Chương thứ hai.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chú ý:
Mặc dù phần truyện này là hành trình khám phá ký ức nhưng tác giả vẫn sẽ chèn thêm những tình tiết mà Trung Quốc chưa từng chứng kiến vào. Mục đích nhằm khắc họa bối cảnh và nhân vật sao cho chân thực nhất có thể, góp phần đem đến trải nghiệm hoàn hảo nhất cho người đọc, giúp độc giả có thể hình dung được sâu sắc hơn câu chuyện mà tác giả muốn truyền tải.

---------------------------------------------------------
Thắng lợi trong cuộc Duy Tân Minh Trị (1866 - 1869), Nhật Bản từ một quốc gia phong kiến nghèo nàn đã lột xác trở thành Đế Quốc quân phiệt hiếu chiến và mạnh mẽ nhất châu Á. Nhất là sau cuộc chiến tranh Nga - Nhật đã kết thúc từ hồi tháng 9 năm 1905, địa vị quốc tế của Nhật Bản đã tăng lên đáng kể, khiến cho các nước đế quốc phương Tây khác phải khiếp sợ, e dè.

Tuy nhiên, thắng lợi trước đế quốc châu Âu không đem lại cho Nhật Bản lợi lộc gì to lớn. Vừa không được bồi thường chiến phí vừa chỉ chiếm được vài phần lãnh thổ nhỏ bé vì sức ép từ quốc tế khiến cho các tầng lớp trong nước căm phẫn, làn sóng phản đối ngày một dâng cao. Trong suốt 10 năm trước chiến tranh, người dân phải chịu nhục, chịu khổ, nếm mật nằm gai mà chắt chiu sức người sức của cho cuộc chiến này đến cuối cùng chả nhận lại được trái ngọt xứng đáng.

- Lần này ta thắng trên diện quân sự, thưa Kaa-sama.--- Nhật Bản bực tức, nó đã đợi người mẹ rất lâu để nói với bà những suy nghĩ trong lòng.--- Nhưng ta thua trên bàn đàm phán. Người dân trong nước và cả hài nhi đây cảm thấy không phục chút nào!

Để Quốc Nhật không cười, không nói, ả từ tốn lấy ấm trà nóng rót đầy chén, sau, tay lại vớ lấy chiếc lá xanh ngọc thả trôi bồng bềnh trên mặt trà sóng sánh. Những gợn sóng lăn tăn như miền suy tư kín đáo, họa trên không khí những nét khói sương mờ mơ hồ vùng núi Phú Sĩ xa xa. Ả thổi một luồn hơi lạnh, chiếc lá trà dao động không ngừng nhưng đến cuối vẫn trở về chính giữa như con người ta luôn có những chuyến đi cũng vừa có những nơi để có thể quay về.

Thấy người mẹ mà mình luôn kính trọng không ngó ngàng tới mình, khuôn mặt Nhật Bản thoáng thất vọng, nhưng tay chân lại bất giác truyền đến một tia kinh hãi đến gai người. Đế Quốc Nhật chỉ lặng thin thế này khi ả đang muốn đèn nén cơn giận như dung nham vào lòng núi Phú Sĩ, do bồng bột mà quên đánh giá biểu cảm của người mẹ, đến giờ Nhật Bản đây mới nhận ra e rằng cũng đã quá trễ.

Đế quốc Nhật cầm chén trà trên tay, chiếc chén nóng hổi vang lên tiếng nứt vỡ.

- Bây giờ con muốn khiển trách ta đấy à?

Nhận thấy số mình sắp tận, Nhật Bản luống cuống cúi đầu:

- Dạ không! Hài nhi vô lễ! Hài nhi đáng trách!

Đế Quốc Nhật đặt chén trà xuống, nhẹ nhàng đứng lên. Bước chân ả thong dong nhanh nhẹn, tiến gần đến tấm bản đồ thế giới to tướng treo trong phòng.

- Ta, như con và thần dân, cũng cảm thấy bất bình trước sự ép người quá đáng của lũ đế quốc phương Tây. Nhưng con nên nhớ, Nhật Bản à, chúng ta hiện giờ chưa đủ sức tuyên chiến với bọn chúng, phải nhẫn nại, kiên trì để hái được quả ngon.

- Hài nhi còn non nớt, xin Kaa-sama chỉ dạy thêm.

Đế quốc Nhật nở một nụ cười hiền hậu cốt để trấn an cậu quý tử của mình. Ả ngoắc nó đến gần, rồi ngước lên nhìn tấm bản đồ một lần nữa.

- Con còn nhớ chiến thắng năm 1895?

Nhật Bản giật mình, nhớ đến bài học lịch sử đã nằm lòng, nó nhanh nhẹn:

- Dạ, thưa có ạ. Chiến thắng của ta trước Mãn Thanh. Hài nhi không biết phải ca ngợi tài điều binh khiển tướng của Kaa-sama thế nào!

Đế quốc Nhật thích thú trước lời thán phục có phần rập khuôn ấy, hài lòng xoa đầu cậu quý tử thay cho lời khen. Đoạn, ả lấy chiếc gậy gỗ nhỏ dựng gần đó, chỉ lên tấm bản đồ, mũi gậy chạm đến đâu, ả ca ngợi chiến thắng của mình đến đấy.

- Cho Thiên triều biết ai mới là Thiên triều. Trong một cuộc xung đột quân sự, kẻ nào có tầm nhìn hơn thì kẻ đó đã nắm gần như trọn vẹn phần thắng trong tay. Lợi từ cuộc chiến đó không nhỏ, ta lấy được Đài Loan, Bành Hồ, bán đảo Liêu Đông, chưa hết, ta còn gạt bỏ sự ảnh hưởng của Mãn Thanh khỏi Triều Tiên. Giá trị của dân tộc này được nâng lên đáng kể. Chúng ta xứng đáng là kẻ nắm quyền!

Lời cuối cùng ả thốt ra, chiếc gậy đập mạnh vào thủ đô Tokyo như một lời khẳng định chắc nịch địa vị của dân tộc mình trên trường quốc tế.

Cao hứng được một thoáng, ả lại tặng cho bản thân phút giây suy tư trầm ngâm. Trước tấm bản đồ thế giới, đôi mắt ả quét qua những quốc gia lân cận một cách thèm khát tới mức có thể vồ, có thể cấu xé, đến đất nước mình, ả lại nhìn nó bằng con mắt thương cảm xót xa.

- Quốc gia này, quốc gia của những con người kiên cường này nghèo nàn về tài nguyên. Đó là một sự cản trở vô cùng lớn đối với tương lai huy hoàng của chúng ta. Chính vận mệnh đã ép chúng ta phải tranh đấu để sinh tồn. Trải qua bao nhiêu thăng trầm, chứng kiến bao sự phỉ nhổ của ngoại bang, ta, Đế Quốc Nhật sẽ không định lùi bước nữa. Chúng ta muốn thoát khỏi hàm răng của lũ cá lớn ta phải trở thành con cá lớn.

Nhật Bản chau mày, ra dáng hiểu chuyện.

- Vậy...ý Kaa-sama là ta phải trở thành kẻ xâm lược sao?

Lúc này, đôi mắt sắc sảo của Đế Quốc Nhật ánh lên tia quỷ quyệt. Ả kéo cậu con trai mình lại gần, vỗ về bờ vai sau này sẽ thay ả gánh vác sự nghiệp đất nước.

- "Kẻ xâm lược" chỉ là cái danh, con làm được gì sau khi xâm lược người khác mới là điều đáng nói. Phồn vinh là đích đến, biết đâu sau khi con giúp bọn họ giàu có lên rồi thì họ sẽ tung hô con như ông hoàng bà chúa thì sao? Nhưng, con nên nhớ, trước khi lo cho người khác nên lo cho bản thân mình ra hồn, chỉ cần hoàn thành ước nguyện, những người khác từ từ báo đáp.

Nhật Bản vô thức đưa đôi mắt dán lên phần lãnh thổ của Mãn Thanh, nơi đầy tài nguyên và triển vọng.

- Kaa-sama có định trở thành một đế quốc rộng lớn không?

Đế quốc Nhật nhìn cậu quý tử, vẻ bằng lòng.

- Quả là một đích đến đầy tham vọng. Nói ta nghe xem, con định "mượn" quốc gia nào để trở nên hùng cường?

Nhật Bản run run nhận lấy gậy gỗ từ mẹ nhưng rồi cũng chắc nịch chỉ thẳng vào trung tâm lãnh thổ Mãn Thanh. Sự lựa chọn đúng ý Đế Quốc Nhật, quả là mẹ nào con nấy, cùng tầm nhìn, cùng tham vọng.

Kể từ ngày chiếc gậy nhỏ chỉ điểm mục tiêu, không ngày nào Đế Quốc Nhật buông tha cho mộng xâm lăng toàn cõi Trung Hoa. Bao năm dài đằng đẵng, cuối cùng thời cơ ả đế quốc Mặt Trời mọc kia cũng đến hồi chín muồi.

Thừa lúc Trung Hoa Dân Quốc vừa trải qua thời kỳ quân phiệt (1916-1928) và cuộc đại hỗn chiến ở Trung Nguyên (1929) đầy cam go, ác liệt, binh lính cùng dân chúng thì rệu rã, các phe trong nước vẫn luôn xâu xé, triệt hạ lẫn nhau, Đế Quốc Nhật cho rằng đây là thời điểm ngàn vàng để thu toàn đại lục Trung Hoa về chiếc túi sâu không đáy của mình. Nhưng dù có là ngang nhiên xâm lược thì vẫn cần có một cái cớ hợp lý để biện minh cho hành động, đâm sau lưng đâu phải là cách xử sự của Samurai, ngông cuồng quá dễ lọt vào tầm ngắm của lũ nhiều lời tại Hội Quốc Liên.

Ngày 18 tháng 9 năm 1931, sự kiện Phụng Thiên.
Mãn Châu.

Trung úy Suemori Kawamoto thuộc đơn vị Quang Đông quân tự kích nổ đường ray xe lửa nam Mãn Châu do Nhật Bản sở hữu. Vịn vào cái cớ đó, Đế Quốc Nhật buộc tội Trung Hoa Dân Quốc là kẻ gây ra sự việc này, trả đũa bằng cách thực hiện một cuộc xâm lược tổng lực lên vùng Mãn Châu. Quân Phụng Hệ đã yếu đi rất nhiều do phải tranh giành quyền lực với các quân phiệt trước đó nhưng cũng huy động toàn bộ sức tàn của mình chống trả quân xâm lược. Một con thỏ thì làm được gì hơn ngoài đánh cược số phận của mình vào cuộc chiến cuối cùng với lũ cáo ranh ma xảo quyệt, đã thấy 3 cửa mở ra, toàn cửa tử, thôi thì được nước nào hay nước ấy. Quân phiệt Phụng Hệ chấp nhận mất tất cả để đổi lấy thêm 2 năm yên ổn cho phần còn lại của giang sơn. Sau khi chiếm trọn vùng Mãn Châu, để ổn định dư luận trong và ngoài nước, Đế Quốc Nhật đưa Phổ Nghi, một dòng dõi của nhà Thanh, lên làm hoàng đế, lập nên chính phủ bù nhìn Mãn Châu Quốc. Tiến sâu vào trong đại lục, quân Nhật đánh bại quân kháng chiến tự nguyện và thành lập thêm chính phủ bù nhìn Mông Cổ Quốc. Bước đầu kế hoạch khả quan, vùng Đông Bắc Trung Hoa giờ về tay Đế Quốc Nhật.

Thời khắc vận nước lâm nguy đã nhanh chóng được trông thấy rõ mồn một sau lớp sương mù khói đạn có vẻ không tác động gì đến chính sách bài trừ Cộng sản cực đoan của Quốc Dân Đảng. Điều đáng nói ở đây là Trung Hoa Dân Quốc không hề tìm cách đòi lại phần lãnh thổ bị mất mà ương bướng tiếp tục duy trì chính sách trung lập, dồn lực truy sát Đảng Cộng sản đến cùng.

Tình hình của CPC ( hay CCP: Đảng Cộng sản Trung Quốc) ngày một nguy cấp, sức cùng lực kiệt lại thêm lực lượng thiếu thốn, yếu kém phải căng mình chống trả kẻ mà y từng gọi mấy tiếng thân mật "đồng minh", "đồng chí" từ mọi phương, mọi hướng. Ngày thì thấp thỏm đoán số trời trọn sáu khắc, đêm thì "phong thanh hạc lệ"* đến hết canh năm. Nhiều lúc gió thì thầm mà tưởng chừng là gót giày của người, đến để ấn đầu y xuống trước thềm Quỷ môn quan.

[*Phong thanh hạc lệ: tiếng gió thổi cùng tiếng kêu của hạc (một cảm giác thấy thoáng qua sự nguy hiểm ẩn trong những tiếng động nhỏ nhất của đời. Trạng thái hoảng hốt, lo sợ, suy nghĩ ra những chuyện tự dọa chính mình)].

Để tránh bị diệt vong, CPC ra đề nghị đình chiến để cùng nhau bắt tay kháng Nhật. Lời đề nghị này được đưa ra ngay giai đoạn dân tộc Trung Hoa đang đứng trước nòng súng và lưỡi lê, giang sơn đang bị ngoại bang giày xéo hà cớ nào tiếp tục cắn giết nhau? Hợp tình hợp lí là thế nhưng Tưởng Giới Thạch, đứng đầu của KMT (Quốc Dân Đảng), lại từ chối, giữ vững lập trường "Diệt Cộng trước, chống Nhật sau". Phái Trương Ngọc Lương tấn công đại bản doanh của CPC. Vị tướng cao cấp này lại cố tình trì hoãn cuộc tiến công do không ủng hộ chính sách chống Cộng điên cuồng của Tưởng Giới Thạch, tin tưởng rằng bây giờ xử lý quân ngoại xâm mới là điều tiên quyết.

Ngày 12 tháng 12 năm 1936, Trương Ngọc Lương cho người thâm nhập vào dinh thự của Tưởng Giới Thạch, dùng vũ lực bắt sống ông ngay trong đêm. Đây được xem như là một trong những phi vụ bắt cóc chấn động nhất trong lịch sử chính trị thế giới. Do sức ép từ Trương Ngọc Lương và các tướng dưới quyền khác, Tưởng Giới Thạch buộc phải chấp nhận đình chiến và xóa bỏ các chính sách chống Cộng của mình để cùng liên minh chống Nhật.

Ngày 7 tháng 7 năm 1937, tại cầu Lư Câu (Marco Polo), nằm trên tuyến biên giới giữa Trung Hoa Dân Quốc và Nhật Bản, đêm đến có một binh sĩ người Nhật vào rừng làm chuyện đại sự thì bị lạc, doanh trại điểm danh thì thấy thiếu mất một người. Ngay lập tức, đại đội Nhật được điều đến cầu Lư Câu, yêu cầu phía Trung Hoa Dân Quốc cho phép đội của mình được qua cầu để đi tìm binh sĩ bị lạc.

Phía Trung Hoa Dân Quốc tất nhiên là không đồng ý, giữa lúc quan hệ hai bên đang căng thẳng, phe kia lại là kẻ trên cơ đi xâm lược thì ngay cả một anh binh nhì chuyên chạy vặt cũng đánh hơi thấy mùi không lành. Nhưng bên Trung Hoa Dân Quốc hứa sẽ phái người đi tìm binh sĩ nọ.

Quân Nhật nghe thế thì không bằng lòng và kiên quyết muốn tự đi tìm. Hai bên lời qua tiếng lại, nhưng ngay khi những lời đề nghị, những tiếng phản bác chấm dứt, người ta lại nghe được những âm thanh chói tai và tận mắt chứng kiến những chớp lóe vàng rồi lại đỏ, luân phiên nhau sáng cả cây cầu. Không sai, hai bên đã nổ súng, châm ngòi cho cuộc chiến tranh ác liệt nhất tại châu Á, chiến tranh Trung-Nhật lần thứ 2.

Và ngay ngày hôm sau anh binh sĩ kia trở về doanh trại mà không hề biết mình vô tình biến thành nguyên nhân sẽ gây ra cái chết cho hàng trăm nghìn dân thường vô tội trong nay mai.

Bắc Kinh thất thủ trước lượt tấn công như vũ bão của quân đội Nhật. Cả Bắc Kinh và Thiên Tân lần lượt rơi vào tay kẻ thù chỉ trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 8 năm 1937.

Căng thẳng leo thang tới đỉnh điểm, các tướng tá Nhật nhoẻn miệng cười và hạ lệnh tận dụng triệt để cơ hội vàng này, tham vọng sẽ thu gọn miền Bắc Trung Hoa trong thời gian sớm nhất. Phía Trung Hoa Dân Quốc bây giờ không thể ngồi chơi xơi nước được nữa, nhanh chóng liên minh sâu rộng với CPC và các quân phiệt trên khắp đất nước với quyết tâm bảo vệ nền độc lập của nước nhà. Trong thân tâm ai cũng biết nếu như để thua trận chiến này thì cơ đồ của đất nước ngàn năm sẽ đổ sông đổ bể.

Những tưởng sau chiến thắng chớp nhoáng như chẻ tre thì Đế Quốc Nhật sẽ tiếp tục chia quân xuống chiếm phía đông và miền Trung để thôn tính Trung Hoa. Bất ngờ thay ả lại ra lệnh trì hoãn tiến công, cốt giảm căng thẳng của hai bên. Sự trì hoãn này ít nhiều đến từ nỗi dè chừng Liên Xô có thể tấn công ả từ phía Bắc và trong trường hợp xấu hơn, Trung Hoa Dân Quốc sẽ liên minh với các cường quốc phương Tây để hạ sát mình. Hiện nay Châu Á đang là điểm nóng, nhiều đôi mắt quốc tế hay săn tin luôn chực chờ viết vài dòng giật gân, Đế Quốc Nhật mà hấp tấp lúc này, sợ rằng lành ít dữ nhiều.

Cuối cùng, các tướng lĩnh Nhật nhất trí để hải quân phụ trách thành phố Thượng Hải nằm ở phía Đông Trung Quốc vì nơi đây là đồn trú của Hạm đội 3, nổi tiếng thiện chiến và được trang bị, huấn luyện chu đáo, kỷ thuật cao, còn phần lớn bộ binh vẫn canh giữ ở phía Bắc, nếu cần thì có thể xuống thành phố để hỗ trợ.

Về phía Trung Hoa Dân Quốc, ngay lập tức chọn Thượng Hải là nơi quyết chiến chính thức đầu tiên. Với niềm tin vào lực lượng tinh nhuệ ở phía Đông vừa có cố vấn Đức giúp, vừa có máy bay do Liên Xô viện trợ, sẽ có thể tiêu diệt được phần lớn quân Nhật nơi đây. Mặc khác ra sức kéo quân Nhật dàn trải xuống miền Trung và Đông Trung Hoa với mục tiêu phân tán lực lượng và kìm chân quân địch càng lâu càng tốt để thuận tiện cho việc rút lui và vận chuyển các nhà máy xí nghiệp vào sâu trong nội địa nếu không may cả Thượng Hải, Nam Kinh và Vũ Hán đều thất thủ.

Nhưng kế hoạch này gây không cho Trung Hoa Dân Quốc không ít e sợ. Lực lượng bảo an tinh nhuệ ở đây dù đông, được trang bị và huấn luyện tốt nhất song lại thua xa quân Nhật. Trong Thượng Hải vỏn vẹn 12-16 chiếc thiết giáp, không quân được Liên Xô viện trợ chỉ có 200 máy bay các loại. So với quân Nhật có cả hải quân, không quân, bộ binh, vũ khí hạng nặng cùng phối hợp thì việc chiến thắng e rằng khá gian nan.

Có thể những người tinh ý sẽ nhận ra điều bất thường. "Thượng Hải là thành phố cảng mà? Hải quân Trung Hoa Dân Quốc đâu rồi?". Đừng tìm kiếm hải quân chi cho phí công phí sức vì ngay từ đầu phe Trung Hoa Dân Quốc không hề có hải quân rồi. Bởi thế đường rút duy nhất khi Nam Kinh thất thủ chỉ có thể đi về phía Tây Nam, mặt biển giờ đây được kiểm soát hoàn toàn bởi hải quân Đế Quốc Nhật.

Ngày 13 tháng 8 năm 1937, mang theo mối thù Bắc Kinh và Mãn Châu, Trung Hoa Dân Quốc phát động một cuộc chiến quy mô nhằm tiêu diệt quân Nhật tại Thượng Hải. Đây là cuộc giao tranh vô cùng ác liệt và đẫm máu, 3 tháng trời đã hoàn toàn nhấn chìm thành phố vào biển lửa. Với thương vong của cả 2 bên được đẩy đến con số 32 vạn, thì câu"máu chảy thành sông" vô tình miêu tả chính xác nhất về Thượng Hải trong năm 1937 đầy chết chóc và đạn lạc.

Peter Harmsen, tác giả cuốn Shanghai 1937: Stalingrad on the Yangtze, đã từng ví trận Thượng Hải năm 1937 như trận Stalingrad năm 1942 khi Đức Quốc Xã cùng chư hầu quyết chiến với Hồng quân Liên Xô và rồi dẫn đến việc cả hai bên phải chứng kiến con số thương vong khủng khiếp lên đến 2 triệu người. Cả hai trận chiến đều diễn ra ngay trong đô thị, buộc những phe tham chiến phải giằng co với nhau từng góc phố, ngôi nhà. Điểm khác biệt dễ nhận ra nhất chắc có lẽ nằm ở phần kết quả. Nếu Stalingrad kết thúc với chiến thắng quyết định của Liên Xô thì đáng buồn thay những kẻ xâm lược lại là phe được hưởng toàn bộ vinh quang trong thành phố Thượng Hải. Trung Hoa Dân Quốc đã chiến đấu anh dũng, nhưng trước hỏa lực mạnh mẽ của quân Nhật đành phải rút quân để bảo toàn số quân ít ỏi đã may mắn sống sót.

Nói quân Trung Hoa Dân Quốc không làm được cái đách gì thì hơi quá đáng. Trận Thượng Hải lịch sử không chỉ khiến quân Nhật chịu tổn thất vô cùng nặng nề mà còn chứng minh tinh thần chống ngoại xâm kiên cường của nhân dân Trung Hoa.

Thua thì cay không nói, đằng này Đế quốc Nhật vẫn quạu đeo khi nắm trong tay phần thắng quyết định. Chứng kiến tổn thất nặng nề trong trận Thượng Hải và cả sự hối thúc bành trướng trong nội bộ sở chỉ huy thì hai từ "bình tĩnh" không còn nằm trong từ điển của Đế Quốc Nhật nữa. Nhiều lúc ở một mình, Đế Quốc Nhật lại chĩa ngón tay thối lên trời và thề rằng sẽ nướng chín Trung Hoa Dân Quốc cũng nên.

Là đàn ông thì đừng ham mê "trêu hoa ghẹo nguyệt" làm chi, như trường hợp của Trung Hoa Dân Quốc đây này, y đã đắc tội với quý bà phương Đông và bây giờ ả ta sẽ trả lại hết cho y cả vốn lẫn lời, rộng lượng thế có khi thêm cả tiền boa.

Ngày 1 tháng 12 năm 1937, Đế Quốc Nhật phát động một cuộc tiến công quy mô vào sở chỉ huy, thủ đô của Trung Hoa Dân Quốc, thành phố Nam Kinh. Quân Nhật lúc này điên cuồng tiến đến như cơn sóng thần, quật ngã toàn bộ chốt phòng thủ của Trung Hoa Dân Quốc, bao vây thành Nam Kinh. Tiền, hậu, hữu, tả, khắp mọi phương, mọi hướng đều có quân Nhật, như một dòng nước hung bạo trong tháng đỉnh điểm mùa lũ, quân Nhật chặn tất cả đường tiếp tế lẫn đường lui, cô lập Nam Kinh với thế giới bên ngoài.

Tình thế nguy cấp, bộ chỉ huy Trung Hoa Dân Quốc ra lệnh mở đường máu bỏ thành, rút quân về hướng Tây Nam và giao cho Trùng Khánh danh hiệu Thủ đô kháng chiến.

Từ ngày quân Nhật chiếm lĩnh được toàn thành phố Nam Kinh, ác mộng đối với người dân Trung Quốc và sự tàn bạo đến ghê tởm của quân Nhật mới được hé mở. Một trang lịch sử đen tối và kinh hoàng mà mỗi khi được kể lại đều phải tường thuật bằng nỗi căm hờn và nước mắt xót xa.

Tôi sợ hãi khi thử đặt mình vào vai một người ngoại quốc vô tình có mặt tại Nam Kinh trong thời điểm ấy. Chỉ cần thắp một ngọn đèn nhỏ khi đứng trên đường chính thành Nam Kinh vào buổi đêm thì chẳng mấy chốc hàng trăm, hàng ngàn xác dân thường không còn nguyên vẹn sẽ phơi bày trước ánh đèn của sự thật. Mùi hôi của tử thi xốc tận lên não, tiếng vo ve hả hê của ruồi nhặng hòa vào tiếng nỉ non của những gia đình mất người thân. Có những gia đình bỏ mạng hết cả nhà, xác đến mức thối rữa mà chẳng ai chôn cất, khâm liệm.

Và trước khi anh bạn ngoại quốc kia kịp nôn thốc nôn tháo vì cảnh tượng hãi hùng trước mắt thì những tiếng la hét, những tiếng nức nở van xin của những bé gái, phụ nữ, bà cụ đã nhanh chóng xé toạc màn đêm u tịnh, phóng thẳng vào màn nhĩ, xuyên qua trái tim dù có sắt đá để chạm đến thớ cảm xúc xót xa đồng loại quyện cùng nỗi hận thù lũ ác nhân để tạo thành mớ bòng bong không rõ hình rõ dạng, không thể nào diễn tả bằng lời. Đánh mắt nhìn xa xa ở những nơi có ánh đèn sáng mờ ảo, đầu óc mặc định rằng nơi đó đang diễn ra những vụ hãm hiếp tập thể và đau đớn thay khi sáng nào cũng thấy từng gò từng gò xác phụ nữ trần trụi bị cắt da thẻo thịt. Họ trơ trọi dưới ánh Mặt Trời bỏng rát, nhục nhã khi không có mảnh vải nào để che đi những vết cắt sâu bằng những đường kiếm nhuốm lửa địa ngục trên tấm thân mảnh mai, đẹp đẽ của họ.

Khi Mặt Trời đã lên cao, anh bạn ngoại quốc kia hiện là đôi mắt của chúng ta sẽ nhìn thấy gì? Những xác chết trôi lềnh bềnh trên sông Dương Tử thuộc về những con người đã từng cố gắng bơi đến bờ bên kia để tự cứu chính mình. Hay khi ta đặt chân đến nơi tường cao sẽ thấy một cái hố lớn đầy những con người còn run rẩy vì sợ hãi ở dưới đó. Cuộc hành hình sẽ diễn ra sau cái hô của đội trưởng, hàng loạt khẩu súng máy sẽ xả đạn vào họ, tiếng hả hê man rợ, tiếng đạn phóng ra khỏi nòng lạnh lẽo đến gai người, tất cả át hết những câu từ than khóc, đau đớn của những người Trung Hoa vô tội lần lượt ngã rạp xuống như lúa vào trời mưa.

Chưa hết, ở những dãy phố đã bị bom đạn tàn phá, quân Nhật thường dựng lên các bức tường bao bọc "khu vui chơi" của họ. Tại đây, họ sẽ bắt những người đàn ông, xếp hàng nối đuôi nhau bước lên bục. Từng người sẽ "vinh dự" được thanh katana sắc lẹm lia qua cổ, trước khi cảm thấy đau đớn thì đầu họ đã lăn ra đất rồi. Xong xuôi, quân Nhật sẽ xếp thủ cấp của những người đàn ông trên bục và chụp hình lưu niệm như vừa trở về sau cuộc đi săn.

Dẫn tiếp anh bạn của chúng ta đến những khu trống trải vắng nhà, anh sẽ thấy những cái hố đầy ắp người bị trói tay, trói chân đang loay hoay muốn nhổm dậy. Phía trên, quân Nhật sẽ xúc từng xẻng đất cát lên và thả vào cái hố ấy một cách thong thả. 1 xẻng, 2 xẻng, 3 xẻng, tiếng lạo xạo của đất đá chỉ dừng cho đến khi miệng hố được lấp đầy. Những người ở dưới đó ra sao thì chúng ta không tài nào biết được.

Dân thường đã thế thì tù binh Trung Hoa Dân Quốc cũng chẳng có kết cục khá hơn. Quân Nhật không cần tù binh, những người lính Trung Quốc không may rơi vào tay lính Nhật sẽ bị hành quyết ngay lập tức. Dùng súng bắn xuyên não, đánh đập, tra tấn bằng lưỡi lê, tôi đoán những hình thức tàn bạo nào họ cũng thử qua hết rồi. Họ nghĩ nếu giết càng nhiều người Trung Quốc thì những người đồng đội đã ngã xuống của họ ở các trận trước sẽ mỉm cười thích thú trên mây xanh.

Chứng kiến sự tàn bạo của lũ xâm lăng đến từ nơi Mặt Trời ló dạng, những người ngoại quốc sinh sống ở Nam Kinh khi đó không khỏi rùng mình và đau xót thay cho người dân Trung Quốc. Trong số những người đó có John Heinrich Detlev Rabe, một doanh nhân người Đức cũng là đảng viên của đảng Quốc Xã, đã cùng bạn bè của mình lên tiếng chỉ trích hành động điên cuồng của quân Nhật, đoạn xây dựng nên khu an toàn Nam Kinh cốt bảo vệ những con người vô tội khỏi nòng súng và lưỡi lê của đoàn quân mang màu cờ nhuộm máu tà dương. Khu an toàn của ông như món quà to lớn của chúa, một thiên đường bình dị, chốn dung thân của khoảng hai trăm ngàn người Trung Quốc.

Hành động cao thượng của ông mãi mãi được người dân Trung Quốc khắc cốt ghi tâm. Nhân phi thảo mộc, khởi năng vô tình*, đúng như vậy, tình cảm mà ông dành cho người dân Trung Quốc và cả sự biết ơn sâu sắc nơi con người, mảnh đất này đối với công lao của ông đều rất sâu đậm, thứ bất tận ngôn, ngôn bất tận ý*.

[*Nhân phi thảo mộc, khởi năng vô tình : Con người nhất thiết phải có tình cảm.]

[*Thứ bất tận ngôn, ngôn bất tận ý: Sách nói không hết lời, lời không diễn hết ý]

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro