[CSCBCHN] chương 25: Quảng trường đỏ

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tôi vứt cái xe đạp vào chỗ gốc cây bàng trên viả hè, quay sang nhìn Vân dứt khoát nói:

"Không đạp nữa."

Hai đứa chúng tôi nắm tay nhau thật chặt, cố gắng luồn lách trôi về phiá quảng trường theo dòng người đông nghịt.

Nó vẫn ngoái lại nhìn phiá sau mấy lần, cất tiếng hỏi:

"Mày để thế không sợ trộm cắp à?"

"Bây gìơ ai còn tâm trạng trộm với chả cắp nữa."

Quả đúng thế thật. Giao thông đã hoàn toàn bị đình trệ. Phố xá yên ả lạ thường. Bớt đi tiếng ngựa xe ồn ào, ầm ĩ, thêm nhiều tiếng nói chuyện, hò reo và ca hát. Tiếng ca mỏng nhẹ, âm điệu bi thương, hùng tráng ở giữa không trung quấn quít với nhau bện nên một sợi dây vô hình kết nối tất cả. Rõ ràng không bắt nhịp, cũng chẳng tương tác nhưng tất cả vẫn hòa chung một nhịp, thuận lợi đem bài hát lặp đi lặp lại nhiều lần.

"....Đường vinh quang xây xác quân thù. Thắng gian lao cùng nhau lập chiến khu..."

Tôi lẩm nhẩm theo, mãi mà không thể cất cao giọng. Dường như có gì đó chẹn ở cổ họng.

Nhiều người cũng bắt đầu chuyển sang đi bộ như tôi. Mấy ông bác vứt chỏng vứt chơ xe máy trên viả hè, rảo bước về phiá quảng trường. Từ những chiếc ô tô đủ loại, hàng chục người bước xuống. Già có, trẻ có, cả gái lẫn trai, ôm theo con cháu, tay cầm đồ đạc, không có lấy một cái nhíu mày, nhanh chóng di chuyển. Những người còn ở lại trong xe thì vặn to radio. Cũng vẫn là Tiến Quân Ca.

Một ông chú đi xe cúp tiếp cận hai đứa chúng tôi. Ổng hất hàm hỏi:

"Hai đứa cũng đi bão à?

Vân không trả lời, chẳng biết đang suy nghĩ cái gì đến thất thần.

Tôi vội đỡ lời hộ nó.

"Vâng thưa chú. Bọn con đi bão."

Ổng toét miệng cười, để lộ ra hàm răng ố vàng:

"Việt Nam vô địch!"

"Việt Nam vô địch!"

Tôi hét trả, còn lớn hơn giọng ổng gấp mấy lần.

Tức thì xung quanh cũng rộ lên khẩu hiệu này. Như một làn sóng cuộn lên rồi tản ra bốn phương tám hướng.

Dòng người vẫn tiếp tục trôi.

Tôi đột nhiên nghe thấy tiếng thút thít rất quen. Nhìn sang trái, ngó sang phải, cuối cùng cũng phát hiện năm đứa lớp tôi. Dương, Dũng, lớp trưởng cũ, lớp trưởng mới và Phong. Đứng thành một hàng, đầu cúi thấp, nghe rõ mồn một tiếng sụt sịt.

Một bà má không rõ là mẹ của ai trong năm đứa đó đang vừa chống tay bên hông vừa rầy tụi nhỏ:

"Bây khóc cái gì mà khóc. Đã ai làm sao đâu mà phải khóc. Chúng nó đã làm tốt lắm rồi. Bây phải tự hào về chúng nó mới phải. Tươi tỉnh lên coi. Khóc vậy tụi nó thấy tụi nó càng buồn."

Thằng Dũng đáp lời, rõ ràng là đang kiềm nén cảm xúc:

"Nhưng mà tức quá cô ơi. Trời thì lạnh, tuyết thì dày, không có thấy cái gì hết trơn hết trọi. Bọn bên kia còn cứ cố tình đá đạp rồi huých vào người mấy ảnh. Nhìn đau lắm đó. Mấy ảnh có bao nhiêu thiệt thòi."

Nói xong lại sụt sịt, mắt đỏ hoe. Bốn đứa kia vừa mới xuôi xuôi, nghe thấy tiếng khóc của thằng Dũng cũng bắt đầu rơm rớm nước mắt.

"Hầy, tụi bây đừng khóc nữa. Bây làm nhụt chí người ta."

Bà má dường như cũng bó tay, dịu dàng xoa đầu từng đứa một. Vừa xoa vừa dỗ:

"Đấu cũng đấu xong rồi, quyết định cũng quyết định rồi. Thôi, bây đừng thế. Thua keo này, bày keo khác, thua trận này, đấu trận khác. Có phải không bao giờ được đá bóng nữa đâu."

"Đúng đó. Quân tử trả thù mười năm nào có muộn. Còn năm sau, năm sau nữa và rất nhiều năm nữa."

Một cụ già râu tóc bạc phơ, trong tay cầm cây ba toong gõ cồm cộp xuống nền gạch, nói chen vào.

Mấy đứa không nói gì nhưng cũng thôi khóc lóc.

Chúng tôi lại tiếp tục đi.

Cờ đỏ rợp trời. Trung tâm quảng trường có một ngọn lửa bùng cháy hừng hực. Tiến Quân Ca càng lúc càng vang dội, mang theo một sức ép kì lạ, ghì chặt trái tim từng người từng người. Trong lồng ngực phập phồng như bị kìm nén chỉ trực chờ vỡ òa ra.

"Tại sao phải cúi đầu? Chúng ta đã làm rất tốt. Tại sao phải cúi đầu?"

Màn hình led khổng lồ chiếu đến cảnh bác già hói đầu.

Bầu không khí ở quảng trường rúng động dữ dội, nứt răng rắc. Giữa hỗn tạp âm thanh và giọng ca tha thiết, bắt đầu có người hét to:

"Các anh đã làm rất tốt. Việt Nam tự hào về các anh. Hà Nội tự hào về các anh. Sài Gòn tự hào về các anh. 61 tỉnh thành còn lại cũng tự hào về các anh. Việt Nam vô địch!"

Tôi thấy chính mình cũng mở miệng gào thét, không quản cổ họng đau rát.

Thế rồi thốt nhiên tôi thấy ở chính giữa biển người, bóng một đứa bé. Nếu đây là trung tâm quảng trường thì nó phải đang đứng ở trung tâm của trung tâm, nổi bật lên một cách kì lạ. Chỉ mặc độc một cái áo phông trắng toát cùng với quần soóc đen. Trời khá lạnh nhưng nó có vẻ chẳng hề hấn gì. Trên tay cầm theo quả bóng đỏ in hình ngôi sao năm cánh.

Chúng tôi trôi dần phía nó, nhờ một lực đẩy vô hình.

Thằng bé chỉ có một mình, nhưng cũng chẳng giống như bị lạc. Không hoang mang, sợ hãi hay mếu máo. Vẻ mặt rất bình thản. Đôi mắt bồ câu to tròn nhìn tôi không chớp, mang theo ngây thơ, non nớt. Cũng không như những đứa bé khác, nhóc này rất dạn.

Nó đi đến trước mặt tôi, vừa giật ống tay áo, vừa mờ mịt hỏi:

"Anh ơi, Việt Nam thắng rồi à?"

Tôi và Vân nhìn nhau. Chúng tôi im lặng trong khoảng nửa giây, trao đổi ánh mắt rồi đồng thanh đáp:

"Ừ, thắng rồi, thắng lớn lắm."

Nó mỉm cười. Trong mắt như ẩn chứa cả một vùng trời mây sông nước Nam Bộ, xanh ngăn ngắt. Thấp thoáng đâu đây trong ánh nhìn trong veo là đỉnh Phan xi păng phủ tuyết, là hang Sơn Đoòng hùng vĩ, kì bí. Giọng nói cất lên, cũng rì rào êm dịu như đại thụ ngàn xưa sâu trong những cánh rừng xanh thẳm, ôn lại chuyện cũ, về những người anh hùng không bao giờ mất.

"Thật tốt quá."

Sau đó trước sự chứng kiến của hai chúng tôi, thân hình nó dần dần tan biến.

Công từ đâu xuất hiện. Nó dùng cái giọng vô cảm, đều đều như khi kể chuyện ma giải thích cho chúng tôi:

"Đấy là hồn."

"Hồn?"

"Hồn của đất. Hồn của trời. Hồn của tất cả cỏ cây hoa lá. Hồn của Đại Việt. Nó cũng muốn đón những người hùng trở về."

Đâu đó trong tiếng gió cái giọng dịu êm đó lại cất lên.

"Ta cũng tự hào, về các con."

Mai này ai nhắc lại Thường Châu
Bữa ấy tuyết rơi bạc mái đầu
Mười mấy dũng sĩ lao ngược gió
Để đời kính phục mãi về sau!

Cre: Hà Quang Minh

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro