồm ai sao mà chua thế... Này nhé, tôi còn chưa nói mụ nhé! Mụ đừng có chĩa cái quạt của mụ về mặt tôi thế chứ

-Á à! Con mụ béo kia... Mụ ăn chả ăn nem, ăn cơm hay húp nước ao bẩn, nó thối cả lên... Mụ lại lấy cái mồm ấy, mụ chửi người ta thế à?

-Mồm tôi thối đấy! Thối không bắt người khác phải ngửi... Còn ai kia, nết vứt ra chỗ lợn bò ở, để chó nó ăn mất, mới phải để người khác, sáng sớm phải đi nghe mụ nói bằng cái mồm chua...

Hai bà mắt trợn to, người nào người nấy không chịu thua. Người một câu ta phải hai câu, dăm câu đến khi ngực người kia phập phồng, ngớp lên như người chết đuối, lại lấy hơi để chửi vọng sang. Chửi có khi lại là thứ dễ nghiện vì hai mụ càng chửi, càng hăng, máu càng nóng lên, dồn lên cả mặt cho mặt cứ phải đỏ tía lên. Chửi đến không biết chán, không để ý đến mệt.

-Thôi thôi im ngay hai mụ kia! Có để cho quan ăn cái bánh không. Muốn chửi thì về nhà mà chửi.

Rốt cuộc cũng có người ra can. Hai bà đều chẳng ngán ai nhưng người can lại là lính hầu của quan huyện, ắt hẳn quan lại ra hàng bún ăn sáng. Giờ mà không thuận, sợ là mai lại ở tù tối mọt gông. Hai mụ đành im nhưng mắt vẫn trừng cả lên, nhìn về phía nhau đầy căm tức.

Mây kính cẩn đưa quả ổi cho bà Xiêm, cười bảo:

-Bà ăn quả ổi cho mát ruột, thanh giọng ạ.

Gân cổ lên chửi đổng từ nãy, cổ khô quằn lại nên bà Xiêm ăn ngay. Được mấy miếng, thấy ngọt thì bảo:

-Bao nhiêu một cân, tao mở hàng cho. Ngọt đấy..

-Dạ mở hàng, con lấy ba xu một cân.

-Ngu! Mày chưa đi thăm giá phải không... Vừa hôm qua tao cũng đi mua ổi, nhạt như nước lã! Thế mà nó vẫn bán đến năm xu. Làm ăn như mày, cạp đất mà liếm!

-Dạ bà dạy phải! Con không biết...Hì, thế con nên bán mấy xu bà nhỉ?

-Mày cứ bán tám xu cho tao!

Hôm nay thuận gió hay bà Xiêm mát tay, vừa mở hàng cho mụ đã có người đến mua. Chẳng mấy chốc hết cả.

-Ơ cô Mây! Mây đi đâu thế?

Là Lân – cậu học trò con nhà thầy lang có tiếng ở trên này. Sáng nào Lân cũng ra hàng của bà Xiêm, là một trong số ít người chịu ăn bánh của mụ.

Lân ngồi trên cái ghế dài, lòng mừng rơn. Cuối cùng cũng bõ công những ngày ăn bánh ở đây.

-Lâu lắm mới gặp được Mây! Mây hôm nay bán gì vậy?

Mây chưa kịp trả lời thì bà Xiêm chen vào nói:

-Ăn gì thì nói mau cho bà nhờ. Lâu không gặp được nó là phải. Nó có rảnh mà như cậu đâu. Cậu có mắt thì cậu nhìn, hỏi nó bán gì cậu có mua cho không?

Lân cười ngượng, gãi đầu:

-Dạ... Cho con như mọi khi, cho con tương nhiều vào nhé! Bánh đúc mà không nhiều tương thì không phải bài bà ạ!

-Đâu ra mà cho cậu.

Nói là thế nhưng bà Xiêm vẫn múc đầy tương vào bát cho Lân.

Mây lúc này mới đáp:

-Lâu rồi em cũng không gặp anh Lân. Cụ nhà vẫn khỏe chứ?

-Khỏe! Khỏe lắm chứ... Mây bán cho anh quả bưởi, về anh biếu cụ.

-Bưởi nhà em ngon lắm đấy nhé.

Bà Xiêm lại chen vào:

-Này nhé! Hai đứa mày mà muốn ve vãn đánh yêu với nhau thì ra chỗ khác, chứ tao không ngửi được đâu nhé.

Lân nảy mình, vội thanh minh:

-Không không! Bà hiểu lầm, nào có.Bà nói thế, con thì không sao nhưng còn Mây, người ta lại nói ra nói vào. Điều tiếng thì con thấy có lỗi lắm...

Nói xong thì thả tiền trên bàn rồi hớt hải đi. Bà Xiêm nhìn hắn, bĩu môi:

-Úi dào ôi! Thằng hèn! Chết cáy! Thế mà cũng đòi...

Rồi lại quay sang bảo với Mây:

-Mở to con mắt mà nhìn cho nó rõ vào! Cái thứ hèn như thế, đừng có để nó đến gần, nghe chưa...

-Vâng...

Tưởng Mây thẹn và giận lẫy, bà Xiêm vỗ vào vai cô:

-Bà thương, quý mày, nên bà mới nói! Như mày, sao phải đâm đầu vào cái hạng ấy.Tao nhìn tướng, trông đần thối ra! Sau này chắc gì nên công công cán chi? Nhìn cái tướng thế kia cơ mà...

Mây ngạc nhiên:

-Bà biết cả xem tướng cơ ạ?

-Biết! Sao lại không biết? Tao biết nhiều thứ lắm.

-Thế bà xem cho cháu! Cháu thì sao?

Bà Xiêm làm ra vẻ đăm chiêu một lúc, nhìn mặt của Mây rồi lại nhìn cả tay, vừa gật đầu vừa vỗ tay vào đùi kêu đôm đốp:

-Giàu! Tướng mày thế này mà tao giờ mới để ý! Chà, sau này mà có lên quan bà quan ông, phải nhớ đến tao đấy nhé.

-Bà cứ trêu con!

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro