Chương 4.4: Tàn Phai Khuất Lấp, Phủ Phục Ngàn Trùng

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Bầu trời như tấm lụa lục thẫm xám xịt dần bị che phủ bởi những đám mây đen tối sẫm. Những tia chớp lóe lên nơi chân trời, như lưỡi kiếm bạc xé toạc màn đêm, chiếu sáng cả một góc trời u ám. Gió thổi mạnh từ xa tới, cuốn theo mùi đất ẩm nồng nàn, đưa theo hương vị mằn mặn của biển cả.

Những hạt mưa đầu tiên lớt phớt rơi xuống, nhẹ nhàng như những giọt sương buổi sớm, rồi dần dần chuyển thành những cơn mưa lâm râm. Khí lạnh thấm vào da thịt, khiến người ta không khỏi rùng mình, đôi vai khẽ co lại trong nỗi cô độc giữa trời đất bao la. Trời đất bỗng nhiên như lắng xuống, chỉ còn lại tiếng mưa rơi đều đặn, như những giọt nước mắt của ai đó từ thuở nào còn vương lại.

Trên mái cỏ tranh, từng giọt nước mưa nặng trĩu từ trên cao rơi xuống, tạo nên những tiếng tí tách vang vọng giữa không gian tĩnh lặng. Dưới hiên nhà, Krah Kaong đứng đó với bóng dáng cô đơn, và thân hình mảnh khảnh đang nghiêng đến xiêu vẹo tựa vào vách gỗ mục.

Gió lạnh buốt thổi qua, mang theo hơi sương ẩm ướt, khẽ luồn vào từng sợi tóc đen dài của cô, khiến chúng bay bay như những dải lụa trong cơn mưa. Krah Kaong giơ cao cánh tay, ngửa lòng bàn tay mở rộng, cứ để những giọt mưa mát lạnh rơi xuống.

Mưa trượt qua kẽ ngón, để lại những vệt nước lạnh ngắt, như thể mọi cảm xúc dồn nén trong lòng cũng đang dần tan biến theo dòng nước. Cơn lạnh buốt lan tỏa từ đầu ngón lên tận bả vai, nhưng không khiến cô co rụt. Mà ngược lại càng khiến cô chìm sâu hơn vào những suy nghĩ mông lung, chẳng rõ từ khi nào đã chiếm trọn lấy tâm trí.

Không phải nỗi buồn bi lụy, cũng chẳng phải niềm vui phơi phới, mà là cảm giác đan xen giữa sự tiếc nuối và hy vọng, một thứ tình cảm mơ hồ như chính cơn mưa đang rơi ngoài kia.

Cô lặng lẽ quan sát từng giọt nước mưa nặng hạt rơi từ trên cao, va vào tán lá rồi vỡ tan thành ngàn mảnh nhỏ. Mưa cứ thế kéo dài, trong khi cô vẫn kiên nhẫn đứng đợi, để từng hạt nước rơi xuống tay, tựa khao khát muốn được gột rửa đi mọi cảm xúc hỗn loạn trong lòng.

Những kỷ niệm xưa cũ lại ùa về như thác lũ...

Những ngày tháng đó tựa hồ là những ngày tháng yên bình nhất của cuộc đời cô.

Vậy mà...

Mắt phải của Krah Kaong đột nhiên nhói lên, cơn đau nhức nhối từ tròng mắt trọc nhãn lan ra, như xuyên thấu tâm can. Cô khẽ nhăn mặt, bàn tay đưa lên che lấy mắt, nhưng không cách nào ngăn được cảm giác đau buốt đến tận óc.

Một màu đỏ ngầu hiện lên trong đầu cô, rồi một loạt tiếng thét vang dội trong tâm trí không ngớt.

Có lẽ đây là cái giá mà cô phải trả, và con mắt này là nguồn cơn của tất cả...

Nhưng biết làm sao được, con tim cô đã ngừng đập từ dạo ấy, không còn cách nào khác ngoài việc đối xử hờ hững với cha mẹ và tàn nhẫn với chính bản thân mình.

Trong suốt hai năm liền tuy ngắn ngủi nhưng đằng đẵng, Krah Kaong đã nhận ra rằng lòng thù hận và sự thiếu hiểu biết của mình đã dẫn đến cái chết của một người lương thiện, và khẳng định bản thân đã trút sự căm hận sai người.

Ánh sáng của mắt phải dần biến mất là một biểu hiện của sự trừng phạt từ thần linh cũng như sự tự trừng phạt của chính bản thân. Mỗi cơn đau nhói từ con mắt là một lần nhắc nhở về những lỗi lầm trong quá khứ và sự khắc khoải không nguôi về tất cả những nỗi đau cô phải gánh chịu.

Trong cơn giận dữ và đau đớn của năm đó cô đã cầu xin thần linh trừng phạt người ấy bằng một cách tàn độc nhất và từng quyết tâm sống chết thề thốt rằng: "Ngươi nghĩ rằng ta sẽ dễ dàng tha thứ cho sự phản bội của ngươi sao? Đừng mơ! Ta sẽ không để sự dối trá này tồn tại trong thế gian này... Ta xin thề dưới quyền năng của thần linh rằng, nếu ngươi thật sự phản bội, ta sẽ hy sinh ánh sáng của một bên mắt để không còn phải chứng kiến sự lừa dối!"

Thế nhưng, người kia chỉ lấy tất cả sự thật bằng lòng chân thành để đánh cược rằng mọi chuyện chỉ là một sự hiểu lầm vấy bẩn đôi mắt cô: "Xin đừng, ta không hề nghĩ đến việc mình làm sẽ khiến em đau đớn như vậy! Này đây, em đã hiểu sai mọi thứ, ta chỉ mong em đừng để những tin đồn làm mờ mịt mắt mình..."

"Ôi chao, ngươi thật là tài ba! Lời ngươi như một bài thơ đẹp đẽ trong cơn bão tố..." - Krah Kaong kiên quyết ngắt lời, từng cái nghiến răng kèn kẹt đay nghiến từ sự mỉa mai từng chút một. - "Ngươi có thấy không? Ngươi không thấy sao? Mọi người đang đàm tiếu về sự phản bội của người kìa... Đồ dối trá, ta sẽ không bao giờ để chính mình mắc mưu ngươi nữa! Ta quyết định chấm dứt trò đùa tồi tệ này của ngươi ngay bây giờ!"

Này đây, còn lời nào có thể biện giải, bởi sự thật duy chỉ có một mà thôi.

"Thôi được rồi, ta tôn trọng mọi quyết định của em!" - Bằng sự phẫn nộ quyết liệt của Krah Kaong, ngoài việc chấp nhận buông xuôi, người kia không còn muốn phân bua.

"Bởi vì giờ đây, sông nước chia đôi nhánh cửa nguồn..."

Kế tiếp là một lời nhẹ bẫng nhưng khiến người ta hụt hẫng thoát ra từ cửa miệng, tuy không nỡ đành, nhưng lại dứt khoát muôn phần: "Ta sẽ chẳng phải là gánh nặng phiền não của em. Chúc mừng em đã được giải thoát khỏi tai ách! Nếu thần linh ứng nghiệm, mọi lời nguyền rủa từ em ta xin được lãnh nhận mà không một lời khước từ!"

Ừ thì,

Nếu như "sông nước chia đôi nhánh cửa nguồn",

Nên chỉ còn lại "ngờ vực hoang hoại giữa thinh không"!

Đôi mắt người kia nhìn Krah Kaong, là như bao lần âu yếm, nhưng cũng là lần từ biệt sau cùng... đơn độc và bơ vơ, bị bỏ rơi trong nghịch cảnh, bởi sự căm hờn không rõ đến từ Krah Kaong.

Làm sao đây? Phải làm cách nào đây?

Krah Kaong phải vật lộn trong suốt một thời gian dài không thể nguôi ngoai.

Sự hối tiếc và tự trách đã làm cho cô trở nên cô đơn và tách biệt, như một cách để tránh làm tổn thương người khác và để bảo vệ bản thân khỏi sự đau khổ không thể chịu đựng. Krah Kaong dần trở nên lãnh đạm và xa cách với mọi người xung quanh.

Krah Kaong không nhịn được nữa nên bèn quay người bước tới bên khung cửi dệt, cô chậm rãi cúi người, bàn tay mềm mại nâng niu con thoi bằng gốm cũ kỹ. Những ngón tay thon dài lần lượt vuốt ve những đường nét tinh xảo đã mòn vẹt, mà cảm nhận những vết nứt vỡ nhỏ trên bề mặt, từng vết nứt như những nhát cắt sâu vào lòng.

Đó là món quà duy nhất người ấy từng tặng cô, kỷ vật duy nhất còn sót lại mang hơi ấm của người.

Cô biết rõ rằng, mỗi vết nứt trên con thoi này chính là minh chứng cho sự đổ vỡ của một mối quan hệ từng tốt đẹp, từng chân thành, từng nồng nàn như ánh lửa sáng rực trong đêm. Giờ đây, chỉ còn lại những mảnh vụn không thể nào hàn gắn toàn vẹn được nữa.

Nhưng dẫu biết là thế, cô vẫn sử dụng nó, vẫn để nó chạm vào từng sợi chỉ, từng mảnh vải, bởi đó là bằng chứng duy nhất gợi nhớ đến người kia - người đã rời bỏ cô mà đi, là một sự níu kéo tồn tại mỏng manh trong một khoảng trống mênh mang và vô vọng.

Krah Kaong ngồi xuống chiếc ghế nhỏ, nơi cô thường dệt vải. Dáng ngồi thanh thoát, hai chân khép lại, chiếc váy dài nhẹ nhàng phủ vạt che chân. Mắt cô chăm chú vào khung cửi, đôi tay cầm con thoi đặt lên mặt vải. Cô bắt đầu dệt, những sợi chỉ vàng đỏ đan xen qua lại, tay trái giữ sợi chỉ, tay phải đẩy con thoi qua rồi kéo về, từng động tác uyển chuyển.

Khung cửi kẽo kẹt theo nhịp đều đặn.

Mỗi đường dệt là mỗi lời nhủ thầm phải tiếp tục sống, đối mặt với nỗi đau không thể gọi tên. Krah Kaong miệt mài dệt, như đang cố kết những mảnh ký ức tan vỡ thành tấm vải mới, tìm lại chút an ủi. Đôi môi mím chặt, đôi mắt nhìn thẳng tựa vô hồn, không giọt nước mắt nào rơi, có lẽ nước mắt đã cạn khô từ lâu.

Với mỗi cú vung tay, mỗi lần con thoi được đẩy qua lại, cô dường như đang cố quên đi... Từng chút hồi ức thấm vào từng sợi vải, từng đường chỉ, như cô đang trút bỏ sự hụt hẫng vào khung cửi, để chúng mờ dần theo nhịp dệt.

***

Ánh sáng của buổi tối dần tắt, nhường chỗ cho một bức màn đen u ám che phủ bầu trời. Cơn bão dữ dội đang hoành hành ngoài trời, gió rít lên từng cơn, gào thét như một con quái vật bất mãn. Mưa rơi nặng hạt, những giọt nước dày đặc như những mũi tên nhỏ xuyên qua không khí, dội xuống mái nhà, tạo thành những vệt dài trên mặt đất, cuốn theo cát bụi và bùn đất.

Những cơn gió mạnh làm rít lên qua kẽ hở của mái nhà, khiến cho tiếng mưa đánh vào tường như tiếng trống rộn ràng, hòa cùng với tiếng gió xì xào và tiếng rít của các nhánh cây ngoài vườn. Cảnh vật bên ngoài chìm trong sự hỗn loạn của bão tố, ánh sáng nhấp nháy từ những tia chớp làm cho bóng tối càng thêm dày đặc, tạo ra những hình thù ma quái trên mặt đất.

Trái ngược hoàn toàn với cơn bão bên ngoài, bên trong ngôi nhà nhỏ ấm cúng và yên bình. Ánh sáng vàng ấm áp từ những ngọn đèn dầu tạo nên một bầu không khí êm dịu, phản chiếu trên các bức tường với những hình ảnh lung linh.

"Kẽo kẹt!"

Âm thanh khe khẽ của vách ngăn cửa phòng được kéo dạt qua một bên, Jorani bước ra ngoài, bước chân nhẹ nhàng đi đến bên cạnh Krah Kaong đang ngồi chăm chú bên khung dệt. Mọi thứ trong phòng đều toát lên sự ấm cúng và yên bình, nhưng Krah Kaong không thể không cảm nhận được những áp lực nặng nề đang đè nặng lên vai mình.

"Chị ơi, em muốn nói chuyện với chị được không ạ?" Jorani nói, ánh mắt ngập tràn sự dịu dàng và chân thành. Cô nhẹ nhàng quỳ xuống và nắm lấy tay của Krah Kaong.

Krah Kaong ngước mắt lên, tay chân thoáng ngừng lại công việc của mình, dùng ngữ điệu dịu dàng hỏi: "Được, em cứ nói đi!"

Ban đầu Jorani vốn muốn nhắc đến chuyện xác chết được tìm thấy trên biển, nhưng ngay lập tức lại thấy đó là chuyện không thể bàn luận bừa bãi, vì việc này quá nhạy cảm và không thích hợp để bàn luận vào lúc này, nên cô đành im lặng.

Tiếp đến cô lấy ra một ít bạc trong túi đưa cho Krah Kaong, quyết định nói về những gì xảy ra lúc sáng: "Chị Krah Kaong, em đã dùng một ít trong đây để mua gà, một ít còn lại em đã đưa cho mẹ Wan rồi. Phần này chị nhận lấy nhé!"

Krah Kaong nhìn số bạc trong tay, cảm thấy một cơn sóng cảm xúc dâng lên trong lòng. Nụ cười của cô nhạt đi, và sự mệt mỏi khiến cô không thể giấu được: "Cảm ơn em, Jorani, nhưng chị không cần đâu... Em đã giúp cả nhà làm nhiều việc rồi, chị không thể nhận đâu!"

"Chị, chúng ta cũng xem như thân quen rồi, chị đừng từ chối nhé! Em chỉ muốn làm gì đó để cảm ơn chị. Mẹ Muk Wan nói rằng trứng gà non rất tốt cho sức khỏe, giúp bảo vệ mắt khỏi các tác nhân gây hại. Em thấy chị luôn dệt vải đến mệt mỏi, nên... em chỉ muốn giúp chị bồi bổ sức khỏe!" - Jorani hơi cúi đầu, đôi mắt vẫn sáng ngời, kiên quyết muốn để Krah Kaong nhận lấy.

Vì các chất lutein và zeaxanthin có trong trứng gà non giúp bảo vệ mắt khỏi các tác nhân gây hại, giảm nguy cơ mắc các bệnh về mắt như đục thủy tinh thể và thoái hóa điểm vàng.

Chuyện còn gà mái thì bởi vì Krah Kaong biết Jorani muốn nuôi gà để lấy trứng gà non bồi bổ cho cô. Vài hôm trước cô bé cứ mải mê tinh chế những thứ mỹ phẩm đựng trong những chiếc lọ thủy tinh thì cô cũng hiểu cô bé muốn làm gì rồi.

Tuy nhiên cô không cần cô bé trả ơn cho gia đình mình, cũng không cần cô bé đặt nặng vấn đề đó. Cô đã nói chuyện với cha mẹ rất nhiều lần về Jorani, nhưng ý kiến của họ vẫn không thay đổi, và làm cho cô phiền lòng rất nhiều lần. Kể cả việc cô bé nằm trong tầm ngắm và quan sát của các lãnh đạo là điều không tránh được.

Mới đầu giờ chiều, khi Jorani không có mặt tại đây, tên Cak Tanuh đã đến tìm mẹ và cô để nói chuyện. Hắn đã nói về việc ngài hoàng thân Haluwbilau muốn dùng cô bé để làm vật chiêu dụ (thí thân) trong đại lễ Katé, khi Po Rajadhiraja, các vị hoàng thân và Kshatriya từ kinh đô Indarapura (Đồng Dương) đến nơi này.

Vẫn như trước, họ luôn áp lực để áp đặt cô phải đưa ra lựa chọn. Giống như cái cách mà họ hủy hoại một mầm mống tai họa dễ dàng... Hơn hết, họ vẫn nhận định cô bé Jorani này chính là một con tin đến từ Kambujadesa. Việc tiếp theo họ muốn làm gì đối với cô bé, cô và gia đình cũng chẳng thể can thiệp được.

Đáng tiếc cho tất cả sự nhu nhược thấp hèn của cô!

Cak Tanuh còn cảnh cáo rằng, nếu như sự mong muốn của ngài hoàng thân không thành hiện thực thì Krah Kaong và gia đình phải biết chắc hậu quả mà họ đối mặt.

Và hiện tại bây giờ, họ còn giao trọng trách nặng nề hơn cho cô chính là phải dệt ra một tấm khan inat. Và tiền thưởng dành cho cô đã được bà Muk Wan nhận lấy một phần vào buổi sáng, khi Cak Tanuh đã mua những tấm vải kia của cô. Trong túi kia không chỉ là vàng, mà còn có một viên hồng ngọc.

Hồng ngọc sao?

Hừm, quả là muốn mua chuộc lòng tham bằng tiền tài!

Bằng ánh mắt ngập tràn sự hiếu kỳ, Jorani ngồi chống hai tay lên cằm và hỏi: "Chị có thể nói cho em biết thêm về cách dệt tấm vải này không?"

"Chỉ sợ em nhàm chán thôi! Nhưng nếu em muốn, chị sẽ chậm rãi làm cho em xem!" - Krah Kaong nựng má Jorani với một cái chạm đầy trìu mến, rồi tiếp tục công việc của mình.

Jorani gật đầu hào hứng: "Em rất muốn học! Chị, em có thể ngồi nhìn chị dệt không ạ?"

Krah Kaong nhìn Jorani rồi đáp: "Chắc chắn rồi! Nhưng em cũng nên biết rằng đây là công việc đòi hỏi nhiều kiên nhẫn và kỹ năng... Chúng ta sẽ bắt đầu từ những bước cơ bản trước đã!"

Cô giảng giải cho Jorani bằng một bài thơ Ariya Muk Truh Paley (Thơ Bà Tổ ấm quê hương) như một lời bài học truyền thống:

"Anưk thrơm hakak thrơm dwơn

Mưng nhjơp kabbwơn mơy dauk dara

Mưng yah khing ngap bruk hit

Thrơm bitait, thrơm bipaghơh

Mư gru daum powih tal hu pathang

Mu ư gru baik di urang

Towl hu pathang mơy jwai cakauh."

Lời Việt:

Em tập đong, tập dệt

Mới đúng sách dạy con gái

Khi em muốn tập làm

Gắng tập cho tinh cho thuần thục

Em tìm người khôn khéo

Học cho thuộc đợi lúc có chồng

Nhớ kỹ để mang dùng

Đến lúc có chồng đừng quên mất.(*)

(*) Trích Inrasara, sđđ, tr.235.

***

Người Chăm ở đây vẫn luôn tôn vinh Po Ina Nagar là tổ nghề, ngài là vị nữ thần đã dạy người Chăm nghề dệt. Với những tên gọi đầy tôn kính như thần Muk Juk (tiếng Việt gọi là Bà Đen), riêng người Chăm hay gọi thần là Patao Kumay (nghĩa là vua của đàn bà) hay Stri Ratjnhi (nghĩa là chúa của phụ nữ).

Người Chăm trồng bông vào mùa mưa, thu hoạch vào mùa nắng (Tapah piơh paik di bhan). Ở đây người ta trồng nhiều cây cát bối, khi chín cây trắng như lông ngỗng, kéo sợi làm chỉ dệt không khác gì loại gai. Bông trồng ở đất rẫy, ở những khu đất gò mà không trồng được lúa nước, mỗi năm chỉ trồng được một vụ. Thời gian trồng bông là 6 tháng, bắt đầu từ tháng 6-7 đến tháng 11-12 thì thu hoạch. Kỹ thuật trồng bông cũng tương tự như trồng hoa màu: Phát rẫy, dọn rẫy vào mùa nắng (tháng 4 Chăm lịch), cày bừa để đất tơi rồi gieo hạt vào mùa mưa (tháng 8 - tháng 9). Người ta lấy bông để kéo sợi thành vải thô, vải thô đan trụi đi, trồng giống như vải nho, nhuộm đi và dệt thành vải ngũ sắc (ban bố), vải lốm đốm. Sản xuất tơ tằm (kajwak, riteh) rất nổi tiếng ở Kuhu (Panduranga - Mỹ Tường, Ninh Hải, Ninh Thuận).

Những quả bông trắng muốt được kéo thành sợi, sau đó đem luộc 3 tiếng với bột hạt lai, sáp ong, bột gạo và đem phơi khô. Sợi chỉ sau khi đã chắc được kéo thành suốt chỉ nhỏ. Các suốt chỉ được lồng vào khung gỗ để kéo xếp vào khuôn.

Khâu đầu tiên khi thu hoạch là rút múi bông phơi khô ít nhất là 3 ngày nắng (klau padiak), vì phơi đủ khô mới có màu trắng, giữ màu nhuộm tốt, chưa khô hẳn thì có màu úa vàng.

Quá trình bắt đầu với việc cán bông (chak), nơi người thợ dùng giàn cán bông (Patak ywơk kapah) để tách hạt khỏi những chùm bông dày đặc. Tiếp theo, bông được bắn tơi (ganuk pataik) bằng dây cung, làm cho những sợi bông vốn nặng nề giờ đây trở nên mềm mại và dễ dàng xử lý hơn.

Sau khi bông đã được chuẩn bị, công đoạn làm con bông (talih mưley) bắt đầu. Người thợ dùng thanh gỗ cuộn tròn mặt bông trải mỏng, tạo ra những khối bông đồng đều, sẵn sàng cho bước tiếp theo. Những khối bông này sau đó được kéo sợi (Ssia liwey) bằng cách gắn vào nan hoa (kok carwôi), và dùng xa quay để kéo thành sợi. Mỗi con bông chỉ cho ra một trái chỉ, từ đó cho thấy sự cần thiết của sự chính xác và kiên nhẫn trong từng bước.

Khi đã có sợi (linguh), công đoạn se sợi (ywơk mưley) trở nên quan trọng, quyết định chất lượng của sản phẩm cuối cùng. Việc se sợi yêu cầu sự khéo tay và tỉ mỉ, với việc tạo ra sợi chỉ đều đặn, không chỗ to chỗ nhỏ, đảm bảo chất lượng khi dệt.

Giá gỗ móc chỉ (Hanal) là nơi phân loại chỉ thành những con chẻ sợi. Mỗi chẻ sợi bao gồm năm con chỉ, được phân chia và sắp xếp trên giá, tạo điều kiện thuận lợi cho các bước tiếp theo.

Sau khi kéo xong sợi chỉ, người thợ đạp cơm (Jwak lithey), đưa chỉ đi giặt nước và ngâm với cơm để làm cứng sợi chỉ. Họ trộn cơm với sợi, dùng chân đạp, tay vò hoặc cối giã để làm cho hạt cơm tơi ra, bám vào từng sợi chỉ, làm cho sợi chỉ dính chặt và mịn màng hơn, đồng thời giúp chỉ tiếp nhận màu nhuộm nhanh chóng hơn.

Khi công đoạn đạp cơm hoàn tất, sợi được đánh ống (Ssia trauw) để làm mềm và làm sạch. Sợi khô sau đó được chải bằng bàn chải, chuẩn bị cho bước cuối cùng.

Đánh ống (Trauw mrai) là công đoạn cuối cùng trước khi sợi được đưa vào sử dụng. Với giá quay chỉ (Vak trauw marai), sợi được nối vào xa đánh ống chỉ. Người thợ thường bỏ chỉ vào cái thúng và sử dụng sỏi, sạn, hoặc đậu đen, đậu xanh để giữ chỉ ngay ngắn, không bị rối, giúp quá trình đánh ống trở nên dễ dàng hơn.

Quá trình nhuộm màu cho vải bắt đầu từ con chỉ, từ những nguyên liệu tự nhiên và phương pháp truyền thống tinh tế.

Màu trắng (bbong) là màu sắc cơ bản và nguyên bản của sợi, được giữ nguyên từ sợi bông vải với màu trắng tinh khiết hoặc từ sợi tơ với màu ngà vàng nhẹ nhàng. Màu trắng không chỉ là biểu tượng của sự tinh khiết mà còn là nền tảng để tạo ra các sắc thái màu khác.

Màu đen (Juk), mang đến sự sâu lắng và quyền lực, được chế biến từ trái muông (thị rừng - buah han), thu hái từ các khu rừng núi. Trái muông được giã nhuyễn, ngâm lấy nước, nấu sôi và sau đó sợi được ngâm trong nước này suốt ba ngày ba đêm. Quá trình này không chỉ tạo ra màu đen đặc trưng mà còn tạo ra một sắc thái màu bền bỉ và mạnh mẽ.

Màu đỏ (bhong) là sự lựa chọn lý tưởng cho những sản phẩm cần nổi bật và tươi tắn. Để có được màu đỏ, người Chăm sử dụng cây "phun pan" chẻ nhỏ để ngâm lấy nước nhuộm sợi cho đến khi nước ngả màu đỏ. Ngoài ra, màu đỏ còn được chế biến từ cánh kiến đỏ hoặc từ da cây "kalih likun". Loại cây này có vỏ tươi, ngâm nhiều ngày, với nhiều nhựa, mang lại màu đỏ nâu bền đẹp và khó phai.

Màu vàng (kanhik) được tạo ra từ củ nghệ hoặc cây cốc vang (Hapang), mang lại sự ấm áp và tươi sáng cho vải. Củ nghệ và cây cốc vang không chỉ là nguồn nguyên liệu tự nhiên mà còn là biểu tượng của sự phát triển và thịnh vượng trong văn hóa người Chăm.

Màu nâu, với sự ấm áp và tự nhiên, được chế biến từ củ "phun jieng", chặt thành miếng và ngâm nước để nhuộm sợi. Màu nâu này không chỉ đẹp mà còn thể hiện sự bền bỉ và ổn định.

Màu chàm (hajaw), từ cây chậm (mauw) hoặc lá cây "chùm bầu", mang đến sắc thái sâu thẳm và huyền bí. Sắc màu này gợi lên sự kết nối với thiên nhiên và truyền thống của người Chăm.

Tuy nhiên, đối với các màu phẩm lục (xanh lá cây và xanh da trời), người Chăm thường phải mua từ các nước ngoại bang, vì các nguyên liệu địa phương không đủ để chế biến những sắc thái màu này.

Trong quá trình dệt vải truyền thống của người Chăm, các công cụ và kỹ thuật được sử dụng một cách tinh xảo và tinh tế, mỗi công cụ đều đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra những sản phẩm vải tuyệt đẹp.

Dọi se chỉ là một công cụ không thể thiếu trong công việc dệt. Đây là những chiếc cuộn nhỏ bằng đất nung, thường được chạm khắc với hoa văn đơn giản hoặc tinh xảo. Dọi có chức năng giữ cho các sợi chỉ được cuộn gọn gàng và dễ sử dụng. Khi sử dụng dọi, người dệt sẽ kéo sợi chỉ từ cuộn ra, giữ cho sợi không bị rối hoặc xoắn lại, giúp quá trình dệt trở nên mượt mà và hiệu quả hơn.

Con lăng in hoa là một công cụ khác, cũng làm từ đất nung, có hình dạng như một con lăn nhỏ. Công cụ này được sử dụng để in hoa văn lên bề mặt vải. Người thợ dệt sẽ nhúng con lăng vào bột màu hoặc phẩm nhuộm, sau đó lăn nhẹ nhàng trên vải, tạo ra các hoa văn và họa tiết đẹp mắt. Mỗi lần lăn có thể tạo ra những mẫu hoa văn khác nhau, tùy thuộc vào thiết kế và màu sắc được sử dụng.

Con thoi (tanraun) là một phần thiết yếu của khung cửi. Con thoi có hình dạng như một thanh nhỏ dài, được thiết kế để luồn sợi chỉ qua các sợi ngang của khung dệt. Khi dệt, người thợ dệt sẽ đặt sợi chỉ vào suốt của con thoi, sau đó sử dụng chân đạp bàn đạp để vận chuyển bộ go, tạo ra khoảng cách giữa các sợi mắc. Khi bàn đạp được đạp xuống, bộ go mở ra, cho phép con thoi luồn qua các sợi chỉ, tạo thành các lớp vải mới. Tay phải của người thợ sẽ điều chỉnh con thoi để đưa sợi chỉ vào đúng vị trí, trong khi tay trái giữ cho các sợi chỉ không bị rối hoặc chồng chéo lên nhau.

Đối với người Chăm có 2 loại khung dệt: dạng tấm khổ rộng - Danưng mưnhim aban khan và dạng tấm khổ hẹp gọi là Danưng mưnhim Jih dalah. Cả hai được làm chủ yếu bằng tre, nứa và có thể lắp ghép nhau bởi các bộ phận rời.

Sấp vải sbai mà Naila tặng cho Jorani được dệt từ khung dệt danưng mưnhim Jih dalah, với kích thước khoảng ba mét dài và bốn mươi centimet rộng. Khi Jorani đến thăm nhà Naila, cô đã được giới thiệu về cách sử dụng khung dệt này.

Đầu tiên, sợi chỉ (haniel linguh) được mắc từ khung móc chỉ (danauk mưrôi mrai) đến giá gỗ hình cây bừa (haniel linguh) có các răng gỗ (cakauw) để tổ chức sợi chỉ. Việc móc chỉ phải chính xác, sao cho phù hợp với số lượng go hoa văn (cakauw) cần dệt trên răng bừa và khung xỏ go (danauk pok cakauw).

Kỹ thuật bắt go cũng rất quan trọng. Nếu vải chỉ có một màu, bắt go dưới (cakauw ala) trước, còn với vải hoa văn, cần bắt go hoa văn (cakauw bingu) trước, rồi mới đến go dưới.

Để giữ chặt go trên khung dệt, sợi chỉ lớn (chatung) được dùng để buộc và vắt qua đòn ngang (chatung). Sau đó, đầu sợi được buộc vào các chiếc san hô (bauh karan) để kéo căng. Với các hoa văn phức tạp, từ tám đến mười ba cakauw, một thanh tre dài (cakauw tah) được sử dụng để xâu các go với nhau, song song với đòn ngang của khung dệt.

Cuối cùng, người thợ dệt kết hợp khéo léo giữa tay và chân: chân đạp vào ngựa (aseh) để tách mặt sợi nền, tay trái kéo go dưới, tay phải kéo go dài, đồng thời luồn sợi qua lại bằng con thoi (tanraun) và dùng dao dệt (prưk) để dập sợi, tạo nên những tấm vải đẹp mắt và tinh xảo.

Khung dệt khổ rộng mà Krah Kaong thường sử dụng là một công cụ đặc biệt với sự tinh tế trong thiết kế. Được làm từ gỗ với bốn cọc nhỏ, mỗi cọc hỗ trợ một phần của khung, loại khung này cho phép sự lắp ghép linh hoạt các bộ phận, tạo nên một công cụ mạnh mẽ và chính xác. Khi dệt, sợi chỉ được mắc theo thao tác vòng tròn, liên tục lặp lại cho đến khi tạo thành một mặt sợi dọc hoàn chỉnh trên khung móc chỉ. Để đảm bảo sự đồng đều và chính xác, người thợ dệt phải đếm kỹ từng sợi chỉ, tránh tình trạng thừa hoặc thiếu làm lệch bố cục vải.

Ngay từ đầu, người thợ đã sắp xếp các sợi chỉ theo một công thức màu sắc cụ thể, tạo nên các hoa văn tinh xảo trên mặt tấm dệt. Hoa văn Chăm thường thể hiện những hình ảnh như bingu tamun (hoa văn quả), binngu jal (mắc lưới), bingu hareh (cây leo), bingu tuk hop (hình hộp), và bingu kamang (hột lúa nổ) với nhiều gam màu trên nền đen, trắng, đỏ. Khi hoàn tất, sản phẩm được tháo ra khỏi khung dệt, và khung trở lại hình dáng ban đầu với các bộ phận tách rời.

Quá trình dệt trên khung vải khổ rộng danưng mưnhim aban khan diễn ra với các thao tác chính. Người thợ dệt sử dụng hai tay để cầm các dụng cụ như bar bingu, bar cakauw nhằm tách mặt sợi, thực hiện thao tác bắt bông (pok bingu), luồn dao dệt (pruk), và đưa con thoi (tanraun) vào vị trí để dập sợi. Hai động tác cơ bản trong kỹ thuật dệt là "pôk" và "thỏ". "Pôk" là động tác lách ngang pruk giữa hai lớp sợi, rồi lật nghiêng lưỡi khoảng 90 độ, tiếp theo luồn thoi chỉ từ trái sang phải và rút dao dệt ra ngoài. Sau đó, luồng pruk vào giữa mặt sợi một lần nữa và đập mạnh để sợi ngang chỉ được ép chặt. Động tác "thỏ" là tiếp tục luồn thoi chỉ theo chiều ngược lại từ phải sang trái. Hai thao tác này được lặp đi lặp lại cho đến khi hoàn thành chiều dài của tấm dệt.

Thời gian dệt một tấm vải có thể kéo dài từ hai đến ba ngày, tùy thuộc vào mức độ cầu kỳ và phức tạp của sản phẩm. Hiện tại, Krah Kaong đang thực hiện kỹ thuật dệt Songket truyền thống để tạo ra một tấm khan ikat, dự định dâng tặng cho nữ thần Po Nagar, thể hiện sự tôn kính và tinh hoa của nghệ thuật dệt Chăm.

Dệt Songket bao gồm hai giai đoạn chính: dệt vải nền cơ bản và dệt hoa văn trang trí. Đầu tiên, vải nền được dệt trơn, sau đó các sợi vàng, bạc hoặc lụa sáng bóng được chèn vào theo họa tiết cụ thể, tạo nên hiệu ứng lấp lánh trên nền vải tối màu. Phương pháp này gọi là "hệ thống dệt khảm". Songket truyền thống thường là công việc bán thời gian của các cô gái trẻ và phụ nữ lớn tuổi, không chỉ để tạo ra sản phẩm đẹp mà còn để rèn luyện đức tính siêng năng, cẩn thận và kiên nhẫn.

Songket có nguồn gốc từ Đế chế Srivijaya và rất phổ biến tại Palembang, Sumatra, Indonesia. Truyền thuyết kể rằng songket bắt đầu từ những thương nhân Trung Quốc mang tơ và thương nhân Ấn Độ mang vàng, kết hợp chúng để tạo ra những sản phẩm tinh xảo. Songket không thể thiếu trong các sự kiện quan trọng như sinh nở, kết hôn và lễ tang của người Mã Lai ở Sumatra.

Có hai loại thiết bị dệt songket: thiết bị chính làm từ gỗ hoặc tre, và thiết bị hỗ trợ như dụng cụ kéo sợi, tạo họa tiết, chèn và nhặt sợi. Vật liệu bao gồm sợi bông hoặc tơ cho vải nền và sợi vàng, bạc hoặc tơ cho trang trí.

Kỹ thuật dệt songket bao gồm việc chèn sợi trang trí vào giữa các sợi ngang trong khi dệt. Có bốn kỹ thuật chính: liên tục, không liên tục, khảm và quấn. Trong kỹ thuật ikat, sợi được buộc theo họa tiết mong muốn trước khi nhuộm, sau đó dệt thành vải. Điều này tạo ra các hoa văn trên cả hai mặt của vải. Ikat được phân loại thành ikat dọc, ikat ngang và ikat đôi, tùy thuộc vào việc nhuộm sợi dọc, sợi ngang hay cả hai.

Sự "mờ" đặc trưng của ikat là kết quả của sự khó khăn trong việc căn chỉnh các sợi nhuộm để hoa văn xuất hiện chính xác. Sự mờ có thể giảm bớt bằng cách sử dụng sợi mịn hơn hoặc kỹ năng của thợ dệt. Các mẫu ikat phức tạp và nhiều màu thường đắt hơn nhưng cũng được đánh giá cao bởi các nhà sưu tập.

Ngoài ra, người Chăm cũng dệt vải không sử dụng sợi vàng, mà chỉ dùng sợi tơ nhuộm màu. Hai loại phổ biến là Ikak Pangan (cột dọc) và khan ikak (váy ikak). Loại này đòi hỏi phải cột sợi ngang trước khi nhuộm và xỏ từng sợi vào khung dệt, tạo ra các hoa văn độc đáo.

***

Trong căn phòng ngủ đơn sơ chỉ có một cái giường lớn với chiếc chăn cũ kỹ, Muk Wan thì ngồi trên giường, đang sắp xếp những chiếc khăn và vải được thêu trang trí cho lễ hội Mbang Kate sắp tới. Còn Ong Kri đang ngồi bên cạnh, lặng lẽ xem xét các vật dụng cần chuẩn bị.

"Bà Muk Wan, có vẻ như còn rất nhiều việc phải làm. Chúng ta đã chuẩn bị đầy đủ chưa? Đại lễ Mbang Kate chỉ còn hai ngày nữa!" - Ong Kri thì thầm, tay vuốt nhẹ lên chiếc khăn thêu.

"Chúng ta đã làm việc rất chăm chỉ, nhưng vẫn còn vài việc cần hoàn thành. Đầu tiên, phải chắc chắn rằng tất cả lễ vật cúng dường đã sẵn sàng. Chúng ta cần chuẩn bị những món quà truyền thống như xôi, bánh, và hoa tươi! Tôi đã chuẩn bị sẵn một số loại hoa đặc biệt, nhưng cần kiểm tra lại để đảm bảo chúng vẫn tươi đẹp vào ngày lễ!" - Muk Wan nhìn chồng, giọng thủ thỉ nhẹ nhàng.

Ong Kri mỉm cười nhẹ, nắm lấy tay vợ mình mà vỗ về: "Muk Wan, bà luôn chu đáo như vậy. Tôi cảm thấy yên tâm khi có bà bên cạnh!"

Nhưng có vẻ bà vẫn còn một tí lo ngại, bà thở dài gấp khăn để sang một bên rồi nói tiếp: "Tôi đã nhận được tin từ Cak Tanuh rằng có một số vấn đề cần giải quyết liên quan đến Jorani. Con bé sẽ tham gia đại lễ này, nhưng cần được hướng dẫn kỹ càng về các nghi thức!"

Ong Kri nhìn bà Muk Wan với sự thông cảm, ánh mắt đầy sự động viên: "Vậy thì chúng ta sẽ tổ chức buổi hướng dẫn cho Jorani vào ngày mai. Chúng ta sẽ làm mọi thứ có thể để con bé cảm thấy mình là một phần của cộng đồng. Điều này không chỉ giúp Jorani cảm thấy thoải mái hơn mà còn thể hiện lòng hiếu khách của chúng ta!"

"Ừm, vậy thì chúng ta sẽ làm việc cùng nhau để đảm bảo rằng đại lễ Mbang Kate sẽ diễn ra thành công và trọn vẹn!" - Bà Wan cười, sau đó soạn ra thêm một vài món đồ từ trong rương đặt bên dưới gầm giường.

Trước khi ngủ, họ còn nói thêm một vài chuyện quan trọng, nhưng những lời nói thủ thỉ đã bị tiếng mưa dông lấn át.

=======

CHÚ THÍCH:

[∮] Tài liệu chương trước: Military of the Kingdom of Champa (Wiki).

Một số loại vũ khí của người Champa. (Hình minh họa bên dưới)

Một số loại áo giáp người Champa ở thế kỷ 12. (Hình minh họa ở dưới)

[∮] Tước hiệu Raja-dhi-raja (Hindi: राजाओं का राजा) (từ năm 192 - 1474) có nghĩa là "Vua của các vua", tương đương với "King of Kings" trong tiếng Anh và "Quốc vương của các Quốc vương" trong văn hóa chữ Hán. Tước hiệu Po-tana-raya (Hindi: भूमि का स्वामी) thay thế từ năm 1474, có nghĩa là "Vua của mọi lãnh địa". Tước hiệu này phản ánh sự chuyển biến từ quân chủ tập quyền sang phân quyền. Các tiền tố như Jaya (जय / 勝利 / "Thắng lợi"), Maha (महा / 偉大 / "Vĩ đại"), và Sri (श्री / 聖 / "Đấng thánh") thường được sử dụng. Hậu tố -varman (वर्मा / "Tấm khiên") chỉ các nhà lãnh đạo liên minh quốc gia Champa.

[∮] Indrapura (chữ Phạn: इन्द्रपुरम् / Lôi-điện thành) là thành quốc tồn tại từ 657 - 1471 và là kinh đô Champa từ 875 - 982, tương ứng với làng Đồng Dương, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam hiện nay.

[∮] Đế quốc Khmer, hay còn gọi là Đế quốc Angkor, tự gọi mình là Kambuja (tiếng Phạn: កម្ពុជ) hoặc Kambujadeśa (tiếng Phạn: កម្ពុជទេស), là những tên tiền hiện đại của Campuchia.

[∮] Kshatriya (tiếng Hindi: क्षत्रिय) là tầng lớp quân sự, bao gồm các lãnh đạo quân sự và chiến sĩ, có nguồn gốc từ tiếng Phạn kṣatra (quyền lực).

[∮] Phương pháp dệt và công cụ dệt tham khảo từ "Nghề dệt cổ truyền của người Chăm" - Sakaya (NXB Văn Hóa Dân Tộc Hà Nội - 2003) trên thuvienbinhthuan.com.vn.

[∮] Songket là vải thổ cẩm truyền thống của Brunei, Indonesia, Malaysia, và Singapore, dệt từ lụa hoặc cotton với chỉ vàng hoặc bạc. Tên "songket" từ tiếng Mã Lai "sungkit," nghĩa là "móc". Songket có nguồn gốc từ vương quốc Sumatra, đặc biệt là Srivijaya, và thường được sử dụng trong các dịp lễ truyền thống và trang phục nghi lễ.

[∮] Ikat là từ tiếng Indonesia chỉ vải dệt bằng cách buộc sợi chỉ trước khi nhuộm và đan xen. Tên gọi liên quan đến việc "buộc" (ikat) sợi chỉ.

~*~

Tâm sự của tác giả: Trong quá trình viết và tìm hiểu qua các tài liệu, mình vẫn còn nhiều sai lầm và những thiếu sót không thể né tránh, vì vậy các bạn có thể đóng góp ý kiến để giúp mình hoàn thiện hơn câu chuyện này! Xin được cám ơn nhiều ạ!

Và có thể mình sẽ chỉnh sửa liên tục ở các chương nếu như mình tìm ra tài liệu, hình ảnh và thông tin chuẩn xác hơn.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro