Chương 4: Tiềm Tàng Chập Chờn, Cận Kề Rình Rập

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Hôm nay Jorani thức dậy từ rất sớm, là khi mặt trời còn chưa ló dạng. Gió sáng se lạnh thổi qua khung cửa sổ nhỏ, mang theo mùi thơm thoang thoảng của những đóa hoa rừng vừa nở. Trong căn nhà nhỏ bằng tre nứa, không khí yên bình và tĩnh lặng. Cô đã khôi phục trạng thái của mình sau một giấc ngủ ngon, nhưng cô không ngờ rằng Krah Kaong đã dậy từ trước, tiếng kẽo kẹt của khung cửi vang lên nhịp nhàng, hòa lẫn với tiếng chim hót đầu ngày.

Jorani mở then cài cửa để bước ra ngoài, và ánh mắt cô ngay lập tức chạm phải Krah Kaong đang miệt mài với công việc dệt vải. Nắng ban mai mờ nhạt chiếu qua khe cửa, soi sáng lên khuôn mặt trầm tư của Krah Kaong, làm nổi bật nụ cười dịu dàng nhưng có phần ái ngại. Vì cô ấy cho rằng Jorani vẫn còn giận mình.

Khi thấy Jorani, Krah Kaong ngước mắt lên, nở một nụ cười nhẹ: "Chào buổi sáng, Jorani!"

"Chị, hôm nay em muốn ra chợ với Muk Wan. Chị có cần gì để em mua cho? Hay chị có sấp vải nào muốn bán, cứ đưa cho em nhé!" - Jorani đáp lại bằng một nụ cười tươi, đôi mắt sáng lấp lánh như mặt hồ phản chiếu ánh bình minh. Cô muốn xua tan đi cái trạng thái ngột ngạt giữa hai người.

Krah Kaong ngừng tay rồi đứng lên, lấy trên bàn một xấp thổ cẩm đã dệt xong xuôi, trao cho Jorani: "Giúp chị bán nhé, được bao nhiêu thì em cứ giữ lấy mà dùng!" Giọng nói của Krah Kaong trầm ấm, đầy suy tư. Cô đã suy nghĩ kỹ, càng ngày càng quý mến Jorani, không muốn làm khó dễ hay gây tổn thương cho cô bé. Nên chắc là cô sẽ nói lại chuyện ngừng thử thách cô bé với cha mẹ.

Jorani trố mắt ngạc nhiên hỏi: "Như thế làm sao được hả chị?" Sau một chút ngập ngừng, cô tiếp lời, giọng chân thành như để giải thích rõ ràng hơn: "Em đã ở nhờ nhà chị, đến ân tình đó còn chưa kịp đáp đền, làm sao lại có thể lợi dụng thêm được? Em ngoài ăn uống, ngủ nghỉ thì chỉ quanh quẩn dạo chơi, cả ngày không làm gì cũng thấy mình vô dụng rồi, thực sự không cần tiền đâu ạ! Nhưng chị cứ yên tâm, em sẽ giúp chị bán mấy sấp vải này... Bán được bao nhiêu thì em gửi lại chị. Với lại, hôm nay em cũng định mang vài thứ ra chợ để trao đổi, biết đâu lại tìm được cái gì thú vị!"

"Ừm tùy em thôi!" - Krah Kaong cũng không gượng ép Jorani, cô bảo Jorani mau chuẩn bị rồi sang nhà tục để dùng cơm với cha mẹ.

Không khí trong lành của buổi sáng sớm ngập tràn, tiếng dệt vải của khung cửi lại tiếp tục vang lên. Âm thanh thoi dệt chuyển động nhanh và dứt khoát, lao qua các sợi chỉ dọc với một âm thanh "vút" nhẹ nhàng. Mỗi khi thoi dệt xuyên qua, tay Krah Kaong lại khéo léo kéo cần đẩy mạnh vào sợi chỉ, tạo nên một âm thanh trầm đục "cạch" khi hai thanh gỗ chạm vào nhau, siết chặt sợi chỉ vào nhau, tạo nên sự chặt chẽ cho từng mũi dệt.

Nhịp điệu này liên tục, lặp đi lặp lại, mỗi động tác đều có sự phối hợp nhịp nhàng giữa tay và chân. Đôi lúc, Krah Kaong dừng lại một chút, cúi xuống điều chỉnh các sợi chỉ bị lệch. Đôi tay cô ấy thoăn thoắt, miệng nhẩm một vài câu hát dân ca, giọng hát nhỏ nhẹ vang lên trong không gian, hoà quyện với tiếng cọt kẹt của khung cửi, tạo thành một khúc ca đời thường đầy tình cảm.

Krah Kaong sực nhớ nên tiếp lời: "À, chị quên mất, chị cần em mua mấy loại sau để nhuộm tơ!"

Jorani vội lấy quyển sổ nhỏ của mình ra ghi chép, đôi mắt cong cong, chăm chú nghe Krah Kaong liệt kê: màu xanh từ chàm, màu đen từ quả muông, màu vàng từ cây jưng, màu đỏ từ lõi cây pan... Cô vừa ghi vừa cười tủm tỉm, vẻ mặt rạng ngời thích thú. Không khí trở nên thoải mái hơn, ánh nắng len lỏi qua khe cửa, chiếu lên những dòng chữ viết vội vã nhưng đầy tỉ mỉ.

***

Sau khi ăn sáng xong, Jorani cùng Muk Wan ra chợ.

Trời còn sớm, ánh nắng nhẹ nhàng phủ lên những con thuyền nhỏ neo đậu dọc bờ sông Ea-Dran. Gió nhẹ lùa qua những bụi lau sậy, thổi mát rượi vào mặt, mang theo hương vị mặn mòi của biển cả hòa lẫn với mùi hương cỏ lau nơi bờ bãi.

Bến thuyền đông đúc với người qua lại, tiếng nói cười rộn rã vang lên khắp nơi. Một dãy thuyền buôn neo đậu sát mép sông, chất đầy những thúng nứa đựng cá, mực, tôm, cua tươi roi rói. Tiếng sóng nước vỗ nhẹ vào mạn thuyền, tiếng gọi nhau í ới kèm theo nụ cười tươi roi rói, họ rao chào mời hàng trong tâm trạng hồ hởi, vui tươi. Những người đàn bà, đàn ông trong trang phục truyền thống, đang hăng hái chèo chống, bốc dỡ hàng hóa bên bến.

Chợ đông đúc từ sáng sớm, náo nhiệt với những gian hàng san sát nhau được dựng tạm bằng những tấm lá dừa khô và cột tre nứa. Người dân Chiêm Thành đủ mọi lứa tuổi, từ các bà các cô quấn khăn đội thúng, các ông lão mặc khố, áo chẽn, đến đám trẻ con đầu trần chân đất nói chuyện bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau hòa quyện vào nhau tạo nên một bản hòa tấu đặc sắc, làm cho chợ sáng càng thêm phần nhộn nhịp.

Khắp nơi bày bán những mặt hàng đặc trưng của người Chiêm Thành: nào là đồ gốm thô mộc với những họa tiết khắc nổi tinh xảo, những tấm vải thổ cẩm sặc sỡ dệt bằng tay, những khay đựng đầy hương liệu và gia vị đủ màu sắc, mùi thơm ngào ngạt. Tiếng rao bán hàng của những người phụ nữ, hay những đàn ông mời gọi bằng cả tiếng mẹ đẻ lẫn tiếng ngoại bang.

"Ớ! Lại đây mua hương liệu, gia vị nè!"

"Nước mắm, mắm ruốc thơm ngon đây!"

"Rượu nếp mới ủ đây, uống một ly, khoan khoái cả người!"

Ở một góc khác, một nhóm thương nhân từ xa đến, có người Mã Lai, có người Trung Hoa, lại có cả những người Java,... Họ mặc đủ loại trang phục đặc sắc, đứng quây thành nhóm, trao đổi, mặc cả, chào bán các loại hàng hóa lạ mắt.

Những thương nhân này tụ tập thành từng nhóm, đứng quây quần trong những khu vực riêng biệt nhưng không cách xa nhau. Ánh sáng mặt trời chiếu sáng qua mái che, làm cho các màu sắc của trang phục thêm phần nổi bật. Các tiếng nói râm ran, tiếng cười nói, và âm thanh của thương thảo làm cho không khí trở nên sống động và sôi nổi.

Một người Mã Lai, với chiếc áo dài xanh lục và khăn xếp thêu tinh xảo, đang chỉ tay vào một đống hàng hóa đầy màu sắc trên mặt đất. Anh ta nói với giọng rổn rảng, vẫy tay gọi người qua đường: "Hãy lại đây xem đi! Những chiếc vòng cổ và đồ trang sức này đều là sản phẩm tuyệt vời từ những nghệ nhân tài ba của chúng tôi. Đảm bảo chất lượng, giá cả phải chăng!"

Bên cạnh đó, một người Trung Hoa, với bộ áo bào đỏ thẫm và mũ tiểu mạo (小帽), đang đứng cạnh một bàn hàng bày đầy các loại trà và dược liệu. Anh ta cất giọng nhẹ nhàng, nhưng chắc chắn: "Những loại trà này đều được tuyển chọn từ những vùng núi nổi tiếng. Một lần nếm thử, bạn sẽ cảm nhận được sự khác biệt!"

Trong khi đó, một người Java, với bộ trang phục màu vàng tươi và khăn quấn đầu trang trí công phu, đang mời chào hàng hóa của mình với nụ cười tươi rói: "Hãy thử xem những món ăn vặt đặc sản của chúng tôi. Đây là món bánh nướng truyền thống, hương vị không thể tìm thấy ở đâu khác!"

Một người mua hàng, với ánh mắt trầm tư, bước đến gần nhóm thương nhân Mã Lai, hỏi: "Các anh có thể cho tôi biết nguồn gốc của những món đồ này không? Tôi đang tìm những thứ đặc biệt cho bộ sưu tập của mình..."

Người Mã Lai mỉm cười, cúi đầu lịch sự: "Tất cả đều là hàng thêu dệt thủ công, được làm từ tay những nghệ nhân lành nghề. Mỗi món hàng đều có câu chuyện và ý nghĩa riêng, từ những hòn đảo xa xôi của chúng tôi!"

[...]

Những người thương nhân từ các vùng đất khác nhau mang đến một sự hòa quyện văn hóa phong phú. Họ không chỉ buôn bán hàng hóa, mà còn đang trao đổi những câu chuyện, phong tục và truyền thống của quê hương mình.

Xuyên lách qua dòng người, Jorani cùng Muk Wan đến sạp hàng của bà giữa chợ. Jorani khéo léo dỡ từng thúng lớn xuống khỏi gánh, đặt chúng ngay ngắn trên nền sạp hàng. Bà Muk Wan bắt đầu lau chùi từng quả dưa hấu bằng chiếc khăn sờn cũ nhưng sạch sẽ. Jorani hỗ trợ bà bằng cách sắp xếp dưa hấu thành những hàng ngay ngắn, giúp bà kiểm tra từng quả.

Khi sạp hàng đã sẵn sàng, bà Muk Wan bắt đầu chào mời khách qua lại bằng một giọng nói ấm áp, thân thiện. Bà đứng trước sạp hàng, đưa tay ra vẫy chào và kêu gọi: "Ôi, dưa hấu ngon đây! Dưa hấu mới hái, ngọt lịm, tươi rói, ai muốn thưởng thức nào? Hãy đến chọn cho mình một quả dưa ngọt nhất!"

Giọng bà đầy sự niềm nở, tiếng gọi mời hòa lẫn với tiếng ồn ào của chợ. Những người quen biết đi qua, nghe tiếng chào mời liền tấp vào sạp hàng, trao đổi chuyện trò với bà Muk Wan.

"Chao ôi, Muk Wan! Hôm nay dưa hấu nhìn ngon quá, chắc chắn phải ngọt lắm đây!" - Một ông lão tóc bạc, râu dài, thường xuyên đến chợ mua hàng, bước lại gần. Ông cười rạng rỡ, gật gù.

Bà Muk Wan cười tươi, trả lời bằng giọng đầy tự hào: "Ôi, cảm ơn ông! Dưa hấu mới hái, ngọt lắm! Hãy thử một quả, ông sẽ thấy!"

Một người phụ nữ trung niên, gương mặt hồng hào và tươi tắn, cũng dừng lại bên sạp hàng. Bà ta chào hỏi với nụ cười rộng mở: "Bà Muk Wan, hôm nay dưa của bà thế nào? Có ngọt không? Hay bà lựa giúp tôi một trái nào! Là trái nào nhiều nước một chút! Có thể bổ ra để tôi nếm thử không?"

Bà Muk Wan mời khách nếm thử một miếng dưa hấu nhỏ: "Ngọt lắm chị ơi! Dưa hấu của tôi mới hái sáng nay, chắc chắn sẽ làm hài lòng chị. Dưa này chính là từ vườn nhà tôi, đảm bảo là ngọt ngon, chị thử xem!"

"Bà Muk Wan, bà thật khéo chăm sóc dưa. Mỗi lần đến đây tôi đều thấy dưa của bà ngon hơn mọi khi!"

"Ôi, cảm ơn ông! Để tôi chọn cho ông quả dưa ngọt, để ông thưởng thức nhé!" - Bà Muk Wan nói, tay chọn những quả dưa ngon để bán cho khách quen.

"Muk Wan, hôm nay bà có dưa ngon thế này, chắc chắn sẽ hút khách lắm đây. Hôm qua tôi đã phải bán hàng vất vả lắm mới hết mớ hàng của mình." - Bà Săp, người bán đồ khô gần đó, nháy mắt với bà Muk Wan. Bà Muk Wan bật cười, trả lời: "Nào đến mức đó, chị nói quá lời rồi! Tôi cũng chúc cho chị hôm nay buôn may bán đắc nhé!"

Sau khi Jorani phụ Muk Wan dọn hàng trên sạp, Jorani quay sang bà Muk Wan, nở nụ cười đầy tự tin và nhẹ nhàng nói: "Mẹ Wan, con có thể đến chỗ mấy người Thiên Triều chơi hay không ạ?"

Bà Muk Wan gật đầu, ánh mắt ánh lên sự ân cần: "Con đi đi, Jorani. Cứ thoải mái, ở đây ta bán một mình cũng xuể rồi!" Jorani dạ vâng, rồi nhanh chóng bước qua con đường thênh thang tìm đến cửa hiệu của mấy người Trung Quốc.

Jorani trông thấy một người đàn ông Trung Hoa mặc áo dài thụng màu xanh đậm, đội mũ định tử kim (定子巾), khuôn mặt phúc hậu, miệng cười tươi, liền bước tới. Đó là Lý Quân Hồng, một thương nhân đến từ Trường An, quen mặt với hầu hết dân buôn nơi đây.

"Jorani, cô đến rồi à!" - Lý Quân Hồng gọi lớn, vừa nói vừa vẫy tay mời cô vào cửa hiệu. Cửa hiệu của anh ta được dựng bằng gỗ, cột kèo chắc chắn, mái ngói cong vút. Bên trong, những kệ gỗ được sắp xếp ngay ngắn, trưng bày đầy các loại dược liệu, từ rễ cây, thảo mộc khô đến những túi hương liệu thơm nức.

"Chào anh, Quân Hồng!" - Jorani đáp, vui vẻ nở nụ cười thân thiện. Cô nhanh nhẹn bày ra những lọ mỹ phẩm thủy tinh nhỏ xinh, bên trong chứa các loại tinh dầu thảo dược mà cô mới tinh chế: "Anh đưa cho phu nhân dùng thử nhé! Nếu thấy ổn, anh sang sạp nhắn với Muk Wan để bà ấy liên hệ với tôi. Tôi có thể làm thêm nhiều loại khác để anh bán!"

"Thật may quá, nương tử tôi đang mong có thứ này! Hương thơm thảo dược mà cô làm ra quả thực rất đặc biệt. Có mấy lần khách cứ hỏi nương tử, mà nàng chẳng biết nói làm sao? Hay cô bán lại công thức cho chúng tôi đi, đảm bảo để lại cho cô một cái giá hời! Khi trở về quê nhà, chúng tôi sẽ mở cửa hiệu kinh doanh!"- Anh ta cười sảng khoái, nụ cười tươi rói như nắng ban mai.

Jorani bật cười, lắc đầu khước từ: "Anh khéo buôn bán quá đấy. Nhưng tôi chỉ biết múa rìu qua mắt thợ, chẳng có bí quyết gì đâu!" Cô lấy ra quyển sổ tay bằng lá duối, mở ra một trang đã được viết kín bằng chữ Trung Quốc. - "Anh có thể chỉ cho tôi chỗ nào bán mấy thứ này không?"

Lý Quân Hồng nhìn vào quyển sổ, nhíu mày suy nghĩ rồi nói: "Hơi khó tìm đấy, nhưng tôi nghĩ có thể đợi chuyến tàu từ Amaravati về. Khoảng ba ngày nữa, cô quay lại đây, tôi sẽ để dành cho cô một ít!"

"Thật không? Vậy là anh cũng mở thêm chi điếm ở Amaravati à?" - Jorani tò mò hỏi. Lý Quân Hồng xua tay cười: "Không đâu, chúng tôi chỉ có vài bạn hàng ở đó thôi. May mắn là lần này họ lại có đúng mấy thứ cô cần..."

Bỗng từ ngoài cửa, hai người thanh niên Trung Quốc khác bước vào, tay ôm những bọc gói giấy dầu. Thấy Jorani, họ vui vẻ vẫy tay: "Ôi Jorani, lâu quá không gặp!"

"Chào anh Trương Đức, anh Lưu Văn, anh Lưu Hạo!" - Jorani chấp tay chào lại, nụ cười rạng rỡ. - "Mới có hai ba ngày mà, sao các anh lại bảo lâu không gặp?"

"Hôm nay cô muốn đổi gì với chúng tôi?" - Trương Đức hỏi, mắt ánh lên vẻ tinh nghịch. Lưu Hạo chen vào, giọng hồ hởi: "Đúng đó, khi nào cô mới mang khô đến nữa? Chúng tôi nhớ món mắm me cô làm quá! Hay cô có món gì mới không?"

Jorani suy nghĩ một lúc, rồi nhẹ nhàng đáp: "Hôm nay không có món mới. Nhưng nếu các anh muốn, tôi sẽ ghi lại vài công thức đặc sản người Chiêm Thành cho mọi người tham khảo!"

Lưu Hạo thích thú, khoái chí nói: "Hay hôm nào tôi bảo nương tử đến tìm cô để học hỏi thêm! Có được không Jorani?"

"Không tiện đâu ạ!" - Jorani lắc đầu. - "Lúc nào rảnh rỗi, tôi sẽ hỏi chị Krah Kaong để thêm vài món đặc sản cho mọi người!"

Jorani dọn dẹp đồ vào túi xách, nhận hà bao từ tay Hồng Quân, rồi quyết định rời khỏi tiệm: "Vậy thôi tôi đi về đây nhé!"

Chưa đi được bao xa, là vừa bước chân khỏi cửa hiệu, Jorani không tránh khỏi nghe thấy loáng thoáng những mẩu chuyện bàn tán râm ran của các thương nhân Trung Quốc, trao đổi với nhau những điều không mấy vui vẻ, dường như không hề bị ngắt quãng bởi bất kỳ ai.

Lý Quân Hồng cất giọng hạ thấp, mang theo sự châm biếm: "Nghe đâu ở vùng vịnh Mon gần đây có tình hình không ổn. Có kẻ nào đó từ những vùng đất xa xôi, mà sắc diện chẳng khác gì những thương nhân giàu có ở các vùng biển phương Nam, đang làm loạn..."

Trương Đức tiếp tục, với ánh mắt như thể đang nhớ lại những câu chuyện cũ: "Có người kể rằng bọn cướp đã cướp một thương thuyền của người Chiêm, làm cho cả bến cảng rối loạn. Và không lâu sau, chúng lại xâm nhập vào các chuyến hàng của người Java. Bọn chúng không chừa một nơi nào, như thể muốn biến toàn bộ vùng biển này thành thuộc địa của chúng!"

"Quả thật, bọn cướp này ngày càng mạnh tay... Nhưng thực ra chúng chỉ là những kẻ mạo hiểm chờ đợi để gây rối! Những thương nhân giàu có như chúng ta, chỉ cần thả một ít bạc là có thể bảo vệ được tài sản. Tình hình căng thẳng đến đâu, vẫn luôn có cách giải quyết!" - Lưu Văn thêm vào, giọng điệu pha chút châm biếm.

Trương Đức nhướng mày, với nụ cười nhẹ nhõm trên môi: "Đúng thật, những kẻ ấy chỉ là những người không đáng lo ngại đâu... Miễn sao chúng ta chắc chắn có tiền lót tay để giải quyết mọi chuyện. Dẫu sao, nơi này có rất nhiều của cải để trao đổi!"

Lý Quân Hồng cười khẩy: "Có lẽ bọn cướp thấy rằng vùng biển Kauthara là miếng mồi ngon, nên muốn mở rộng quyền lực! Sắp đến đại lễ Mbang Katé, đức vua và hoàng thân sẽ tụ hợp về đây đông đủ! Mọi chuyện sẽ ổn thỏa thôi, những kẻ lăm le cướp bóc chắc chắn sẽ rút lui sớm!"

Họ bàn luận về tình hình với vẻ mặt như thể chỉ là một trò tiêu khiển, không có chút lo lắng thực sự nào. Những thương nhân này, dù đang đàm tiếu về sự bất ổn, nhưng ánh mắt họ lại lấp lánh ánh sáng của sự thờ ơ, như những kẻ đang chơi vơi giữa biển cả mà không hề bị sóng gió cuốn trôi. Dù tình hình có vẻ nghiêm trọng, nhưng với sự giàu có, họ dường như đã chuẩn bị sẵn những cách để bảo vệ bản thân khỏi mọi rủi ro. Mỗi câu chữ của họ như một lớp mành mỏng che chắn cho sự bình yên giả tạo, và bên dưới sự bình thản ấy là một lòng tin vững chắc rằng tiền bạc có thể giải quyết mọi vấn đề.

***

Jorani lượn lờ một vòng quanh chợ, lẫn thẫn đi tìm mấy thứ để làm màu thực vật cho Krah Kaong, cũng tìm kiếm những món đồ còn thiếu. Còn dự định trở về sạp hàng của bà Muk Wan lấy mấy sấp vải đem bán. Bỗng nhiên giữa dòng người đông đúc, cô vô tình va phải một nhóm người không chịu nhường lối, mà nghênh ngang chen lấn, khiến tất cả đồ đạc trên tay cô rơi xuống đất.

Bọn họ chính là nhóm khách đến Srivijaya mà hôm qua cô đã bắt gặp khi đứng nói chuyện với Kong-Kae. Bọn họ không hề có ý định giúp đỡ, chỉ thản nhiên bước qua đống đổ tháo, đáy mắt không hề nhượng bộ.

Một người trong số họ, mặt mày nhăn nhó, có vẻ ngoài cục cằn, cất tiếng lầm bầm mắng chửi: "Nhìn đi đâu vậy, bị mù hả? Mở banh con mắt ra mà nhìn đường đi!" - Giọng nói của hắn đầy vẻ tức giận và ngạo mạn, như thể Jorani là kẻ có lỗi. Những lời chửi rủa ấy khiến cô cảm thấy lúng túng, nhưng không thể không nhận thấy dáng vẻ lấm lét, trạng thái chột dạ, gấp gáp như có việc gấp. Sau đó bọn họ dùng dằng bỏ đi.

Sự hối hả của họ thể hiện rõ ràng trong bước chân dồn dập. Họ không hề chú ý đến ánh mắt tò mò và lo lắng của những người xung quanh, chỉ tập trung vào một mục tiêu nào đó, như thể thời gian là thứ quý giá mà họ không thể lãng phí.

Jorani cúi người xuống, cố gắng nhặt lại đồ đạc. Sổ lá buông của cô bị dẫm dơ, nên cô cầm lên phủi phủi sau đó nhét vào túi vải. Nào ngờ cô lại vô tình nhặt được món đồ của bọn người kia đánh rơi, là thứ ống đựng nhỏ tầm đầu ngón tay bằng trúc, bên trong có một mảnh giấy cuộn tròn, ghi bằng ngôn ngữ kì quái tựa như ám hiệu bí ẩn.

Cô đoán được đây có thể là chứng cứ hoặc manh mối nào đó...

Bất ổn.

Jorani nhanh chóng bỏ đồ vào túi của mình rồi chạy đến sạp của Muk Wan, tâm trạng cô càng thêm thấp thỏm, nhưng ngoài mặt vẫn tỏ vẻ điềm nhiên như không có gì.

Chưa đầy nửa tiếng sau, tiếng ồn ào của đám người Srivijaya vang lên khắp chợ. Họ tìm kiếm với sự khẩn trương, lục soát từng góc nhỏ của khu chợ. Jorani cảm thấy căng thẳng khi nghe thấy tiếng bước chân và giọng nói lo lắng của họ gần kề. Cô lén lút đến góc bên trái, nơi có bội gà của Ông Kăm để tìm chỗ nấp. Cô núp dưới bội gà, tim đập thình thịch.

Trong khi cô đang cố gắng giữ bình tĩnh, đột nhiên, một bàn tay đặt lên vai cô từ phía sau, khiến Jorani giật nảy mình. Hơi thở của cô như bị chặn lại, khuôn mặt thoáng chốc trở nên trắng bệch. Cô quay lại, ánh mắt mở to, đối diện với người đứng sau mình.

Là ai!?

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro