Chap 2

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Ăn trưa xong tôi lái xe về nhà mẹ.

Mẹ đang dọn dẹp nhà, tìm thấy rất nhiều đồ cũ của tôi, trong đó có mấy quyển nhật ký thời cấp 3 của tôi.

16 năm trước, lớn 11, gần như một nửa quyển vở là ba chữ DLA – tên viết tắt của Diệp Lâm Anh.

Chị là học sinh chuyển trường, năm 11 chuyển đến lớp chúng tôi, được giáo viên chủ nhiệm xếp ngồi sau lưng tôi.

Không biết bao nhiêu lần, tôi mượn cơ hội truyền bài thi đi mà nhìn lén chị.

Khi đó tôi thích vẽ tranh, sổ nhật ký tôi vẽ hình chị. Chị chơi bóng rổ, chị làm bài, ngủ gục trong lớp, còn nhẹ nhàng vỗ vai tôi hỏi có thể chỉ giúp chị bài này làm thế nào.

Trong sổ còn kẹp một tờ giấy nhỏ, tuy bị thời gian 16 năm hao mòn, giấy đã ngả màu vàng nhạt, nhưng nét mực vẫn còn đậm: Không thích ăn cá - đây cũng là về Diệp Lâm Anh.

Một lần, tình cờ gặp chị ở nhà ăn. Bạn chị nói món cá rất ngon, có thể gọi một phần, Diệp Lâm Anh cảm ơn, nói mình không thích ăn cá.

Sau khi về, tôi viết tờ giấy này kẹp vào vở.

Mẹ hỏi tôi nghĩ gì mà ngẩn ngơ ra vậy. Tôi khép sổ lại, nói với bà: "Con muốn về đây ở vài ngày."

Mẹ hỏi có phải tôi với Diệp Lâm Anh cãi nhau không.

Tôi nhanh chóng phủ nhận.

Thực tế, Diệp Lâm Anh dường như cũng lười cãi nhau với tôi.

Cuộc sống của mẹ được bà sắp xếp phong phú, đầy sức sống.

Sáu giờ sáng, bà dẫn tôi đi chợ mua thức ăn, chọn những thịt cá, trái cây tươi ngon nhất, mua một kg tôm hùm đất, nói trưa nay sẽ làm món tôm hùm đất xào cay cho tôi.

Ăn sáng xong, mẹ nhờ tôi lái xe đưa bà đến lớp học múa.

Tôi ngẩn ra, "Gì ạ?"

Mẹ hơi ngượng: "Sao? Chỉ bọn trẻ mới được học nhảy múa, bà già mẹ thì không được à?"

Tôi vội dỗ dành vài lời, nói bà còn trẻ lắm!

Đưa mẹ đến lớp học múa, tôi hỏi giáo viên dạy múa còn trẻ kia tôi có thể ngồi xem được không. Giáo viên cười nói được.

Mẹ thay bộ đồ múa màu trắng, rất hợp với dáng người và phong thái của bà.

Bà với mấy cô tuổi xấp xỉ nhau theo điệu nhạc chậm rãi cất lên, bước chân nhẹ nhàng, vòng eo duyên dáng, ý cười trên mặt mọi người tràn ngập, bỗng dưng tôi muốn khóc.

Đã bao năm rồi tôi không quan tâm nhiều đến cuộc sống của mẹ?

Mà mẹ thì luôn biết bà thích gì, làm gì, hơn nữa sống rất tốt. Câu nói "Bạch phát đái hoa quân mạc tiếu, tuế nguyệt tòng bất bại mỹ nhân" có lẽ là thế này.
(Chú thích: đừng cười người tóc trắng cài hoa, năm tháng không đánh bại được vẻ xinh đẹp.)

Tan học về nhà, mẹ vào bếp nấu cơm, tôi giúp mẹ. Tôi nhìn bà cho một nắm ớt đỏ vào xào cùng tôm hùm đất, mùi thơm của ớt tràn ngập căn phòng.

Tôi ấn vào dạ dày đau đớn của mình, cố ép bản thân ăn mấy con.

Mẹ hỏi Diệp Lâm Anh ở nhà ăn cơm một mình có quen không? Hay là bảo chị đến đây ăn tối.

Tôi nói không cần, chị đi công tác.

Tôi về đây với mẹ không nói với Diệp Lâm Anh, có lẽ chị cũng không biết tôi không ở nhà.

Mẹ và mấy chị em của bà tham gia cuộc thi nhảy, giành giải nhất.

Nhìn mẹ đứng trên sân khấu nhận thưởng, tôi chợt muốn may cho bà một chiếc sườn xám.

Trong nhà không có vải đẹp nên tôi lái xe đưa mẹ đến nơi tôi và Diệp Lâm Anh sáng lập – Ánh trăng không muộn.

Tên xưởng là ứng với câu bày tỏ tình yêu nổi tiếng: "Đêm nay ánh trăng thật đẹp, gió cũng thật dịu dàng."*

Bây giờ ánh trăng vẫn còn, nhưng tôi không biết Diệp Lâm Anh có còn yêu mình hay không.

Đúng là làm lòng người thổn thức.

Tôi đưa mẹ vào xưởng.

Cô gái ở quầy lễ tân mặt hơi khó coi, nói sẽ báo cho Diệp tổng. Tôi nói đến lấy ít đồ, lấy xong đi ngay, không cần báo.

Cô gái kia lại có vẻ lo lắng, tôi cũng đoán được nguyên nhân. Vì tránh việc quá khó coi, tôi để mẹ ngồi trong phòng khách chờ.

Quả nhiên trong phòng vật liệu may mặc, Quách Mai Ly đang được Diệp Lâm Anh cầm tay chỉ làm thế nào sửa cho sườn xám đẹp hơn.

Tôi xuất hiện, phá vỡ hình ảnh có phần đẹp đẽ ám muội này.

Diệp Lâm Anh luống cuống rụt tay lại, bất an nhìn tôi hỏi: "Sao em lại đến đây?"

Tôi không cho chị ta sắc mặt tốt, "Đến lấy đồ."

Tôi tìm mảnh vải đẹp năm ngoái mang về từ chuyến công tác, đang định rời đi. Quách Mai Ly ngăn tôi, lấy mảnh vải lại: "Mảnh vải này đã có khách hàng đặt, chị Diệp nói để tôi thiết kế."

Tôi liếc nhìn Diệp Lâm Anh, chị ta hoảng loạn quay đi, không dám nhìn thẳng vào tôi.

À.

Tôi cười lạnh lùng, nói với Quách Mai Ly: "Có vài thứ cô muốn chạm vào thì được, nhưng có một số thứ thì không. Khi bộ sườn xám tôi thiết kế được bán với giá 5 chữ số thì e là cô còn đang làm người học việc cho thầy cũ đấy."

"Cô!" Quách Mai Ly nhìn Diệp Lâm Anh, "Em là thiết kế chính của xưởng, chị cứ để yên cho cô ta sỉ nhục em thế sao?"

Diệp Lâm Anh mím môi, lạnh lùng: "Đưa cô ấy."

Tôi nhận được mảnh vải nhưng thấy buồn nôn.

(Chú thích: "Ánh trăng đêm nay thật đẹp." 月が綺麗ですね。Tsuki ga kirei desu ne.
Đây là một lời tỏ tình rất tinh tế của người Nhật, bắt nguồn từ một giai thoại liên quan đến đại văn hào Natsume Souseki – một trong ba trụ cột của văn học hiện đại Nhật Bản.

Lúc ông là giáo viên tiếng Anh, nhìn thấy học sinh phiên dịch "I love you" thành "Tôi yêu bạn", ông cảm thán người Nhật có ai treo chữ yêu đầu môi bao giờ, vậy là ông phiên dịch thành "Ánh trăng đêm nay thật đẹp."

Khi nói "I love you", hai người sẽ nhìn vào mắt đối phương. Nhưng khi một trong hai người nói "Ánh trăng đêm nay thật đẹp", điểm nhìn của họ sẽ cùng hướng về mặt trăng. Khi hai tâm hồn cùng nhau cảm nhận vẻ đẹp của sự vật thì trái tim sẽ một lòng hướng về đối phương. Cách lý giải này mới phù hợp với kiểu bày tỏ "nói như không nói" của người Nhật.

Ngoài cách lý giải trên vẫn còn rất nhiều cách giải thích rất thú vị về lời tỏ tình đặc biệt này:
月が綺麗ですね。Là lấy vẻ đẹp của trăng (月: tsuki) để tôn lên vẻ đẹp của người phụ nữ.
Cách giải thích đơn giản hơn thì chắc nhiều bạn biết rồi. "Thích" phát âm là Suki, "trăng" là Tsuki.
Còn một cách phân tích nữa, đó là những thứ đẹp đẽ thì bạn luôn muốn chia sẻ cùng người mình thích.

Và thường thì nếu người nghe đồng ý, họ sẽ đáp lại rằng: Gió cũng thật dịu dàng.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro